BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 12. « XIN ĐỪNG BỎ RƠI CON KHI SỨC LỰC SUY TÀN» (Tv 71(70), 9)
« Có một « giáo huấn của sự mong manh », đừng che giấu những điểm yếu của mình… Chúng có thực, đó là một thực tại và có một giáo huấn của sự mong manh, mà tuổi già có thể nhắc nhở chúng ta …. Đó là một bài học cho tất cả chúng ta. Giáo huấn này mở ra một chân trời quyết định cho việc cải cách nền văn minh của chúng ta. … cần thiết vì lợi ích của việc sống chung của tất cả mọi người. Việc gạt người cao tuổi ra bên lề xã hội, ở bình diện khái niệm cũng như thực tiễn, làm hỏng tất cả các mùa của cuộc sống, chứ không chỉ là mùa của tuổi già. »
Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế trong buổi tiếp kiến chung hôm 1/6/2022 với loạt bài giáo lý về tuổi già, lần này, với bài 12 « Xin đừng bỏ rơi con khi sức lực suy yếu ». Đức Thánh Cha mời gọi theo gương tác giả thánh vịnh, vốn là một cụ già, trong việc « khám phá lại niềm tin tưởng nơi Chúa », « tái khám phá lời cầu nguyện và sức mạnh của nó » cũng như bài học « tất cả chúng ta đều cần phó thác cho Thiên Chúa ».
Đức Thánh Cha cũng tố giác việc bỏ rơi người già, ngay cả trong gia đình, và gạt họ ra bên lề xã hội, và đồng thời nhắc nhớ rằng mọi người đều có thể học hỏi từ tuổi già.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Lời cầu nguyện tuyệt đẹp của người cao tuổi mà chúng ta tìm thấy trong Thánh vịnh 70 mà chúng ta đã nghe, khuyến khích chúng ta suy niệm về sự căng thẳng mạnh mẽ nơi thân phận của tuổi già, khi ký ức về những lao công vất vả đã qua và những ân huệ đã nhận được đang thử thách đức tin và đức cậy.
Thử thách xảy đến cùng với sự yếu đuối vốn đi kèm với sự mong manh và tính dễ bị tổn thương của tuổi già. Và tác giả Thánh vịnh – một người cao tuổi hướng về Chúa – đề cập cách minh nhiên sự kiện rằng tiến trình này trở thành một cơ hội bỏ rơi, lừa dối, lạm quyền và những lạm dụng ra sức làm khổ người cao tuổi. Một hình thức hèn hạ mà xã hội của chúng ta đang chuyên biệt hóa. Đúng như thế ! Trong xã hội của sự vứt bỏ này, trong nền văn hóa vứt bỏ này, người cao tuổi bị bỏ rơi và chịu khổ vì những điều này. Quả thế, không thiếu những người lợi dụng tuổi tác của người cao tuổi để lừa gạt họ, để uy hiếp họ bằng muôn ngàn cách. Chúng ta thường đọc trên báo chí hay nghe những tin tức về người cao tuổi bị lừa đảo để chiếm đoạt tiền tiết kiệm của họ cách vô liêm sỉ; hoặc những người cao tuổi bị bỏ mặc không được bảo vệ hoặc bị bỏ rơi không được chăm sóc ; hoặc bị tổn thương bởi những hình thức khinh thường và bị đe dọa để họ từ bỏ các quyền lợi của mình. Ngay cả trong các gia đình – và đây thật là nghiêm trọng – những sự tàn bạo như thế xảy ra ngay cả trong các gia đình. Người cao tuổi bị gạt bỏ, bị bỏ rơi nơi các viện dưỡng lão, không có con cái đến thăm, hoặc nếu họ đi thăm, thì họ đi rất ít lần trong một năm. Người cao tuổi thấy mình bị dồn vào góc xó của sự tồn tại. Và điều đó xảy đến : điều đó xảy đến ngày nay, điều đó xảy đến trong các gia đình, điều đó xảy đến mọi lúc. Chúng ta phải suy nghĩ về điều đó.
Toàn thể xã hội phải khẩn trương chăm sóc người cao tuổi của mình – họ là kho tàng ! -, luôn luôn nhiều hơn và thậm chí thường bị bỏ rơi nhiều hơn. Khi chúng ta nghe nó về người cao tuổi mất quyền tự chủ, sự an toàn, thậm chí nhà ở của mình, chúng ta hiểu rằng môi trường xung quanh của xã hội hiện nay đối với tuổi già không phải là một vấn đề cấp bách đúng lúc, nhưng là một nét của nền văn hóa vứt bỏ này vốn đầu độc thế giới mà chúng ta đang sống. Cụ già trong Thánh vịnh thổ lộ với Thiên Chúa sự chán nản của mình : « Vì thù địch nặng lời chống đối, quân rình hại mạng con đã nhất trí bày mưu, bảo nhau rằng: « Thiên Chúa bỏ hắn rồi, cứ truy nã, bắt hắn đi, chẳng có ai cứu hắn đâu mà !» » (cc. 10-11). Các hậu quả thật là nguy hại. Tuổi già không chỉ mất đi phẩm giá của mình, nhưng người ta còn nghi ngờ rằng nó có đáng sống không. Như thế, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để che giấu tính dễ bị tổn thương của mình, che đậy bệnh tật của mình, tuổi tác và tuổi già của mình, vì chúng ta sợ rằng đó là phòng đợi của sự mất đi phẩm giá của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi : có nhân bản không khi gây ra cảm giác này ? Làm thế nào mà nền văn minh hiện đại, tiến bộ và hiệu quả như thế, lại khó chịu với bệnh tật và tuổi già, che giấu bệnh tật, che giấu tuổi già ? Và làm thế nào mà chính trị, vốn rất chú tâm xác định giới hạn của sự sống còn có phẩm giá, lại đồng thời không nhạy cảm với phẩm giá của việc chung sống yêu thương với người cao tuổi và các bệnh nhân ?
