BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ : BÀI 8. ÔNG ELEAZAR, SỰ MẠCH LẠC CỦA ĐỨC TIN, DI SẢN CỦA DANH DỰ

Written by xbvn on Tháng Năm 4th, 2022. Posted in Gia đình, Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi tiếp kiến chung hôm 4/5/2022, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, lần này, về nhân vật Eleazar trong sách Macabê quyển thứ hai, và coi ông như là một mẫu gương sống đức tin của người già đối với giới trẻ. Một đức tin không giả hình, hay chỉ trong tâm hồn, nhưng còn thực hành đức tin chân thành và thể hiện ra bên ngoài trong sự mạch lạc sâu xa và kiên định, không đánh đổi đức tin vì những lợi ích yên thân.

Quả thế, đối với Đức Thánh Cha, « đức tin Kitô giáo có tính hiện thực. Đức tin Kitô giáo không chỉ đọc Kinh Tin Kính: nó còn suy nghĩ về Kinh Tin Kính và hiểu Kinh Tin Kính và thực hiện Kinh Tin Kính. » Đứng trước nguy cơ của thuyết ngộ đạo thời hiện đại, vốn coi việc thực hành đức tin « là một thứ bên ngoài vô dụng và thậm chí có hại, như một thứ cặn bã lâu đời, như một sự mê tín trá hình », ngài kêu gọi « trả lại danh dự cho đức tin, làm cho nó trở nên mạch lạc ».

Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Đức tin đáng được lòng tôn trọng và danh dự cho đến tận cùng: nó đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó đã thanh tẩy tâm trí của chúng ta, nó đã dạy cho chúng ta lòng tôn thờ Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân của chúng ta. … Nhưng đức tin như là toàn bộ, chứ không chỉ là một phần của nó. » Ngài cảnh giác : đừng « đánh đổi đức tin của mình vì một ít ngày sống yên tĩnh. »

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trên đường hướng của các bài giáo lý về tuổi già này, hôm nay chúng ta gặp một nhân vật Thánh Kinh – và là cụ già – tên là Eleazar, sống vào thời bách hại của Antiochus Epiphanes. Ông là một nhân vật tuyệt vời. Tính cách của ông mang lại cho chúng ta một chứng tá về mối tương quan đặc biệt giữa lòng trung tín của tuổi già và danh dự của đức tin. Ông ấy là một người đáng tự hào, phải không ? Tôi xin nói chính xác về danh dự của đức tin, không chỉ về sự kiên định, tuyên xưng và phản kháng của đức tin. Danh dự của đức tin thường xuyên bị áp lực, thậm chí áp lực bạo lực, từ văn hóa của những người cai trị, tìm cách làm suy yếu nó bằng cách coi nó như là một phát hiện khảo cổ, hay một sự mê tín lâu đời, một sự sùng bái lạc hậu ….

Câu chuyện Thánh Kinh – chúng ta đã nghe một đoạn ngắn, nhưng thật tốt để đọc hết nó – kể về sự kiện người Do Thái bị sắc lệnh của vua buộc phải ăn thịt được hiến tế cho các ngẫu tượng. Khi đến lượt Eleazar, một cụ già được mọi người kính trọng, ở tuổi 90 của mình ; được kính trọng bởi mọi người – một người có uy tín – các quan chức của nhà vua khuyên ông viện đến sự giả vờ, tức là giả vờ ăn thịt mà không thực sự làm như vậy. Sự giả hình. Sự giả hình tôn giáo. Có rất nhiều! Có rất nhiều thói giả hình tôn giáo, thói giả hình giáo sĩ, có rất nhiều. Những người này bảo ông, “Hãy giả vờ một chút, không ai để ý đâu”. Bằng cách này, Eleazar sẽ được cứu, và – họ nói – nhân danh tình bạn, ông sẽ chấp nhận cử chỉ trắc ẩn và tình cảm của họ. Một lối thoát giả hình. Sau cùng, họ nài nỉ, đó chỉ là một cử chỉ nhỏ thôi, giả vờ ăn nhưng không ăn, một cử chỉ tầm thường.

