BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ : BÀI 16. « THẦY ĐI CHUẨN BỊ CHỖ CHO ANH EM » (Ga 14, 2). TUỔI GIÀ, THỜI GIAN HƯỚNG ĐẾN SỰ HOÀN THÀNH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, trong diễn từ từ biệt của mình, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ rằng thời gian sống còn lại của họ sẽ là một cuộc hành trình, chắc chắn, ngang qua sự mong manh của chứng tá, nhưng sẽ biết đến những phúc lành đầy phấn khởi mà đức tin mang lại. Ở tuổi già, những công việc của đức tin không còn là những công việc của những lời nói hay những nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đúng hơn, chúng hệ tại ở chứng tá về sự mong đợi, đầy cảm động và vui tươi, về sự thực hiện lời hứa của Chúa : « Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó ». Cuộc sống của chúng ta không được dựng nên để khép kín nơi chính mình, nhắm đến một sự hoàn hảo tưởng tượng ở trần gian. Ước muốn về một tuổi trẻ vĩnh hằng, quyền lực tuyệt đối, hạnh phúc không giới hạn, là những ảo tưởng. Cuộc sống ở đời này là một sự học hỏi, một sự khởi đầu cho cuộc sống đích thực đang chờ đợi chúng ta, một cuộc sống chỉ tìm thấy sự hoàn thành của nó nơi một mình Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta bất toàn ngay từ đầu, và chúng ta vẫn sẽ bất toàn cho đến tận cùng ; tuổi già còn cho thấy những giới hạn này hơn nữa. Nhưng, được sống trong đức tin và trong niềm hy vọng về những gì Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho chúng ta, nó trở nên thời điểm hiện hữu thích hợp nhất để truyền đạt tin vui rằng cuộc sống là một khởi đầu cho một sự hoàn thành chung cuộc.
—————————————————————————-
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta đang ở những bài giáo lý cuối cùng dành cho tuổi già. Hôm nay, chúng ta đi vào sự thân mật đầy cảm động trong cuộc từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, được tường thuật cách phong phú trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Diễn từ từ biệt bắt đầu bằng những lời an ủi và hứa hẹn : « Anh em đừng xao xuyến » (14, 1) ; « Thầy đi dọn chỗ cho anh em, Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó » (14, 3). Đó là những lời đẹp đẽ, những lời của Chúa.
Trước đó, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô : « Sau này anh sẽ đi theo Thầy » (13, 36), nhắc cho ông hành trình ngang qua sự mong manh trong đức tin của ông. Thời gian còn lại của cuộc đời đối với các môn đệ chắc chắn sẽ là một hành trình ngang qua sự mong manh của chứng tá và qua những thách thức của tình huynh đệ. Nhưng đó cũng sẽ là một hành trình ngang qua những phúc lành đầy phấn khởi của đức tin : « Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa » (14, 12). Hãy nghĩ đến một lời hứa thật tuyệt vời thế nào mà điều đó biểu lộ ! Tôi không biết liệu chúng ta có thực sự nghĩ đến điều đó hay không, liệu chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào điều đó không ! Tôi không biết, đôi khi tôi nghĩ rằng không…
Tuổi già là thời điểm thuận lợi cho chứng tá đầy cảm động và vui tươi của sự mong đợi này. Cụ ông và cụ bà đang mong đợi, họ mong đợi một cuộc hẹn. Ở tuổi già, những công việc của đức tin, vốn đưa chúng ta và những người khác đến gần vương quốc Thiên Chúa hơn, giờ đây đã vượt quá tầm của nghị lực, của lời nói và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tuổi trưởng thành. Nhưng như thế chúng càng làm sáng tỏ hơn lời hứa về đích đến thực sự của cuộc sống. Và đâu là đích đến thực sự của cuộc đời ? Một nơi cùng bàn tiệc với Thiên Chúa, trong thế giới của Thiên Chúa. Sẽ rất thú vị khi xem liệu trong các Giáo hội địa phương có quy chiếu cụ thể nào nhằm hồi sinh thừa tác vụ mong đợi Chúa đặc biệt này không – đó là một thừa tác vụ, thừa tác vụ mong đợi Chúa – khích lệ các đặc sủng cá nhân và những phẩm chất cộng đoàn của người cao tuổi.
Một tuổi già bị tiêu hao trong sự chán nản về những cơ hội bị bỏ lỡ sẽ dẫn đến sự chán nản đối với bản thân và tất cả mọi người. Trái lại, tuổi già được sống cách dịu dàng và được sống trong sự tôn trọng cuộc sống hiện thực sẽ thật sự xóa tan sự mơ hồ về một sức mạnh phải tự đủ cho chính mình và cho sự thành công của riêng mình. Nó thậm chí còn xóa tan sự mơ hồ về một Giáo hội tự thích nghi với hoàn cảnh thế gian, nghĩ rằng như thế là đang thực sự thực hiện sự hoàn thiện và hoàn thành của mình. Khi chúng ta giải phóng mình khỏi tính tự phụ này, thì thời gian tuổi già mà Thiên Chúa ban cho chúng ta tự nó đã là một trong những công việc « lớn lao hơn nữa » mà Chúa Giêsu đã nói đến. Quả thế, đó là một công việc mà không được giao cho Chúa Giêsu để hoàn thành : cái chết , sự phục sinh và lên trời của Ngài đã khiến điều đó khả thi đối với chúng ta ! Chúng ta hãy nhớ rằng « thời gian lớn hơn không gian ». Đó là quy luật từ khởi đầu. Cuộc sống của chúng ta không được dựng nên để khép kín nơi chính mình, nhắm đến một sự hoàn hảo tưởng tượng ở trần gian: nó được dự định để đi xa hơn, ngang qua cái chết – bởi vì sự chết là một cuộc vượt qua. Quả thế, nơi bền vững của chúng ta, điểm đến của chúng ta không phải ở nơi này, nhưng ở nơi Thiên Chúa, nơi mà Ngài cưu ngụ mãi mãi.
Ở đây, trên trần gian, bắt đầu tiến trình « nhà tập » của chúng ta : chúng ta là những người học việc của cuộc sống – giữa muốn vàn khó khăn – học cách trân trọng món quà của Thiên Chúa, bằng cách đảm nhận trách nhiệm chia sẻ nó và làm cho nó sinh hoa trái cho mọi người. Thời gian của cuộc sống trên trần gian là ân sủng cho cuộc vượt qua này. Ý tưởng ngưng thời gian lại – muốn tuổi trẻ vĩnh hằng, hạnh phúc không giới hạn, quyền lực tuyệt đối – không chỉ là bất khả, nhưng còn là ảo tưởng.
Sự tồn tại trên trần gian của chúng ta là thời gian khởi đầu cuộc sống : đó là cuộc sống, nhưng nó dẫn bạn đến một cuộc sống trọn vẹn hơn, dẫn vào một cuộc sống trọn vẹn hơn ; một cuộc sống chỉ tìm thấy sự hoàn thành nơi một mình Thiên Chúa. Chúng ta bất toàn ngay từ đầu và chúng ta vẫn bất toàn cho đến tận cùng. Khi hoàn hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa, mối tương quan bị đảo ngược : chỗ của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu chuẩn bị hết sức cẩn thận cho chúng ta, thì lớn hơn thời gian của cuộc sống thế tạm của chúng ta. Ở đây : tuổi già xích lại gần niềm hy vọng về sự hoàn thành này. Tuổi già thật sự biết ý nghĩa của thời gian và những giới hạn của nơi chúng ta sống sự khởi đầu của mình. Tuổi già khôn ngoan về mặt này : người già khôn ngoan vì điều đó. Đó là lý do tại sao tuổi già đáng tin cậy khi nó mời gọi chúng ta vui mừng trước thời gian trôi qua : đó không phải là một mối đe dọa, đó là một lời hứa. Tuổi già là cao quý, nó không cần trang điểm để cho thấy sự cao quý của mình. Có lẽ sự trang điểm xảy đến khi thiếu đi sự cao quý. Tuổi già đáng tin cậy khi nó mời gọi vui mừng trước thời gian trôi qua : nhưng thời gian cứ trôi qua…Vâng, nhưng đó không phải là một mối đe dọa, đó là một lời hứa. Tuổi già, nơi tìm thấy chiều sâu của cái nhìn đức tin, không phải là bảo thủ tự bản chất, như người ta nói ! Thế giới của Thiên Chúa là một không gian vô tận, trên đó thời gian trôi qua không có sức nặng nào nữa. Và chính trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã hướng đến mục đích này, khi Ngài nói với các môn đệ của mình : « Từ nay, Thầy sẽ không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy » (Mt 26, 29). Ngài đã đi xa hơn. Trong lời rao giảng của chúng ta, Thiên Đàng thường đầy phúc lạc, ánh sáng, tình yêu. Có lẽ nó còn thiếu một chút sức sống. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa bằng cách thêm sức sống vào đó. Phải chăng chúng ta không còn có thể làm điều đó nữa, chúng ta ? Cuộc sống vẫn tiếp diễn…
Anh chị em thân mến, tuổi già, được sống trong sự mong đợi Chúa, có thể trở thành « lời biện hộ » tuyệt vời cho đức tin, chứng minh cho mọi người niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Pr 3, 15). Vì tuổi già làm sáng tỏ lời hứa của Chúa Giêsu, bằng cách hướng về Thành Thánh mà sách Khải Huyền nói đến (chương 21-22). Tuổi già là thời điểm hiện hữu thích hợp nhất để truyền đạt tin vui rằng cuộc sống là bước khởi đầu cho một sự hoàn thành chung cuộc. Tuổi già là một lời hứa, một chứng tá về lời hứa. Và điều tốt nhất vẫn còn ở phía trước. Điều tốt đẹp nhất vẫn còn ở phía trước : nó giống như thông điệp của cụ ông cụ bà đầy niềm tin, điều tốt đẹp nhất vẫn còn ở phía trước. Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta một tuổi già có khả năng đó ! Cảm ơn anh chị em.
—————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC