TOÀN VĂN CUỘC TRAO ĐỔI GIỮA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VÀ CÁC BẠN TRẺ BỈ: « CÁC LỖI LẦM LÀ NHỮNG ĐẠI BẬC THẦY CỦA CUỘC SỐNG »
« Cha đã phạm những sai lầm, cha đang phạm những sai lầm », Đức Thánh Cha thổ lộ và đồng thời khẳng định rằng « những sai lầm, bao gồm trong cuộc sống của cha, đã và đang là những đại bậc thầy của cuộc sống. Những đại bậc thầy : chúng dạy nhiều điều » vì chúng « làm cho khiêm tốn » và đặt con người « ở chỗ của mình ». Đức Thánh Cha khuyên « đối thoại với các lỗi lầm của mình ».
Hôm 31/3/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho 5 bạn trẻ người Bỉ một cuộc nói chuyện tại văn phòng điện tông tòa của Vatican, trong khuôn khổ một kế hoạch truyền thông mục vụ của giới trẻ Flandres.
Được đồng hành bởi Đức cha Lucas Van Looy, giám mục giáo phận Gand, các bạn trẻ đã đặt những câu hỏi bằng tiếng Anh và Đức Thánh Cha đã trả lời bằng tiếng Ý. Cuộc trao đổi đã được phát cho công chúng của truyền hình Bỉ VRT, ngày 3/4/2014. Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện :
Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu… Họ thực sự làm công việc này đi vào, thấm nhập vào các phương tiện truyền thông với tư cách là những người trẻ, khởi đi từ cảm hứng Kitô của họ. Cũng chính theo nghĩa này mà họ muốn đặt ra cho Đức Thánh Cha các câu hỏi. Trái lại, cô này, cô này không phải là tín hữu – như thế họ có bốn người, trong nhóm này – cô này, cô này không phải là tín hữu, nhưng điều đó xem ra quan trọng đối với chúng con, bởi vì chúng con là một xã hội rất thế tục, ở Flandre, và chúng con biết rằng chúng con có một sứ điệp cho mọi người. Vì thế cô ta rất hài lòng…
À, tôi bằng lòng ! Chúng ta hết thảy đều là anh em !
* Thực sự, vâng, câu hỏi đầu tiên là thế này : cám ơn Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con, nhưng tại sao Đức Thánh Cha đã đón nhận điều đó cách tích cực ?
Khi Cha cảm thấy rằng một bản trẻ nam hay nữ có một mối lo âu, thì Cha cảm thấy như là một bổn phận phục vụ các bạn trẻ này, phục vụ cho mối lo âu này, bởi vì mối lo âu này như là một hạt giống sẽ tiếp tục và sẽ trổ sinh hoa trái. Và vào lúc này, Cha cảm thấy rằng Cha phục vụ cho những gì cao quý hơn, vào lúc này, và cho mối lo âu của các con.
* (một bạn trẻ nam) – Trong thế giới này, mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng chúng con đã tự hỏi : Đức Thánh Cha có hạnh phúc không ? Và tại sao ?
Hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn hạnh phúc, Cha hạnh phúc. Và Cha hạnh phúc bởi vì … Cha không biết tại sao … có lẽ bởi vì Cha có một công việc, Cha không thất nghiệp, Cha có một công việc, công việc mục tử ! Cha hạnh phúc bởi vì Cha đã tìm thấy con đường của Cha trong cuộc sống và đi theo con đường này làm cho Cha hạnh phúc. Và đó cũng là một hạnh phúc an bình, bởi vì ở tuổi Cha, đó không phải là kiểu hạnh phúc như của một người trẻ, có sự khác biệt. Một sự bình an nội tâm nào đó, một sự bình an lớn lao, một hạnh phúc mà cũng đến với tuổi tác. Và cả với một con đường đã luôn gặp những vấn đề ; bây giờ cũng thế, có những vấn đề, nhưng hạnh phục này sẽ không mất đi với các vấn đề, không : nó thấy các vấn đề, nó nâng đỡ các vấn đề và rồi nó tiến tới ; nó làm điều gì đó để giải quyết các vấn đề và nó tiến tới. Nhưng tự trong tâm hồn, có sự bình an và hạnh phúc này. Đó là một ân sủng của Chúa đối với Cha, thực sự. Đó là một ân sủng. Cha không đáng với ơn đó.
* (một bạn trẻ nam) – Đức Thánh Cha biểu lộ cho chúng con bằng nhiều cách thức tình yêu lớn lao của Đức Thánh Cha dành cho người nghèo và cho những người bị thương tổn. Tại sao nó quan trọng như thế đối với Đức Thánh Cha ?
Bởi vì đó là trọng tâm của Tin Mừng. Cha là tín hữu, Cha tin vào Thiên Chúa, Cha tin vào Chúa Giêsu-Kitô và vào Tin Mừng của Ngài ; và trọng tâm của Tin Mừng là lời loan báo cho người nghèo. Khi con đọc các Mối Phúc, chẳng hạn, hay con đọc Mt 25, thì con thấy ở đó Chúa Giêsu rõ ràng là thế nào, về điểm này. Trọng tâm của Tin Mừng là điều đó. Và Chúa Giêsu chính Ngài đã nói : « Ta đến loan báo cho người nghèo sự giải thoát, sức khỏe, ân sủng của Thiên Chúa… ». Cho người nghèo. Những người cần đến ơn cứu độ, cần được đón tiếp trong xã hội. Tiếp đến, nếu con đọc Tin Mừng, thì con sẽ thấy rằng Chúa Giêsu đã có sự ưu tiên cho người bên lề xã hội : người phong hủi, góa bụa, trẻ mồ côi, người mù…những người bên lề xã hội. Và cả những người tội lỗi nặng nề nữa…và điều đó, đó là sự an ủi của Cha ! Vâng, bởi vì Ngài thậm chí không bị tội lỗi làm cho khiếp sợ ! Khi Ngài gặp thấy một người như Gia-kêu, vốn là một kẻ trộm cắp, hay như Matthêu, vốn là một kẻ phản bội quê hương mình vì tiền bạc, thì Ngài đã không sợ hãi ! Ngài đã nhìn họ và đã chọn gọi họ. Cả điều đó nữa, đó là một sự nghèo khó : sự nghèo khó của tội lỗi. Đối với Cha, trọng tâm của Tin Mừng, đó là người nghèo. Cách đây hai tháng, Cha đã nghe rằng có người đã nói, về cách thức nói về người nghèo, về sự ưu tiên này : « Vị giáo hoàng này là cộng sản ». Không phải ! Đó là cờ hiệu của Tin Mừng, không phải của cộng sản : của Tin Mừng ! Nhưng sự nghèo khó không ý thức hệ, sự nghèo khó…Và chính vì thế mà Cha tin rằng người nghèo ở trung tâm của lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chỉ cần đọc Tin Mừng là đủ. Vấn đề là tiếp đến, thái độ này hướng đến người nghèo, trong lịch sử, đôi khi đã bị ý thức hệ hóa. Không phải, không phải như thế : ý thức hệ, đó là điều gì khác. Nó như trong Tin Mừng, đơn giản, rất đơn giản. Ta cũng thấy điều đó trong Cựu Ước. Và vì thế Cha đặt nó ở trung tâm, luôn luôn.
* (một bạn trẻ nữ) – Con, con không tin vào Thiên Chúa, nhưng những cử chỉ và lý tưởng của Ngài cảm hứng cho con. Có lẽ Đức Thánh Cha có một sứ điệp cho hết thảy chúng con, cho các bạn trẻ Kitô hữu, cho những người không tin hay có một « kinh tin kính » khác hay tin một cách khác ?
Theo Cha, cần phải tìm cách, trong cách thức mà chúng ta nói, trở nên đích thực. Và đối với Cha, tính đích thực là thế này : tôi nói với những người anh em. Chúng ta hết thảy đều là anh em. Người tin, người không tin, thuộc niềm tin tôn giáo nay hay tôn giáo kia, Do Thái, Hồi Giáo…chúng ta hết thảy đều là anh em. Con người ở trung tâm của lịch sử và điều đó, đối với Cha, rất quan trọng : con người ở trung tâm. Vào giây phút này của lịch sử, con người đã bị vất bỏ khỏi trung tâm, nó đã chuyển sang vùng ngoại vi và ở trung tâm – ít ra là vào lúc này – có quyền lực, tiền bạc. Và chúng ta, chúng ta phải làm việc cho những người này, cho người nam và người nữ, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Tại sao các bạn trẻ ? Bởi vì các bạn trẻ – Cha lấy lại những gì Cha đã nói ban đầu – là hạt giống sẽ trổ sinh hoa trái trên suốt con đường. Nhưng cả trong mối liên hệ với những gì Cha vừa nói : trong thế giới này, nơi mà trung tâm là quyền lực, tiền bạc, người trẻ bị vứt bỏ. Trẻ em bị vất bỏ – chúng ta không muốn trẻ em, chúng ta muốn ít trẻ em hơn, các gia đình nhỏ : ngươi ta không muốn trẻ em. Người ta vứt bỏ người già : nhiều người già chết vì cái chết êm dịu giấu kín, vì người ta không săn sóc họ nữa và họ chết. Và bây giờ, người ta vứt bỏ các bạn trẻ. Hãy nghĩ ở ý chẳng hạn, nạn thất nghiệp chạm đến gần 50% bạn trẻ dưới 25 tuổi ; ở Tây Ban Nha, nó đạt tới 60% và ở Andalousie, phía nam Tây Ban Nha, hầu như là 70%…Cha không biết phần trăm thất nghiệp ở Bỉ…
* Ít hơn một chút : 5 đến 20 phần trăm…
Đó là không nhiều. Không nhiều, tạ ơn Chúa. Nhưng hãy nghĩ đến việc một thế hệ bạn trẻ không có việc làm có ý nghĩa gì ! Con có thể nói với Cha : « Nhưng họ có thể ăn, bởi vì xã hội cho họ ăn ». Vâng, nhưng điều đó không đủ, bởi vì họ không có kinh nghiệm về phẩm giá của người mang bánh ăn của mình về nhà. Và đó là thời gian « thương khó của các bạn trẻ ». Chúng ta đã bước vào một nền văn hóa vứt bỏ : người ta vứt bỏ những gì không dùng cho sự toàn cầu hóa này. Những người già, trẻ em, người trẻ. Nhưng như thế, người ta vứt bỏ tương lai của một dân tộc, bởi vì tương lai của một dân tộc là nơi trẻ em và người trẻ và những người già. Trẻ em và người trẻ, bởi vì họ sẽ làm cho lịch sử tiến tới, và người già là những người phải mang lại cho chúng ta ký ức về một dân tộc, con đường của dân tộc này đã diễn ra thế nào. Và nếu người ta vứt bỏ họ, chúng ta sẽ có một nhóm người không sức mạnh bởi vì sẽ không có nhiều người trẻ và trẻ em, và không ký ức. Và điều đó là rất nghiêm trọng ! Và đó là tại sao Cha tin rằng chúng ta phải giúp đỡ người trẻ để, trong xã hội, họ có thể đóng một vai trò cần thiết, vào giai đoạn lịch sử khó khăn này.
* Nhưng Đức Thánh Cha có một sứ điệp đặc thù, rất cụ thể cho chúng con, để có lẽ chúng con có thể cảm hứng cho những người khác, như Đức Thánh Cha đang làm ? Những người khác mà không tin ?
Cậu ta đã dùng một từ rất quan trọng : « cụ thể ». Đó là một từ hết sức quan trọng, bởi vì con tiến tới trong cái cụ thể của cuộc sống. Cũng rất thường qua những hành động gắn liền với lịch sử, bởi vì cần phải chọn lấy điều này, điều kia…nhưng cả qua những chiến dịch. Cha sẽ nói cho con điều này. Đối với công việc của Cha, cả ở Buenos Aires, Cha đã nói chuyện với nhiều chính trị gia trẻ tuổi đã đến chào Cha. Và Cha bằng lòng bởi vì, dù họ là thuộc cánh tả hay cánh hữu, họ đều làm cho nghe một bản nhạc khác, một phong cách chính trị mới mẻ. Và điều đó cho Cha hy vọng. Và Cha tin rằng giới trẻ, vào thời điểm này, phải ra khơi và tiến tới. Giới trẻ cần phải can đảm. Điều đó mang lại cho Cha hy vọng. Cha không biết liệu Cha đã trả lời : cụ thể trong các hành động của chúng ta.
* (Một bản trẻ nam) – Khi con đọc báo, khi con nhìn quanh con, con tự hỏi liệu nhân loại có thực sự có khả năng chăm sóc thế giới này và chính nhân loại không. Đức Thánh Cha có chia sẻ những nghi ngại của con không ?
* (Nữ thông dịch viên) – Chúng ta vứt bỏ, như Đức Thánh Cha đã nói. Đức Thánh Cha cũng thế, Đức Thánh Cha đôi khi cũng cảm thấy mối nghi ngại này không, sự kiện nghi ngại và tự nhủ : Nhưng Thiên Chúa, Ngài ở đâu trong tất cả điều đó ?
Về vấn đề này Cha đặt ra hai câu hỏi : Thiên Chúa ở đâu và con người ở đâu ? Đó là câu hỏi đầu tiên mà Thiên Chúa đặt ra cho con người, trong trình thuật Thánh Kinh : « Ađam, ngươi đang ở đâu ? ». Khi con người tìm gặp được chính mình, thì nó đang tìm kiếm Thiên Chúa. Có lẽ nó không thành công tìm thấy Thiên Chúa, nhưng nó tiến tới trên con đường ngay thẳng lương thiện, khi tìm kiếm chân lý trên con đường tốt lành và con đường thiện mỹ…nó đang đi trên con đường đúng đắn và chắc chắn nó sẽ tìm thấy Thiên Chúa ! Sớm hay muộn, nhưng nó sẽ tìm thấy Ngài. Nhưng con đường thì dài và một số người không tìm gặp được Ngài trong cuộc sống của họ. Họ có ý không tìm gặp Ngài. Nhưng họ cũng rất chân thật và lương thiện với chính mình, rất tốt lành và họ yêu mến sự thiện mỹ đến nỗi cuối cùng, họ có một nhân cách rất chín chắn, có khả năng gặp gỡ Thiên Chúa, điều vốn luôn là một ân sủng. Bởi vì gặp gỡ Thiên Chúa là một ân sủng, nên chúng ta có thể mở ra con đường…Một số người gặp Ngài nơi những người khác…Đó là con đường phải đi…Mỗi người phải gặp gỡ Ngài cách cá nhân. Ta không gặp gỡ Thiên Chúa bằng việc nghe phong thanh, và ta cũng không trả tiền để gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là một con đường cá nhân, chung ta phải gặp gỡ Ngài như thế. Cha không biết liệu Cha đã trả lời câu hỏi của con chưa…
* Chúng ta hết thảy đều là người phàm và chúng ta đều phạm những sai lầm. Những sai lầm của Đức Thánh Cha đã dạy cho Đức Thánh Cha điều gì ?
Cha đã phạm những sai lầm, Cha đang phạm những sai lầm…Trong Thánh Kinh, trong sách Khôn Ngoan, chúng ta được nghe rằng con người là con vật duy nhất sa ngã hai lần ở cùng một nơi, bởi vì nó không học hỏi ngay từ những sai lầm của mình. Ta có thể nói : « Tôi đã sai lầm » nhưng điều đó không sửa chữa điều gì ; điều đó dẫn con tới lòng hư danh, sự tự mãn, thói kiêu căng…Cha nghĩ rằng những sai lầm, kể cả trong cuộc sống của Cha, đã và đang là những đại bậc thầy của cuộc sống. Những đại bậc thầy : chúng dạy cho con nhiều điều. Chúng cũng làm cho con khiêm tốn, bởi vì người ta có thể tự cho mình là một siêu nhân, một « nữ siêu nhân »…và rồi con sai lầm và điều đó làm cho con khiêm tốn và đặt con lại đúng chỗ của con. Cha không nói rằng Cha đã học hỏi từ tất cả những sai lầm của Cha, không, Cha tin rằng Cha đã không học hỏi từ một số sai lầm bởi vì Cha cứng đầu và không phải dễ để học hỏi. Nhưng Cha đã học hỏi từ nhiều sai lầm và điều đó đã giúp ích cho Cha, điều đó đã giúp ích cho Cha. Và việc nhìn nhận các sai lầm của mình cũng là điều quan trọng. Cha đã sai lầm ở đây, Cha đã sai lầm ở đó…Cha đã sai lầm ở đó…Và cũng lưu ý đừng lại rơi vào cùng những sai lầm, trong cùng một cái giếng…Đó là một điều tốt, việc đối thoại với các sai lầm của mình, bởi vì chung dạy choc ho ; và điều quan trọng, đó là chúng giúp con trở nên khiêm tốn hơn một chút, và sự khiêm tốn giúp ích nhiều, giúp ích nhiều cho người khác, cho chúng ta, điều đó giúp ích nhiều cho chúng ta. Cha không biết liệu đó là một câu trả lời…
* (Nữ thông dịch viên) – Đức Thánh Cha có một ví dụ cụ thể nào, cách thức mà Đức Thánh Cha đã học hỏi từ những sai lầm của Đức Thánh Cha ? Cô ta (cô gái đã đặt câu hỏi) không dám…
Không…Cha sẽ nói điều đó với các con, Cha đã viết trong một cuốn sách, cho công chúng. Chẳng hạn, trong việc hướng dẫn đời sống của Giáo Hội. Cha đã từng được bổ nhiệm làm bề trên lúc còn rất trẻ, và Cha đã phạm nhiều sai lầm, chẳng hạn do thái độ độc đoán. Cha đã quá độc đoán, ở tuổi 36… Và rồi Cha đã học hỏi được rằng cần phải đối thoại, cần phải lắng nghe những suy nghĩ của người khác…Nhưng ta không học hỏi một lần thay cho tất cả, không. Con đường còn dài. Đó là một ví dụ cụ thể. Và Cha đã học hỏi từ lối cư xử hơi độc đoán của Cha, với tư cách là bề trên dòng tu, tìm ra một con đường để không còn như thế nữa, hay để còn hơn nữa…nhưng Cha vẫn sai lầm ! Cô ấy bằng lòng chứ ?…Cô ấy muốn dám làm điều khác không ?
* (Một bạn trẻ nữ) Con nhìn thấy Thiên Chúa nơi những người khác. Còn Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nhìn thấy Thiên Chúa ở đâu ?
Cha tìm kiếm – Cha tìm kiếm ! – gặp gỡ Ngài nơi mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Cha tìm kiếm…Cha tìm được Ngài trong việc đọc Thánh Kinh, Cha tìm được Ngài trong việc cử hành các bí tích, trong việc cầu nguyện và Cha cũng cố gắng tìm kiếm Ngài trong công việc của Cha, nơi người ta, nơi những người khác nhau…Cha tìm được Ngài đặc biệt nơi các bệnh nhân : các bệnh nhân giúp ích cho Cha, bởi vì Cha tự hỏi, khi Cha ở với một bệnh nhân, tại sao là ông ấy mà không phải là Cha ? Và Cha tìm được Ngài nơi các tù nhân : tại sao tù nhân này chứ không phải Cha ? Và Cha nói với Thiên Chúa : « Chúa luôn phạm bất công : tại sao người ấy chứ không phải con ? » Và Cha tìm được Thiên Chúa ở đó, nhưng luôn luôn trong sự đối thoại. Điều đó giúp ích cho Cha tìm cách tìm gặp Ngài trong suốt ngày sống. Cha không thành công làm việc đó, nhưng Cha cố gắng làm điều đó, ở trong cuộc đối thoại. Cha không thành công thực sự, các thánh làm điều đó tốt, còn Cha, chưa được…Nhưng đó là con đường.
* (Bạn trẻ nữ) – Vì con không tin vào Thiên Chúa, nên con không thể hiểu được Đức Thánh Cha cầu nguyện thế nào hay tại sao Đức Thánh Cha cầu nguyện. Đức Thánh Cha có thể giải thích cho con Đức Thánh Cha cầu nguyện thế nào, với tư cách là Giáo hoàng, và tại sao Đức Thánh Cha cầu nguyện ? Cụ thể hết sức có thể…
Cha cầu nguyện thế nào…Rất thường, Cha lấy Thánh Kinh, Cha đọc một chút và rồi Cha để nó đó và Cha để Chúa nhìn Cha : đó là diễn tả chung nhất của việc cầu nguyện của Cha. Cha để Chúa nhìn Cha. Và Cha cảm thấy – nhưng đây không phải là khuynh hướng đa cảm – Cha cảm thấy cách sâu xa những gì Chúa nói với Cha. Đôi khi, Ngài không nói…không nói gì, trông rỗng, trống rỗng, trống rỗng…nhưng cách kiên nhẫn, Cha vẫn ở đó, và Cha cầu nguyện như thế…Cha ngồi, Cha ngồi bởi vì Cha gặp khó khăn khi quỳ, và đôi khi Cha ngủ trong khi cầu nguyện…Đó cũng là một cách thức cầu nguyện, như một đứa con với Cha của mình, và đó là điều quan trọng : với người Cha, Cha cảm thấy mình là con của Ngài. Và tại sao Cha cầu nguyện ? « Tại sao »…lý do ? Hay là Cha cầu nguyện cho người nào ?
* Cả hai…
Cha cầu nguyện bởi vì Cha cần điều đó. Điều đó, Cha cảm nhận, điều đó thúc đẩy Cha, như thể Thiên Chúa đã mời gọi Cha nói. Đó là điều đầu tiên. Và Cha cầu nguyện cho người khác, khi Cha gặp những người đánh động Cha bởi vì họ đau ốm hay họ có những vấn đề, hay có những vấn đề…chiến tranh chẳng hạn…Hôm nay, Cha đã gặp sứ thần Tòa Thánh ở Syria và ngài đã cho Cha xem một số hình ảnh…Và Cha chắc chắn rằng chiều nay, Cha sẽ cầu nguyện cho điều đó, cho những người này…Họ đã cho Cha xem những hình ảnh về những người chết đói, xương của họ là như thế…vào lúc này – như thế, Cha không hiểu được, – khi chúng ta có cái cần thiết để cho mọi người ăn -, rằng đã có những người chết vì đói, đối với Cha, điều đó thật kinh khủng ! Và điều đó làm cho Cha cầu nguyện, rõ ràng cho những người này.
* Con có những sợ hãi của mình. Còn Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha sợ điều gì ?
Sợ chính mình ! Sợ hãi…nhưng con xem, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại : « Đừng sợ ! Đừng sợ ! »… Nhưng Ngài nói điều đó rất thường, phải không ? Và tại sao? Bởi vì Ngài biết rằng sự sợ hãi, Cha có thể nói, là điều gì đó “bình thường”. Hết thảy chúng ta đều sợ cuộc sống, chúng ta sợ hãi trước những thách đố, chúng ta sợ trước nhan tc. Chúng ta hết thảy đều sợ hãi. Con đừng lo lắng vì sợ hãi. Nhưng con phải cảm thấy điều đó nhưng đừng sợ và tiếp theo con tự nhủ: “Tại sao tôi sợ?” Và trước mặt tc và trước mặt bản thân con, tìm cách soi sáng hoàn cảnh hay xin người khác trợ giúp. Nhưng sự sợ hãi không phải là một người chỉ bảo tốt, bởi vì nó chỉ bảo sai cho con. Nó thúc đẩy con đi trên một con đường không tốt. Vì thế Chúa Giêsu thường nói: “Đừng sợ! Đừng sợ!”. Và rồi, hết thảy chúng ta đều phải biết mình : cần phải biết mình và tìm kiếm đâu là nơi trong đó chúng ta có thể sai lầm nhất, và cần sợ đôi chút về nơi đó. Bởi vì có một sự sợ hãi xấu và một sự sợ hãi tốt. Sự sợ hãi tốt là như sự khôn ngoan/thận trọng. Đó là một lối hành xử khôn ngoan : « Hãy xem, bạn yếu đuối về điểm này, điểm này và điểm kia, hãy thận trọng và đừng vấp ngã ». Sự sợ hãi xấu là sự sợ hãi mà con đang nói đến, nó hủy hoại con đôi chút. Nó hủy hoại con, nó ngăn cản con hành động : sự sợ hãi đó, nó là xấu và cần phải xua đuổi nó.
* (Nữ thông dịch viên) – Cô ấy (cô gái) đã đặt câu hỏi này bởi vì đôi khi, ở Bỉ, chẳng hạn, không dễ dàng nói về đức tin của mình : Điều đó cũng thế đối với cô ấy, bởi vì nhiều người không tin và cô ấy đã nói : « Con muốn đặt câu hỏi này bởi vì con muốn có sức mạnh làm chứng tá »…
Đó, bây giờ Cha hiểu gốc rễ của vấn đề. Làm chứng tá cách đơn sơ. Bởi vì nếu con ở đó coi đức tin của con như một là cờ, như những cuộc thập tự chinh, và con sẽ chiêu dụ tín đồ, thì điều đó không ổn. Con đường tốt nhân, đó là làm chứng tá, nhưng khiêm tốn : « Tôi là như thế », cách khiêm tốn, không háo thắng. Đó là một thứ tội khác của chúng ta, một lối hành xử xấu khác, óc háo thắng. Chúa Giêsu không phải là người háo thắng, và lịch sử cũng dạy chúng ta đừng háo thắng bởi vì những kẻ đại háo thắng đã bị đánh bại. Chứng tá : đó, đó là một chìa khóa, điều đó chất vấn. Tôi trao ban nó cho bạn cách khiêm tốn, không chiêu dụ tín đồ. Tôi tặng cho bạn. Như thế. Và điều đó không làm cho sợ hãi. Đừng ra đi thập tự chinh !
* (Nữ thông dịch viên) – Có một câu hỏi cuối cùng…
Câu hỏi cuối cùng à ? Đó luôn là câu hỏi kinh khủng nhất, câu hỏi cuối cùng…
* Câu hỏi cuối cùng của chúng con : Đức Thánh Cha có một câu hỏi nào đặt ra cho chúng con không ?
Câu hỏi mà Cha đặt ra cho các con không có gì độc đáo. Cha lấy nó trong Tin Mừng. Nhưng Cha tin rằng, sau khi các con đã nghe, đó có thể là câu hỏi tốt vào lúc này cho các con. Kho tàng của con ở đâu? Đó là câu hỏi của Cha. Tâm hồn của con dựa vào đâu ? Tâm hồn của con dựa vào kho tàng nào ? Bởi vì kho tàng của con ở đâu, thì cuộc sống của con sẽ ở đó…Tâm hồn gắn liền với kho tàng, với một kho tàng mà chúng ta hết thảy đều có : quyền lực, tiền bạc , thói kiêu căng, tất cả điều đó…hay là lòng nhân từ, vẻ đẹp, ước muốn làm điều thiện…Có thể có nhiều kho tàng ở đó…Kho tàng của con ở đâu ? Đó là câu hỏi mà Cha muốn đặt ra cho các con, nhưng các con sẽ phải trả lời cho chính các con, một mình, ở nhà các con…
* Họ sẽ cho Đức Thánh Cha biết câu trả lời của họ trong một bức thư…
Họ hãy trao cho Giám mục… Cha cám ơn ! Cha cám ơn các con, cám ơn ! Và hãy cầu nguyện cho Cha !
Tý Linh chuyển ngữ
Theo ZENIT
Tags: Giới trẻ, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG