BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 4. VĨNH BIỆT VÀ DI SẢN : KÝ ỨC VÀ CHỨNG TÁ
Trong buổi tiếp kiến chung hôm 23/3/2022, Đức Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về tuổi già. Dựa vào trình thuật Thánh Kinh về di chúc thiêng liêng của Môisê, hay còn được gọi là « Bài ca của Môisê », ngài mời gọi các Kitô hữu suy niệm về kinh nghiệm đức tin của Môisê, vốn được truyền lại như di sản trong Giáo hội. Theo hình ảnh của Môisê, người cao tuổi ngày nay « đi vào đất hứa, mà Thiên Chúa mong muốn cho mỗi thế hệ, khi họ mang lại cho người trẻ sự khai tâm tốt đẹp của chứng tá của họ và truyền lại lịch sử đức tin ».
Đức Thánh Cha nhắc nhở : « Truyền đạt đức tin, đó không phải là nói những điều « tán phét » : không phải. Đó là kể lại kinh nghiệm đức tin. » Và « những chuyện kể của cuộc sống phải được biến thành chứng tá, và chứng tá phải trung thành. Ý thức hệ uốn cong lịch sử theo sơ đồ riêng của nó chắc chắn không trung thành ; sự tuyên truyền cải biên lịch sử để quảng bá cho nhóm của mình là không trung thành ; biến lịch sử thành một tòa án nơi người ta kết án tất cả quá khứ và người ta làm nản lòng mọi tương lai là không trung thành. … Trung thành, đó là kể lại lịch sử như nó là… ».
Cụ thể, « chính các sách Tin Mừng kể lại cách trung thực lịch sử diễm phúc của Chúa Giêsu mà không che giấu những sai lầm, những hiểu lầm và cả những phản bội của các môn đệ. Đó là lịch sử, đó là chân lý, đó là chứng tá…. »
Đức Thánh Cha lưu ý : « điều thường bị thiếu » trong việc dạy giáo lý, « đó là sự hiểu biết của Giáo hội đến từ việc lắng nghe và chứng tá cho lịch sử thực sự của đức tin và cuộc sống của cộng đoàn Giáo hội, từ cội nguồn cho đến ngày nay. » Từ đó, ngài mời gọi : « Trình thuật về lịch sử đức tin phải như Bài ca của Môisê, như chứng tá của các sách Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ. Tức là một trình thuật có khả năng nhắc lại đầy cảm xúc những phúc lành của Thiên Chúa và những thiếu sót của chúng ta cách trung thành. »
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong Thánh Kinh, trình thuật về cái chết của cụ già Môisê được đi trước bằng di chúc thiêng liêng của ông, được gọi là « Bài ca của Môisê ». Bài ca này trước hết là một lời tuyên xưng đức tin rất đẹp, và nó nói như thế này : « Này tôi xưng tụng thánh danh ĐỨC CHÚA, trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ! Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay. Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh. » (Đnl 32, 3-4). Nhưng đó cũng là ký ức về lịch sử được sống với Thiên Chúa, về những cuộc mạo hiểm của dân tộc được hình thành từ niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Chẳng hạn, Môisê cũng nhớ lại những cay đắng và thất vọng của chính Thiên Chúa, và ông diễn tả điều đó như thế này : lòng trung tín của Ngài liên tục bị thử thách bởi sự bất trung của dân Ngài. Và Ngài vẫn luôn trung tín, gần gũi với dân Ngài. Đó chính là trọng tâm của Bài ca Môisê : lòng trung tín của Thiên Chúa đồng hành với chúng ta suốt cả cuộc đời.
Khi Môisê tuyên bố lời tuyên xưng đức tin này, ông đang ở ngưỡng cửa của đất hứa, và cũng vào cuối đời của ông. Ông đã một trăm hai mươi tuổi, trình thuật ghi lại, « mắt ông không mờ » (Đnl 34, 7). Khả năng nhìn này, nhìn thực sự, ngay cả nhìn cách biểu tượng, như những người cao tuổi thể hiện, những người biết nhìn mọi thứ, nhìn thấy ý nghĩa sâu xa của sự vật. Sức sống từ cái nhìn của ông là một ân huệ quý giá : nó cho phép ông truyền đạt di sản của kinh nghiệm sống và đức tin lâu đời của mình, với sự minh mẫn cần thiết. Môisê nhìn thấy lịch sử và truyền lại lịch sử ; những người già nhìn thấy lịch sử và truyền lại lịch sử. Một tuổi già được ban cho sự minh mẫn này là một ân huệ quý giá đối với thế hệ tương lai. Lắng nghe cá nhân và trực tiếp câu chuyện về lịch sử đức tin được sống, với tất cả những thăng trầm của nó, là không thể thay thế được. Đọc nó trong sách, xem nó trên phim, tham khảo nó trên internet, dù hữu ích thế nào, cũng sẽ không bao giờ giống nhau. Sự truyền đạt này – vốn là truyền thống đích thực, là sự truyền đạt cụ thể của người già cho người trẻ ! – sự truyền đạt này ngày nay còn thiếu nhiều, và ngày càng thiếu cho các thế hệ mới. Tại sao ? Bởi vì nền văn minh mới này có ý tưởng rằng những người cao tuổi là phế liệu, người cao tuổi phải bị bỏ đi. Đây là sự tàn nhẫn ! Không, không được như thế. Kể chuyện trực tiếp, giữa người với người, có những cung giọng và phương thức giao tiếp mà không có bất kỳ phương tiện nào có thể thay thế. Một cụ già đã sống lâu và nhận được ân huệ chứng tá minh mẫn và say mê về lịch sử của mình là một phúc lành không thể thay thế được. Chúng ta có thể nhận ra và tôn vinh ân huệ này của người cao tuổi không ? Việc truyền đạt đức tin – và ý nghĩa của cuộc sống – ngày nay có đi theo con đường này, của việc lắng nghe người cao tuổi không ? Tôi có thể đưa ra một chứng tá bản thân. Sự căm ghét và giận dữ đối với chiến tranh đã được ông tôi truyền cho tôi, ông từng chiến đấu trên Piave vào năm 1914, và đã truyền cho tôi sự giận dữ chống lại chiến tranh. Bởi vì ông đã kể cho tôi những đau khổ của một cuộc chiến. Và chúng ta không học được điều đó trong sách vở hay bất kỳ cách nào khác…chúng ta học biết điều đó theo cách này, là truyền lại từ ông bà cho con cháu. Và điều đó là bất khả thay thế. Việc truyền đạt kinh nghiệm sống của ông bà cho con cháu. Ngày nay, thật không may, đó không phải là trường hợp và chúng ta nghĩ rằng ông bà là phế liệu : không phải, Không phải ! Họ là ký ức sống động của một dân tộc, và người trẻ và trẻ em cần lắng nghe ông bà của họ.
Trong nền văn hóa của chúng ta, rất « đúng đắn về mặt chính trị », con đường này dường như bị cản trở bằng nhiều cách : trong gia đình, trong xã hội, ngay cả trong cộng đồng Kitô hữu. Thậm chí một số người đề nghị bãi bỏ việc giảng dạy lịch sử, như là một thông tin thừa về các thế giới vốn không còn thích đáng nữa, vốn lấy đi những nguồn lực dành cho việc hiểu biết về hiện tại. Như thể chúng ta được sinh ra ngày hôm qua, phải không ?
Trái lại, việc truyền đạt đức tin thường thiếu đi sự say mê về một « lịch sử được sống ». Truyền đạt đức tin, đó không phải là nói những điều « tán phét » : không phải. Đó là kể lại kinh nghiệm đức tin. Và như thế khó có thể thu hút người ta chọn lựa tình yêu mãi mãi, lòng trung thành với lời đã trao, sự kiên trì cống hiến, lòng trắc ẩn đối với những khuôn mặt bị tổn thương và nghèo hèn ? Dĩ nhiên, những chuyện kể của cuộc sống phải được biến thành chứng tá, và chứng tá phải trung thành. Ý thức hệ uốn cong lịch sử theo sơ đồ riêng của nó chắc chắn không trung thành ; sự tuyên truyền cải biên lịch sử để quảng bá cho nhóm của mình là không trung thành ; biến lịch sử thành một tòa án nơi người ta kết án tất cả quá khứ và người ta làm nản lòng mọi tương lai là không trung thành. Không. Trung thành, đó là kể lại lịch sử như nó là, và những người đã sống nó mới là những người duy nhất có thể tường thuật nó cách trung thành. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe người già, lắng nghe ông bà là rất quan trọng : ước gì con cái có thể trao đổi với họ.
Chính các sách Tin Mừng kể lại cách trung thực lịch sử diễm phúc của Chúa Giêsu mà không che giấu những sai lầm, những hiểu lầm và cả những phản bội của các môn đệ. Đó là lịch sử, đó là chân lý, đó là chứng tá. Đó là món quà của ký ức mà « những người lớn tuổi » của Giáo hội truyền lại, từ khởi đầu, truyền « tay nhau » cho thế hệ sau. Sẽ hữu ích cho chúng ta khi tự hỏi : chúng ta đánh giá thế nào cách thức truyền đạt đức tin này, trong việc chuyển tiếp giữa những người lớn tuổi của cộng đoàn và những người trẻ đang mở ra tương lai ? Và ở đây, tôi chợt nhớ ra một điều mà tôi đã nói nhiều lần, nhưng tôi muốn lặp lại. Làm thế nào chúng ta truyền đạt đức tin ? « À, có sách đây, nghiên cứu đi » : không phải. Chúng ta không thể truyền đạt đức tin như thế. Đức tin được truyền đạt bằng phương ngữ, tức là bằng ngôn ngữ quen thuộc, giữa ông bà và con cháu, giữa cha mẹ và con cháu. Đức tin luôn được truyền đạt bằng phương ngữ, bằng phương ngữ quen thuộc và kinh nghiệm của bao năm tháng này. Đó là lý do tại sao đối thoại là rất quan trọng trong một gia đình, đối thoại của con cái với ông bà của mình, vốn là những người có sự khôn ngoan của đức tin.
Đôi khi tôi nghĩ về sự bất thường kỳ lạ này. Việc dạy giáo lý khai tâm Kitô giáo ngày nay rộng rãi dựa vào Lời Chúa và truyền đạt những thông tin chính xác về các tín điều, về luân lý của đức tin và các bí tích. Trái lại, điều thường bị thiếu, đó là sự hiểu biết của Giáo hội đến từ việc lắng nghe và chứng tá cho lịch sử thực sự của đức tin và cuộc sống của cộng đoàn Giáo hội, từ cội nguồn cho đến ngày nay. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi Lời Chúa trong các lớp học giáo lý ; nhưng Giáo hội – Giáo hội – khi là người trẻ, chúng ta « biết » Giáo hội trong các lớp học và trong các phương tiện truyền thông tin tức toàn cầu.
Trình thuật về lịch sử đức tin phải như Bài ca của Môisê, như chứng tá của các sách Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ. Tức là một trình thuật có khả năng nhắc lại đầy cảm xúc những phúc lành của Thiên Chúa và những thiếu sót của chúng ta cách trung thành. Sẽ thật tốt là ngay từ đầu, các hành trình dạy giáo lý cũng dự kiến thái độ lắng nghe, từ kinh nghiệm được sống của người cao tuổi, lời tuyên xưng minh mẫn về những phúc lành nhận được từ Thiên Chúa, mà chúng ta phải gìn giữ và chứng tá trung thành về sự bất trung của chúng ta, mà chúng ta phải đền tạ và sữa chữa. Người cao tuổi đi vào đất hứa, mà Thiên Chúa mong muốn cho mỗi thế hệ, khi họ mang lại cho người trẻ sự khai tâm tốt đẹp của chứng tá của họ và truyền lại lịch sử đức tin, đức tin bằng phương ngữ, phương ngữ quen thuộc này, phương ngữ của người lớn tuổi với người trẻ. Như thế, được Chúa Giêsu hướng dẫn, người già và người trẻ cùng nhau đi vào Vương quốc sự sống và tình yêu của Ngài. Nhưng tất cả cùng nhau. Tất cả thành một gia đình, với kho tàng lớn lao này là đức tin được truyền đạt bằng phương ngữ. Cảm ơn anh chị em.
————————
Sau bài giáo lý , Đức Phanxicô nói:
Tôi xin dành một phút để tưởng nhớ các nạn nhân của chiến tranh. Tin tức về những người phải tản cư, những người chạy trốn, những người bị giết, những người bị thương, nhiều binh sĩ đã ngã xuống ở cả hai phía, là tin tức về sự chết. Chúng ta cầu xin Chúa của sự sống giải thoát chúng ta khỏi cái chết của chiến tranh này: với chiến tranh mọi thứ đều mất đi, mọi thứ. Không có chiến thắng trong một cuộc chiến tranh: mọi thứ đều thất bại. Xin Chúa sai Thánh Thần của Ngài đến làm cho chúng con hiểu rằng chiến tranh là một thất bại của nhân loại, mà chúng ta cần phải đánh bại, tất cả chúng ta; rằng tiến hành chiến tranh là một nhu cầu hủy diệt chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi nhu cầu tự hủy diệt này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo hiểu rằng mua vũ khí và chế tạo vũ khí không phải là giải pháp cho vấn đề. Giải pháp là cùng nhau làm việc vì hòa bình và, như Thánh Kinh nói, biến vũ khí thành khí cụ của hòa bình. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ: Kính Mừng Maria…
——————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Hòa-bình, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?