BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 10. ÔNG GIÓP. THỬ THÁCH CỦA ĐỨC TIN, PHÚC LÀNH CỦA SỰ CHỜ ĐỢI

Written by xbvn on Tháng Năm 19th, 2022. Posted in Gia đình, Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 18/5/2022, Đức Thánh Cha tiếp  tục loạt bài giáo lý về tuổi già, lần này bàn về « Ông Gióp. Thử thách của đức tin, phúc lành của sự mong đợi ». Đức Thánh Cha đề cập đến đức tin được sống trong những thử thách, theo mẫu gương của ông Gióp bộc lộ sự phản đối trước sự dữ và không chấp nhận một « bức tranh biếm họa về Thiên Chúa », cho đến khi Thiên Chúa đáp lời ông. Đối với Đức Thánh Cha, thời gian thinh lặng và chờ đợi trong thử thách có thể là một phúc lành.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Đoạn Thánh Kinh chúng ta vừa nghe kết thúc Sách Gióp, một tác phẩm văn chương kinh điển thế giới. Trên hành trình giáo lý của chúng ta, chúng ta gặp ông Gióp khi ông đã là một cụ già. Chúng ta gặp ông như một chứng nhân của một đức tin không chấp nhận một « bức tranh biếm họa về Thiên Chúa », nhưng phản đối kịch liệt khi đối diện với sự dữ cho đến khi Thiên Chúa trả lời và mạc khải khuôn mặt của Ngài. Và cuối cùng, Thiên Chúa trả lời, như mọi khi, theo một cách đáng kinh ngạc – Ngài cho ông Gióp thấy vinh quang của Ngài mà không tiêu diệt ông, hay tốt hơn nữa, với sự dịu dàng tuyệt vời, cách dịu dàng, giống như Thiên Chúa luôn làm. Cần phải đọc những trang sách này thật kỹ, không thành kiến, không rập khuôn, để hiểu được sức mạnh của tiếng kêu của ông Gióp. Sẽ rất tốt cho chúng ta nếu đặt mình vào trường học của ông để vượt qua sự cám dỗ của chủ nghĩa luân lý do bởi sự bực tức và cay đắng của nỗi đau mất tất cả.

Trong đoạn kết thúc của cuốn sách này – chúng ta còn nhớ câu chuyện, phải không ? – ông Gióp mất mọi thứ trong đời mình, ông mất của cải, mất gia đình, mất con và thậm chí mất sức khỏe của mình, và đó là nơi ông bị quấy rầy, trong cuộc đối thoại với ba người bạn của mình, rồi một người thứ tư đến chào ông : đây là câu – và trong đoạn này hôm nay, đoạn kết thúc của cuốn sách, khi cuối cùng Thiên Chúa lên tiếng (và cuộc đối thoại này giữa ông Gióp và các bạn của ông giống như con đường dẫn đến khoảnh khắc Thiên Chúa lên tiếng), ông Gióp được ca ngợi bởi vì ông đã hiểu được mầu nhiệm về sự dịu dàng của Thiên Chúa được ẩn giấu đằng sau sự thinh lặng của Ngài. Thiên Chúa khiển trách các bạn của ông Gióp, những người tự phụ biết mọi sự, biết về Thiên Chúa và về sự đau khổ, và, khi đến an ủi ông Gióp, cuối cùng họ lại phán xét ông bằng những mô hình định kiến của họ. Xin Thiên Chúa gìn giữ chúng ta khỏi lòng đạo đức giả hình và tự phụ này ! Xin Thiên Chúa gìn giữ  chúng ta khỏi lòng đạo đức luân lý này và lòng đạo đức của các giới luật vốn cho chúng ta một sự tự phụ nào đó và dẫn anh chị em đến chủ nghĩa pharisiêu và thói đạo đức giả.

Đây là cách Chúa lên tiếng đối với họ. Chúa nói như vậy : « Ta bừng bừng nổi giận với ngươi […], bởi vì các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta’, đây là những gì Chúa nói với các bạn của ông Gióp. « Gióp, tôi tớ của Ta, sẽ chuyển cầu cho các ngươi. Ta sẽ đoái nhìn nó và sẽ không xử với các ngươi xứng với sự ngu xuẩn của các ngươi, vì các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta » (42, 7-8). Lời tuyên bố của Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên bởi vì chúng ta đã đọc những trang gay gắt với sự phản kháng của ông Gióp khiến chúng ta mất tinh thần. Thế nhưng, Chúa bảo rằng ông Gióp nói đúng, ngay cả khi ông tức giận, và thậm chí là tức giận Thiên Chúa, nhưng ông nói đúng bởi vì ông khước từ không chấp nhận rằng Thiên Chúa là « Kẻ bách hại ». Thiên Chúa là điều gì đó khác. Và đó là gì ? Ông Gióp đang tìm kiếm điều đó. Và như một phần  thưởng, Thiên Chúa ban lại cho ông Gióp gấp đôi số tài sản của ông, sau khi yêu cầu ông cầu nguyện cho những người bạn xấu xí của mình.

