BẠO LỰC GIA ĐÌNH, GIÁO HỘI NÓI GÌ ?

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 21st, 2021. Posted in Gia đình, Học thuyết xã hội, Luân lý, Phái tính, Thế Giới, Tý Linh

Đang khi, đối với nhiều người, bạo lực gia đình phát sinh từ sự kéo dài của mô hình phụ quyền, thì Giáo hội Công giáo đã nhiều lần lên tiếng, trong những thập niên vừa qua, để lên án hiện tượng này.

Giáo hội nói gì về bạo lực gia đình ?

Những thập niên vừa qua, Vatican đã lên án tai họa này cách rộng rãi. « Ngay trước thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta không thể thản nhiên đối mặt với hiện tượng này, cũng như không cam chịu với nó. Đã đến lúc lên án cách mạnh mẽ những hình thức bạo lực tính dục thường nhắm vào phụ nữ, bằng cách khơi dậy những công cụ bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý », Đức Gioan-Phaolô II đã kêu gọi như thế, vào tháng 6/1995, trong Thư gởi các phụ nữ trước Liên Hiệp Quốc, trước khi kêu gọi « các Nhà nước và các thể chế quốc tế [làm] những gì phải làm để trả lại cho phụ nữ lòng kính trọng trọn vẹn đối với phẩm giá và vai trò của họ ».

Mười hai năm sau, Đức Bênêđíctô XVI cũng lấy làm tiếc, tại Đại hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (2007), về « sự dai dẳng của một não trạng trọng nam khinh nữ » trong Kitô giáo. « Có những nơi và những nền văn hóa mà phụ nữ là đối tượng của sự phân biệt kỳ thị hay bị đánh giá thấp vì họ là phụ nữ, (…), nơi mà những hành vi bạo lực đối với phụ nữ được thực hiện khiến họ trở thành đối tượng của sự đối xử tồi tệ », Đức Thánh Cha lên án và đồng thời kêu gọi các Kitô hữu trở thành « những người cổ võ một nền văn hóa nhìn nhận ở phụ nữ (…) phẩm giá xứng đáng với họ ».

Trong Tông huấn Amoris Laetitia (chương 2, số 54), Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên, vào tháng 3/2016, tố giác sự rối loạn chức năng bạo lực nơi một số cặp vợ chồng : « Chúng ta vẫn chưa hoàn thành việc xóa bỏ các tập quán không thể chấp nhận được. Tôi nhấn mạnh bạo lực đáng xấu hổ đôi khi được thực hiện đối với phụ nữ, những lạm dụng trong gia đình và những hình thức nô lệ khác nhau, vốn không phải là một biểu lộ sức mạnh nam giới, nhưng là sự xuống cấp hèn hạ. Bạo lực bằng lời nói, thể lý và tính dục đối với phụ nữ trong một số gia đình mâu thuẫn với chính bản chất của hôn nhân ».

Gần đây nhất, trong buổi nói chuyện trên Kênh TG 5 ở Ý, tối Chúa Nhật 19/12/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi vấn đề bạo lực gia đình là « một vấn đề gần như satan ». Ngài nói : « Số phụ nữ bị chồng đánh đập, ngược đãi tại nhà, thậm chí là bởi chồng của họ, là rất lớn. Đối với tôi, vấn đề này gần như là satan. (…) Thật sỉ nhục khi một người cha hay một người mẹ tát vào mặt con mình, thật là rất sỉ nhục và tôi luôn nói điều này, đừng tát vào mặt con cái. Tại sao như thế ? Bởi  vì phẩm giá là khuôn mặt ».

Anne Soupa, chuyên viên Thánh Kinh, thần học gia và là chủ tịch của Ủy ban thăng tiến bình đẳng nam-nữ trong Giáo hội, đã nhắc lại rằng : « Các triều đại giáo hoàng gần đây đã quan tâm nhiều đến vấn đề này. Trong các bài phát biểu của huấn quyền, nói chung người ta nhận thấy một lời biện hộ cho người phụ nữ làm vợ, một lời biện hộ khác cho người phụ nữ làm mẹ, và cuối cùng một chương hay một đoạn về việc bảo vệ phụ nữ trong trường hợp bạo lực gia đình ».

Làm thế nào Giáo hội đấu tranh cách cụ thể chống lại hiện tượng này ?

Ngoài những tuyên bố mạnh mẽ của mình, Giáo hội có hành động cách cụ thể đối với các nạn nhân không ? Nâng đỡ sự nghiệp của phụ nữ qua Công giáo tiến hành của phụ nữ (ACF), làm việc nâng cao nhận thức của hiệp hội CLER Amour et Famille, trợ giúp nhiều tổ chức quốc tế khác…. « Cho dù thể chế nói những điều trên đây, nhưng đó không phải là vai trò của nó để hành động, nhưng đúng hơn là vai trò của các hiệp hội », Rose Marie Mailler, chủ tịch của ACF, nhận định.

Tuy nhiên, từ truyền thống xa xưa của mình, Giáo hội đã góp phần vào việc ngăn ngừa những bạo lực này trong xã hội. Khi phụ nữ chỉ tồn tại thông qua địa vị làm vợ hay làm mẹ trong nền văn hóa Hy-La, thì « từ những thế kỷ đầu tiên, đã xuất hiện trong Kitô giáo một hình thức « tán dương » sự trinh khiết vì Chúa : đặc biệt điều đó đã mở ra cho phụ nữ khả năng không kết hôn », Anne Soupa ghi nhận và đồng thời nhận thấy đó là cử chỉ giải phóng đầu tiên khỏi nền văn hóa phụ quyền. Rose Marie Mailler cho biết : « Vào thời Trung Cổ, hôn nhân Công giáo cũng đã được thiết lập để bảo vệ phụ nữ hơn nữa ».

Thánh Kinh có nói về bạo lực gia đình không ?

Trong các bản văn, nhiều trình thuật gợi lên bạo lực đối với phụ nữ. Anne Soupa lưu ý : « Cựu Ước nằm trong bối cảnh phụ nữ không có sự tồn tại pháp lý, họ giống như công cụ trong tay đàn ông. Bằng chứng là đoạn này trong sách các Vua quyển thứ nhất (chương 1), khi một hầu thiếp trẻ phải ngủ chung giường với vua Đavít khi ông lạnh ». Theo chuyên viên Thánh Kinh này, một ví dụ rõ ràng khác là trường hợp cô tỳ thiếp của người Lêvi (Tl 19-20), bị cưỡng hiếp cho đến chết bởi những người Bengiamin. Người Lêvi « lấy dao chặt người tỳ thiếp ra từng mảnh, thành mười hai phần, rồi gởi đi khắp lãnh thổ Israel ». « Nhưng Thánh Kinh từ chối và lên án bạo lực này », Anne Soupa nhấn mạnh.

Trong Tân Ước, bạo lực đối với phụ nữ xuất hiện cách rõ ràng hơn nữa, mâu thuẫn với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho gia đình. Thần học gia này khẳng định : « Nói đúng ra, không có đấu tranh chống lại bạo lực gia đình, vì Chúa Giêsu không dừng lại nhiều nơi thân phận của phụ nữ đã lập gia đình, ngoại trừ khi ngài khước từ việc rẫy vợ (Mt 19). Ngài dừng lại nhiều hơn nơi thân phận của những người phụ nữ đau khổ, mà không giới hạn họ chỉ trong phạm vi hôn nhân ».

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31