BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 11. ĐÊM TỐI BẤP BÊNH VỀ Ý NGHĨA VÀ MỌI SỰ TRONG CUỘC SỐNG
Hôm 25/5/2022, tiếp tục bài giáo lý về tuổi già, lần này, dựa vào sách Giảng viên, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa và bài học sâu xa mà sách này mang lại, đặc biệt cho người cao tuổi.
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Trong hành trình về tuổi già của chúng ta, hôm nay chúng ta mở sách Giảng viên, cuốn sách làm cho tất cả chúng ta ngạc nhiên bởi lối diễn đạt dường như nghi vấn về ý nghĩa của cuộc sống: “Mọi sự đều là phù vân”. Thực ra, nhà hiền triết trình bày cách mỉa mai một cái nhìn về kiến thức và cuộc sống tách rời với niềm đam mê công lý, và vì thế với Thiên Chúa. Sách Giảng viên vạch trần cám dỗ về một tri thức toàn năng không có ý nghĩa, và do đó không có tình yêu và sự tốt lành. Nền văn hóa hiện nay cuối cùng tạo nên một quan niệm sai lầm về sự thật vốn chỉ là hoa trái của các khoa học chính xác và của kỹ thuật, nhưng là một sự thật không có đạo đức. Sự thật này xuất hiện như là một nguồn tự do hơn nhưng trên thực tế làm mất đi ý chí hành động và gây thất vọng cho cuộc sống.
Đối mặt với thực tại khắc nghiệt dường như làm tiêu tan những nỗ lực của chúng ta để thay đổi thế giới, cơn cám dỗ về sự dửng dưng có thể dường như là một phương thuốc. Tuổi già luôn có cuộc hẹn với sự thất vọng này. Nhưng sự đề kháng của người cao tuổi là có tính quyết định khi họ giữ nguyên niềm đam mê công lý này. Tuổi già có thể học được từ sự khôn ngoan đầy mỉa mai của sách Giảng viên để vạch trần những ảo tưởng về một sự thật mạo xưng, tách rời khỏi công lý, cám dỗ về một tri thức về thế giới buồn chán và bị tước đi đi sự khôn ngoan của cuộc sống.
————————————-
Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Tiếp tục suy nghĩ về tuổi già, hôm nay chúng ta đề cập đến sách Giảng viên, một viên ngọc khác trong Thánh Kinh. Trong lần đọc đầu tiên, cuốn sách ngắn này gây ấn tượng mạnh và khiến người ta hoang mang bởi điệp khúc nổi tiếng của nó: “Mọi sự đều là phù vân”, mọi sự đều là phù vân: điệp khúc cứ lặp đi lặp lại, mọi sự đều là phù vân, mọi sự đều là “sương”, mọi sự đều là “khói”, mọi sự đều là “trống rỗng”. Thật ngạc nhiên khi tìm thấy trong Thánh Kinh những lối diễn đạt nghi ngờ về ý nghĩa của cuộc sống. Trên thực tế, sự dao động liên lỉ của tác giả sách Giảng viên giữa ý nghĩa và phi nghĩa là sự biểu thị đầy mỉa mai của nhận thức về cuộc sống vốn tách rời khỏi đam mê công lý, được đảm bảo bởi sự phán xét của Thiên Chúa. Và phần kết luận của Sách Giảng viên chỉ ra con đường thoát khỏi thử thách: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người” (12, 13). Đây là lời khuyên để giải quyết vấn đề này.
Đối mặt với một thực tại mà, đôi khi, đối với chúng ta, dường như đón nhận tất cả những sự trái ngược, và bất chấp tất cả dành cho chúng cùng một số phận là kết thúc trong hư vô, thì con đường của sự dửng dưng cũng có thể xuất hiện với chúng ta như một phương thuốc duy nhất cho một nỗi thất vọng đau đớn. Những câu hỏi như thế này nảy sinh trong chúng ta: Những nỗ lực của chúng ta đã có thay đổi thế giới không? Có ai có thể khẳng định sự khác nhau giữa công bằng và bất công? Có vẻ như tất cả những điều đó là vô ích: tại sai phải nỗ lực nhiều như vậy?
Đó là một loại trực giác tiêu cực có thể nảy sinh vào bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời, nhưng chắc chắn rằng tuổi già khiến cho cuộc hẹn với sự thất vọng hầu như không thể tránh khỏi. Sự thất vọng xảy đến trong tuổi già. Và vì thế, sự đề kháng của tuổi già đối với những tác động gây mất tinh thần của sự thất vọng này là có tính quyết định: nếu những người già, những người giờ đây đã chứng kiến tất cả những điều ấy, giữ nguyên niềm đam mê công lý của mình, thì lúc đó, có hy vọng cho tình yêu, và cả cho đức tin. Và đối với thế giới đương đại, việc trải qua cuộc khủng hoảng này đã trở nên mấu chốt, một cuộc khủng hoảng bổ ích, tại sao? Bởi vì một nền văn hóa có tham vọng đo lường và thao túng mọi thứ cuối cùng cũng tạo ra sự mất tinh thần tập thể về ý nghĩa, về tình yêu, về điều thiện hảo.
Sự mất tinh thần này cướp đi tất cả ý chí hành động của chúng ta. Một “sự thật” mạo xưng, vốn chỉ tự giới hạn trong việc xếp loại thế giới, cũng sẽ xếp loại sự dửng dưng của nó đối với những điều trái ngược và bỏ mặc chúng cho dòng chảy của thời gian và cho số phận của hư vô, mà không cần cứu chuộc. Dưới hình thức này – được che đậy bởi tính khoa học, nhưng cũng thiếu đi tính nhạy cảm và thiếu đạo đức – cuộc tìm kiếm hiện đại về sự thật đã đã bị cám dỗ hoàn toàn loại bỏ niềm đam mê công lý. Nó không còn tin vào số phận, lời hứa hay sự cứu chuộc của mình nữa.
