BOURGUIGNON, NGƯỜI CHA NHÂN ÁI
Kiếp người thường kinh qua nhiều giai đoạn buồn vui cũng là những giai thoại cho mỗi đời người. Riêng khoảng thời gian dùi mài kinh sử dưới mái trường quá đổi thân thương của mình, đã khắc ghi trong tâm hồn chúng ta bao tình cảm, ấn tượng sâu sắc nhất.
Ngày 03 tháng 09 vừa qua, tôi lại có dịp sống lại những ký ức cảm động thời sinh viên trai trẻ, đã hơn bốn mươi năm, nơi ĐẠI CHỦNG VIỆN XUÂN BÍCH VĨNH LONG, với cha giáo thân thương: Dieudonné BOURGUIGNON.
ĐCV Xuân Bích này là ngôi nhà chung cho ba giáo phận Vĩnh Long – Mỹ Tho – Cần Thơ. Nhà trường này, nhờ ơn Chúa, đã đào tạo biết bao linh mục tốt lành và giáo dân nhiệt thành, qua khuôn mẫu của nhiều cha giáo VIỆT – ÂU thánh đức. Làm sao chúng tôi có thể quên được vị cha giáo già yêu dấu ấy. Tình thương của ngài dành cho học trò của mình, mỗi chúng tôi đều đã cảm nhận rõ nét. Thời xa xưa khi chúng tôi đang lãnh giáo ngài và bây giờ trong ngày giỗ lần thứ 39 của ngài, mười bốn anh em chúng tôi luôn nhắc đến tên ngài với một tình cảm đặc biệt, đầm ấm đầy trìu mến.
Người cha già ấy tinh trắng từ tâm hồn đến thân xác, ngài thật đôn hậu chân chất. Nước da trắng hồng BỈ QUỐC, mái tóc trắng bạc phủ sau vầng trán rộng thông thái cao sâu. Y phục của ngài cũng là một màu trắng thường xuyên và duy nhất, ngoài trừ đôi lúc cần trịnh trọng phủ lấy cánh áo dòng đen trong giờ Phụng vụ. Từ xa xa trong sân trường Xuân Bích, giữa hai dãy nhà vàng xám hiên ngang, khu Triết học, khu Thần học, nếu thấy một bóng hình trắng, dong dỏng cao to như gốc cổ thụ phong sương, thì chúng tôi đoan chắc đó chính là cha giáo niên trưởng đã từng là tù nhân của Phát xít Đức. Nay ngài lại tự nguyện làm “người tù của lòng nhân ái” dành cho giáo hội Việt Nam, từ GP Phát Diệm đến GP Mỹ Tho, giảng dạy ĐCV Vĩnh Long, cuối cùng ngài đã yên nghỉ vĩnh viễn giữa lòng thủ đô Sài Gòn khi đương quyền Giám đốc Tiểu Chủng viện Gioan Baotixita thuộc giáo phận Mỹ Tho.
Ngày nay mỗi lần về quê nhà Cần Thơ, đi ngang ngôi trường xưa, tôi không khỏi bùi ngùi. Còn đâu nữa bóng hình những cha giáo thân thương: Cha Phêrô TỰ, cha Gastine, cha Villard… Còn đâu nữa những chàng trai trẻ tràn đầy nhựa sống quên đi tất cả, chỉ nhắm đến một lý tưởng phục vụ Giáo hội, phục vụ xã hội loài người. Cao cả thật. Lý tưởng thật. Còn đâu nữa những lời kinh kệ thanh thoát ngân nga sáng tối của các chàng sinh viên kỳ lạ cầu cho quốc thái dân an, cho con dân Nước Việt, cho ba vùng Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ. Giờ đây, còn lại chỉ là trơ trẽn, nhếch nhác và trơ trẽn. Thương thay !
Khi ngài giã từ quê mẹ, dấn thân đến cánh đồng truyền giáo Viễn Đông này, ngài đã nhận nơi đây là quê hương thứ hai của ngài. Ngài đã R.I.P nơi đây như ý nguyện, nhờ đó đầu tháng mười một hằng năm, tôi lại hân hạnh có dịp đến viếng ngài nơi nghĩa trang giáo xứ Bình Triệu, thay cho các môn sinh ở nơi xa xôi khác, trong nước cũng như ngoài nước. Mỗi lần đứng cạnh nơi yên nghỉ hiu quạnh của ngài, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến các vị thừa sai Âu Châu đã yên nghỉ giữa lòng đất VIỆT này. Các ngài đến từ M.E.P hay không từ M.E.P, các ngài đã được phong thánh hoặc chưa được tuyên phong, tôi đều trân trọng, cảm phục sâu sắc và cũng không quên trang trọng cầu nguyện cho các ngài trong dịp này hằng năm.
Rượu vào lời ra. Trong bữa cơm bụi giữa lòng hồ thủy tạ, anh em chúng tôi, kể cả ba linh mục từ giáo phận Cần Thơ và một thuộc TGP Sài Gòn, thay nhau gợi nhớ nhiều kỷ niệm khó quên về cha già BOURGUIGNON ngày nào. Bước vào cổng ĐCV năm đó, tôi chỉ xấp xỉ hai mươi xuân xanh, không rõ gốc cổ thụ ngài là bao nhiêu niên đại nhưng tôi thấy ngài già lắm rồi và năm 2013 này cũng là năm ghi nhớ sinh nhựt bách niên của ngài đấy. Dầu vậy năm xưa đó, phong thái, giọng nói, tinh thần dấn thân vẫn là quá hào sảng khiến cho các môn sinh chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Ngài luôn nhớ sâu nhớ rõ từng tên từng mặt anh em chúng tôi. Bản sắc lịch thiệp Âu Châu không phai mờ nơi cha, cha luôn cố gắng nghiêm trang gọi đúng tên từng học trò của cha, nhưng âm sắc của tiếng VIỆT luôn gây khó cho cha. Đây cũng là những giai thoại thú vị. Anh Hồng Râu, quê Vĩnh Long, đã chia sẻ tên Hồng của anh biến thành HÙM cách trân trọng.
Rồi một điều, tôi nghĩ, không một học trò nào của cha mà không nhớ tới, đó là câu nói cửa miệng của cha với chất giọng miền Nam : “TÔỐT LẮM CONG HÁ!”. Câu nói này thường là lời kết sau mỗi lần gặp cha, kể cả những những khi bàn việc linh hồn hay xưng tội xong. Lời đó biểu lộ tình thương, lòng quý mến và sự khích lệ cao độ.
-“Tốt lắm con há !”
Anh Thiệu K70, quê Cần Thơ, cảm nhận lòng nhân ái của cha gợi anh nhớ đến điệp khúc đầy ắp yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với tạo vật của Người, sau mỗi công trình sáng tạo, đã trang trọng ghi chép trong Cựu Ước, Sáng Thế ký, chương I:
-“Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.
-“Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.
Tôi nhớ không lầm thì hình như các thầy đến xưng tội với người cha nhân ái này đông lắm vì lời chúc đầy nhân hậu và thương xót đó.
Anh Út Luôn K68 thú thật, anh đã học được ở cha quá nhiều điều quý hiếm, nhưng có một điều này gây ấn tượng đậm nét nhất. Một dịp nọ, anh đưa cha đi dâng thánh lễ tại nhà thờ Tân Ngãi, ngoại ô Vĩnh Long. Tan lễ, anh Út và cha đi ngang qua một nhóm thiếu nhi lố nhố trong sân nhà thờ nho nhỏ hiền hòa. Bỗng có giọng thánh thót của một dì phước xoáy vào tai Út Luôn và cả cha giáo:
-“Mới ngày hôm qua các con xưng tội hết rồi, sao sáng nay các con không rước lễ ?”
-“ … (các em im thinh thít)
Cha giáo già đỏ mặt, nhưng im lặng quay lại mời dì phước tre trẻ ấy vào khuất sau một cánh cửa gỗ màu vàng vàng, nhẹ nhàng, thong thả nói:
-“Chúng ta không nên hỏi các con trẻ như thế…”
Vào đầu giờ lớp một buổi trưa hè dìu dịu mát, cha báo cho các chú học trò lơ đễnh một tin là năm nay cơn mưa đầu mùa đổ xuống đất Vĩnh Long chỉ trễ hơn một ngày so với năm trước. Từ lâu cha vẫn đều đều ghi chép, thống kê sự kiện huyền nhiệm đó. Cha cảm nhận bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa mãi mãi chăm sóc con cái đáng thương của Người nơi vựa lúa Đồng bằng Cửu Long này. Đám học trò chúng tôi thích thú chăm chú nghe ngài chia sẻ cuộc sống hội nhập của ngài. Trong thời nội chiến loạn lạc máu lửa ấy, chúng tôi nào biết gì đâu, chỉ biết cố gắng ghi nhận những lời vàng ngọc của quý cha giáo xen lẫn giữa tiếng gầm gừ nghiệt ngã của bom đạn và tiếng khóc xé lòng của dân đen. Chỉ mong quý vị nào đã trải nghiệm “chiến tranh và hòa bình” trong những thập niên ấy thông cảm cho chúng tôi.
Anh em chúng tôi nay đã vào hàng U 70, có dịp sống lại với những ký ức thời xuân sắc là niềm hạnh phúc thật sự. Trong truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, ước mong những năm tới Bố Tâm tiếp tục đăng cai cho cuộc họp mặt đầy ý nghĩa này. Nhất là Michel Châu sẽ thông báo rộng rãi hơn để có đông anh em chấp nhận hy sinh “quẳng gánh lo thường nhật” đến thắp cho Cha Cố BOURGUIGNON một nén hương lòng.
Chắc chắn cha cố BOURGUIGNON sẽ cầu bầu cho chúng ta đạt được lời nguyện chúc của cha chủ tế lễ giỗ, Phêrô Nguyễn Văn Lâm, đến từ Đất Mũi: “Mong các linh mục gặt hái được nhiều thành quả trong công tác truyền giáo, quản lý tốt họ đạo và mãi trung tín nơi ơn gọi của mình. Anh em giáo dân thành đạt mỹ mãn và gia đình hạnh phúc vuông tròn”.
Sài gòn, ngày lễ giỗ lần thứ 39.
GB. Lê Minh Tâm
—————————————
Tiểu sử:
Cha D. Bourguignon sinh ngày 31.5.1913, ở Theux (Bỉ), gia nhập Hội Trợ Tá Truyền Giáo (Société des Auxiliaires des Missions ) vào năm 1931. Thụ phong linh mục ngày 19.12.1936, tù nhân chính trị năm 1943-1945 và sáng lập Hội Bạn của Tù Nhân Chính Trị. Phục vụ giáo phận Phát Diệm từ năm 1951 đến 1954, Bề Trên Tổng Quyền Hội Trợ Tá Truyền Giáo từ năm 1954 đến 1962, phục vụ giáo phận Mỹ Tho từ 1963 đến 1974, nguyên quản xứ Cai Lậy. Giáo sư Chủng viện Vĩnh Long từ 1966 đến 1974, Bề trên Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan Baotixita, Sài Gòn tháng bảy năm 1974 và qua đời ngày 3.9.1974 tại Sài Gòn.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG