CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ VIỆC ĂN CHAY MÙA CHAY, MỘT SỰ TỪ BỎ GIÚP RÈN LUYỆN Ý CHÍ HƯỚNG THIỆN

Written by xbvn on Tháng Ba 4th, 2023. Posted in Tâm linh, Tý Linh

Các vấn đề về ý nghĩa của việc thực hành sám hối này tìm thấy nhiều câu trả lời nơi các phát biểu của các Đức Giáo hoàng. Điểm lại một số suy tư từ huấn quyền của các Giáo hoàng gần đây, từ Đức Gioan XXIII đến Đức Phanxicô.

Con đường Mùa Chay bắt đầu với thứ Tư lễ Tro bao hàm ba yếu tố thiết yếu : cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Đặc biệt, ăn chay không chỉ được hiểu trong chiều kích hình thức của nó. Nó có một ý nghĩa thực sự, như Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nhắc nhở chúng ta, nếu chúng ta noi gương người Samaritanô nhân hậu. Nó có giá trị nếu chúng ta chọn một phong cách sống tiết độ, nếu chúng ta sống « một cuộc đời không lãng phí, không vứt bỏ ».

Đâu là việc ăn chay mà Chúa muốn ?

Mùa Chay là một thời gian giữ chay và sám hối đặc biệt. Nhưng đâu là việc ăn chay mà Thiên Chúa muốn nơi con người ? Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cho câu hỏi này vào ngày 16/2/2018 trong bài giảng lễ ở nhà nguyện của Nhà Thánh Mátta : đó không chỉ là vấn đề « chọn lựa thực phẩm », nhưng còn là phong cách sống theo đó cần phải có « lòng khiêm tốn » và « sự nhất quán » nhận biết và sửa chữa tội lỗi của mình. Đức Phanxicô nhận xét : câu trả lời đến từ Thánh Kinh, trong đó chúng ta đọc thấy : « hãy cúi rạp đầu xuống như cây sậy cây lau », nghĩa là « hãy hạ mình xuống », hãy nghĩ đến tội lỗi của mình. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đây là « việc ăn chay mà Chúa muốn : sự thật, sự nhất quán ». Trong bài giảng thứ Tư lễ Tro ở vương cung thánh đường Thánh Sabine, vào ngày 22/2/2023, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng « ăn chay không phải là một tờ giấy đơn giản, nhưng là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở tâm hồn chúng ta về những gì quan trọng và những gì đang qua đi ».

Đâu là giá trị của việc ăn chay ?

Vào thời gian Mùa Chay này, người ta có lý do để tự hỏi đâu là ý nghĩa của việc này đối với các Kitô hữu, khi “từ bỏ một điều gì đó vốn tự nó tốt và hữu ích để nuôi sống chúng ta ». Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009,  Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại giáo huấn của Thánh Kinh và Truyền thống Kitô giáo : cả hai đều dạy rằng ăn chay là một sự trợ giúp tuyệt vời để tránh tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội lỗi. Đó là lý do tại sao lời mời gọi ăn chay xuất hiện nhiều lần trong lịch sử cứu độ. Ngay trong những trang sách đầu tiên của Thánh Kinh, « Chúa truyền cho con người kiêng ăn trái cấm ».  Đức Bênêđíctô XVI viết : « Vì tất cả chúng ta đều mang gánh nặng tội lỗi và những hậu quả của nó, nên việc ăn chay được đề nghị cho chúng ta như là một phương tiện để kết nối lại với Chúa ». Tiếp đến, dựa vào các trang của Tân Ước, ngài nhấn mạnh rằng « việc ăn chay thực sự nhắm ăn « lương thực đích thực », là làm theo thánh ý của Chúa Cha ».

Ăn chay tượng trưng cho điều gì ?

Do đó, trong hành trình Mùa Chay, ăn chay không phải chỉ là một sự kiêng nhịn lương thực và thực phẩm vật chất. Trên thực tế, nó tượng trưng cho « một thực tại phức tạp và sâu xa ». Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh điều này vào ngày 21/3/1979 khi nói với các bạn trẻ ở quảng trường Thánh Phêrô : « Ăn chay là một biểu tượng, là một dấu hiệu, một lời kêu gọi nghiêm túc và thúc giục để chấp nhận hay thực thi những sự từ bỏ ». Những sự từ bỏ nào ? Sự từ bỏ cái tôi, nghĩa là từ bỏ nhiều ý thích thất thường hay những khát vọng không lành mạnh ; từ bỏ lỗi lầm, dục vọng mãnh liệt, ham muốn bất chính.

« Ăn chay, đó là biết nói « không » » một cách rõ ràng và dứt khoát, với tất cả những gì mà tính kiêu ngạo, ích kỷ, tật xấu gợi ý hay đòi hỏi ; lắng nghe lương tâm của mình, tôn trọng thiện ích của người khác, trung thành với Lề luật thánh của Thiên Chúa. Ăn chay, đó là đặt giới hạn cho nhiều ham muốn, đôi khi tốt, để hoàn toàn kiểm soát chính mình, học điều chỉnh bản năng của mình, rèn luyện ý chí hướng thiện của mình. Đức Gioan Phaolô II nói tiếp, ăn chay hệ tại việc từ bỏ một cái gì đó « để cung cấp cho nhu cầu của anh em mình, như thế trở thanh một việc thực thi lòng nhân ái, lòng bác ái ».

Đâu là việc ăn chay cần phải ưu tiên ?

Mùa Chay là một thời gian từ bỏ và sám hối. Nhưng đó cũng là « một thời gian hiệp thông và liên đới ». Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh điều đó trong Sứ điệp Mùa Chay năm 1973, khi mời gọi lắng nghe những lời khuyến cáo của ngôn sứ Isaia : « Đây chẳng phải là cách ăn chay mà Ta ưa thích ? (…) .  Chia cơm sẻ bánh cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ». Đức Thánh Cha Phaolô VI lưu ý rằng những khuyến cáo như vậy phản ảnh những mối quan tâm của con người đương đại « để mỗi người có thể thực sự tham dự vào những đau khổ và những khốn khổ của tất cả mọi người ».

Những suy tư vốn được thêm vào những suy tư của Đức Gioan XXIII. Đức Thánh Cha nói trong sứ điệp truyền thanh năm 1963 nhân dịp khởi đầu Mùa Chay : Giáo hội « không dẫn đến việc thực hành đơn thuần những thực hành bên ngoài, nhưng dẫn đến một cam kết nghiêm túc về tình yêu và lòng quảng đại vì lợi ích của của anh chị em dưới ánh sáng của giáo huấn xa xưa của các ngôn sứ » : « Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo… ?» Ngài kết luận : « Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi (Is 58, 6-8) ».

—————————————

 Tý Linh chuyển ngữ

(theo Amedeo Lomonaco , Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30