BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT – BÀI 5. GIÁ TRỊ DẪN ĐƯỜNG CỦA LỀ LUẬT
« Chúng ta phải làm gì với các giới răn ? Chúng ta phải tuân giữ chúng, nhưng như là một sự trợ giúp để đến gặp Chúa Giêsu Kitô ». Đức Phanxicô hỏi và trả lời như thế, hôm thứ Tư ngày 18/8/2021, trong bài giáo lý thứ 5 về Thư gởi tín hữu Galát, liên quan đến « giá trị dẫn đường của Lề luật ».
Đức Thánh Cha mời gọi « tuân giữ các giới răn », nhưng đồng thời cho thấy chúng « không tuyệt đối ». Chúng có « giá trị tích cực » là « bảo vệ », « giáo dục », « kỷ luật », « nâng đỡ » sự yếu đuối của chúng ta, nhưng chúng không đủ sức « công chính hóa » chúng ta, điều mà chỉ mình Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta trong Thánh Thần của Ngài.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở : « Giáo huấn về giá trị của Lề luật này là rất quan trọng và đáng được cân nhắc kỹ lưỡng để không rơi vào những mơ hồ và thực hiện những bước sai lầm ».
Dưới đây là bài giáo lý thứ 5 của Đức Thánh Cha về Thư gởi tín hữu Galát:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Thánh Phaolô, người đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô và đã hiểu rõ ơn cứu độ là gì, đã dạy chúng ta rằng « những người con của lời hứa » (Gl 4, 28) – tức là tất cả chúng ta, được Chúa Giêsu Kitô công chính hóa – không còn sống dưới ách Lề luật nữa, nhưng được mời gọi hướng đến một phong cách sống đòi hỏi trong sự tự do của Tin Mừng. Thế nhưng, Lề luật tồn tại. Nhưng nó tồn tại theo một cách khác : cũng chính Lề luật, Thập Giới, những theo một cách khác, bởi vì nó không thể tự công chính hóa một khi Chúa Giêsu đã đến. Đó là lý do tại sao, trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn giải thích điều đó. Và chúng ta tự hỏi : theo Thư gởi tín hữu Galát, đâu là vai trò của Lề luật ? Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta đã nghe, thánh Phaolô quả quyết rằng Lề luật như một nhà giáo dục. Hình ảnh nhà giáo dục mà chúng ta đã nói đến trong buổi tiếp kiến chung mới đây là một hình ảnh đẹp, một hình ảnh đáng được hiểu trong ý nghĩa đúng đắn của nó.
Thánh Tông đồ dường như muốn gợi ý cho các Kitô hữu phân chia lịch sử cứu độ thành hai thời điểm, và cũng là lịch sử bản thân ngài. Có hai thời điểm : trước khi trở thành Kitô hữu trong Chúa Giêsu Kitô và sau khi lãnh nhận đức tin. Ở trung tâm là sự kiện cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, mà thánh Phaolô đã rao giảng để khơi dậy đức tin vào Con Thiên Chúa, nguồn mạch ơn cứu độ, và trong Chúa Giêsu Kitô chúng ta được công chính hóa. Chúng ta được công chính hóa bởi sự nhưng không của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, khởi từ niềm tin vào Chúa Kitô, có một « thời điểm trước » và một « thời điểm sau » đối với chính Lề luật, vì Lề luật tồn tại, các giới răn tồn tại, nhưng có một thái độ trước khi Chúa Giêsu đến và tiếp đến một thái độ khác sau khi Chúa Giêsu đến. Lịch sử trước đó được xác định bởi việc sống « dưới Lề luật ». Và người đi trên con đường Lề luật đã được cứu độ, được công chính hóa ; lịch sử sau đó – sau khi Chúa Giêsu đến – phải được sống bằng cách bước theo Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 25). Đó là lần đầu tiên thánh Phaolô sử dụng kiểu nói này : sống « dưới Lề luật ». Hàm ý bao gồm ý tưởng về sự nô lệ tiêu cực, điển hình của nô lệ : « sống dưới ». Thánh Tông đồng minh định rõ điều đó bằng cách nói rằng khi chúng ta sống « dưới Lề luật », thì chúng ta như « những kẻ bị giám sát » và « những kẻ bị nhốt kín », một kiểu giam giữ phòng ngừa. Thánh Phaolô nói, thời gian này đã kéo dài rất lâu – từ Môisê đến khi Chúa Giêsu đến -, và nó tồn tại mãi bao lâu chúng ta sống trong tội lỗi.
Mối tương quan giữa Lề luật và tội lỗi sẽ được thánh Tông đồ trình bày cách có hệ thống hơn trong Thư gởi tín hữu Rôma, được viết chỉ một vài năm sau Thư gởi tín hữu Galát. Tóm lại, Lề luật dẫn đến việc xác định sự vi phạm và làm cho con người ý thức về tội lỗi của họ : « Bạn đã làm điều đó, vì thế Lề luật – Thập Giới – nói điều này : bạn đang sống trong tội ». Vả lại, như kinh nghiệm thông thường đã dạy, giới luật rốt cục sẽ kích thích sự vi phạm. Ngài đã viết trong Thư gởi tín hữu Rôma như sau : « Vì trước đây, khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết trái đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta » (7, 5-6). Tại sao ? Bởi vì sự công chính của Chúa Giêsu Kitô đã đến. Thánh Phaolô nói rõ cái nhìn của mình về Lề luật : « Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề luật » (1Cr 15, 56). Một cuộc đối thoại : bạn đang sống dưới Lề luật, và bạn ở đó với cánh cửa mở ra cho tội lỗi.
Trong khung cảnh này, việc quy chiếu đến vai trò giáo dục của Lề luật đạt tới ý nghĩa của nó cách trọn vẹn. Nhưng Lề luật là nhà giáo dục, dẫn bạn đến đâu ? Đến Chúa Giêsu. Trong hệ thống học đường cổ đại, nhà giáo dục không có chức năng mà chúng ta gán cho họ hôm nay, tức là hỗ trợ giáo dục cho một bé trai hay bé gái. Trái lại, vào thời đó, họ là một người nô bộc có chức năng tháp tùng đứa con của ông chủ đến chỗ thầy dạy và tiếp đến đưa nó trở về nhà. Như thế, họ bảo vệ nó khỏi những nguy hiểm, giám sát nó để nó không có những hành xử không đúng đắn. Đúng hơn, chức năng của họ là kỷ luật. Khi đứa trẻ đã trưởng thành, nhà giáo dục ngừng chức năng của mình. Nhà giáo dục mà thánh Phaolô quy chiếu đến không phải là giáo viên, nhưng đó là người đồng hành đến trường, giám sát đứa trẻ và đưa nó về nhà.
Quy chiếu đến Lề luật bằng thuật ngữ này cho phép thánh Phaolô làm sáng tỏ chức năng mà Lề luật thực thi trong lịch sử dân Israel. Torah, tức Lề luật, là một hành vi cao thượng của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Sau khi chọn Abraham, hành vi cao cả khác đã là Lề luật : vạch ra con đường để tiến tới. Chắc chắn Lề luật có chức năng hạn chế, nhưng đồng thời nó đã bảo vệ dân, giáo dục, kỷ luật và nâng đỡ dân trong sự yếu đuối của họ, cách riêng bằng cách thực thi sự bảo vệ trước ngoại giáo ; đã có rất nhiều thái độ ngoại giáo vào thời đó. Torah nói : « Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Ngài dẫn đường chỉ lối cho chúng ta ». Một hành vi nhân từ của Chúa. Và chắc chắn, như tôi đã nói, nó có chức năng hạn chế, nhưng đồng thời nó đã bảo vệ dân, nó đã giáo dục dân, nó đã kỷ luật dân, nó đã nâng đỡ dân trong sự yếu đuối của họ. Đó là lý do tại sao, tiếp đến, thánh Tông đồ dừng lại ở việc mô tả giai đoạn tuổi thiếu niên. Và ngài nói như sau : « Bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ » (Gl 4, 1-3). Tóm lại, xác tín của thánh Tông đồ là Lề luật chắc chắn có một chức năng tích cực – và do đó như nhà giáo dục, để giúp tiến tới -, nhưng đó là một chức năng giới hạn trong thời gian. Chúng ta không thể kéo dài thời hạn của nó quá mức, vì nó gắn liền với sự trưởng thành của con người và với chọn lựa tự do của họ. Một khi chúng ta đạt tới đức tin, Lề luật sẽ chấm dứt giá trị dẫn đường của nó và phải nhường chỗ cho một thẩm quyền khác. Điều đó muốn nói điều gì ? Có phải khi Lề luật kết thúc, chúng ta có thể nói : « Chúng tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô và chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn ? » Không phải ! Các giới răn có đó, nhưng chúng không công chính hóa chúng ta. Đấng công chính hóa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải tuân giữ các giới răn, nhưng chúng không mang lại cho chúng ta sự công chính ; có sự nhưng không của Chúa Giêsu Kitô, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng công chính hóa chúng ta cách nhưng không. Công đức của đức tin là đón nhận Chúa Giêsu. Công đức duy nhất : mở rộng tâm hồn. Và chúng ta phải làm gì với các giới răn ? Chúng ta phải tuân giữ chúng, nhưng như là một sự trợ giúp để đến gặp Chúa Giêsu Kitô.
Giáo huấn về giá trị của Lề luật này là rất quan trọng và đáng được cân nhắc kỹ lưỡng để không rơi vào những mơ hồ và thực hiện những bước sai lầm. Sẽ giúp ích cho chúng ta nếu chúng ta tự hỏi liệu chúng ta còn đang sống trong giai đoạn mà chúng ta cần đến Lề luật không, hay trái lại, liệu chúng ta ý thức rõ mình đã nhận được ân sủng trở nên con cái của Thiên Chúa để sống trong tình yêu. Tôi đang sống như thế nào ? Trong sự sợ hãi mà, nếu tôi không làm điều đó, tôi sẽ sa hỏa ngục ? Hay có phải tôi đang sống bằng niềm hy vọng này, bằng niềm vui này về ơn cứu độ nhưng không trong Chúa Giêsu Kitô ? Đó là một câu hỏi hay. Và câu hỏi thứ hai cũng thế : có phải tôi coi thường các giới răn ? Không. Tôi tuân giữ chúng, nhưng chúng không là tuyệt đối, vì tôi biết rằng điều công chính hóa tôi là Chúa Giêsu Kitô.
Tý Linh
(theo vatican.va; trích dẫn Thánh Kinh: nhóm CGKPV )
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