BẢN DỊCH THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI (Chương 8, đăng xong toàn bản dịch)
CHƯƠNG VIII
CÁC TÔN GIÁO PHỤC VỤ CHO TÌNH HUYNH ĐỆ TRÊN THẾ GIỚI
- Các tôn giáo khác nhau – dựa trên sự tôn trọng đối với mỗi nhân vị xét như một con người được mời gọi làm con cái của Thiên Chúa – góp phần đầy ý nghĩa để xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý trong xã hội. Việc đối thoại giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau không diễn ra chỉ vì ngoại giao, vì tôn trọng hay vì bao dung. Như các giám mục Ấn Độ diễn tả: “Mục đích của đối thoại là thiết lập tình thân hữu, hòa bình và hòa điệu, và để chia sẻ các giá trị đạo đức và tâm linh, cũng như những kinh nghiệm, trong tinh thần của sự thật và yêu thương”. (259)
NỀN TẢNG CUỐI CÙNG
- Trong tư cách là các tín hữu, chúng ta xác tín rằng nếu không mở ra với vị Cha chung của mọi người, sẽ không có những lý do vững mạnh để thúc đẩy tình huynh đệ. Chúng ta xác quyết “chỉ với ý thức rằng chúng ta không phải là những trẻ mồ côi, nhưng là con cái, thì chúng ta mới có thể sống hòa thuận với nhau”. (260) Vì “lý trí tự nó có khả năng nắm hiểu tính bình đẳng giữa mọi con người, và có khả năng trao sự ổn định cho đời sống chung của họ trong thế giới, nhưng nó không thể thiết lập tình huynh đệ”. (261)
- Về phương diện này, tôi muốn trích dẫn tuyên bố đáng ghi nhớ sau đây: “Nếu như không có chân lý siêu việt – mà nhờ vâng phục chân lý đó, con người đạt tới căn tính trọn vẹn của mình – thì chẳng có nguyên tắc nào chắc chắn để bảo đảm cho các tương quan đúng đắn giữa con người với nhau. Những lợi ích riêng của giai cấp, phe nhóm hay dân tộc tất nhiên sẽ đặt họ vào thế chống lại nhau. Nếu chân lý siêu việt không được nhìn nhận, thì sức mạnh của quyền lực sẽ thống trị, và mọi người đều có khuynh hướng tận dụng tối đa những phương tiện mình có để áp đặt những lợi ích hay những quan điểm của mình, và không quan tâm đến các quyền của người khác… Gốc rễ của chủ nghĩa toàn trị hiện đại được gặp thấy trong sự chối bỏ phẩm giá siêu việt của nhân vị, là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, và vì thế – do chính bản tính của mình – là chủ thể của những quyền mà không một ai, dù là cá nhân, đoàn thể, giai cấp, dân tộc hay nhà nước có thể xâm phạm. Ngay cả thành phần đa số trong một thực thể xã hội cũng không thể xâm phạm các quyền ấy bằng cách chống lại thành phần thiểu số”. (262)
- Từ kinh nghiệm đức tin của chúng ta, từ sự khôn ngoan tích lũy qua bao đời, và cũng từ những bài học rút ra sau những yếu đuối và thất bại của mình nữa, chúng ta, những tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, biết rằng chứng tá của chúng ta về Thiên Chúa sẽ hữu ích cho các xã hội của mình. Nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa với một trái tim chân thành – để nó không bao giờ hoen nhiễm các mục tiêu ích kỷ hay có tính ý thức hệ – sẽ giúp chúng ta nhận ra nhau như những người bạn đồng hành, những anh chị em thực sự của nhau. Chúng ta xác tín rằng “khi người ta nhân danh một ý thức hệ mà cố loại bỏ Thiên Chúa khỏi một xã hội, thì xã hội ấy rốt cục sẽ tôn thờ các ngẫu tượng, và sớm hay muộn người ta sẽ lạc đường, phẩm giá của họ bị chà đạp và các quyền của họ bị xâm phạm. Anh chị em biết rõ bao nhiêu đau khổ do bởi phủ nhận quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo, và vết thương đó làm cho nhân loại nghèo nàn như thế nào, vì nhân loại không có niềm hy vọng và không có các lý tưởng để hướng dẫn mình”. (263)
