BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 9. GIUĐITHA. MỘT TUỔI TRẺ ĐÁNG NGƯỠNG MỘ, MỘT TUỔI GIÀ QUẢNG ĐẠI
Hôm 11/5/2022, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, lần này, về nhân vật Giuđitha trong Thánh Kinh. Đó là cơ hội để Đức Thánh Cha suy nghĩ về giai đoạn nghỉ hưu, một giai đoạn thích hợp để xây dựng các mối liên hệ giữa các thế hệ.
« Làm thế nào để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian này mà chúng ta có được ? Tôi sẽ nghỉ hưu hôm nay, và sẽ còn nhiều năm nữa, và tôi có thể làm gì trong những năm này ? Làm thế nào tôi có thể lớn lên – về tuổi tác, điều đó không cần phải nói, nhưng làm thế nào tôi có thể lớn lên về uy tín, về sự thánh thiện, về sự khôn ngoan ? », Đức Thánh Cha đặt câu hỏi và đồng thời cho thấy rằng đối với bà Giuđitha, vấn đề không phải là « một sự nghỉ hưu trống rỗng », nhưng « đó là thời gian để lại di sản tốt đẹp của sự khôn ngoan, sự dịu dàng, những món quà cho gia đình và cộng đồng : một di sản về điều thiện hảo chứ không chỉ tài sản. »
Đức Thánh Cha khuyên các cộng đoàn của chúng ta « phải biết tận dụng các nén bạc và các đặc sủng của rất nhiều người cao tuổi, đã nghỉ hưu, nhưng là một sự phong phú đáng được trân trọng. » Vả lại, qua bà Giuđitha, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng « sự anh hùng không chỉ là anh hùng của những sự kiện to lớn dưới ánh đèn sân khấu, … nhưng người ta thường nhận thấy sự anh hùng trong sự bền bỉ của tình yêu được sống trong một gia đình khó khăn và ủng hộ một cộng đồng bị đe dọa. »
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta sẽ nói về bà Giuđitha, một nữ anh hùng trong Thánh Kinh. Phần kết của cuốn sách mang tên bà – chúng ta đã nghe một trích đoạn của cuốn sách – tóm tắt phần cuối cuộc đời của người phụ nữ này, người đã bảo vệ Israel chống lại các kẻ thù. Giuđitha là một góa phụ Do Thái trẻ tuổi và đức hạnh, nhờ đức tin, sắc đẹp và sự khôn khéo của mình, đã cứu thành Béthulie và dân Giuđê khỏi vòng vây của Holopherne, vị tướng của Nabuchodonosor, vua của Assyria, một kẻ thù hùng mạnh và đáng khinh bỉ của Thiên Chúa. Như thế, nhờ cách hành động mưu mẹo của mình, bà đã có thể cắt cổ tên độc tài đang tấn công đất nước. Bà đã can đảm, người phụ nữ này, nhưng bà có niềm tin…
Sau cuộc mạo hiểm mà bà là nhân vật chính, Giuđitha trở về sống tại thành phố Béthulie của mình, nơi bà trải qua một tuổi già tươi đẹp cho đến một trăm lẻ năm tuổi. Đó cũng là trường hợp đối với nhiều người : đôi khi sau một đời làm việc căng thẳng, đôi khi sau một cuộc đời phiêu lưu mạo hiểm, hay một cuộc đời cống hiến lớn lao. Sự anh hùng không chỉ là anh hùng của những sự kiện to lớn dưới ánh đèn sân khấu, chẳng hạn như việc giết chết kẻ độc tài bởi bà Giuđitha : nhưng người ta thường nhận thấy sự anh hùng trong sự bền bỉ của tình yêu được sống trong một gia đình khó khăn và ủng hộ một cộng đồng bị đe dọa.
Bà Giuđitha đã sống hơn 100 tuổi, một phúc lành đặc biệt. Nhưng ngày nay việc sống nhiều năm sau khi nghỉ hưu không phải là hiếm. Làm thế nào để giải thích, làm thế nào để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian này mà chúng ta có được ? Tôi sẽ nghỉ hưu hôm nay, và sẽ còn nhiều năm nữa, và tôi có thể làm gì trong những năm này ? Làm thế nào tôi có thể lớn lên – về tuổi tác, điều đó không cần phải nói, nhưng làm thế nào tôi có thể lớn lên về uy tín, về sự thánh thiện, về sự khôn ngoan ?
Đối với nhiều người, viễn cảnh nghỉ hưu trùng khớp với viễn cảnh được nghỉ ngơi xứng đáng và được ao ước sau những hoạt động căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng cũng xảy ra rằng sự kết thúc của công việc có thể là một nguồn cho sự lo lắng và được chờ đợi với một nỗi e sợ nào đó. « Tôi sẽ làm gì bây giờ khi cuộc sống của tôi sắp trở nên trống rỗng bởi tất cả những gì đã từng lấp đầy nó bấy lâu nay ? » : đó là vấn đề. Công việc thường ngày, đó cũng là toàn bộ các mối quan hệ, sự thỏa mãn của việc kiếm sống, kinh nghiệm về việc có một vai trò, một sự công nhận xứng đáng, một công việc toàn thời gian vượt quá giờ làm việc đơn giản.
Tất nhiên, có sự dấn thân, vừa vui tười vừa mệt mỏi, chăm sóc các cháu chắt, và ngày nay, các ông bà có một vai trò rất quan trọng trong gia đình để giúp dưỡng dục cháu chắt ; nhưng chúng ta biết rằng ngày nay ngày càng có ít trẻ em được sinh ra, và cha mẹ thường ở xa hơn, phải đi lại nhiều hơn, với những hoàn cảnh lao động và chỗ ở không thuận lợi. Đôi khi họ cũng miễn cưỡng hơn khi giao phó cho ông bà những không gian để giáo dục, chỉ cho họ những không gian gắn chặt với nhu cầu hỗ trợ. Nhưng có ai đó đã nói với tôi, đồng thời cười mỉa mai một chút : « Ngày nay, ông bà, trong hoàn cảnh kinh tế xã hội này, đã trở nên quan trọng hơn, bởi vì họ có tiền trợ cấp ». Họ nghĩ vậy. Có những đòi hỏi mới, ngay cả ở cấp độ tương quan giáo dục và cha mẹ, vốn bó buộc chúng ta phải định hình lại mối liên kết truyền thống giữa các thế hệ.
Nhưng, chúng ta tự hỏi : chúng ta đang nỗ lực « định hình lại » không ? Hay đơn giản là chúng ta đang chịu sức ì của các điều kiện vật chất và kinh tế ? Quả thật, sự hiện diện cùng nhau của các thế hệ đang kéo dài. Tất cả chúng ta có cùng nhau tìm cách làm cho nó nhân bản hơn, tình cảm hơn, công bằng hơn, trong các điều kiện mới của các xã hội hiện đại không ? Đối với các ông bà, một phần quan trọng trong ơn gọi của họ là nâng đỡ con cái của mình trong việc giáo dục các cháu chắt của họ. Các cháu chắt học được sức mạnh của sự dịu dàng và sự tôn trọng tính mong manh : những bài học không thể thay thế, mà ông bà sẽ dễ truyền đạt và đón nhận hơn. Về phần mình, ông bà học biết rằng sự dịu dàng và sự mong manh không chỉ là những dấu hiệu của sự suy yếu : đối với người trẻ, đó là những giai đoạn làm nên tương lai của nhân loại.
Bà Giuđitha góa chồng từ rất sớm và không có con cái, nhưng với tư cách là phụ nữ lớn tuổi, bà đã có thể sống một mùa viên mãn và thanh thản, biết rằng bà đã sống trọn vẹn sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho bà. Đối với bà, đó là thời gian để lại di sản tốt đẹp của sự khôn ngoan, sự dịu dàng, những món quà cho gia đình và cộng đồng : một di sản về điều thiện hảo chứ không chỉ tài sản. Khi chúng ta nghĩ đến di sản, đôi khi chúng ta nghĩ đến tài sản, chứ không nghĩ đến sự thiện hảo đã được thực hiện trong tuổi già và đã được gieo, sự thiện hảo này là di sản tốt nhất mà chúng ta có thể để lại.
Chính trong tuổi già của mình, bà Giuđitha « đã giải phóng cho người nữ tỳ yêu thích của mình ». Đó là dấu hiệu của một cái nhìn quan tâm và nhân văn đối với những người sống gần bà. Người nữ tỳ này đã đồng hành với bà trong cuộc mạo hiểm để đánh bại kẻ độc tài và cắt cổ ông ta. Khi già đi, chúng ta mất thị lực một chút, nhưng cái nhìn nội tâm trở nên sắc sảo hơn : chúng ta nhìn bằng tâm hồn. Chúng ta trở nên có thể nhìn thấy những thứ trước đây chúng ta không nhận thấy. Người cao tuổi biết nhìn và biết thấy…Như thế : Chúa không chỉ giao phó các nén bạc của mình cho người trẻ và người mạnh : Ngài có những nén bạc cho tất cả mọi người, được giao phó tùy theo khả năng của mỗi người, cho người già nữa. Đời sống của các cộng đoàn của chúng ta phải biết tận dụng các nén bạc và các đặc sủng của rất nhiều người cao tuổi, đã nghỉ hưu, nhưng là một sự phong phú đáng được trân trọng. Về phía bản thân người cao tuổi, điều đó đòi hỏi một sự chú ý sáng tạo và sự chú ý mới mẻ, một sự sẵn sàng ứng trực quảng đại. Các kỹ năng xưa trong đời sống hoạt động mất đi phần ràng buộc của chúng và trở thành những nguồn lực của quà tặng : dạy dỗ, khuyên bảo, xây dựng, chăm sóc, lắng nghe…Ưu tiên cho lợi ích của những người nghèo nhất, vốn không có phương tiện để học tập hay bị bỏ mặc cho sự cô đơn của họ.
Bà Giuđitha đã trả tự do cho người nữ tỳ của mình và khiến mọi người chú ý. Khi còn là một cô gái trẻ, bà đã giành được sự tôn trọng của cộng đồng bằng sự can đảm của mình. Ở tuổi già, bà đã xứng đáng nhận được điều đó vì sự dịu dàng mà bà đã làm phong phú thêm sự tự do và tình cảm của họ. Bà Giuđitha không phải là một người nghỉ hưu sống sự trống rỗng của mình cách u sầu : đó là một phụ nữ lớn tuổi đầy đam mê, lấp đầy thời gian mà Thiên Chúa ban cho bà bằng những quà tặng. Tôi khuyên anh chị em : một trong những ngày này, hãy cầm lấy Thánh Kinh và mở sách Giuđitha : nó rất ngắn, chúng ta đọc nó…có 10 trang, không hơn. Hãy đọc câu chuyện này về một người phụ nữ can đảm đã hoàn thành bản thân như thế, cách dịu dàng, cách quảng đại, một phụ nữ đáng trân trọng. Và tôi muốn tất cả những người bà của chúng ta được như thế, như thế này : can đảm, khôn ngoan và cầu mong họ để lại cho chúng ta làm di sản không phải tiền bạc, nhưng là di sản của sự khôn ngoan, được gieo vào cháu chắt của họ. Cảm ơn anh chị em.
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