CÁI NHÌN CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Written by xbvn on Tháng Hai 18th, 2022. Posted in Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với Giám mục, gần gũi với linh mục đoàn, gần gũi với Dân Thiên Chúa : đó là bốn điểm quy chiếu không thể thiếu đối với đời sống linh mục. Đức Thánh Cha nhắc nhở như thế trong bài phát biểu dài và cô đọng dịp Hội nghị chuyên đề về chức tư tế, được khai mạc hôm 17/2/2022, ở Rôma.

« Tôi không biết liệu những suy tư này có phải là « tuyệt phẩm cuối cùng » của đời sống linh mục của tôi hay không, nhưng tôi có thể đảm bảo với anh em rằng chúng đến từ kinh nghiệm của tôi », Đức Thánh Cha chia sẻ, ngồi bên cạnh ngài còn có ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục và là người tổ chức Hội nghị này. « Tuyệt phẩm cuối cùng» (Chant du cynge) : một kiểu nói mới của Đức Thánh Cha Phanxicô, để nói đến suy tư vững chắc của mình với những dấu ấn cá nhân. Ngài không đề nghị một lý thuyết về chức linh mục, nhưng là một « ‘tiểu tổng luận’ để người linh mục ngày nay, dù đang sống trong thời điểm nào, vẫn có thể biết đến sự bình an và sự phong nhiêu mà Chúa Thánh Thần muốn ban cho mình ».

Cuộc khủng hoảng ơn gọi bắt đầu nơi các giáo xứ

Hội nghị chuyên đề diễn ra trong một bối cảnh « thay đổi thời đại », Đức Thánh Cha nhắc nhớ, và đối mặt với điều đó, có hai thái độ cần phải tránh : « Tìm kiếm các hình thức đã được hệ thống hóa, rất thường bắt nguồn từ quá khứ », nói cách khác, một thứ chủ nghĩa bảo thủ cứng nhắc, hay trái lại một « sự lạc quan phóng đại », không có khả năng tính đến tính phức tạp của hiện tại và sự khôn ngoan của quá khứ.

Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi « hãy tự tin đảm nhận thực tại, bám rễ sâu trong Truyền thống khôn ngoan, sống động và mang lại sự sống của Giáo hội  vốn cho phép chúng ta ra khơi mà không sợ hãi ». Và nhất là mời gọi đến những hành động và một sự thay đổi có « hương thơm của Tin Mừng ».

Chức linh mục cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng ơn gọi, Đức Thánh Cha nhìn nhận. Sự khủng hoảng này thường là do « sự thiếu vắng, nơi các cộng đoàn, một sự nhiệt thành tông đồ lan truyền mà, do đó, không khơi dậy lòng nhiệt thành và không thu hút », và thường là tù nhân của « chủ nghĩa chức năng ». Đức Thánh Cha phân tích tiếp : « Những ơn gọi đích  thực nảy sinh ở nơi nào có sự sống, lòng nhiệt thành và ước muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác. Thậm chí nơi các giáo xứ mà các linh mục không dấn thân nhiều hay vui tươi, chính đời sống huynh đệ và nhiệt thành của cộng đoàn khơi dậy ước muốn gặp gỡ Thiên Chúa cách trọn vẹn, và việc loan báo Tin Mừng, nhất là nếu cộng đoàn sống động này thiết tha cầu nguyện cho các ơn gọi và có can đảm đề nghị một con đường dâng hiến cụ thể cho các bạn trẻ của mình ».

Ơn gọi cũng gắn liền mật thiết với ân sủng phép rửa, Đức Thánh Cha nói tiếp. Vì thế, « mỗi người, khi nhìn vào con người của mình, lịch sử của mình, tính cách của mình, không được tự hỏi liệu một chọn lựa ơn gọi có phù hợp hay không, nhưng liệu, trong lương tâm, ơn gọi này có bộc lộ nơi người đó tiềm năng Tình Yêu mà mình đã lãnh nhận vào ngày chịu bí tích Rửa tội hay không ». Một linh mục có thể quên phép rửa của mình, tức là ký ức mà lời mời gọi đầu tiên của chúng ta là lời mời gọi nên thánh. Lúc đó, chức linh mục thừa tác sẽ đổ vào chủ nghĩa chức năng, Đức Thánh Cha cảnh báo.

Không cầu nguyện, một cuộc sống cằn cỗi

Sau phần mở đầu này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn « chia sẻ những thái độ mang lại sự vững chắc cho con người của linh mục, bốn trụ cột cấu thành đời sống linh mục của chúng ta, mà chúng ta sẽ  gọi là « bốn sự gần gũi » bởi vì chúng tuân theo phong cách của Thiên Chúa, mà về cơ bản là một phong cách gần gũi ».

Trước tiên, ngài gợi lên sự gần gũi với Thiên Chúa. Một tương quan thiết yếu trong đó linh mục có thể kín múc « tất cả sức mạnh cần thiết cho thừa tác vụ của mình. Mối tương quan với Thiên Chúa, có thể nói, là sự ghép nối duy trì chúng ta trong mối liên hệ phong nhiêu. Không có tương quan nghiêm túc với Chúa, thừa tác vụ của chúng ta trở nên cằn cỗi ».

Duy trì sự gần gũi này thường giống với cuộc chiến đấu, nhưng nếu không có nỗ lực này, linh mục sẽ gặp rủi ro rất lớn. « Nhiều cuộc khủng hoảng linh mục có nguồn gốc từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm thiểu đời sống thiêng liêng thành một sự thực hành tôn giáo đơn giản », Đức Thánh Cha cảnh giác và đồng thời cho  thấy việc cầu nguyện và các bí tích đã nâng đỡ ngài cách sâu xa trong những thời gian khó khăn.

« Nhưng tất cả điều đó thật là khó khăn nếu chúng ta không quen có những khoảng thinh lặng trong ngày sống ; nếu chúng ta không biết bỏ sang một bên việc « làm » của Mátta để học cách « ở lại » của Maria », Đức Thánh Cha nhấn mạnh và yêu cầu các linh mục tử bỏ não trạng duy hoạt động và vun trồng sự thân mật với Chúa. Điều này không muốn nói chạy trốn thực tại. Như Đức Thánh Cha đảm bảo, « trong sự gần gũi với Thiên Chúa, linh mục củng cố sự gần gũi với dân của mình. Và ngược lại, trong sự gần gũi với dân của mình, linh mục cũng cảm nghiệm sự gần gũi với Chúa của mình ».

Vâng phục Giám mục, một nghệ thuật lắng nghe

Sự gần gũi thứ hai được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập là sự gần gũi của linh mục với Giám mục của mình. Ở đây, ngài đề cập đến khái niệm vâng phục. « Sự vâng phục không phải là  một thuộc tính kỷ luật nhưng là đặc điểm sâu xa nhất của các mối liên hệ vốn kết hiệp chúng ta trong sự hiệp thông. Vâng phục có nghĩa là học lắng nghe và ghi nhớ rằng không ai có thể tự cho mình là người nắm giữ ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn này chỉ có thể được hiểu qua sự phân định. Vì thế, sự vâng phục là việc lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, được phân định chính trong một mối tương quan ». Đức Thánh Cha nói tiếp : Nhưng « chính Giám mục chỉ có thể là một công cụ của sự phân định này nếu Giám mục cũng lắng nghe thực tại của các minh mục của mình và của dân thánh của Thiên Chúa được giao phó cho mình ». Giám mục phải tỏ ra là một « người cha » chứ không phải là một « giám thị trường học ».

Đức Thánh Cha đã mời gọi các linh mục và giám mục cầu nguyện cho nhau, và chăm sóc mối liên hệ kết hợp họ, bất chấp những đương đầu không thể tránh khỏi. « Không phải ngẫu nhiên nếu ma quỷ, để hủy phá sự phong nhiêu của hoạt động của Giáo hội, tìm cách âm thầm phá hoại các mối liên hệ làm nên chúng ta. Bảo vệ mối liên hệ của linh mục với Giáo hội địa phương, với hội dòng mà linh mục thuộc về và với giám mục, làm cho đời sống linh mục vững chắc ».

Một « ân huệ mà Giáo hội Latinh gìn giữ » : sự độc thân linh mục

Sự gần gũi thứ ba liên quan đến các linh mục với nhau. Nó mang hình thức tình huynh đệ linh mục. Và Đức Giáo hoàng đề nghị bài thánh thi đức ái của thánh Phaolô (1Cr 13) như là kiểu mẫu của các mối tương quan trong linh mục đoàn. Một tình yêu không biết đến ganh tỵ – « lối hành xử phá hoại », cũng không biết đến khoe, dối trá hay buôn chuyện.

« Thế nhưng, không được tin rằng tình yêu huynh đệ sẽ là điều không tưởng, hay một « điều sáo rỗng » để khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ hay những lời nói hợp tình huống trong một phát biểu làm dịu lòng ». Nó là cách thức tìm cách nên thánh với những người bạn đồng hành khác.

Sự gần gũi thứ ba này cũng cho phép Đức Thánh Cha nói về sự độc thân. Ở đâu « tình huynh đệ linh mục được thực hành, và ở đâu có những mối liên hệ tình bạn đích thực, thì cũng có thể sống chọn lựa độc thân cách thanh thản hơn ». Độc thân là « một ân huệ mà Giáo hội Latinh gìn giữ, nhưng nó là một ân huệ mà, để được sống như sự nên thánh, cần phải có những mối tương quan lành mạnh, những tương quan có lòng quý trọng thực sự bắt nguồn nơi Chúa Kitô. Không có bạn bè và không cầu nguyện, sự độc thân có thể trở nên một gánh nặng không thể chịu nổi và là một phản chứng đối với chính vẻ đẹp của chức linh mục ».

Óc giáo sĩ trị hay mối nguy hiểm của sự xa cách

Cuối cùng, trụ cột gần gũi thứ tư được Đức Thánh Cha đề nghị là sự gần gũi với Dân Thiên Chúa. Đó không phải là một « bổn phận, nhưng là một ân sủng ». « Tôi xác tín rằng, để hiểu một lần nữa căn tính của chức linh mục, ngày nay điều quan trọng là sống trong tương quan chặt chã với cuộc sống thực của người dân, bên cạnh nó, không chạy trốn nó bằng bất cứ cách nào », Đức Thánh Cha nhắc nhở và đồng thời mời gọi đọc lại Hiến chế Lumen Gentium. Hơn những nơi khác, đối với linh mục, đó là chọn lựa « phong cách của Chúa », một « phong cách gần gũi, trắc ẩn, thương xót, dẫn đến việc bước đi không phải như một thẩm phán nhưng như Người Samaritanô Nhân Hậu nhận ra những vết thương của dân mình ».

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, các linh mục không phải là « những ‘giáo sĩ nhà nước’ hay ‘những chuyên gia về sự linh thánh’ », nhưng là « những mục tử », biết « chứng tỏ lòng trắc ẩn, sự thích đáng » ; những con người vừa « can đảm » vừa « chiêm niệm ».

Sự gần gũi này cho phép phát triển một ý thức thuộc về cộng đồng – chẳng hạn như giáo xứ. Một điểm thiết yếu, vì « nếu mục tử lạc đường, xa rời, thì đoàn chiên sẽ tán loạn và phó mặc cho sói dữ đầu tiên đến ».

Sự thuộc về này cũng là một bức tường thành chống lại óc giáo sĩ trị, được gây ra do « việc quên lãng sự kiện rằng đời sống linh mục là dành cho người khác ; cho Chúa và cho những người mà Ngài đã giao phó ». « Óc giáo sĩ trị là một sự bại hoại bởi vì nó được hình thành trên « những sự xa rời ». (…) Khi tôi nghĩ đến óc giáo sĩ trị, tôi cũng nghĩ đến việc giáo sĩ hóa giáo dân : việc cổ võ một nhóm nhỏ tinh hoa, xung quanh linh mục, cuối cùng cũng làm biến chất sứ mạng nền tảng của linh mục ».

Những sự gần gũi của tôi là như thế nào ?

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách mời gọi các linh mục và giám mục thực hành sự phân định : tự hỏi các đều đặn « ‘những sự gần gũi của tôi là như thế nào’, tôi đang sống bốn chiều kích này như thế nào, những chiều kích hình thành nên con người linh mục của tôi theo cách đa dạng và cho phép tôi quản lý những căng thẳng và những mất cân bằng mà tôi phải đối mặt mỗi ngày ».

Sau bài phát biểu dưới hình thức cẩm nang thực hành cho đời sống linh mục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi lên Đấng dành riêng một số người để sai họ đến giữa dân của Ngài. « Trước cám dỗ khép kín chúng ta trong những bài diễn văn và những cuộc thảo luận bất tận về thần học về chức tư tế hay về những lý thuyết về chức tư tế phải như thế nào, Chúa nhìn ngắm cách dịu dàng và trắc ẩn và cung cấp cho các linh mục những tiêu chuẩn mà họ có thể nhận ra và duy trì sống động lòng nhiệt thành đối với sứ mạng : sự gần gũi (…), sự gần gũi với Thiên Chúa, với Giám mục, với các anh em linh mục và với đoàn dân vốn được giao phó cho họ. Sự gần gũi với phong cách của Thiên Chúa, Đấng gần gũi, giàu lòng  trắc ẩn và sự dịu dàng ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30