BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG NGHI THỨC BẾ MẠC CUỘC GẶP GỠ CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH : CÁC TÔN GIÁO VÀ CÁC NỀN VĂN HÓA ĐỐI THOẠI « CÁC DÂN TỘC ANH EM, TRÁI ĐẤT TƯƠNG LAI »

Written by xbvn on Tháng Mười 8th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

« Đó không phải là những lời rỗng tuếch, nhưng là những yêu cầu khẩn thiết mà chúng ta thực hiện vì lợi ích của anh chị em của chúng ta, chống lại chiến tranh và sự chết, nhân danh Đấng là bình an và sự sống. Ít vũ khí hơn và nhiều thực phẩm hơn, ít giả hình hơn và nhiều minh bạch hơn, nhiều vắcxin hơn được phân phối cách công bằng và ít súng đạn được bán cách thiếu thận trọng hơn. Thời gian hiện nay đòi buộc chúng ta trở nên tiếng nói của nhiều tín hữu, của những người chất phác và không vũ trang, mệt mỏi với bạo lực, để những người có trách nhiệm với công ích dấn thân, không chỉ lên án chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, nhưng còn tạo ra những điều kiện để ngăn chặn chúng. »

Đó là những lời phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong diễn văn dịp nghi thức bế mạc hai ngày gặp gỡ quốc tế (6-7/10/2021), được tổ chức bởi Cộng đồng Sant’Egidio, để cầu nguyện cho hòa bình, với chủ đề « Các tôn giáo và các nền văn hóa đối thoại « Các dân tộc anh em, trái đất tương lai » ».

Đức Thánh Cha phát biểu sau các phát biểu của nhà sáng lập Sant’Egidio, Andrea Riccardi, bà thủ tướng Đức, Angela Merkel, đại giáo sĩ của Al-Ahzar, Mohamed Al-Tayyeb, đại giáo sĩ Do Thái Pinchas Goldschmidt.

Sau phát biểu của Đức Thánh Cha, một phút thinh lặng để tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch, của chiến tranh và bạo lực.

Tiếp đến, lời kêu gọi hòa bình được đọc bởi Sabera Ahmadi, một phụ nữ đến từ Afghanistan. Sau đó, nó được các nhà lãnh đạo tôn giáo trao lại cho các dại diện của các trẻ em trên thế giới. Đức Thượng Phụ Bartôlômêô lúc đó đã kêu gọi trao cho nhau cử chỉ bình an.

Một khách mời đặc biệt của cuộc gặp gỡ này đã chào mừng Đức Thánh Cha : nhà biên kịch kiêm đạo diễn Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Auschwitz, mà Đức Thánh Cha đã đến thăm vào ngày 20/2/2021 ở Rôma.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi một « sự can đảm của lòng trắc ẩn, vượt lên trên một đời sống yên hàn, lên trên não trạng “điều đó không liên quan đến tôi” và “điều đó không thuộc về tôi”. Để không bỏ mặc cuộc sống của các dân tộc bị giảm thiểu thành một trò chơi giữa những kẻ quyền lực», và đồng thời mời gọi ý thức về « tầm quan trọng của việc bước đi cùng nhau vì hòa bình: cùng với nhau, không bao giờ chống lại nhau nữa », cũng như «nhìn thấy nơi người khác « là những anh em, bởi vì họ đã được tạo dựng bởi một Đấng Tạo Hóa duy nhất » ».

Từ đó, Đức Thánh Cha kêu gọi : « Nhân danh hòa bình, tôi xin anh chị em, chúng ta hãy phá bỏ, trong mỗi truyền thống của chúng ta, cám dỗ bảo thủ quá khích, tất cả gợi ý nào về việc biến người anh em thành một kẻ thù». 

Và « ước mơ hòa bình được kết hợp với một ước mơ khác, ước mơ về trái đất tương lai», bởi vì « chúng ta không thể luôn khỏe mạnh trong một thế giới bệnh hoạn ». Và đối với Đức Thánh Cha, « cầu nguyện và hành động có thể tái định hướng dòng chảy lịch sử ».

Dưới đây là  toàn bộ bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Anh chị em thân mến !

Tôi chào mừng và cảm ơn mỗi người trong anh chị em, các vị lãnh đạo của các Giáo hội, các Quan chức chính quyền và các Đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới. Thật đẹp khi cùng nhau ở đây, mang trong tâm hồn chúng ta và trong trái tim của Rôma khuôn mặt của những người mà chúng ta có trách nhiệm. Nhất là thật quan trọng để  cầu nguyện và chia sẻ, một cách rõ ràng và chân thành, những mối bận tâm của chung ta đối với hiện tại và tương lai của thế giới chúng ta. Trong những ngày này, nhiều tín hữu đã gặp nhau, biểu lộ việc cầu nguyện là sức mạnh khiêm tốn mang lại hòa bình và giải trừ các tâm hồn khỏi mọi hần thù là dường nào. Trong nhiều cuộc gặp gỡ, một xác tín cũng đã được bày tỏ: cần phải thay đổi mối tương quan giữa các dân tộc, và mối tương quan của các dân tộc với trái đất. Bởi vì ở đây, hôm nay, cùng nhau, chúng ta mơ ước về các dân tộc anh em một trái đất tương lai.

Các dân tộc anh em. Chúng ta nói điều đó với đấu trường Colisée ngay đằng sau chúng ta. Đại hí trường này, trong quá khứ xa xôi, đã là nơi giải trí của đám đông tàn bạo: những cuộc chiến đấu giữa những con người, hay giữa con người và thú vật. Một cảnh tượng huynh đệ tương tàn, một trò chơi chết chóc với sinh mạng của biết bao nhiêu người. Cả ngày hôm nay nữa, chúng ta chứng kiến bạo lực và chiến tranh, anh em giết nhau, đôi khi như một trò chơi được nhìn từ xa, dửng dưng và tin rằng nó sẽ không bao giờ chạm đến chúng ta. Nỗi đau đớn của người khác không gây áp lực cho chúng ta, thậm chí cả nỗi đau đớn của các nạn nhân, của người di cư, của các trẻ em bị mắc kẹt trong các cuộc chiến tranh, bị tước đi bởi tính vô tâm của một tuổi trẻ chơi bời. Nhưng chúng ta không thể vui đùa với cuộc sống của các dân tộc và của các trẻ em. Chúng ta không thể sống dửng dưng. Trái lại, cần phải có lòng cảm thông và nhìn nhận nhân loại chung mà chúng ta thuộc về, với những đau buồn, những cuộc đấu tranh và những mong manh của nó. Chúng ta phải nghĩ: “Tất cả điều đó tác động đến tôi, tất cả điều đó lẽ ra có thể xảy ra ở đây, cho tôi nữa”. Ngày nay, trong xã hội toàn cầu hóa vốn biến nỗi đau khổ thành một cảnh quan, nhưng không động lòng trắc ẩn với nó, chúng ta cần “xây dựng lòng trắc ẩn” này: cảm nhận người khác, biến đau khổ của họ thành của mình, nhìn nhận khuôn mặt của họ. Đó là sự can đảm đích thực, sự can đảm của lòng trắc ẩn, vượt lên trên một đời sống yên hàn, lên trên não trạng “điều đó không liên quan đến tôi” và “điều đó không thuộc về tôi”. Để không bỏ mặc cuộc sống của các dân tộc bị giảm thiểu thành một trò chơi giữa những kẻ quyền lực. Không, sự sống của các dân tộc không phải là một trò chơi, nó là một điều nghiêm túc và liên quan đến tất cả mọi người; chúng ta không thể bỏ mặc nó cho những lợi ích của một số người, hay làm mồi cho những dục vọng bè phái và chủ nghĩa dân tộc.

Chính chiến tranh coi thường sự sống con người. Chính bạo lực, chính thảm kịch và việc buôn bán vũ khí ngày càng nhiều, thường ẩn núp trong bóng tối, được nuôi dưỡng bởi những dòng tiền bạc ngầm. Tôi muốn nhắc lại rằng “chiến tranh luôn là một sự thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng hổ nhục, một sự khuất phục trước các thế lực của sự dữ” (Thông điệp Fratelli tutti, số 261). Chúng ta không được chấp nhận nó nữa bằng cái nhìn giữ khoảng cách với hiện thực, và chúng ta nỗ lực nhìn vào nó bằng ánh mắt của các dân tộc. Cách đây hai năm, ở Abou Dhabi, cùng với người anh em của tôi, Đại giáo sĩ của Al-Azhar đang có mặt ở đây, chúng tôi đã kêu gọi tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình, lên tiếng “nhân danh các dân tộc đã mất đi sự an toàn, hòa bình và sự cùng chung sống, trở thành nạn nhân của những tàn phá, đổ nát và chiến tranh” (Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cùng chung sống, ngày 4/2/2019). Chúng ta được mời gọi, với tư cách là những đại diện của các tôn giáo, không nhượng bộ cho những nịnh hót của quyền lực thế gian, nhưng là tiếng nói của những người không có tiếng nói, sự nâng đỡ cho người đau khổ, người bênh vực cho những người bị áp bức, cho các nạn nhân của lòng hận thù, bị gạt bỏ bởi con người trong thế giới này, nhưng quý giá trước nhan Đấng ngự trên Trời. Ngày nay, họ sợ hãi, bởi vì trong quá nhiều nơi trên thế giới, thay vì đối thoại và hợp tác, chính sự đối đầu quân sự  được áp đặt như là phương tiện quyết định.

Vì thế, tôi muốn tiếp tục lời khích lệ mà tôi đã thực hiện ở Abou Dhabi về nhiệm vụ của các tôn giáo và chúng ta không thể trì hoãn được nữa: “Trong thời cơ lịch sử tế nhị này, hãy phi quân sự hóa tâm hồn con người” (Diễn văn dịp gặp gỡ liên tôn, 4/2/2019). Anh chị em tín hữu thân mến, trách nhiệm của chúng ta là  giúp diệt trừ lòng hận thù trong tâm hồn và lên án mọi hình thức bạo lực. Chúng ta khuyến khích điều đó bằng những lời lẽ rõ ràng: hạ vũ khí, giảm chi tiêu quân sự để đóng góp vào nhu cầu nhân đạo, chuyển những công cụ chết chóc thành những công cụ sự sống. Đó không phải là những lời rỗng tuếch, nhưng là những yêu cầu khẩn thiết mà chúng ta thực hiện vì lợi ích của anh chị em của chúng ta, chống lại chiến tranh và sự chết, nhân danh Đấng là bình an và sự sống. Ít vũ khí hơn và nhiều thực phẩm hơn, ít giả hình hơn và nhiều minh bạch hơn, nhiều vắcxin hơn được phân phối cách công bằng và ít súng đạn được bán cách thiếu thận trọng hơn. Thời gian hiện nay đòi buộc chúng ta trở nên tiếng nói của nhiều tín hữu, của những người chất phác và không vũ trang, mệt mỏi với bạo lực, để những người có trách nhiệm với công ích dấn thân, không chỉ lên án chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, nhưng còn tạo ra những điều kiện để ngăn chặn chúng.

Để các dân tộc trở thành anh em, lời cầu nguyện của chúng ta phải không ngừng hướng lên Trời và một lời phải luôn vang vọng trên trái đất: hòa bình. Thánh Gioan-Phaolô II, là người đầu tiên mời các tôn giáo cùng nhau cầu nguyện cho hào bình ở Assidi vào năm 1986, đã mơ về một hành trình chung của các tín hữu mà, từ sự kiện này, sẽ mở ra cho tương lại. Các bạn thân mến, chúng ta đang ở trên hành trình, mỗi người với căn tính tôn giáo riêng của mình, để vun trồng hòa bình nhân danh Thiên Chúa, bằng cách nhìn nhận nhau là anh chị em. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã chỉ ra nhiệm vụ này khi ngài tuyên bố: “Hòa bình đang chờ đợi các ngôn sứ của nó. Hòa bình đang chờ đợi những người kiến tạo của nó” (Diễn văn cho các đại diện các Giáo hội Kitô giáo, các cộng đoàn Giáo hội và các tôn giáo trên thế giới quy tụ ở Assidi, ngày 27/10/1986). Đối với một số người, điều đó đã có vẻ là một sự lạc quan vô nghĩa. Nhưng trong những năm qua, sự chia sẻ đã thực sự được phát triển và những lịch sử đối thoại giữa các thế giới tôn giáo khác nhau đã trưởng thành, bằng cách truyền cảm hứng cho những nẻo đường hòa bình. Đó là con đường. Nếu có ai muốn chia rẽ và tạo ra đối đầu, thì chúng ta  tin vào tầm quan trọng của việc bước đi cùng nhau vì hòa bình: cùng với nhau, không bao giờ chống lại nhau nữa.

Anh chị em thân mến, con đường của chúng ta đòi hỏi một sự thanh tẩy tâm hồn liên lỉ. Thánh Phanxicô Assidi, trong khi yêu cầu các tín hữu của mình nhìn thấy nơi người khác “là những anh em, bởi vì họ đã được tạo dựng bởi một Đấng Tạo Hóa duy nhất”, đã đưa ra khuyến nghị này cho họ: “Sự bình an mà anh chị em công bố bằng miệng, hãy có nó cách dồi dào hơn nữa trong tâm hồn anh chị em” (Légende des trois compagnons, XIV, 5 : FF 1469). Hòa bình trước tiên không phải là một thỏa thuận cần được thương lượng hay một giá trị cần được khơi dậy, nhưng là một thái độ tâm hồn. Nó được sinh ra từ công lý, nó lớn lên trong tình huynh đệ, nó sống nhờ tính nhưng không. Nó thúc đẩy chúng ta “phục vụ sự thật và tố giác những gì là xấu xa khi nó là xấu xa, mà không sợ hãi và không giả vờ, ngay cả và nhất là khi nó bị vi phạm bởi những người tuyên xưng niềm tin của chúng ta” (Sứ điệp cho các tham dự viên Diễn đàn Liên đức tin G20 năm 2021, 7/9/2021). Nhân danh hòa bình, tôi xin anh chị em, chúng ta hãy phá bỏ, trong mỗi truyền thống của chúng ta, cám dỗ bảo thủ quá khích, tất cả gợi ý nào về việc biến người anh em thành một kẻ thù. Đang khi nhiều người bị khép kín trong sự đối kháng, phe phái và những trò chơi ảnh hưởng, chúng ta làm vang vọng châm ngôn này của Giáo sĩ Ali: “Có hai loại người: các anh chị em của chúng ta trong đức tin, hay người đồng loại của chúng ta”.

Các dân tộc anh em để ước mơ về hòa bình. Nhưng, ngày nay, ước mơ hòa bình được kết hợp với một ước mơ khác, ước mơ về trái đất tương lai. Đó là dấn thân chăm sóc đối với công trình tạo dựng, đối với ngôi nhà chung mà chúng ta sẽ để lại cho giới trẻ. Bằng cách vun trồng một thái độ chiêm ngắm chứ không săn mồi, các tôn giáo được mời gọi lắng nghe những tiếng rên siết của trái đất, mẹ của chúng ta, vốn đang chịu biết bao bạo lực. Người anh em thân mến của tôi, Đức Thượng Phụ Bartôlômêô, đang hiện diện ở đây, đã giúp chúng ta ý thức rằng « tội ác chống lại thiên nhiên là tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa » (Diễn văn ở Santa Barbara, ngày 8/12/1997, trích trong Thông điệp Laudato si’, số 8).

Tôi lặp lại những gì đại dịch đã cho chúng ta thấy, tức là chúng ta không thể luôn khỏe mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Trong thời gian vừa qua, nhiều người đã mắc bệnh quên, quên Thiên Chúa và quên anh chị em của chúng ta. Điều đó đã dẫn đến một cơn sốt điên cuồng tìm kiếm sự tự cung tự cấp cá nhân, điều mà đã lệch lạc dẫn đến sự tham lam vô độ. Trái đất mà chúng ta sinh sống mang những vết sẹo trên mình, không khí chúng ta đang hít thở chứa đầy chất độc hại và nghèo nàn tình liên đới. Vì thế, chúng ta đã trút đổ vết nhơ của tâm hồn chúng ta lên công trình tạo dựng. Trong bầu khí suy thoái này, thật an ủi khi nghĩ rằng cùng những mối bận tâm và cùng một sự dấn thân đang trưởng thành và trở nên gia sản chung của nhiều tôn giáo. Cầu nguyện và hành động có thể tái định hướng dòng chảy lịch sử. Hãy can đảm lên ! Chúng ta đang có trước mắt một tầm nhìn, vốn cũng chính là tầm nhìn của biết bao người trẻ và người thành tâm thiện chí : Trất đất như ngôi nhà chung, nơi cư ngụ của các dân tộc anh em. Vâng, chúng ta mơ về các tôn giáo và các dân tộc anh em ! Các tôn giáo anh em sẽ giúp đỡ các dân tộc trở thành anh em trong hòa bình, thành những người gìn giữ được hòa giải cho ngôi nhà chung của công trình tạo dựng.

—————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(theo vatican.va, ZENIT)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31