Đó là một điều nhỏ nhặt, nhưng câu trả lời bình tĩnh và vững chắc của ông Eleazar dựa trên một lập luận khiến chúng ta ngạc nhiên. Điểm trọng tâm là: làm ô danh đức tin ở tuổi già, để đạt được một ít ngày sống, không thể sánh với di sản nó phải để lại cho giới trẻ, cho toàn thể các thế hệ mai sau. Nhưng Eleazar làm tốt lắm! Một cụ già đã sống mạch lạc với đức tin của mình cả đời, và bây giờ chạy theo việc giả vờ từ chối nó, buộc thế hệ mới nghĩ rằng toàn bộ đức tin là một sự giả mạo, một lớp vỏ bọc bên ngoài có thể bỏ đi, tưởng tượng rằng nó có thể được gìn giữ ở bên trong. Và Eleazar nói, nó không được như thế. Một hành vi như vậy không tôn trọng đức tin, thậm chí không tôn trọng Thiên Chúa. Và hệ quả của sự tầm thường hóa bên ngoài này sẽ tàn phá đời sống nội tâm của người trẻ. Nhưng sự kiên định của cụ già này vốn quý trọng người  trẻ! Ông quý trọng di sản tương lai của mình, ông nghĩ về dân tộc của mình.

Chính tuổi già – và điều này thật đẹp đối với tất cả những người già, có phải không! – xuất hiện ở đây như chỗ đứng quyết định, chỗ đứng không thể thay thế cho chứng tá này. Một người cao tuổi, vì tính dễ bị tổn thương của mình, chấp nhận rằng việc thực hành đức tin là không liên quan, sẽ làm cho người trẻ tin rằng đức tin không có mối tương quan thực sự với cuộc sống. Nó sẽ xuất hiện đối với họ, từ ban đầu, như một tập hợp các hành vi mà, nếu cần, có thể được giả mạo hay được che giấu, bởi vì không có hành vi nào trong số đó là đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống.

Lạc giáo “ngộ đạo” thời cổ đại, vốn là một cái bẫy rất mạnh mẽ và rất hấp dẫn đối với Kitô giáo sơ khai, đã lý thuyết hóa rất chính xác về điều này, đây là một điều cũ rích: rằng đức tin là một linh đạo, không phải là một thực hành; một sức mạnh của tâm trí, không phải là một hình thức sống. Theo lạc giáo này, lòng trung tín và danh dự của đức tin không liên quan gì đến các hành vi của cuộc sống, các thể  chế của cộng đoàn, những biểu tượng của cơ thể. Không có gì để làm với nó. Sự quyến rũ của quan điểm này là rất mạnh, bởi vì nó giải thích, theo cách riêng của nó, một sự thật không thể bàn cãi: rằng đức tin không bao giờ có thể bị giảm thiểu thành một tập hợp các quy tắc ăn kiêng hay những thực hành xã hội. Đức tin là điều gì khác. Điều bất ổn là ở chỗ sự cực đoan hóa sự thật này của thuyết Ngộ đạo sẽ vô hiệu hóa sự hiện thực của đức tin Kitô giáo, bởi vì đức tin Kitô giáo có tính hiện thực. Đức tin Kitô giáo không chỉ đọc Kinh Tin Kính: nó còn suy nghĩ về Kinh Tin Kính và hiểu Kinh Tin Kính và thực hiện Kinh Tin Kính. Làm việc với đôi bàn tay của chúng ta. Thay vào đó, đề xuất của thuyết Ngộ đạo này chủ trương, nhưng [tưởng tượng] rằng điều quan trọng là bạn có một linh đạo bên trong, và rồi bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Và đây không phải là Kitô giáo. Đây là lạc giáo đầu tiên của những người theo thuyết Ngộ đạo, vốn rất thịnh hành vào thời điểm hiện tại, ở rất nhiều trung tâm linh đạo…. Nó hủy bỏ chứng tá của dân tộc này, vốn cho thấy những dấu chỉ cụ thể của Thiên Chúa trong đời sống của cộng đoàn và kháng cự lại những bại hoại của tâm trí qua những cử chỉ của thân xác.

