BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ : BÀI 15. PHÊRÔ VÀ GIOAN

Written by xbvn on Tháng Sáu 26th, 2022. Posted in Gia đình, Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi tiếp kiến chung hôm 22/6/2022, tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, và lần này lấy ý tưởng từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu phục sinh và thánh Phêrô ở cuối Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Thánh Cha bàn về những khó khăn chăm lo đức tin của người cao tuổi trong giai đoạn mất đi sự tự chủ.

Quả thế, Đức Thánh Cha nhắc nhở : « Chứng tá của anh chị em cũng sẽ đi kèm với sự yếu đuối này. Anh chị em phải trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu ngay cả trong sự yếu đuối, bệnh tật và cái chết. »

Và dường như trả lời cho những tò mò về việc từ chức của ngài trong thời gian gần đây, Đức Thánh Cha nhắc khéo : « Xía vào cuộc sống của người khác. Nhưng không: Chúa Giêsu nói:  “Im đi!”… .Câu trả lời của Chúa Giêsu thật thẳng thắn và thậm chí gây sửng sốt: “Điều đó liên quan gì đến con? Con hãy lo lắng cho cuộc sống của con , cho hoàn cảnh hiện tại của  con và đừng xía vào cuộc sống của người khác. Điều đó liên quan gì đến con? Con hãy đi theo Thầy” ».

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em !

Trong hành trình các bài giáo lý về tuổi già, hôm nay chúng ta suy gẫm về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu phục sinh và thánh Phêrô ở cuối Tin Mừng theo thánh Gioan (21, 15-23). Đó là một cuộc đối thoại đầy cảm động, từ đó tỏa sáng tất cả tình yêu của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Ngài, và cũng là tính nhân văn cao cả của mối tương quan của Ngài với họ, đặc biệt với thánh Phêrô : một mối tương quan dịu dàng, nhưng không u sầu ; trực tiếp, mạnh mẽ, tự do và cởi mở. Một mối tương quan giữa những con người và trong sự thật. Như thế, Tin Mừng theo thánh Gioan, rất thiêng liêng, rất cao quý, khép lại bằng một lời yêu cầu sâu sắc và lời đề nghị tình yêu giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô, được đan xen với nhau, hoàn toàn tự nhiên, với cuộc thảo luận giữa các ngài. Thánh sử cảnh báo chúng ta : ngài đang làm chứng cho sự thật về các sự kiện (x. Ga 21, 24). Và chính nơi các sự kiện mà sự thật phải được tìm kiếm.

Chúng ta có thể tự hỏi : liệu chúng ta có khả năng giữ gìn mối tương quan này của Chúa Giêsu với các môn đệ, theo phong cách của Ngài vốn rất cởi mở, rất thẳng thắn, rất trực tiếp, rất thực sự nhân văn ? Mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu như thế nào ? Có phải giống như mối tương quan của các Tông đồ với Chúa Giêsu không ? Thay vào đó, có phải chúng ta không thường bị cám dỗ để bọc chứng tá của Tin Mừng trong cái kén của một mạc khải « bọc đường », để thêm vào đó chính sự tôn kính trong hoàn cảnh của chúng ta sao ? Thái độ này, có vẻ tôn trọng, lại thực sự khiến chúng ta xa rời Chúa Giêsu thật, và  thậm chí trở thành cơ hội cho một hành trình đức tin rất trừu tượng, rất quy ngã, rất trần tục, vốn không phải là con đường của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, và Ngài cư xử với tư cách là người, Ngài nói với chúng ta với tư cách là người, Thiên Chúa – con người. Với sự dịu dàng này, với tình bạn này, với sự gần gũi này. Chúa Giêsu không giống như hình ảnh ngọt ngào của các tấm thiệp hình, không : Chúa Giêsu gần ngay bên, Ngài gần gũi chúng ta.

Trong cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với thánh Phêrô, chúng ta nhận thấy hai đoạn liên quan đến chính tuổi già và sự trôi qua của thời gian : thời gian của chứng tá, thời gian của cuộc sống. Đoạn đầu tiên là lời cảnh báo của Chúa Giêsu cho thánh Phêrô : khi còn trẻ, con sẽ tự chủ, khi về già, con sẽ không còn làm chủ được chính mình và cuộc sống của con nữa. Anh chị em nói tôi phải ngồi xe lăn hả ? Nhưng cuộc sống là như thế đó. Với tuổi già, anh chị em sẽ mắc tất cả những căn bệnh này và chúng ta phải chấp nhận chúng khi chúng xảy đến, phải không ? Chúng ta không còn sức mạnh của tuổi trẻ ! Và chứng tá của anh chị em cũng sẽ đi kèm với sự yếu đuối này. Anh chị em phải trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu ngay cả trong sự yếu đuối, bệnh tật và cái chết. Có một đoạn văn rất hay của thánh Inhaxiô Loyola, nói rằng : « Khi sống cũng như khi chết, chúng ta phải làm chứng là môn đệ của Chúa Giêsu. » Sự kết thúc cuộc sống phải là sự kết thúc cuộc sống của người môn đệ : của người môn đệ của Chúa Giêsu, mà Chúa luôn nói với chúng ta tùy theo tuổi tác của chúng ta. Thánh sử thêm vào bình luận của mình, giải thích rằng Chúa Giêsu đang ám chỉ đến chứng tá tột cùng, đó là sự tử đạo và cái chết.

Nhưng, cách tổng quát hơn, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của lời động viên này : việc bước theo Thầy của con [bước theo chân Thầy] phải học cách cho phép bản thân được hướng dẫn và uốn nắn bởi sự yếu đuối của con, sự vô dụng của con, sự lệ thuộc vào người khác của con, ngay cả trong việc ăn mặc, đi lại. Nhưng con : « Hãy theo Thầy » (c. 19). Bước theo Chúa Giêsu lại luôn luôn tiến về phía trước, khi sức khỏe tốt, khi sức khỏe không tốt ; khi tự chủ, khi không tự chủ về mặt thể lý. Nhưng bước theo Chúa Giêsu là quan trọng : bước theo Chúa Giêsu luôn luôn, trên đôi chân của anh chị em, chạy nhảy, đi chậm, trên xe lăn…nhưng luôn luôn bước theo Ngài. Sự khôn ngoan của việc bước theo [Chúa Giêsu] phải tìm ra cách để tiếp tục lời tuyên xưng đức tin của mình – như thánh Phêrô trả lời : « Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa » (cc. 15.16.17) – ngay cả trong những điều kiện giới hạn của sự yếu đuối và tuổi già. Tôi thích nói chuyện với người già, nhìn vào mắt họ : họ có đôi mắt sáng, đôi mắt biết nói với anh chị em hơn cả lời nói, chứng tá của một cuộc đời. Và điều này thật là đẹp, chúng ta phải gìn giữ nó cho đến cùng. Để bước theo Chúa Giêsu như thế : tràn đầy sức sống.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô này chứa đựng một giáo huấn có giá trị cho tất cả các môn đệ, cho tất cả chúng ta là những người tin, và cũng cho tất cả những người cao tuổi. Từ sự yếu đuối của mình, chúng ta học cách diễn tả sự nhất quán của chứng tá cuộc sống của chúng ta trong những điều kiện của một cuộc sống phần lớn được giao phó cho người khác, phần lớn lệ thuộc vào sáng kiến của người khác. Với bệnh tật, với tuổi già, sự lệ thuộc ngày càng lớn và chúng ta không còn dựa vào sức mình như trước nữa ; điều này ngày càng lớn và ở đó đức tin cũng trưởng thành, ở đó Chúa Giêsu cũng ở với chúng ta, ở đó cũng nảy nở sự phong phú của đức tin được sống tốt trên đường đời.

Nhưng một lần nữa chúng ta phải tự hỏi : liệu chúng ta có một linh đạo thực sự có khả năng giải thích mùa – giờ đây kéo dài và phổ biến – của thời gian yếu đuối của chúng ta được giao phó cho người khác không, nghĩa là lớn hơn sức mạnh của sự tự chủ của chúng ta ? Làm thế nào để chúng ta tiếp tục trung thành với hành vi bước theo [Chúa Giêsu] đã được sống, với tình yêu đã hứa, với sự công chính được tìm kiếm trong thời gian chúng ta có khả năng sáng kiến, trong thời gian của sự yếu đuối, trong thời gian của sự lệ thuộc, của sự chia tay, trong thời gian không còn là nhân vật chính của cuộc đời chúng ta ? Thật không dễ, phải không ? Không còn là nhân vật chính. Thật không dễ dàng.

Thời gian mới này chắc chắn cũng là một thời gian thử thách – bắt đầu với cám dỗ – rất là người, chắc chắn, nhưng cũng rất quỷ quyệt – để bảo vệ vai chính của chúng ta. Và đôi khi nhân vật chính phải giảm bớt đi, phải hạ mình xuống, để chấp nhận rằng tuổi già khiến anh chị em giảm đi vai trò nhân vật chính. Nhưng anh chị em sẽ có một cách khác để thể hiện bản thân, một cách khác để tham gia vào gia đình, vào xã hội, vào nhóm các bạn bè.

Và thánh Phêrô đã tò mò: “Còn anh ấy thì sao?” Thánh Phêrô nói khi thấy người môn đệ được yêu mến đang đi theo các ngài (x. cc. 20-21). Xía vào cuộc sống của người khác. Nhưng không: Chúa Giêsu nói:  “Im đi!”. Anh ấy có phần trong việc bước theo [Chúa Giêsu] “của  con” không? Anh ấy có phải chiếm không gian “của con” không? Anh ấy sẽ là người thừa kế con chứ? Đây là những câu hỏi không có ích lợi gì, không giúp gì. Anh ấy phải sống lâu hơn con và thế chỗ con chứ? Câu trả lời của Chúa Giêsu thật thẳng thắn và thậm chí gây sửng sốt: “Điều đó liên quan gì đến con? Con lo lắng cho cuộc sống của con , cho hoàn cảnh hiện tại của  con và đừng xía vào cuộc sống của người khác. Điều đó liên quan gì đến con? Con hãy đi theo Thầy” (c. 22).

Điều này thật qua trọng: việc bước theo Chúa Giêsu, bước theo Chúa Giêsu khi sống và khi chết, khi khỏe mạnh và khi đau yếu, khi thịnh vượng trong cuộc sống với nhiều thành công, và cả khi cuộc sống khó khăn, trong nhiều lúc thất bại tồi tệ. Và khi chúng ta muốn xen vào cuộc sống của người khác, Chúa Giêsu trả lời, “Điều đó liên quan gì đến con? Con hãy theo Thầy”. Thật đẹp.

Người cao tuổi chúng ta không nên ghen tỵ với người trẻ đang đi con đường của họ, đang chiếm chỗ của chúng ta, đang sống lâu hơn chúng ta. Niềm vinh dự về lòng trung thành với lời thề nguyền yêu thương của chúng ta, lòng trung tín với việc bước theo đức tin mà chúng ta đã tin, ngay cả trong những điều kiện đưa họ đến gần cuối đời hơn, là lời khẳng định của chúng ta đối với sự ngưỡng mộ của các thế hệ mai sau và sự công nhận biết ơn đối với Chúa. Học cách giã từ: đây là sự khôn ngoan của người cao tuổi. Nhưng để nói lời giã từ một cách tốt đẹp, cách cẩn thận, với một nụ cười, để giã từ trong xã hội, để giã từ với người khác. Cuộc sống của người cao tuổi là một lời giã từ, chậm rãi, chậm rãi, nhưng là một lời giã từ vui tươi: tôi đã trải qua cuộc đời, tôi đã giữ đức tin của tôi. Điều này thật đẹp, khi một người cao tuổi có thể nói, “Tôi đã trải qua đời này, đây là gia đình của tôi; tôi đã trải qua đời này, tôi là một tội nhân nhưng tôi cũng làm được điều tốt.” Và sự bình an sẽ đến, đây là lời giã từ của người cao tuổi.

Ngay cả việc bước theo [Chúa Giêsu] mà không mạnh mẽ hoạt động, nhưng bằng sự chiêm niệm nhiệt thành và chú tâm lắng nghe Lời Chúa – như Maria, chị của Ladarô – cũng sẽ trở thành phần tốt nhất của cuộc sống của họ, của cuộc sống của người già chúng ta. Cầu mong phần này không bao giờ lại bị lấy mất khỏi chúng ta, không bao giờ (x. Lc 10, 42). Chúng ta hãy nhìn người già, chúng ta hãy nhìn họ, và chúng ta hãy giúp họ để họ có thể sống và thể hiện sự khôn ngoan sống của họ, để họ có thể mang lại cho chúng ta những gì đẹp đẽ và tốt lành nơi họ. Chúng ta hãy nhìn vào họ, chúng ta hãy lắng nghe họ. Và người già chúng ta, chúng ta hãy nhìn người trẻ, và luôn luôn với một nụ cười, với người trẻ: họ sẽ đi theo con đường, họ sẽ tiếp tục những gì chúng ta đã gieo, ngay cả những gì chúng ta chưa gieo vì chúng ta đã không có can đảm hay cơ hội: họ sẽ xúc tiến nó. Nhưng luôn luôn là mối tương quan này.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30