CÁC CHỦ ĐỀ CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG LẦN TỚI
Trong một lá thư gửi ĐHY Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô đã nêu bật các vấn đề nổi lên từ báo cáo tổng hợp của khóa họp đầu tiên của Thượng Hội đồng, và là những vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu sâu để chuẩn bị khóa họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024. Các nhóm nghiên cứu đang được thành lập về những vấn đề này, cho đến năm 2025, và được điều phối bởi các Bộ liên quan của Giáo triều, với Ban Thư ký Thượng Hội đồng là “người đảm bảo”.
Tiếng kêu của người nghèo; truyền giáo trong thời đại kỹ thuật số; các thừa tác vụ, bao gồm việc suy tư về vị trí và sự tham gia của phụ nữ trong Giáo hội cũng như nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ; các mối quan hệ với các Giáo hội Đông phương và các mối quan hệ giữa các giám mục, đời sống thánh hiến và các thực tại Giáo hội; đào tạo linh mục; hình ảnh và thừa tác vụ của Giám mục; vai trò của các sứ thần; những vấn đề “gây tranh cãi” về mặt giáo thuyết, mục vụ và luân lý nhằm làm sáng tỏ hơn mối tương quan giữa mục vụ và luân lý. Tất cả những điểm này được mời gọi phân tích từ viễn cảnh hiệp hành và truyền giáo. Về mười chủ đề này đã nổi lên từ khóa họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành vào tháng 10 vừa qua và từ Báo cáo tổng hợp đã được biểu quyết gần như nhất trí, nhiều “nhóm nghiên cứu” sẽ được thành lập. Hoạt động cho đến tháng 6 năm 2025, họ sẽ đào sâu các sắc thái, các trường hợp, những mới mẻ khả thể, những “hậu quả” có thể xảy ra về mặt thần học hoặc pháp lý và mục vụ.
Thư và tài liệu
Quyết định của Đức Thánh Cha đã được công bố bằng thủ bút chính thức vào ngày 16 tháng 2 và có hiệu lực vào thứ Năm, ngày 14 tháng 3, như chính Đức Phanxicô đã công bố trong một lá thư gửi Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng, được ký vào ngày 22 tháng 2 và công bố hôm nay, cùng lúc như việc Tổng Thư ký Thượng Hội đồng công bố và trình bày hai tài liệu. Tài liệu về các nhóm nghiên cứu, nhưng cũng có một tài liệu khác có tựa đề “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?” tập trung vào năm viễn cảnh cần được đào sâu về mặt thần học để chuẩn bị cho khóa họp thứ hai, dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 năm 2024.
Một trong những thành quả của tiến trình hiệp hành
Trong bức thư này, Đức Phanxicô giải thích rằng “vì không thể thực hiện nghiên cứu này” kịp thời vào mùa thu tới, nên ngài “giao phó chúng cho các nhóm nghiên cứu cụ thể, để chúng có thể được xem xét một cách thích hợp”. Ngài viết: “Đây sẽ là một trong những thành quả của tiến trình thượng hội đồng được đưa ra vào ngày 9 tháng 10 năm 2021”.
Do đó, Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, với sự đồng ý của các Bộ, sẽ phải thành lập các nhóm này bằng cách kêu gọi các mục tử và chuyên gia từ tất cả các châu lục và “xem xét không chỉ các nghiên cứu hiện có mà còn cả những kinh nghiệm thích đáng nhất vốn đang diễn ra trong Dân Chúa được tập hợp trong các Giáo hội địa phương”. Mong muốn của Đức Thánh Cha là các nhóm nghiên cứu này “làm việc theo một phương pháp hiệp hành đích thực” và Ban Tổng Thư ký Thượng hội đồng phải là “người đảm bảo”. Mọi sự chú ý sẽ tập trung vào chủ đề tổng quát có thể được tóm tắt trong một câu hỏi: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?” Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rõ rằng các nhóm nghiên cứu sẽ trình bày báo cáo hoạt động đầu tiên trong khóa họp thứ hai và có thể sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình vào tháng 6 năm 2025.
Mối quan hệ với các Giáo hội Đông phương
Các chủ đề mà công việc của các nhóm khác nhau sẽ tập trung vào gồm có mười chủ đề và được lấy cảm hứng từ báo cáo tổng hợp. Chủ đề đầu tiên liên quan đến các khía cạnh của mối quan hệ giữa các Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội Latinh, theo chỉ dấu về sự hiểu biết và đối thoại lẫn nhau nhiều hơn giữa các thành viên tương ứng, trong bối cảnh tình trạng di cư và sinh sống ở hải ngoại ngày càng gia tăng của các cộng đồng Kitô giáo Đông phương. Nhóm nghiên cứu về chủ đề này sẽ bao gồm các nhà thần học và giáo luật Đông phương và Latinh, được điều phối bởi Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng và Bộ Giáo hội Đông phương, mà – trong số các Bộ khác – cũng sẽ có thể chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến yêu cầu thành lập “Hội đồng các Thượng phụ và Tổng Giám mục trưởng của các Giáo hội Công giáo Đông phương bên cạnh Đức Thánh Cha” và nghiên cứu “sự đại diện thích đáng” của các Giáo hội Công giáo Đông phương trong Giáo triều Rôma.
Tiếng kêu của người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội
Chủ đề thứ hai, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo. Đây là những người được kết hợp bởi kinh nghiệm trở thành nạn nhân của việc bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị loại trừ, lạm dụng hoặc áp bức, “ngay cả trong cộng đồng Kitô hữu”. Chúng ta có thể đọc thấy: “Đối với những người này, việc nhận được một sự lắng nghe là một kinh nghiệm về việc khẳng định và thừa nhận phẩm giá của chính họ, một kinh nghiệm vốn có tính biến đổi sâu xa”. “Đối với Giáo hội, việc lắng nghe cho phép nhận thức được quan điểm của họ và đặt mình một cách cụ thể bên cạnh họ”. Để “đào sâu và củng cố khả năng của Giáo hội trong việc lắng nghe, ở các cấp độ khác nhau và đặc biệt là ở cấp địa phương, các hình thức nghèo đói và bị gạt ra ngoài lề xã hội”, một nhóm nghiên cứu đã được thành lập, được điều phối bởi Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện, cộng tác với Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng. Bộ Phụ trách Từ thiện cũng sẽ tham gia, cũng như những người, dự án, tổ chức và mạng lưới liên quan đến các lĩnh vực này.
Truyền giáo trong kỷ nguyên kỹ thuật số
Truyền giáo trong kỷ nguyên kỹ thuật số, một biên giới không phải không có rủi ro nhưng là một “chiều kích quan trọng” của chứng tá Giáo hội trong nền văn hóa đương đại, là một chủ đề khác mà một nhóm nghiên cứu đã được thành lập. Nhấn mạnh đặc biệt đến giới trẻ, trong đó có các chủng sinh và các thành viên mới của các dòng tu; mục đích là để đánh giá và phát hiện “những hàm ý ở cấp độ thần học, tâm linh và giáo luật, đồng thời xác định các đòi hỏi ở cấp độ cơ cấu, tổ chức và thể chế để thực hiện sứ mạng trong thời đại kỹ thuật số”. Nhóm nghiên cứu sẽ được điều phối bởi Bộ Truyền thông và Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng; các Bộ Văn hóa và Giáo dục và Bộ Loan báo Tin Mừng cũng sẽ tham gia. Những người tham gia vào sáng kiến “Giáo hội lắng nghe bạn” sẽ mang lại đóng góp của họ.
Linh mục, việc đào tạo và các mối quan hệ
Chủ đề thứ tư: “Từ viễn cảnh hiệp hành trong sứ vụ”, duyệt lại tài liệu Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, tài liệu năm 2016 của cựu Bộ Giáo sĩ về hồng ân ơn gọi linh mục. Các chủng viện và các khóa đào tạo, mối liên hệ của chúng với cuộc sống hàng ngày, di sản phụng vụ, thần học, tâm linh và kỷ luật, sự kết hợp giữa các khóa đào tạo về thừa tác vụ chức thánh với những khóa được đề xuất cho các hình ảnh thừa tác vụ khác, là những đường hướng mà nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện, do Bộ Giáo sĩ điều phối với sự tham gia của các Bộ Loan báo Tin Mừng; Bộ các Giáo hội Đông phương; Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống; Bộ các Dòng tu; Bộ Văn hóa và Giáo dục. Do tầm quan trọng của chủ đề, việc suy tư chung ở cấp độ liên bộ là cần thiết.
Các thừa tác vụ và vai trò của nữ giới
Một nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào một số vấn đề thần học và giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ đặc thù, một chủ đề cũng bao gồm nhiệm vụ tiếp tục “nghiên cứu thần học và mục vụ về việc phụ nữ tiếp cận chức phó tế”. Đó là đào sâu “sự hiểu biết thần học về mối quan hệ giữa các đặc sủng và các thừa tác vụ”. Suy nghĩ về sự tham gia thực sự của giáo dân, các mối quan hệ giữa các hình thức thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội, các chức năng và phục vụ của Giáo hội không đòi hỏi bí tích truyền chức và các vấn đề nảy sinh từ quan niệm sai lầm về quyền bính trong Giáo hội là trọng tâm của suy tư này.
Sẽ không thiếu những suy tư về “vị trí của phụ nữ trong Giáo hội và sự tham gia của họ vào quá trình ra quyết định và linh hoạt cộng đồng”. Trong bối cảnh này, vấn đề về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ đã được đặt ra: nhóm làm việc này chịu trách nhiệm tiếp tục “nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ, tận dụng kết quả của các ủy ban được thành lập cách đặc biệt bởi Đức Thánh Cha”. Công việc này cũng nhằm mục đích đáp ứng mong muốn của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành trong việc “sự công nhận và đánh giá cao hơn về sự đóng góp của phụ nữ và gia tăng trách nhiệm mục vụ được giao phó cho họ trong mọi lĩnh vực của đời sống và sứ mạng của Giáo hội”. Việc nghiên cứu những vấn đề này được giao cho Bộ Giáo lý Đức tin, trong sự đối thoại với các Bộ có thẩm quyền.
Đời sống thánh hiến và các phong trào trong Giáo hội
Một chủ đề khác sẽ là việc duyệt lại, từ viễn cảnh hiệp hành và truyền giáo, các tài liệu về mối quan hệ giữa các Giám mục, đời sống thánh hiến và các tổ chức trong Giáo hội. Đại hội tháng 10 nói về việc công nhận sự đóng góp của đời sống thánh hiến và các tổ chức trong Giáo hội đối với sự phát triển đời sống hiệp hành của Giáo hội, đồng thời kêu gọi xem xét sâu xa về mối quan hệ giữa các mục tử, những người thánh hiến, các thành viên của các phong trào trong Giáo hội và các cộng đồng mới “ có thể được liên kết tốt hơn và phục vụ sự hiệp thông và truyền giáo”. Công việc của nhóm nghiên cứu được ủy thác cho Bộ Giám mục, Bộ các Dòng tu, Bộ Loan báo Tin Mừng và Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, sẽ được thực hiện theo hướng này. Các tổ chức quốc tế về đời sống thánh hiến, chẳng hạn như UISG (Bề trên Tổng quyền các dòng nữ) và USG (Bề trên Tổng quyền các dòng nam), cũng như các tổ chức Giáo hội khác nhau cũng sẽ được liên kết.
Giám mục, hình ảnh và chức năng
Tiếp đến, từ viễn cảnh hiệp hành trong sứ vụ, một số khía cạnh về hình ảnh và thừa tác vụ của giám mục sẽ được nghiên cứu. Rất nhiều chủ đề trọng tâm, trong khóa họp tháng 10, nhưng đã có trước đó trong Tài liệu làm việc. Việc xem xét các chủ đề này cũng sẽ là chủ đề của khóa họp tháng 10; đây là lý do tại sao người ta quyết định thành lập hai nhóm nghiên cứu: nhóm đầu tiên, được điều phối bởi Bộ Giám mục và Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, với sự tham gia của các Bộ Loan báo Tin Mừng và các Giáo hội Đông phương, sẽ bàn về các chủ đề như tiêu chí lựa chọn ứng viên cho chức giám mục, sự tham gia của các Giáo hội địa phương và Dân Chúa trong quá trình lựa chọn, sự phục vụ của các sứ thần, bản chất và việc tiến hành các chuyến viếng thăm ad limina. Nhóm thứ hai sẽ được điều phối bởi Bộ về các văn bản pháp lý, với sự tham gia của các Bộ Giám mục và Loan báo Tin Mừng, và sẽ đào sâu chức năng tư pháp của Giám mục, vốn đã được Tự sắc Vos estis lux mundi đề cập đến về vấn đề lạm dụng, cố gắng “dung hòa, trong một số trường hợp, vai trò của người cha và vai trò của thẩm phán”.
Vai trò của các Sứ thần
Vai trò của các đại diện giáo hoàng theo viễn cảnh hiệp hành trong sứ vụ: đây là chủ đề thứ bảy được đề cập bởi một nhóm nghiên cứu “tập trung vào sự phối hợp” của Phủ Quốc vụ khanh và Ban Tổng Thư ký của Thượng hội đồng, với sự tham gia của các Bộ Giám mục và Loan báo Tin Mừng. Đại diện các Giáo hội địa phương và các giám mục của họ cũng sẽ tham gia. Họ sẽ xem xét, trong số những vấn đề khác, công việc của các đại diện giáo hoàng tại các Giáo hội địa phương của các quốc gia nơi họ thực hiện sứ mạng của mình, nhằm cải thiện việc phục vụ của họ, cũng như các phương tiện củng cố mối liên kết hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và đấng kế vị thánh Phêrô, để giúp ngài biết được những nhu cầu và nguyện vọng của họ một cách tin tưởng hơn.
Những vấn đề “gây tranh cãi”
Nhóm nghiên cứu thứ tám sẽ điều phối công việc về các tiêu chí thần học và các phương pháp hiệp hành để cùng phân định về các vấn đề giáo thuyết, mục vụ và luân lý gây tranh cãi. Điều này sẽ liên quan đến việc đọc lại “các phạm trù truyền thống về nhân chủng học, cứu độ học và đạo đức thần học nhằm làm sáng tỏ hơn các mối quan hệ giữa bác ái và sự thật, trong sự trung thành với cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu, và do đó cũng giữa mục vụ và giáo thuyết (luân lý)”. Các chủ đề đòi hỏi một “thẩm quyền” lớn, đó là lý do tại sao “quyền lãnh đạo” của nhóm này được giao phó – duy nhất – cho Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, là là Đức Hồng y Victor Manuel Fernández, và thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế, là Đức cha Antonio Stagliano. Học viện Giáo hoàng về Sự sống được mời gọi mang lại đóng góp của mình. Văn kiện nhấn mạnh : “Trong lĩnh vực này, có lẽ còn hơn cả những lĩnh vực khác, điều cấp thiết là phải hướng tới sự hợp tác lớn hơn giữa các cơ quan, mặc dù ở những năng lực khác nhau, đều nói nhân danh Tòa Thánh, nhằm đạt được nhiều hơn nữa sự hài hòa trong các quan điểm của họ. Những bất hòa, và thậm chí hơn thế nữa là sự đối lập, thực sự có nguy cơ thúc đẩy sự chia rẽ và mất phương hướng hơn là đối chất và suy tư. Cách tiếp cận hiệp hành không nhằm mục đích đồng nhất hóa, nhưng là sự hài hòa”.
Đối thoại đại kết
Chủ đề cuối cùng là đón nhận những thành quả của cuộc hành trình đại kết trong các thực hành của Giáo hội, có tính đến sự phong phú của những điểm đồng thuận đã đạt được và tính chất cụ thể của các đề xuất được đưa ra vào tháng 10 vừa qua, cũng như các cuộc đối thoại thần học và những “kết quả giáo hội” cụ thể. Những hướng nghiên cứu khác sẽ là nghiên cứu sâu về thần học, giáo luật và mục vụ về vấn đề hiếu khách của bí tích Thánh Thể; kinh nghiệm của các cặp vợ chồng và gia đình liên tôn; một suy tư cởi mở về hiện tượng các cộng đồng “không tôn giáo” và các phong trào “thức tỉnh” của Canh tân đặc sủng/Ngũ Tuần. Những vấn đề này sẽ được bàn đến bởi nhóm nghiên cứu được điều phối bởi Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng và Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo.
Tý Linh
(theo Salvatore Cernuzio – Vatican News)
Tags: Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO