CARITAS : BA « CON ĐƯỜNG » ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ ĐỀ NGHỊ
« Anh chị em thân mến, xin hãy ghi nhớ ba con đường này và hãy bước theo chúng cách vui tươi : khởi đi từ những người bị bỏ rơi, giữ gìn phong cách của Tin Mừng, phát triển tính sáng tạo ». Đức Phanxicô đã chỉ ra, trong buổi tiếp kiến hôm 26/6/2021, ba con đường cho các thành viên của Caritas Ý nói riêng và cho các Kitô hữu nói chung, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Caritas Ý.
Trong diễn văn của mình, ngài gợi lên hình ảnh của Đức Hồng y Montenegro được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Agrigente, ở Sicile, ngày 23/2/2013.
Đức Thánh Cha cảnh giác : « Chúng ta không nhìn lịch sử trong viễn cảnh của kẻ chiến thắng, vốn làm cho nó có vẻ đẹp và hoàn hảo, nhưng trong viễn cảnh của người nghèo, vì đó là viễn cảnh của Chúa Giêsu. Chính những người nghèo cho thấy nguyên nhân của vết thương của những mâu thuẫn của chúng ta và làm cho lương tâm chúng ta lo âu một cách bổ ích, bằng cách mời gọi chúng ta thay đổi. Và khi tâm hồn chúng ta, lương tâm chúng ta, nhìn người nghèo mà không lo âu, thì hãy dừng lại…phải dừng lại : có điều gì đó không ổn. »
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Anh chị em thân mến, chào mừng tất cả anh chị em !
Tôi cảm ơn Đức Hồng y Bassetti và chủ tịch của Caritas ý, Đức Ông Redaelli, về những lời các ngài đã nhân danh mọi người nói với tôi. Xin cảm ơn. Anh chị em đến từ khắp nước Ý, để đại diện 218 Caritas giáo phận và Caritas Ý, và tôi vui mừng chia sẻ với anh chị em dịp mừng kim khánh kỷ niệm 50 năm cuộc sống của anh chị em ! Anh chị em là một phần sống động của Giáo hội, anh chị em « Caritas của chúng tôi », như thánh Phaolô VI thích nói như thế, vị Giáo hoàng đã muốn và đã triển khai thực hiện Caritas. Ngài đã khuyến khích Hội đồng Giám mục Ý thành lập một tổ chức mục vụ để cổ võ chứng tá đức ái trong tinh thần của Công đồng Vatican II, để cộng đoàn Kitô hữu là chủ thể của đức ái. Tôi xác nhận nhiệm vụ của anh chị em : trong sự biến chuyển thời đại hiện nay, có nhiều thách đố và khó khăn, càng ngày càng có nhiều khuôn mặt nghèo khổ và những hoàn cảnh phức tạp trên thực địa. Nhưng – thánh Phaolô VI đã nói – « các Carias của chúng ta tiêu hao vượt sức của họ » (Angelus, 18/1/1976). Và đúng như thế !
Kỷ niệm 50 năm là một giai đoạn mà cần phải cảm ơn Chúa về con đường được thực thi và để làm mới, với sự trợ giúp của Ngài, tinh thần nhiệt huyết và sự dấn thân. Về phương diện này, tôi xin cho thấy ba con đường, ba con đường trên đó tiếp tục cuộc hành trình.
Con đường thứ nhất là con đường của những người bị bỏ rơi. Chúng ta khởi đi từ họ, từ những người mong manh và yếu thế nhất. Ngày nọ, về vấn đề này, tôi đã nghe những lời được sống bằng kinh nghiệm, từ miệng của don Franco, đang hiện diện ở đây. Ngài không muốn người ta nói « Đức », « Hồng y Montenegro » : don Franco. Và ngài đã giải thích cho tôi điều đó, con đường của những người bị bỏ rơi, bởi vì ngài đã sống điều đó suốt đời mình. Nơi ngài, tôi cảm ơn nhiều người nam và nữ làm việc bác ái bởi vì họ đã sống nó như thế, họ đã hiểu con đường của những người bị bỏ rơi.
Bác ái, đó là lòng thương xót ra đi tìm kiếm những người mong manh nhất, đi đến các biên giới khó khăn nhất để giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ đang áp bức họ, và để làm cho họ trở thành những nhân vật chính trong cuộc đời của họ. Trong suốt năm thập niên qua, có nhiều sự lựa chọn có ý nghĩa đã giúp Caritas và các Giáo hội địa phương thực thi lòng thương xót này : từ phản đối lương tâm đến nâng đỡ hoạt động thiện nguyện ; từ dấn thân hợp tác với phía Nam bán cầu đến những can thiệp trong những trường hợp khẩn ấp ở Ý và trên thế giới ; từ lối tiếp cận toàn cầu về hiện tượng di dân phức tạp, với những đề xuất canh tân như các hành lang nhân đạo, đến việc kích hoạt các công cụ có khả năng tiếp cận thực tế, như các trung tâm lắng nghe, và các đài quan sát tình trạng nghèo đói và các nguồn lực. Thật đẹp khi mở rộng những nẻo đường bác ái, đồng thời luôn để mắt đến những người bị bỏ rơi thuộc mọi thời đại.
Mở rộng tầm nhìn, vâng, nhưng khởi đi từ ánh mắt của người nghèo đang ở trước mặt tôi. Ở đó, chúng ta học hỏi. Nếu chúng ta không thể nhìn người nghèo nơi ánh mắt của họ, nhìn vào mắt họ, chạm đến họ bằng cách ôm lấy họ, bắt tay họ, thì chúng ta sẽ không làm được gì. Chính với ánh mắt của họ mà chúng ta phải nhìn thực tại, vì khi nhìn vào mắt của người nghèo, chúng ta nhìn thấy thực tại một cách khác với những gì đến trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta không nhìn lịch sử trong viễn cảnh của kẻ chiến thắng, vốn làm cho nó có vẻ đẹp và hoàn hảo, nhưng trong viễn cảnh của người nghèo, vì đó là viễn cảnh của Chúa Giêsu. Chính những người nghèo cho thấy nguyên nhân của vết thương của những mâu thuẫn của chúng ta và làm cho lương tâm chúng ta lo âu một cách bổ ích, bằng cách mời gọi chúng ta thay đổi. Và khi tâm hồn chúng ta, lương tâm chúng ta, nhìn người nghèo mà không lo âu, thì hãy dừng lại…phải dừng lại : có điều gì đó không ổn.
Con đường cần thiết thứ hai : con đường của Tin Mừng. Tôi muốn nói về phong cách phải có, phong cách duy nhất, chính là phong cách của Tin Mừng. Đó là phong cách của tình yêu khiếm tốn, cụ thể nhưng không khua chiên gõ trống, mà chúng ta đề nghị, nhưng không áp đặt. Đó là phong cách tình yêu nhưng không, vốn không tìm kiếm đền bù. Đó là phong cách sẵn sàng ứng trực và phục vụ, theo gương Chúa Giêsu đã trở thành tôi tớ của chúng ta. Đó là phong cách được thánh Phaolô mô tả, khi ngài nói rằng đức ái « tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả » (1Cr 13,7). Tôi bị đánh động bởi từ « tất cả ». Tất cả. Chính đức ái nói với chúng ta, những người thích phân biệt. Tất cả. Đức ái thì hòa nhập, nó không chỉ quan tâm đến khía cạnh vật chất và không chỉ khía cạnh tinh thần. Ơn cứu độ của Chúa Giêsu ôm lấy con người toàn diện.
Chúng ta cần một đức ái dâng hiến cho sự phát triển toàn diện của con người : một đức ái tinh thần, vật chất, trí thức. Đó là phong cách toàn diện mà anh chị em đã sống trong những tai họa to lớn, cũng nhờ sự kết nghĩa, một kinh nghiệm liên minh toàn diện trong đức ái giữa các Giáo hội ở Ý, ở Châu Âu và trên thế giới. Nhưng, anh chị em biết rõ, điều đó không được chỉ xảy ra vào những dịp tai họa : chúng ta cần các Caritas và các cộng đoàn Kitô hữu luôn tìm cách phục vụ toàn thể con người, vì « con người là con đường của Giáo hội », theo cách diễ đạt tổng hợp của thánh Gioan-Phaolô II (x. Thông điệp Redemptor hominis, số 14).
Con đường của Tin Mừng chỉ cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu hiện diện nơi mỗi người nghèo. Thật hữu ích cho chúng ta khi ghi nhớ điều đó để giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ luôn tái diễn về sự tự quy chiếu bản thân của Giáo hội và thật hữu ích khi trở nên một Giáo hội dịu dàng và gần gũi, trong đó người nghèo được chúc phúc, sứ mạng nằm ở trung tâm, niềm vui nảy sinh từ phục vụ.
Chúng ta hãy ghi nhớ rằng phong cách của Thiên Chúa, đó là phong cách gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Đó là phong cách của Thiên Chúa. Có hai bản đồ Tin Mừng giúp chúng ta không lạc xa con đường này : Các Mối Phúc (Mt 5,3-12) và Matthêu 25 (cc.31-46). Trong các Mối Phúc, thân phận của người nghèo đượcc mặc lấy niềm hy vọng và sự an ủi của họ trở nên thực tế, đang khi những lời nói của cuộc Phán xét cuối cùng – hình thức mà chúng ta sẽ bị xét xử – làm cho chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi người nghèo của mọi thời đại. Và từ những lối diễn đạt mạnh mẽ về cuộc phán xét của Chúa, chúng ta cũng rút ra lời mời gọi mạnh bạo tố giác. Nó không bao giờ là một cuộc luận chiến chống lại ai, nhưng là một lời ngôn sứ cho mọi người : đó là rao giảng phẩm giá con người khi nó bị chà đạp, đó là làm cho tiến kêu bị bóp nghẹt của người nghèo được nghe thấy, đó là mang lại lời nói cho người không có tiếng nói.
Và con đường thứ ba, đó là con đường sáng tạo. Kinh nghiệm phong phú của 50 năm qua không phải là một hành trang gồm những thứ phải làm lại ; đó là cơ sở để xây dựng hầu không ngừng suy giảm những gì thánh Gioan-Phaolô II đã gọi là « trí tưởng tượng của đức ái » (x. Tông thư Novo millennio ineunte, số 50). Anh chị em đừng bị nản lòng bởi con số những người nghèo mới và những tình trạng nghèo khổ mới ngày càng gia tăng. Có rất nhiều và chúng đã gia tăng ! Anh chị em hãy tiếp tục vun trồng các ước mơ về tình huynh đệ và trở thành những dấu chỉ của niềm hy vọng. Chống lại virus bi quan, anh chị em hãy trở nên miễn nhiễm bằng cách chia sẻ niềm vui trở thành một đại gia đình. Trong bầu khí huynh đệ này, Chúa Thánh Thần, là Đấng tạo thành và sáng tạo, nhưng còn là thi sĩ, sẽ gợi lên những ý tưởng mới, thích ứng với thời đại chúng ta đang sống.
Và bây giờ – sau bài giảng Mùa Chay này ! – tôi muốn nói lời cảm ơn anh chị em: cảm ơn đến những người điều hành, đến các linh mục và các thiện nguyện viên ! Tôi cũng cảm ơn vì dịp đại dịch, mạng lưới Caritas đã tăng cường sự hiện diện của mình và đã xoa dịu sự cô đơn, nỗi đau khổ va các nhu cầu của nhiều người. có hàng vạn thiện nguyện viên, trong đó có nhiều bạn trẻ, bao gồm cả những người tham gia trong việc phục vụ dân sự, trong suốt thời gian này đã lắng nghe và trả lời cụ thể cho những người khó khăn. Tôi chỉ muốn người ta quan tâm đến các bạn trẻ. Họ là những nạn nhân mong manh nhất của thời đại thay đổi này, nhưng cũng là những nhà kiến tạo tiềm năng một sự thay đổi thời đại. Họ là những nhân vật chính của tương lai.
Họ không phải là tương lai, họ là hiện tại, nhưng là những nhân vật chính của tương lai. Thời gian chúng ta dành cho họ không bao giờ mất đi, để cùng nhau xây dựng, bằng tình bạn, sự nhiệt huyết và lòng kiên nhẫn, những mối tương quan vượt quá các nền văn hóa của sự dửng dưng và vẻ bề ngoài. Những lượt « like » (thích) không đủ để sống : chúng ta cần tình huynh đệ, chúng ta cần niềm vui đích thực. Caritas có thể là một mảnh đất học hỏi trong cuộc sống để giúp nhiều bạn trẻ khám phá ý nghĩa của việc cho đi, giúp họ hưởng nếm hương thơm gặp lại chính mình khi hiến dâng thời gian cho tha nhân. Khi làm điều đó, chính Caritas vẫn sẽ tươi trẻ và sáng tạo, nó sẽ gìn giữ một cái nhìn đơn sơ và trực tiếp, vốn không sợ hướng đến Đấng Tối Cao và tha nhân, như những người con đang làm điều đó. Chúng ta đừng quên hình ảnh của những người con : hướng đến Đấng Tối Cao và đến tha nhân.
Anh chị em thân mến, xin hãy ghi nhớ ba con đường này và hãy bước theo chúng cách vui tươi : khởi đi từ những người bị bỏ rơi, giữ gìn phong cách của Tin Mừng, phát triển tính sáng tạo. Tôi chào mừng anh chị em bằng một câu của thánh Phaolô Tông đồ, mà chúng ta sẽ mừng lễ trong một vài ngày nữa : « Tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi » (2Cr 5, 14). Tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc chúng ta. Tôi cầu chúc anh chị em hãy để cho tình yêu này thôi thúc mình : mỗi ngày hãy cảm thấy được chọn bằng tình yêu, hãy cảm nghiệm sự âu yếm đầy lòng thương xót của Chúa đang dành cho anh chị em và hãy mang nó đến cho người khác. Tôi đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện và tôi chúc lành cho anh chị em ; và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em !
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Caritas: les trois « voies » recommandées par le pape François (traduction complète)
Tags: bác ái-liên đới, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?