Cám dỗ của thuyết Ngộ đạo, là một trong những – chúng ta hãy sử dụng từ này – lạc giáo, một trong những lệch lạc tôn giáo của thời này; cám dỗ của thuyết Ngộ đạo vẫn luôn hiện hữu. Trong nhiều xu hướng trong xã hội và văn hóa của  chúng ta, việc thực hành đức tin đang chịu đựng một bức tranh tiêu cực, đôi khi ở dạng mỉa mai văn hóa, đôi khi bị gạt ra ngoài lề một cách ngấm ngầm. Việc thực hành đức tin đối với những người theo thuyết Ngộ đạo này, đã có vào thời của Chúa Giêsu, được coi là một thứ bên ngoài vô dụng và thậm chí có hại, như một thứ cặn bã lâu đời, như một sự mê tín trá hình. Nói tóm lại, thứ gì đó cho những ông già. Áp lực mà sự chỉ trích bừa bãi này gây ra cho các thế hệ trẻ là rất mạnh. Tất nhiên, chúng ta biết rằng việc thực hành đức tin có thể trở thành một thực hành bên ngoài vô hồn. Đây là mối nguy khác, đối nghịch lại, chẳng phải sao? Và đó là đúng, có phải không? Nhưng tự nó không phải như thế. Có lẽ chính chúng ta những người lớn tuổi hơn – và vẫn có một số người ở đây – trả lại danh dự cho đức tin, làm cho nó trở nên mạch lạc, vốn là chứng tá của ông Eleazar: sự kiên định cho đến tận cùng. Thực hành đức tin không phải là biểu tượng của sự yếu đuối của chúng ta, không phải, nhưng đúng hơn là dấu chỉ của sức mạnh của nó. Chúng ta không còn là những thanh niên. Chúng ta không đùa giỡn khi chúng ta bắt đầu bước đi trên con đường của Chúa!

Đức tin đáng được tôn trọng và danh dự cho đến tận cùng: nó đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó đã thanh tẩy tâm trí của chúng ta, nó đã dạy cho chúng ta lòng tôn thờ Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân của chúng ta. Nó là một phúc lành cho tất cả mọi người! Nhưng đức tin như là toàn bộ, chứ không chỉ là một phần của nó. Giống như Eleazar, chúng ta sẽ không đánh đổi đức tin của mình vì một ít ngày sống yên tĩnh. Bằng tất cả sự khiêm tốn và cương nghị, chính ở tuổi già của chúng ta, chúng ta sẽ cho thấy rằng tin tưởng không phải là điều gì đó “dành cho người già”. Không. Đó là một vấn đề của cuộc sống. Tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới mọi sự, và Ngài sẽ sẵn lòng giúp đỡ chúng ta.

Anh chị em cao tuổi thân mến, – không nói là già, chúng ta cùng chung một nhóm – xin hãy nhìn người trẻ: họ đang nhìn chúng ta. Họ đang nhìn chúng ta. Đừng quên điều đó. Tôi nhớ lại bộ phim tuyệt vời về thời hậu chiến tranh: Bọn trẻ con đang nhìn chúng ta. Chúng ta có thể nói điều tương tự với những người trẻ tuổi: những người trẻ đang nhìn chúng ta và sự kiên định của chúng ta có thể mở ra một con đường sống tốt đẹp cho họ. Trái lại, sự giả hình sẽ làm hại rất nhiều. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả người cao tuổi chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

———————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31