Bước ngoặt trong cuộc đàm luận về đức tin xảy ra đúng vào lúc bộc lộ của ông Gióp, nơi ông nói, “tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (19, 25-27). Đoạn này thật sự rất đẹp. Nó khiến tối nghĩ đến phần cuối của bản oratorio tài ba của Handel, trường ca Messiah, sau phần hợp xướng Hallelujah, bè soprano từ từ hát đoạn này: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống”, một cách yên bình thanh thản. Và vì vậy, sau kinh nghiệm đau đớn và vui sướng này của ông Gióp, tiếng nói của Chúa là một điều gì khác. “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống” – đó  thật sự là một điều rất đẹp. Chúng ta có thể giải thích nó như thế này: “Lạy Thiên Chúa của con, con biết Chúa không phải là một Kẻ bách hại. Thiên Chúa của con sẽ đến và thực thi công lý cho tôi”. Đó là niềm tin đơn sơ vào sự phục sinh của Thiên Chúa, niềm tin đơn sơ vào Chúa Giêsu Kitô, niềm tin đơn sơ mà Chúa luôn chờ đợi chúng ta và sẽ đến.

Dụ ngôn trong Sách Gióp trình bày cách kịch tính và mẫu mực những gì thực sự xảy ra trong cuộc sống – rằng những thử thách thực sự nặng nề đổ xuống trên một người, trên một gia đình, trên một dân tộc, những thử thách không tương xứng so với sự thấp hèn và yếu đuối của con người. Trong cuộc sống thường xảy ra rằng, như tục ngữ có câu, “họa vô đơn chí”. Và một số người bị khuất phục bởi sự chống chất của sự dữ mà dường như thực sự quá đáng và bất công. Nó là như thế với nhiều người.

Tất cả chúng ta đã biết những người như thế này. Chúng ta đã rất ấn tượng trước tiếng kêu khóc của họ, nhưng chúng ta cũng khâm phục trước sự vững vàng của đức tin và tình yêu trong sự im lặng của họ. Tôi đang nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật nghiêm trọng, anh chị em đã nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật nghiêm trọng chưa? Toàn bộ cuộc đời của họ ….Tôi cũng đang nghĩ đến những người đang sống với một căn bệnh triền miên, hay những người người đang giúp đỡ một thành viên của gia đình mình….Những hoàn cảnh này thường trở nên trầm trọng hơn do sự khan hiếm các nguồn lực kinh tế.  Vào những lúc nào đó trong lịch sử, việc chồng chất những gánh nặng sẽ tạo ra ấn  tượng rằng họ được trao cho một cuộc hẹn nhóm. Đây là những gì đã xảy ra trong những năm với đại dịch Covid-19, và giờ đây đang xảy ra với cuộc chiến tranh ở Ucraina.

