BÀI SUY NIỆM CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG BUỔI CỬ HÀNH SÁM HỐI TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC KHÓA HỌP THỨ HAI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ TÍNH HIỆP HÀNH

Written by xbvn on Tháng Mười 3rd, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Sau hai ngày tĩnh tâm tại Vatican, một buổi cử hành sám hối đã diễn ra vào tối thứ Ba, ngày 1 tháng 10, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Được chủ sự bởi Đức Thánh Cha, nó diễn ra một ngày trước khi khai mạc khóa họp thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục “vì một Giáo hội hiệp hành hơn”. Trong tiến trình tha thứ, ngài kêu gọi Giáo hội chữa lành những mối quan hệ bệnh hoạn, những vết thương do tội lỗi gây ra và nhìn nhận những lỗi lầm đã mắc phải.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Như sách Huấn ca nhắc nhớ, “Lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” (35, 17).

Chúng ta hiện diện nơi đây, là những người ăn xin lòng thương xót của Chúa Cha, những người cầu xin sự tha thứ.

Giáo hội luôn là Giáo Hội của những người nghèo trong tinh thần và là những tội nhân đang tìm kiếm sự tha thứ, và không chỉ Giáo hội của những người công chính và các thánh, nhưng đúng hơn của những người công chính và các thánh, nhìn nhận mình là những người nghèo khó và tội lỗi.

Tôi đã muốn viết những lời cầu xin tha thứ để một số Hồng y đọc, bởi vì cần phải gọi tên những tội chính của chúng ta. Và chúng ta đang giấu chúng hoặc nói chúng bằng những từ ngữ có học thức quá mức.

Tội lỗi luôn là một vết thương trong các mối quan hệ: mối quan hệ với Thiên Chúa và mối quan hệ với anh chị em. Thưa anh chị em, không ai tự cứu mình một mình, nhưng đúng là tội lỗi của người này ảnh hưởng đến nhiều người khác: mọi thứ đều liên kết với nhau về điều tốt, mọi thứ đều liên kết với nhau về điều xấu.

Giáo hội, về bản chất, là một Giáo hội của đức tin và việc rao giảng, luôn luôn có tính quan hệ, và chỉ bằng cách chữa lành các mối quan hệ bệnh hoạn thì chúng ta mới có thể trở thành một Giáo hội hiệp hành. Làm sao chúng ta có thể đáng tin cậy trong sứ mạng nếu chúng ta không nhận ra lỗi lầm của mình và nếu chúng ta không cúi xuống chữa lành những vết thương do tội lỗi chúng ta gây ra?

Và việc chữa lành vết thương bắt đầu bằng việc thú nhận tội lỗi mình đã phạm.

Dụ ngôn chúng ta nghe trong Tin Mừng Luca trình bày cho chúng ta hai người đàn ông, một người Pharisêu và một người thu thuế, cả hai đều lên đền thờ cầu nguyện. Một người đứng thẳng, ngẩng cao đầu, người kia đứng lùi lại với đôi mắt cụp xuống. Người Pharisêu lấp đầy sân khấu bằng vóc dáng thu hút sự chú ý, tự coi mình là một hình mẫu. Ông tự phụ cầu nguyện như thế, nhưng trên thực tế, ông ta tôn vinh chính mình, che giấu sự mong manh của mình bằng sự đảm bảo phù du.

Ông mong đợi điều gì nơi Chúa? Ông ta mong đợi một phần thưởng cho công lao của mình và do đó mất đi sự ngạc nhiên về ơn cứu rỗi nhưng không, tạo ra cho mình một vị thần không thể làm gì khác ngoài việc ký vào một giấy chứng nhận về sự hoàn hảo giả định. Một người khép kín trước sự ngạc nhiên, khép kín trước mọi điều ngạc nhiên. Ông ta hoàn toàn khép kín nơi chính mình, khép kín trước sự ngạc nhiên lớn lao về lòng thương xót.

Cái tôi của ông không còn chỗ cho bất cứ điều gì hay bất cứ ai, ngay cả Thiên Chúa.

Đã bao nhiêu lần, trong Giáo hội, chúng ta cư xử như thế này? Đã bao nhiêu lần chúng ta chiếm hết không gian bằng những lời nói, những lời phán xét, những danh hiệu của chúng ta, niềm tin rằng chúng ta chỉ có công trạng? Và do đó, chúng ta tiếp tục những gì đã xảy ra khi thánh Giuse và Đức Maria, cùng Con Thiên Chúa trong lòng các ngài, gõ cửa lòng hiếu khách. Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ bởi vì, như Tin Mừng nói, “không còn chỗ cho họ trong quán trọ” (Lc 2, 7).

Hôm nay, tất cả chúng ta đều giống như người thu thuế, chúng ta có hoặc chúng ta muốn nhìn xuống và chúng ta có, chúng ta muốn xấu hổ về tội lỗi của mình. Giống như ông, chúng ta hãy ở lại phía sau, giải phóng không gian bị chiếm giữ bởi sự tự phụ, đạo đức giả và kiêu ngạo. Chúng ta cũng hãy nói điều đó, hỡi các giám mục, linh mục, những người thánh hiến: bằng cách giải phóng vị trí bị chiếm giữ bởi sự tự phụ, đạo đức giả và kiêu ngạo.

Chúng ta không thể kêu cầu danh Thiên Chúa mà không cầu xin sự tha thứ từ anh chị em của chúng ta, từ trái đất và từ mọi thụ tạo.

Chúng ta bắt đầu giai đoạn này của Thượng Hội đồng. Và làm sao chúng ta có thể trở thành một Giáo hội hiệp hành mà không có sự hòa giải?

Làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta muốn bước đi cùng nhau mà không nhận lãnh và trao ban sự tha thứ để phục hồi sự hiệp thông trong Chúa Kitô?

Sự tha thứ, được cầu xin và được trao ban, tạo ra một sự hòa hợp mới, trong đó những khác biệt không đối lập nhau, ở đó sói và chiên có thể sống chung với nhau (x. Is 11, 6). Thật can đảm, gương mẫu của Isaia!

Trước sự dữ và đau khổ của những người vô tội, chúng ta hỏi: Chúa ở đâu? Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi mình câu hỏi này, và chúng ta phải tự chất vấn về trách nhiệm của mình khi chúng ta không lấy sự thiện chấm dứt sự dữ. Chúng ta không thể tham vọng giải quyết xung đột bằng cách kích động bạo lực ngày càng hận thù, chuộc lỗi bằng cách gây ra đau khổ, cứu mình bằng cái chết của người khác. Làm sao chúng ta có thể theo đuổi hạnh phúc được trả giá bằng sự bất hạnh của anh chị em mình?

Và điều này dành cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi người: giáo dân, những người thánh hiến, cho tất cả mọi người! Vào đêm trước ngày khai mạc Thượng Hội đồng, việc xưng thú tội lỗi là một cơ hội để khôi phục niềm tin vào và đối với Giáo hội, niềm tin đã bị phá vỡ bởi những sai lầm và tội lỗi của chúng ta, và bắt đầu chữa lành những vết thương không bao giờ ngừng chảy máu, bằng cách bẻ gãy “xiềng xích của sự ác” (Is 58, 6).

Đây là những gì chúng ta đọc trong lời kinh Adsumus mà chúng ta sẽ bắt đầu cử hành Thượng Hội đồng vào ngày mai: “Chúng con đến đây bị đè nặng bởi tội lỗi nặng nề chúng con”. Và chúng ta không muốn gánh nặng này làm chậm bước tiến của Nước Thiên Chúa trong lịch sử.

Chúng ta đã tham dự, bao gồm cả những sai lầm. Chúng ta tiếp tục sứ mạng của mình hết sức có thể. Nhưng bây giờ chúng tôi hướng về các bạn, những người trẻ, những người mong đợi một chứng từ từ chúng tôi, bằng cách cũng xin các con tha thứ nếu chúng tôi đã từng không phải là những nhân chứng đáng tin cậy.

Và hôm nay, trong phụng vụ kính nhớ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh bảo trợ các xứ truyền giáo, chúng ta xin ngài chuyển cầu.

(Thinh lặng một lát. Rồi mọi người đứng dậy và cúi đầu)

Đức Thánh Cha tiếp tục bằng lời cầu nguyện:

Lạy Cha, chúng con quy tụ nơi đây, ý thức rằng chúng con cần cái nhìn yêu thương của Cha. Chúng con có đôi bàn tay trống rỗng, chúng con chỉ có thể nhận được những gì Cha có thể ban cho chúng con. Chúng con cầu xin Cha tha thứ cho mọi tội lỗi của chúng con, xin Cha giúp chúng con khôi phục lại khuôn mặt của Cha mà chúng con đã làm biến dạng vì sự bất trung của chúng con. Chúng con xấu hổ cầu xin sự tha thứ từ những người đã bị tổn thương bởi tội lỗi của chúng con. Xin Cha ban cho chúng con lòng can đảm sám hối chân thành để hoán cải. Chúng con cầu xin điều này bằng cách khẩn cầu Chúa Thánh Thần để Ngài đổ đầy ân sủng vào những trái tim mà Cha đã tạo dựng trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Lạy Chúa, tất cả chúng con đều cầu xin sự tha thứ, chúng con đều là tội nhân, nhưng tất cả chúng con đều hy vọng vào tình yêu của Chúa.

Amen

—————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31