BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ

Written by xbvn on Tháng Mười 2nd, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Giáo dân, Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tu sĩ

Bài phát biểu của Đức Phanxicô, vào ngày 28 tháng 9, với các giám mục, linh mục, phó tế, chủng sinh, những người thánh hiến và các nhân viên mục vụ của Bỉ. Tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm Koekelberg, ngài mời gọi suy nghĩ về ba từ khóa: “Loan báo Tin Mừng, niềm vui, lòng thương xót”.

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi rất vui được hiện diện ở đây với anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám mục Terlinden vì những lời của ngài và vì đã nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng. Cảm ơn tất cả anh chị em.

Nước Bỉ có rất nhiều giao lộ, và anh chị em là một Giáo Hội ‘đang chuyển động’. Thật vậy, nhiều lúc anh chị em cũng đã cố gắng làm biến đổi sự hiện diện của các giáo xứ trong vùng này, và truyền sức sống cho việc đào tạo giáo dân. Trên hết, anh chị em nỗ lực để trở nên một cộng đoàn gần gũi với dân chúng, cũng như đồng hành với họ, làm chứng qua những công việc của lòng thương xót.

Được thúc đẩy bởi những câu hỏi của anh chị em, tôi muốn đưa ra một suy tư vắn tắt về ba từ: loan báo Tin Mừng, niềm vui lòng thương xót.

Con đường đầu tiên phải bước theo là loan báo Tin Mừng. Những biến chuyển trong thời đại của chúng ta và cuộc khủng hoảng đức tin mà chúng ta đang trải qua ở Tây phương đã đòi buộc chúng ta phải trở về với những gì là cốt yếu, cụ thể là Tin Mừng. Tin vui mà Đức Giê-su mang đến cho thế giới một lần nữa phải được loan đi cho hết mọi người và được phép chiếu toả với tất cả vẻ đẹp của nó. Cuộc khủng hoảng hiện tại, giống như mọi cơn khủng hoảng, là một thời điểm được ban để lay động chúng ta, làm cho chúng ta phải đặt câu hỏi và thay đổi. Đây là một cơ hội quý giá, được đề cập đến trong ngôn ngữ Kinh Thánh như là kairòs, một cơ hội đặc biệt, như từng xảy đến với Abraham, Moses và các ngôn sứ. Quả thật, khi chúng ta kinh nghiệm được nỗi phiền muộn, chúng ta phải luôn tự hỏi đâu là sứ điệp mà Chúa muốn chuyển tải cho mình. Và cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy được điều gì? Nó tỏ cho thấy rằng chúng ta đã chuyển từ một Ki-tô giáo nằm trong khuôn khổ xã hội được hoan nghênh sang một Ki-tô giáo ‘thiểu số’, hay khá hơn, một Ki-tô giáo chứng tá. Điều này đòi hỏi lòng can đảm hầu cam kết một sự hoán cải của Giáo Hội cho phép những chuyển đổi mục vụ vốn liên quan đến cách thức làm việc theo thói quen của chúng ta, và ngôn ngữ mà chúng ta biểu lộ đức tin của mình, để chúng thực sự hướng đến việc loan báo Tin Mừng (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 27).

Ở đây, tôi muốn nói với Helmut: các linh mục cũng cần đến lòng can đảm này để trở thành những linh mục không chỉ gìn giữ hay quản lý gia sản thuộc về quá khứ, nhưng là những mục tử say mê Đức Ki-tô và chỉ chú tâm đến việc đáp trả những đòi hỏi tuyệt đối của Tin Mừng khi các ngài bước đi cùng dân thánh Chúa. Khi làm như thế, các mục tử đôi khi dẫn đầu dân chúng, khi thì ở giữa và nhiều lúc ở phía sau họ. Tôi nghĩ về những gì mà Yaninka đã nói với chúng ta, rằng khi chúng ta chia sẻ Tin Mừng thì Chúa mở lòng chúng ta để gặp gỡ những ai khác biệt với chúng ta. Thật tốt, và cũng thật cần thiết, rằng vẫn còn đó những ước mơ lẫn linh đạo khác nhau giữa những người trẻ. Phải như vậy, bởi vì có thể có nhiều con đường mang tính cá nhân hoặc cộng đoàn, những dẫn đưa chúng ta đến cùng một mục tiêu là gặp gỡ Chúa. Vẫn luôn có chỗ dành cho mọi người – tất cả mọi người! – trong Giáo Hội và không ai chỉ nên đơn thuần là bản sao của bất cứ người nào khác. Mối hiệp nhất trong Hội Thánh không phải là sự đơn điệu, nhưng hơn hết là tìm trở về với Tin Mừng. Đó cũng chẳng phải là việc ưu tiên cho những cải cách ‘hợp thời’, nhưng là chất vấn rằng làm thế nào để chúng ta có thể mang Tin Mừng cho một xã hội không còn lắng nghe hoặc xa rời đức tin? Tất cả chúng ta hãy tự vấn mình câu hỏi này.

Con đường thứ hai là niềm vui. Ở đây, chúng ta không nói về những niềm vui chóng qua, cũng chẳng đề cập đến việc theo đuổi các kiểu thức thoát ly thực tế hay thú tiêu khiển theo chủ nghĩa tiêu thụ. Chúng ta đang nói về niềm vui lớn hơn vốn đồng hành và nâng đỡ đời sống của mỗi người, ngay cả trong những lúc đau thương và tăm tối. Đây là một quà tặng đến từ trên cao, từ Thiên Chúa. Đó là niềm vui của con tim được nhen nhóm lên bởi Tin Mừng. Đó là biết rằng chúng ta không đơn chiếc trong cuộc hành trình của mình và ngay cả vào những tình cảnh nghèo khó, tội lỗi, và xung đột, Thiên Chúa vẫn ở gần. Người chăm sóc chúng ta và sẽ không để cho cái chết có được tiếng nói cuối cùng. Thiên Chúa luôn gần gũi. Khá lâu trước khi trở thành Giáo hoàng, Đức Joseph Ratzinger đã viết rằng, một nguyên tắc phân định đặc biệt đó là: ‘Ở đâu thiếu vắng niềm vui, và sự hài hước mất đi, thậm chí Chúa Thánh Thần cũng không còn (…) và ngược lại: Niềm vui là dấu chỉ của ân sủng” (The God of Jesus Christ, Brescia 1978, 129). Thật hay làm sao! Vì vậy, tôi muốn nói với anh chị em: hãy để cho việc giảng dạy, những buổi cử hành, việc phục vụ cũng như việc tông đồ toả chiếu niềm vui nơi tâm hồn anh chị em, vì điều này sẽ làm khơi lên những câu hỏi và thu hút ngay cả những ai xa rời. Niềm vui phát xuất từ tâm hồn, chứ không phải là một nụ cười giả tạo vốn chóng qua, hơn hết là niềm vui phát xuất từ tâm hồn. Tôi muốn cảm ơn sơ Agnes và nói với sơ: niềm vui chính là con đường. Khi lòng trung tín dường như khó khăn, như sơ Agnes đã nói cho ta hay, thì chúng ta phải tỏ cho thấy rằng niềm vui chính là ‘lối nẻo dẫn đến hạnh phúc’. Và rồi, nhờ tập trung vào nơi mà con đường dẫn lối, chúng ta càng sẵn lòng hơn để bắt đầu cuộc hành trình.

Con đường thứ ba là lòng thương xót. Tin Mừng, được ấp ủ và sẻ chia, đón nhận và trao ban, dẫn chúng ta đến niềm vui bởi làm cho chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Đấng động lòng trắc ẩn với chúng ta, nâng dậy khi chúng ta vấp ngã và cũng là Đấng chẳng bao giờ rút lại tình thương đã dành cho chúng ta. Chúng ta phải ghi tạc trong lòng rằng Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người đối với chúng ta. ‘Nhưng liệu Người có phải là Cha ngay cả khi tôi đã làm điều gì đó nghiêm trọng không?” Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu đã dành cho anh chị em. Đôi khi điều này xem ra ‘không công bằng’, khi chúng ta đối diện với kinh nghiệm về sự dữ. Đó là vì chúng ta chỉ đơn giản áp dụng một sự công bằng mang tính trần thế khi nói rằng “Bất cứ ai làm điều sai trái sẽ phải trả giá”. Thế nhưng, sự công bằng của Thiên Chúa còn lớn hơn: những người nào làm điều sai trái được mời gọi sửa lỗi sai của mình. Nhưng họ cần tình yêu đầy xót thương của Thiên Chúa chữa lành cõi lòng họ. Đừng quên, Thiên Chúa thứ tha hết mọi sự. Người luôn tha thứ và chính nhờ lòng thương xót của Người mà Thiên Chúa công chính hoá chúng ta; làm cho chúng ta nên công chính bằng cách ban tặng cho chúng ta một quả tim mới, một sự sống mới.

Đó là lý do vì sai tôi nhắc đến Mia: cảm ơn vì nỗ lực to lớn mà chị đã thực hiện để biến nỗi căm phẫn và đau thương thành sự giúp đỡ, gần gũi và lòng trắc ẩn. Sự lạm dụng gây nên đau khổ lẫn những thương tổn bạo tàn, làm xói mòn con đường đức tin. Và vẫn cần có một lòng thương xót lớn lao để không làm chúng ta cứng lòng trước nỗi khổ đau của những nạn nhân, để chúng ta có thể giúp họ cảm nhận được sự gần gũi và trao mọi sự giúp đỡ mà chúng ta có thể. Chúng ta phải học hỏi từ họ, như chị đã nói, để trở nên một Giáo Hội phục vụ hết thảy mọi người mà không coi thường bất kỳ ai. Thật vậy, một trong những cội rễ của bạo lực bắt nguồn từ việc lạm dụng quyền lực khi chúng ta nại đến những vị trí mình có được để chèn ép hoặc thao túng người khác.

Ngoài ra, khi nghĩ về sự phục vụ của Pieter, lòng thương xót là từ khoá cho các tù nhân. Khi bước vào một trại tù, tôi tự hỏi: tại sao lại là những người này mà không phải là tôi? Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không xa cách những thương tổn và vết nhơ của chúng ta. Người biết rằng hết thảy chúng ta đều có thể vấp phạm, nhưng không ai là điều sai lầm. Chẳng có ai lạc mất mãi mãi. Thật chẳng có gì sai để bước theo mọi lối nẻo công lý trần gian và những quá trình liên quan đến con người, tâm lý lẫn tội ác; nhưng sự trừng phạt phải là một liều thuốc dẫn đến việc chữa lành. Con người phải được trợ giúp để trở lại trên đôi chân của mình và tìm thấy nẻo lối trong cuộc sống cũng như trong xã hội. Trong đời sống của chúng ta, chỉ được phép ‘kẻ cả’ nhìn xuống một ai đó khi chúng ta đang giúp họ đứng lên. Chỉ được phép trong những lúc như thế. Chúng ta hãy nhớ rằng mọi người đều có thể vấp phạm, nhưng không ai là điều sai lầm, chẳng có ai lạc mất mãi mãi. Lòng thương xót, bao giờ cũng là lòng thương xót.

Khi nói lời tri ân và chào đón tất cả anh chị em, tôi muốn nhắc đến một tác phẩm nghệ thuật của René Magritte, người hoạ sĩ tài ba, được đặt tên là L’acte de foi (Hành vi đức tin). Tác phẩm này mô tả một cánh cửa đóng kín được nhìn từ bên trong một căn phòng, một cánh cửa đã bị phá vỡ, vì thế cho chúng ta thấy được bầu trời rộng mở. Hình ảnh này mời gọi chúng ta đi ra, để hướng ánh nhìn của mình về phía trước và hướng lên trên, đồng thời đừng bao giờ khép kín nơi chính mình – làm ơn, đừng bao giờ đóng kín những cánh cửa! – một Giáo Hội đem đến cho mọi người sự rộng mở đến vô tận, và là một Giáo Hội biết cách nhìn xa hơn. Đây chính là Giáo Hội rao truyền Phúc Âm, sống niềm vui Tin Mừng và thực thi lòng thương xót.

Anh chị em quý mến, tất cả mọi người, hãy bước đi cùng nhau với Chúa Thánh Thần, thực thi lòng thương xót; hãy trở nên kiểu Giáo Hội này. Không có Thần Khí, chẳng có gì Ki-tô hữu có thể diễn ra. Xin Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ của chúng ta, dạy cho mỗi người biết điều này. Xin Mẹ che chở và gìn giữ chúng ta. Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

—————————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30