BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI GIỚI TRẺ PAPUA

Written by xbvn on Tháng Chín 11th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Thế Giới

Trở lại sân vận động John Guise, nơi ngài cử hành thánh lễ vào sáng Chúa Nhật, Đức Phanxicô đã dành cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Papua New Guinea cho giới trẻ hôm 9/9/2024, để nghe họ nói về những khó khăn và hy vọng của họ, và đồng thời khuyến khích họ hợp nhất với nhau trong ngôn ngữ của tình yêu.

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha :

 Các bạn trẻ thân mến, chào buổi sáng!

Cha rất vui khi đã dành những ngày vừa qua tại đất nước của các con, nơi mà biển cả, núi non lẫn những khu rừng nhiệt đới cùng chung sống. Trên hết, đây là một quốc gia trẻ có nhiều người trẻ sinh sống! Tất cả chúng ta đều có thể chiêm ngưỡng diện mạo trẻ trung của đất nước, cách riêng qua màn trình diễn tuyệt vời mà chúng ta vừa thưởng thức. Xin cảm ơn! Cảm ơn vì sự vui tươi của các con và vì đã thuật lại vẻ đẹp của nước Papua “nơi đại dương gặp gỡ mây trời, nơi ước mơ được sinh ra và thách thức sự tan biến”. Trên hết, cảm ơn các con vì đã đặt ra trên hết thảy chúng ta một niềm khát khao đầy hy vọng: “nhìn về tương lai với những nụ cười hy vọng!”. Và cũng với những nụ cười của niềm vui.

Các bạn trẻ quý mến, cha không muốn rời khỏi đây mà không gặp gỡ các con, bởi các con là niềm hy vọng cho tương lai. Làm sao chúng ta gầy dựng tương lai? Chúng ta muốn trao tặng ý nghĩa nào cho cuộc đời mình? Cha muốn trả lời những câu hỏi này bằng cách bắt đầu với câu chuyện được tìm thấy lúc khởi đầu Kinh Thánh, câu chuyện về Tháp Babel. Ở đó chúng ta thấy được hai kiểu bất đồng, hai cách sống và xây dựng xã hội đối lập nhau: một bên dẫn đến sự hỗn loạnphân tán, còn bên kia thì đưa đến sự hoà hợp gặp gỡ với Thiên Chúa và với anh chị em. Một mặt là sự hỗn loạn và mặt kia là sự hòa hợp. Việc đặt cạnh kề nhau này thật là quan trọng.

Bây giờ cha hỏi các con, đâu là điều các con chọn lựa? Kiểu phân tán hoặc kiểu hoà hợp, các con chọn bên nào? (Các bạn trẻ trả lời: hoà hợp!) Các con thật tuyệt! Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, sau cơn hồng thuỷ, con cháu của ông Noe phân tán đến các đảo khác nhau, mỗi người “có đất riêng tuỳ theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (Stk 10, 5). Không bỏ đi những khác biệt của họ, Thiên Chúa ban cho họ cách để giao thiệp với nhau và vì thế tìm được sự hợp nhất. Thật vậy, ‘mọi người đều nói một thứ tiếng’ (Stk 11, 1). Điều này có nghĩa là Chúa dựng nên chúng ta để có được những mối tương quan tốt đẹp với người khác. Hãy cẩn thận: Người không tạo dựng ta cho sự hỗn loạn, nhưng để có được những mối quan hệ tốt đẹp. Điều này thực sự quan trọng.

Đối diện với sự đa dạng ngôn ngữ gây nên chia tách và phân tán, chúng ta cần một thứ ngôn ngữ giúp đưa chúng ta lại với nhau. Nhưng cha hỏi các con: ngôn ngữ nào dưỡng nuôi được tình bạn, phá đổ được những bức tường chia cách và mở đường cho chúng ta bước vào vòng tay đượm tình huynh đệ? Ngôn ngữ đó là gì? Cha muốn nghe từ một vài người trong các con. Ai có thể cho cha biết ngôn ngữ đó là gì? Ai là người can đảm nhất, đưa tay và tiến lên phía trước đây. (Một chàng trai đáp lại: Tình yêu). Con chắc chứ? (Các bạn trẻ trả lời: vâng!) Hãy nghĩ về điều đó. Và đối nghịch với tình yêu, đó là gì? Lòng ghen ghét. Nhưng cũng có một điều có lẽ còn tệ hơn cả lòng ghen ghét: sự lãnh đạm với người khác. Các con có hiểu được ghen ghét và lãnh đạm là gì không? Các con hiểu chứ? (Các bạn trẻ thưa lên: vâng!) Các con biết rằng sự lãnh đạm là một điều cực tệ, bởi nó có nghĩa là bỏ lại người khác trên đường phố và chẳng màng giúp đỡ người ta. Sự thờ ơ có gốc rễ nơi thói ích kỷ.

Các con, những người trẻ, phải có được con tim thao thức để quan tâm đến người khác. Các con phải không ngừng kết bạn với nhau. Các con phải lưu tâm đến một điều mà cha sắp nói với con ngay lúc này, một điều xem ra có chút lạ lẫm. Có một mối tương quan cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của một người trẻ: là sự gần gũi với các bậc ông bà. Các con đồng ý với điều này chứ? (Những người trẻ đáp: vâng) Bây giờ, tất cả chúng ta hãy cùng nhau nói ‘Chúc ông bà sống trường thọ!’

Chúng ta hãy trở lại với trình thuật Kinh Thánh về con cháu của ông Noe. Mỗi người nói một thứ tiếng, thậm chí nhiều phương ngữ. Cha hỏi các con: Có bao nhiêu phương ngữ ở đây? Một? Hai? Ba? Nhưng phần mình, các con có ngôn ngữ chung nào không? Hãy suy nghĩ cẩn thận: Các con có ngôn ngữ chung không? Ngôn ngữ của con tim! Ngôn ngữ của tình yêu! Ngôn ngữ của sự gần gũi! Và cả ngôn ngữ của sự phục vụ nữa.

Cha cảm ơn vì sự hiện diện của các con nơi đây. Và cha hy vọng rằng tất cả các con cùng nói một ngôn ngữ thẳm sâu nhất hầu hết thảy có thể trở thành ‘wantok’ (ngôn ngữ) của tình yêu!

Những người trẻ thân mến, cha rất vui mừng vì lòng nhiệt thành của các con, với mọi sự các con làm và những gì các con nghĩ tưởng. Nhưng cha muốn biết một người trẻ, liệu bạn ấy có thể phạm sai lầm không? Và một người trưởng thành, anh ta có thể mắc lỗi không? Tất cả chúng ta đều có thể lỗi phạm. Từng người trong chúng ta. Nhưng điều quan trọng là phải nhận ra được lỗi sai. Đó là điều cốt yếu. Chúng ta không phải là siêu nhân. Chúng ta có thể mắc lỗi. Điều này cũng đưa đến cho chúng ta một sự chắc chắn rằng ai cũng phải luôn sửa lỗi cho chính mình. Trong đời sống, mọi người đều có thể vấp ngã. Nhưng vẫn có một bài ca tuyệt vời, cha mong muốn các con học biết nó, một ca khúc mà người trẻ thường hát khi họ leo lên đỉnh núi Alps. Bài hát như thế này, “Trong nghệ thuật leo núi, điều quan trọng chẳng phải là không bị té ngã, nhưng là không ở yên tại chỗ”. Các con hiểu ca từ này không? Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có thể vấp ngã! Nhưng liệu có quan trọng để không vấp ngã? Cha hỏi các con. (Những người trẻ trả lời: không!) Đúng vậy, nhưng điều nào quan trọng hơn? Đừng ở yên tại chỗ. Nếu các con thấy một người bạn cùng trang lứa vấp ngã, các con nên làm gì? Cười nhạo chăng? Các con hãy nhìn vào người bạn đó và giúp cậu ấy đứng dậy. Hãy nghĩ rằng chỉ có một hoàn cảnh duy nhất trong đời mà chúng ta có thể “kẻ cả” nhìn xuống người khác: đó là giúp người đó đứng dậy. Giúp người đó đứng dậy. Các con đồng ý hay không? Nếu ai đó trong các con vấp ngã, một chút sa ngã trong đời sống luân lý, liệu các con nên cho cậu ấy một cái tát, kiểu như thế không? (Những người trẻ trả lời: Không!) Rất tốt.

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau lặp lại để kết thúc. Trong cuộc sống, điều quan trọng chẳng phải là không vấp ngã, nhưng là không ở yên một chỗ. Hãy lặp lại điều này.

Những người trẻ quý mến, cha cảm ơn vì niềm vui của các con, vì sự hiện diện của các con, vì những ước mơ của các con. Cha cầu nguyện cho các con. Và các con cũng đừng quên cầu nguyện cho cha, vì công việc này không hề dễ dàng. Cha cảm ơn các con rất nhiều vì sự hiện diện của các con. Cha cảm ơn các con rất nhiều vì niềm hy vọng của các con.

———————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30