BÀI PHỎNG VẤN ĐỨC HỒNG Y BENIAMINO STELLA, TỔNG TRƯỞNG BỘ GIÁO SĨ, VỀ BẢN RATIO MỚI
“ƠN GỌI LINH MỤC”
Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis
- Vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bộ Giáo Sĩ ban hành bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, một công cụ đối với việc đào tạo linh mục. Tại sao lại có một tài liệu mới đối với những linh mục tương lai và đâu là những nguồn gợi hứng đối với việc soạn thảo tài liệu này?
Bản Ratio vừa qua đã có từ năm 1970, dẫu rằng nó được hiệu đính vào năm 1985. Trong thời gian này, như chúng ta biết rõ, dưới tác động của những biến đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay, bối cảnh lịch sử, văn hóa xã hội và Giáo Hội mà trong đó linh mục được mời gọi là hiện thân của sứ mạng của Đức Kitô và của Giáo Hội, đã thay đổi, không thể không gây nên những biến chuyển có ý nghĩa dưới những khía cạnh khác nhau: hình ảnh hay nhãn quan về linh mục, những nhu cầu tâm linh của Dân Thiên Chúa, những thách đố của cuộc Tân Phúc Âm hóa, những ngôn ngữ của truyền thông, và những khía cạnh khác nữa. Có vẻ như đối với chúng ta, công cuộc đào tạo linh mục cần được tạo đà tiến mới, cần được canh tân và cần được làm nổi bật; chúng ta đã được khích lệ và được soi chiếu bởi Huấn Quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô; với chiều kích tâm linh và ngôn sứ từ lời nói của ngài, Đức Thánh Cha đã thường ngỏ lời với các linh mục, bằng cách nhắc lại cho họ rằng họ không phải là những công chức, nhưng là những mục tử được ghi dấu ấn bằng việc xức dầu để tạo nên thiện ích cho Dân Thiên Chúa, những mục tử này có con tim đầy lòng trắc ẩn và thương xót của Đức Kitô đối với đám đông dân chúng bị túng quẫn và bị ngã quỵ. Những lời nói và những lời cảnh cáo mạnh mẽ của Đức Thánh Cha, mà một số nhắm đến những cám dỗ liên quan đến tiền bạc, đến việc thực thi một cách độc đoán quyền bính, đến sự cứng nhắc về mặt luật lệ hoặc đến thói hư danh, chứng tỏ cho chúng ta thấy nỗi lo âu về các linh mục và việc đào tạo của họ là một khía cạnh nền tảng trong hành động của Giáo Hội dưới triều đại Giáo Hoàng này và phải trở nên tốt hơn đối với mỗi Giám Mục và mỗi Giáo Hội địa phương biết bao.
- Đâu là những điểm mới mẻ của Ratio Fundamentalis vừa được ban hành?
Trước hết, tôi muốn nói rằng những điều mới mẻ trong đời sống Giáo Hội không bao giờ được tách lìa khỏi Truyền Thống, nhưng ngược lại, chúng bám rễ trong Truyền Thống và đào sâu Truyền Thống; khi chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta học cách nhìn về phía trước nhưng vẫn hồi tâm suy tưởng về gia sản hiện có. Như thế, bản Ratio Fundamentalis đã lặp lại những nội dung, những phương pháp và những định hướng có sẵn trong lĩnh vực đào tạo cho đến nay, đã hiệu chỉnh chúng và đưa vào những yếu tố mới. Chúng ta sẽ thấy trong tài liệu này những chỉ dẫn của Pastores dabo vobis năm 1992, bàn về chủ đề của một nền đào tạo toàn diện, nghĩa là khả năng kết hiệp theo một cách thế quân bình các chiều kích nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ nhờ vào một hành trình sư phạm tiệm tiến và được cá vị hóa.
Chúng ta nhấn mạnh một cách loại biệt về chiều kích đầu tiên – nhân bản: Chúng ta không thể là linh mục mà không quân bình trong tâm trí và con tim, và không thể không đạt đến sự trưởng thành tâm cảm; mọi sự khuyết hụt hoặc có vấn đề mà không được giải quyết trong lĩnh vực này có nguy cơ đưa đến tác hại trầm trọng cho cá nhân đó lẫn Dân Thiên Chúa. Bản văn chú ý đến những kết quả tích cực của thời gian dự bị trước khi vào chủng viện, đã được thử nghiệm từ một khoảng thời gian nào đó trong nhiều thực tại địa phương, và nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của thời gian này để nhắm đến một sự lượng giá và lựa chọn kỹ càng các ứng viên. Kế tiếp, bản văn nhấn mạnh rất nhiều đến việc biện phân ơn gọi: các giám mục và các nhà đào tạo có một trách nhiệm rất lớn và được mời gọi thi hành tính cẩn trọng về sự xứng đáng của các ứng viên, không vội vã hoặc cũng không hời hợt bề mặt. Theo nghĩa này, bản Ratio tìm cách vượt qua tính tự động đã diễn ra trong quá khứ; thách đố là đề ra một cuộc hành trình đào tạo toàn diện giúp cá nhân đó triển nở trong mọi chiều kích và cho phép đưa ra một sự lượng giá chung kết nhắm đến toàn bộ cuộc hành trình. Như thế, đối với cách gọi đã được biết đến mà hành trình đào tạo được chia thành “chu kỳ triết học”, “chu kỳ thần học” và “chu kỳ mục vụ”; hành trình này đã được gắn kết lại khi thì được gọi “giai đoạn đào tạo người môn đệ”, khi thì “giai đoạn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục Tử”, được gọi là “đồng hình đồng dạng” và “giai đoạn tổng hợp ơn gọi”. Mỗi một trong số những giai đoạn này tương ứng với một cuộc hành trình và một nội dung đào tạo nhắm đến sự tương hợp với Người Mục Tử Nhân Lành. Tóm lại, để là một linh mục tốt, ngoài việc thành công trong tất cả các bài kiểm tra, cần phải đạt đến sự trưởng thành nhân bản, thiêng liêng, mục vụ đích thực. Tôi nghĩ rằng thật là thừa khi thêm những những tiểu tiết mới mẻ khác có thể được tìm thấy trong bản văn, như cách thế để đề cập đến những vấn trình, ngôn ngữ được sử dụng, phương pháp đào tạo được đề nghị và nguồn cảm hứng mà bản văn đón nhận là từ Huấn Quyền Giáo Hoàng hiện nay.
- Ngoài những điểm mới mẻ được nêu dẫn một cách riêng biệt, đâu là những từ khóa quan trọng nhất để có một nhãn quan cốt yếu về bản Ratio mới?
Tôi chọn ra ba từ khóa: Thứ nhất là “nhân bản”. Tôi nghĩ rằng chúng ta không bao giờ nhấn mạnh cho đủ về sự cần thiết là các chủng sinh cần được đồng hành trong một tiến trình tiệm tiến để biến họ thành những cá nhân quân bình, bình thản và bền vững về mặt nhân bản. Chỉ như thế mới có thể có những linh mục niềm nở, chân tu, trung thành, tự do nội tâm, kiên vững về tình cảm, có khả năng kết dệt những quan hệ liên vị bình an và sống những lời khuyên phúc âm không cau có, hay giả hình hoặc tạm thời. Bản Ratio nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đồng hành nhân bản này, một sự đồng hành giúp đỡ cho sự tăng triển về mặt trưởng thành của cá nhân và đảm bảo một sự quân bình tốt về mặt tâm cảm nơi các ứng viên.
Từ khóa thứ hai là “thiêng liêng”. Ý thức về căn tính linh mục được tạo lập trên khía cạnh sau: linh mục không phải là con người của “công việc”, cũng không phải là một lãnh đạo, một nhà tổ chức tôn giáo hoặc một viên chức của các Bí tích, nhưng là một môn đệ của Chúa, mà đời sống và sứ vụ được bén rễ sâu trong mối tương quan mật thiết với Chúa và trong việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành. Chỉ có như thế, với một đời sống tâm linh được nuôi dưỡng một cách cẩn thận, một cách kỷ luật và bằng những thời khắc được dành riêng cho Ngài – chúng ta mới có thể vượt qua một nhãn quan “thánh thiêng hóa” hoặc quan liêu của thừa tác vụ và chúng ta mới có thể có những linh mục say mê Tin Mừng, có khả năng “đồng cảm với Giáo Hội” và có khả năng như Đức Giêsu, là “những người Samaritanô nhân hậu” đầy tràn lòng trắc ẩn và thương xót.
