CÁI NHÌN KHÁCH QUAN VỀ LỜI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐÍCTÔ XVI LIÊN QUAN ĐẾN BAO CAO SU

Written by xbvn on Tháng Một 2nd, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh Sida (1/12) vừa qua, chúng tôi đăng lại bài viết sau đây, được viết trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”, tranh cãi xung quanh lời phát biểu của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, khi ngài tông du đến Camerun (16/03/2009). Bài viết này cũng góp phần làm sáng tỏ thái độ và lập trường của Giáo hội Công giáo trong cuộc chiến đấu phòng chống bệnh Sida, và vào thời điểm đó chúng tôi muốn giúp độc giả Việt Nam hiểu đúng về lời phát biểu của ngài khi có quá nhiều sự bóp méo và hiểu sai trên các phương tiện truyền thông.

Cái nhìn khách quan về lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI liên quan đến bao cao su

Trong vấn đề tranh cãi này, mà phần lớn do sự thao túng của truyền thông báo chí, tưởng cũng nên có cái nhìn khách quan hơn.

Nội dung và cách truyền đạt

Trước tiên cần phân biệt nội dung mà ngài muốn nói đến là đúng hay sai, và đang nói trong hoàn cảnh nào, với cách mà Đức Giáo hoàng chuyển giao thông điệp. Trong trường hợp này, về nội dung trong một hoàn cảnh được nói, thì Đức Giáo hoàng không hề sai, nhưng cách ngài diễn tả như vậy thì theo một số người là vụng về (?). Tuy nhiên, theo tôi, đây là cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp, và lần đầu tiên, một vị Giáo Hoàng dùng từ “bao cao su” để nói cách công khai về lập trường của mình. Nếu ngài tìm những từ ngữ ngoại giao hơn thì sẽ không bị tấn công, nhưng ngài đã không làm vậy. Đức Giáo hoàng nói thẳng vấn đề, không úp mở. Vả lại, câu hỏi phỏng vấn đã được gởi cho Phòng báo chí của Tòa Thánh hai ngày trước, nên ngài đã chuẩn bị trong đầu những gì phải nói và ngài biết những gì phải nói. Cũng như lời phát biểu liên quan đến Hồi giáo, khi trích dẫn một phát biểu về Hồi giáo từ thể kỷ XII, bài phát biểu được chuẩn bị trước kỹ càng, những gì ngài nói hoàn toàn không vô tình hay nhất thời. Nếu Đức Giáo hoàng có xin lỗi, thì cần lưu ý: ngài không xin lỗi về nội dung đã nói sai, nhưng xin lỗi vì nội dung đó đã làm bực tức người Hồi giáo. Ngài chưa bao giờ nói rút lại lời nói của ngài cả!

Về câu phát biểu gây tranh cãi liên quan đến bao cao su của Đức Giáo hoàng, theo tôi, cần phải trích dẫn đúng nguyên văn của nó, nếu không sẽ dễ gây ngộ nhận và mang tội cắt xén.

Sau đây là nguyên văn:

Báo La Croix cho biết đâu là nguyên văn ngài nói trên máy bay và đâu là “bản chính thức” mà về mặt ngoại giao, phải coi là phát biểu chính thức:

Đây là phát biểu trực tiếp trên máy bay bằng tiếng Ý và được La Croix dịch ra tiếng Pháp:

Tôi xin nói rằng người ta không thể chế ngự vấn đề SIDA này duy chỉ với tiền bạc, vốn là cần thiết. Nếu không có tâm hồn, nếu những người Châu Phi không giúp đỡ nhau, thì người ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách phân phát bao cao su. Trái lại, chúng làm tăng thêm vấn đề.” (“Je dirais qu’on ne peut pas vaincre ce problème du SIDA uniquement avec de l’argent, qui est nécessaire. S’il n’y a pas l’âme, si les Africains ne s’aident pas, on ne peut le résoudre en distribuant des préservatifs. Au contraire, ils augmentent le problème.”).

Còn đây là bản của văn phòng báo chí Tòa Thánh đưa ra, mà về mặt ngoại giao, phải được trích dẫn chính thức (đó là nguyên tắc ngoại giao mà phóng viên La Croix cho biết):

Tôi xin nói rằng người ta không thể chế ngự được vấn đề SIDA này duy chỉ với những khẩu hiệu quảng cáo. Nếu người ta không để tâm vào đó, nếu những người Châu Phi không giúp đỡ nhau, thì người ta không thể giải quyết tai họa này bằng việc phân phát bao cao su: trái lại, điều đó có nguy cơ làm tăng thêm vấn đề.” (“Je dirais que l’on ne peut pas vaincre ce problème du SIDA uniquement avec des slogans publicitaires. S’il n’y a pas l’âme, si les Africains ne s’aident pas, on ne peut pas résoudre le fléau en distribuant des préservatifs: au contraire, cela risque d’augmenter le problème.”).

Và đây là toàn bộ câu trả lời phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng dành cho kênh France 2:

Tôi xin nói rằng người ta không thể vượt qua được vấn đề SIDA duy chỉ với những khẩu hiệu quảng cáo. Nếu người ta không để tâm vào đó, nếu những người Châu Phi không giúp đỡ nhau, thì người ta không thể giải quyết tai họa này bằng việc phân phối bao cao su: trái lại, nguy cơ là làm gia tăng vấn đề. Giải pháp chỉ có thể được tìm thấy nơi một sự dấn thân kép: trước tiên, một sự nhân bản hóa tính dục, nghĩa là một sự đổi mới tâm linh và nhân bản mà mang lại cùng với mình một cách thế cư xử mới mẻ với nhau, và thứ hai, một tình bằng hữu đích thực và nhất là cho những người đang đau khổ, một sự sẵn sàng ứng trực gần với những người đau khổ, cho dầu với giá hy sinh, từ bỏ bản thân. Đó là những nhân tố trợ giúp và dẫn đến những tiến bộ thấy được. Bởi thế, tôi xin nói lên sức mạnh kép canh tân con người từ bên trong này, mang lại sức mạnh thiêng liêng và nhân bản cho một lối ứng xử đúng đắn đối với thân xác của mình và thân xác của người khác, và khả năng đau khổ với những người đau khổ, hiện diện trong những nơi thử thách. Dường như, đối với tôi, đó là câu trả lời đúng đắn, và đó là những gì mà Giáo Hội đang làm, đề tặng như thế một sự đóng góp rất lớn và quan trọng”.

Những lời phát biểu này đã gây phản ứng nhiều đặc biệt ở Pháp và Đức. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng các báo chí đưa tin lại, chỉ trích một câu duy nhất là “việc sử dụng bao cao su chỉ làm tăng thêm vấn đề”. Nếu tách khỏi văn mạch một câu như thế, thì đọc vào ai cũng thấy phi lý, vì về mặt khoa học, bao cao su cũng đóng góp vào việc làm giảm bớt lây nhiễm HIV/AIDS, cho dù không an toàn 100%. Đây là vấn đề truyền thông cắt xén, một hình thức đưa tin thiếu lương thiện.

Những tiếng nói đồng cảm với Đức Giáo Hoàng

Có rất nhiều phê bình dựa trên lối đưa tin một chiều đối với Đức Giáo hoàng. Lại có những tiếng nói phản đối còn gay gắt hơn nữa đến từ Bộ trưởng ngoại giao Pháp, rồi đến từ một tín hữu Công giáo nguyên là thủ tướng Pháp, ông Alain Juppé…v.v. Bài này chỉ muốn cho thấy là có những tiếng nói quan trọng đồng cảm và xác nhận sự đúng đắn của Đức Giáo Hoàng trong lời phát biểu này.

Trước tiên, phải kể đến khoa học gia hàng đầu là ông Edward C. Green, giám đốc của Kế Hoạch Nghiên cứu Phòng Chống Bệnh AIDS ( AIDS Prevention Research Project) tại Trung Tâm Nghiên Cứu Dân Số và Phát Triển ở Đại Học Harvard. Trong bài phỏng vấn trên National Review Online, ông đã cho biết: “Đức Giáo hoàng nói đúng”, “hay nói rõ hơn, bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi có xác nhận những lời giải thích của Đức Giáo hoàng”.

Theo ông, “có một sự liên hệ vững chắc mà các nghiên cứu tốt nhất của chúng tôi cho thấy, bao gồm các nghiên cứu của cơ quan ‘Khảo Sát Sức Khỏe Nhân Khẩu Học’ (Demographic Health Surveys) do Hoa Kỳ tài trợ, giữa việc tiếp cận dễ dãi và việc sử dụng bao cao su và tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn (chứ không thấp hơn). Điều này có thể phần nào là do một hiện tượng được biết đến dưới danh xưng ‘bù trừ rủi ro’ (risk compensation), nghĩa là khi người ta sử dụng một ‘kỹ thuật’ giảm rủi ro như là bao cao su, thì người ta thường mất đi lợi ích (giảm thiểu rủi ro) bằng cách ‘bù trừ’ hay ứng xử liều lĩnh lớn hơn là người ta thực hiện mà không có kỹ thuật giảm rủi ro”.

Ông Green cũng khẳng định: “Tôi cũng đã lưu ý rằng Đức Giáo hoàng đã nói “chế độ một vợ một chồng” đã là câu trả lời duy nhất tốt nhất cho vấn đề AIDS của Châu Phi, hơn là “sự tiết dục”. Thực sự, bằng chứng kinh nghiệm mới nhất và tốt nhất cho thấy rằng việc giảm bớt các đối tác tình dục…là sự thay đổi cư xử quan trọng duy nhất liên hệ với việc giảm bớt tỉ lệ nhiễm HIV (nhân tố quan trọng khác là việc cắt bì nam).” Và ông cho biết: “Càng ngày các chuyên gia AIDS đi đến chỗ chấp nhận như trên. Hai nước với dịch bệnh HIV tồi tệ nhất, Swaziland và Botswana, cả hai đã xúc tiến chiến dịch can ngăn nhiều đối tác cùng lúc, và khuyến khích lòng chung thủy.”

Tiếp đến là bản văn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ngày tháng 4/2009, với tựa đề: “Phòng ngừa, chữa trị và chăm sóc VIH/SIDA trong lãnh vực y tế“, có đoạn văn khuyên phân phát hàng loạt bao cao su (“Xúc tiến và ủng hộ việc sử dụng bao cao su”). Bản văn này trước tiên đề cao sự hữu hiệu của bao cao su: “Việc sử dụng đúng đắn và có hệ thống bao cao su cho nam giới làm giảm nguy cơ lây truyền qua đường tình dục của HIV từ 80-90%” (tr.17).

Tuy nhiên, một độc giả (có nick là seb) đã bình luận trên blog của nghị sĩ Vanneste, người Pháp, rằng hãy lưu ý trong câu này, “nó chỉ tệ hại ‘việc lây truyền qua đường tình dục’ (transmission sexuelle), mà loại trừ tất cả các cách thức có thể lây nhiễm khác. Nó hệ tại việc sử dụng ‘đúng và có hệ thống’ bao cao su. Vậy mà bao cao su này, được sử dụng trong những điều kiện ‘lý tưởng’, lại để lại một nguy cơ lây truyền virút từ 10 đến 20%. Làm thế nào điều này là có thể, nếu không phải là virút xuyên qua bao cao su?”

Cùng chính độc giả này ghi nhận rằng nơi hai đoạn văn xa hơn, bản văn của Tổ chức y tế thế giới nói thêm: “Những người với nguy cơ thường xuyên có thể cần đến một lời khuyên và một sự nâng đỡ mạnh hơn để làm giảm bớt lỗi cư xử nguy hiểm, nhất là với sự giảm bớt con số đối tác (tình dục). (…) Lời khuyên về việc hoãn các quan hệ tình dục, về việc giảm bớt các đối tác tình dục, bao gồm cả những việc khám bệnh nơi các chuyên viên giới tính, và về việc giảm thiểu những quan hệ đồng thời với nhiều đối tác, là được khuyến cáo để ngăn ngừa sự lây truyền qua đường tình dục trong số các đối tác tình dục khác giới” (tr.19). Theo tác giả, đó là bằng chứng cho những gì Đức Giáo hoàng đã nói. Vậy mà một “chân lý” như thế lại gây ra phản đối kịch liệt, còn Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định tương tự thì lại hoàn toàn bình thường?!

Hai nghị sĩ Pháp cũng đã lên tiếng phê phán lối đưa tin cắt xén của truyền thông đó là ông Christian Vanneste và ông Jacques Remiller.

Ông Jacques Remiller tuyên bố rằng những lời nói của Đức Giáo Hoàng đã bị bóp méo, đặc biệt bởi “tầng lớp chính trị của Pháp”, họ đã thực hiện một “cuộc truy lùng” thực sự chống lại Đức Giáo hoàng. Ông lưu ý rằng những gì Đức Giáo hoàng mong muốn, ngay trước khi yêu cầu “sự chăm sóc miễn phí các bệnh nhân SIDA” ở Cameroon, rằng thế giới “ngừng xem bao cao su như chỉ là giải pháp cho vấn đề SIDA ở Châu Phi”. Chính trị gia này nói rằng chính sách đấu tranh chống SIDA “không được hạn chế ở việc quảng cáo cho bao cao su”, và thêm rằng “nó chắc chắn là một phương thế hiệu quả khi được sử dụng đúng đắn, nhưng việc phân phối rộng rãi nó sẽ không cản trở được những vấn đề hành xử nghiêm trọng như là hiếp dâm và loạn luân.” Ông cho rằng “những gì Đức Giáo hoàng nhắc nhở (chúng ta) trên hết, là rằng cách tốt nhất, nhìn xa trông rộng và hiệu quả nhất để chiến đấu dịch bệnh SIDA và bảo vệ mạng sống con người hệ tại ở việc giáo dục trách nhiệm, nghiên cứu y khoa, phổ biến các liệu pháp, và chăm sóc bệnh nhân”.

Ông Vanneste thì nói rằng Đức Giáo hoàng “không phải là nhà chính trị mị dân, nhưng là người mang hy vọng – những người khác sẽ nói rằng ngài đưa ra một lý tưởng – và chính từ điều này mà những lời nói của ngài cần được hiểu và phán đoán.”

Một lên tiếng quan trọng khác ủng hộ những khẳng định của Đức Giáo hoàng đến từ bác sĩ Filippo Ciantia, thuộc ”Hội Thiện Nguyện Phục Vụ Quốc Tế”, viết tắt là AVSI, hiện là đại diện phân bộ Italia của tổ chức phục vụ các nước vùng Đại Hồ. Trong một bài mới nhất được đăng trên nguyệt san ”Lancet”, bác sĩ đã nêu bật sự hữu hiệu của giáo lý Công giáo trong việc đối phó với SIDA:

Lập trường của Đức Thánh Cha và Giáo hội về bệnh liệt kháng rất là thực tế, có lý và rất có cơ sở trên bình diện khoa học. Nó thực tế, vì đối với vi khuẩn bệnh SIDA chiến thuật giúp chiến thắng không thể chỉ là y tế và dược khoa. Chỉ có thể chiến thắng bệnh liệt kháng, nếu chú ý tới tất cả mọi yếu tố khác tạo thành con người. Các dữ kiện chứng minh cho thấy rằng bệnh liệt kháng đã chỉ giảm tại những nước nào, trong đó người ta đã dấn thân thay đổi cung cách sống tình dục và kiểu sống của của con người. Chúng là kết quả của việc thông tin và giáo dục lôi cuốn các gia đình, nữ giới và trường học vào cuộc. Đã xảy ra như thế tại Kenya, Etiopia, Malawi, Zambia, Zimbabwe và đặc biệt là tại Uganda. Nhưng để có được các hiệu quả tốt, cần phải có can đảm chấp nhận những lựa chọn mạnh mẽ, như tại các nước Phi châu nói trên“.

Một bác sĩ người Pháp, ông Jean-Pierre Dickès, cũng đã khẳng định rằng: “Tôi công nhận rằng càng sử dụng bao cao su, thì càng có thêm bệnh nhân SIDA”. Ông cho biết là cứ nhìn số lượng bao cao su được bán ra, và tỉ lệ gia tăng bệnh SIDA như thế cũng đủ rõ. Theo ông, đó là một bằng chứng cho thấy việc sử dụng chúng làm gia tăng vấn đề. Theo ông, “bao cao su tạo ra một thứ an toàn giả tạo cho người ta”.

Một tài liệu của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình cho thấy sự thất bại của bao cao su ở ba cấp bậc:

+ kỹ thuật (bao cao su có lỗ hổng, đứt vỡ, sự xuống cấp nhựa mủ. Đang khi virus SIDA rất nhỏ từ 90 đến 120 nm (nanomètre: một phần tỉ của mét), nhỏ hơn 60 lần so với vi khuẩn gây ra bệnh giang mai và 450 lần so với tinh trùng);

+ Việc sử dụng (bao cao su đã bị nhiễm, cái được chứa bị tràn ra ngoài);

+ Virus đã lẩn tránh được chướng ngại (bị nhiễm trước khi mặc bao cao su, và qua những bài tiết phát ra suốt thời gian quan hệ tình dục).

Đâu là giải pháp an toàn nhất trên mặt trận chống SIDA?

Phát ngôn viên của Tòa Thánh lúc đó, cha Fedirico Lombardi, đã đưa ra ba mặt trận mà Tòa Thánh dấn thân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này: 1) Giáo dục lòng trách nhiệm, 2) nghiên cứu y học và phổ biến các trị liệu pháp, 3) đồng hành và trợ giúp các bệnh nhân.

Chính bản báo cáo của Hàn Lâm Viện Y Khoa Pháp năm 1996 cũng đã khẳng định điều này: “Thái độ trách nhiệm duy nhất về phía người đàn ông nhiễm dương tính, trên thực tế, là kiêng nhịn tất cả các quan hệ tình dục, được bảo vệ hay không, với một người lành mạnh. […] Lời khẳng định ngàn lần được công bố […] về sự an toàn hoàn toàn được mang lại trong mọi hoàn cảnh bởi bao cao su, chắc chắn là nguồn cội của rất nhiều sự lây nhiễm mà hiện nay người ta từ chối tìm ra nguồn gốc của chúng.

Cuộc chiến chống SIDA không chỉ trong việc quảng bá bao cao su, vì nó có nguy cơ làm cho quên đi các cuộc đấu tranh khác, mà phải nói là từ cội rễ chứ không phải gốc ngọn. Không lạ gì mà Đức Giáo hoàng lại nhấn mạnh đến “tiết dục” và “lòng chung thủy”. Đó là hai thái độ thực sự căn bản và quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh SIDA cách toàn diện. Nhiều chuyên gia khoa học đang nhận ra sự đúng đắn của sự nhấn mạnh này và một số quốc gia đã bắt đầu chiến dịch đề cao giáo dục trách nhiệm nhân bản và thiêng liêng. Việc sử dụng bao cao su, nếu cần thiết trong chừng mực nào đó, chỉ đến sau xét như là tầm quan trọng lâu dài trong cuộc chiến chống lại SIDA. Và kết quả của giải pháp nhân bản và thiêng liêng này đã được chứng thực, khi con số nhiễm HIV giảm xuống rất nhiều ở Uganda.

Bối cảnh cụ thể của những lời phát biểu của Đức Giáo hoàng: trên đường đến Châu Phi

Đây là một sự phân biệt cần thiết. Nếu ở Tây Phương, thì tôi thiết nghĩ, Đức Giáo hoàng sẽ nói khác, nhưng ở Châu Phi, Đức Giáo hoàng nói đúng trường hợp của Châu Phi. Những phê bình nhắm vào Đức Giáo hoàng đều không thèm để ý đến điều đó. Vả lại, cũng nên nhớ rằng ở Châu Phi các tổ chức của Công giáo phục vụ bệnh nhân SIDA chiếm đại đa số!

Cụ thể hơn, hai bác sĩ Filippo Ciantia và Pier Alberto Bertazzi cho biết, với việc áp dung “mô hình ABC” (Abstinence, Be faithful, Condom) ở Uganda, tức là trước tiên chú tâm đến giáo dục lòng chung thủy và khuyến cáo sự tiết dục, thì đã có sự giảm bớt sự lây nhiễm SIDA khá ngoạn mục: từ 15% vào năm 1991 xuống còn 5% vào năm 2001.

Còn Sư huynh Giusti, bác sĩ, sống ở Uganda từ 30 năm nay, cũng đã cho thấy rằng những ai cho rằng bao cao su là chiến lược tốt nhất đều hoàn toàn sai lầm. Đối với sư huynh, chính việc giáo dục mới đem lại kết quả quyết định. Sư huynh cho biết: “Kinh nghiệm tại chỗ nói ngược lại. Nhân tố chính yếu của sự thành công này xuất phát từ giáo dục và từ sự thay đổi cách cư xử”.

Bà Rose Busingye, người điều hành Điểm Găp Gỡ Kampala, một trung tâm ở Kampala dành cho những người bị AIDS, và chăm sóc khoảng 4000 người một ngày, trong một cuộc phỏng vấn được Il Sussidario phổ biến trên mạng ngày 20/3, đã nói rằng “những người  đóng góp cho cuộc luận chiến đối với những lời phát biểu của Đức Giáo hoàng trên thực tế phải hiểu rằng vấn đề đích thực trong việc truyền lan AIDS ở Châu Phi không phải là bao cao su; nói về điều này sẽ là dừng lại ở các hậu quả và không bao giờ đi đến nguồn gốc của vấn đề”. Bà giải thích: “Ở gốc rễ của việc lan truyền HIV, có một lỗi cư xử, có một cách thế hiện hữu”. Bà quả quyết rằng nhiều người nói về việc sử dụng bao cao su ở Châu Phi làm như thế mà không có sự hiểu biết tối thiểu về vấn đề và những hoàn cảnh của Châu lục.

Bài này được viết để hy vọng mọi người có cái nhìn toàn diện hơn về lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, mà nhiều bài báo của giới truyền thông không cho thấy, hay nói cách khác, chỉ cho thấy một chiều.

————————-

Tý Linh

(Tổng hợp các nguồn: La Croix, Zenit, VietCatholic, VietVatican, XuanBichVietNam…)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30