BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT – BÀI 8 : CHÚNG TA LÀ CON CÁI CỦA THIÊN CHÚA

Written by xbvn on Tháng Chín 8th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài giáo lý về Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát hôm 8/9/2021, Đức Phanxicô cho thấy rằng, đối với thánh Phaolô, niềm tin vào Chúa Kitô, qua phép Rửa, đã làm nên sự khác biệt và mang lại sự mới mẻ có tính cách mạng như thế nào cho đời sống Kitô hữu.

Quả thế, Đức Thánh Cha cho thấy phép Rửa làm cho các Kitô hữu mặc lấy Chúa Kitô và phẩm giá làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô, đồng thời giúp các Kitô hữu vượt qua những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo và xã hội để sống như anh chị em với nhau, « bởi vì mỗi người nam hay nữ, trong Chúa Kitô, đều là một thụ tạo mới. Mọi sự phân biệt trở nên thứ yếu so với phẩm giá làm con Thiên Chúa, Đấng, qua tình yêu của Ngài, đã thể hiện một sự bình đẳng đích thực và quan trọng.» 

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta tiếp tục hành trình đào sâu đức tin – đức tin của chúng ta – dưới ánh sáng Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát. Thánh Tông đồ kiên trì với các Kitô hữu này để họ đừng quên sự mới mẻ của mạc khải của Thiên Chúa đã được loan báo cho họ. Hoàn toàn đồng ý với thánh sử Gioan (x. 1 Ga 3, 1-2), thánh Phaolô nhấn mạnh rằng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đã cho phép chúng ta thực sự trở thành con Thiên Chúa và những người thừa tự của Ngài. Người Kitô hữu chúng ta thường coi là hiển nhiên thực tại làm con Thiên Chúa này. Trái lại, thật tốt khi luôn nhớ với lòng biết ơn về khoảnh khắc chúng ta đã trở thành con Thiên Chúa, khoảnh khắc chúng ta chịu phép Rửa tội, để sống hồng ân được lãnh nhận này với một ý thức lớn lao hơn.

Nếu hôm nay tôi hỏi : ai trong anh chị em biết ngày rửa tội của mình ?, thì tôi tin rằng sẽ không có nhiều tay đưa lên. Tuy nhiên, đó là ngày mà chúng ta đã được cứu rỗi, đó là ngày mà chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Bây giờ, ai không biết ngày rửa tội thì hãy hỏi cha đỡ đầu, mẹ đỡ đầu của mình, hỏi cha, mẹ, chú bác, o dì của mình : « Con đã được rửa tội khi nào ? » ; và mỗi năm nhớ lại ngày này : đó là ngày mà chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Đồng ý không ? Anh chị em sẽ làm như thế chứ ? [các tín hữu đáp : đồng ý !]. Đó là một tiếng « đồng ý » hả ? [cười] Chúng ta tiếp tục…

Quả thật, một khi  « niềm tin » vào Chúa Kitô « đến » (c.25), thì tình trạng mới mẻ tận căn giúp bước vào việc làm con Thiên Chúa được hình thành. Việc làm con mà thánh Phaolô nói đến không còn là việc làm con chung chung, vốn liên quan đến tất cả người nam và người nữ xét như là con cái của Đấng Tạo Hóa duy nhất. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta đã nghe, ngài khẳng định rằng đức tin cho phép làm con Thiên Chúa « trong Chúa Kitô » (c. 26) : đó là sự mới mẻ. Chính « trong Chúa Kitô » này làm nên sự khác biệt. Không chỉ con Thiên Chúa, như tất cả mọi người : tất cả người nam và người nữ chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả, không phân biệt tôn giáo. Không phân biệt. Nhưng « trong Chúa Kitô » là những gì làm nên sự khác biệt nơi các Kitô hữu và điều đó chỉ diễn ra trong việc tham dự vào ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và trong chúng nơi bí tích Rửa tội, nó bắt đầu như thế đó. Chúa Giêsu đã trở nên người Anh của chúng ta, và qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài đã giao hòa chúng ta với Chúa Cha. Ai đón nhận Chúa Kitô trong đức tin, qua phép Rửa tội, thì đã « mặc lấy » Ngài và phẩm giá làm con (x. c.27).

 

Trong các Thư của mình, thánh Phaolô nhiều lần quy chiếu đến phép Rửa. Đối với ngài, chịu phép Rửa tương đương với việc tham dự cách hữu hiệu và thực sự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, trong Thư gởi tín hữu Rôma, ngài thậm chí sẽ đi đến chỗ nói rằng, trong phép Rửa, chúng ta cùng chết với Chúa Kitô và được mai táng với Ngài để có thể sống với Ngài. Đó là ân sủng của phép Rửa : tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, phép Rửa không phải chỉ là một nghi thức bên ngoài. Những ai chịu phép Rửa đều được biến đổi các sâu xa, ở nơi sâu thẳm nhất của bản thân họ, và có một sự sống mới, chính là sự sống mà cho phép thưa với Thiên Chúa và cầu khấn danh Ngài « Abbà », nghĩa là « Bố ơi ». « Cha ơi » ? Không phải, « Bố ơi » (x. Ga 4, 6).

Thánh Tông đồ khẳng định cách mạnh bạo rằng căn tính được nhận lãnh nơi phép Rửa là hoàn toàn mới mẻ, đến độ trỗi vượt hơn những khác biệt tồn tại trên bình diện sắc tộc và tôn giáo. Ngài  giải thích điều đó như thế này : « Không còn Do Thái hay Hy Lạp » ; và cả trên bình diện xã hội : « Không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ » (Gl 3, 28). Chúng ta thường đọc những kiểu nói này quá hấp tấp, không hiểu giá trị có tính cách mạng mà chúng chứa đựng. Đối với thánh Phaolô, viết cho tín hữu Galát rằng trong Chúa Kitô, « không còn Do Thái hay Hy Lạp » tương đương với một sự lật đổ sắc tộc và tôn giáo thực sự. Người Do Thái, do sự kiện thuộc về dân tuyển  chọn, đã được ưu tiên so với dân ngoại (x. Rm 3, 17-20), và chính thánh Phaolô khẳng định điều đó (x. Rm 9, 4-5). Vì thế, không ngạc nhiên khi giáo huấn mới mẻ này của thánh Tông đồ có thể dường như lạc giáo. « Nhưng điều đó làm sao được, tất cả đều ngang bằng ? Chúng ta khác nhau ! ». Điều đó dường như hơi lạc giáo phải không ? Sự bình đẳng thứ hai cũng thế, giữa « tự do » và « nô lệ », mở ra những viễn cảnh gây bối rối. Đối với xã hội cổ đại, việc phân biệt giữa nô lệ và công dân tự do là rất quan trọng. Theo luật pháp, các công dân tự do được hưởng mọi quyền lợi, đang khi người ta không nhìn nhận ngay cả nhân phẩm của người nô lệ. Điều đó cũng đang xảy ra hôm nay : nhiều người, trên thế giới, nhiều người, hàng triệu người, không có quyền ăn uống, không có quyền học hành, không có quyền làm việc : đó là những nô lệ mới, đó là những người đang ở các vùng ngoại vi, bị mọi người khai thác. Ngày nay cũng thế, vẫn còn chế độ nô lệ. Chúng ta hãy nghĩ đến điều đó một chút. Chúng ta chối bỏ nhân phẩm nơi những người này, họ là nô lệ. Như thế, cuối cùng, sự bình đẳng trong Chúa Kitô vượt quá sự khác biệt xã hội giữa hai giới tính, khi thiết lập giữa người nam và người nữ một giao ước mang tính cách mạng lúc đó mà ngày nay cũng cần phải tái khẳng định. Ngày nay cũng cần phải tái khẳng định điều đó. Bao nhiêu lần chúng ta nghe những kiểu nói coi khinh người nữ ! Bao nhiêu lần chúng ta đã nghe : « Nhưng không, đừng làm gì cả, [đó là] chuyện đàn bà ». Nhưng người nam và người nữ có cùng phẩm giá, và cả ngày nay, trong lịch sử vẫn có một chế độ nô lệ phụ nữ : người nữ không có cùng cơ hội như người nam. Chúng ta phải đọc những gì thánh Phaolô nói : chúng ta bình đẳng trong Chúa Giêsu Kitô.

Như chúng ta có thể thấy, thánh Phaolô khẳng định sự hiệp nhất sâu xa giữa tất cả những người chịu phép Rửa, bất kể họ thuộc thân phận nào, dù là nam hay nữ, đều bình đẳng, bởi vì mỗi người nam hay nữ, trong Chúa Kitô, đều là một thụ tạo mới. Mọi sự phân biệt trở nên thứ yếu so với phẩm giá làm con Thiên Chúa, Đấng, qua tình yêu của Ngài, đã thể hiện một sự bình đẳng đích thực và quan trọng. Qua ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận, mọi người đều bình đẳng : đều là con cái của Thiên Chúa. Đều bình đẳng.

Thưa anh chị em, vì thế, chúng ta được mời gọi một cách tích cực hơn để sống sự sống mới vốn tìm thấy nơi việc làm con Thiên Chúa sự diễn tả nền tảng của nó. Bình đẳng bởi vì đều là con Thiên Chúa, và con Thiên Chúa bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã cứu chuộc chúng ta và chúng ta đã đi vào trong phẩm giá này qua phép Rửa tội. Đối với tất cả chúng ta hôm nay, thật cũng có ý nghĩa, việc tái khám phá vẻ đẹp làm con Thiên Chúa, làm anh chị em với nhau bởi vì được tháp nhập trong Chúa Kitô Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Những khác biệt và những tương phản tạo ra sự ngăn cách không được tồn tại giữa những người tin vào Chúa Kitô. Và một trong các thánh Tông đồ, trong Thư của thánh Giacôbê, đã nói : « Hãy coi chừng những thứ phân biệt, bởi vì anh em không công bằng  khi hội họp (tức là Thánh lễ), có người bước vào, tay đeo nhẫn vàng và áo quần lộng lẫy : « À, mời vào, mời vào ! » và họ mời người ấy ngồi vào chỗ danh dự. Rồi, nếu có một người khác đi vào, người nghèo, ăn mặc tồi tà, và người ta thấy người ấy nghèo : « được, được, anh ngồi đó, ở chỗ cuối đó » ». Những thứ khác biệt này, thông thường chính chúng ta tạo nên chúng, cách vô thức. Không, chúng ta bình đẳng. Đúng hơn, ơn gọi của chúng ta là làm cho lời kêu gọi hiệp nhất của toàn thể nhân loại trở nên cụ thể và rõ ràng (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, số 1). Tất cả những gì làm gia tăng những phân biệt giữa mọi người, bằng cách thường gây nên những phân biệt kỳ thị, tất cả điều đó, trước nhan Thiên Chúa, đều không còn đứng vững, nhờ ơn cứu độ được thực hiện trong Chúa Kitô. Điều quan trọng là đức tin hành động theo con đường hiệp nhất mà Chúa Thánh Thần chỉ dẫn. Và trách nhiệm của chúng ta là bước đi cách kiên quyết trên con đường bình đẳng này, nhưng sự bình đẳng được nâng đỡ, đã được thực hiện nhờ sự  cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Xin cảm ơn. Và anh chị em đừng quên, khi anh chị em trở về nhà : « Tôi đã được rửa tội khi nào ? ». Hãy hỏi, để luôn ghi nhớ ngày này. Và cũng mừng nó khi đến ngày. Xin cảm ơn.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31