ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: CHA BERNARD DE TERVES VIẾNG THĂM VÀ CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO CHO CÁC CHỦNG SINH

Written by xbvn on Tháng Ba 2nd, 2020. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Sáng ngày 01/03/2020, ĐCV Huế đón cha Bernard de Terves, Giám đốc ơn gọi và điều hành tình nguyện viên của Hội Thừa Sai Paris (MEP, Missions Étrangères de Paris), đến viếng thăm và chia sẻ với quý thầy về kinh nghiệm truyền giáo, đặc biệt là truyền giáo cho người trẻ giữa bối cảnh phát triển của khoa học công ngệ và truyền thông hiện nay. Cùng đi với ngài còn có cha Jean-Baptiste Etcharren, cựu Bề trên Tổng quyền của MEP, và cha Barnaba Trần Đình Phục, phụ tá đặc trách chủng sinh Tổng Giáo phận Huế.

Sau khi mở đầu với một vài thông tin liên quan đến Hội Thừa Sai Paris , với lịch sử 360 năm và hơn 4.000 thừa sai đã tham gia vào sứ vụ truyền giáo tại Á Châu, trong đó có trên 600 thừa sai đã đến Việt Nam, cha Bernard đã tập chú vào mục tiêu chính của Hội là đến với muôn dân – Ad Gentes. Bên cạnh đó, ngài cũng nhắc lại sứ điệp của ĐTC Bênêdictô XVI, “Giáo Hội mà không truyền giáo thì không còn là Giáo Hội”, và của ĐTC Phanxicô, “Mỗi Kitô hữu không chỉ có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng.” Là những chủng sinh, quý thầy cũng cần ý thức sứ mạng được đào tạo để trở thành những linh mục tương lai của Giáo Hội. Trong tiến trình này, mỗi người phải nhận ra rằng Thiên Chúa kêu gọi mình một cách cá vị. Quý thầy cũng cần học cách phân định ân sủng để nhận ra ơn Thiên Chúa ban cho mình để thi hành sứ vụ mai ngày. Quả thật, Thiên Chúa mời gọi mọi Kitô hữu trở thành thừa sai nhưng theo đặc sủng riêng của mỗi người. Khi đón nhận đặc sủng để trở thành thừa sai của Chúa, mỗi người sẽ cảm nghiệm được rằng, phục vụ trong Giáo Hội đem lại cho họ niềm vui nhưng niềm vui ấy còn lớn lao hơn khi họ được đến với những anh chị em bên ngoài. Ơn gọi ra khỏi những tiện nghi và những điều kiện thuận lợi của mình để đến với những ai đang thiếu thốn được gửi đến cho mọi người nhưng cách đặc biệt hơn đối với những ai đang được đào tạo để trở thành linh mục.

Khởi đi từ đặc sủng này, cha đã tiếp tục bài chia sẻ của mình với những kinh nghiệm thực tế trong những năm truyền giáo tại Đài Loan, Hồng Kông, và Trung Hoa lục địa. Cha đã nhận ra rằng, giới trẻ ở những khu vực này (cũng như nhiều nơi khác trên toàn thế giới) đang dần rời bỏ Giáo Hội. Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là tác động của bối cảnh thời đại, khiến cho các thế hệ đi trước khó lòng thông truyền đức tin cho người trẻ. Thật vậy, xã hội ngày nay đã thay đổi quá nhiều so với 100 năm về trước. Người trẻ ngày càng bị cuốn vào làn sóng hiện đại hóa và sự phát triển của kỹ thuật truyền thông, để rồi cho rằng đức tin là chuyện của quá khứ, của những người già. Tuy nhiên đáng buồn là, sự dồi dào của thông tin cũng tỉ lệ thuận với tỉ lệ cô đơn của người trẻ. Trong bối cảnh ấy, câu hỏi được đặt ra cho quý thầy là: “Làm sao có thể tiếp cận người trẻ qua những phương tiện truyền thông ấy? Và làm sao để họ đến với Giáo Hội khi họ quá gắn bó với một thế giới như thế?” Kinh nghiệm cho thấy giải pháp căn bản là phải làm sao cho người trẻ có được mối giây liên kết cá vị với Chúa Kitô. Cuộc gặp gỡ cá vị ấy sẽ giúp họ hiểu được phương thế mà Chúa Kitô đồng hành, chia sẻ nỗi cô đơn và nỗi đau của họ, cuối cùng họ sẽ trở lại với Giáo Hội. Hơn nữa, sứ mạng đồng hành với người trẻ không chỉ dừng lại ở việc giúp họ khám phá ra Chúa Kitô mà còn phải giúp họ trở thành những nhà truyền giáo. Các bạn trẻ phải hiểu được sứ mạng này và với đời sống đức tin được đào sâu, với kinh nghiệm gắn bó với Chúa Kitô, họ sẽ trở thành những thừa sai rất nhiệt thành. Xã hội ngày nay mở ra hướng truyền giáo qua mạng xã hội và truyền thông. Điều quan trọng vẫn là hướng dẫn việc cầu nguyện cá nhân, đặc biệt là chầu Thánh Thể. Trong những năm truyền giáo, cha cũng đã chứng kiến hoa trái của chiều kích kết hiệp này, thậm chí nó đã biến đổi một bạn trẻ ngoài Công giáo quyết định gia nhập Giáo Hội và trở thành một chủng sinh. Và chính cha, cha cũng cảm nghiệm được sứ biến đổi mà sứ vụ thừa sai mang lại.

Cha Bernard đã kết thúc bài chia sẻ của mình với ý tưởng về niềm vui truyền giáo. Ngài mời gọi mỗi người hãy làm cho ước muốn truyền giáo được lớn lên trong tâm mình và nơi các bạn trẻ. Khi ấy, ta sẽ thấy được sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Cuối cùng cha nhắn nhủ quý thầy hãy sẵn sàng đáp lại nếu nhận ra Thiên Chúa mời gọi mình rời khỏi biên giới của quê hương để đến với những vùng xa xăm. Cha cũng chúc quý thầy tìm được niềm vui và ơn trợ lực của Thánh Thần để trở thành một thừa sai theo đặc sủng của mình; đồng thời ngài xin mọi người cầu nguyện cho nhau và cho sứ vụ truyền giáo và tái truyền giáo của Giáo Hội.

Trong ít phút cuối cùng của buổi chia sẻ, cha Bernard cũng đã trả lời một thắc mắc từ quý thầy về kinh nghiệm học ngoại ngữ của cha. Một cách dí dỏm, ngài thừa nhận học ngoại ngữ là một thách thức không nhỏ và ngài đã mất 3 năm để học tiếng Hoa. Việc học tiếng vừa mạo hiểm nhưng cũng vừa mở ra những cánh cửa mới của văn hóa lẫn thiêng liêng. Và, chúng ta hoàn toàn có thể kết hiệp việc học ấy với ý hướng truyền giáo của mình: “Lạy Chúa, với mỗi chữ con học được, xin cho một trăm linh hồn được hoán cải nhé!” Đôi khi cũng phải hài hước với cả Thiên Chúa để có hứng khởi thi hành sứ vụ, ngài kết luận.

BTT. ĐCV Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31