Cụ già trong Thánh vịnh mà chúng ta đã nghe, cụ già mà thấy tuổi già của mình như một thất bại, khám phá lại niềm tin tưởng nơi Chúa. Ông cảm thấy nhu cầu được giúp đỡ. Và ông đã hướng về Thiên Chúa. Khi chú giải Thánh vịnh này, Thánh Augustinô đã khích lệ cụ già : « Đừng sợ bị bỏ rơi trong tuổi già của bạn. […] Tại sao bạn sợ [Chúa] sẽ bỏ rơi bạn, Ngài sẽ gạt bỏ bạn lúc tuổi già, khi sức lực của bạn suy yếu đi ? Quả thật, chính vào lúc đó mà sức mạnh của Ngài sẽ ở trong bạn, khi sức mạnh của bạn suy yếu đi » (PL 36, 881-882). Và cụ già tác giả Thánh vịnh kêu cầu : « Xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài ! » (cc. 2-3). Lời kêu cầu làm chứng cho lòng trung tín của Thiên Chúa và cho thấy khả năng của Ngài trong việc lay động các lương tâm đã bị chệch hướng bởi sự vô cảm đối với câu chuyện ngụ ngôn về cuộc sống hay chết, vốn phải được bảo toàn nguyên vẹn. Ông còn cầu nguyện như sau : « Lạy Thiên Chúa, xin đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa, xin Ngài mau trợ giúp! Ước chi những người muốn hại mạng sống con đều phải chết nhục nhã ê chề; kẻ tìm cách gây họa cho con phải muôn vàn nhuốc nhơ xấu hổ !» (cc. 12-13).
Quả thế, thật xấu hổ cho những ai lợi dụng sự yếu đuối của bệnh tật và tuổi già. Lời cầu nguyện làm mới lại trong lòng người cao tuổi lời hứa về sự trung tín và phúc lành của Thiên Chúa. Người cao tuổi tái khám phá lời cầu nguyện và làm chứng cho sức mạnh của nó. Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu không bao giờ gạt bỏ lời cầu xin của những người cần giúp đỡ. Những người cao tuổi, vì sự yếu đuối của họ, có thể dạy cho những người ở các độ tuổi khác trong cuộc sống rằng tất cả chúng ta đều cần phó thác cho Chúa, cầu xin sự giúp đỡ của Ngài. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta đều phải học hỏi từ tuổi già : vâng, có một món quà khi về già, được hiểu như là phó thác mình cho sự chăm sóc của người khác, bắt đầu từ chính Thiên Chúa.
Do đó, có một « giáo huấn của sự mong manh », đừng che giấu những điểm yếu của mình, không. Chúng có thực, đó là một thực tại và có một giáo huấn của sự mong manh, mà tuổi già có thể nhắc nhở chúng ta một cách đáng tin cậy trong suốt cuộc sống con người. Đừng che giấu tuổi già, đừng che giấu những sự mong manh của tuổi già. Đó là một bài học cho tất cả chúng ta. Giáo huấn này mở ra một chân trời quyết định cho việc cải cách nền văn minh của chúng ta. Một cuộc cải cách giờ đây rất cần thiết vì lợi ích của việc sống chung của tất cả mọi người. Việc gạt người cao tuổi ra bên lề xã hội, ở bình diện khái niệm cũng như thực tiễn, làm hỏng tất cả các mùa của cuộc sống, chứ không chỉ là mùa của tuổi già. Hôm nay, mỗi người trong chúng ta có thể nghĩ đến những người cao tuổi trong gia đình : làm thế nào tôi duy trì mối liên hệ với họ, tôi có nhớ đến họ không, tôi có đến thăm họ không ? Tôi có chăm lo để họ không thiếu điều gì không ? Tôi có tôn trọng họ không ? Những người cao tuổi trong gia đình của tôi, mẹ, bố, ông, bà, chú bác, cô dì, bạn bè, tôi có xóa họ khỏi cuộc đời của tôi không ? Hay tôi có đến với họ để tìm được sự khôn ngoan, sự khôn ngoan về cuộc sống không? Bạn cũng vậy, đừng quên rằng tuổi già của bạn sẽ đến. Tuổi già sẽ đến đối với tất cả mọi người. Và cũng như cách bạn muốn được đối xử lúc về già, hãy đối xử với những người già như thế hôm nay. Họ là ký ức của gia đình, ký ức của nhân loại, ký ức của đất nước. Hãy chăm sóc người lớn tuổi, họ là sự khôn ngoan. Xin Chúa ban cho người già, vốn là một phần của Giáo hội, sự quảng đại của lời cầu khấn và của tiếng gọi này. Ước gì sự tin tưởng vào Chúa này thấm nhập chúng ta. Và điều này, vì lợi ích của tất cả mọi người, của họ, của chúng ta và của con cháu chúng ta.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC