CẬP NHẬT MỘT CẢNH BÁO NGHIÊM TRỌNG: LẠM DỤNG TÌNH DỤC VÀ CÁC GIẢI PHÁP
Hội Ngộ Linh Mục Cựu Sinh Viên Xuân Bích
Ngày 7-9/7/2015 tại Đàlạt
Những tổn thương lạm dụng tình dục đã và đang xảy ra đó đây do hàng giáo sĩ khiến Giáo Hội đang nỗ lực siết chặt kỷ luật và tìm kiếm các biện pháp thích ứng để sửa chữa, uốn nắn và thanh lọc một cách rốt ráo, mà nặng nhất là tước bỏ mọi tước vị và thánh chức, buộc trở về tình trạng giáo dân. Trong Tài liệu làm việc của THĐGMTG về Gia Đình vào tháng 10 tới đây được công bố sáng ngày 23/6/2015 cũng có nhấn mạnh lời báo động về nạn dâm ô, sự sử dụng sai trái các mạng internet, quan tâm đến phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị khai thác tình dục[1]. Đó là những lý do để chúng ta cần cập nhật một lời cảnh báo nghiêm trọng cho cả chính mình, như lời thánh Clêmentê I Giáo hoàng viết cho tín hữu Corintô: “Tôi viết cho anh em những điều này, không phải để khuyên nhủ anh em, mà còn để tự nhắc nhở mình nữa. Quả thật, chúng ta đang cùng ở trong một đấu trường, tham gia cùng một trận tuyến, nên chúng ta phải bỏ các mối bận tâm vô ích, phải sống theo quy luật quý giá và đáng trọng của truyền thống chúng ta. Hãy xem cái gì tốt, cái gì đẹp, cái gì vừa ý Chúa. Hãy chăm chú nhìn vào máu Đức Kitô, và biết rằng máu của Người quý giá biết bao đối với Thiên Chúa, vì để cứu chúng ta, máu ấy đã đổ ra mang lại ơn sám hối cho toàn thế giới”[2].
1. Tiến trình tăng trưởng và các nguy cơ
Xét về mặt thể lý, mọi tế bào trong cơ thể con người cứ từng 7 năm một lần đều được thay thế để tăng trưởng. Vấn đề sinh lý và tính dục cũng thế với các tuyến nội tiết và các loại hooc-môn đặc trưng thuộc phái tính qua từng giai đoạn tuổi đời “không ai dạy cho khỉ mà khỉ vẫn biết leo cây”. Chúng ta cũng cần hiểu biết những xúc cảm bản thân hơn để sống giới tính của mình với tâm hồn bình an thanh thản trong đời tu, thoát khỏi những áp lực căng thẳng của cám dỗ và ham muốn tự nhiên gây nên mặc cảm sợ hãi về sự yếu đuối con người của mình, đôi khi tự đặt vấn đề không biết liệu có tu bền đỗ được không?
Đi tu nhưng chúng ta vẫn không thôi là con người vốn có những ham muốn sinh lý tính dục tự nhiên. Nguyên khởi cảm nhận những ham muốn tự nhiên ấy không tội lỗi gì hết, vì đấy là sự phát huy chức năng của các cơ quan thể xác mà Chúa đã an bài để tiếp tục thực hiện công trình sáng tạo, hãy hiểu biết điều đó để tâm hồn bằng an thanh thoát. Chỉ thứ phát dừng lại ở những ham muốn đó và tìm cách thỏa mãn trái qui trình bậc sống mới là tội. Để vận dụng tốt các qui trình tự nhiên ấy, chúng ta cần cẩn thận trong những giao tiếp gần gũi thân mật với người khác giới. Cần phải triệt để lưu ý và thực hiện năm yếu tố cần giữ gìn trong các mối tương quan khác phái: – nơi chốn gặp gỡ, – thời gian và thời lượng, – khoảng cách thể lý và tâm lý, – sự có mặt của những người thứ ba – và sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thật của Chúa.
Ai ai cũng đều biết rõ rằng mọi thân xác đều có tính dục, và mọi tương quan đều có tính cách phái tính, kể cả tương quan máu mủ và thiêng liêng, mà thánh Phaolô cảnh báo “khởi sự trong tinh thần mà kết thúc trong xác thịt”. Nhưng có những hoàn cảnh khiến các hấp dẫn và khao khát tự nhiên về tình cảm và tính dục bộc lộ mãnh liệt hơn. Phân tâm học nhấn mạnh đến năng lực tình dục mà Freud gọi là Libido, tức năng lực thúc đẩy dục tính bên trong. Năng lực này có ở trong mỗi con người: nếu được cân bằng, nó sẽ thúc đẩy hướng đến tình yêu và lý tưởng; còn nếu bị mất cân bằng hay bị cản trở thì nó sẽ trở thành xung động rối loạn tận đáy nội tâm, như khối lửa âm ỷ trong lòng đất chờ thời cơ để phun trào. Xung động rối loạn này khi chưa bộc phát ra sẽ ở dạng dồn nén, nhưng nó không bao giờ ngồi yên, mà luôn thúc đẩy nội tâm con người tìm cho nó một lối thoát. Nó sẽ được thoát ra theo hai dạng, hoặc là thăng hoa hướng thượng đạo đức, hoặc là méo mó có tính cách bản năng suy thoái. Nhưng việc cho nó thoát ra theo dạng nào phụ thuộc vào ý chí và sự trưởng thành nhân bản, cũng như thiêng liêng của con người.
Ngày nay trẻ trưởng thành sinh học sớm hơn, lại có những cách giáo dục giới tính vội vàng không thích hợp, cộng với các tác động internet của phim ảnh xấu và các mối liên hệ không lành mạnh táo bạo, khiến có những cơn sóng ngầm nguy hiểm kích thích nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cũng như những người lớn yếu thế không thể tự vệ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý dữ kiện tâm sinh lý hấp dẫn tính dục, mà ai cũng có thể hoặc là kẻ tấn công hoặc là nạn nhân[3]. Trong lãnh vực này không ai được phép cho rằng mình mạnh cả. Thánh Phaolô thú nhận: “Có ai trong anh em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối; có ai trong anh em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt”[4] và Ngài nhắc nhở “ai tưởng rằng mình đang đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã”[5]. Gương Samson-Dalila[6], cũng như vua Salomon vào cuối đời là một bài học nhắc nhở quý báu[7]. Chúa Kitô dạy phải dùng đến hợp lực của sức Chúa và sức con người chúng ta: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhẹ nhàng chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề yếu đuối”[8]. ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi người, tín hữu, Giám mục, linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa”[9].
2. Nạn lạm dụng tính dục
Do tiến trình tăng trưởng tâm sinh lý và các nguy cơ vừa nói, được tác động mạnh bởi môi trường tục hóa hưởng thụ vật chất khoái lạc, đời sống đạo đức của một số giáo sĩ, tu sĩ đang thay đổi và xuống cấp đưa tới nạn lạm dụng tình dục, không phải chỉ với trẻ em, mà còn lén lút với người lớn yếu thế, cả nữ tu và người có gia đình nữa[10], mà mỗi bên đều có thể vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân, như người Miền Trung thường nói “tại cả anh tại cả ả, tại cả và hai”, nhất là khi có sự can thiệp của dữ kiện tâm sinh lý hấp dẫn tính dục.
Thật ra, lạm dụng tình dục được định nghĩa như là sự quấy nhiễu hay ép buộc khơi dậy chức năng tính dục nơi người khác, dù nam hay nữ, đã trưởng thành hay trẻ con. Bệnh ấu dâm không phải là căn bệnh của riêng giới độc thân, mà cả nơi những người đã lập gia đình, chung quanh gia đình và các cơ cấu xã hội, như thống kê 2% minh chứng. Căn bệnh này không chọn lựa đối tượng đặc thù, nhưng khi có điều kiện môi trường hay do bất trắc tâm lý, thì nó sẽ bộc lộ ra trong suy nghĩ và hành vi.
Chỉ trong vòng 2 năm 2011-2012, ĐGH Biển Đức XVI đã sa thải gần 400 linh mục vì xâm hại tình dục trẻ em. Theo số liệu thống kê mới nhất của Giáo Hội năm 2012, có khoảng 414.000 linh mục Công giáo trên toàn thế giới, trong đó khoảng 2% là những kẻ lạm dụng tình dục’. Chính ĐTC Phanxicô đã tuyên bố: “Nhiều người trong số cộng tác viên của tôi đã cùng tôi chiến đấu chống lại tội ấu dâm trấn an tôi với số liệu thống kê đáng tin cậy về mức độ ấu dâm trong Giáo Hội là khoảng 2%’, mà Ngài coi đó là một thứ ‘phung hủi trong nhà của chúng tôi’[11].
Đáng buồn hơn là không chỉ một số đáng kể linh mục, tu sĩ lạm dụng tình dục và có con cái nơi này nơi kia, mà cả một số ít Giám mục cũng mắc phải tệ nạn này nữa. Rõ rệt là Giám mục Phụ tá của TGP. Los Angeles, Gabino Zavala, đã thú nhận có hai đứa con ở một tiểu bang khác, buộc phải từ chức[12]; TGM. Milingo đã kết hôn với bà Maria Sung trong một nghi thức kết hôn tập thể của giáo phái Moon, tại New York, ngày 27/5/2001[13]; HY. Keith Michael Patrick O’Brien, nguyên TGM Giáo phận Saint Andrews và Edinburg, Tô Cách Lan[14]. Cao cấp hơn nữa là TGM. Josef Wesolowski, Khâm sứ Tòa Thánh tại Cộng Hòa Dominica, bị cáo buộc dụ dỗ và lạm dụng tính dục các trẻ em đường phố, bị ĐTC triệu về Roma, bãi nhiệm theo Giáo luật, sau đó bị Hiến binh Vatican bắt giam và có nguy cơ chịu án hình luật phạt 35 năm tù giam.
3. Các biện pháp giải quyết
a) Tự bản thân giải quyết
Người Việt Nam chúng ta thường nói: “Nói người hãy nghĩ đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần”. Vậy về phía bản thân mỗi người chúng ta, nếu nhỡ yếu đuối mà sa ngã, thì hãy khiêm tốn cầu xin ơn mau mắn chỗi dậy, sám hối dứt khoát lật sang trang đời mới, đứt đuôi nòng nọc, đứng hẳn về phía Chúa và Giáo Hội[15]. Nói nguyên tắc là vậy, nhưng không dễ đâu, bản thân mình đã rồi mà còn phía kia đòi hỏi, ép buộc nữa, “cây muốn lặng mà gió không ngừng”. Do vậy cần phải có quyết tâm bản thân cao và sự giúp đỡ của người khác, nhất là với ơn Chúa. Cũng cần lưu ý rằng thế gian không chỉ ghi nhận mọi sơ hở, mà còn gài bẫy để mặc cả, đặt điều kiện ép buộc có lợi cho họ, bất chấp thiệt hại của Giáo Hội, của các linh hồn và của chính bản thân chúng ta. Nếu chẳng may vấp phải, hãy khiêm tốn thành thật trình bày với Bề trên Giáo Hội, các ngài sẽ có cách giúp đỡ giải quyết, càng muốn che đậy giấu diếm càng bị kẹt vì phải chấp nhận hết điều kiện nọ đến điều kiện kia, luôn sống trong bất an và sợ hãi[16]. Nỗ lực sống trong sáng và triệt để những đòi hỏi của đời tu, thông cảm nâng đỡ anh em và khiêm tốn cầu xin, vì nếu Chúa không thương che chở thì có khi mình lại đã sa ngã nặng nề hơn. Ngoài ra, nhớ thực hiện năm phương thế sống lành mạnh các mối tương quan vừa nhắc ở trên: Nơi chốn gặp gỡ – Thời gian và thời lượng – Khoảng cách thể lý và tâm lý – Sự có mặt của những người thứ ba – Sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.
Trong lãnh vực này, chúng ta đừng quên có ba thứ tội tối kỵ đối với linh mục kèm theo vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm. Chúng ta hãy biết điều đó để tránh khỏi cái vạ rắc rối kia, sau này ai có lỡ mà sa ngã thì đừng giải tội cho người đồng phạm, dù có sợ bị lộ phải xấu hổ, hầu khỏi nguy cơ tội chồng chất thêm tội phạm thánh, sống bất an suốt đời, và khi chết biết đi về đâu !? Nhắc các ứng sinh nhớ khi học Giáo luật và Bí tích Giải tội thì đừng có chia trí hay bỏ giờ lớp để rồi biện minh là không có biết vạ ấy đâu nhé!
b) Các biện pháp của Giáo Hội
Chúng ta nên xem qua các biện pháp giải quyết của Giáo hội, cũng như những đòi hỏi của xã hội, của các nạn nhân và gia đình của họ. Những đòi hỏi và biện pháp ấy cũng là những dấu hiệu cảnh báo về hiểm nguy, là những biển chỉ đường hướng dẫn và bảo vệ chúng ta an toàn trên con đường và sứ vụ ơn gọi.
Lập trường của ĐTC Biển Đức XVI là ‘tuyệt đối không khoan nhượng đối với tội ác đó’. Ngài nhắc trong thư gửi người công giáo Ái Nhĩ Lan: “Những tệ hại đó do các thủ tục thiếu sót trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng của các ứng viên chức linh mục và cuộc sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng liêng trong các chủng viện và tập viện.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước đó, vào năm 2002, cũng đã nói: “Không có chỗ đứng trong hàng linh mục và trong đời tu trì cho những kẻ làm hại người trẻ… Cần phải giáo dục cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân cũng như trách nhiệm làm cha tinh thần, và cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”.
Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một Thư Luân Lưu[17] nhằm giúp các HĐGM trên khắp thế giới soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục. Bộ yêu cầu mỗi HĐGM gửi về Bộ trước cuối tháng 5/2012 một bản sao những đường hướng và các biện pháp nghiêm khắc vừa nói. Trong các cách xử lý có bao hàm việc áp đặt một hình phạt chung thân như việc rút khỏi bậc giáo sĩ.[18]
ĐTC Phanxicô tái khẳng định tiếp tục đường hướng mà ĐTC Biển Đức XVI đã vạch ra để hành động kiên quyết liên quan đến các trường hợp lạm dụng tình dục. Ngài nói: “không thể ở địa vị có quyền thế để rồi hủy hoại đời một người khác… phải lấy lại “bài sai”, không cho phép người đó thi hành chức linh mục nữa, và nên khởi sự một phiên tòa theo Giáo luật. Tôi nghĩ đó là việc phải làm ngay… Tôi ngưỡng mộ sự can đảm và chính trực của Đức Bênêđictô về vấn đề này… Nếu linh mục nào đến cho tôi hay đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi sẵn sàng lắng nghe, rồi từ từ giúp ông hiểu ra rằng luật tự nhiên đã lấn át chức linh mục của ông. Ông phải rời bỏ thừa tác vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ đó đi nữa, vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có một người cha như thế. Tôi cam kết sẽ dàn xếp mọi giấy tờ cho ông ở Rôma, nhưng ông phải rời bỏ mọi sự. Linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn năn, tôi sẵn sàng giúp ông chỗi dậy. Có linh mục chỗi dậy được, có linh mục không. Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với Giám mục của mình[19]. Chỗi dậy là làm việc đền tội, duy trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho ai cả. Tôi không thích lối sống ấy vì nó giả dối, bởi thế tôi thường nói: ‘nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định ra đi”[20].
ĐTC Phanxicô đã chấp nhận đề nghị của Hội Đồng Hồng Y quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt tư vấn cho ĐTC để bảo vệ trẻ em. Các lãnh đạo HĐGM Mỹ mau mắn tuyên bố hỗ trợ Uỷ ban này của Tòa Thánh. Sau khi đã mất 2,2 tỷ mỹ kim đền bù, một số giáo phẩm phải từ chức và sáu giáo phận phải tuyên bố phá sản vì không đủ tiền bồi thường do nạn giáo sĩ lạm dụng, Đức TGM Joseph E. Kurtz, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, giải thích rằng các Giám mục Hoa Kỳ đã học được nhiều biện pháp quan trọng để giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng, bao gồm cả kiểm tra lý lịch, giáo dục trẻ em và người lớn về an toàn trẻ em, loại bỏ nhanh chóng người phạm tội, và sự cần thiết các cơ quan Giáo Hội và chính quyền dân sự làm việc cùng nhau[21].
Trong cuộc gặp gỡ 120 Bề trên Tổng Quyền Dòng Nam ngày 29/11/2013, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn lọc các ứng viên vào đời sống tu trì, để loại bỏ những người có những lầm lỗi không thể chữa trị được. Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng không phải tất cả chúng ta đều là những người ung thối hư hỏng. Người tội lỗi được chấp nhận, nhưng không thể chấp nhận những người ung thối, hư hỏng”[22].
Trong bài giảng lễ ngày 16/1/2014 tại nhà Martha, ĐTC Phanxicô mạnh mẽ đặt câu hỏi: “Chúng ta xấu hổ vì những xì căng đan, những chiến bại của các linh mục, giám mục, giáo dân? Lời Chúa trong những xì căng đan ấy thật là hiếm hoi! Họ không có quan hệ với Thiên Chúa! Họ có một địa vị trong Giáo Hội, một địa vị quyền lực và thoải mái. Nhưng lời Chúa thì họ không có… Tội nghiệp dân! Chúng ta không cho họ bánh sự sống để ăn, chúng ta không cho họ chân lý! Thậm chí chúng ta cho họ ăn bánh bị nhiễm độc bao nhiêu lần! Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đừng bao giờ quên Lời Chúa, xin cho Lời Chúa đi vào tâm hồn chúng ta và không bao giờ quên dân thánh trung thành của Chúa đang xin chúng ta bánh mạnh mẽ!”[23]
Thế mà thật đáng tiếc là ngày 5/2/2014, Ủy ban về quyền trẻ em của LHQ gay gắt cáo buộc Tòa Thánh để mặc nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và thúc giục mở hồ sơ về các người phạm tội ấu dâm cũng như các Giáo phẩm che đậy các tội ác của họ, trong khi đó Giáo Hội luôn nhận trách nhiệm đối với các linh mục và giám mục từng góp phần vào việc lạm dụng này, và đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt và hữu hiệu để xử lý các vấn đề này.
Ngoài ra Ủy ban này của LHQ còn chỉ trích Tòa Thánh về các thái độ đối với đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai, đồng thời yêu cầu Tòa Thánh nên duyệt lại các chính sách của mình. Họ dùng tệ nạn này làm cớ để tấn công Giáo Hội, mưu toan can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và việc thi hành tự do tôn giáo, chứ thật khó mà tìm được các định chế quốc tế hay quốc gia nào khác đã làm được nhiều như thế một cách chuyên biệt để bảo vệ trẻ em, như Giáo Hội Công Giáo. Chính ĐTC Phanxicô đã nói: “Giáo Hội đã làm rất nhiều trên con đường này. Có lẽ nhiều hơn bất cứ ai. Các thống kê về hiện tượng bạo lực đối với trẻ em gây sốc, nhưng chúng cũng cho thấy rõ ràng rằng phần lớn các vụ lạm dụng diễn ra trong môi trường gia đình và xung quanh gia đình. Giáo Hội Công Giáo có lẽ là cơ cấu công cộng duy nhất đã hành động với tính minh bạch và trách nhiệm. Không có cơ cấu nào khác đã làm được hơn. Thế mà Giáo Hội là người duy nhất bị tấn công”[24].
Và qua những mưu tính thù nghịch cách bất công đó, đã có những thế lực vận động tẩy chay Tòa Thánh ra khỏi LHQ để Tòa Thánh không có tiếng nói ở LHQ nữa. Thế giới Công giáo cũng có những nỗ lực ngược lại ký thỉnh nguyện thư bảo vệ sự hiện diện của Tòa Thánh tại LHQ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện và nỗ lực hết mình cho tiếng nói của Chân Lý luôn được vang lên.
Trong bài giảng lễ cầu cho nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục ngày 7/7/2014 tại Nhà Matta, ĐTC Phanxicô nói lên nỗi buồn đau của mình: “Tôi cảm thấy buồn khổ và đau đớn trước sự kiện có một số linh mục và giám mục, bằng việc lạm dụng tình dục các em vị thành niên, đã phạm đến tính chất ngây thơ vô tội của họ cũng như đến ơn gọi linh mục của mình, vượt trên cả những hành động đáng khinh ghét. Nó như là một thứ tôn sùng phạm thánh, vì những em trai em gái ấy được trao phó cho linh mục để được mang đến cùng Thiên Chúa, thì họ đã hiến tế cho ngẫu tượng tình dục của mình. Họ tục hóa chính hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta giống như Ngài”. “Giáo Hội xin được ơn khóc lóc trước những hành vi lạm dụng cực kỳ xấu xa đã lưu lại các vết sẹo cả đời. Tôi biết rằng những vết thương này là nguồn đau đớn da diết sâu xa và thường xuyên về cảm xúc cũng như thiêng liêng, thậm chí đến thất vọng chán chường. Nhiều người đã chịu đựng như thế cũng đã tìm vơi đi trong nghiện ngập. Những người khác đã trải qua những khó khăn khổ đau trong mối liên hệ với cha mẹ, vợ chồng và con cái. Một số người thậm chí đã phải đương đầu với thảm họa kinh hoàng tự tử. Các cái chết của những con cái rất yêu dấu của Thiên Chúa này đã đè nặng trên tâm can và lương tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội… Tội lỗi lạm dụng tình dục của giáo sĩ phạm đến những em vị thành niên có một tác dụng độc hại trên đức tin và đức cậy vào Thiên Chúa. Một số đã giữ vững đức tin, trong khi đó có những người cảm nghiệm bị lừa đảo và bỏ rơi nên đã mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa’.
Thế rồi Ngài bày tỏ lập trường và kế hoạch hành động trong tương lai: “Không có chỗ đứng trong thừa tác vụ của Giáo Hội cho những ai phạm đến những thứ lạm dụng ấy, và tôi tự hứa rằng sẽ không dung nhượng cho bất cứ tác hại nào gây ra cho một em nhỏ bởi bất cứ cá nhân nào, dù là giáo sĩ hay không. Tất cả mọi vị Giám Mục cần phải thi hành thừa tác mục vụ của mình một cách hết sức cẩn thận để giúp bảo trì việc bảo vệ vị thành niên, và các vị sẽ bị trả lẽ về vấn đề này… Chúng tôi sẽ tiếp tục tỉnh táo trong vấn đề huấn luyện linh mục. Tôi tin tưởng vào các phần tử thuộc Ủy Ban Tòa Thánh Bảo Vệ Trẻ Em. Tôi xin được sự nâng đỡ này để bảo đảm rằng chúng ta phác họa những qui chế cùng với những phương sách tốt đẹp hơn trong Giáo Hội hoàn vũ để bảo vệ vị thành niên cũng như để huấn luyện nhân viên của Giáo Hội áp dụng những qui chế và phương sách ấy. Chúng ta cần phải làm hết sức có thể để bảo đảm rằng những tội lỗi này không còn chỗ đứng nữa trong Giáo Hội”.
ĐTC cũng xin lỗi và xin cầu nguyện cho Ngài: “Trước nhan Thiên Chúa và dân của Ngài, tôi xin bày tỏ niềm sầu thương của tôi về tội lỗi và các tội ác trầm trọng lạm dụng tình dục của giáo sĩ đã phạm đến anh chị em. Tôi khiêm tốn xin anh chị em tha thứ. Tôi cũng xin anh chị em tha thứ cả các tội lỗi không chịu ra tay giải quyết về phía các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, những vị không đáp ứng một cách thích đáng trước việc tường trình lạm dụng do gia đình nạn nhân, cũng như bởi chính nạn nhân. Điều ấy lại càng gây ra khổ đau hơn nữa nơi những ai bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho các trẻ em vị thành niên có thể bị nguy cơ lạm dụng… Xin cầu nguyện cho tôi, để đôi mắt của lòng tôi thấy được một cách rõ ràng con đường của tình yêu nhân hậu, và để Thiên Chúa ban cho tôi lòng can đảm kiên trì trên con đường này vì thiện ích của tất cả mọi trẻ em và giới trẻ”[25].
Và khi gặp gỡ sáu nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục gồm ba người đàn ông và ba phụ nữ từ Anh, Ái Nhĩ Lan và Đức, ĐTC Phanxicô đã cam kết: “Chúng ta cần phải tiến lên phía trước trong chuyện này với chính sách Zero tolerance” (hoàn toàn không khoan nhượng)… Một linh mục gây ra điều này là phản bội lại Nhiệm Thể Chúa, bởi vì các linh mục cần phải dẫn cậu bé này, cô gái kia, người thanh niên này, người phụ nữ trẻ nọ nên thánh. Và cậu bé này, cô gái kia tin tưởng nơi vị linh mục, thế mà thay vì đưa họ đến sự thánh thiện lại lạm dụng họ. Thật là một tội lỗi rất nghiêm trọng”.
4. Giải pháp tốt của một thời
Trong thân phận yếu đuối của con người, ai cũng có thể bị sa ngã phạm tội giới răn thứ sáu và cả thứ chín nữa. Đúng vậy, khi điều tra, người ta phát hiện ra rằng việc lạm dụng trẻ em chỉ là một phần của một vấn đề lớn hơn, vì trong thực tế có nhiều phụ nữ thuộc nhiều bậc sống đã bị lạm dụng tình dục. Nhưng khi giáo sĩ vấp phạm thì trước đây, các lãnh đạo Giáo hội địa phương thường giải quyết cách kín đáo trong phạm vi nhỏ hẹp, công chúng không hay biết gì: linh mục mắc sai phạm hoặc bị cáo buộc được đổi đi nơi khác, hoặc cho đi tĩnh tâm sửa mình dài ngày trong một tu viện chiêm niệm, thậm chí cho ra nước ngoài học hay làm việc. Nếp suy nghĩ ẩn chứa trong giới giáo sĩ nhằm lý do bảo vệ tổ chức Giáo Hội bằng cách che đậy các vụ bê bối. Người ta có thể nói rằng tính gia trưởng trong giới giáo sĩ và các nhà lãnh đạo của Giáo Hội có khuynh hướng quan tâm bảo vệ hình ảnh, quyền lực và định chế là gốc rễ của tình trạng lạm dụng và sự che đậy[26].
Nạn nhân thông thường là muốn bảo vệ hay phớt lờ kẻ đã gây ra cho mình, đặc biệt người gây ra ấy là một thành viên trong gia đình hay những người thân cận, những người đang dưỡng nuôi dạy dỗ hay trao ban sự an toàn vật chất lẫn tinh thần mà họ đang rất cần. Hầu hết các nạn nhân nói ra kẻ đã lạm dụng mình chủ yếu là những người không mấy thân thiết với kẻ lạm dụng. Như thế, nếu kẻ lạm dụng đã “nắm thóp” nạn nhân thì nạn nhân không dám đối diện và tiết lộ[27]. Điều này cũng là một lời giải thích cho việc các lãnh đạo Giáo Hội không thể biết hết các trường hợp lạm dụng để giải quyết, chứ không phải che đậy.
Nhưng vấn đề lạm dụng trẻ em là một chấn thương vẫn còn rớm máu, thế giới đòi được giải quyết rốt ráo, không những các người phạm tội ấu dâm mà còn các giáo phẩm che đậy các tội ác của họ nữa. Và thực tế kể cả Giáo Hội Công giáo ngày nay cũng không còn chịu đựng bất kỳ sự che đậy nào. Chính ĐTC Phanxicô bày tỏ lập trường: “Tôi không tin vào việc chủ trương rằng cần phải duy trì một tinh thần hợp đoàn để tránh gây thiệt hại cho hình ảnh của định chế”. Ngài đòi hỏi: “Tất cả mọi vị Giám Mục cần phải thi hành thừa tác mục vụ của mình một cách hết sức cẩn thận để giúp bảo trì việc bảo vệ vị thành niên, và các vị sẽ bị trả lẽ về vấn đề này”[28].
Các nạn nhân còn đòi hỏi mạnh mẽ hơn nữa, như bà Marie Kane nói: “thật là tai tiếng nếu cứ để những người che giấu tội ác vẫn còn giữ chức vụ trong phẩm trật Giáo hội và Giáo hội sẽ chẳng thay đổi gì nếu những người này vẫn giữ chức vụ của họ”; hay ông Saunders “Tôi cầu nguyện để ĐTC gởi sứ điệp cho từng giám mục và từng địa phận trên toàn thế giới để họ sẽ không bao giờ che giấu những chuyện như thế này nữa”. Đức Phanxicô đã đồng ý: “Về vấn đề này thì không có chuyện cha che cho con”[29]. Nhiều Giám mục bị cáo giác là đã bao che cho các linh mục của các Vị đã bị bó buộc từ chức hoặc sa thải, nổi bật nhất là trường hợp của ĐHY Bernard Law Giáo phận Boston, từ chức vào tháng 12/2002 ở tuổi 71.
ĐTC Phanxicô đau lòng nói: “Và tôi khiêm tốn xin anh chị em tha thứ. Tôi cũng xin anh chị em tha thứ cả các tội lỗi không chịu ra tay giải quyết về phía các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, những vị không đáp ứng một cách thích đáng trước việc tường trình lạm dụng do gia đình nạn nhân, cũng như bởi chính nạn nhân. Điều ấy lại càng gây ra khổ đau hơn nữa nơi những ai bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho các trẻ em vị thành niên có thể bị nguy cơ lạm dụng”.
Trong nỗ lực ấy, ngày 2/2/2015, ĐTC đã gửi thư đến các HĐGM và các Bề trên dòng tu để giới thiệu Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, gồm 17 người mà 8 là phụ nữ, trong đó có một nam một nữ đã từng là nạn nhân khi còn nhỏ, đồng thời kêu gọi cộng tác với cơ quan này. Ủy ban này mới được thành lập hồi tháng 3 năm 2014, với mục đích đưa ra những đề nghị và sáng kiến nhắm cải tiến các qui luật và thủ tục bảo vệ tất cả các trẻ thành viên và những người lớn dễ bị tổn thương. ĐTC nhắc nhở các HĐGM hoàn toàn thực thi lá thư luân lưu của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 3/5/2011, soạn thảo các đường hướng chỉ đạo để đối phó với những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, đề ra phương thế để định kỳ duyệt lại các qui luật và kiểm chứng việc áp dụng các qui luật ấy: thực hiện bất kỳ bước tiến nào cần thiết để bảo đảm cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn yếu thế, và để đáp lại nhu cầu của họ với sự công bằng và lòng thương xót.
Cũng trong lá thư này, ĐTC Phanxicô khẳng định lại lập trường không chấp nhận “giải pháp tốt của một thời”. Ngài nói: “ưu tiên không được cho bất kỳ loại quan tâm nào khác, bất kỳ bản chất của nó là gì, như ước muốn tránh tiếng xấu, vì tuyệt đối không có chỗ trong thừa tác vụ cho những ai lạm dụng trẻ vị thành niên”.
Trong cuộc họp toàn thể đầu tiên hôm 6/2/2015, Uỷ ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên rất lưu tâm đến trách nhiệm của các Giám mục và sẽ đưa ra các đề nghị về quy tắc hành xử để Đức Thánh Cha phê chuẩn, bao gồm những hệ quả đối với các Giám mục không tuân thủ các chuẩn mực bảo vệ trẻ em, hoặc không trả lời các cáo buộc[30]. Nhưng điều quan trọng nhất là làm sao hướng tới sự thay đổi thái độ của các chủng sinh, các nhân viên mục vụ, giáo lý viên, giáo viên, y tá làm việc trong các cơ sở Công giáo rằng bảo vệ trẻ vị thành niên là điều vô cùng quan trọng đối với Giáo hội[31].
Trong cuộc phỏng vấn của Valentina Alazraki của Đài truyền hình Mễ Tây Cơ[32], có câu hỏi về vấn đề xâm hại trẻ em và tuyệt đối không dung thứ cho chuyện này, ĐTC Phanxicô trả lời rằng Ủy ban Bảo vệ Trẻ em, mà ngài đã lập năm 2013 là để bảo vệ trẻ em, nghĩa là ngăn chặn trước. Vấn đề xâm hại tình dục là một chuyện đau lòng, với hầu hết các vụ xâm hại diễn ra trong bối cảnh gia đình hay liên quan đến những người quen biết với cả gia đình, chứ không chỉ giáo sĩ và tu sĩ. Nhưng dù chỉ một linh mục mắc tội này cũng là lý do đủ để đánh động toàn thể cơ cấu Giáo hội phải đứng lên đương đầu với nó. Thật vậy, trách nhiệm của một linh mục là giáo dưỡng một bé trai bé gái lớn lên trong sự thánh thiện qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, vậy mà những gì họ làm là hủy hoại cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu.
Đức Phanxicô nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe các nạn nhân, và kể lại cảm nghiệm của mình khi gặp 6 nạn nhân bị xâm hại. Đức Giáo hoàng nói rằng sự hủy hoại nội tâm mà họ đã chịu thật tàn phá quá độ, và dù chỉ một linh mục mắc tội này cũng đủ để chúng ta thấy hổ thẹn và phải bắt tay làm mọi việc có thể để ngăn chặn. ĐGH Phanxicô cũng công nhận sự dũng cảm của Đức Bênêđictô XVI khi công khai tuyên bố đây là một tội ác hủy hoại tạo vật ngây thơ. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã mở ra việc điều tra các tội ác này.
Bản Quy Chế của Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em đã được ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin ký ngày 21/4/2015, để thử nghiệm 3 năm, sau đó Uỷ ban sẽ trình lên Đức Thánh Cha các tu chính để được chính thức phê chuẩn. Trong văn kiện này, cụm từ trẻ vị thành niên và người lớn yếu thế năng được nhắc đi nhắc lại. Ngày 8/5/2015, Tòa Thánh công bố bản viết tay của ĐTC: “Việc bảo vệ trẻ vị thành niên và nỗ lực để bảo đảm cho chúng được phát triển về phương diện con người và thiêng liêng phù hợp với phẩm giá con người thiết yếu thuộc về sứ vụ Phúc Âm mà Giáo hội và toàn thể các thành viên Giáo hội được kêu gọi thực thi trên thế giới… các sự kiện đau lòng buộc Giáo hội phải kiểm điểm lương tâm cách sâu sắc và phải có trách nhiệm xin các nạn nhân và xã hội tha thứ về điều ác mình đã gây nên”[33].
ĐTC trực tiếp nhắc nhở các Giám mục Dominica, nhưng cũng gián tiếp nhắc nhở các Giám mục khác và cả chúng ta: “Tôi mời gọi anh em dành nhiều thời giờ và quan tâm hơn tới các linh mục, chăm sóc mỗi người trong họ, bênh vực họ khỏi những chó sói tấn công cả các mục tử… Trong các chủng viện cần quan tâm đến việc huấn luyện nhân bản, trí thức và tu đức, giúp chủng sinh gặp gỡ thực sự với Chúa, vun trồng sự dấn thân mục vụ và trưởng thành về tình cảm, để có khả năng đảm nhận đời sống độc thân linh mục và hoạt động trong tinh thần hiệp thông”[34].
Mới đây nhất, trong phiên họp thứ 10 của Hội Đồng Hồng Y Tư Vấn từ 8-10/6/2015, Đức hồng y O’Malley, nhân vật hàng đầu của cuộc đấu tranh chống lạm dụng tình dục, đã trình bày một sáng kiến của Uỷ ban Toà Thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên liên quan đến các tố cáo lạm dụng chức vụ Giám mục cũng như các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn yếu thế của các giáo sĩ. Hội Đồng đề nghị ĐTC giao cho Bộ Giám mục, Bộ Truyền giáo và Bộ Các Giáo hội Đông phương thẩm quyền tiếp nhận và điều tra các tố cáo lạm dụng chức vụ Giám mục; thành lập một ban tư pháp mới thuộc Bộ Giáo lý Đức tin và bổ nhiệm nhân sự để xét xử các Giám mục bị nghi ngờ lạm dụng chức vụ[35].
Ngày 15/6/2015, ĐGH Phanxicô quyết định chấm dứt sự im lặng về các tội trạng ấu dâm mà Giáo hội đã im lặng trước đây. Ngài vừa chấp nhận để hai giám mục Mỹ tại Minnesota từ chức vì họ đã phạm tội làm ngơ trước các tội phạm ấu dâm và đồng ý để Tòa án Vatican đưa cựu sứ thần Tòa Thánh, Jozef Wesolowski 66 tuổi ra tòa, vì bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em tại Cộng hòa Dominica và tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em, là quan chức cao cấp nhất trong Giáo hội bị tước bỏ thánh chức trở về tình trạng giáo dân do tội phạm này. Phiên tòa sẽ bắt đầu vào 11/7/2015. Vatican khẳng định quyết tâm bảo vệ các nạn nhân và các linh mục có thể bị tố cáo lầm[36].
Từ khi có sự loan báo Vatican thành lập một Tòa án để xử các vụ bao che thì con số Giám mục từ chức không ngừng gia tăng, như ngày 25/6/2015, ĐTC chấp nhận sự từ chức của Giám mục Gonzalo Galván Castillo 64 tuổi, Giám mục địa phận Autlán, Trung Mễ Tây Cơ, bị cáo buộc đã bao che linh mục Horacio Lopez phạm tội ấu dâm trong địa phận của mình[37].
5. Kết luận
Thương Giáo Hội, thương ĐTC, chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện và nỗ lực cải thiện tốt hơn mỗi ngày đời sống và sứ vụ ơn gọi của chúng ta bằng việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa cùng giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta sẽ không hiểu được theo cái nhìn hạn hẹp của con người tại sao Chúa lại để cho Hội Thánh, Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, phải trải qua những tội lỗi gây đau khổ như thế? Không phải chỉ do những thành phần thấp bé, mà cả những cấp cao trong Giáo Hội? Satan đang cười nhạo Giáo Hội và hả hê về những chiến thắng của nó.
Không, trong cái nhìn đức tin, qua những tổn hại và đau khổ này, Chúa đang dạy cho chúng ta bài học khiêm tốn, đừng tự phụ vì “cây lim cây gõ còn ngã, huống gì chim chim bời lời”, đừng cậy dựa vào sức mình, nhưng luôn luôn tựa nương vào sức Chúa. Chúng ta cũng phải thấy rằng Chúa cho chúng ta thấy Giáo Hội là của Chúa, Chúa gìn giữ và bảo vệ Giáo Hội của Chúa, không để cho cửa hỏa ngục thắng được như Chúa Kitô đã hứa với Phêrô, chứ nếu như Giáo Hội là một tổ chức của con người thì Giáo Hội đã tan nát từ lâu rồi.
Đây có thể là “những dấu chỉ thời đại” mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đọc ra. Qua những dấu chỉ gây nên hổ nhục này, Chúa Giêsu vẫn luôn tìm cách chữa lành chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể được chữa lành khi can đảm hướng đến Chúa Giêsu. Những sự khó chịu và đau đớn đó sẽ gọt dũa bản thân chúng ta và làm cho chúng ta được thanh tẩy và trở nên khiêm hạ hơn. Giáo Hội cũng trở nên khiêm tốn và được thanh lọc hơn, nhờ đã học được bài học từ những lầm lỗi, cố gắng trung thành hơn với Chúa Giêsu và Tin Mừng trong chân lý, công bằng và bác ái.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhu cầu cấp bách phải cầu nguyện, phải hoán cải trở về với Chúa, cải thiện đời sống, phải tân Phúc âm hóa bản thân và cơ cấu, như ĐTC Phanxicô đang nỗ lực thôi thúc, phải hợp tác với ơn Chúa và để cho Chúa tự do làm phần của Ngài. Trong tinh thần đức tin, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa toàn năng có thể biến đổi mọi sự, Ngài có thể rút ra điều tốt từ điều xấu, và Ngài sẽ không bao giờ để cho công trình cứu độ của Ngài phải thất bại, vì nó đã được mua bằng giá máu của Con Chí Ái Ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chúng ta hãy cảm tạ và ca ngợi Chúa, vì tất cả là hồng ân. Amen.
Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
[2] Trích thư thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, gửi tín hữu Corintô – Bài đọc 2 kinh Sách lễ các thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma.
[3] Có sức hấp dẫn tính dục [như Giuse Ai cập với vợ ông quan] hay bị hấp dẫn tính dục [như Đavít với vợ của Uria] đều là nguy hiểm đối với một con người, dù là người đời thường, độc thân hay có gia đình, và cả người tu hành, coi chừng kẻo bị tấn công hoặc tấn công mà vấp ngã. Ngoài ra, nên nhớ không chỉ các phụ nữ độc thân hay các góa phụ, mà một số phụ nữ có gia đình cũng không thể cưỡng lại những người đàn ông có sức hấp dẫn tính dục, hoặc vì sức hấp dẫn tính dục của họ mà lôi kéo người khác sa ngã.
[4] 2 Cr 11, 29.
[5] 2 Cr 11,29; 1 Cr 10,12.
[6] Tl 16,4-6.16-21.
[7] Hc 47,13-20.
[8] Mc 14,38.
[9] ĐHY Carlo Maria Martini, Phaolô đối diện với chính mình, trích Alleluiah số 109.
[10] Vốn là những đối tượng thuộc phạm trù “người trưởng thành dễ bị tổn thương” năng được nhắc đến trong các phát biểu của huấn quyền.
[11] Báo cáo của Philip Pullella, Editing by Rosalind Russell – Roma (Reuters).
[12] Theo thông báo ngày 04/01/2012 của Bản Quyền TGP.
[15] x. Rm 13,11-14.
[16] x. câu chuyện xảy ra tại Ba Lan.
[17] Ra ngày 3/5/2011 và công bố hôm 16/5/2011.
[18] Có ai biết bản kế hoạch và biện pháp của HĐGMVN thế nào không?
[19] Có thể không có cơ hội chăng?! ĐTC Phanxicô trong chuyến tông du 14-18/8/2014 đã nói với các Giám Mục Đại Hàn như sau: “Các vị giám mục không được xa cách thành phần linh mục của mình, hoặc tệ hơn nữa là bất khả đến gần. Tôi cảm thấy nhức nhối khi nói đến điều ấy. Nơi tôi ở có một số linh mục nói với tôi rằng: ‘Con đã gọi cho đức giám mục, con đã xin được gặp ngài; những đã ba tháng rồi mà con vẫn chưa nhận được hồi âm’. Quí huynh ơi, nếu có vị linh mục nào gọi điện thoại cho quí huynh hôm nay và xin gặp quí huynh thì hãy gọi lại cho họ lập tức, hoặc là hôm nay hay là ngày mai. Nếu quí huynh không có giờ gặp họ thì hãy nói cho họ biết rằng: ‘Cha không thể gặp con vì thế này thế nọ thế kia, nhưng cha muốn gọi cho con hay là cha ở đây vì con’. Tuy nhiên, hãy cho họ thấy được việc đáp ứng từ người cha của họ, nhanh bao nhiêu có thể. Xin đừng xa cách các vị linh mục của quí huynh nhé…”
[20] ĐTC Phanxicô phát biểu hôm 5/4/2013, theo CNA/EWTN News.
[21] WASHINGTON DC, 08 Tháng 12 (CNA / EWTN Tin tức).
[22] CNS 3-1-2014.
[23] SD 16-1-2014 – http://vietvatican.net/
[24] Trích từ cuộc phỏng vấn ngày 5/3/2014 ĐTC Phanxicô của nhật báo Ý Corriere della Sera – CNA/EWTN News.
[25] Cao Tấn Tĩnh dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-mass-with-sexual-abuse-victims
[26] Linh mục William Grimm http://vietnam.ucanews.com/2013/06/07/tai-sao-cac-giam-muc-che-day-tinh-trang-lam-dung/
[27] Theo Giáo sư Dan B. Allender và cũng là nhà trị liệu tâm lý Kitô giáo, là chuyên gia về việc lạm dụng tình dục.
[28] ĐTC Phanxicô phát biểu hôm 5/4/2013, theo CNA/EWTN News.
[29] ĐTC đã khẳng định với các ký giả trên máy bay từ Đất Thánh về Vatican.
[30] http://www.hdgmvietnam.org/uy-ban-toa-thanh-bao-ve-tre-vi-thanh-nien-trach-nhiem-chinh-la-cua-cac-giam-muc/6735.57.7.aspx
[31] http://www.hdgmvietnam.org/bao-ve-tre-em-la-uu-tien-hang-dau-cua-duc-thanh-cha-phanxico/6734.57.7.aspx
[32] Được đăng lại ở Vatican Radio Eng. 13/3/15, J.B. Thái Hòa chuyển dịch.
[33] http://www.hdgmvietnam.org/phe-chuan-quy-che-cua-uy-ban-toa-thanh-bao-ve-tre-vi-thanh-nien/6988.57.7.aspx
[34] ĐTC Phanxicô tiếp kiến 17 Giám mục Dominica ngày 28/5/2015 – http://vietcatholic.org/News/Html/137747.htm
[35] Vatican Radio/WHĐ (13.06.2015) – http://www.hdgmvietnam.org/hoi-dong-hong-y-tu-van-ket-thuc-phien-hop-thu-muoi/7061.57.7.aspx
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT