CHA ĐÔMINICÔ PHẠM VĂN HIỀN THĂM VÀ NÓI CHUYỆN VỚI CÁC CHỦNG SINH ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

Written by xbvn on Tháng Ba 24th, 2014. Posted in Đại Chủng Viện Huế

            Chiều thứ tư, 12/3/2014, ĐCV Huế hân hạnh chào đón Cha Dominico Phạm Văn Hiền, Giám đốc Học viện Triết học dòng Xitô Việt Nam, nguyên Đan viện phụ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Phước Sơn. Nhân dịp về lại cố hương để giảng phòng cho kỳ Tĩnh tâm năm của Linh mục đoàn TGP Huế, Đức Viện phụ ưu ái nhận lời mời của Cha Giám đốc Đai chủng viện đến nói chuyện với các chủng sinh trong giờ huấn đức hằng tuần. Đây có thể được xem là một dịp tái ngộ đầy bất ngờ và thú vị vì ngài đã từng giảng Tĩnh tâm năm cho quý Cha giáo Xuân Bích và quý thầy ĐCV Huế năm 2011.

            Tuy lớn tuổi, nhưng Đức Viện phụ đã tạo ấn tượng mạnh trên thính giả bằng phong thái trẻ trung, sinh động và không kém phần dí dỏm. Với 45 phút ngắn ngủi trong lần hạnh ngộ này, vị giảng thuyết trình bày đề tài: “NÊN THÁNH TRONG NIỀM VUI”. Chủ đề tuy rất quên thuộc nhưng với vốn kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn của 30 năm làm tập sư và 48 năm trong thánh chức linh mục, Đức Viện phụ đã khơi nguồn cảm hứng cho các chủng sinh trong hành trình nên thánh.

            Mở đầu bài nói chuyện, Đức Viện phụ khẳng định: “Nên thánh là chuyện dễ và là chuyện dễ nhất trong các chuyện dễ”, bởi lẽ chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương là được gọi là thánh (x. Rm 1,7). Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được sinh lại bởi Thiên Chúa Ba Ngôi nên được chia sẻ bản tính Thiên Chúa. Mà bản tính Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,8) nên chúng ta – trong tư cách là con cái của Ngài – cũng có bản tính tình yêu. Do vậy, nên thánh là sống đúng với bản tính của mình: tình yêu.

            Tiếp đến, Đức Viện phụ phân biệt ba loại tình yêu vốn được Đức Bênêđictô XVI quảng diễn trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas Est) bằng ba hạn từ: Eros (tình luyến ái), Philia (tình bạn), Agape (tình yêu quảng đại, vị tha). Vị giảng thuyết nhấn mạnh rằng, trên con đường nên thánh, chúng ta phải không ngừng vươn đến mức độ cao nhất của tình yêu (Agape) và tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa chính là mẫu thức của tình yêu tuyệt hảo ấy. Lại nữa, ngài mượn lời của Thánh Vinhsơn Phaolô để trình bày ba đặc nét của mẫu thức tình yêu này: 1) Tất cả mọi người đều bình đẳng; 2) Tôn trọng nhân vị và sự khác biệt của người khác; 3) Sống tinh thần thông hiệp, chia sẻ trong cộng đoàn. Đức Viện phụ viện dẫn Gabriel Marcel (1889-1973) để tái khẳng định rằng nên thánh là chuyện dễ vì nên thánh không phải là sống ‘cái tôi có’ (avoir), nhưng sống ‘cái tôi là’ (être). Căn tính nội tại của tôi là thánh, do đó nên thánh là sống hoàn hảo ‘cái tôi là’.

            Hành trình nên thánh nào cũng ‘đổ máu’, nhưng đó chính là nguồn mạch phát sinh niềm vui – vị diễn giả nói tiếp. Ngài mời gọi các chủng sinh luôn sống tinh thần vui tươi như lời khuyên bảo của Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4). Đức Viện phụ khích lệ các linh mục tương lai trở thành những sứ giả phục vụ niềm vui, biết cách mỉm cười trong cuộc sống đời thường. Ngài hóm hỉnh trao cho các chủng sinh một chứng từ cá nhân trong những năm tháng lao tù: mỗi buổi sáng, ngài tập cười thật to để quên đi những lao nhọc và mang lại niềm vui nho nhỏ cho những bạn tù của mình.

            “NÊN THÁNH TRONG NIỀM VUI” – Bài nói chuyện của Đức Đan viện phụ Đaminh Phạm Văn Hiền phản ánh một đường hướng sống đạo vốn đang được Đức Thánh Cha Phanxicô cổ võ qua những bài giảng đây đó và đặc biệt qua Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm (Evangelii Gaudium). Quả thật, niềm vui phải là đường nét rạng ngời trên khuôn mặt của những người dấn bước trong hành trình nên thánh, bởi người phương Tây vẫn thường nói rằng: “Un saint triste est un  triste saint!” (Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn!).

ĐCV Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30