Liệu chúng ta có thể biện minh cho “những thái quá” này như là trí thông minh siêu đẳng hơn của tự nhiên và lịch sử không? Liệu chúng ta có thể chúc lành cho chúng về mặt tôn giáo như là những câu trả lời hợp lý cho tội lỗi của các nạn nhân, như thể họ đáng bị như vậy không? Không, chúng ta không thể. Có một thứ quyền mà các nạn nhân phải phản đối khi đối diện với mầu nhiệm của tội lỗi, một quyền mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, mà quả thật, xét cho cùng chính Ngài thôi thúc. Đôi khi tôi gặp những người đến gần tôi và nói: “Nhưng, thưa Cha, con đã phản đối Chúa bởi vì con có vấn đề này và vấn đề kia….” Nhưng, nỳ bạn, bạn biết rằng phản đối là một cách để cầu nguyện khi nó được thực hiện như thế. Khi con cái, khi người trẻ phản đối cha mẹ mình, đó là một cách thu hút sự chú ý của họ và đòi hỏi họ quan tâm đến mình. Nếu anh chị em có một số vết thương trong tâm hồn, một số nỗi đau, và anh chị em muốn phản đối, thậm chí phản đối Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ lắng nghe anh chị em. Thiên Chúa là một người Cha. Thiên Chúa không sợ lời cầu nguyện phản đối của chúng ta, không! Thiên Chúa thấu hiểu. Nhưng hãy tự do, hãy tự do trong lời cầu nguyện của anh chị em. Đừng giam cầm lời cầu nguyện của anh chị em trong những mô hình định kiến trước! Không! Lời cầu nguyện nên như thế này: tự phát, như của một đứa trẻ với cha mình, nói mọi sự phát ra từ miệng mình bởi vì nó biết rằng cha của nó hiểu nó. Trong thời điểm đầu tiên của bi kịch, “sự thinh lặng” của Thiên Chúa biểu thị điều này. Thiên Chúa không né tránh cuộc đối đầu, nhưng, ngay từ đầu, Ngài cho phép ông Gióp bộc lộ sự phản đối của ông, và Thiên Chúa lắng nghe. Đôi khi, có lẽ chúng ta cần học hỏi sự tôn trọng và dịu dàng này từ Thiên Chúa. Và Thiên Chúa không thích cuốn bách khoa toàn thư đó – chúng ta hãy gọi nó như thế – về những lời giải thích, về những suy tư mà những người bạn của ông Gióp đã làm. Đây là những điều thốt ra từ đầu môi chóp lưỡi vốn không đúng đắn – kiểu đạo đức giải thích mọi sự, nhưng tâm hồn vẫn lạnh lùng. Thiên Chúa không thích điều này. Ngài thích sự phản đối và thinh lặng của ông Gióp hơn.

Lời tuyên xưng đức tin của ông Gióp – nổi lên từ chính lời kêu cầu không ngừng của ông đối với Thiên Chúa, đối với công lý tối cao – cuối cùng kết thúc bằng một kinh nghiệm gần như thần bí khiến ông phải thốt lên, “trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (42, 5). Có bao nhiêu người, bao nhiêu người trong chúng ta sau một kinh nghiệm hơi xấu xa, hơi đen tối, đã tiến một bước và biết Thiên Chúa tốt hơn trước! Và chúng ta có thể nói như ông Gióp: “Con đã biết Chúa vì con đã từng nghe về Chúa, nhưng bây giờ con đã thấy Chúa vì con đã gặp Chúa”. Chứng tá này đặc biệt đáng tin cậy nếu nó được gặt hái được trong  tuổi già, trong sự suy yếu và mất mát dần dần của họ. Những người cao tuổi đã chứng kiến rất nhiều kinh nghiệm này trong cuộc sống! Và họ cũng đã thấy sự mâu thuẫn trong những lời hứa của con người. Các luật sư, các nhà khoa học, thậm chí những người theo tôn giáo, mà nhầm lẫn kẻ bách hại với nạn nhân, nói bóng gió rằng các nạn nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm về chính đau khổ của mình. Họ đã sai lầm!

Những người cao tuổi tìm thấy con đường của chứng tá này, biến sự oán giận vì sự mất mát của họ thành sự kiên trì chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa – có sự thay đổi từ sự oán giận vì sự mất mát của họ sang sự kiên trì tìm kiếm lời hứa của Thiên Chúa – những người cao tuổi đó là một nơi đồn trú không thể thay thế đối với  cộng đồng liên quan đến sự thái quá của sự dữ. Người tín hữu có cái nhìn hướng về Thánh giá học biết được điều đó. Ước gì chúng ta cũng học được điềunày, từ nhiều ông bà, mà giống như Đức Maria, kết hiệp lời cầu nguyện đôi khi đau lòng của họ, với lời cầu nguyện của Con Thiên Chúa, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha trên thập giá. Chúng ta hãy nhìn vào người cao tuổi, chúng ta hãy quan sát những người nam và người nữ cao tuổi, những người già. Chúng ta hãy nhìn họ bằng tình yêu. Chúng ta hãy nhìn xem kinh nghiệm cá nhân của họ. Họ đã đau khổ rất nhiều trong cuộc sống, hòa đã học được rất nhiều  trong cuộc sống, họ đã trải qua rất nhiều, nhưng cuối cùng họ có được sự bình an này, một sự bình an, tôi có thể nói, hầu như thần bí, nghĩa là, sự bình an từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đến độ họ có thể nói, “Con đã biết Chúa vì con đã từng nghe về Chúa, nhưng bây giờ chính mắt con đã nhìn thấy Chúa”. Những người cao tuổi này giống như sự bình an của Con Thiên Chúa trên thập giá, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Nghe bản trường ca Messiah

:

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30