Đối với nền văn hóa hiện đại của chúng ta, nền văn hóa hầu như muốn giao mọi sự cho kiến thức chính xác về mọi thứ, thì sự xuất hiện của lý trí hoài nghi mới này – vốn tóm kết thành kiến thức và vô trách nhiệm – là một hậu quả rất khắc nghiệt. Quả thế, kiến thức mà miễn trừ đạo đức cho chúng ta thoạt nhìn có vẻ là một nguồn tự do, năng lượng, nhưng nhanh chóng biến thành sự tê liệt của tâm hồn.
Sách Giảng viên, với sự mỉa mai của mình, đã vạch trần sự cám dỗ chết người này về sự toàn năng của tri thức – một “cơn mê sảng về sự toàn tri” – vốn sinh ra sự tê liệt của ý chí. Các đan sĩ của truyền thống Kitô giáo cổ xưa nhất đã xác định cách chính xác căn bệnh này của tâm hồn, căn bệnh đột nhiên khám phá ra sự phù vân của kiến thức mà không có đức tin hay đạo đức, sự ảo tưởng về sự thật mà không có công lý. Họ gọi nó là “sự nguội lạnh” (acédie). Và đó là một trong những cám dỗ của tất cả mọi người, ngay cả người già, nhưng của tất cả mọi người. Đó không chỉ là sự lười biếng: không, nó còn hơn thế nhiều. Nó không chỉ là một sự trầm cảm: không. Đúng hơn, sự nguội lạnh là sự đầu hàng đối với kiến thức về thế giới mà không có đam mê nào đối với công lý hay sự dấn thân nhất quán.
Sự trống rỗng về ý nghĩa và sức mạnh mà kiến thức này mở ra, một kiến thức từ chối mọi trách nhiệm đạo đức và mọi gắn bó với sự thiện thực sự, không phải là không có những điều bất lợi. Nó không chỉ lấy đi nghị lực của ước muốn về sự thiện: đổi lại, nó mở ra cánh cửa cho sự hung hăng của các sức mạnh của sự dữ. Đó là những sức mạnh của một lý trí trở nên điên loạn, trở nên tàn nhẫn bởi sự thái quá của ý thức hệ. Trên thực tế, với tất cả những tiến bộ và thịnh vượng của mình, chúng ta thực sự đã trở thành một “xã hội mệt mỏi”. Hãy nghĩ về điều đó: chúng ta trở thành xã hội mệt mỏi ! Chúng ta được coi là đã tạo ra phúc lợi rộng rãi và chúng ta chấp nhận một thị trường có chọn lọc cách khoa học liên quan đến sức khỏe. Chúng ta được coi là đã đặt ra một giới hạn không thể vượt qua đối với hòa bình, và chúng ta ngày càng thấy nhiều cuộc chiến tranh không thương xót chống lại những con người không có khả năng tự vệ. Dĩ nhiên, khoa học đang tiến bộ, và đó là một điều tốt. Nhưng sự khôn ngoan của cuộc sống là một điều hoàn toàn khác, và nó dường như đang bị trì trệ.
Cuối cùng, lý trí không có tình cảm và vô trách nhiệm này cũng tước đi ý nghĩa và nghị lực của sự hiểu biết về sự thật. Không phải ngẫu nhiên mà thời đại của chúng ta là thời đại của những tin giả, của những mê tín tập thể và của những sự thật khoa học giả mạo. Thật lạ lùng: trong nền văn hóa của tri thức này, của sự hiểu biết tất cả mọi thứ, ngay cả độ chính xác của tri thức, có rất nhiều phép thuật phù thủy được lan truyền, nhưng là những phép thuật phù thủy có học thức. Đó là trò phép thuật phù thủy với một nền văn hóa nào đó nhưng dẫn bạn đến một cuộc sống đầy mê tín: một mặt, để tiến bộ với trí thông minh bằng cách hiểu biết cho đến tận chiều sâu của mọi sự; mặt khác, tâm hồn cần điều gì đó khác và chọn theo con đường mê tín và kết thúc trong phép thuật phù thủy. Tuổi già có thể học được từ sự khôn ngoan đầy mỉa mai của sách Giảng viên nghệ thuật nghệ thuật vạch trần sự lừa dối ẩn trong cơn mê sảng về một sự thật của tâm trí không có tình yêu đối với công lý. Những người cao tuổi, giàu khôn ngoan và hài hước, dang giúp ích rất nhiều cho người trẻ! Họ bảo vệ người trẻ khỏi cám dỗ về một tri thức trần tục thiếu đi sự khôn ngoan của cuộc sống. Và những người cao tuổi cũng dẫn đưa người trẻ trở lại với lời hứa của Chúa Giêsu: “Phúc cho ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5, 6). Đó là những người sẽ gieo rắc cơn đói khát công lý nơi người trẻ. Can đảm lên, tất cả chúng ta, những người cao tuổi: can đảm lên và tiến về phía trước! Chúng ta có một sứ mạng rất quan trọng trong thế giới. Nhưng tôi xin anh chị em, chúng ta không được ẩn náu nơi chủ nghĩa duy tâm có phần không cụ thể, không hiện thực, không gốc rễ này – chúng ta hãy nói rõ: trong những trò phép thuật phù thủy của cuộc sống.
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC