BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 2. TUỔI THỌ : BIỂU TƯỢNG VÀ CƠ HỘI
Trong buổi tiếp kiến chung hôm 2/3/2022, Thứ Tư Lễ Trọ, Đức Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về tuổi già, bàn về « Tuổi thọ : biểu tượng và cơ hội ». Ngài đề cập đến vấn đề về sự thông truyền và gặp gỡ giữa các thế hệ và đồng thời mời gọi chúng ta đừng bị lôi cuốn vào sự thái quá của tốc độ, của một lối sống vội vàng, vốn đang thịnh hành, để đặt mình vào nhịp sống chậm và lắng nghe người già. Và ngài kêu gọi cần phải chấp nhận « mất thời gian » để xây dựng mối liên kết giữa các thế hệ.
Quả thế, Đức Thánh Cha nói : « Sự thái quá của tốc độ, hiện đang ám ảnh mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, khiến mọi kinh nghiệm trở nên hời hợt hơn và ít « bổ dưỡng » hơn. Người trẻ là nạn nhân vô thức của sự phân chia này giữa thời gian trên đồng hồ, cần phải vội vã, và thời gian của cuộc sống, vốn đòi hỏi một sự « dậy men » thích hợp. Tuổi thọ cao cho phép trải nghiệm những khoảng thời gian dài và những thiệt hại của sự vội vàng. »
Đối với Đức Phanxicô, « đại dịch mà chúng ta vẫn buộc phải sống…đã buộc sự sùng bái đần độn tốc độ phải dừng lại. Và trong giai đoạn này, các ông bà đóng phận vụ rào cản cho « sự mất nước » tình cảm của người trẻ nhất. Mối liên kết hữu hình của các thế hệ, vốn làm hài hòa thời gian và nhịp sống, mang lại cho chúng ta hy vọng không sống vô ích. Và nó mang lại cho mỗi người chúng ta tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của mình, ngăn cản sự ám ảnh về tốc độ, vốn chỉ đơn giản là thiêu hủy nó. »
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong tường thuật của Thánh Kinh về các phả hệ, người ta lập tức bị ấn tượng bởi tuổi thọ rất cao của họ : chúng ta đang nói về hàng thế kỷ ! Chúng ta tự hỏi khi nào tuổi già bắt đầu ở đây ? Và đâu là ý nghĩa của sự kiện các tổ phụ này sống lâu như thế sau khi sinh con cái ? Cha và con sống với nhau trong hàng thế kỷ ! Thời gian trôi qua hàng thế kỷ này, được tường thuật theo một văn phong nghi lễ, mang lại một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, rất mạnh mẽ cho mối tương quan giữa tuổi thọ và phả hệ.
Đó là như thể việc thông truyền sự sống con người, rất mới mẻ trong vũ trụ được tạo thành, đã đòi hỏi một sự khởi đầu chậm rãi và kéo dài. Mọi sự đều mới mẻ, lúc khởi đầu của lịch sử của một thụ tạo vốn là tinh thần và sự sống, ý thức và tự do, nhạy cảm và trách nhiệm. Sự sống mới – sự sống con người – bị chìm vào sự căng thẳng giữa nguồn gốc « theo hình ảnh và giống » Thiên Chúa, và sự mong manh của thân phận con người của nó, biểu thị một sự mới mẻ cần được khám phá. Và nó đòi hỏi một thời gian khởi đầu lâu dài, trong đó sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ là không thể thiếu để giải mã những kinh nghiệm và đối mặt với những bí ẩn của cuộc sống. Trong thời gian dài này, phẩm chất tinh thần của con người cũng từ từ được vun trồng.
Theo một nghĩa nào đó, mỗi kỷ nguyên trôi qua trong lịch sử loài người lại mang đến cảm giác này : đó là như thể chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu một cách bình tĩnh với những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, khi viễn cảnh về thân phận con người xuất hiện đầy rẫy những kinh nghiệm mới và những câu hỏi chưa được giải đáp cho đến nay. Chắc chắn, sự tích lũy ký ức văn hóa làm gia tăng sự quen thuộc cần thiết để đối mặt với những giai đoạn mới. Thời gian thông truyền giảm đi, nhưng thời gian đồng hóa luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Sự thái quá của tốc độ, hiện đang ám ảnh mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, khiến mọi kinh nghiệm trở nên hời hợt hơn và ít « bổ dưỡng » hơn. Người trẻ là nạn nhân vô thức của sự phân chia này giữa thời gian trên đồng hồ, cần phải vội vã, và thời gian của cuộc sống, vốn đòi hỏi một sự « dậy men » thích hợp. Tuổi thọ cao cho phép trải nghiệm những khoảng thời gian dài và những thiệt hại của sự vội vàng.
Tuổi già chắc chắn bó buộc một nhịp độ chậm hơn : nhưng đó không đơn thuần là thời gian của sự trơ ì. Quả thế, thước đo của những nhịp độ này mở ra, đối với tất cả mọi người, những không gian ý nghĩa của cuộc sống chưa được biết đến của nỗi ám ảnh về tốc độ. Mất tiếp xúc với những nhịp độ chậm rãi của tuổi già sẽ đóng lại những không gian này đối với tất cả mọi người. Chính trong bối cảnh này mà tôi đã muốn thiết lập Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng Bảy. Mối liên kết giữa hai thế hệ trái ngược của cuộc sống – trẻ em và người già – cũng giúp cho hai thế hệ khác – người trẻ và người lớn – gắn kết với nhau để làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên phong phú hơn trong nhân tính. Đối thoại là cần thiết giữa các thế hệ : nếu không có đối thoại giữa người trẻ và người già, giữa những người lớn, nếu không có đối thoại, thì mỗi thế hệ vẫn bị cô lập và không thể truyền tải thông điệp. Anh chị em hãy nghĩ về điều đó : một người trẻ không gắn bó với cội nguồn là ông bà của mình, thì không nhận được sức mạnh, như cây không nhận được sức mạnh từ gốc rễ, và lớn lên tệ hại, lớn lên bệnh tật, lớn lên không có quy chiếu. Đó là lý do tại sao cần phải tìm kiếm, như một nhu cầu của con người, cuộc đối thoại giữa các thế hệ. Và cuộc đối thoại này là quan trọng ngay giữa ông bà và cháu chắt, vốn là hai thái cực.
Chúng ta hãy tưởng tượng một thành phố trong đó sự chung sống của các lứa tuổi khác nhau là một phần không thể thiếu trong thiết kế tổng thể của môi trường sống. Hãy nghĩ đến việc xây dựng các mối tương quan tình cảm giữa tuổi già và tuổi trẻ được thể hiện trên phong cách chung của các mối quan hệ. Sự đan xen của các thế hệ sẽ trở thành một nguồn năng lượng cho một chủ nghĩa nhân văn thực sự hữu hình và đáng sống. Thành phố hiện đại có khuynh hướng thù địch với người già (và không phải ngẫu nhiên nếu nó cũng không thân thiện với trẻ em). Xã hội này bị xâm chiếm bởi tinh thần vứt bỏ : nó gạt bỏ nhiều trẻ em không được mong muốn và nó gạt bỏ người già : nó gạt bỏ họ, họ vô dụng, ở nhà hưu trí, ngôi nhà cho người già, ở đó…Sự thái quá tốc độ đặt chúng ta vào một máy ly tâm mang chúng ta đi như những bông hoa giấy. Chúng ta hoàn toàn mất đi cái nhìn tổng thể về hoàn cảnh. Mỗi nguời bám vào mảnh ghép nhỏ của mình, trôi theo dòng chảy của thành phố buôn bán, nơi mà nhịp sống chậm rãi là mất mát và là tốc độ của tiền bạc. Tốc độ thái quá phá hủy cuộc sống, nó không làm cho cuộc sống trở nên mạnh mẽ hơn. Và sự khôn ngoan…cần phải mất thời gian cho nó. Khi bạn trở về nhà và gặp thấy con trai, con gái của bạn, bạn « mất thời gian », nhưng trong cuộc chuyện trò này, vốn là cơ bản đối với xã hội, « mất thời gian » với con cái ; và khi bạn trở về nhà và có ông và bà mà có lẽ không lý luận tốt hoặc, tôi không biết, đã mất khả năng nói một chút, và bạn ở với ông hay bà ấy, bạn « mất thời gian » ; nhưng cách thức « mất thời gian » này củng cố gia đình nhân loại. Cần phải dành thời gian, thời gian không phải trả tiền, với trẻ em và người già, vì họ cho chúng ta một khả năng khác để nhìn cuộc sống.
Đại dịch mà chúng ta vẫn buộc phải sống– rất đau đớn, thật không may – đã buộc sự sùng bái đần độn tốc độ phải dừng lại. Và trong giai đoạn này, các ông bà đóng phận vụ rào cản cho « sự mất nước » tình cảm của người trẻ nhất. Mối liên kết hữu hình của các thế hệ, vốn làm hài hòa thời gian và nhịp sống, mang lại cho chúng ta hy vọng không sống vô ích. Và nó mang lại cho mỗi người chúng ta tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của mình, ngăn cản sự ám ảnh về tốc độ, vốn chỉ đơn giản là thiêu hủy nó. Từ khóa ở đây là – tôi hỏi mỗi người trong anh chị em : bạn có biết mất thời gian không, hay bạn luôn vội vàng với tốc độ ? « Không, tôi đang vội, tôi không thể… » ? Bạn có biết mất thời gian với ông bà, với người già không ? Bạn có biết mất thời gian để chơi với con cái của bạn, với bon trẻ không ? Đó là đá thử vàng. Anh chị em hãy suy nghĩ về điều đó một chút. Và điều đó mang lại cho mỗi người tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của chúng ta, ngoại trừ – như tôi đã nói – con đường của sự ám ảnh về tốc độ, điều vốn chỉ đơn giản là thiêu hủy nó. Nhịp sống của tuổi già là một nguồn lực không thể thiếu để hiểu được ý nghĩa của một cuộc sống được ghi dấu bởi thời gian. Người già có nhịp sống của họ, nhưng đó là những nhịp sống giúp đỡ chúng ta. Nhờ sự trung gian này, đích đến của cuộc đời là sự gặp gỡ với Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy hơn : một kế hoạch được ẩn giấu trong việc tạo dựng con người « theo hình ảnh và giống như Ngài » và được đóng ấn nơi Con Thiên Chúa làm người.
Ngày nay, tuổi thọ của cuộc sống con người ngày càng cao. Điều đó cho chúng ta cơ hội gia tăng mối liên kết giữa tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Tuổi thọ càng cao, nhưng chúng ta phải thể hiện mối liên kết nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng ta lớn lên với ý nghĩa cuộc sống một cách trọn vẹn. Ý nghĩa của cuộc sống không chỉ ở tuổi trưởng thành, người ta nghĩ từ 25 đến 60 tuổi : không phải. Ý nghĩa của cuộc sống là toàn bộ, từ khi sinh ra cho đến khi chết, và bạn phải có khả năng tương tác với tất cả mọi người, thậm chí có những mỗi liên hệ tình cảm với tất cả mọi người, như thế sự trưởng thành của bạn sẽ phong phú hơn, mạnh mẽ hơn. Và chúng ta cũng được cung cấp ý nghĩa của cuộc sống, vốn là toàn bộ này. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn thông hiểu và ơn sức mạnh về cuộc cải cách này : một cuộc cải cách là cấp bách. Sự kiêu ngạo của thời gian đồng hồ phải được chuyển đổi thành vẻ đẹp của những nhịp sống. Đó là sự cải cách mà chúng ta phải thực hiện trong tâm hồn chúng ta, trong gia đình và trong xã hội. Tôi nhắc lại : sự kiêu ngạo của thời gian đồng hồ phải được chuyển đổi thành vẻ đẹp của những nhịp sống. Chuyển đổi sự kiêu ngạo của thời gian, vốn luôn thúc ép chúng ta, thành những nhịp sống đích thực. Mối liên kết giữa các thế hệ là không thể thiếu. Trong một xã hội mà người già không nói chuyện với người trẻ, người trẻ không nói chuyện với người già, người lớn không nói chuyện với người già hay với người trẻ, thì đó là một xã hội cằn cỗi, không có tương lai, một xã hội không nhìn về chân trời nhưng chỉ nhìn vào chính mình. Và trở nên cô lập. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta tìm thấy âm nhạc thích hợp cho sự hài hòa của các lứa tuổi khác nhau này : người trẻ, người già, người lớn, tất cả cùng nhau : một bản giao hưởng đối thoại tuyệt đẹp.
——————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican.va)
Tags: Audience, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC