CÁI NHÌN MỚI MẺ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ GIA ĐÌNH

Written by xbvn on Tháng Năm 4th, 2021. Posted in Gia đình, Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh

Monique Baujard, Ủy ban « Gia đình và xã hội », HĐGM Pháp.

(Bài này là phần tác giả cập nhật thêm cái nhìn của Đức Phanxicô cho bài viết về « Gia đình » mà chúng tôi đã từng chuyển ngữ và đăng trước đây.)

Thật lạ lùng, các diễn từ về luân lý xã hội và luân lý cá nhân đã chịu một sự đối xử rất khác nhau trong Giáo hội. Diễn từ xã hội luôn khởi đi từ việc quan sát thực tại và tìm hiểu, từ những nguyên tắc của mình, làm thế nào sứ điệp của Chúa Kitô ngày nay còn có thể làm cho thực tại này thêm phong phú. Trong lãnh vực gia đình và tính dục, Giáo hội đã luôn khởi đi từ lý thuyết, từ một lý tưởng chắc chắn rất đẹp, nhưng cũng rất xa rời với thực tại của đời sống gia đình. Giáo hội đã áp lý tưởng vào thực tại, khiến cho tất cả những người mà, vì nhiều lý do, đã không thể y theo đó được, phải hơi bối rối. Do đó, có một hố sâu đã hình thành qua dòng thời gian giữa diễn từ của Giáo hội về gia đình và đời sống của các gia đình. Chính hố sâu này mà Đức Giáo hoàng Phanxicô tìm cách lấp đầy bằng một lối tiếp cận mới mẻ về gia đình, một lối tiếp cận khởi đi chính từ thực tại.

Niềm xác tín rằng thực tại quan trọng hơn ý tưởng là một trong bốn nguyên tắc mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra trong Tông huấn Evangelii Gaudium để hướng dẫn sự phát triển việc chung sống trong xã hội (EG, số 221) và ngài nói rõ rằng chúng được liên kết bởi những căng thẳng lưỡng cực. « Thực tại đơn giản là đang có đó ; ý tưởng thì đang được xây dựng. Giữa cả hai cần phải thiết lập một cuộc đối thoại thường xuyên, tránh để ý tưởng cuối cùng bị tách rời khỏi  thực tại » (EG, số 231). Cuộc đối thoại này, việc làm phong phú lẫn nhau giữa thực tại và ý tưởng này, vốn là đặc điểm của tư tưởng xã hội, đã được Đức Giáo hoàng mở rộng đến các vấn đề luân lý cá nhân.

Với Thượng hội đồng về gia đình năm 2014 và 2015, các tín hữu đã hai lần được mời gọi trả lời cho các bảng câu hỏi dài vốn cho phép nắm bắt tình hình hoàn cảnh hiện nay của các gia đình và những thách đố mà các gia đình đang đương đầu. Thực tại này đã được dùng làm cơ sở cho những cuộc thảo luận giữa các Giám mục thành viên của Thượng hội đồng và được lấy lại cách rộng rãi trong chương 2 của Tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris Laetitia, chương này kết thúc bằng cách chỉ ra rằng « những suy tư của Thượng hội đồng cho ta thấy rằng không có nguyên mẫu cho gia đình lý tưởng, nhưng đúng hơn đó là một bức khảm đầy thách đố, được làm nên từ nhiều thực tại khác nhau, đầy những niềm vui, những bi kịch và ước mơ » (AL, số 57). Chương trước chương 2 này cho thấy rằng, trong Thánh Kinh, cũng không có gia đình khuôn mẫu. Cái nhìn lý tưởng của Giáo hội về gia đình chỉ diễn ra ở chương 3, và sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảnh giác « sự lý tưởng hóa thái quá » về hôn nhân và việc Giáo hội khó khăn nhường chỗ cho lương tâm cá nhân của các tín hữu (AL, số 36-37).

Tất cả bản văn Amoris Laetitia tìm cách để hiểu làm thế nào sứ điệp của Tin Mừng có thể nối kết cách cụ thể với thực tại các gia đình ngày nay và làm cho mọi người tiến tới, bất kể cuộc sống của họ hỗn độn thế nào. « Sức mạnh của gia đình chủ yếu hệ tại nơi khả năng yêu thương và dạy yêu thương. Dù bị tổn thương thế nào, một gia đình sẽ luôn có thể lớn lên bằng cách dựa vào tình yêu » (AL, số 53).

Những khía cạnh khác nhau của gia đình mà tư tưởng xã hội làm nổi bật cũng được gặp thấy trong các bản văn của Đức Giáo hoàng Phanxicô : chiều kích kinh tế (AL, số 44 ; 46 ; 49) ; tầm quan trọng của hôn nhân đối với xã hội (EG, số 66-67 ; AL, số 35) cũng như đối với vợ chồng (AL, số 131-132), nhu cầu nâng đỡ của cộng đồng đối với gia đình (AL, số 44) và nhất là vai trò xã hội của gia đình. Đã được đề cập trong Laudato si’ (LS, số 213), vai trò này được khai triển trong Amoris Laetitia, trong đó Đức Giáo hoàng chỉ rõ rằng sự phong nhiêu của một đôi bạn còn xa hơn cả việc sinh sản, mà Thiên Chúa đã giao phó cho gia đình kế hoạch làm cho thế giới trở thành « gia đình » và việc tham dự vào bí tích Thánh Thể cũng bao hàm cả việc quan tâm đến số phận của người nghèo (AL, số 181-186). Sau cùng, Đức Phanxicô không chỉ yêu cầu khởi đi từ thực tại các gia đình nhưng còn cần có một cái nhìn mới mẻ về nó. Đó là nhìn thấy nơi thực tại này, không phải là tuân thủ hay không tuân thủ chuẩn mực, nhưng làm thế nào Chúa Thánh Thần đang hoạt động ở đó. Bởi thế, Đức Giáo hoàng viết : « Tôi chân thành tin rằng Chúa Giêsu Kitô muốn một Giáo hội lưu tâm đến điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ giữa sự mỏng giòn » (AL, số 308).

Như thế, Đức Phanxicô thống nhất các lối tiếp cận của tư tưởng xã hội và luân lý cá nhân bằng cách mời gọi luôn khởi đi từ thực tại và nhìn nó bằng cái nhìn nhân từ và thương xót của chính Thiên Chúa. Đối với các gia đình, đó mà một sự thay đổi mô hình !

 ————————–

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31