CẢM HỨNG MỤC VỤ “ĐI RA” CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
(Bài chia sẻ tại cuộc họp mặt cựu sinh viên Xuân Bích, Đà Lạt, 9.7.2013)
Kính thưa quí Đức Cha và quí Cha,
Cha Hương yêu cầu rằng nên có sự góp lời của các linh mục Xuân Bích trong cuộc họp mặt này. Đức Cha An-phong đề nghị con nói về điều gì đó. Con vâng lời và nhận lời, trong khi vẫn biết mình không phải là sự chọn lựa đầu tiên. Nghĩ đến việc ‘ăn nói’ trước các đấng bậc, con cũng sợ lắm… Nhưng bầu khí thân tình và chan hòa cởi mở mà con cảm nghiệm hai ngày nay phần nào cho phép con an tâm hơn…
Con chọn đề tài “Cảm hứng mục vụ từ Đức Thánh Cha Phanxicô” vì ba lý do:
Một là, con tin rằng việc Đức Bênêđictô XVI từ chức hồi tháng hai vừa qua là một dấu chỉ của thời đại. Với quyết định từ chức, ngài trao thông điệp rằng ngài tin trong hoàn cảnh này của Giáo hội và thế giới, có ai đó khác sẽ đảm nhận tốt hơn ngài vai trò lãnh đạo Giáo hội. Rồi việc Hồng Y Bergoglio được chọn – trở thành Đức Thánh Cha Phanxicô, với những dấu hiệu thay đổi rõ ràng trong cách tiếp cận mục vụ – con cũng tin đây chắc chắn là một dấu chỉ của thời đại.
Hai là, con nhìn Giáo hội tại Việt Nam chúng ta và nhận thấy Giáo hội tại đất nước mình đã và đang trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài, theo nghĩa nguyên sơ nhất của từ “khủng hoảng”, tức tình trạng cần có những quyết định và hành động chính xác và kịp thời, tình trạng mà người Anh / Mỹ thường gọi bằng thành ngữ “something must be done!” Chắc chắn tầm nhìn của Đức Thánh Cha có thể giúp định hướng cho chúng ta làm một việc gì đó…
Ba là, con thấy cách tiếp cận mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô rất gần gũi với một xác tín đặc biệt của mình khi tìm hiểu về căn tính của một linh mục giáo phận. Đó là, linh mục giáo phận là một người của dân chúng trong tình trạng (status) một người của Thiên Chúa! Thực ra, xác tín này con rút ra khi tìm hiểu con người và tư tưởng của Cha Jean-Jacques Olier, vị sáng lập Hội Các Linh Mục Xuân Bích.
I. Hơn ba tháng đầu tiên trong sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nhìn lại hơn ba tháng đầu tiên tại nhiệm của Đức Phanxicô. John Thavis, một ký giả người Mỹ gắn nửa đời mình với nước Ý và được mệnh danh là một “vaticanist” cự phách, từng tháp tùng Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI trong các chuyến đi đến hơn 60 quốc gia khác nhau, đã tổng hợp giai đoạn “trăng mật” này của Đức Phanxicô với các ghi nhận như sau:
1. Chỗ ở của Đức Phanxicô nằm bên ngoài giáo triều Rôma
Đây là một quyết định quan trọng, vì sự bố trí nơi chốn có tầm quan trọng đặc biệt tại Vatican. Đức Phanxicô quyết định tiếp tục cư ngụ tại nhà trọ Santa Marta (ở cánh trái, bên con đường đi vào Vườn Vatican) thay vì dọn vào căn hộ giáo hoàng trong Dinh Tông Đồ ở cánh phải, lọt thỏm giữa các văn phòng chóp bu của giáo triều. Một sự kiện nổi bật cho thấy rõ Đức Phanxicô là một con người của dân chúng – như chính ngài giải thích rằng ngài “không muốn bị cách ly”!
Bên cạnh việc chọn chỗ ở để tránh bị cách ly ấy, việc Đức Thánh Cha chọn nhóm 8 hồng y (nay là 9) làm cố vấn cho ngài cũng phản ảnh một thông điệp tương tự. Chỉ một vị trong số đó là thành viên của giáo triều, tất cả các vị khác đều là những mục tử tại các Giáo hội địa phương rải khắp các châu lục. Như vậy, cũng thật rõ là Đức Thánh Cha muốn dựa ít hơn vào những vị bên trong Vatican và dựa nhiều hơn vào các giám mục trên thế giới khi cân nhắc các vấn đề về điều hành Giáo hội và cải cách giáo triều.
Cũng gắn liền với việc Đức Thánh Cha cư ngụ tại nhà trọ Santa Marta, người ta ghi nhận phần lớn hoạt động giảng thuyết của ngài đã diễn ra tại đây, trong các Thánh Lễ sáng. Ngài thường giảng ứng khẩu và vắn gọn, nhưng sắc bén trong ngôn từ và đầy hàm súc trong ý tưởng. Những bài giảng này không được bộ máy Vatican coi là Huấn quyền (Magisterium) thực sự của giáo hoàng. Chúng không được các cơ quan truyền thông chính thức của Vatican đăng tải (ít là trong vài tháng đầu), dù chúng luôn luôn là ‘tin sốt dẻo’ trên các mặt báo khác (như trang tiếng Việt Vietcatholic, chẳng hạn). Hình như điều này càng thuận lợi cho Đức Thánh Cha, bởi vì như vậy tiếng nói của ngài ít bị ‘kiểm soát’ hơn và có nhiều ‘tự do’ hơn…
2. Đức Phanxicô đã bắt đầu cuộc “cải cách” của mình bằng việc loan báo Tin Mừng!
Những người dự lễ sáng tại Santa Marta là các nhóm giới chức Vatican và các nhân viên. Các bài giảng của Đức Thánh Cha nhắm nói với họ trước hết. Như vậy, cuộc cải cách đã thực sự bắt đầu bằng cách này. Nó không theo cách như nhiều người kỳ vọng, chẳng hạn những bổ nhiệm quan trọng mới trong giáo triều – dù điều này có thể sẽ xảy ra khi đến lúc của nó. Đức Thánh Cha muốn đặt nền móng thiêng liêng cho cuộc cải cách bằng việc rao giảng Tin Mừng ở “sân sau” của mình.
Như thế, công cuộc “tân phúc âm hóa” – chủ điểm của Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây – đã được Đức Thánh Cha bắt đầu từ ở nhà!
3. Tầm nhìn của Đức Thánh Cha về vai trò của Giáo hội ít qui về căn tính bên trong hơn và quan tâm đến việc hướng ra ngoài hơn
Ngài muốn Giáo hội hiện diện trong đời sống dân chúng. Đối với các linh mục, điều này có nghĩa là đi ra với giáo dân và chia sẻ các vấn đề của họ; Đức Thánh Cha dùng lối nói sát đất và đầy ấn tượng: các mục tử phải có “mùi của chiên”. Đối với các giám mục, điều này có nghĩa là chấm dứt não trạng nệ chức quyền, địa vị (careerism). Mới đây, Đức Thánh Cha nói với các vị khâm sứ rằng khi đánh giá các ứng viên cho việc bổ nhiệm giám mục, cần tránh những vị mang tham vọng và nên chọn các mục tử gắn bó mật thiết với dân chúng! Đối với giáo dân, điều này có nghĩa rằng phải sẵn sàng sống và loan báo Tin Mừng một cách vui tươi bằng lời nói và hành động, nhất là cho những anh chị em đang đau khổ. Một thách đố, dĩ nhiên! Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng loan báo Tin Mừng không phải là một gánh nặng, và không nên coi nó như một gánh nặng! Ở đây ta thấy quan điểm của Đức Thánh Cha phản ảnh một cái nhìn rất toàn diện và rất nền tảng về động lực sứ mạng: việc loan báo Tin Mừng được đảm nhận không duy chỉ vì đó là một mệnh lệnh (cho dù là mệnh lệnh của Chúa!), mà trước hết vì đó là một niềm vui mà người ta cảm nghiệm sâu xa và người ta cảm thấy cần phải chia sẻ!
4. Chủ đề công bằng xã hội đang dần dần hiện lộ ở trung tâm cách tiếp cận của Đức Thánh Cha
Ngài nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tiền bạc thống trị! Phải lật ngược lại, như cách người ta lật chiếc bánh bắp trên lò nướng. Tiền bạc không phải là hình ảnh của Thiên Chúa và không giống Thiên Chúa!” Thông điệp đầu tiên của Đức Phanxicô được dự định sẽ mang chủ đề “Phúc cho người nghèo”. Ký giả John Thavis nhận định rằng cứ theo phong cách và khẩu khí của Đức Phanxicô thì thông điệp này sẽ không dễ bị vo tròn, tung hứng bởi những người chủ trương một nền kinh tế thị trường không hạn chế.
Nhưng Tin Mừng về kinh tế của Đức Thánh Cha không chỉ nhắm nói với các cơ quan quốc tế và các ông trùm kinh doanh mà thôi. Ngài muốn Giáo hội thật sự mang trong mình mối quan tâm đối với người nghèo và những người bất hạnh, ngài nhắc các linh mục và các giám mục phải biết chống lại sự quyến rũ của mẫu thức kinh doanh. “Việc loan báo Tin Mừng phải đi con đường khó nghèo”. Ngài xác tín rằng việc thực hành chính điều mình rao giảng là chìa khóa đem lại uy tín cho Giáo hội trong mắt của con người hôm nay.
5. Đức Thánh Cha rất tự tin vào cảm hứng tự phát của mình
Ngài thường nói ‘buông’ trong những khung cảnh ‘an toàn’ như trong các Thánh Lễ sáng hay trong một cuộc tiếp kiến các em thiếu nhi, và cả trong những khung cảnh ‘không an toàn’ như khi nói chuyện với các giới chức của Liên Hiệp Tu Sĩ Châu Mỹ La tinh. Đối với ngài, làm một mục tử thì không giống với làm một nhà diễn thuyết! Ở khía cạnh này, người ta nhận ra Đức Phanxicô là một con người của đặc sủng, một con người đầy xác tín và luôn cảm thấy thoải mái bộc lộ niềm xác tín của mình.
Với các ghi nhận tổng quan trên đây về thời gian ‘trăng mật’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể rà soát và chứng nghiệm tính nhất quán trong cách tiếp cận mục vụ của ngài qua những gì ngài phát biểu trước khi được chọn vào sứ vụ của Thánh Phêrô. Quyển sách On Heaven and Earth (tiếng Tây Ban Nha: Sobre el cielo y la tierra), mới xuất bản năm 2010 tại Buenos Aires, có thể giúp chúng ta làm công việc đối chiếu này.
II. “On Heaven and Earth”
Quyển sách này ghi lại cuộc đối thoại giữa Hồng y Jorge Mario Bergoglio và Rabbi Abraham Skorka về chủ đề đức tin. Qua quyển sách, người ta gặp được quan điểm và lập trường của vị giáo hoàng mới về nhiều vấn đề. Và đúng là khá nhiều tư tưởng mà Đức Phanxicô đang chia sẻ qua những bài giảng lễ hằng ngày của ngài vốn đã được hàm chứa trong quyển sách.
Trong On Heaven and Earth, Hồng y Bergoglio nói về chính yếu tính của tôn giáo với cái nhìn vừa khách quan vừa lạc quan: Bao lâu con người còn “băn khoăn khắc khoải” thì bấy lâu con người còn đang tìm kiếm siêu việt, một cuộc tìm kiếm mà càng gặp gỡ thì người ta càng được thúc đẩy tìm kiếm sâu hơn… Ngài ghi chú rằng “sự khắc khoải này là dấu ấn Thiên Chúa để lại trong chúng ta”, và rằng “nhiều khi, ngay cả nơi những người không nghe Thiên Chúa nói, hoặc những người có lập trường chống tôn giáo…, thì bất ngờ, họ gặp được cái gì đó siêu việt”. Đáng ghi nhận sự nhấn mạnh này của vị giáo hoàng tương lai: “Nếu một tôn giáo thuần túy chỉ là những nghi lễ mà không có nội dung tìm kiếm này, thì nó sẽ chết, bởi vì tuy nó đầy rẫy nghi lễ bên ngoài nhưng tâm hồn bên trong lại trống rỗng”.
Trước câu hỏi “Tôn giáo sẽ ra sao trong tương lai?”, Hồng y Bergoglio nhìn ngược về quá khứ và lưu ý rằng ngay nơi Công giáo, đã có những thay đổi đáng kể về các hình thái tôn giáo (một số hình thái đã từng xảy ra nhưng không phù hợp với những gì Đức Giêsu mong và Thiên Chúa muốn!) – và vì thế tại sao lại không thể nghĩ rằng trong tương lai, tôn giáo sẽ thích ứng với văn hoá của thời đại? Giáo hội cần canh tân liên lỉ (ecclesia semper reformanda), và sự canh tân này đã được thể hiện bằng nhiều cách theo thời gian, mà vẫn không thay đổi tín điều.
Chuyên biệt hơn, khi đề cập đến vai trò của các giáo xứ, Hồng y Bergoglio nhấn mạnh nhu cầu về các cộng đoàn nhỏ, vì cộng đoàn nhỏ mới đáp ứng được nhu cầu về căn tính, không những căn tính tôn giáo mà cả căn tính văn hóa nữa. Người ta cần phải cảm nhận rõ mình thuộc về một cộng đoàn sống động và thực sự liên can đến cộng đoàn đó, chứ không là một con số vô danh ở trong một bộ máy ít có hồn. Từ khóa ở đây là “nhỏ”! Ở đây chúng ta liên tưởng đến các giáo xứ với kích thước ‘không đủ nhỏ’ ngay tại Việt Nam chúng ta (những giáo xứ với năm, sáu ngàn, thậm chí trên chục ngàn giáo dân!) với những hệ lụy của kích thước ‘không đủ nhỏ’ ấy… Hình như có một nghịch lý: trong khi những giáo xứ be bé (dưới một ngàn giáo dân) là điều kiện lý tưởng hơn cho việc chăm sóc mục vụ, thì rất thường chúng ta (các linh mục) vẫn thích được bổ nhiệm về những giáo xứ lơn lớn!!!
Nói về sự dấn thân và liên đới của vị mục tử đối với đời sống và các vấn đề của dân chúng, Hồng y Bergoglio nêu rõ rằng “Tôi không làm chính trị nhưng tôi quan tâm đến anh em mình đang bị nghiền nát trong cỗ máy nô lệ. Đúng là có những người lợi dụng việc này để làm chính trị; vì thế điều quan trọng là phải phân định để hành động cho thích hợp trong những hoàn cảnh tương tự.”
Những điều vừa nói trên rõ ràng hàm ý về một tôn giáo dấn thân, trong đó không còn khái niệm “chạy trốn thế gian” (fuga mundi) nữa. Cần phải dấn thân vào thế giới, nhưng luôn luôn là từ kinh nghiệm tôn giáo! Nghĩa là, vấn đề không chỉ là làm cái này làm cái kia để cứu giúp tha nhân, nhưng là: Bạn cầu nguyện như thế nào? Bạn có giúp cộng đoàn của mình bước vào kinh nghiệm gặp gỡ Chúa không? Đây là những câu hỏi thiết yếu.
Tầm nhìn của Hồng y Bergoglio về những con người lãnh đạo tôn giáo (chẳng hạn các giám mục, linh mục như chúng ta đây…) được trình bày trong quyển sách này như sau: “Tôi hoàn toàn đồng ý với khái niệm ‘khiêm tốn’ nhưng tôi cũng thích dùng từ ‘hiền lành’. Hiền lành không có nghĩa là yếu đuối. Một nhà lãnh đạo tôn giáo có thể rất mạnh mẽ, kiên quyết, nhưng không gây hấn. Chúa Giêsu nói người nào muốn cai trị phải là tôi tớ. Theo tôi, ý tưởng ấy phải được áp dụng cho mọi tôn giáo. Quyền lực đích thực nơi lãnh đạo tôn giáo phải đến từ sự phục vụ. Khi người lãnh đạo không còn phục vụ nữa, người đó biến thành nhà quản lý thuần túy, thành nhân viên của tổ chức phi chính phủ. Nhà lãnh đạo tôn giáo phải chia sẻ và chịu đau khổ với anh em mình, phục vụ anh em mình.”
Cuối cùng, cần phải ghi nhận việc Hồng y Bergoglio nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thánh thiện. Ngài nói: “Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, những nhà cải cách đích thực là các vị thánh. Các ngài là những người làm thay đổi, biến đổi, thúc đẩy và hồi sinh con đường thiêng liêng. Thánh Phanxicô Assisi đã đem tinh thần nghèo khó vào Kitô giáo khi đối diện với sự giàu sang, kiêu ngạo và trưởng giả của thế quyền cũng như thần quyền trong thời đại của ngài. Ngài đã đem đến một nền thần bí về sự khó nghèo và từ bỏ, và ngài đã thay đổi lịch sử.” Ngay mới đây, nói chuyện với các linh mục và các nữ tu đang theo học tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô tỏ ra rất thẳng thắn: “Linh mục và nữ tu không nên sử dụng những thứ sang trọng, chẳng hạn những xe hơi đắt tiền… Hãy nghĩ đến các trẻ em đang đói…”
Như vậy, trong quyển sách được xuất bản ba năm trước khi trở thành giáo hoàng này, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã cho thấy toàn bộ tầm nhìn của ngài về Giáo hội hiện nay:
-một Giáo hội thực sự cần được cải cách để thay đổi;
-sự thay đổi đúng hướng chỉ có thể được thực hiện bằng việc đi ra khỏi chính mình để dấn thân và liên đới với con người hôm nay, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh;
-hành động đi ra và dấn thân ấy phải được đặt nền trên sự thánh thiện!
Thật thú vị khi chúng ta còn có thể kiểm chứng tầm nhìn “đi ra” nói trên của Hồng y Bergoglio qua bốn điểm mà ngài phát biểu với các hồng y trước khi diễn ra mật nghị bầu chọn giáo hoàng.
III. Bốn điểm của Hồng y Bergoglio cảnh báo chống lại một ‘Giáo hội thế tục’
Đó là tại cuộc họp tiền mật nghị. Đến lượt mình phát biểu, vị hồng y 76 tuổi, tổng giám mục Buenos Aires, đã ứng khẩu nói hết sức vắn tắt nhưng rất rõ ràng về bốn điểm. Chắc hẳn chính vì bốn điểm này mà sau đó ngài đã được các hồng y cử tri bầu chọn làm giáo hoàng. Ngài đã ghi lại theo trí nhớ những gì mình đã phát biểu và trao cho Hồng y Jaime Lucas Ortega y Alamino, tổng giám mục Havana, người đã được cho phép phổ biến nội dung bốn điểm này.
1. Điểm đầu tiên là về Phúc Âm hóa. Hồng y Bergoglio nói rằng Giáo Hội phải đi ra khỏi chính mình và đến với vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh được tỏ lộ trong mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công và ngu dốt. Khi Giáo hội mất hết lòng nhiệt thành tông đồ, Giáo hội trở nên một Giáo hội ngừng trệ. Đó là một Giáo hội có thể gọn đẹp, trông đẹp mắt đấy, nhưng không sinh hoa kết quả, vì không có can đảm vươn ra bên ngoài, nơi có rất nhiều người là nạn nhân của ngẫu tượng, của sự tục hóa, của những ý tưởng bạc nhược về nhiều thứ. Phúc âm hóa bao hàm lòng nhiệt thành tông đồ. Phúc âm hóa bao hàm một ước muốn trong Giáo Hội đi ra khỏi chính mình. Giáo Hội được mời gọi đi ra khỏi chính mình và đến với mọi thực tại của đời sống con người.
2. Điểm thứ hai là lời phê bình của Hồng y Bergoglio về một Giáo Hội “qui ngã”, một Giáo hội nhìn vào chính mình theo kiểu “tự yêu mình” (theological narcissism), một Giáo hội tách biệt khỏi thế giới. Đó là một Giáo hội bị nhuốm bệnh… “Trong sách Khải Huyền, Đức Giêsu nói rằng Ngài đứng ở cửa và gõ. Rõ ràng bản văn liên hệ tới việc Ngài gõ cửa từ bên ngoài để vào bên trong, nhưng tôi nghĩ về hình ảnh Đức Giêsu gõ cửa từ bên trong để chúng ta cho Ngài đi ra bên ngoài!”
3. Ở điểm thứ ba, rút ra từ nhận định trên, ngài nêu hai hình ảnh về Giáo Hội: một “Giáo Hội phúc âm hóa, đi ra khỏi mình”, và “một Giáo Hội trần tục, sống đóng khung trong chính mình, vì mình và cho mình”. Hai hình ảnh thúc giục một sự chọn lựa! Ngài lưu ý rằng khi Giáo hội qui ngã nhưng không ý thức điều đó, Giáo hội tin rằng mình có ánh sáng của riêng mình, thì Giáo hội hết là mầu nhiệm mặt trăng (mysterium lunae), đi vào quĩ đạo của sự phàm tục hóa tinh thần (theo De Lubac, đây là sự dữ tồi tệ nhất có thể tấn công Giáo Hội).
4. Ở điểm cuối cùng, Hồng y Bergoglio nói với các hồng y về điều ngài mong chờ nơi vị sẽ được tuyển chọn để lãnh đạo Giáo hội, vị đó là “một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô… sẽ giúp Giáo Hội đi ra khỏi chính mình, đến với những vùng ngoại biên hiện sinh, giúp Giáo hội trở nên người mẹ sinh hoa trái, sống niềm vui ngọt ngào và an ủi của sứ mạng Phúc âm hóa.”
Thật rành mạch và dứt khoát: Đức Phanxicô là một con người đi ra, với tầm nhìn về một Giáo hội đi ra! Như gần đây ngài xác nhận: Thà Giáo hội đi ra mà gặp tai nạn còn hơn là ru rú đóng kín ở nhà trong tình trạng bệnh hoạn! Hay mới đây hơn, ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy xóa tan đi nỗi sợ phạm phải sai lầm: “Anh em có thể nói ‘Nhưng thưa Cha, chúng con có thể vấp phạm sai lầm’. Tôi sẽ trả lời: ‘À, thế thì đã sao? Hãy tiến lên, nếu anh em vấp phạm, hãy đứng dậy và đi về phía trước, cứ như thế’. Những ai không bước đi vì sợ vấp ngã, thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng hơn”.
IV. Bài giảng Thánh Lễ ở Lampedusa
Kính thưa …
Đã gần cạn giờ, nhưng con xin tranh thủ gửi đến quí Đức Cha và quí Cha một minh họa sốt nóng nhất về cảm hứng mục vụ “đi ra” và liên đới của Đức Thánh Cha Phanxicô. Mới sáng hôm qua, thứ hai, ngày 8.7, ngài đã đi chuyến đi mục vụ đầu tiên ra khỏi Rôma, nơi đến là đảo Lampedusa ở cực nam nước Ý, một địa danh gắn liền với bao thảm cảnh của những người di dân từ nhiều năm nay, kể cả hàng ngàn cái chết bi thương, mà mới nhất là ngày 16.6.2013 vừa qua đã có 7 thuyền nhân bị chết đuối trong lúc cố gắng bám vào những hàng rào nuôi cá ngừ do một xuồng đánh cá của Tunisi kéo đi …
Sau đây là một số đoạn trong bài giảng lễ của ngài:
Những người di dân chết trên biển, từ những con thuyền lẽ ra là một con đường hy vọng đã trở thành một con đường chết chóc. Đó là tựa đề trong các báo chí! Cách đây vài tuần khi tôi nghe tin này, một tin rất tiếc là đã bao nhiêu lần xảy ra, tôi liên tục nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Và khi ấy tôi cảm thấy mình phải đến đây để cầu nguyện, để bày tỏ sự gần gũi, nhưng cũng để thức tỉnh lương tâm chúng ta để sự việc này khỏi tái diễn nữa. Xin làm ơn, đừng để tái diễn nữa! Nhưng trước tiên tôi muốn nói một lời chân thành cám ơn và khích lệ anh chị em, nhân dân tại đảo Lampedusa và Linosa này, các hiệp hội, những người thiện nguyện và các lực lượng an ninh, anh chị em đã và đang tỏ ra quan tâm đến con người, trong hành trình của họ hướng về một cái gì tốt đẹp hơn. Anh chị em là một nhóm nhỏ bé, nhưng là một mẫu gương sáng về liên đới! Tôi cũng cám Đức Tổng Giám Mục Francesco Montenegro vì sự giúp đỡ và hoạt động, vì sự gần gũi mục tử. Tôi thân ái chào bà thị trưởng Giusy Nicolini. Xin cám ơn vì những gì bà đã và đang làm. Tôi nghĩ đến những người di dân Hồi giáo đang bắt đầu tháng chay tịnh Ramadan, với lời cầu chúc cho họ được dồi dào thành quả thiêng liêng. Giáo Hội gần gũi với anh chị em trong việc tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn cho bản thân và gia đình anh chị em.
Sáng hôm nay, dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, tôi muốn chia sẻ vài điều để thức tỉnh lương tâm của mọi người, thúc đẩy suy tư và thay đổi cụ thể một số thái độ.
“Adam, ngươi ở đâu?” là câu hỏi đầu tiên mà Thiên Chúa gửi đến con người sau khi phạm tội: “Ngươi ở đâu?” Đó là một con người lạc hướng đã mất chỗ đứng của mình trong công trình sáng tạo vì tưởng mình trở thành quyền năng, có thể thống trị mọi sự, trở thành Thiên Chúa. Và sự hòa hợp bị phá vỡ, con người sai lầm, và điều này cũng lập lại trong quan hệ với tha nhân, tha nhân không còn là ngừơi anh em tôi phải yêu mến, nhưng chỉ là một người khác làm xáo trộn đời sống của tôi, an sinh của tôi. Và Thiên Chúa đặt câu hỏi thứ hai: ”Cain, em ngươi ở đâu?” Giấc mơ trở thành quyền năng, cao trọng như Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa, dẫn tới một chuỗi những sai lầm và cũng là một xiềng xích sự chết, đưa tới việc đổ máu người em của mình!
Ngày nay, hai câu hỏi này của Thiên Chúa cũng vang dội với tất cả sức mạnh! Bao nhiêu người trong chúng ta, kể cả tôi nữa, chúng ta ngỡ ngàng mất hướng, chúng ta không còn chú ý đến thế giới chúng ta sống, không chăm sóc, không bảo tồn những gì Thiên Chúa đã dựng nên cho tất cả mọi người, và chúng ta cũng không có khả năng giữ gìn nhau. Và khi sự ngỡ ngàng mất hướng này mang lấy chiều kích thế giới, thì xảy ra thêm những thảm trạng như chúng ta đã chứng kiến…
Hỡi những người dân đảo Lampedusa, một lần nữa tôi cám ơn anh chị em vì tình liên đới! Mới đây tôi đã nghe một trong những người anh em ấy. Trước khi đến đây, họ đã ở trong tay những kẻ buôn người, những kẻ khai thác sự nghèo đói của người khác; những người mà đối với họ sự nghèo đói của tha nhân trở thành nguồn lợi cho mình. Bao nhiêu người đã chịu đau khổ, và vài người đã đến được nơi đây!
Ngày nay … chúng ta đã mất ý thức trách nhiệm huynh đệ, chúng ta rơi vào thái độ giả hình của vị tư tế và người phục vụ tại bàn thờ, mà Chúa Giêsu đã nói đến trong dụ ngôn Người Samaritano nhân lành: chúng ta nhìn người anh em giở sống giở chết bên vệ đường, có lẽ chúng ta nghĩ: tôi nghiệp hắn, và chúng ta tiếp tục đi, chúng ta nghĩ đó không phải là nhiệm vụ của mình; và chúng ta cảm thấy mình hợp luật rồi. Nền văn hóa an sinh sung túc làm cho chúng ta nghĩ đến chính mình, làm cho chúng ta không nhạy cảm đối với tiếng kêu của người khác, làm cho chúng ta sống trong những bong bóng xà bông, nó đẹp nhưng chẳng là gì cả, đó là ảo tưởng về sự phù dù, tạm bợ, dẫn tới sự dửng dưng đối với tha nhân, đúng hơn nó đưa tới tình trạng toàn cầu hóa thái độ dửng dưng (globalization of indifference). Chúng ta trở nên trơ lì trước đau khổ của người khác, coi đó là điều chẳng liên hệ đến chúng ta, không làm chúng ta quan tâm…!
“Adam, ngươi ở đâu?”, “Em ngươi ở đâu?”, đó là hai câu hỏi mà Thiên Chúa nêu lên vào đầu lịch sử nhân loại, và Ngài cũng gửi tới tất cả những người thời nay, cả chúng ta nữa. Nhưng tôi muốn chúng ta đặt câu hỏi thứ ba: Có ai trong chúng ta đã khóc vì sự kiện này, vì những sự kiện thuộc loại này? Có ai trong chúng ta đã khóc vì cái chết của những anh chị em này? Có ai đã khóc vì những người đã ở trên thuyền, vì những bà mẹ trẻ mang con thơ của họ, vì những ngừơi muốn một cái gì đó để nâng đỡ gia đình họ? Chúng ta là một xã hội không còn biết khóc, không còn biết đồng cảm, một xã hội toàn cầu hóa thái độ dửng dưng! Trong Tin Mừng chúng ta nghe tiếng kêu, tiếng khóc: “Rachele khóc con mình.. vì chúng không còn nữa”. Hêrôđê đã gieo chết chóc để bảo vệ an sinh của ông, bảo vệ cái bong bóng xà bông của ông. Và điều này đang còn tiếp tục tái diễn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa xóa bỏ những gì của Hêrôđê còn tồn đọng trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ơn biết khóc vì sự dửng dưng của chúng ta, vì sự tàn ác trên thế giới, trong chúng ta, và nơi những người vô trách nhiệm khi đưa ra những quyết định xã hội kinh tế mở đường cho bao thảm trạng như vậy…
V. Trong sứ vụ linh mục tại Việt Nam hiện nay…
Để khép lại những chia sẻ mang tính tổng hợp này, con xin nêu một ghi nhận với vài gợi ý:
– Điều ghi nhận: Đức Thánh Cha Phanxicô là như thế đó, từ lâu, chứ không phải ngài chỉ bắt đầu “diễn” như thế từ khi làm giáo hoàng. Biết bao giai thoại về cung cách “đi ra” của ngài đã làm người ta ngạc nhiên kể từ buổi tối ngày 13.3.2013 ấy; song với ngài, tất cả chỉ là bình thường, tự nhiên, bởi vì ngài vốn vậy. Cha Guillermo Ortiz, dòng Tên, đang làm việc cho Đài Vatican và rất quen thuộc với Đức Phanxicô từ trên ba mươi năm nay, đã làm chứng cho điều này. Ngài nói: “Tôi không thấy khó khăn gì khi thấy ngài như là linh mục quản xứ của Rôma, hay là linh mục quản xứ của thế giới, vì ngài luôn xem mình là một linh mục…!”
– Nếu chúng ta cho phép cảm hứng “đi ra” của Đức Thánh Cha Phanxicô tác động nơi mình, thì sự tác động ấy sẽ bao hàm:
+ Việc mở cửa – không mở cửa thì làm sao đi ra? Nhưng trước hết, mở cửa cũng là để cho người ngoài có thể bước vào! Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một bài giảng lễ rằng “Những ai đến gần Hội Thánh phải tìm thấy cánh cửa rộng mở chứ không phải thấy những người muốn kiểm soát đức tin”. Con nhớ khuyến cáo của Cha cố Đaminh đang hiện diện nơi đây: “Cửa nhà cha sở phải luôn mở rộng như cửa nhà của thầy thuốc!”
+ Việc đi ra, cả bằng đôi bàn chân để đích thân thăm viếng, gặp gỡ, lẫn bằng mối quan tâm chân thành đến mọi cảnh huống của đời sống con người…
+ Việc xác lập rõ ràng mối ưu tiên hay sự nhấn mạnh trong sứ vụ mục vụ. Chẳng hạn, giữa tính cơ chế và tính đặc sủng của Giáo hội, vấn đề không phải là chọn gì và bỏ gì, mà là ta sẽ ưu tiên gì và nhấn mạnh gì… Ở đây, con cảm thấy như chúng ta có thể ‘lẩy’ lời của chính Chúa Giêsu, để nói: “Ai cố giữ cơ chế thì sẽ mất, ai liều mất cơ chế thì sẽ giữ được nó!”
Cuối cùng, con thiển nghĩ, nếu các giám mục và linh mục trong Giáo hội nhận cảm hứng từ Đấng kế vị Thánh Phêrô, thì đó là điều… thật đáng mừng!
Con xin chân thành cám ơn,
Lm. Giuse Lê Công Đức, XB.
[có tham khảo một số bài từ trang blog của John Thavis, trang Zenit, Vietcatholic, và website HĐGMVN]
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?