Tôi sẽ nói đến từ khóa thứ ba là “biện phân”. Ai đi theo con đường của Tin Mừng và đắm mình trong sự sống của Thánh Thần, sẽ vượt qua một lối tiếp cận có tính ý thức hệ lẫn luân lý nghiêm nhặt, bằng việc khám phá ra rằng những tiến triển và những trạng huống của cuộc sống không thể được xếp loại theo phương tiện những sơ đồ không thể lay chuyển hoặc những chuẩn mực trừu tượng. Ngược lại, những cá nhân cần được lắng nghe, cần được đối thoại và những biến chuyển trong tâm khảm của họ cần được giải thích. Nơi chốn loại biệt để nghệ thuật biện phân được triển nở thì chắc chắn là việc đồng hành cá nhân, nhất là trong việc đồng hành thiêng liêng. Đó là một lãnh vực nền tảng đòi hỏi sự cởi mở chân thành từ phía các ứng viên, cũng như là khả năng và tư thế ứng trực từ phía các nhà đào tạo, trong thời gian và trong đề nghị những phương tiện hữu dụng. Biện phân là một ân ban mà các vị mục tử phải thực hiện về phía họ, nhưng hơn nữa là trên lãnh vực mục vụ, để đồng hành và giải thích một cách sâu sắc những trạng huống hiện sinh phức tạp hơn thường đè nặng trên những cá nhân bị thương tổn được trao phó cho chúng ta. Khi ngỏ lời với Tổng Công Hội vừa qua của Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã biểu tỏ sự lo lắng của Ngài về chủ đề này: “Tôi lưu ý đến sự thiếu trách nhiệm về việc biện phân trong công cuộc đào tạo linh mục. Quả vậy, chúng ta thường có nguy cơ quen với “trắng và đen” và với điều được luật định. Về mặt nguyên tắc, chúng ta khá là đóng kín đối với việc biện phân. Một điều rõ ràng: ngày nay, trong một số chủng viện nào đó, người ta thường trở về việc thiết lập một sự cứng nhắc bị tách lìa khỏi việc biện phân các trạng huống”. Thách đố chính yếu mà bản Ratio muốn nêu lên thì cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị: đào tạo các linh mục “sáng suốt trong việc biện phân” (Misericordia et miseria, s.10)
- Trong tư cách là Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ, Ngài mong muốn nói gì với các linh mục ngày nay?
Trước hết, tôi mong muốn nói rằng trách nhiệm lớn lao đã được trao phó cho tôi trong việc dẫn dắt Bộ Giáo Sĩ thúc đẩy tôi mỗi ngày cầu nguyện cho các linh mục. Rất nhiều người trong số họ, bằng cách này hay cách khác, thông qua Bộ này; chúng tôi tìm cách đón nhận họ, lắng nghe họ, đi vào trong một số tình trạng sống của thừa tác vụ đôi khi là tế nhị, khó khăn và lao nhọc. Cùng lúc, chúng ta biết rằng nhiều linh mục trao ban cuộc sống của mình cách quảng đại và tận tâm để loan báo Tin Mừng. Đối với mỗi vị, tôi muốn nói: anh em đừng thất vọng! Chúa không bao giờ lãng quên lời hứa của Ngài và, nếu Ngài đã gọi anh em, Ngài cũng sẽ làm chiếu tỏa ánh sáng của Ngài khi anh em sống trong những thời khắc tăm tối, chán nản, mệt mỏi hoặc sống trong những khoảnh khắc nào đó của sự thất bại về mục vụ. Tôi mong muốn yêu cầu điều này với các linh mục: đừng bao giờ dập tắt nơi anh em sự lo lắng lành mạnh đã giữ anh em trong cuộc hành trình. Đừng sao lãng cầu nguyện, hãy luôn chăm sóc đời sống nội tâm, hãy ở trong tư thế ứng trực để tự đào tạo mỗi ngày và hãy để cho mình được nâng đỡ và giáo huấn bằng đời sống mục vụ và bởi Dân Thiên Chúa. Chúng ta phải ở trong tình trạng tỉnh thức, như Mùa Vọng đề nghị với chúng ta, để không cho phép thái độ hoặc sự tầm thường làm yếu đi ân ban mà Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Để công bố tài liệu này, chúng tôi đã không chọn một cách tình cờ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vì, như Đức Maria, chúng ta được mời gọi chờ đợi Chúa, đón tiếp Ngài và “hạ sinh Ngài” cho toàn thể thế giới, trong niềm xác tín rằng “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,31).
Osservatore Romano, ngày 07 tháng 12 năm 2016
Chuyển ngữ Giuse Nguyễn Xuân Phong
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM