TƯỞNG NHỚ CHA DANIEL BOUIS, LINH MỤC XUÂN BÍCH
Cha Pierre Gastine, người bạn đồng liêu, đồng hội, đồng thuyền đã viết về cái chết và đức hạnh của cha Daniel Bouis. Nhân lễ Giỗ Tổ Xuân Bích năm nay, xin cống hiến bài này để “như một kỷ niệm”, một nén hương tỏ lòng tri ân đối với các linh mục Xuân Bích nói chung, với cha Daniel Bouis nói riêng, là những vị thầy đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp đào tạo linh mục tại đại chủng viện Liễu Giai, Hà Nội, trong thập niên 30-50 của thế kỷ XX.
(Cha Daniel Bouis sinh năm 1907, chịu chức linh mục năm 1931. Tiếp đó, cha du học tại Roma (1931-1933). Mãn khóa, cha nhận bài sai đến dạy tại đại chủng viện Xuân Bích Liễu Giai, Hà Nội).
Ngày 22.10.1933, cha đặt chân tới Hà Nội trên chuyến tàu viễn dương cùng với các linh mục hội Thừa sai Hải Ngoại Ba Lê. Khi đến ViệtNam, hành trang của cha gói ghém chút vốn liếng tiếng Việt, nhờ trong hai năm ở Roma đã được một thầy Việt nam tại trường Truyền giáo truyền lại.
Trong ba bốn tháng đầu, cha ở tại chủng viện Liễu Giai. Hai năm kế tiếp, cha đến giáo xứ Kẻ Bạc (?) cách chủng viện khoảng 9 cây số, vừa học ngôn ngữ và tập tục, vừa tham gia mục vụ giải tội và giảng lễ. Mỗi thứ bảy, cha trở về chủng viện thăm anh em và làm linh hướng cho các chủng sinh.
Không lâu sau, cha có thể giảng trôi chảy tiếng việt, như trong hai cuộc tĩnh tâm cuối niên học 1934 và đầu niên học 1935 cho các chủng sinh.
Tháng 9.1935, cha về ở chủng viện và bắt đầu giảng dạy môn thần học tín lý, đồng thời phụ trách phụng vụ.
Trong đệ II thế chiến, là linh mục nhưng cũng là công dân Pháp, cha bị động viên hai lần, 5 tháng và 8 tháng. Vì bị điều đi xa Hà nội, có lúc sang tận Thái Lan, cha phải tạm ngưng việc dạy học ở chủng viện. Cha được tiếng là người bình tĩnh và gan dạ. Tháng 9.1941 đến tháng 10.1945, cha lại trở về chủng viện, tiếp tục giảng dạy. Khi chủng viện Liễu Giai tạm ngưng hoạt động, cha sang Vân Nam Phủ (Côn Minh hiện nay) giúp các đồng nghiệp Xuân Bích tại đó một thời gian. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ngay hôm ấy, 19.12.1946, cùng với năm cha Xuân Bích Pháp ở chủng viện, cha bị đưa lên Tuyên Quang, khởi sự con đường thánh giá và cũng là đỉnh đồi Can-vê của cha.
Quãng đời còn lại rất vắn vỏi, chỉ nhỉnh hơn một năm (19.12.1946 – 02.01.1948), trong đó cha liên tiếp bị những cơn sốt rét hành hạ, quật ngã. Xen giữa là những ngày ít ỏi tạm gọi là mạnh khỏe. Những người ở cạnh cha rất ngạc nhiên khi thấy sau cơn sốt rét, cha ra sức làm việc không ngơi nghỉ. Những lúc ấy, cha tận dụng hai ba cuốn sách còn sót lại hoặc cơ hội tiếp xúc với người bản xứ để học thêm tiếng việt. Mỗi lần di chuyển đến một nơi ở mới, cha tích cực sắp xếp chỗ ở tươm tất, ngăn nắp, hoặc sáng chế các dụng cụ bằng những vật liệu có trong tầm tay, như dùng ống tre để dẫn nước vào nhà, làm ghế đẩu, ghế dài, làm các hộp, ống đựng đồ đủ cỡ, làm cả lịch “vĩnh cửu”. Công việc cuối cùng cha đang làm dang dở, là chế tạo một cái “đồng hồ” giúp nhận biết giờ giấc ban đêm, nhờ vào vị trí của các ngôi sao trên trời.
Cha đặc biệt yêu thích thiên nhiên đến nỗi có thể phân biệt rạch ròi từng loại tre nứa, dây leo, hoa trái mọc trong rừng rậm. Cha ngủ rất ít, thậm chí không đủ ; ba rưỡi, bốn giờ sáng đã thức dậy, ngồi nguyện gẫm lâu giờ trên giường, hoặc khoác tấm mền đi đi lại lại ngoài trời mà cầu nguyện.
Ngày 11.5.1947, khi ở Tiên Phù, một làng nhỏ cách Phú Thọ vài cây số, cha bắt đầu bị sốt rét, phải nằm suốt cả ngày. Sáng hôm sau, đang khi dâng thánh lễ, cha phải ngưng một hồi lâu, vì cơn sốt rét tấn công và bắt cha liệt giường suốt hai ngày. Đã vậy, chỉ một ngày sau, người ta lại di chuyển các cha đến một nơi ở mới.
Khi đến Dany (?), một làng cách Tuyên Quang 18 cây số về phía đông nam, cha Bouis lại lên cơn sốt rét, lần này dai dẳng và nặng hơn. Suốt 9 ngày trời, mỗi ngày vào cũng một cữ: lạnh, run rẩy, nôn mửa, xuất hạn dầm dề và mệt rũ người. Để chống trả thì chỉ có vài viên ký ninh. Sau đó là giai đoạn bình ổn mà cha Bouis lấy lại sức lực được ngay và ăn uống thấy ngon miệng.
Ba tuần sau, thêm một đợt sốt rét khác. Mỗi ngày một lần, nhưng chỉ trong 3, 4 ngày rồi thôi. Sau đó là thời gian yên ổn được 20-25 ngày. Dù thiếu thốn thuốc men, tình trạng vẫn chưa đến nỗi đáng lo, vì chúng tôi thấy cha Bouis bình phục rất nhanh.
Ngày 17 tháng 10 năm 1947, người ta đưa chúng tôi từ Oang (?) đển một ngôi làng gọi là Khuon-Cossé (?) ở cách xa 16 cây số, và trong khi chờ dựng nhà, chúng tôi tạm trú một gia đình người Mán. Trong 3 tuần lễ liền, không thấy cha bị bệnh. Trời nắng ráo cả ngày, thuận tiện để đi dạo và tắm sông thỏa thích. Cha Bouis thích lặn tìm những hòn cuội đẹp. Thế rồi vào ngày 5 và 6 tháng 11, cha lại bị sốt rét, bỏ ăn vài ngày, rồi cũng bình phục.
Ngày 20 tháng 11, chúng tôi về nhà mới. Hôm sau, nhằm ngày 21 tháng 11, lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, cha bề trên làm phép nhà mới, và sau bài hát “Quam pulchre graditur”, chúng tôi lập lại lời hứa giáo sĩ. Như thường lệ, cha Bouis lo việc hát xướng, nhưng sau đó cha thú nhận bị mệt, ăn không ngon lành. Những cơn sốt rét lần này làm cha nôn mửa hết chút gì ăn vào. Sức lực cha sút giảm trông thấy, khiến chúng tôi lo ngại thật sự, vì lần này không giống các lần trước.
Vào cuối tháng 11, những đợt sốt rét ngày càng gia tăng cường độ, dẫn đến tình trạng hôn mê. Chiều ngày 1 tháng 12, mạch của cha đập rất nhanh, trán nóng hầm hập. Cha Paliard nghĩ đã đến lúc phải xức dầu, và ngài xin cha Bouis phó dâng linh hồn. Người anh em của chúng tôi có lẽ ý thức được điều này, nên bập bẹ vài lời rồi lại rơi vào hôn mê. Cha Paliard đọc lời tha tội, còn tôi thì đưa tượng chuộc tội cho cha hôn. Tối hôm đó, mạch của cha vẫn còn nhanh, những mạnh hơn, tóm lại là chưa đến nỗi trầm trọng.
Ngày hôm sau, vào quãng 4 giờ chiều, viên y tá mà chúng tôi mời từ chiều hôm trước hay hôm trước nữa mới đến. Ông ở lại hai ba ngày, săn sóc cha Bouis rất tận tình và tỏ ra có nghiệp vụ. Khi được chăm sóc, cha Bouis khẽ nở nụ cười, như muốn nói mình vẫn biết những gì xảy ra.
Ngày 4 tháng 12, cơn sốt rét rút lui một cách bất ngờ, nhưng chỉ được vài ngày. Người anh em chúng tôi tỏ ra tỉnh táo và nói năng bình thường, nhưng rất yếu, chỉ ăn được chút chút.
Ngày 11 tháng 12, lễ bổn mạng của cha, thực đơn khá hơn một tí làm cho cha cảm thấy ngon miệng, nhưng cha còn yếu lắm. Dù rất muốn, cha không thể đọc sách nguyện nổi. Tình trạng của cha lúc này nói được là không nguy tử, nhưng rất yếu, kéo dài chừng 12 ngày, rồi cơn sốt rét lại xuất hiện. Dù không có biểu hiện gì dữ dội như những lần sốt rét đầu tiên, nhưng cũng đủ làm cha quỵ ngã. Sau khi cơn sốt rét dịu đi, cha cố gượng ngồi dậy, nhờ chúng tôi dìu cha đến ghế ngồi sưởi nắng. Chúng tôi lo ngại khi thấy cha lại bị sốt, nên mời ông y tá đến lần nữa xem sao. Ngày 31 tháng 12, khi y tá đến, cha Bouis ở trong tình trạng giống hệt như hồi đầu tháng 12, hay bị sốt cao, mạch đập nhanh, và hầu như không mấy lúc tỉnh táo. Viên y tá hết sức làm cho cha hạ sốt, nhưng không hiệu quả, cha rơi vào hôn mê, co giật các chi, tình trạng này kéo dài suốt hai ngày mùng 1 và 2 tháng giêng.
Các cha Xuân Bích ĐCV Liễu Giai và Côn Minh (21.10.1934)
(hàng sau) Gastine – Uzureau – Bouis
(hàng trước) Stutz – Grignon – Paliard – Raison
Khoảng 7 giờ tối ngày mùng 2 tháng giêng năm 1948, các cơn cơn co giật không còn, cha nằm nghiêng, hơi thở dồn dập và khò khè, hình như cha không còn biết đau đớn nữa, và đến 8 giờ, cha tắt thở. Sau khi cha Paliard đọc lời xá giải một lần nữa, chúng tôi tiến hành việc tẩm liệm: mặc áo dòng cho cha và xếp chéo tay cha trên ngực, rồi đọc kinh nhật tụng cầu cho người qua đời. Lúc này, cha Uzureau không biết điều gì đang xảy ra, còn hai cha Carret và Courtois thì không thể dậy nổi vì bị sốt rét làm cho rã rời.
Dân trong làng đã ghép những miếng ván dầy và cứng có thể tồn tại lâu để làm quan tài cho cha. Huyệt mộ được đào cạnh một giòng suối, dưới một vòm lá rậm rạp, xanh um, nơi cha Bouis đã nhiều lần đến ngồi đọc sách và cầu nguyện.
Hiện diện lúc an táng có chính quyền địa phương, viên an ninh canh gác chúng tôi và gia đình người nấu bếp. Trong năm anh em, chỉ cha Paliard và tôi có mặt, cha Uzureau vẫn còn chưa biết điều gì xảy ra và hai cha kia thì quá yếu mệt. Sau khi cầu nguyện cho người quá cố, tôi nói đôi lời cảm ơn những người tham dự, và mượn câu ngạn ngữ trung hoa “Sinh ký, tử qui” để nói lên niềm tin và hy vọng rằng cha Bouis sẽ được Chúa ban thưởng ở đời sau.
(Thời gian qua đi, qua đi, hoài niệm về cha Bouis có chăng chỉ còn đọng lại trong tâm tưởng vài linh mục hoặc cựu chủng sinh còn sót lại của thập niên 30-40 thế kỷ trước.
Vào năm nào không rõ, có một nhóm thanh niên công giáo Thái Bình đi dân công ở Tuyên Quang được dân địa phương người Mán chỉ cho phần mộ của cha, nằm trong khu qui hoạch làm đường, họ đã âm thầm cải táng cha về Thái Bình. Hiện nay, cha an nghỉ dưới bóng thánh đường giáo xứ Cát Đàm, cạnh chủng viện Mỹ Đức, giáo phận Thái Bình.
“Hồn thiêng réo gọi”, phải chăng sự hiện diện thầm lặng của cha bên cạnh chủng viện Mỹ Đức đã thôi thúc vị Bản quyền của giáo phận Thái Bình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, để khi tái lập chủng viện giáo phận, đã nghĩ đến hội Linh mục Xuân Bích, và mời hội góp phần đào tạo linh mục cho giáo phận ngài? Đáp lời mời, hai cha Đaminh Trần Thái Hiệp và Micae-Phaolô Trần Minh Huy đã được gởi đến chủng viện Mỹ Đức, Thái Bình vào đầu niên khóa 2011-2012 này. Hẳn từ thiên đàng, cha Daniel Bouis đang mỉm cười mãn nguyện và cầu xin Chúa chúc phúc cho sứ mạng của hội).
*
* *
(Sau khi thuật lại cái chết thương đau của cha Bouis, cha Gastine đã ghi lại một vài nét đức hạnh của ngài, qua đó chúng ta có thể học được một vài gương sáng)
– Ý muốn cầu toàn trong công việc. Cha Bouis không chấp nhận một công việc dở dang, dấu chỉ của sự khinh xuất. Lòng yêu thích trật tự thể hiện ngay trong trang phục cha mặc, rất giản dị, nhưng không dính một vết nhơ cỏn con, một vết rách bé xíu trên áo quần. Phòng của cha toát ra sự ngăn nắp, sạch sẽ. Chữ viết thẳng nét, rõ ràng.Chutoàn bổn phận cách kỹ lưỡng là yếu tố làm nên sự thành công trong việc giảng dạy và linh hướng của cha. Cha chuẩn bị bài vở chu đáo, với văn phong la ngữ đơn giản và trôi chảy, cha soạn nên những bản tóm rõ ràng, nêu bật những ý chính của bài học. Khi cắt nghĩa, cha không tùy hứng, mà soạn trước, ít là lúc ban đầu. Các học trò đều cảm nhận sự trong sáng, dễ hiểu, chính xác, la ngữ trôi chảy, là những nét nổi bật trong cách giảng dạy của cha. Còn về việc linh hướng, những ai thụ hướng với cha đều hay nhái lại kiểu nói “chà chà”, gợi lên ý tưởng về sự an tâm, chính xác vào một nhận định hay quyết định đã được cha suy xét kỹ lưỡng và bây giờ trao đổi với họ bằng những từ ngữ chắc nịch và đúng đắn. Những lời khuyên trong tòa giải tội cũng mang tính chính xác : không hoa mỹ, nhưng xoáy vào tâm tư và đọng lại lâu ngày trong tâm hồn hối nhân. Việc chuẩn bị chu đáo kết hợp với văn phong nhẹ nhàng và sự am tường hoàn cảnh khiến cho chủng sinh thích thú các bài giảng của cha. Họ không ngớt lời khen những bài giảng của cha về sự chết, sự thành thật và đức vâng phục.
– Tính trật tự cùng với sự chính xác đã đánh động những ai tiếp cận cha Bouis. Cần phải thân tín mới có thể nhận ra cha là người giàu cảm xúc. Đàng sau vẻ nghiêm nghị của cha là cả một trái tim tinh tế và một tính tình vui vẻ. Các người thụ hướng được ngài yêu quý hơn các chủng sinh khác, nhưng tất cả, kể cả những ai hãi ngài từ xa, đều nhanh chóng bị tính hài hước của ngài chinh phục.
– Anh em Xuân Bích là những người được hưởng các phẩm chất tâm hồn của cha trong lúc giải trí, đặc biệt trong kỳ hè, khi mà cuộc sống cộng đoàn dễ thân tình hơn. Cha Bouis với tính vui vẻ, hài hước, thường có những tràng cười rất to, dòn dã không dứt đi theo các mẩu chuyện khôi hài. Hơn hết là tinh thần phục vụ của cha. Trong thời gian được tự do, ở chủng viện, cha thích thú đem sự khéo tay và óc thực tế phục vụ cộng đoàn và anh em. Nhưng nhất là trong thời kỳ bị quản thúc, cha đã có cơ hội trổ hết khả năng của một người tận tụy và khéo tay. Chúng tôi thích thú ngắm bàn tay với những ngón dài thon thả của cha lướt trên những mảnh gỗ hay tre, với một con dao nhỏ hay một cái rựa, để rồi “chiềng làng” một kiệt tác.
– Tôi cũng thấy cần phải nói thêm về sự khiêm tốn của cha, vốn không thích “nổ” về chính mình, phải thúc đẩy ghê lắm cha mới chịu nhận một công tác bất thường. Chẳng hạn năm 1945, giữa hai cuộc đảo chánh của Nhật và cướp chính quyền của Việt Minh, các cha dòng Đa-minh ở Hà Nội tổ chức những buổi hội thảo về tín lý cho nhóm giáo hữu trí thức người Âu. Chúng tôi phải thúc mãi cha mới hết dè dặt để nhận lời góp mặt vào các cuộc hội thảo này.
Khi cha Bouis vừa đến Hà Nội, chỉ sau tôi một ít lâu, đức cha Gendreau đã đặt tên việt cho cha là CẨN. Tên cha cùng với tên tôi, TÍN, hợp thành từ “Tín-Cẩn”, thường để chỉ người, do sự cẩn thận, sự chu đáo tận tình, đáng được tín nhiệm. Đức cha không ngờ rằng ngài đã chọn một tên rất thích hợp với cá tính và con người của cha Bouis.
(Dịch bài : “Notes sur la vie du Père Daniel Bouis” ; “Notes sur le caractère du Père Daniel Bouis” của cha P. Gastine, phần bổ túc thêm được in nghiêng, để trong ngoặc đơn. Xin cám ơn cha P. Phan Tấn Khánh, François Bouyer và Jean Longère đã cung cấp tư liệu và hình ảnh).
Lm. Anphong Nguyễn Hữu Long, pss
HẠT LÚA MỲ THỐI ĐI
ĐỂ SINH NHIỀU BÔNG HẠT MỚI
Câu chuyện về Cha DANIEL BOUIS CẨN
Tiếp theo sau những ghi chú của Cha Gastine mà cha Long đã dịch và biên tập, tôi xin ghi tiếp những dòng này để làm tư liệu.
Sau một thời gian dài, từ năm 1948, các thế hệ Xuân Bích ra công tìm kiếm về cha Daniel Bouis. Năm 1998, theo những chỉ dẫn của Cha Gastine, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Tiến Cát nhờ người em rể, vốn là một thầy tư xuất, làm nghề thầy lang đi chữa bệnh khắp đó đây, dò hỏi tông tích phần mộ của cha Daniel Bouis. Dân địa phương ở Tuyên Quang cho biết là di hài của Ông Cố Đạo đã được thanh niên công giáo Thái Bình lên làm đường dời về Thái Bình rồi.
Qua nhiều thời gian tìm kiếm hỏi han, anh em Xuân Bích biết được chính xác là phần mộ của cha Daniel Bouis được đặt tại khuôn viên Nhà thờ Cát Đàm, bên cạnh Chủng Viện Mỹ Đức, với mấy chữ vắn gọn “linh mục CẨN.” Một số anh em Xuân Bích đã tới thăm mộ ngài.
Cha Charles de Foucald nói: “Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta qua những con đường rất bất ngờ.” Và do những cái không ngờ, cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy “được sai” ra Miền Bắc phục vụ ở Giáo phận Bùi Chu dưới quyền lãnh đạo của hai Giám Mục Dòng Don Bosco, Đức Cha Chính Giuse Hoàng Văn Tiệm và Đức Cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Đệ. Ban đầu dạy Tu Đức cho lớp Bổ Túc Thần học, và giúp họ dọn mình chịu chức linh mục cùng lúc giảng tĩnh tâm năm cho linh mục đoàn giáo phận (2006-2007), rồi dạy Học Viện Liên Dòng Nữ (2007-2011), và cộng tác vào việc hình thành Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu cho bốn Giáo phận Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng và Thái Bình (2010-2011).
Khi Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Đệ được Tòa Thánh đặt làm Giám Mục chính tòa Thái Bình, mối bận tâm hàng đầu của Ngài là lo đào tạo nhân sự. Ngài vừa cho tiếp tục lớp chủng sinh lớn tuổi kiên trì theo đuổi ơn gọi, dù phải tù tội nhiều năm, mà Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám Mục Thái Bình, đã được phép Chính Quyền cho tái sinh hoạt đúng vào ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu nên được lấy tên là Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình. Do sự quen biết nhau từ môi trường phục vụ tại Bùi Chu, Đức Cha Phêrô mời cha Micae-Phaolô giúp lớp tu sinh tập trung tại Tòa Giám Mục phân định ơn gọi. Vì đang quá bận dạy ở Bùi Chu và ĐCV. Hà Nội, cha Micae-Phaolô chưa đáp ứng được, lại gợi ý với Đức Cha Phêrô xin Hội Xuân Bích giúp. Đức Cha Phêrô đã mau mắn liên hệ với Tỉnh Hội Xuân Bích Pháp, qua cha Gioan-Baotixita Nguyễn văn Đán, Nguyên Đại Diện Giám tỉnh tại Việt Nam. Khi Cha Cố vấn Paul Nguyễn Thanh Lộc đại diện cha Giám Tỉnh kinh lý Xuân Bích Việt Nam đến thăm Thái Bình, Đức Cha Phêrô đích thân lên đón cha Paul Lộc tại sân bay Nội Bài về Thái Bình. Sau cuộc gặp gỡ trao đổi này, Tỉnh Hội bằng lòng giúp Giáo phận Thái Bình trong công tác đào tạo bằng cách rút cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy khỏi Bùi Chu để đi cùng cha Đaminh Trần Thái Hiệp.
Và trong cuộc kinh lý Mùa Chay và Phục Sinh năm 2012, Cha Giám Tỉnh Bernard PITAUD và Cha Cố vấn Paul LỘC đã đến Thái Bình thăm Đức Cha Phêrô và Chủng viện, huấn đức cho các chủng sinh, gặp gỡ các ứng viên Xuân Bích, cùng được Đức Cha Phêrô đưa đi thăm một số giáo xứ và cùng cử hành các nghi lễ Tuần Thánh. Qua cuộc thăm viếng trao đổi này, tuy chưa có cam kết gì bằng văn bản, nhưng đã có sự hứa hẹn chắc chắn hợp tác giữa đôi bên trong công cuộc đào tạo ứng sinh linh mục và việc các ứng sinh gia nhập Hội. Cha Giám Tỉnh và Cha Cố vấn đã chấp thuận ba ứng viên Xuân Bích từ Thái Bình.
Trong một cuộc gặp gỡ thân tình, hai cha Hiệp và Huy cám ơn cùng thưa với Đức Cha Đệ rằng âu là Chúa quan phòng can thiệp khiến thanh niên công giáo Thái Bình đưa di hài của cha Daniel Bouis Cẩn, một linh mục Xuân Bích, về Thái Bình chôn cất, để rồi bây giờ Đức Cha lại chính thức đem Xuân Bích đến phục vụ Thái Bình, như đã có duyên nợ từ trước. Và quả thật, Đức Cha và các cha giáo phận đều đồng lòng mời Hội Xuân Bích cộng tác trong việc đào tạo nhân sự của Giáo phận. Đặc biệt Đức Cha luôn sẵn sàng cho bất cứ cha nào trong giáo phận cảm thấy có ơn gọi Xuân Bích đều được gia nhập. Thậm chí Đức Cha còn cổ động cho ơn gọi Xuân Bích, không những nơi các cha trẻ, mà còn nơi hai lớp chủng sinh nữa. Các Cha Cố cũng động viên con cái mình. Trong một thời gian ngắn, hai cha xin và Đức Cha đã cho ba linh mục, nhưng vì trở ngại ngôn ngữ, hai người đã rút lui, chỉ một mình Cha Đaminh VŨ VĂN THIÊM ngày 6/1/2013 sẽ lên đường sang Pháp học. Bây giờ ngoại ngữ chính của Việt Nam cũng như các nước trong vùng là Anh văn. Hội chúng ta có ba tỉnh hội Pháp, Canada và Hoa Kỳ, liệu có cách nào uyển chuyển hơn trong vấn đề tuyển chọn và nâng đỡ các ứng viên Xuân Bích không?
Nhân chủ sự lễ cầu cho các linh hồn và viếng nghĩa địa Cát Đàm ngày 2/11/2012, cha Micae-Phaolô giải thích với cộng đồng Chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức đang tề tựu về sự hiện diện của phần mộ Cố Cẩn. Ai dè đâu trong số các Thầy lớn tuổi có Thầy Vinh sơn TRỊNH XUÂN PHONG sau đó đến gặp cha Huy để nói rõ tông tích và tiến trình đã xảy ra với bốn thanh niên công giáo Thái Bình nằm trong nhóm Thanh Niên Xung Phong Thái Bình lên công tác làm đường tại Tuyên Quang năm 1976. Thanh niên hồi ấy nhưng nay họ đã có gia đình, cháu ngoại cháu nội đầy đàn, người còn ở Thái Bình, người vào Nam lập nghiệp. Đó là các ông Phêrô NGUYỄN VĂN HƯNG, Phêrô NGUYỄN VĂN CỬ, Phêrô PHẠM VĂN THANH và Phêrô VŨ VĂN PHƯƠNG. Cha Huy liền xin Thầy Phong tìm cách liên lạc mời mấy ông đó lên Đại Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức cho cha Huy gặp. Đúng hẹn, Ông Hưng và ông Cử lên cùng Thầy Phong vào phòng cha Huy trao đổi. Phía Xuân Bích có Cha JB. Đán và cha Micae-Phaolô Huy.
Thật lạ lùng, dường như Chúa Quan Phòng sắp đặt, họ được trọ lại trong chính ngôi nhà mà các cha Xuân Bích bị bắt lên Tuyên Quang đã ở trước kia. Người chồng, thường gọi là Ông Ba, là người dân tộc Tày [không phải người Mán như cha Gastine ghi, có lẽ vì bị di chuyển qua nhiều buôn làng dân tộc thiểu số khác nhau nên cha lẫn lộn], người vợ là một người công giáo Thái Bình, ở Huyện Kiến Xương, theo gia đình lên miền ngược lập nghiệp. Cả hai ông bà đều đã qua đời, hiện còn người con gái tên là Maria BÌNH, lấy chồng ở giáo xứ Thiên Lộc, Xã Thái Hưng, Huyện Thái Thuỵ, Thái Bình. Chính họ đã cho bốn anh em này biết có ông cố Đạo người Tây chết sốt rét rừng chôn gần nhà về phía suối. Đúng là ngôi mộ nằm cách nhà hơn 10 mét, có tấm bia đá ghi tên hẳn hoi là “Cố Cẩn.” Tất cả các cố đạo ở đây, nhưng mấy ông còn sống sau bị đưa đi đâu họ không biết nữa.
Bốn anh em Hưng, Cử, Thanh, Phương thấy dòng suối chảy làm đất sạt lỡ, quan tài bằng gỗ dày bày ra một phần ba, nên rất lo lắng, sợ bị trôi mất thì tội nghiệp. Thật đúng với tâm tình giáo dân Miền Bắc rất yêu mến kính trọng các đấng các bậc, nên khi về Thái Bình, bốn anh em cử ông Thanh (người trẻ tuổi nhất trong nhóm và là học trò của Thầy Phong) đến gặp Thầy Phong lúc đó mới đi tù về cho biết sự tình. Thầy Phong, lo trước sợ sau, kín đáo lội bội 35 cây số đến Tòa Giám Mục gặp Đức Cha Đaminh Đinh Đức Trụ trình bày sự việc. Thấy tình hình nguy ngập của ngôi mộ, Đức Cha Đaminh dạy Thầy Phong bảo họ tìm cách đưa về, mặc dù phần mộ nằm trên phần đất của địa phận Hưng Hóa.
Được ý chỉ của Đức Cha Trụ, bốn anh em kín đáo cải táng cha Bouis gói vào ny-long cho vào ba-lô sẵn. Họ còn khôn ngoan khẻ một phần bia đá có chữ “Cố Cẩn” để về làm bằng chứng. Đợi dịp thuận tiện, anh em thay nhau mang ba-lô nặng đi bộ 40 cây số mới có xe đi về miền xuôi. Khi về gặp Đức Cha, Ngài rất mừng nhưng đùa bảo họ rằng “cốt này của Sơn Tây hãy mang trả về Sơn Tây chứ đưa về đây làm chi?” Họ lo lắng nghĩ tới đoạn đường dài vất vả và có thể nguy hiểm đối với xã hội nữa nên năn nỉ Đức Cha cho để lại. Đức Cha chắc cũng muốn ban thưởng cho họ, nhưng trong lúc khó khăn đó chẳng có gì, chỉ cho được nãi chuối chín.
Câu chuyện tới đó, không những bốn anh em Hưng, Cử, Thanh, Phương mà cả thầy Phong cũng không biết gì hơn nữa, kể cả việc làm sao mà mộ phần cha Bouis lại hiện đang được nằm cạnh nhà thờ Cát Đàm. Nhưng cuộc trao đổi mang lại những kết quả tin cậy vì rất trùng khớp với những ghi chú của Cha Gastine, chẳng hạn Cha Gastine viết: “Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ngay hôm ấy, 19.12.1946, cùng với năm cha Xuân Bích Pháp ở chủng viện, cha Bouis bị đưa lên Tuyên Quang, khởi sự con đường thánh giá và cũng là đỉnh đồi Can-vê của cha. Quãng đời còn lại rất vắn vỏi, chỉ nhỉnh hơn một năm (19.12.1946 – 02.01.1948), trong đó cha liên tiếp bị những cơn sốt rét hành hạ, quật ngã… Ngày 11.5.1947, khi ở Tiên Phù, một làng nhỏ cách Phú Thọ vài cây số, cha bắt đầu bị sốt rét, phải nằm suốt cả ngày. Sáng hôm sau, đang khi dâng thánh lễ, cha phải ngưng một hồi lâu, vì cơn sốt rét tấn công và bắt cha liệt giường suốt hai ngày. Đã vậy, chỉ một ngày sau, người ta lại di chuyển các cha đến một nơi ở mới. Khi đến Dany (?), một làng cách Tuyên Quang 18 cây số về phía đông nam, cha Bouis lại lên cơn sốt rét, lần này dai dẳng và nặng hơn… Ngày 17 tháng 10 năm 1947, người ta đưa chúng tôi từ Oang (?) đển một ngôi làng gọi là Khuon-Cossé (?) ở cách xa 16 cây số, và trong khi chờ dựng nhà, chúng tôi tạm trú một gia đình người Mán… Khoảng 7 giờ tối ngày mùng 2 tháng giêng năm 1948, các cơn cơn co giật không còn, cha nằm nghiêng, hơi thở dồn dập và khò khè, hình như cha không còn biết đau đớn nữa, và đến 8 giờ, cha tắt thở… Dân trong làng đã ghép những miếng ván dầy và cứng có thể tồn tại lâu để làm quan tài cho cha. Huyệt mộ được đào cạnh một giòng suối, dưới một vòm lá rậm rạp, xanh um, nơi cha Bouis đã nhiều lần đến ngồi đọc sách và cầu nguyện. Hiện diện lúc an táng có chính quyền địa phương, viên an ninh canh gác chúng tôi và gia đình người nấu bếp.”
Qua điều tra và phối kiểm tình hình giáo phận lúc đó thì biết rằng trong thời gian ấy cha Giuse MAI TRẦN HUYNH, [hiện là Cha xứ Trà Vy kiêm Trại phong Vân Môn và giải tội cho các thầy Chủng viện], làm cha sở Nhà thờ Chính Tòa, thân cận bên cạnh Đức Cha giáo phận Đaminh Đinh Đức Trụ, còn cha Giuse BÙI VĂN CẨM trông coi cơ sở Tiểu Chủng viện Mỹ Đức đã bị giải tán, nay là Đức Ông Cẩm đang nghỉ hưu tại nhà Cha Huynh là nghĩa tử của ngài. Thế là cha Huy lại tổ chức một cuộc phỏng vấn điều tra với cha Huynh và Đức Ông Cẩm nữa.
Nhờ thầy Phương, nghĩa tử của cha Huynh lo liệu xe hơi đưa đoàn gồm Cha JB. Đán, Micae-Phaolô Huy, Thầy Phong và Thầy Phương đi Trà Vy vừa để chúc mừng Lễ Giáng Sinh vừa thăm cha Cố Huynh đang thời kỳ điều trị và dưỡng bệnh tai biến, song mục đích chính là gặp cha Huynh và Đức Ông Cẩm để tìm hiểu về phần mộ của cha Bouis Cẩn. Cha Huynh cho biết rằng chính Đức Cha Đaminh đã rất cẩn thận giao cho cha Huynh hài cốt của cha Bouis gói kín trong ny-lon, bảo cất vào ngăn dưới tủ áo lễ đặt trong phòng thánh (sacristie), có ghi tên cố Cẩn rõ ràng. Đức Cha Đaminh lo ngại “thời thế” và lòng người thật giả nhỡ ra… nên còn ân cần dặn cha Huynh “đừng có tin ai, tin 50% thôi, người nào cũng có thể là Giuđa!” Cha Huynh đã trân trọng cất giữ như vậy trong nhiều năm. Đến khi nghĩa địa giáo phận bị giải tỏa để xây dựng trụ sở Công An Tỉnh thì hài cốt của các cha (lúc bấy giờ còn ít) được cải táng dời về đặt ở tầng hầm nhà thờ chính tòa. Sau đó Đức Cha dạy cha Huynh đưa tất cả, kể cả cha Bouis, sang chôn ở trong khuôn viên nhà thờ Cát Đàm, sát cạnh Chủng viện Mỹ Đức, ghi trên phần mộ cố Cẩn là “linh mục CẨN” như một trong số các linh mục Thái Bình cải táng, không ai biết là mộ của ông cố Tây được dời lén từ Tuyên Quang về, và vì cũng chẳng ai biết tên thánh của ngài. Cha Huynh cho biết rạch ròi như vậy, và khi được hỏi thì cũng bảo là Đức Ông Cẩm không biết gì về chuyện này, nên đoàn không dám làm phiền thời gian hưu tĩnh lặng của Đức Ông nữa.
Thế là sau hơn nửa thế kỷ, những gì liên quan đến những ngày cuối đời và mộ phần của Cha Daniel Bouis Cẩn Chúa đã cho sáng tỏ. Chúng ta, những người hậu thế của các tiền bối Xuân Bích, hãy cùng nhau tạ ơn Chúa, cám ơn những người không có liên hệ trực tiếp với chúng ta, nhưng Chúa quan phòng đã gửi đến giúp đỡ chúng ta rất tận tình. Đặc biệt với lòng biết ơn, chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Cha Đaminh Đinh Đức Trụ vui hưởng tôn nhan Chúa, cho Cha Giuse Mai Trần Huynh chóng mạnh khoẻ, thêm thánh thiện để lo việc giải tội cho các chủng sinh, giáo dân Trà Vy và bệnh nhân cùi Vân Môn được nâng đỡ tinh thần lẫn vật chất và thiêng liêng, cho Thầy Vinh sơn Trịnh Xuân Phong được làm linh mục (nay đã 66 tuổi và thuộc lớp Thần học cuối), cho bốn đại gia đình các ông Hưng, Cử, Thanh, Phương được bằng an, mạnh khoẻ, công ăn việc làm ổn định, gia đình con cái cháu chắt sống Đạo sốt sắng và hạnh phúc. Họ tin chắc là có sự cầu bàu và phù hộ của cha Bouis Cẩn.
Cha Micae-Phaolô đã niềm nở tiếp đãi các vị ân nhân giáo dân ấy, chụp ảnh lưu niệm với họ ở phần mộ của cha Bouis, đổ xăng xe máy cho họ và nghĩ rằng Hội nên có một chút quà kỷ niệm để tỏ lòng biết ơn đối với những người đang còn sống vốn đã giúp đỡ mình vì lòng yêu mến người của Chúa và Giáo Hội. Có mấy thầy lớp già đề nghị cha Huy làm một cuộc hành hương Thái Bình – Tuyên Quang – Thái Bình theo dấu chân cha Bouis. Thật là một đề nghị hay, cũng như những suy nghĩ trên của cha Micae-Phaolô, xin trân trọng trao về các Bề Trên Thẩm Quyền Xuân Bích, Đại Diện Giám Tỉnh tại Việt Nam, Giám Tỉnh Pháp và Bề Trên Cả sắp kinh lý đến Thái Bình.
Thái Bình, ngày Lễ Thánh Gia Thất 2012
Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- NGÀY 1 THÁNG CHÍN: NGÀY TÔN VINH QUYẾT ĐỊNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
- SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á, MỘT CUỘC HỘI NHẬP VĂN HÓA THEO BƯỚC CHÂN CỦA CÁC CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC TIN
- GIÁO PHẬN HUẾ: LỄ ĐỨC MẸ LA VANG, BỔN MẠNG GIÁO PHẬN
- BÀI HÁT “TÌM KIẾM VỚI MẸ MARIA”
- CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
- TÔI LÀ CHIẾC BOOMERANG CỦA THIÊN CHÚA [1]
- ĐỨC CHA ALLYS, TÔNG ĐỒ BẰNG SỰ CHỊU ĐỰNG
- TĨNH TÂM XUÂN BÍCH VIỆT NAM 2024
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, QUYỀN TỰ DO CỦA GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM LÀ VÌ LỢI ÍCH CỦA XÃ HỘI
- VỀ ĐAN VIỆN ĐỨC BÀ AN NAM
- CÓ MỘT VỊ MỤC TỬ NHƯ THẾ !
- CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI, MỘT NGÀY THẾ GIỚI ĐƯỢC THÀNH LẬP CÁCH ĐÂY 60 NĂM TRONG BỐI CẢNH KHỦNG HOẢNG
- ĐCV HUẾ: HUẤN TỪ CỦA ĐỨC TGM PAUL RICHARD GALLAGHER
- VIDEO HIGHLIGHT ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GALLAGHER THĂM ĐCV HUẾ