- Phải nhìn nhận rằng “trong số những nguyên nhân quan trọng nhất của các khủng hoảng trong thế giới hiện đại, đó là một lương tâm con người bị chai lì, một sự xa cách đối với các giá trị tôn giáo, và chủ nghĩa cá nhân lan tràn được kèm theo bởi những triết lý duy vật tôn thờ con người và quảng bá những giá trị vật chất phàm trần để thay chỗ cho những nguyên tắc siêu việt và tối thượng”. (264) Thật sai lầm khi những tiếng nói duy nhất được nghe trong tranh luận công khai là những tiếng nói của những người nắm quyền lực và các “chuyên gia”. Cần dành chỗ cho những suy tư từ các truyền thống tôn giáo, vốn là kho tích trữ của bao thế kỷ kinh nghiệm và khôn ngoan. Vì “những tinh túy tôn giáo có thể chứng tỏ có đầy ý nghĩa trong mọi thời đại; chúng có một sức mạnh vững bền [để khai mở các chân trời mới, khơi gợi suy tư, mở rộng tâm trí]”. Nhưng chúng thường bị nhìn một cách khinh bỉ như một hệ quả từ “chứng cận thị của một chủ nghĩa duy lý nào đó”. (265)
- Vì những lý do này, trong khi tôn trọng tính tự trị của đời sống chính trị, Giáo hội không giới hạn sứ mạng của mình chỉ nơi cảnh vực riêng tư. Trái lại, “Giáo hội không thể và không được phép ở ngoài lề” trong công cuộc xây dựng một thế giới mới, cũng không thể ngừng “đánh thức những năng lực tinh thần” vốn có thể đóng góp vào việc cải thiện xã hội. (266) Quả thật là các chức sắc tu hành không được liên can đến chính trị đảng phái, là lãnh vực riêng của người giáo dân, nhưng họ cũng không thể buông bỏ chiều kích chính trị của chính đời sống, (267) chiều kích này đòi họ thường xuyên quan tâm đến công ích và quan tâm đến sự phát triển nhân bản toàn diện. Giáo hội “có một vai trò công cộng bên cạnh các hoạt động giáo dục và từ thiện của mình”. Giáo hội làm việc cho “sự thăng tiến của nhân loại và của tình huynh đệ phổ quát”. (268) Giáo hội không nhằm cạnh tranh với các quyền lực trần gian, nhưng cống hiến chính mình trong tư cách “một gia đình – gia đình Giáo hội – ở giữa các gia đình, mở ra để nêu chứng tá trong thế giới hôm nay, mở ra với đức tin, đức cậy và đức mến đối với Chúa, và đối với những ai được Chúa yêu thương một cách ưu tiên. Một ngôi nhà mở toang cửa. Giáo hội là một ngôi nhà mở toang cửa, vì Giáo hội là một người mẹ”. (269) Và bắt chước Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, “chúng ta muốn làm một Giáo hội phục vụ, một Giáo hội rời khỏi nhà và đi ra từ nơi thờ phượng của mình, từ các phòng thánh của mình, để đồng hành với đời sống, nâng đỡ niềm hy vọng, trở thành dấu chỉ hiệp nhất… xây những cây cầu, phá vỡ những bức tường, và gieo rắc những hạt giống hòa giải”. (270)
Căn tính Kitô hữu
- Giáo hội trân trọng những cách thức Thiên Chúa hoạt động trong các tôn giáo khác, và “không bác bỏ những gì chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo ấy. Giáo hội ngưỡng mộ cách sống và ứng xử của các tôn giáo, các qui tắc và các giáo thuyết vốn thường phản ảnh một tia sáng của sự thật chiếu soi mọi con người nam nữ”. (271) Nhưng các Kitô hữu chúng ta rất ý thức rằng “nếu điệu nhạc của Tin Mừng ngừng âm vang trong chính hữu thể chúng ta, thì chúng ta sẽ đánh mất niềm vui sinh ra từ lòng thương cảm, đánh mất tình yêu dịu dàng sinh ra từ tín thác, và đánh mất khả năng hòa giải vốn bắt nguồn từ nhận thức của chúng ta rằng mình đã được tha thứ và sai đi. Nếu điệu nhạc của Tin Mừng ngừng âm vang trong nhà của chúng ta, tại các quảng trường của chúng ta, những nơi làm việc, đời sống chính trị và tài chánh, thì chúng ta sẽ không còn nghe cái giai điệu thách đố chúng ta bảo vệ phẩm giá của mọi con người nam cũng như nữ”. (272) Những người khác uống từ các nguồn suối khác. Đối với chúng ta, suối nguồn của nhân phẩm và tình huynh đệ được tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Từ đó hiện lộ lên “– trong tư tưởng Kitô giáo và trong hoạt động của Giáo hội – tầm quan trọng được trao cho sự tương quan, sự gặp gỡ với mầu nhiệm thánh thiêng của người khác, và sự hiệp thông phổ quát với toàn thể gia đình nhân loại, như một ơn gọi của Thiên Chúa”. (273)
- Được gọi cắm rễ ở mọi nơi, Giáo hội từ bao thế kỷ nay đã hiện diện trên khắp thế giới, vì đó là ý nghĩa của “công giáo”. Vì thế, từ chính kinh nghiệm về ân sủng và về tội lỗi của mình, Giáo hội có thể hiểu vẻ đẹp của lời mời gọi tiến đến tình yêu phổ quát. Thật vậy, “mọi sự của con người đều là sự quan tâm của chúng ta… bất cứ ở đâu hội đồng của các quốc gia họp lại để thiết định các quyền và các bổn phận của con người, chúng ta hân hạnh được cho phép có chỗ giữa họ”. (274) Đối với nhiều Kitô hữu, hành trình huynh đệ này cũng có một người Mẹ, tên là Maria. Khi đã nhận tư cách làm Mẹ phổ quát này dưới chân Thập giá (x. Ga 19,26), Mẹ quan tâm không chỉ Chúa Giêsu mà còn cả “những người còn lại trong dòng dõi bà” (x. Kh 12,17). Trong sức mạnh của Chúa Phục sinh, Mẹ muốn sinh hạ một thế giới mới, trong đó tất cả chúng ta là anh chị em, trong đó có chỗ cho tất cả những ai bị các xã hội chúng ta loại bỏ, trong đó công lý và hòa bình chiếu sáng.
- Chúng ta, các Kitô hữu, yêu cầu rằng tại những quốc gia mà mình là một thiểu số, chúng ta được bảo đảm sự tự do, như chính chúng ta cổ võ sự tự do ấy cho những người không phải là Kitô hữu tại những nơi mà họ là thiểu số. Một quyền con người nền tảng không thể bị quên trong hành trình hướng tới huynh đệ và hòa bình, đó là quyền tự do tôn giáo cho các tín đồ của mọi tôn giáo. Quyền tự do ấy công bố rằng chúng ta có thể “xây dựng sự hòa điệu và sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau. Nó cũng chứng thực cho sự kiện rằng – vì có rất nhiều điều quan trọng cùng chia sẻ với nhau – chúng ta có thể tìm ra một cách sống chung êm ái, trật tự và hòa bình, chấp nhận những khác biệt của chúng ta, và vui mừng vì là anh chị em của nhau, trong tư cách là con cái của một Thiên Chúa”. (275)
- Đồng thời, chúng ta cầu xin Thiên Chúa củng cố mối hiệp nhất trong Giáo hội, mối hiệp nhất được nên phong phú nhờ những khác biệt được hòa giải bởi hoạt động của Thánh Thần. Vì “tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13), trong đó mỗi chi thể có sự đóng góp riêng của mình. Như Thánh Augustinô nói: “tai thấy qua mắt, mắt nghe qua tai”. (276) Cũng thật khẩn thiết phải tiếp tục làm chứng cho hành trình gặp gỡ giữa các Kitô hữu thuộc các phái khác nhau. Chúng ta không thể quên khát vọng của Chúa Kitô rằng “tất cả họ sẽ nên một” (x. Ga 17,21). Nghe tiếng gọi này, chúng ta hối tiếc nhận ra rằng tiến trình toàn cầu hóa vẫn còn thiếu sự đóng góp có tính ngôn sứ và tâm linh của sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Dù vậy, “chính trong khi thực hiện hành trình tiến tới hiệp thông hoàn toàn, chúng ta vẫn có bổn phận cùng nhau trao chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, bằng cách cùng nhau làm việc để phục vụ nhân loại”. (277)
TÔN GIÁO VÀ BẠO LỰC
- Một hành trình hòa bình là điều có thể giữa các tôn giáo. Điểm khởi hành của nó phải là cách mà Thiên Chúa nhìn mọi sự. “Thiên Chúa không nhìn bằng mắt, mà bằng trái tim. Và Thiên Chúa yêu thương mọi người với cùng một tình yêu, bất kể tôn giáo. Ngay cả dù họ là người vô thần, tình yêu của Thiên Chúa cũng vẫn thế. Khi đến hồi tận thời, và có đủ ánh sáng để nhìn thấy mọi sự như sự thật của chúng, chúng ta hẳn sẽ rất đỗi ngạc nhiên”. (278)
- Vậy thì “chúng ta, các tín hữu , cần tìm dịp để nói chuyện với nhau và hành động cùng nhau cho thiện ích chung và cho việc thăng tiến người nghèo. Điều này không đòi phải giảm nhẹ hay che giấu những niềm xác tín sâu xa nhất của mình khi gặp gỡ những người có suy nghĩ khác ta… Vì khi căn tính của chúng ta càng sâu hơn, mạnh hơn, và phong phú hơn, thì chúng ta càng có khả năng hơn để giúp làm phong phú những người khác, với sự đóng góp riêng của chúng ta”. (279) Chúng ta, các tín hữu, được thách đố trở về với các cội nguồn của mình, để tập trung vào những gì là thiết yếu: thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, để cho một số giáo huấn của chúng ta không bị lấy ra khỏi bối cảnh, và dẫn tới việc nuôi dưỡng những hình thức khinh mạn, oán ghét, bài ngoại, hay phủ nhận người khác. Thật vậy, bạo lực không có cơ sở trong những niềm xác tín tôn giáo nền tảng của chúng ta, nhưng chỉ có trong sự bóp méo các niềm xác tín ấy.
- Việc thờ phượng Thiên Chúa cách chân thành và khiêm tốn “sẽ sinh hoa quả không phải là thái độ kỳ thị, thù địch và bạo lực, nhưng là lòng tôn trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, và sự dấn thân đầy yêu thương cho thiện ích của mọi người”. (280) Quả thực, “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Vì lý do này, “nạn khủng bố thật là tồi tệ, nó đe dọa sự an toàn của người ta – dù ở Đông hay Tây, Nam hay Bắc – và nó làm lan tràn sự hốt hoảng, sợ hãi và bi quan, nhưng đây không phải là do tôn giáo, ngay cả khi những kẻ khủng bố mượn danh nghĩa tôn giáo. Đúng hơn, nó xuất phát từ sự tích tụ những giải thích sai lầm về các bản văn tôn giáo, và từ những chính sách có liên quan tới nạn đói nghèo, bất công, áp bức và hãnh thắng. Đó là lý do tại sao rất cần phải ngừng việc hỗ trợ cho các phong trào khủng bố, ngừng nuôi dưỡng chúng bằng tài chánh, ngừng cung cấp vũ khí và chiến lược, và ngừng tìm cách biện minh cho những phong trào này – ngay cả qua việc sử dụng truyền thông. Tất cả những điều này phải được xem là tội phạm quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Nạn khủng bố như thế phải bị lên án trong tất cả hình thức và cách thể hiện của nó”. (281) Những niềm xác tín tôn giáo về ý nghĩa thánh thiêng của sự sống con người cho phép chúng ta “nhận ra những giá trị nền tảng của nhân tính phổ quát nơi chúng ta, chính vì nhân danh những giá trị này mà chúng ta có thể và phải hợp tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển; điều này sẽ cho phép những tiếng nói khác nhau kết hợp lại và tạo ra một giai điệu tuyệt hay và tôn quí, thay vì là những tiếng la hét cuồng loạn của hận thù”. (282)
- Nhiều khi bạo lực quá khích đến từ một số nhóm, thuộc bất cứ tôn giáo nào, bởi sự điên rồ của các nhân vật thủ lãnh. Nhưng, “giáo huấn về hòa bình được ghi khắc sâu xa trong các truyền thống tôn giáo của chúng ta… Trong tư cách là các lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi trở nên “những con người đối thoại” đích thực, cộng tác trong việc xây dựng hòa bình không phải như những người trung gian mà như những tác nhân hòa giải đích thực. Những người trung gian tìm cách ve vuốt mọi người, nhằm cuối cùng kiếm lợi cho mình. Đàng khác, những tác nhân hòa giải là người không thu vén gì cho mình, mà sẵn sàng quảng đại quên mình cho đến mức mình bị tiêu hao, bởi biết rằng mối lợi duy nhất là hòa bình. Mỗi chúng ta được kêu gọi trở thành chiến sĩ của hòa bình, bằng cách đoàn kết chứ không chia rẽ, bằng việc dập tắt lửa hận thù chứ không cố bám lấy nó, bằng việc mở ra những nẻo đường đối thoại chứ không xây thêm những bức tường”. (283)
Một lời kêu gọi
- Trong cuộc gặp gỡ huynh đệ của tôi với Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb mà tôi rất vui khi nhớ lại, “chúng tôi đã dứt khoát [tuyên bố] rằng các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh, những thái độ thù hận, sự hiếu chiến và quá khích, cũng không được kích động bạo lực hay sự đổ máu. Những thực tế bi thảm này là hậu quả của một sự lạc xa các giáo huấn của tôn giáo. Chúng đến từ một sự thao túng các tôn giáo cho mục tiêu chính trị, và từ những giải thích của các nhóm tôn giáo mà trong lịch sử đã lợi dụng sức mạnh của tâm thức tôn giáo trong người ta… Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, không cần được bảo vệ bởi bất cứ ai, và Ngài không muốn tên của Ngài được dùng để gieo rắc khủng bố”. (284) Vì lý do này, tôi muốn lặp lại ở đây lời kêu gọi hòa bình, công lý và tình huynh đệ mà chúng ta thực hiện cùng với nhau:
“Nhân danh Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi con người bình đẳng trong các quyền, các bổn phận và trong phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi mọi người sống với nhau như anh chị em, để lấp đầy trái đất này và cổ võ các giá trị của sự thiện, tình yêu và hòa bình;
“Nhân danh sự sống của những con người vô tội mà Thiên Chúa đã cấm giết hại, xác nhận rằng ai giết một con người thì giống như kẻ giết toàn thể nhân loại, và ai cứu sống một con người thì giống như kẻ cứu sống toàn thể nhân loại;
“Nhân danh những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị loại ra bên lề và những người túng quẫn nhất, họ là những người mà Thiên Chúa đã truyền dạy chúng ta phải giúp đỡ, như một bổn phận của tất cả mọi người, nhất là những người giàu và những ai có phương tiện;
“Nhân danh các cô nhi, quả phụ, những người tị nạn và những người phải rời bỏ quê hương đất nước của mình; nhân danh tất cả các nạn nhân của chiến tranh, của bách hại và bất công; nhân danh những người yếu thế, những người sống trong sợ hãi, các tù nhân chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất cứ đâu trên thế giới, không phân biệt;
“Nhân danh các dân tộc đã đánh mất an ninh, hòa bình và khả năng sống với nhau, trở thành những nạn nhân của sự hủy diệt, thảm họa và chiến tranh;
“Nhân danh tình huynh đệ giữa con người, tình huynh đệ bao gồm hết mọi con người, kết hợp họ và làm cho họ bình đẳng;
“Nhân danh tình huynh đệ bị xé rách bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi những hệ thống lợi ích vô độ hay bởi các khuynh hướng ý thức hệ thù hận đang dẫn dụ các hành động và phá hại tương lai của mọi người;
“Nhân danh sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho mọi con người, Ngài dựng nên họ với tự do, và làm cho họ có nét độc đáo riêng nhờ quà tặng này;
“Nhân danh công lý và lòng thương xót, là những nền tảng của sự thịnh vượng và là viên đá góc của đức tin;
“Nhân danh mọi người thiện chí đang hiện diện khắp nơi trên thế giới;
“Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh tất cả những gì nói trên, [chúng tôi] tuyên bố lấy văn hóa đối thoại làm con đường của mình; lấy sự hợp tác với nhau làm qui tắc ứng xử; và lấy sự cảm thông nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn của mình”. (285)
* * *
- Trong những trang suy tư này về tình huynh đệ phổ quát, tôi nhận cảm hứng cách riêng từ Thánh Phanxicô Assisi, nhưng cũng được cảm hứng từ nhiều anh chị em khác của chúng ta, những người không phải là tín hữu Công giáo: Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi, và nhiều người khác. Nhưng tôi muốn đúc kết bằng cách nhắc đến một người khác nữa, một người với đức tin sâu sắc và được thúc đẩy bởi kinh nghiệm thâm sâu về Thiên Chúa, đã thực hiện một hành trình biến đổi hướng tới cảm nghiệm mình là một người anh em của mọi người. Đó là Chân phước Charles de Foucauld.
- Với lý tưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, Chân phước Charles de Foucauld đã đi đến đồng hóa mình với những người nghèo, những người bị bỏ rơi ở những góc xa khuất nhất của sa mạc Phi Châu. Trong khung cảnh đó, ngài đã diễn tả ao ước cảm nhận mình là một người anh em của mọi người, (286) và đã xin một người bạn “cầu nguyện xin Chúa cho tôi thực sự là người anh em của tất cả”. (287) Cuối cùng, ngài muốn làm “người anh em phổ quát”. (288) Hẳn nhiên chỉ bằng cách tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nhất mà ngài đã có thể trở thành người anh em của tất cả mọi người. Nguyện xin Thiên Chúa khơi dậy giấc mơ này nơi mỗi chúng ta. Amen.
Lời cầu nguyện với Đấng Tạo Thành
Lạy Chúa, là Cha của gia đình nhân loại chúng con,
Chúa đã dựng nên mọi người với phẩm giá bình đẳng:
xin đổ vào trái tim chúng con một tinh thần huynh đệ
và khơi lên trong chúng con giấc mơ gặp gỡ cách mới mẻ,
giấc mơ đối thoại, công lý và hòa bình.
Xin thúc đẩy chúng con kiến tạo những xã hội lành mạnh hơn
và một thế giới có phẩm giá hơn,
một thế giới không có chiến tranh, bạo lực và đói nghèo.
Xin mở rộng trái tim chúng con
hướng đến mọi dân mọi nước trên mặt đất này.
Xin giúp chúng con nhận ra sự tốt lành và vẻ đẹp
mà Chúa đã gieo vào mỗi người chúng con,
nhờ đó chúng con kiến tạo những mối dây hiệp nhất,
những dự án chung, và những giấc mơ cùng chia sẻ. Amen.
Lời cầu nguyện hiệp nhất Kitô hữu
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương
từ mối hiệp thông sâu xa trong sự sống thần linh của Chúa,
xin tuôn đổ dạt dào trên chúng con tình yêu huynh đệ.
Xin ban cho chúng con tình yêu
biểu lộ nơi các hành động của Chúa Giêsu,
trong gia đình Nadarét, và trong cộng đoàn tín hữu sơ khai.
Xin giúp các Kitô hữu chúng con biết sống Tin Mừng,
khám phá Chúa Kitô nơi mỗi con người,
nhận ra Người chịu đóng đinh
trong những thống khổ của những người bị bỏ rơi
và bị lãng quên trên thế giới này,
và nhận ra Chúa sống lại nơi mỗi anh chị em
đang thực hiện một cuộc bắt đầu mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến
và tỏ cho chúng con thấy vẻ đẹp của Chúa,
được phản chiếu nơi mọi dân tộc trên trái đất,
để chúng con có thể khám phá một lần nữa
rằng mọi người đều quan trọng, và mọi người đều cần thiết,
là những khuôn mặt khác nhau của một nhân loại duy nhất
mà Chúa rất đỗi yêu thương. Amen.
Được ban hành tại Assisi, bên mộ Thánh Phanxicô, vào ngày 3 tháng 10, Áp lễ kính Thánh nhân, năm 2020, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.
Phanxicô
Chú thích:
[259] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ, Đáp ứng của Giáo hội ở Ấn Độ trước Những Thách Đố Hiện Nay (9 tháng 3, 2016).
[260] Bài giảng Thánh lễ ở Domus Sanctae Marthae (17 tháng 5, 2020).
[261] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 19: AAS 101 (2009), 655.
[262] Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus (1 tháng 5, 1991), 44: AAS 83 (1991), 849.
[263] Diễn văn với Lãnh đạo Các Tôn giáo khác và Các Phái Kitô giáo khác, Tirana, Albania (21 tháng 9, 2014): Insegnamenti II, 2 (2014), 277.
[264] Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người Vì Hòa Bình Thế Giới Và Cùng Chung Sống, Abu Dhabi (4 tháng 2, 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 6.
[265] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 256: AAS 105 (2013), 1123.
[266] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25 tháng 12, 2005), 28: AAS 98 (2006), 240.
[267] “Con người là một con vật chính trị”, ARISTOTLE, Chính trị, 1253a 1-3.
[268] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 11: AAS 101 (2009), 648.
[269] Diễn văn với Cộng đồng Công giáo, Rakovski, Bulgaria (6 tháng 5, 2019): L’Osservatore Romano, 8 tháng 5, 2019, tr. 9.
[270] Bài giảng, Santiago de Cuba (22 tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 1005.
[271] Công Đồng Vatican II, Nostra Aetate, 2.
[272] Lời Cầu nguyện Đại kết, Riga, Latvia (24 tháng 9, 2018): L’Osservatore Romano, 24-25 tháng 9, 2018, tr. 8.
[273] Lectio Divina, Đại học Giáo hoàng Laterano, Rome (26 tháng 3, 2019): L’Osservatore Romano, 27 tháng 3, 2019, tr. 10.
[274] Thánh PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam (6 August 1964): AAS 56 (1964), 650.
[275] Diễn văn với Các Quyền bính Dân sự, Bethlehem, Palestine (25 tháng 5, 2014): Insegnamenti II, 1 (2014), 597.
[276] Enarrationes trong Thánh Vịnh, 130, 6: PL 37, 1707.
[277] Tuyên bố chung của Giáo hoàng Phanxicô và Thượng phụ Bartholomew, Jerusalem (25 tháng 5, 2014), 5: L’Osservatore Romano, 26-27 tháng 5, 2014, tr. 6.
[278] Từ bộ phim Pope Francis: A Man of His Word, của Wim Wenders (2018).
[279] Tông huấn Querida Amazonia (2 tháng 2, 2020), 106.
[280] Bài giảng, Colombo, Sri Lanka (14 tháng 1, 2015): AAS 107 (2015), 139.
[281] Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người vì Hòa Bình Thế Giới và Cùng Chung Sống, Abu Dhabi (4 tháng 2, 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 7.
[282] Diễn văn với Các Quyền bính Dân sự, Sarajevo, Bosnia-Herzegovina (6 tháng 6, 2015): L’Osservatore Romano, 7 tháng 6, 2015, tr. 7.
[283] Diễn văn tại Hội nghị Quốc tế vì Hòa Bình được cộng đoàn Sant’Egidio tổ chức (30 tháng 9, 2013): Insegnamenti I, 1 (2013), 301-302.
[284] Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người vì Hòa Bình Thế Giới và Cùng Chung Sống, Abu Dhabi (4 tháng 2, 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 6.
[286] Cf. CHARLES DE FOUCAULD, Suy niệm về Kinh Lạy Cha (23 tháng 1, 1897).
[287] Thư gửi Henry de Castries (29 tháng 11, 1901).
[288] Thư gửi Madame de Bondy (7 tháng 1, 1902). Thánh Phaolô VI dùng những lời này để ca ngợi sự dấn thân của Vị Chân Phước: Thông điệp Populorum Progressio (26 tháng 3, 1967): AAS 59 (1967), 263.
Lm. Lê Công Đức (dịch)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA – BÀI 5. « BỞI QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI ĐÃ NHẬP THỂ TRONG LÒNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA ». LÀM THẾ NÀO CƯU MANG VÀ SINH HẠ CHÚA GIÊSU ?
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO
- TÒA THÁNH NÓI VỀ THẾ VẬN HỘI OLYMPIC 2024: MỘT SỐ CẢNH XÚC PHẠM CÁC TÍN HỮU
- ĐỨC PHAOLÔ VI, ĐỐI THOẠI NHƯ PHƯƠNG THUỐC CHO SỰ ỒN ÀO CỦA MẠNG XÃ HỘI
- GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
- KHÓA TẬP HUẤN DỊCH THUẬT VĂN BẢN MỤC VỤ
- DẪN VÀO SỨ MẠNG HỌC
- CÁC CHUẨN MỰC THỦ TỤC ĐỂ PHÂN ĐỊNH CÁC HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC CHO LÀ SIÊU NHIÊN : BÀI GIỚI THIỆU CỦA ĐHY FERNANDEZ
- NHỮNG CHUẨN MỰC MỚI VỀ CÁC HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC CHO LÀ SIÊU NHIÊN
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 16. ĐỜI SỐNG ÂN SỦNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN
- TOÀN VĂN TUYÊN NGÔN “DIGNITAS INFINITA” – VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: PHẦN 4
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: PHẦN 3