BỨC XÚC VỀ TRUYỀN GIÁO, PHÚC ÂM HÓA VÀ SỨ VỤ
Linh mục Antôn Nguyễn mạnh Đồng (Nguồn: trang web giaophancantho)
Nhân đọc báo Hiệp thông số 92, số 2 tháng 1 năm 2016, chuyên đề Truyền giáo, tôi rất vui mừng vì đề cập đến Truyền giáo là đề tài tôi có nhiều bức xúc từ lâu mà chưa giải mã được. Tôi chỉ biết có 3 linh mục Việt Nam đã bức xúc và lên tiếng vào năm 2009, 2012, 2014. Và nay 2016 tôi xin chia sẻ thêm bức xúc của tôi.
I.Linh mục Giuse Lê công Đức : trong bài viết “Truyền Giáo” đăng trên mạng Xuân Bích Việt Nam (12-11-2009). Sau khi trình bày một số vấn đề như: Hai ý nghĩa truyền giáo – Những hàm ý của Mission – Từ một phong trào trở thành một cơ chế – Câu chuyện ở Á châu – Hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo – Có những xôn xao – Trong mục chót này linh mục cho biết: “Sự kiện Á châu bướng bỉnh không chịu mua hàng chắc hẳn có liên hệ rất nhiều đến cung cách Hội thánh “chào hàng” trong tâm thức truyền giáo, hiểu là “mở rộng một tổ chức tôn giáo”, và trong cách thức đã từng tỏ ra hiệu quả ở các nơi khác, đó là “chinh phục và lật đổ”. Tâm thức và cách thức này như bị dội lại khi gặp hai cột trụ sừng sững của các dân tộc Á châu, tức các tôn giáo lớn và các nền văn hóa kỳ cựu tại lục địa này, kỳ cựu hơn Ki tô giáo rất nhiều… Chỉ xét về mặt tâm lý ứng xử thôi, thì một tín đồ cắm sâu vào trong truyền thống Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo chẳng hạn, chắc chắn sẽ cảm thấy bị tổn thương và do đó sẽ đề kháng khi họ nhận ra các Kitô hữu đến để truyền giáo cho họ, theo nghĩa là để chinh phục họ, để xóa tôn giáo và văn hóa của họ mà thay vào đó bằng Kitô giáo.” Rồi ngài nhắc lại là vào năm 1967, cũng từ nhãn giới mới này mà Đức giáo hoàng Phaolô VI quyết định chính thức đổi Bộ truyền giáo thành Bộ loan báo Phúc âm cho các dân tộc… Tuy nhiên ở Việt Nam thì từ Bộ truyền giáo vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức cho đến hôm nay…
Thay lời kết, linh mục tóm tắt rằng Missio có hai nghĩa khác nhau: missio ad gentes có thể coi là truyền giáo, missio inter gentes có thể coi là sứ mạng hay làm chứng, như làm muối, làm men, làm ánh sáng.
II.Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, (giáo phận Sài Gòn), trong cuốn Tìm hiểu Từ vựng Công giáo (2012) trang 298 có góp ý về ngữ nghĩa của từ Missio. Sau khi tìm hiểu: ý nghĩa hẹp và rộng của từ Missio – Ý nghĩa các thuật từ sứ mệnh, sứ vụ, truyền giáo, truyền đạo, thừa sai… linh mục kết luận là: “Giáo hội Việt Nam đã chọn cho đề cương năm thánh 2010 là “Hội thánh tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”. Sứ vụ ở đây chính là Missio của Chúa Ki tô đã trao phó… Ta quen với thuật từ truyền giáo, như thường nghe nói “Bản chất của Hội thánh là truyền giáo”, “mọi kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo”. Nhưng nếu hỏi linh mục có phải là nhà truyền giáo hay không, hoặc linh mục có phải là thừa sai không, thì câu trả lời có lẽ sẽ không thống nhất rồi. Nhiều người không hiểu Missio là truyền giáo vì thực tế là thuật từ truyền giáo chưa đảm trách được hết ý nghĩa của Missio.”
Đó là điều đã gây bức xúc cho ngài và ngài đã không vô can để dày công tìm hiểu các từ ngữ trên.
III.Linh mục Phaolô Lê hoàng Thanh (giáo phận Cần Thơ) trong bài viết: “Truyền giáo: tản mạn về từ ngữ” đăng trên mạng gpcantho ngay 19-10-2014 có viết: “Việc truyền giáo (missionaria) là chính sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được thực hiện theo thánh ý tốt lành của Chúa Cha, để thông truyền sự sống tình yêu, và sự thật cho nhân loại. Sứ vụ này không có giáo thuyết cũng không có một đạo giáo nào… Gần đây từ truyền giáo còn gặp vài trở ngại trong sứ vụ loan báo Phúc âm:
III.1. Người bình dân lẫn trí thức đều không có thiện cảm khi nói tới truyền giáo. Khi người tín hữu dùng từ truyền giáo là để diễn tả sứ vụ loan báo Phúc âm, là nói cho đồng bào của mình về một Thiên Chúa là Chúa toàn năng tác tạo muôn loài. Nhưng tâm tình ấy không được những người mới lần đầu tiếp xúc với các Kitô hữu cảm nghiệm khi nghe từ truyền giáo. Từ truyền giáo mang ý nghĩa truyền một đạo giáo hay giáo thuyết. Phải chăng các tín hữu đến với muôn dân là để áp đặt một giáo thuyết một đạo giáo? Sự hiểu lầm này là một trong những cản trở việc đón nhận Phúc âm của người Việt, những tâm hồn vẫn được xem là mảnh đất tốt cho hạt giống Phúc âm.”
III.2. Tâm tình của xã hội Việt Nam hôm nay cũng không mặn mà với từ truyền giáo. Các cuộc thực tập mục vụ của các tu sĩ và chủng sinh sẽ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính khi từ truyền giáo xuất hiện. Bản chất của Hội thánh luôn gắn chặt với sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô… với công cuộc Tân Phúc âm hóa được giải thích là Phúc âm hóa mới, mới trong lòng nhiệt thành, mới trong phương thế, mới trong cách diễn đạt. Vì thế thói quen dùng từ truyền giáo không được ngăn cản mở rộng đường suy tư về công cuộc loan báo Phúc âm trên đất Việt. Thế hệ mới cần có cách diễn đạt mới để Phúc âm có thể canh tân khai mở một lần nữa cho con người ngày nay lối ngõ đến với Thiên Chúa.”
Để kết bài linh mục có gợi ý là trong tiếng Việt có một số cụm từ có thể thay thế cho truyền giáo như: Phúc âm hóa, Loan báo Phúc âm, Rao giảng Phúc âm…
IV.Bức xúc của tôi về Truyền giáo, Phúc âm hóa và Sứ vụ
Tôi rất tâm đắc về bức xúc của ba linh mục và cũng không muốn để mình vô can, nên xin góp ý là: dứt khoát dùng Phúc âm hóa thay truyền giáo, vì bốn lý do:
IV.1. Lý do thứ nhất: Vì sau khi công đồng Vatican II bế mạc năm 1965, không phải tự nhiên mà Đức Phaolô VI thay đổi Bộ truyền giáo hay truyền giáo thành Bộ loan báo Phúc âm cho các dân tộc. Rồi 10 năm sau công đồng, Thượng hội đồng giám mục thế giới lần 3 họp bàn về Phúc âm hóa, sau đó Đức Phaolô VI công bố Tông huấn “Loan báo Phúc âm” (1975), trong đó có định nghĩa Phúc âm hóa và xác định Phúc âm hóa là ân huệ, là ơn gọi, là căn tính sâu sắc nhất của Hội thánh. Đến Đức Gioan Phaolô II, ngài là người đầu tiên kêu gọi phải Tân Phúc âm hóa (1979). Và Đức Biển Đức XVI họp Thượng hội đồng giám mục thế giới năm 2012, bàn về Tân Phúc âm hóa để truyền giảng đức tin. Đến Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Phúc âm (2013) thì dùng từ người Phúc âm hóa (evangelizer) để Tân Phúc âm hóa. Đây là hướng đi ngày nay không thể đảo ngược lại nữa.
IV.2 Lý do thứ hai: Vì ngày nay Hội thánh Việt Nam đang cùng Hội thánh toàn cầu quan tâm đến Tân Phúc âm hóa đời sống. Tôi rất vui mừng mới khám phá ra và xin giới thiệu với độc giả bài viết về “Phúc âm hóa đời sống” của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn, đăng trong Tin mừng Chúa Nhật số 2 tháng 1 năm 2016, bài viết chỉ vỏn vẹn có một trang sách mà giải nghĩa một cách tổng hợp và hữu cơ (có quan hệ không thể tách rời nhau) rất ngắn gọn súc tích để giúp thực hiện việc Tân Phúc âm hóa đời sống, rất dễ hiểu và thích hợp cho người Việt nam, đó là đem ánh sáng Phúc âm là ánh sáng chân lý, yêu thương, bình an vào trong ba bổn phận làm người: tu thân – tề gia – trị quốc, để đổi mới đời sống bản thân, đổi mới gia đình, đổi mới đời sống xã hội. Đức Hồng y đã đoạn tuyệt với từ truyền giáo vì suốt bài không thấy bóng từ truyền giáo. Thử hỏi nếu dùng truyền giáo thay cho Phúc âm hóa thì sẽ phải viết truyền giáo đời sống, truyền giáo bản thân, truyền giáo gia đình, truyền giáo xã hội, truyền giáo văn hóa…như thế có ý nghĩa gì và có nghe được chăng?
IV.3. Lý do thứ ba. Vì truyền giáo chỉ là từ mới có thời Trung cổ (từ khởi đầu Hội thánh chỉ dùng loan báo Phúc âm), nó chỉ là một phần, một mảnh, một khía cạnh của Phúc âm hóa. Từ truyền giáo dần dần làm cho nhiều người có thành kiến là: khi được truyền đạo, giảng đạo cho thì phải lo giữ đạo bằng thuộc kinh, thuộc giáo lý, xem lễ xưng tội, ăn chay kiêng thịt… không quan tâm gì tới việc “gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu trong Thánh Thần” như Thư chung của HĐGMVN về Tân Phúc âm hóa đã dạy, và còn có thể dễ chiều theo thói sống trần tục ở đời như: bố thí, làm từ thiện để câu like… Từ truyền giáo còn gây “dị ứng” cho những người theo các tôn giáo cổ truyền khác hoặc những người trí thức như ở số 1 và số 3 có nói đến. Mặc dầu nhiều người đã quá quen từ lâu với từ truyền giáo nhưng những thiếu sót và tai hại nó gây ra cho Kitô hữu và cho các người khác, tất cả thúc đẩy ta ngày nay phải sử dụng cho thật đúng ý nghĩa và giá trị của các từ đó.
IV.4. Lý do thứ bốn. Lý do này có tính cách cốt yếu hơn cả vì từ Phúc âm hóa có chữ Phúc âm, gợi nhớ đến Chuá Giêsu Kitô mà Công đồng Vatican II và tất cả các Đức giáo hoàng sau Công đồng đều quy chiếu vào như trung tâm. Các ngài đã gọi Chúa Kitô là chính Phúc âm của Thiên Chúa, là Phúc âm vĩnh cửu (hôm qua, hôm nay, mãi mãi) là tâm điểm của Sứ vụ Phúc âm hóa, là Đấng Phúc âm hóa (evangelizer) đầu tiên và vĩ đại nhất. Phúc âm hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, còn Tân Phúc âm hóa là làm mới về lòng nhiệt thành nghĩa là mới về mối tương quan giữa bản thân chúng ta với Chúa Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Phúc âm hóa chính là Sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần được sai đi để thực hiện cho nhân loại. Hội thánh có bản chất là Sứ vụ vì Hội thánh được Thiên Chúa Ba Ngôi thiết lập và ban cho tham dự vào Sứ vụ của Chúa Giê su và Chúa Thánh Thần để tiếp tục Phúc âm hóa nhân loại cho tới khi Chúa Giê su lại đến. Như vậy từ truyền giáo không những vừa chỉ là một khía cạnh của Phúc âm hóa, vừa gây “dị ứng” cho nhiều người khác, lại còn không có những ưu điểm của từ Phúc âm hóa như vừa kể trên. Vì thế chỉ nên dùng khi muốn nói đến khía cạnh riêng của nó. Khía cạnh riêng của nó tương đương với các khía cạnh trong tiến trình Phúc âm hóa mà Chỉ dẫn tổng quát về huấn giáo (1997) đã kể ra là: loan báo Phúc âm, truyền giảng đức tin, công bố Phúc âm lần đầu, huấn giáo, hoạt động mục vụ, hoạt động truyền giáo (x. Chỉ dẫn tổng quát số 48).
Để kết thúc, tôi chỉ xin góp lại mấy bức xúc tôi có thể biết được để chia sẻ với các bạn đọc . Ước mong được các vị chuyên môn cho biết ý kiến .
Linh mục Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng linh mục Cần Thơ 2016
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 16. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
- ĐỨC PHANXICÔ : KHÔNG ĐƯỢC LOẠI BỎ BẤT KỲ MẠNG SỐNG NÀO
- ĐẶT CHÚA KITÔ TRỞ LẠI TRUNG TÂM
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 15. NHỮNG HOA TRÁI CỦA CHÚA THÁNH THẦN. NIỀM VUI
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B – BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH : ĐỪNG NGỒI YÊN MÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐƯA GIÁO HỘI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA
- ĐỨC PHANXICÔ THÔNG BÁO : MỘT THƯỢNG HỘI ĐỒNG KHÔNG CÓ TÔNG HUẤN
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B: PHỤC VỤ LÀ LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2024 : HÃY ĐI RA VÀ MỜI GỌI MỌI NGƯỜI VÀO TIỆC CƯỚI
- ĐÊM CẦU NGUYỆN ĐẠI KẾT: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- KHAI MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY CHO HÒA BÌNH VÀO NGÀY 7 THÁNG 10
- BÀI SUY NIỆM CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG BUỔI CỬ HÀNH SÁM HỐI TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC KHÓA HỌP THỨ HAI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ TÍNH HIỆP HÀNH
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- TẠI BỈ: SỰ KIÊN CƯỜNG TRONG SỨ MẠNG MANG LẠI NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