BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT : BÀI 2. PHAOLÔ, VỊ TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC

Written by xbvn on Tháng Bảy 1st, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Ơn gọi, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư gởi tín hữu Galát hôm thứ Tư 30/6/2021, bàn về ơn gọi của thánh Phaolô, vị Tông đồ đích thực, được Thiên Chúa chọn gọi từ một người bách hại các Kitô hữu, giờ trở thành một Kitô hữu nhiệt thành loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người.

Nhìn vào ơn gọi của Phaolô là cơ hội để Đức Thánh Cha cho thấy « không có gì là ngẫu nhiên, vì mọi sự đã được chuẩn bị trong kế hoạch của Thiên Chúa », và qua đó để nhắc nhở chúng ta hôm nay : « Những nẻo đường của Chúa thật khôn dò khôn thấu ! Chúng ta nhận ra điều đó mỗi ngày, nhưng nhất là nếu chúng ta lại nghĩ đến những lúc Chúa gọi chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên thời gian và cách thức mà Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời của chúng ta : ghi khắc trong tâm hồn và trong tâm trí chúng ta cuộc gặp gỡ này với ân sủng, khi Thiên Chúa đã thay đổi cuộc sống chúng ta ».

Ơn gọi của thánh Phaolô cũng là cơ hội giúp ý thức về một chân lý đức tin Kitô giáo căn bản : « Sự trỗi vượt của ân sủng che lấp mọi tỗi lỗi, làm thay đổi tâm hồn, thay đổi cuộc sống, giúp chúng ta nhận thấy những nẻo đường mới mẻ ».

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta dần dần đi vào Thư gởi tín hữu Galát. Chúng ta đã thấy rằng các  Kitô hữu này xung đột với nhau về cách thức sống đức tin. Thánh Phaolô Tông đồ bắt đầu viết Thư này bằng cách nhắc nhở cho họ về các mối tương quan trong quá khứ của họ, về khó khăn do sự xa mặt cách lòng và tình yêu không hề thay đổi mà ngài dành cho họ. Thế nhưng, ngài không quên ghi nhận mối bận tâm của ngài để các tín hữu Galát có thể bước theo nẻo chính đường ngay : đó là mối bận tâm của một người cha, vốn đã sinh ra cộng đoàn trong đức tin. Ý định của ngài là rất rõ ràng : cần phải tái khẳng định sự mới mẻ của Tin Mừng, mà các tín hữu Galát đã nhận được từ lời rao giảng của ngài, để xây dựng căn tính đích thực qua đó làm nền tảng cho cuộc sống của mình. Và đó là bước khởi đầu : tái khẳng định tính mới mẻ của Tin Mừng, mà các tín hữu Galát đã nhận được từ vị tông đồ.

Lập tức chúng ta khám phá ra rằng Phaolô là một người hiểu biết sâu xa mầu nhiệm của Chúa Kitô. Từ đầu bức Thư, ngài không đi theo các lý luận thấp hèn mà những kẻ gièm pha ngài sử dụng. Vị Tông đồ « bay cao hơn » và cũng chỉ ra cho chúng ta làm thế nào cư xử khi các cuộc xung đột hình thành trong cộng đoàn. Quả thế, chỉ đến cuối bức Thư thì người ta mới  hiểu rằng cốt lõi của lời đả kích được khơi lên là việc cắt bì, và do đó là truyền thống chính của người Do Thái. Phaolô đã chọn đường đi sâu xa hơn, vì vấn đề là chân lý của Tin Mừng và sự tự do của người Kitô hữu, vốn là một phần không thể thiếu trong đó. Ngài không dừng lại ở bề mặt của các vấn đề, của các cuộc xung đột, như chúng ta thường bị cám dỗ làm như thế để tức khắc tìm ra một giải pháp vốn đem lại ảo tưởng làm cho mọi người thỏa hiệp chấp thuận. Phaolô yêu mến Chúa Giêsu và biết rằng Chúa Giêsu không phải là một con người-Thiên Chúa thỏa hiệp. Đó không phải là cách hành động của Tin Mừng và vị Tông đồ đã chọn đi theo con đường đòi hỏi nhất. Ngài viết như sau : « Vậy giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa ? ». Ngài không tìm cách làm hòa với mọi người. Ngài nói tiếp : « Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời ? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không còn là  tôi tớ của Đức Kitô nữa » (Gl 1,10).

Trước tiên, Phaolô cảm thấy có bổn phận nhắc cho các tín hữu Galát rằng ngài là một vị tông đồ đích thực, không phải do công trạng của ngài, nhưng do tiếng gọi của Thiên Chúa. Chính ngài kể lại câu chuyện ơn gọi và sự trở lại của ngài, trùng khớp với sự hiện ra của Chúa Kitô phục sinh trên đường ngài đi Damas (x. Cvtđ 9,1-9). Thật thú vị khi quan sát những gì ngài khẳng định về cuộc sống của ngài trước sự kiện này : « Chắc chắn anh em đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái : tôi đã quá hăng say bắt bớ và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi : hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông » (Gl 1, 13-14). Phaolô dám khẳng định rằng, trong Do Thái giáo, ngài vượt xa mọi người, ngài là một người Pharisêu nhiệt thành đích thực, « còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi » (Pl 3, 6). Hai lần ngài nhấn mạnh từng là một người bảo vệ « truyền thống cha ông » và là « người trung tín tuân giữ lề luật ». Đó là lịch sử của Phaolô.

Một mặt, ngài kiên trì nhấn mạnh rằng ngài đã bách hại Giáo hội cách khốc liệt và ngài từng là một « kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược » (1 Tm 1, 13), ngài không chừa tính từ nào : ngài tự gọi mình như thế -, mặt khác, ngài nhấn mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa đối với ngài, điều khiến ngài sống một sự biến đổi tận căn, mà mọi người đều biết đến. Ngài viết : « Lúc ấy, các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng : « Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông đã muốn hủy diệt » (Gl 1, 22-23). Ngài đã trở lại, tâm hồn ngài đã thay đổi. Như thế, Phaolô nhấn mạnh chân lý về ơn gọi của ngài xuyên qua sự tương phản đầy ấn tượng đã hình thành trong cuộc sống của mình : từ kẻ bách hại các Kitô hữu bởi vì họ không tuân giữ truyền thống và lề luật, ngài đã được kêu gọi trở thành tông đồ để loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta thấy rằng Phaolô là người tự do : ngài tự do loan báo Tin Mừng và ngài cũng tự do xưng thú tội lỗi của mình. « Tôi đã từng như thế » : chính chân lý mang lại sự tự do nội tâm, đó là sự tự do của Thiên Chúa.

Khi nghĩ lại lịch sử của mình, Phaolô tràn đầy ngạc nhiên và biết ơn. Như thể ngài muốn nói với các tín hữu Galát rằng ngài hẳn có thể là bất cứ điều gì ngoại trừ là một tông đồ. Ngài đã được giáo dục từ khi còn trẻ để trở thành một người tuân giữ Lề Luật Môisê không chê vào đâu được, và các hoàn cảnh đã dẫn ngài đến chỗ chống lại các môn đệ Chúa Kitô. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy đến : Thiên Chúa, bằng ân sủng của Người, đã mặc khải Người Con đã chết và phục sinh của Người cho ngài, để ngài trở nên người loan báo Người Con này cho dân ngoại (x. Gl 1, 15-16).

Những nẻo đường của Chúa thật khôn dò khôn thấu ! Chúng ta nhận ra điều đó mỗi ngày, nhưng nhất là nếu chúng ta lại nghĩ đến những lúc Chúa gọi chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên thời gian và cách thức mà Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời của chúng ta : ghi khắc trong tâm hồn và trong tâm trí chúng ta cuộc gặp gỡ này với ân sủng, khi Thiên Chúa đã thay đổi cuộc sống chúng ta. Bao nhiêu lần, trước những công trình vĩ đại của Chúa, một câu hỏi chợt đến với chúng ta : nhưng làm sao có thể được khi Thiên Chúa dùng một tội nhân, một con người mỏng giòn và yếu đuối, để thực thi thánh ý của Người ? Tuy nhiên, không có gì là ngẫu nhiên, vì mọi sự đã được chuẩn bị trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chính Người đã dệt nên lịch sử của chúng ta, lịch sử của mỗi người chúng ta : chính Người đã dệt nên lịch sử của chúng ta và nếu chúng ta tin tưởng đáp trả kế hoạch cứu độ của Người, thì chúng ta sẽ nhận ra điều đó. Tiếng gọi luôn bao gồm một sứ mạng được dành cho chúng ta ; đó là lý do tại sao chúng ta được yêu cầu chuẩn bị cách nghiêm túc, vì biết rằng chính Thiên Chúa sai chúng ta đi, chính Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta bằng ân sủng của Người. Anh chị em thân mến, hãy để ý thức này hướng dẫn chúng ta : sự trỗi vượt của ân sủng giúp biến đổi cuộc sống và làm cho nó xứng đáng được đặt để phục vụ Tin Mừng. Sự trỗi vượt của ân sủng che lấp mọi tỗi lỗi, làm thay đổi tâm hồn, thay đổi cuộc sống, giúp chúng ta nhận thấy những nẻo đường mới mẻ. Chúng ta đừng quên điều đó !

Tý Linh chuyển ngữ (phần Thánh Kinh: bản dịch CGKPV)

(theo vatican.va )

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31