JEAN-JACQUES OLIER, CHA LINH HƯỚNG

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 19th, 2012. Posted in J.J.Olier, J.J.Olier Cha Linh Hướng, Sách - livres

 Bernard Pitaud

Gilles Chaillot  

 

JEAN-JACQUES OLIER,

CHA LINH HƯỚNG 

 

Xuân Bích Việt Nam

2008

 

 

Jean-Jacques Olier

Directeur spirituel

do

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, XB,

chuyển ngữ

 

***

Những chữ viết tắt:

L Lettres de M.Olier (Thư của Cha Olier), Levesque, Paris, 1935.

M Mé moiré historiques sur M.Olier par M. de Bretonvilliers (Nhật ký lịch sử về Cha Olier do cha de Bretonvilliers) (thủ bản được ấn hành một phần do cha Tronson).

T Traité des Saints Ordres (1676) (Khảo luận về Các Chức Thánh), xuất bản vào thế kỷ XIX.

Corr. Correspndance (Thư tín) 

 

LỜI GIỚI THIỆU

Việc linh hướng trong kinh nghiệm cá nhân của cha J.-J.Olier

          Kể từ ngày ngài “trở lại” vào năm 1630 với đời sống kitô giáo nghiêm túc, tới ngày ngài qua đời vào năm 1657[1], cha J.-J.Olier hầu như không bao giờ thôi tự nhờ đến sự giúp đỡ của một cha linh hướng mà ngài coi là tối cần. Đầu tiên được hướng dẫn bởi cha Vincent de Paul, sau đó bởi cha Condren, năm 1642 ngài đặt mình dưới sự dẫn dắt của cha Bataille, thuộc dòng Biển Đức tại tu viện Saint-Germain-des-Pés: chính theo lời yêu cầu của vị này muốn hiểu rõ về “đời sống nội tâm” của ngài nên ngài đã viết cuốn “Nhật Ký”, trong đó rải rắc những chi tiết cụ thể về cách thức mà cha Olier trong suốt hành trình thiêng liêng của mình, đã hưởng nhờ việc đồng hành này. Nếu trong đó, theo cái nhìn đức tin, ngài nói đến việc “phục tùng các cha linh hướng”, “là những đấng giữ địa vị Chúa Thánh Thần”, là vì ngài đã có kinh nghiệm về vai trò quan trọng mà sự phục tùng đó đã giữ trong việc chính bản thân ngài đã khám phá ra điều đã là bí quyết của mọi cuộc sống kitô giáo đích thực mà ngài lấy làm khẩu hiệu cho mình: “buông mình cho Chúa Thánh Thần”.

          Từ đó không còn gì lạ gì nếu trong việc thực hành chức vụ linh mục riêng của mình từ sau ngày thụ phong năm 1633, cha Olier, đến lượt ngài, đã dành một chỗ đứng đặc biệt cho việc dẫn dắt cá nhân các linh hồn. Bằng chứng, đặc biệt dựa theo các Thư ngài viết, là rất nhiều người đàn ông đàn bà đã nhờ sự dẫn dắt của ngài trên đường tiến tới sự trọn lành phúc âm: không chỉ những giáo sĩ và linh mục, đặc biệt các đệ tử của ngài tại chủng viện và trong Hội Xuân Bích, mà cả các nữ tu và người giáo dân ngài gặp trong các cuộc truyền giáo tại các địa phương và trong khi thi hành chức vụ cha sở (Saint-Sulpice) tại Paris. Và như vậy những liên hệ thư tín ngài duy trì thường xuyên với nhiều người trong họ đã tiết lộ cho ta phần nào trực tiếp hiểu biết về cách linh hướng mà cha J.-J.Olier đã thực hành. 

Việc linh hướng trong sư phạm mục vụ của cha J.-J.Olier

          Từ kinh nghiệm cá nhân kép đó – không có gì phải bỡ ngỡ thêm – vị sáng lập Xuân Bích đã ra công huấn luyện các môn sinh trong Hội của ngài về nghệ thuật dẫn dắt các linh hồn. Được gọi để hành động, theo chân ngài, cho việc  “canh tân” thiêng liêng của cả Giáo hội “bằng việc thánh hóa hàng giáo sĩ”[2], họ sẽ dành cho ngài một chỗ đứng đặc biệt trong việc đào tạo các linh mục mà ngài trao phó cho họ như là sứ mạng đặc ưu, xét về tư cách là “người thừa hành trong việc linh hướng” tại các chủng viện địa phận dưới trách nhiệm của các Giám Mục. Nhưng việc đồng hành thiêng liêng cá nhân cũng không ít hữu ích để cho phép nhiều kitô hữu nhất có thể dấn thân vào “đời sống nội tâm” đích thực: nếu quá “ít người lợi dụng được” điều đó trong Giáo hội ở vào thời của ngài, theo nhận định của cha Olier, là chính vì “thiếu các vị linh hướng” có đủ kinh nghiệm để giúp đỡ họ trong việc này, và thiếu việc bận tâm chuẩn bị cho trách nhiệm này của các vị mục tử để chính mình trở thành những “con người nội tâm” là một trong những “cột trụ” của việc cải tổ hàng giáo sĩ mà Hội Xuân Bích phải góp sức vào[3].

          Dựa trên thực hành của bản thân, kín đáo là gương mẫu, sự khai tâm vào chức vụ dẫn dắt các linh hồn trên đường thánh thiện kitô giáo đã dễ dàng trở thành minh bạch trong giáo huấn thiêng liêng mà vị sáng lập ban bố cho các môn sinh của ngài. Không những ngài chỉ khai triển vấn đề này trong một vài bài “thuyết trình” mà ngài phải thường xuyên nói với cả cộng đồng Chủng viện Xuân Bích, nhưng ngài còn luôn trở lại vấn đề này mỗi khi có dịp, trong những lúc chuyện vãn thân mật với các cộng sự viên của ngài, là những thành viên đầu tiên của “Hội nhỏ bé”, được chỉ định tiếp nối công việc của ngài. Một người trong họ là Alexandre de Bretonvilliers, chứng nhân trực tiếp và đặc cách – người mà cha Olier sẵn sàng gọi là “con yêu dấu của ngài” sẽ nối vị để điều khiển chủng viện và ít lâu sau đó đứng đầu Hội vào năm 1657 – đã giữ lại cho chúng ta một tiếng dội quý báu. Trong một chương dài của cuốn “Nhật ký lịch sử về cha Oliver”(Mémmoires historiques sur M. Olier), chắc được viết vào những năm 1660, cha đã thực sự cẩn thận ghi lại, có lẽ từ những ghi chép cá nhân trong những buổi nghe thuyết trình, kỷ niệm sống động cha đã giữ được từ những chỉ dẫn của vị sáng lập liên hệ đến việc “hướng dẫn các linh hồn”.

          Tuy không được xuất bản, tài liệu này đã không vì thế mà giữ một vai trò ít quan trọng tự nguồn gốc và để sau đó phổ biến về truyền thống sư phạm Xuân Bích, ít nhất là trong khung cảnh của Hội. Nhất là nhờ sáng kiến của cha Tổng Quyền thứ ba của Hội Xuân Bích, là Louis Tronson. Để viết cuốn thủ bút, dành cho anh em đồng nghiệp, lấy tựa đề là “Tinh thần của Cha Olier” (L’esprit de Monsieur Olier), cha đã thực sự khai thác rất rộng rãi những ký ức của cha Bretonvilliers. Trong chương viết nối tiếp thêm những ghi nhận của vị trên đây, cha cố gắng làm sinh động lại kinh nghiệm và giáo huấn của vị sáng lập trong lãnh vực đặc cách của việc đồng hành thiêng liêng, đã có một giá trị lớn đến nỗi sau cùng người ta đã tách ra làm đối tượng cho một tiểu tác phẩm, với tựa đề “Tinh thần của một vị hướng dẫn các linh hồn, hay các phương châm và thực hành của cha Olier về việc linh hướng” (L’ Esprit d’un directeur des âmes, ou Maximes et pratique de M. Olier touchant la direction). Loại tiểu luận này, xuất bản lần đầu năm 1831, đã được tái bản một số lần sau đó.[4] 

Trở về nguồn một truyền thống luôn hiện tại

          Được thường xuyên sử dụng tới một thời đại mới đây để đào tạo khởi đầu cho các linh mục Xuân Bích, cuốn sách nhỏ này được khởi thảo do ngòi bút của cha Louis Tronson, xem ra đã chỉ được phổ biến rất hạn chế bên ngoài Hội. Trong khi ngày nay triển nở trong Giáo hội, nơi rất nhiều kitô hữu thuộc mọi tầng lớp một sự ước vọng hồi sinh muốn tìm được những nhà linh hướng dẫn đàng thiêng liêng chân chính, nhất là nơi các linh mục, và nơi mà các vị này về phần mình, tái khám phá niềm quan trọng của khía cạnh cá nhân này trong chức vụ mục tử của mình, thì xem ra thời khắc đã tới để trình bày lại sự phong phú, hãy còn ít được biết đến và khai thác đúng mức, của truyền thống được di tặng về lãnh vực này của cha J.-J. Olier. Đó là mục tiêu chúng tôi nhằm tới tại đây.

NHỮNG CHỈ DẪN CHO CÁC VỊ LINH HƯỚNG 

CHƯƠNG I 

PHẢI ĐƯỢC CHUẨN BỊ CHU ĐÁO 

Những trang này nằm ở phần cuối cuốn sách của cha Bretonvillires (tr.175-199), trình bày năm năng khiếu mà cha Olier đã coi là “tối cần cho một vị linh hướng tốt để họ có khả năng dẫn dắt cách thánh thiện” những người được giao phó cho họ (tr.175). Vì thế xem ra nên được đặt làm chương dẫn nhập tại đây. 

Cần phải nhận được sứ mệnh

Cha Olier cảnh cáo chống lại sự “thiếu ơn kêu gọi” trong sứ vụ linh hướng: thời trang hay tham vọng ở thời ngài có thể làm ham muốn vai trò linh hướng đối với các giáo sĩ chỉ mong tìm cho mình được nổi tiếng nơi “các nhà vị vọng”.

Nhưng cách sâu xa hơn và luôn có giá trị là do sự thâm tín trong đức tin rằng sự dẫn dắt các linh hồn là việc của chính Thiên Chúa và của ơn sủng Ngài mà người ta không được bảo đảm nếu tự xen mình vào chức vụ đó. Lời trưng dẫn Kinh Thánh ở chú thích 5 (tr.9) gợi đến việc hai tướng trong binh đội mơ tưởng “làm nổi danh mình” bằng cách bắt chước những chiến công rực rỡ của “Giuđa và các anh em ông” và đã dẫn Israel đến thảm bại.

          Việc dẫn dắt các linh hồn là một trong những phận sự khó khăn nhất trên đời. Đó là nghệ thuật trên mọi nghệ thuật. Vì thế điều kiện thứ nhất để trở thành một nhà linh hướng tốt có khả năng dẫn dắt cách thánh thiện các linh hồn là đừng tự xen mình vào chức vụ đó, đừng làm áp lực để được nhận trách nhiệm đó, nhưng phải chờ để lệnh truyền của Thiên Chúa được biểu thị rõ rệt qua miệng của những vị có thẩm quyền để xác định điều đó.

          Vì thật là càn dỡ khi muốn tự mình dấn thân vào một chức vụ khó khăn đến thế: người ta không thể chu toàn nổi nếu không có ơn trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa, và Chúa Chúng Ta không buộc phải ban ơn đó nếu không phải chính Ngài thiết đặt chúng ta vào phận sự đó, và Ngài là Đấng chọn chúng ta giữa loài người để nắm giữ địa vị của Ngài trong một số chức vụ quan trọng đến thế. Trái lại lúc đó Ngài có thể nói rằng chính chúng ta đã tự thiết định mình trong đó mà không nhận được sứ mệnh. Thiếu ơn gọi đó thật là một trong những nguy hiểm lớn lao nhất cho vị linh hướng và cho những người được dẫn dắt!

          Nếu người ta thấy sự dẫn dắt các linh hồn mang lại quá ít hiệu quả, là vì thường các vị linh hướng dấn thân vào đó mà không có ơn kêu gọi, và vì thế không kéo xuống được trên mình ơn sủng của Thiên Chúa. Họ sẽ phải trả lẽ rất nặng với Thiên Chúa vì sự thiệt hại họ gây nên cho các người họ hướng dẫn trong khi hành động như vậy. Nếu nhiều vị linh hướng không dẫn dắt các linh hồn trong Thánh Thần của Thiên Chúa, là vì họ đã không nhận được trách nhiệm về các linh hồn theo lệnh của Thiên Chúa.

          Chức vụ linh hướng không diễn ra mà không có những nguy hiểm lớn. Chỉ có sự trợ giúp của Thiên Chúa và của ơn sủng Ngài mới có thể giữ gìn những kẻ thực hành nó trong tình trạng trong sạch và thánh thiện đòi buộc họ phải có. Chúa Chúng Ta không bị ràng buộc phải ban ơn sủng của Ngài cho chúng ta, ít ra dầu sao cũng không ban tới mức đầy trần, nếu không phải là chính Ngài đã chỉ định chúng ta vào việc dẫn dắt các linh hồn: có khác chi ông chủ nào lại nâng đỡ người đầy tớ hành động ngược với tâm tình của ông và không có lệnh của ông.

          Thế là dễ hiểu sự sa sút thiêng liêng người ta gặp thấy nơi một số người: họ trở thành ít thánh thiện sau khi được hướng dẫn hơn là trước đó. Từ đó họ tỏ ra ít sốt sắng và ít ơn sủng, từ đó xảy ra sự chiến thắng thảm hại của ma quỷ trong các linh hồn, bị khuất phục dưới ách nặng của quân thù: những vị linh hướng dẫn dắt họ “không thuộc vào số những kẻ phải mang giải thoát đến cho nhà Israel”[5]. Hơn nữa, hành động của họ còn là một vết thương lớn trong Giáo hội, nơi bản thân các con cái mình. Sẽ xảy ra hoàn toàn khác với những vị linh hướng mà chính Thiên Chúa thiết đặt trong chức vụ này: các ngài nhận được một sức mạnh lớn lao và một phép lành đầy tràn của Thánh Thần để hủy diệt ma quỉ với vương quốc của nó và dẫn đưa các linh hồn tới sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời gọi họ tới.

          Thay vì tự xen mình vào việc linh hướng, chúng ta nên sợ hãi chức vụ này hơn. Nếu mỗi người đều phải lo sợ cho phần rỗi của bản thân mình, thì chúng ta còn phải sống trong sự sợ hãi biết mấy khi thấy mình như những vị linh hướng có trách nhiệm về phần rỗi của bao nhiêu người khác! Trước chức vụ đó, chúng ta phải sống hoàn toàn trong sự hư vô hóa nội tâm, nhìn nhận sự bất lực của chúng ta: thay vì hăm hở chấp nhận phận sự đó, nó phải làm ta lùi bước nhiều hơn. Nhưng khi người ta xin với chúng ta, chúng ta lại phải chấp nhận trong sự tín cẩn vào Thiên Chúa. Ngài sẽ chẳng bỏ không nâng đỡ mạnh mẽ những kẻ mà chính Ngài giao phó chức vụ đó cho, miễn là họ biết trung thành và luôn chạy đến với Ngài mỗi lúc cần thiết, với một sự hoàn toàn ngờ vực chính bản thân mình và một sự tuyệt đối tựa cậy vào lòng thương xót của Ngài.

          Muốn lôi kéo những người được dẫn dắt đến với ta thường đúng là phát xuất từ tính tự ái của chúng ta: đó là dấu hiệu ta muốn làm cho mình được mến chuộng hoặc vì nỗi danh hoặc vì đông người đến xin ta dẫn dắt. Đó là điều phát xuất từ một tinh thần thuần túy nhân loại và không hề bởi Thánh Thần của Thiên Chúa! (tr.175-177). 

Một sự chuẩn bị thiêng liêng lâu dài

Cách thức mà chính Chúa Giêsu dùng để chuẩn bị cho sứ mạng mình, và Ngài dùng để đào tạo các tông đồ của Ngài là những kiểu mẫu để chuẩn bị một vị linh hướng. Vị này để có thể làm việc dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần để thánh hóa anh em mình, phải được chăm chú lâu dài để lôi kéo xuống trên mình Thánh Thần của Thiên Chúa, thủ đắc được những nhân đức kitô giáo vững vàng và có được kinh nghiệm về những thử thách thiêng liêng.

          Nếu người ta còn chuẩn bị kỹ lưỡng cho những công việc rất thường nhật, thì lại chẳng phải lo lắng biết mấy để tự chuẩn bị cho chức vụ linh hướng sao? Về phần chúng ta, các linh mục, công việc này là một trong những công việc quan trọng nhất được đòi hỏi nơi chúng ta trong cuộc sống này, quan trọng đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, nhưng cũng đối với chính chúng ta nữa. Để chuẩn bị mình cho việc dẫn dắt các linh hồn, phải có một sự gắn bó lâu dài và thường xuyên với Thiên Chúa.

          Chính Chúa Chúng Ta, trước khi ra rao giảng Phúc Âm cho dân Do thái, nào Ngài đã chẳng rút lui vào sa mạc để muốn sống tại đó xa cách thế gian sao? Đó chính là điều mà những kẻ muốn hiến mình để phục vụ các linh hồn phải làm: họ phải sống lâu dài trong sự tìm tòi để thánh hóa chính bản thân mình. Điều này giả thiết về phía họ một sự xa lánh hết sức những thụ tạo mà bậc sống của họ cho phép; và trong cuộc tĩnh tâm đó, họ phải dành một thời gian đáng kể cho việc cầu nguyện để kéo xuống trên mình Thánh Thần của Thiên Chúa và những ơn soi sáng cần thiết cho việc dẫn dắt các linh hồn. Cần thiết họ phải có những kinh nghiệm về những thử thách thiêng liêng hầu đủ khả năng dẫn dắt người khác khi những người này sẽ gặp thử thách. Họ phải ăn chay, nghĩa là phải thực hành sự hãm mình thực sự và các nhân đức kitô giáo vững chãi để có thể hướng dẫn cách chắc chắn những người họ sẽ phải dẫn dắt.

          Phần các Tông đồ, nào trước hết các ngài đã chẳng nhận đầy tràn Thánh Thần sao? Kinh Thánh thực sự đã lưu ý rằng Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người trong họ trước khi họ ra đi xông pha làm sứ mệnh của họ[6]. Cũng vậy, trước khi hành động cho phần rỗi các linh hồn được giao phó cho chúng ta, chúng ta cũng phải được tràn đầy Thánh Thần đó: chính Ngài phải ban cho chúng ta, như cho các Tông đồ, những khả năng và những ơn huệ cần thiết để cho phép chúng ta dẫn dắt cách thánh thiện và hữu ích người khác. Có lời quả quyết trong Kinh Thánh “Spiritus Domini replevit orbem terrarum”: Chúa Thánh Thần tràn đầy vũ trụ[7]. Cũng vậy, Ngài phải tràn đầy những kẻ Ngài đặt định để thánh hóa người khác.

          Trong sự đầy tràn thánh thiện đó, những vị linh hướng phải thấy được sức mạnh chống lại ma quỉ, không phải để khu trừ chúng khỏi các thân xác, nhưng để ngăn chặn chúng làm hại các linh hồn. Chính trong sự sung mãn và sức mạnh kín múc nơi Thiên Chúa đó mà họ có sứ mạng “đổi mới tất cả địa cầu” như Kinh Thánh nói thêm[8], nghĩa là những linh hồn của những người họ dẫn dắt, bằng cách hành động để phá hủy trong đó tất cả những gì chống lại Thiên Chúa và thiết đặt trong đó đời sống mới mà Chúa Chúng Ta đã đến mang tới mặt đất. (tr.177-179).

Một cảm giác tinh tế để phân định

Hơn là trên sách vở, vị linh hướng sẽ phải dựa trên kinh nghiệm hành trình thiêng liêng của mình. Như thế luôn lắng nghe “chính tiếng nói của Thiên Chúa”, ngài sẽ phân định những cách thức khác nhau mà Chúa Thánh Thần dẫn dắt các linh hồn; do đó ngài sẽ biết thích ứng những lời khuyên của mình cho hợp với những “người mới khởi sự cũng như những người thành toàn”. Trung thành với “vai trò công khai” đặt ngài phục vụ mọi người, ngài còn dành cho những người yếu kém nhất một sự săn sóc đặc biệt, vì cả họ cũng được kêu gọi đạt tới Nước Trời.

          Có một khuyết điểm thường xảy ra nơi các vị linh hướng là nghĩ rằng mình chỉ cần đọc một vài cuốn sách về đời sống thiêng liêng là đủ khả năng để hướng dẫn tốt người khác. Quan trọng hơn việc đọc sách vở, mặc dầu nó rất cần, chính do việc thực hành mà người ta mới thủ đắc được kiến thức về sự dẫn dắt các linh hồn. Nếu những hiểu biết của chúng ta chỉ hoàn toàn sách vở, chúng liều mình sẽ biến chúng ta thành những con vẹt: chỉ biết lặp lại những điều chúng nghe mà không hiểu gì! Sẽ hoàn toàn khác, nếu lời nói của chúng ta tựa trên sự thực hành và kinh nghiệm: khi đó chúng ta nói và hiểu được sự việc, với sự phân định và chắc chắn.

          Đây là một vị linh hướng nói không có kinh nghiệm cá nhân. Ông giống như một người chỉ biết loan báo điều mình đã học hoặc nghe nói: không bao giờ ông được tín cẩn đầy đủ. Không biết các sự việc từ nội tâm, ông thật có thể dễ dàng sai lầm khi nói lại những điều ông đã nghe. Cách nói của ông chỉ có thể hời hợt. Thiếu hiểu biết những nền tảng chắc chắn và đích thực của những điều mình nói ra, ông không dám đào sâu các sự việc sợ rằng sẽ gặp chướng ngại khi phải giải thích và sẽ bị lầm lẫn. Ngược hẳn lại, vị linh hướng có kinh nghiệm không hề ngần ngại, lời nói của ngài chắc chắn và đầy sức mạnh; ngài nói với sự thâm tín vì chính cá nhân ngài đã có kinh nghiệm về sự thực của điều mình nói. Đó chính là ánh sáng chân thật và sự hiểu biết đầy đủ mà sự dẫn dắt các linh hồn đòi hỏi.

          Theo cách thức Kinh Thánh quả quyết về các Tông đồ[9], một vị linh hướng phải có khả năng thực hành, nói được như vậy, mọi ngôn ngữ, có khả năng hiểu và nói được. Không phải những ngôn ngữ tự nhiên như các Tông đồ, nhưng là những ngôn ngữ thiêng liêng. Nói khác đi, ngài phải biết những cách thức khác nhau mà Thiên Chúa dẫn đưa các linh hồn: có khả năng nghe mỗi người trong các kẻ ngài dẫn dắt khi họ nói với ngài về tình trạng nội tâm của họ, và đủ khả năng trả lời cho họ bằng chính ngôn ngữ của Thiên Chúa, nhờ thế ngài sẽ làm cho mỗi người được hoàn toàn hài lòng trong mọi mối nghi nan và khó khăn mà họ trình bày với ngài.

          Nhờ cách đó, vị linh hướng sẽ nhận biết những sự cao cả của hành động thiên linh trong những cách biểu lộ khác nhau. Vì chưng Thiên Chúa tỏ ra đáng thán phục qua những cách thức khác nhau Ngài dẫn đưa các linh hồn, có những linh hồn qua đường này, có những linh hồn qua đường khác. Đến nỗi – ở đây kinh nghiệm có thể cho thấy – hầu như không có hai linh hồn để theo cùng một con đường: một sự khác biệt dường đó làm chứng về sự cao cả khôn lường của Thiên Chúa. Một vị linh hướng phải biết tất cả điều đó. Giống như một con người hoàn vũ, ngài tạ ơn Thiên Chúa với mọi người và với họ ngài ngợi khen Thiên Chúa trong những đường lối rất khác biệt đó của họ: không những ngài biết cách thức riêng mà mỗi người bày tỏ theo đó sự cao cả của Thiên Chúa, mà ngài còn là chứng nhân về điều đó nơi những người khác để bày tỏ cho họ biết. Như thế có thể nói được về các vị linh hướng điều mà Kinh Thánh quả quyết về có Tông đồ: “fantur magnalia Dei”[10] (họ cao rao những kỳ công của Thiên Chúa).

          Một vị linh hướng, theo nghĩa đó, phải nên giống một loại ếch dị biến kia, có khả năng mặc lấy vô vàn hình thức đến mức ngài có thể trở thành “mọi sự cho mọi người để chinh phục được họ” và đưa họ tất cả về với Thiên Chúa. Thực thế, ngài phải hiến mình cho mọi người tùy theo hoàn cảnh của mỗi người: thích ứng lời nói và hạnh kiểm của mình, tùy theo trường hợp, đối với những kẻ khởi đầu, với người đang tiến tới và với những người trọn lành; luôn gần gũi mọi người để đối thoại với mỗi người trong ngôn ngữ riêng của họ bằng cách khuôn mình theo tình trạng và những khả năng của họ. Khi ngài trao đổi với một người con thiêng liêng đã tới được một mức độ trọn lành cao, ngài biết nói với họ bằng những lời nói riêng của họ, cho họ những chỉ dẫn xứng hợp với tình trạng của họ và khuyến khích họ làm điều con đường Thiên Chúa dẫn đưa họ đòi buộc họ. Và sau đó, khi ngài nói với một người khác mới chỉ bắt đầu, nói được là hãy còn là một đứa trẻ trong ơn sủng, ngài có khả năng duy trì với họ một ngôn ngữ của trẻ nhỏ để giúp họ trong trạng thái những người khởi đầu, biết bước tới Thiên Chúa và tiến bộ trong đường lối Ngài.

          Sau khi hành động với những người con thiêng liêng ưu hảo về trọn lành bằng cách nói với họ tiếng nói của các thánh, thì thực sự, thường sau đó người ta gặp một vài khó khăn để thấy tiếng nói đối với những người khác còn yếu kém hơn, còn đơn thuần là những kẻ khởi đầu và nói được là họ mới chỉ ấp úng trong ngôn ngữ đó. Vì thế, để từ chối lãnh trách nhiệm cho mình người ta đẩy họ đến với những nhà linh hướng khác. Đó là một sự thất trung lớn đối với Thiên Chúa: đáng bị Ngài rút khỏi chúng ta trách nhiệm đối với hạng người thứ nhất để chỉ lo cho hạng người thứ hai, vì chúng ta đã hành động quá thiếu sót đối với họ!

          Chúng ta phải có một hành động khác hẳn, vì chúng ta mắc nợ với mọi người không trừ ai: vì chưng nếu Thiên Chúa đã thiết đặt những vị linh hướng trong Giáo hội, thì phần nào giống như những mạch suối đầy tràn nước thiên linh để giải khát mọi người đến kín múc tại đó. Những mạch suối phải cung cấp cả cho những kẻ chỉ có những bình chứa nhỏ để kín múc cũng như những kẻ có những bình chứa lớn. Hành động cách khác, đối với những vị linh hướng là sa đọa khỏi vai trò công cộng của mình và ăn ở như những cá nhân riêng rẽ, ngược lại với ý định của Thiên Chúa Đấng đã đặt họ để phục vụ mọi người.

          Không được khinh chê những người chỉ mới khởi sự, cả những người đã bước đi từ một thời gian khá dài, nhưng luôn được Thiên Chúa dẫn đưa trong một con đường tầm thường và không vươn lên được tới những ánh sáng cao cả hay những trạng thái ưu việt như người khác. Vì chưng, bao giờ người ta cũng phải bắt đầu là con trẻ rồi mới trưởng thành: chỉ có rất ít những vị thánh trong Giáo hội được thiết định trong sự trọn lành trưởng thành ngay từ khi mới sinh, nghĩa là ngay từ khi họ trở lại. Còn về phần các người khác, những kẻ ở trong một con đường rất bình thường, đôi khi họ là những người thánh thiện hơn là những kẻ nhận được những đặc ân Thiên Chúa đầy tràn hơn; vì lý do đơn giản này là họ khiêm nhường hơn với những ơn riêng họ nhận được: nếu tài năng họ có ít giá trị hơn, thì tài năng đó vẫn không ngừng sinh lời hơn một tài năng cao quý, theo chính mức độ mà họ làm cho nó sinh kết quả hơn bằng cách gìn giữ nó với nhiều tình yêu hơn và đặt nó cách trung thành hơn để phục vụ sự sáng danh Thiên Chúa.

          Chúa Chúng Ta đã cho chúng ta một tấm gương tuyệt vời về hạnh kiểm phải giữ, trong bản thân những trẻ nhỏ ngày kia người ta đem trình diện với Chúa mà các môn đệ muốn ngăn cản không cho chúng tới gần: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với ta, Chúa Giêsu bảo các ông, vì Nước Trời thuộc về chúng”[11]. Khi người ta thực hành việc linh hướng và khi người ta nói với các linh hồn mà người ta đánh giá là trọn lành và đã được nâng lên tới sự thánh thiện, thì thường người ta ngại nhận lấy dịch vụ đối với những kẻ khởi đầu, họ như những trẻ nhỏ trong đời sống ân sủng: người ta nghĩ rằng làm như vậy, là tự hạ thấp mình xuống và sẽ sớm tự nhủ rằng mình được dành riêng để làm những việc tốt hơn nhiều! Nhưng lúc đó lại cần phải nói như Chúa Chúng Ta: “Hãy để những trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của về chúng” cũng như của những người khác. Hơn nữa còn cần phải lưu tâm đặc biệt để đến giúp đỡ họ: lý do là vì sự yếu đuối của họ nên họ càng cần hơn. Phần nào giống như những cây nhỏ cần phải được tưới kỹ lưỡng sợ rằng chúng sẽ chết: nếu người ta dẫn dắt cách thánh thiện những người đó, họ sẽ từ từ tiến lên, với ơn thánh của Thiên Chúa, họ sẽ đem lại hoa trái sẽ làm Thiên Chúa hài lòng.

          Chúng ta phải là tôi tớ của mọi người, và với danh nghĩa đó, phải đón nhận tất cả mọi người mà lòng nhân lành của Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Ta phải quan sát trong họ ơn sủng Thiên Chúa ban cho họ, để biết cách dẫn đưa họ mỗi người hợp với ý định của Thiên Chúa. Không được rơi vào đường lối cổ hủ bằng cách dẫn dắt mọi linh hồn theo cùng một kiểu, nhưng phải hướng dẫn họ theo Thánh Thần của Thiên Chúa tùy theo Ngài tự bày tỏ cách riêng nơi mỗi người trong họ. Làm thế ta sẽ giúp họ tiến những bước lớn trên con đường Thiên Chúa kêu gọi họ, và thay vì làm trở ngại họ, trái lại ta sẽ khích lệ họ mạnh mẽ hơn.

          Về những vị linh hướng thánh thiện biết hành động như vậy người ta có thể nói điều mà những thính giả khi nghe các Tông đồ rao giảng ngày lễ Hiện Xuống: dù họ thuộc các dân tộc khác nhau, họ đều nghe các ngài “cao rao những kỳ công của Thiên Chúa mỗi người trong ngôn ngữ riêng của họ”[12]. Những người mà các vị linh hướng đó dẫn dắt cũng sẽ nói như vậy về các ngài, bởi vì các ngài nói với họ một ngôn ngữ mà mỗi người đều hiểu được (tr.179-185).

Nhân đức khôn ngoan

          Chỉ được gợi đến vắn tắt ở đây, sự thận trọng hay đức khôn ngoan biết chờ đợi, có những căn bản thiêng liêng mà cha Olier diễn đạt rộng rãi ở nơi khác (xem Chương 4).

          Sự khôn ngoan lớn lao mà chúng ta phải có như những vị linh hướng không phải là sự khôn ngoan theo xác thịt[13]mà là sự khôn ngoan kitô giáo: nó phát sinh từ Thánh Thần ngự trong chúng ta để dẫn dắt các linh hồn. Thiếu nó chúng ta sẽ liều mình phạm nhiều sai lỗi.

          Phải tiến đi từng bước trong việc dẫn dắt các linh hồn chứ đừng muốn đi quá nhanh. Người ta thường làm hư tất cả khi muốn hành động quá gấp. Nếu sự vội vàng luôn nguy hiểm trong mọi lãnh vực, thì nó càng nguy hiểm hơn nữa trong việc linh hướng: tại đó, phải tuyệt đối bước theo ơn sủng mà không bao giờ được muốn vượt lên trên nó. Sự khôn ngoan lớn lao hệ tại bước theo Chúa Chúng Ta chứ không đi trước Ngài: đó là cách dẫn dắt các linh hồn với sự chắc chắn và đưa họ đi theo con đường mà Thiên Chúa đòi buộc họ. Hành động khác đi thường làm cho những người mình dẫn dắt nhàm chán và đôi khi làm họ lùi bước. Những chỉ dẫn khó chịu đối với bản tính mà đôi khi người ta phải cho họ là những viên thuốc đắng cần phải biết làm dịu đi với tinh thần bác ái: như vậy những người được dẫn dắt sẽ ít sợ lãnh lấy và những lời chỉ dẫn đó sẽ phát sinh một kết quả tốt đẹp hơn trong linh hồn họ (tr.185-187).

Một sự hoàn toàn vô tư

Phản ứng chống lại những giáo sĩ chỉ lưu tâm tìm nổi tiếng hoặc những lợi lộc vật chất cho mình qua việc linh hướng, cha Olier đã rất hay trở lại trên sự vô tư lợi của vị linh hướng. Vượt ra ngoài những hoàn cảnh của thời mình, ngài diễn đạt một nguyên tắc thiêng liêng chính yếu: để phục vụ hành động của Thánh Thần Thiên Chúa, người ta không được pha trộn vào chức vụ này bất cứ một lợi ích cá nhân nào.

          Tìm kiếm, dù chỉ một chút, một lợi ích riêng tư trong việc dẫn dắt các linh hồn, là đảo lộn ý định của Thiên Chúa, Đấng không cho phép tìm trong đó một sự gì khác ngoài sự sáng danh Ngài. Làm như thế là đi theo một tinh thần khác hẳn tinh thần của Chúa Chúng Ta: Ngài không bao giờ tìm lợi ích riêng tư của mình, nhưng chỉ tìm lợi ích của Cha Ngài; là pha trộn nhân loại vào một công việc phải hoàn toàn là thiên linh.

          Lợi ích là điều hoàn toàn lố bịch và trái ngược với sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn thấy ngự trị nơi các tôi tớ Ngài, nó có thể làm chướng ngại cho những ân sủng thiên linh nơi ta: tìm kiếm nó là quy hướng về chính mình cái nhìn luôn luôn phải nhắm vào Thiên Chúa để chỉ chiêm ngưỡng Ngài và chỉ tìm sáng danh Ngài thôi.

          Trong việc dẫn dắt các linh hồn, việc các vị linh hướng tìm kiếm lợi ích của mình có thể mang nhiều hình thức. Vì thế không thiếu gì người tìm cách làm nổi giá trị mình bằng số nhiều và bằng danh tiếng của những người họ dẫn dắt. Qua việc siêng năng đến thăm viếng tại nhà, họ làm ra vẻ mình là người tối cần hoặc ít là họ ước muốn như vậy: đấy là phương thế tốt, họ thường nghĩ thế, để đạt được mục đích của họ, nghĩa là nắm chắc được sự thăng tiến cá nhân của mình.

          Hành động kiểu đó là một kiểu phạm thánh, bởi vì người ta không ngần ngại dùng những thực tại thánh thiện nhất vào những ý đồ hoàn toàn thế tục. Trong những điều kiện đó, làm sao những vị linh hướng này có thể được Thiên Chúa chúc phúc và do đó có được khả năng để thực sự làm việc cho phần rỗi các linh hồn? Không, cần phải chết đi cho tất cả các tham vọng đó để chỉ nhằm trong việc linh hướng một mình Thiên Chúa mà không được pha trộn vào đó dù chỉ một chút những lợi ích riêng tư của mình.

          Vì thế không hề thích hợp khi các vị linh hướng pha mình vào những công việc gia đình của những con thiêng liêng mình – nhất là những của cải vật chất –, trừ khi họ được rành rẽ hỏi ý về vấn đề này và nếu sự việc có những ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống thiêng liêng. Trong mọi trường hợp khác phải khuyên những kẻ hỏi ý chúng ta hãy theo sự chỉ dẫn của những người chuyên nghiệp về những vấn đề đó. Phần chúng ta, chúng ta không có ơn gọi để bàn luận về những vấn đề đó, mà nếu chúng ta làm, chúng ta sẽ liều mình đưa ra những lời chỉ dẫn xấu và sẽ lừa đảo những con thiêng liêng của chúng ta. Và Thiên Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta phải tính sổ về điều này!

          Cha của mọi sự dữ, vì nó là nguồn suối, chính là sự lo lắng tìm lợi ích riêng của chúng ta. Sau cùng người ta chẳng còn nghĩ đến điều gì khác trong đầu óc nữa, nên sẽ bỏ bê việc cầu nguyện và các thực hành đạo đức khác, để chỉ lo đi thăm viếng người đời, và không ngần ngại nịnh hót họ nếu cần để đạt được sự hư danh mà người ta tìm kiếm từ đó. Thế là giã từ Thánh Thần của Thiên Chúa, sự tĩnh biệt và hồi tâm, ý hướng trong lành và sự kết hợp với Thiên Chúa! Tất cả những điều đó bị bỏ quên từ từ sẽ biến mất…

          Ôi lợi lộc khốn nạn, ngươi gây nên biết bao tai hại! Ngươi làm phát sinh biết bao sự dữ, ngươi lôi theo biết bao khốn khó, ngươi hủy hoại biết bao công trình của Thiên Chúa!

          Nếu lợi lộc mà người ta tìm kiếm nơi người đời quái ác như vậy, làm sao nó lại chẳng tai hại gấp bội trong các cộng đồng kitô giáo? Tại đó không gì được ngự trị ngoài ra sự thánh thiện, và do đó là sự vô vị lợi! Khi anh em biết loại trừ mọi lợi lộc riêng tư, Thiên Chúa sẽ ban cho cộng đồng tràn đầy phúc lộc. Và Ngài sẽ nâng đỡ cộng đồng tùy theo mức độ người ta cậy tựa vào một mình Ngài và tìm kiếm một mình Ngài thôi.

          Nếu chúng ta đặt sự tín cẩn của mình nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ luôn luôn được đầy tràn mọi sự: vì chưng với sự tín cẩn, người ta chắc chắn có được nhiều hơn là khi có mọi sự giầu có dưới đất này. Thiên Chúa không bao giờ từ chối những kho tàng của riêng Ngài đối với những kẻ chỉ đặt niềm trông cậy của họ nơi một mình Ngài. Nếu chúng ta thiếu hụt là chỉ vì lòng tín cẩn đó đã có phần sa sút: vì chưng tùy theo mức độ đó mà Thiên Chúa rút lại sự trợ giúp, bang trợ và nâng đỡ của Ngài.

Kết luận: Như là một Môsê mới

          Các vị linh hướng phải sống như Môsê. Tất cả những phép lạ vị Tổ phụ cao cả này đã thực hiện đều là hình bóng của những gì các ngài được kêu gọi thực hiện trong việc dẫn dắt các linh hồn. Bởi vì mọi ngày họ phải kín múc sức mạnh và quyền lực của mình nơi chính sức mạnh của Chúa Chúng Ta để giải thoát con người khỏi ách thống trị của Ma quỉ, bày tỏ con đường trọn lành cho họ, làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với họ và cầu xin lòng thương xót của Ngài cho họ, sau cùng dẫn đưa họ qua sa mạc của đời sống hiện tại để vào Đất Hứa tức là Thiên Đàng vậy.

          Tất cả điều đó, chúng ta sẽ có khả năng thực hiện được cách dễ dàng nếu chúng ta hoàn toàn phó thác bản thân cho Thiên Chúa và biết sống tùy thuộc vào Ngài, đúng như Môsê, con người vĩ đại của Thiên Chúa chỉ biết tìm sáng danh Ngài và sự lành cho dân mình (tr.199).

CHƯƠNG II 

DẪN DẮT TRÊN ĐƯỜNG THÁNH THIỆN

Những ký hiệu cha Bretonvilliers ghi nhận lại trong chương này liên quan tới mục tiêu của việc dẫn dắt các linh hồn (tr. 31-39). Những vị linh hướng có sứ mạng phải dẫn dắt những người được trao phó cho mình trên con đường nên thánh. Và điều đó, xét một cách tổng quát, theo ơn gọi chung tới sự trọn lành phúc âm về lòng mến, và theo ơn gọi riêng của mỗi người trong Giáo Hội. Một trật vừa là thiên khảo luận nhỏ về sự thánh thiện kitô giáo, những trang này đưa ra một cuốn chỉ dẫn thực hành về cách sử dụng tốt phải dùng trong việc dẫn dắt các linh hồn, một trật cũng là những lời chỉ dậy về tầm mức tông đồ và thiêng liêng, của sứ vụ có tính cách quyết định này của Giáo Hội.

Dứt khoát dấn thân trên đường trọn lành Phúc âm

            Cha Olier đi từ những đòi hỏi thực tiễn mà vị linh hướng phải yêu cầu trong việc đối thoại với các con thiêng liêng để khuyến khích họ, trong tình trạng nào đi nữa, phải mạnh mẽ tiến tới trong đời sống thiêng liêng và tìm kiếm sự thánh thiện. Thiếu điều đó, ngài sẽ là một vị mục tử xấu trong Giáo Hội.

          Rất nhiều kitô hữu không bước đi trên đường khổ hạnh và thánh thiện chỉ vì lý do đơn giản là không có ai bày tỏ cho họ biết. Nếu người ta đã chỉ bảo cho họ thì nhiều người đã vui mừng bước theo và có thể cùng nói với tác giả Thánh vịnh: “Aperite mihi portas justitiae; ingressus in eas, confitebor Domini. Haec porta Domini, et justi intrabunt in eam”[14](Xin hãy mở cửa công chính cho tôi, để tôi bước vào và tôi sẽ ca ngợi Chúa. Đây là cửa của Chúa, những người công chính sẽ vào qua đó).

          Để đáp lại sự đòi hỏi đó, cần phải tỏ bày cho họ, cách đơn giản nhưng với sự minh bạch và lòng từ ái, những nhu cầu thiết yếu của họ, giúp đỡ họ ý thức được những thiếu sót của họ và chỉ vạch ra những phương thuốc, cho dù họ có cảm thấy đắng đót và khó chịu. Nếu không thế thì những tín hữu mãi cho đến khi chết vẫn sống trong những thiếu sót mà không hề biết, lý do là chẳng có ai đã mở mắt cho họ. Họ bằng lòng với cuộc sống kitô giáo cổ hủ dựa trên một vài thực hành đạo đức bề ngoài. Họ không cầm lấy lưỡi gươm để hiến tế Isaac[15]của họ, nghĩa là ý riêng mình, và nó sẽ vẫn cường mạnh, với mọi dục vọng khác, như là ở buổi ban đầu khi họ hiến thân phục vụ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Kinh Thánh dậy ta: “Qui Christi sunt carnem suam crucifixerunt cum vitiis et concupiscentiis[16](Những ai thuộc về Đức Kitô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê).

          Chính vì chúng ta không dám nói thẳng cho họ những sự thật về họ sợ làm mất lòng họ. Hành động như thế không do đức bác ái đối với họ nhưng chỉ để thỏa mãn lòng ích kỷ của ta: chúng ta sợ mất lòng ái mộ của họ và đẩy họ xa chúng ta. Bị thúc đẩy bởi tư lợi hoặc bởi một lý do hoàn toàn nhân loại nào đó, chúng ta sợ làm tổn thương họ và thế là chúng ta lặng thinh. Chính điều đó ngăn cản chúng ta áp dụng cách trị liệu thích hợp, và bệnh tình, vì thiếu phương thuốc, thường trở thành nan trị do sức mạnh của thói quen đã mắc.

          Những vị linh hướng hành động như thế đã không biết dùng đến thánh Ngôn của Thiên Chúa và ơn thánh của chức vụ mà họ sẵn có. Họ để các linh hồn trở thành như một mảnh đất khô cằn, thiếu phong nhiêu và đầy rẫy hạt cỏ dại. Họ không thanh tẩy Hiền Thê của Chúa Giêsu, trong khi chính Ngài, theo lời Sách Thánh, “bị thương tích chỉ bởi một trong những sợi tóc của hiền thê[17]”, nghĩa là bởi sự nhỏ mọn nhất trong các khiếm khuyết của vị Hiền Thê đó mà Ngài muốn hoàn toàn trong sạch không tì ố, như chính mình Ngài. Họ làm phiền lòng Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Cha vừa là Lang Quân của các linh hồn. Họ làm cho máu Ngài đổ ra vì các linh hồn trở thành vô hiệu lực. Họ là những mục tử mà ngôn sứ Ezéchiel và thánh tông đồ Giuđa gọi là “những kẻ tự chăn mình thay vì chăm sóc đoàn chiên của mình”[18]. Và như thánh Phaolô chứng giám: “họ giam giữ chân lý trong bất công[19]” khi không công bố cho những kẻ phải nhận biết.

          Thật án phạt của họ sẽ ra như thế nào trong ngày Thẩm phán? Khi đó những linh hồn kitô giáo sẽ đòi những vị linh hướng đáng thương đó tính sổ khi họ lớn tiếng phân phô rằng các vị này đã chẳng cho họ ăn khi họ đói!

          Về phần tôi, tôi chẳng muốn để Chúa Giêsu Kitô có thể khiển trách tôi trong ngày đó là đã tìm trong việc dẫn dắt các linh hồn điều khác với vinh quang của Ngài và phần rỗi của họ vì sợ bị coi là làm phiền hà họ, nên đã chẳng cẩn thận để khỏi làm phật lòng chính Ngài! (tr.31-33).

Khai mở cho mọi người ơn gọi nên thánh

          Dư luận thông thường, theo đó sự thánh thiện không liên can tới mọi kitô hữu, đem lại cho cha Olier một “mối đau phiền rất lớn”, cộng thêm một sự “bỡ ngỡ” đắng cay khi nhìn thấy quá ít người của Giáo hội đứng ra chiến đấu chống lại một sự “lừa đảo lớn lao như vậy của ma quỉ” (tr.35). Điều lo lắng đầu tiên của một vị linh hướng tốt sẽ là thiết lập nơi các con thiêng liêng của mình mối thâm tín căn bản này: ơn gọi hoàn vũ, trong Giáo hội, tới sự thánh thiện là sự thông hiệp của mọi tín hữu vào sự thánh thiện của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Mời gọi, lệnh truyền và ơn sủng đã được ban cho từng người với mục đích đó.

          Vậy để đưa các linh hồn tới sự trọn lành, trước hết cần thuyết phục họ về bổn phận phải tìm nó: thiếu sự xác tín đó, nhiều tín hữu sẽ chẳng màng chi đến, nhưng một khi đã xác tín, họ sẽ hết lòng hướng về đó.

          Tin rằng mọi kitô hữu không được gọi tới sự trọn lành, nhưng chỉ đơn giản tới một đời sống chung chước chuẩn cho họ thực hành những nhân đức chân thật và vững chãi chiếu theo những gương sáng và phương châm trong lành nhất của Phúc Âm, đó thật là một sự lừa đảo rất lớn và một ảo tưởng do Ma qủi xui nên. Sự trọn lành phúc âm được dành cho mọi người: đó là bữa tiệc mà mọi người được mời đến dự. Chỉ hệ tại chúng ta có đến tham dự để được no đầy những món ăn mĩ vị mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho các linh hồn thôi. Bất cứ ai không tìm cách chối từ đều có thể được nhận vào dự, bởi vì chủ nhà mời tất cả chúng ta tới và hết lòng ước ao tiếp nhận chúng ta: niềm vui lớn lao của Ngài chính là mời được chúng ta ngồi vào bàn của Ngài để nuôi chúng ta bằng đời sống thần linh của Ngài và làm cho chúng ta no đầy những hồng ân quý báu nhất của Ngài. Không những Ngài mời mọi người chúng ta đến dự, nhưng còn khẩn khoản xin chúng ta: tình yêu của Ngài luôn muốn nhìn thấy chúng ta ở đó và Ngài còn đi cả đến chỗ ngăm đe chúng ta để làm áp lực buộc chúng ta phải mau mắn ngồi vào chỗ tại đó[20].

          Bởi vì Ngài ước ao đòi buộc mọi kitô hữu nên trọn lành, Chúa Chúng Ta đề nghị làm gương mẫu cho họ Thiên Chúa Cha của Ngài: “Hãy nên trọn lành, Ngài nói, như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành[21]”. Từ khi chúng ta là con cái Ngài, chúng ta phải nên giống như Ngài. Như Chúa Cha có trong mình mọi sự hoàn hảo, ở độ cao nhất có thể nghĩ tưởng được, cũng vậy chúng ta phải có những sự hoàn hảo ở độ tuyệt hảo nhất có thể được. Cũng như không có một kitô hữu nào lại không có vinh dự là con Thiên Chúa, cũng vậy không ai trong họ được coi mình được chước chuẩn làm việc để trở nên hoàn toàn thiện hầu nên giống Thiên Chúa là Cha của mình.

          Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương chúng ta phải hết sức học theo: Ngài ban chính mình cho mọi chi thể của Thân mình Ngài như là mẫu mực cho đời sống của họ. Ngài là đầu của chúng ta và chúng ta là chi thể của Ngài, chúng ta phải tham dự vào Thần Khí của Ngài và tự làm đầy mình bằng đời sống của Ngài: làm cho nó phát triển đúng mức, chính nó sẽ làm cho chúng ta có khả năng tới gần sự thánh thiện của Ngài. Đó là tại sao Chúa Chúng Ta đã nói với chúng ta hết thảy: “Hãy nên thánh vì Ta là thánh[22]”. Đó là tại sao Ngài đã muốn thực hành mọi nhân đức: để làm gương cho chúng ta buộc chúng ta phải bắt chước Ngài.

          Tất cả chúng ta phải nhắm tới sự trọn lành và hành động để đạt tới. Trước hết vì Phúc Âm, trên đó chúng ta sẽ bị xét xử, là duy nhất và cùng là một cho mọi kitô hữu: đó là như tờ chúc thư Thiên Chúa Cha chúng ta để lại cho con cái mình hầu bày tỏ cho họ những ý muốn của Ngài để họ hết sức mau mắn làm theo. Tiếp đến là vì tất cả chúng ta đã nhận một phép rửa duy nhất, mà những đòi buộc đều như nhau đối với mọi người do cùng những lời hứa mà tại đó chúng ta đã làm với Thiên Chúa. Sau cùng vì tất cả chúng ta là con của một mẹ duy nhất là Giáo hội. Mẹ ban cho tất cả cùng những lề luật và cùng một của ăn là Chúa Giêsu Kitô, Ngài khắc ghi vào lòng trí chúng ta cùng những tâm tình, ban cùng một tinh thần để dẫn dắt và làm cho chúng ta sống, tức là chính Chúa Thánh Thần, mà hoa quả đều như nhau trong mọi linh hồn. Cho mọi người, Mẹ phân phát cùng một đời sống thần linh làm đầy tràn chúng ta, cùng những bí tích phải làm phát sinh nơi mọi nguời cùng những hiệu quả của ơn thánh. Với mọi người, Mẹ dặn dò cùng những phương châm mà mọi người đều được kêu gọi để sống theo. Như thế chúng ta đều khát vọng cùng một mối vinh quang. Sự phán xét sẽ là một cho mọi người: tất cả chúng ta sẽ bị xét xử chiếu theo cùng một lề luật và chúng ta sẽ nhận hoặc cùng một hình phạt hoặc cùng một phần thưởng.

          Hơn nữa, nào chúng ta chẳng có gương lành của anh em chúng ta những chi thể của Giáo hội sơ khai là những kẻ trọn lành sao? Giữa họ đã chỉ có một tinh thần, một trái tim và một linh hồn, bởi vì tất cả đều được đầy Thánh Thần Đấng nâng tất cả lên cùng một sự thánh thiện[23].

          Thiên Chúa yêu thương con người rất mực đến nỗi muốn ban mình cho họ vui hưởng, không những trong cõi đời hạnh phúc, mà hơn nữa – cho dầu có không được đầy đủ như vậy – ngay ở đời này. Và việc hưởng thụ Thiên Chúa đó là một sự lành lớn lao đến nỗi ta đừng bỏ qua gì để đoạt lấy cho được. Mất sự hưởng thụ đó dù chỉ một giây phút, hoặc hơn nữa thiếu nâng lòng lên, dù chỉ một độ trong tình yêu đó, đấy là một bất hạnh cho chúng ta còn lớn lao hơn là chúng ta mất muôn vàn thế giới này. Thật vậy, chúng ta mất mọi sự nếu chúng ta không đạt được sự trọn lành mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta tới: thước đo sự trọn lành đó đích thật là thước đo sự thánh thiện của chúng ta, và thước đo sự thánh thiện đó không là gì khác thước đo sự kết hợp thân mật của chúng ta với Thiên Chúa và sự chúng ta hưởng thụ Ngài.

Nếu chúng ta biết được điều mà các linh hồn để mất khi không hưởng thụ được Thiên Chúa như bao nhiêu họ có thể được, thì chúng ta sẽ vô cùng hối tiếc vì đã bằng lòng để mình bị một sự mất mát lớn lao đến như vậy. Và nếu các thánh trên trời có khả năng cảm nhận đau khổ và buồn phiền thì nỗi đau khổ buồn phiền của các ngài sẽ lớn lao biết bao khi nhận thấy các ngài đã có thể chiếm hữu được Thiên Chúa sâu xa hơn, và vì tại lỗi mình, mà các ngài đã mất một hạnh phúc lớn lao dường ấy!

          Bởi vì Thiên Chúa ao ước chiếm hữu chúng ta và ban mình cho chúng ta đến như vậy, nên đáp lại, chúng ta phải chỉ còn là ước ao đến với Ngài để thuộc trọn về Ngài, đầy tràn chính Ngài và chiếm hữu cách trọn vẹn hết sức có thể. Trong bối cảnh đó, chẳng có sự thánh thiện nào, sự trọn lành nào mà ta lại chẳng phải làm việc và cầu mong để thực hiện được ước muốn đó. [tr. 35-41]. 

Sự trọn lành là do ở tình yêu

          Quá nhiều kitô hữu có một tư tưởng sai lạc về sự thánh thiện khi họ tưởng tượng rằng nó hệ tại chẳng biết trong những kỳ công ngoại thường nào. Vì thế các vị linh hướng có bổn phận phải bày tỏ cho họ biết bản tính đích thực của sự thánh thiện kitô giáo : không là gì khác với sự trọn lành hằng ngày của tình yêu, như là mọi người đều có thể sống nó trong mọi điều kiện và mọi dịp.

            Thiên Chúa chúng ta là Tình Yêu, và sự thánh thiện riêng của Ngài mà Ngài đòi chúng ta và ban cho tất cả chúng ta chia sẻ, đó là tình yêu của Ngài theo gương Chúa Kitô Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria và mọi vị thánh trên trời.

          Nếu thường quá hay xảy ra là các kitô hữu không ước ao tiến tới sự trọn lành hay là chính các vị linh hướng không có động viên các linh hồn họ hướng dẫn, một trong những lý do nằm ở chỗ này: cả đôi bên cùng không được soi sáng đủ và bởi vì họ đặt sự trọn lành ở nơi khác với chỗ nó phải ở, họ không nghĩ rằng nó được dành cho mọi người.

          Vì thế cần phải dạy cho các tín hữu biết sự trọn lành chân thực và phải bày tỏ cho họ biết nó hệ tại điều gì: không những chỉ để ngăn cản họ khỏi đi lầm đường, mà còn để một khi đã biết nó là gì, họ yêu mến nó và dấn thân dùng những phương thế chân thật và chắc chắn để đạt tới.

          Bất hạnh cho nhiều linh hồn vẫn ở trong một sự thâm tín sai lạc cần phải giác ngộ cho họ. Họ màng tưởng rằng để đạt tới sự trọn lành thì cần phải biết cùng những hiện tượng – ngất trí, mạc khải, phép lạ và những sự khác – mà người ta thấy và ngưỡng mộ nơi một vài vị thánh. Họ tin rằng, không có tất cả những cái đó, người ta không thể đạt tới sự thánh thiện cũng như các vị ấy. Hoặc hơn nữa để nên trọn lành phải bỏ thế gian, thực hành những việc đền tội lớn và khắc khổ, sống trong chay tịnh v.v… Thực ra tất cả những cái đó, có giá trị của nó, nhưng không được lẫn lộn với sự trọn lành và không đòi mọi kitô hữu phải biết cũng không phải thực hành.

          Sau khi đã chỉ cho các tín hữu biết rằng sự trọn lành không hề nằm trong những cái đó, cần phải nói cho họ tìm thấy nó ở đâu: ở trong tình yêu. Thứ tình yêu trong sạch và mạnh mẽ, thứ tình yêu nóng bỏng nó động viên chúng ta thực hành những nhân đức kitô giáo vững chắc và hoàn toàn mãi mãi chết đi cho chính mình, để sống sung mãn đời sống của Thiên Chúa và thiết định toàn thân ta trong Chúa Giêsu Kitô, Thầy chỉ thánh của chúng ta.

          Chúa Chúng Ta nhìn xem và yêu mến mọi kitô hữu như là con cái Ngài, và trong tình yêu Ngài mang lại cho họ đó, Ngài kêu gọi tất cả đến sự trọn lành, Ngài muốn tất cả nên trọn lành như Thiên Chúa và thánh thiện như Người[24]. Vì thế Ngài đã muốn đặt để sự trọn lành và sự thánh thiện đó trong một cái gì là của chung mọi người chứ không phải là đặc ân riêng rẽ của một vài người thôi. Ngài đã muốn đặt chúng trong điều mà mọi người có thể thực hiện được, ở mọi thời và trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh và mọi công việc. Vì chưng, tất cả không thể thực hiện những hành động rực rỡ, cũng chẳng có thể bố thí rộng rãi được bởi vì họ nghèo túng. Tất cả không có khả năng trầm mình vào những sự khổ hạnh lớn lao và những sự hãm mình bề ngoài. Tất cả không ở trong tình trạng có thể đi giam mình trong nơi thanh vắng, vì họ được gọi để phục vụ tha nhân hoặc phải làm trọn những phận sự công cộng. Tất cả không có rảnh rỗi để qua những giờ lâu dài trong cầu nguyện vì vướng công việc của họ. Tất cả cũng không thích hợp để biết những trạng thái cầu nguyện cao siêu nhất, bởi vì Thiên Chúa chưa ban ơn đó cho họ hoặc không ban cho họ hồng ân cầu nguyện thần bí.

          Sự trọn lành không hệ tại tất cả những cái đó nhưng thật sự là chỉ ở trong tình yêu. Thật vậy, mọi kitô hữu đều có khả năng yêu mến. Thiên Chúa đã ban cho mọi người chúng ta một trái tim để yêu mến Ngài là Đấng đã ban nó cho chúng ta. Vậy chúng ta có thể luôn luôn yêu mến, không gì có thể ngăn cản chúng ta: chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi ta đau yếu cũng như lúc khỏe mạnh, trong công việc này cũng như trong công việc khác, trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ… Cuối cùng, chẳng có lúc nào, nơi nào, trường hợp nào, điều kiện nào mà chúng ta lại không thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng chúng ta và tại đó sự vững mạnh của tình yêu lại không thể làm phát sinh trong ta những kết quả chân thật của nó.

          “Thiên Chúa là Tình Yêu”, theo kiểu nói của thánh tông đồ Gioan[25], và để làm cho các kitô hữu nên trọn lành theo hình ảnh mình, Ngài đã muốn đặt sự trọn lành trong tình yêu và trong đức bác ái: “kẻ nào ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy[26]”. Chúng ta càng yêu mến thì càng được thiết định trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong chúng ta, và sự ở lại trong Chúa đó làm cho chúng ta tham dự mật thiết hơn vào hữu thể thần linh và vào những sự trọn lành thần linh của Ngài. Thiên Chúa càng ở trong chúng ta thì Ngài càng thông ban tràn đầy chính mình cho linh hồn chúng ta, càng đổ tràn dư đầy trong đó đời sống thần linh của Ngài. Chính trong việc ở trong Thiên Chúa đó mà chúng ta thể hiện sự thánh thiện riêng của chúng ta: chúng ta nên thánh theo mức độ Thiên Chúa thông ban mình cho linh hồn chúng ta và làm cho chúng nên đẹp ý Ngài. Thiên Chúa càng đổ tràn đầy trong ta đời sống thần linh của Ngài, là một đời sống tình yêu, thì chúng ta càng nên trọn lành và được nâng lên trong sự thánh thiện trước mắt Ngài.

          Đời sống của Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng là một đời sống tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện hữu từ đời đời và sẽ hiện hữu mãi mãi trong tình yêu hỗ tương: và tình yêu vô hạn các ngôi vị có với nhau ngôi này đối với ngôi kia đó không hề có một giây lát ngưng trệ. Bởi vì Ngài đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh và giống như Ngài, Thiên Chúa muốn chúng ta nên giống Ngài trong tình yêu. Ngài muốn rằng bằng chính tình yêu đó, chúng ta yêu mến Ngài hết lòng, yêu mến Ngài luôn mãi không ngừng, đúng như Ba Ngôi thần linh đặt tất cả sự cao sang và quyền lực của mình để yêu mến lẫn nhau trong một tình yêu vĩnh cữu.

          Đó là tại sao Thiên Chúa đòi buộc chúng ta yêu mến Ngài, đó lại chính là giới răn thứ nhất Ngài ban bố cho chúng ta: làm thế, Ngài buộc chúng ta nên giống như Ngài và trở thành trọn lành như chính Ngài. Đó là tại sao Chúa Chúng Ta, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa và hình ảnh của Cha Ngài, đã yêu mến đến độ vì sao Ngài không bao giờ thôi yêu mến và vì sao tình yêu của Ngài sẽ kéo dài mãi mãi. Đó là tại sao Đức Thánh Trinh Nữ, ngay từ giây phút đầu tiên được Thụ thai vô nhiễm, đã được tràn đầy một tình yêu lớn lao đến thế: sau khi đã chọn Người làm Hiền Thê, làm Mẹ của Con mình và làm Đền Thờ của Thánh Thần, thực sự Thiên Chúa đã chẳng muốn cho Người sống chỉ một giây phút không có tình yêu lớn lao đó; Bởi vì Ngài đã yêu Mẹ chí thiết, nên không muốn nhìn thấy Mẹ dầu chỉ một giây lát lại không toàn hảo trước mắt Ngài. Sau cùng đó là tại sao chính đời sống tình yêu là đời sống của các thánh trên trời, giữa các ngài những đấng trọn lành nhất là những đấng yêu mến nhiều nhất. Và cũng thế, trong Giáo hội chúng ta dưới đất này, Thiên Chúa đã muốn rằng cuộc sống của các kitô hữu là một cuộc sống tình yêu và bác ái và kẻ trọn lành nhất là người có được đời sống đó ở độ cao nhất. [tr.41-45].

          Tình yêu thiên linh mà sự trọn lành chung kitô giáo đó làm cho chúng ta thông phần, có những đòi hỏi cụ thể nào? Chúng ta có Phúc Âm dạy dỗ hằng ngày. Sự trọn lành không phải là việc của tình cảm, nhưng là việc dấn thân “chủ động và hữu hiệu” để làm trọn cách trung thành ý muốn của Thiên Chúa trong sự vâng phục với một “ý hướng rất trong lành”.

          Thứ tình yêu làm cho các linh hồn nên trọn lành đó không được là một tình yêu con nít, một tình yêu chỉ toàn là tình cảm, nhưng là một tình yêu mạnh mẽ và can đảm, một tình yêu chủ động, một tình yêu có khả năng dẫn dắt chúng ta cách hiệu lực đến việc thực hành mọi nhân đức kitô giáo vững chãi, đến sự ước ao vâng phục mọi phương châm và bước theo mọi gương lành Chúa Chúng Ta đã để lại cho chúng ta. Đấy là tình yêu đích thực trong đó gồm sự trọn lành, và một tình yêu như vậy có thể có được trong mọi hoàn cảnh và mọi bậc sống.

          Thật vậy, lúc nào người ta cũng có thể yêu mến, cả đến trong khi ngủ: nếu giấc ngủ quả thật không cho phép thi hành tình yêu hiện tại, thì nó cũng không vì thế làm ngưng trệ tình yêu thủ đắc thường xuyên. Chính vì thế mà có lời trong sách Diễm Ca: “Tôi ngủ, nhưng tim tôi vẫn thức[27]”. Trái tim của tình nhân chân thật không bao giờ thiếu tình yêu, nó luôn hướng về người yêu và không khi nào thôi khao khát ở bên cạnh người yêu. Nhưng chưa phải chỉ có thế thôi.

          Bất cứ ở đâu một tình yêu như thế ngự trị, nó sẽ động viên kẻ sống tình yêu đó làm hài lòng hết sức có thể Đấng Chí Ái và làm mọi điều nó biết là vui lòng Ngài: nói khác là thực hiện các nhân đức đời sống thánh thiện ở độ cao nhất nó có thể. Vậy thì điều này có thể thực hiện được trong mọi điều kiện và trong mọi hoàn cảnh: nếu ta trung thành với Thiên Chúa thì không có hoàn cảnh nào mà ta lại không thể yêu mến Ngài hết tâm hồn được. Không hoàn cảnh nào mà tình yêu thiên linh lại không có khả năng thiết đặt ta trong sự hủy diệt nội tâm chân thật mà Thiên Chúa đòi buộc ta. Không hoàn cảnh nào mà ta lại không thể sống trong sự phó thác toàn vẹn bản thân ta cho Thiên Chúa để Ngài mãi mãi sử dụng ta theo Ngài muốn. Không hoàn cảnh nào mà ta lại không có khả năng yêu mến cả đến những lăng nhục ta phải nhận và yêu mến tha thiết chính những kẻ bách hại ta. Không hoàn cảnh nào mà ta lại không thể cháy bừng lòng ao ước làm sáng danh Thiên Chúa và nhìn thấy Ngài được mọi người tôn kính. Không hoàn cảnh nào mà ta lại không thể yêu mến cách nghiêm chỉnh tha nhân của ta. Không hoàn cảnh nào mà ta lại không thể hoàn toàn chết đi cho chính mình bằng cách sống thật đầy đủ chính đời sống của Thiên Chúa.

          Đó là tại sao Thiên Chúa đã đặt sự trọn lành trong chính tình yêu chủ động và hữu hiệu đó: một tình yêu như vậy, chúng ta có thể sống nó trong mọi điều kiện và trong từng điều kiện một, và sống nó trong mọi lúc; trong khi những sự hãm mình, chay tịnh hay những sự khác giống như vậy chúng ta không thể luôn luôn làm được. Hơn nữa, tại sao thấy được có các vị thánh trong mọi bậc sống và mọi điều kiện: vì chưng trong mọi hoàn cảnh người ta đều có thể yêu mến. Chỉ có tình yêu mới có thể làm phát sinh hoa trái thánh thiện trong các linh hồn: chỉ cần cho điều đó, là có can đảm và sống trung thành với Thiên Chúa!

          Chúng ta phải muốn sống trong sự lệ thuộc Thiên Chúa và trong sự vâng phục mọi ý muốn của Ngài, nghĩa là làm đầy đủ những nghĩa vụ của bậc sống chúng ta vì tình yêu đối với Thiên Chúa và chỉ vì lòng ước ao làm đẹp lòng Ngài, bằng cách tìm làm cho Ngài vui lòng. Điều đó giả thiết có sự khao khát làm sáng danh Ngài, một sự tự do nội tâm lớn lao nó làm cho chúng ta không hướng tâm về mình và cản ngăn chúng ta gắn bó vào hành động riêng của mình: không phải sự thỏa mãn cá nhân của chúng ta mà chúng ta phải muốn thấy trong đó, nhưng chỉ có sự sáng danh của Thầy chúng ta thôi, bằng cách chỉ hành động cho Ngài, chỉ tìm một mình Ngài, trong niềm vui được làm vì lòng trung thành với Thiên Chúa điều Ngài truyền dạy chứ không điều gì khác. Vậy chúng ta phải đứng trước Thiên Chúa trong một sự trong sạch lớn lao về ý hướng: trong khi chúng ta làm trọn điều Ngài đòi buộc, như thế chính Ngài có thể thực hiện trong tâm hồn chúng ta đều đẹp lòng Ngài để Ngài được vinh danh. Sau cùng, ta phải sống phó thác cho Thiên Chúa để làm điều Ngài vui thích và không làm gì ngoài ý muốn của Ngài. Vậy tinh thần đó và những tâm tình đó mọi người đều có thể có được trong mọi điều kiện trên đời này.

          Cách hành động đó làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả và nó có thể thánh hóa chúng ta trong một thời gian rất ngắn. Nó chắc chắn và không vướng mắc một thứ ảo tưởng và lừa đảo nào cả. Trước hết, vì chúng ta làm theo ý của Thiên Chúa, chúng ta làm trọn những ý định của Ngài và chúng ta không xa lìa những giới răn Ngài ban bố cho chúng ta. Tiếp đến, vì theo cách đó, chẳng những chúng ta gặp được sự thánh hóa bản thân trong việc làm trọn thánh ý Thiên Chúa trên chúng ta: thường ra, để khỏi nói là luôn luôn, chúng ta từ bỏ được như thế ý muốn riêng tư của chúng ta thường xuyên chỉ quá hướng chiều về việc tìm kiếm điều gì khác với điều Thiên Chúa đòi buộc và ước muốn.

          Như thế người ta sẽ sống trong một tinh thần hy sinh liên lỉ: người ta không tìm để làm hài lòng mình, không làm thỏa mãn khí sắc của mình, nhưng lại sống trong một thứ tử đạo liên lỉ, càng đẹp lòng Thiên Chúa hơn khi nó càng bình thản, càng liên tục và chịu đựng với một tình yêu lớn hơn. [tr.47-49].

          Vậy thánh giá ở ngay trọng tâm của tình yêu phúc âm. Với rất nhiều thực tế thiêng liêng, cha Olier dạy về sự trổi vượt của những thánh giá người ta không tự chọn, chúng đánh dấu đời sống thường nhật, trong điều kiện mà Thiên Chúa đặt để từng người (tr.53-55, rút ra từ một bài diễn thuyết tại chủng viện được cha Bretonvilliers ghi lại).

          Những đau khổ mà thân phận đặt để cho chúng ta, đó là những thánh giá thật, phải được quý chuộng hơn mọi cách khổ hạnh và hãm mình ta có thể tự mình chọn lấy. Và điều này vì nhiều lý do.

          Trước hết, những thánh giá đó, do chính Thiên Chúa đặt định cho chúng ta trong mức độ nó thường đi liền không tách rời được khỏi điều kiện trong đó Thiên Chúa đã đặt chúng ta. Sẽ không phải như vậy về những sự hãm mình mà chúng ta tự quyết định lấy: nào chúng ta chẳng thường thấy ý riêng mình trong đó sao? Dù sao, nào đối với chúng ta chúng lại chẳng bớt cực nhọc hơn chính vì chúng ta đã tự mình quyết chọn chúng sao? Mọi sự hãm mình là đối tượng của sự chọn lựa của ta hay của ý muốn riêng tư của ta sẽ ít cay đắng hơn đối với ta, và mũi nhọn nó có thể đâm ta ít ra cũng thấy nhụt đi.

          Thứ đến, những thánh giá kia, gắn liền như vậy với thân phận chúng ta, thường kéo dài suốt cuộc sống, trong khi những cái khác thường chỉ chóng qua. Những cách hành xác và những hãm mình khác thuộc loại đó sẽ mau qua đi, chúng chỉ kéo dài trong một thời gian vắn vỏi; sau đó người ta không thấy đau khổ nữa. Sẵn sàng chịu đựng với tình yêu, cách thường xuyên, những thánh giá của thân phận chúng ta, làm chúng ta không ngừng bị thương tích mọi nơi; tiếp tục chịu đựng chúng khi người ta có thể thoát khỏi được, và điều đó vì trung thành với Thiên Chúa và để vui lòng Ngài bằng cách làm điều Ngài đòi buộc: trái lại đó thật là một sự tử đạo bằng tình yêu. Và chúng ta phải yêu chuộng nó hơn tất cả mọi sự hãm mình khác… mà chúng ta tự ý chọn lấy, chiếu theo sự hướng chiều của chúng ta, với mục đích duy nhất là chước chuẩn cho mình khỏi thánh giá kia! Chấp nhận những thánh giá do sự quan phòng gửi đến làm cho chúng ta tiến tới trước mặt Thiên Chúa hơn nhiều những thánh giá chúng ta tự chọn có thể làm được.

          Thứ ba, là những thánh giá đó đi liền với thân phận chúng ta, không làm cho chúng ta thành quen đi. Vì chưng, ngoại trừ những thánh giá gây đau đớn về thể xác, thường là những đau khổ nội tâm gây ra bởi những dằn vặt chúng ta phải chịu đựng: chúng luôn dễ cảm nghiệm, và sự khổ cực cũng như sự đau đớn chúng gây nên cho ta, có thể nói được, làm chúng ta thấy chúng luôn mới mẻ. Cũng phần nào giống như khi chúng ta bị đàn ong chích nhiều lần: lần cuối cùng làm chúng ta cũng thấy đau như lần đầu, và mũi chích của đàn này không có làm chúng ta cảm thấy dịu hơn hay ít đau hơn mũi chích của đàn ong kia! Cũng như vậy về những đau khổ người ta phải gánh chịu trong mỗi hoàn cảnh: không thể nào làm quen được trong đó, chúng sẽ luôn cũng khó chịu đựng, và ngay rất thường, sự liên tục của chúng làm cho chúng ta không thể chịu đựng được nếu không có sự trợ giúp của ơn sủng thêm sức mạnh cho chúng ta. Trong khi – kinh nghiệm thường nhật có đó để minh chứng – người ta dễ làm quen với các việc hãm mình khác: thân xác quen dần và sau đó sẽ ít đau đớn hơn.

          Lý do thứ bốn là những thánh giá của thân phận chúng ta đó rất thánh hóa chúng ta. Trong khi chúng ta chịu đựng chúng, thường là chúng có vẻ đối với chúng ta như là không có ích lợi gì cho việc tiến tới thiêng liêng của chúng ta. Hoặc là chúng ta tin, trong khi chịu đựng chúng, như là chẳng làm gì nên trò; hoặc hơn nữa chúng ta tưởng rằng chính tại lỗi chúng ta mà chúng ta phải đau khổ. Nhờ đó người ta luôn ở trong tinh thần tự hủy, và điều đó làm chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa và sẵn sàng hơn để nhận những ân huệ của Ngài. Sẽ khác hẵn về những thánh giá mà chúng ta tự chọn: chúng đối với chúng ta có lợi hơn, chúng ta chắc chắn là đã làm phải khi thực hiện chúng, và cả đôi khi, vì nghĩ rằng mình đã hãm mình hơn người khác, tinh thần kiêu ngạo và tự phụ len lỏi vào lòng ta, thổi phồng chúng ta bề trong làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa và kéo chúng ta ra khỏi tình trạng mà chúng ta phải ở đó để nhận được lòng thương xót lớn lao của Ngài.

          Thứ năm, khi mà chúng ta chịu đựng những thánh giá của thân phận chúng ta đó, thường xảy ra là chúng ta thấy mình là mục tiêu cho tha nhân khinh bỉ, nhạo cười hoặc ít nhất là hiểu lầm. Trái lại, trong trường hợp những hãm mình tự chọn, khi chúng trở thành công khai chung quanh chúng ta, thì chúng ta được quý trọng và tôn kính, ai cũng để ý đến, vì sự ngưỡng mộ và trọng kính thường được dành cho những người nổi tiếng vì thực hành cách hãm mình kiểu đó.

          Thứ sáu, trong những kiểu hãm mình cuối cùng này, không thiếu những lý do để tự mãn; và nếu thân xác có đau đớn đôi chút, thì tinh thần lại thấy trong đó sự bình an của mình, nó làm quen dần và còn sẵn lòng vui thỏa ở đó luôn. Trái lại, trong những thánh giá do sự quan phòng gửi đến, tinh thần thường bị chấn áp, không có sự thỏa mãn nào, không cảm nghiệm được sự nghỉ ngơi nào: nó chỉ thấy trong đó khổ cực và đắng cay càng làm cho nỗi buồn phiền của nó thêm đau đớn hơn.

          Sau cùng, những hãm mình tự chọn – chay tịnh và những cái khác giống như vậy – chỉ chạm đến thân xác, mà cùng lắm nó làm yếu sức tự nhiên đi để đặt nó dưới lề luật của Thiên Chúa, bằng cách thống trị nó và bắt nó quy phục ý chí. Trong khi đó những thánh giá do sự quan phòng thống trị chính tinh thần bằng cách đặt nó trong một thái độ có đủ khả năng để làm hài lòng Thiên Chúa: bằng cách làm cho nó thực hiện những sự hãm mình nội tâm chân thật, làm cho nó chết đi cho chính mình và tập luyện những hành vi của những nhân đức trong sáng nhất, hủy diệt nó và làm cho nó luôn luôn tùng phục lề luật của Thiên Chúa. Vì thế những thánh giá này càng có lợi hơn và đáng quý chuộng hơn những thánh giá trên kia, cũng như tinh thần thì trọng hơn thân xác và sự hãm mình bề trong thì trọng hơn sự hãm mình về ngũ quan: khi mà tinh thần được điều chỉnh tốt, thì nó sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn sự thống trị của nó trên phần hạ.

          Đó là tại sao chúng ta phải yêu mến và chấp nhận với niềm hân hoan những khổ cực nhỏ mọn xảy đến trong bậc sống của chúng ta… [tr.53-55.]

Cũng vậy “một trong những quy luật chính” cho một vi linh hướng sẽ là phải lưu ý để những con thiêng liêng của mình đừng lìa khỏi “con đường riêng của họ” lấy cớ là bắt chước… điều các thánh có, vì thực sự, không thể bắt chước được.

          Con đường tới sự thánh thiện đó cho dù là chắc chắn và vững chãi nhất, trong thực tế, nó thường được rất ít người bước theo: lý do là phần đông người ta đặt sự trọn lành trong điều dễ dàng nhất và dễ chịu nhất đối với mình. Chẳng hạn, khi người ta thấy hứng thú trong lúc cầu nguyện, người ta kéo dài thời gian ra, dù phải bỏ bê bổn phận bậc mình mà người ta luôn phải chu toàn. Và cứ tiếp tự như thế. Người ta tưởng như thế là đã làm rất nhiều, nhưng trong thực tế người ta đã chẳng làm chi hết: chúng ta đã hành động theo sự hướng chiều riêng của mình thay vì theo những ý định của Thiên Chúa trên chúng ta, chúng ta rút mình khỏi những lệnh truyền của Ngài để tự do buông theo ước vọng và óc tưởng tượng của ta. Các vị linh hướng phải rất lưu ý đến điểm này đối với những kẻ Thiên Chúa đặt dưới sự dẫn dắt của mình; vì chưng sự trọn lành kitô giáo, không hệ tại làm nhiều nhưng hệ tại yêu mến nhiều, nó hệ tại làm với một tình yêu lớn lao điều Thiên Chúa đòi buộc chúng ta.

          Vậy phải giác ngộ một người mình dẫn dắt khi họ tưởng tượng rằng sự trọn lành ở tại những hiện tượng ngoại thường mà chúng ta có thể ngưỡng mộ nơi một vài vị thánh. Thật ra, nơi những vị này, phải phân biệt hai điều: điều chúng ta phải ngưỡng mộ và điều chúng ta phải bắt chước.

          Thật vậy, một đàng có những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện nơi các ngài, và qua trung gian các ngài, nơi người khác. Chúng ta phải thờ lạy ý muốn lớn lao của Thiên Chúa đã vui lòng thông ban mình như vậy cho loài người: chúng ta có thể tạ ơn thay cho các vị thánh ấy và vui mừng với các ngài vì những ơn huệ lớn lao Chúa đã ban cho cái ngài. Trái lại, về phần chúng ta, chúng ta không được ước ao những ơn đó, nhưng sự khiêm nhường và tự hủy mà chúng ta phải luôn ở đó, phải làm cho chúng ta tin chắc rằng chúng ta chẳng xứng đáng được những đặc ân đó.

          Đằng khác, có những nhân đức mà các vị thánh này đã thực hành. Về điểm này, chúng ta phải cố gắng bắt chước các ngài hết sức có thể: vì chưng, các nhân đức là của chung mọi kitô hữu. Và các thánh được ban cho chúng ta như những mẫu mực và gương lành trên đó chúng ta phải đồng hóa đời sống chúng ta.

          Đừng có đặt vào óc mình là phải thể hiện lại mọi điều chúng ta thấy là thánh thiện và tốt lành nơi các ngài. Thiên Chúa có những cách thức khác nhau để dẫn dắt các linh hồn trong Giáo hội. Cần phải gắn bó với cách thức Ngài muốn cho chúng ta mà không ước mong một cách khác. Đó là những con đường khác nhau nhưng tất cả đều dẫn về cùng một đích, là chính Thiên Chúa. Sự trung thành của chúng ta hệ tại bước đi trên con đường Thiên Chúa chỉ định cho mình, nhưng phải bước đi trong đó với những bước lớn hết sức có thể để sớm đến với Ngài và trọn vẹn chiếm hữu Ngài.

          Đây là một trong những quy luật chính mà những vị dẫn dắt các linh hồn phải theo: phải cản ngăn họ đừng bỏ con đường riêng của họ để theo một con đường khác với con đường mà Thiên Chúa đã gọi họ để đi tới Ngài. Cả khi Thiên Chúa muốn ban mình cho mọi người và trở thành sở hữu của mọi người, thì cũng vẫn bằng cách khác nhau và qua những phương thế khác biệt cho từng người.

          Với tư cách là linh hướng, chúng ta phải rất lưu ý đặt các linh hồn trong con đường mà chúng ta tin rằng Thiên Chúa kêu gọi họ và đưa họ ra khỏi mọi đường lối khác mà tính ích kỷ có thể bị cám dỗ dẫn họ vào. Đó là phương thế tốt để đạt tới sự trọn lành, chính sự trọn lành đó là đích điểm mà chúng ta có bổn phận phải đưa mọi linh hồn chúng ta dẫn dắt tới. [tr.55-57].

Dẫn dắt không khiếp nhược, vì tình yêu

Chính nhân danh tình yêu của mình đối với các con thiêng liêng mà vị linh hướng phải can đảm làm việc cho sự thánh hóa của họ. Công việc nhiều yêu sách, đòi phải thẳng thắn, đôi khi gây cực lòng cho họ, nhưng được thúc giục bởi tình yêu đó, như của một người cha đối với con mình vì lợi ích lớn cho nó. Người thợ điêu khắc lại chả phải đẽo gọt khối đá thô để cho pho tượng được đẹp sao.

          Tình yêu Thiên Chúa và lòng sốt sắng tìm sáng danh Ngài phải ghi khắc vào lòng trí chúng ta tinh thần này: Thiên Chúa sẽ được rạng danh hơn bởi một linh hồn trọn lành và đạt tới một sự thánh thiện trổi vượt hơn là bởi nhiều linh hồn khác bằng lòng với một nhân đức tầm thường và chung chung vậy. Tình yêu tha nhân cũng phải thúc đẩy chúng ta làm việc cho sự trọn lành của họ: đó là sự lành lớn nhất ta có thể đem đến cho họ ở đời này và trong cõi vĩnh hằng.

          Dấu hiệu khiếp nhược lớn, chính là thiếu tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn khi không chịu nói với các người mình dẫn dắt điều cần thiết vì sợ làm họ buồn. Một người cha, nhân danh chính tình yêu to lớn ông có đối với đứa con mình và vì lòng sốt sắng nồng nhiệt ông có đối với sự lành của con, quở mắng con… và nhiều lần còn đánh phạt nó nữa: và nếu ông làm thế thì chỉ vì tình yêu. Tại sao phần chúng ta là những vị linh hướng, chúng ta lại không có cùng một ước muốn nhìn thấy các con thiêng liêng của chúng ta nên trọn lành? Và trong ước muốn đó tại sao lại không nói với họ những gì cần thiết cho họ, cả khi họ phải thấy là đắng đót và khó chịu ngay lúc đó? Điều chúng ta phải nhìn đến không phải là sự phiền lòng mà điều đó có thể gây nên cho họ, nhưng là sự lành mà chính sự phiền lòng đó phải đem lại cho họ. Trong nhãn giới đó, nếu chúng ta thực sự yêu thương họ, chúng ta sẽ nói cho họ sự thật của họ với tất cả con tim của chúng ta, không giấu giếm họ điều gì cả.

          Chúng ta phải coi mọi linh hồn mà Thiên Chúa trao phó cho chúng ta như là những tác phẩm chúng ta có bổn phận phải tạo nên cho sáng danh Ngài. Phần nào cũng như những khối đá mà người ta giao cho một nhà điêu khắc để ông đẽo gọt thành một pho tượng đẹp nào đó: ông sẽ làm việc hết lòng, với tất cả tình yêu của ông, và trung thành với kiểu mẫu, ông sẽ cố gắng làm cho nó đẹp hết sức có thể. Nhưng để thành tựu, ông phải đục đẽo nhiều trong khối đá để lấy đi những gì là thừa thãi, hầu đem lại cho pho tượng tất cả sự đẹp đẽ mong muốn. Cũng thế đối với các linh hồn: Thiên Chúa giao cho chúng ta để trau dồi họ nhằm sáng danh Ngài và làm cho họ trở thành đẹp mắt Ngài. Công tác đó, ta phải làm với tình yêu, bằng cách đặt hết lòng trung thành để thánh hóa họ. Và trong nhãn giới đó, chúng ta không được sợ phải tỉa cắt họ để lấy đi điều thừa thãi đầy rẫy nơi họ, hầu được trống khoáng về bản thân như vậy, họ nên hoàn toàn thánh thiện và thâu nhận được vẻ đẹp mà Thiên Chúa muốn ban cho họ. Đó là những nét đẽo khoét của tình yêu mà họ sẽ phải mắc nợ chúng ta rất nhiều và một ngày kia họ sẽ hết lòng cám ơn chúng ta.

          Khi người nghệ sĩ đệ trình tác phẩm của mình cho chủ, nếu vị này thấy hợp với sở thích của ông, ông sẽ nhận, và vì được vui thỏa khi ngắm nhìn tác phẩm đó, ông đặt nó vào trong phòng làm việc của ông giữa những vật ông yêu thích: sau đó ông chúc mừng nghệ sĩ và trên người đó sẽ rực rỡ ánh quang và vinh dự. Đó cũng là cách mà Thiên Chúa sẽ làm nếu chúng ta đệ trình lên cho Ngài một linh hồn được tô điểm bằng ơn sủng, một tác phẩm được hoàn thành bởi sự thánh thiện nó sẽ đạt tới. Chúa Chúng Ta, Đấng là Thầy, sẽ vui mừng nhận lấy nó, hài lòng nhìn ngắm nó và đệ trình nó lên cho Thiên Chúa Cha của Ngài như là một nhân chứng của sự cả sáng của Ngài cho đến muôn đời. Ngài sẽ đặt nó vào Thiên đàng để Ba Ngôi rất thánh đời đời thấy trong nó vui thỏa và vinh quang. Nhưng không phải chỉ có vậy thôi: Ngài sẽ ca ngợi kẻ đã làm việc để thực hiện tác phẩm đó và thưởng công cho vì như thế là đã mãi mãi đem lại cho Ngài một vinh quang lớn lao dường ấy, nhờ vậy đã làm lộng lẫy thêm cung điện của Ngài bằng một trang sức quý hóa đến thế, đã cho Ngài một lý do để trong đó Ngài có thể thấy được nguồn vui và thỏa lòng. Lúc đó tất cả sự vinh quang của linh hồn hạnh phúc đó và tất cả những gì cao cả và huy hoàng Thiên Chúa đã thực hiện trong nó sẽ dội ánh quang lại trên kẻ đã cộng tác và góp phần để đặt nó vào tình trạng đó, như là người, sau Thiên Chúa, là tác giả của tất cả sự xinh đẹp của nó.

          Vậy ai trong chúng ta lại chẳng muốn làm việc để thánh hóa các linh hồn khi thấy như thế Thiên Chúa được vinh danh và chúng ta sẽ được ngợi khen muôn đời? Ai lại chẳng muốn sắm cho các linh hồn một ơn huệ như vậy, vì nhờ sự thánh thiện của họ, các linh hồn sẽ phải mãi mãi là lý do để làm cả sáng và vui thỏa cho Thiên Chúa? Ai trong chúng ta lại chẳng muốn lãnh lấy một chút vất vả để làm cho các linh hồn nên trọn lành, vì không những đó là phương thế để làm sáng danh Thiên Chúa và ích lợi cho tha nhân, mà chính chúng ta còn nhận được những lợi lộc lớn lao đến thế trên trời? [tr.57-61].

Để biểu lộ vinh quang của Chúa Kitô

          Trong khi làm việc để thánh hóa các linh hồn được giao phó cho mình, chính vị linh hướng cộng tác vào việc bày tỏ vinh quang của Chúa Kitô: vì chưng sự thánh thiện của các kitô hữu là tham phần vào những sự giầu có của “nội tâm Chúa Giêsu” mà nó bày tỏ sự phong nhiêu kỳ diệu ra.

          Sẽ chẳng có quá nhiều vị nơi tất cả các đấng “hiển phước” để thực hiện một cách đầy đủ sự bày tỏ đó về “nội tâm Chúa Giêsu” trong tất cả sự tốt đẹp của nó để đáp lại niềm ao ước của Con Thiên Chúa muốn dùng để tôn kính Cha Ngài như là một lời ngợi khen muôn thuở.

          Niềm vui lớn lao nhất chúng ta có thể đem đến cho Chúa Chúng Ta, là hành động qua việc linh hướng, để như thế làm cho các linh hồn nên trọn lành: vì chưng niềm vui thỏa lớn của Ngài là tìm được những linh hồn như vậy để đệ trình lên Cha Ngài như là bấy nhiêu cách bày tỏ tình yêu Ngài đối với Chúa Cha, để trong họ Chúa Cha được ngợi khen, tôn kính và sáng danh. Nếu sự ước ao đó của Con Thiên Chúa lớn lao dường ấy là vì nó theo mức trương giãn của trái tim Ngài đầy tràn lòng ao ước làm sáng danh Cha Ngài.

          Bằng cách làm cho các linh hồn nên trọn lành và làm cho họ nên thánh thiện hơn, chúng ta góp phần làm vinh quang Chúa Giêsu Kitô bao nhiêu thì chúng ta càng cho phép họ tiến lên một độ cao hơn trong sự thánh thiện: như thế Nhiệm Thể của Ngài mà họ là thành phần trở thành đẹp đẽ hơn và rạng rỡ hơn; cũng vậy triều thiên của Ngài do các thánh làm nên, cũng quý báu và sang trọng hơn, theo mức giầu có thiêng liêng của riêng họ. Vì chưng các thánh là những hạt ngọc trên triều thiên của Chúa Chúng Ta: các ngài càng có giá trước mặt Thiên Chúa thì triều thiên càng xinh đẹp, phần nào cũng giống như triều thiên của một vị vua càng được trau kết bao nhiêu thì càng thêm nhiều hạt kim cương quý giá bấy nhiêu.

          Sự vinh quang đó của Chúa Giêsu Kitô không hề mau qua, trái lại nó sẽ vĩnh viễn, vì các thánh phải trở nên như những hạt ngọc trên triều thiên của Ngài và là những lý do của vinh quang Ngài. Các ngài càng thánh thiện thì càng ngợi khen Chúa: trương độ tình yêu của các ngài đối với Chúa Kitô sẽ là thước đo vinh quang của các ngài, và vinh quang đó sẽ được đời đời ban cho các ngài theo mức độ sự thánh thiện các ngài đã sắm được khi còn ở dưới đất.

          Nội tâm của Chúa Giêsu Kitô sẽ hiện ra và tỏ mình ra bên ngoài Ngài nhiều hơn nhờ được thông ban cho các thánh với một sự dư dật lớn lao hơn, bởi vì chính từ sự dư dật này mà các ngài nhận được mọi sự: chính sự thông phần này làm nên sự thánh thiện của các ngài. Thật vậy, người ta có thể nhìn ngắm nội tâm của Chúa Chúng Ta theo hai cách: hoặc trong chính Ngài, hoặc trải rộng nơi các Thánh. Theo cách thứ nhất, nội tâm đó bao giờ cũng là một: chính trong đó Thiên Chúa vui thỏa và các thánh tôn thờ. Nhưng theo cách thứ hai thì nội tâm đó chỉ tỏ mình ra theo mức độ các thánh thông hiệp vào đó nhiều hay ít.

          Nội tâm Chúa Giêsu Kitô phần nào giống như một con sông lớn lan tràn trong miền quê nơi muôn vàn hố sâu nhận được nước của nó tùy theo khả năng lớn hay nhỏ của chúng. Chính những hố đó, đến lượt chúng lại bày tỏ sự tràn đầy nước của con sông đó làm chúng được tràn đầy tất cả và có khả năng làm việc đó, dầu chúng có độ sâu và khả năng chứa đựng đến đâu đi nữa. Những hố sâu đó minh chứng rằng chúng cần đến con sông: không có sự cứu giúp nhờ nước của nó chúng sẽ khô cạn và hoàn toàn trống không. Trái lại, miền quê, được tưới gội bởi nước của con sông, sẽ hết khô cằn và trở thành phì nhiêu coi đẹp mắt.

          Cũng như vậy về nội tâm của Chúa Giêsu Kitô, khi thông ban mình cho cả trái đất của Giáo hội, ban cho nó vẻ đẹp và phong nhiêu. Và tất cả các thánh như là bấy nhiêu hố sâu nhận được sự dư tràn của nội tâm thiên linh đó tùy theo sức chứa của chúng: các ngài bày tỏ và cho biết sự lớn lao theo mức độ các ngài được đầy tràn nhiều hay ít bởi nước của suối thần linh đó. Các linh hồn càng thánh thiện thì nội tâm Chúa Giêsu càng bừng sáng trong vẻ đẹp toàn vẹn của nó, một vẻ đẹp không mau qua nhưng tồn tại muôn thuở. Vì chưng các đấng hiển phước như là bấy nhiêu tia sáng nối liền với trung tâm thiên linh đó làm cho nó càng thêm sáng láng và rực rỡ khi các ngài có thêm trong mình ánh sáng và sự huy hoàng của nó: tất cả những gì các ngài có từ đó sẽ dội sáng lại trên Chúa Giêsu như trên Đấng là nguồn suối và nguyên lý của niềm vinh quang và vẻ cao cả của các ngài. Sẽ vinh quang biết bao cho Chúa Giêsu trong Vương quốc được thấy mình triển nở ra như thế trong các thánh để ngợi khen và cao rao nơi các ngài tôn nhan của Thiên Chúa Cha Ngài!

          Tình yêu của Con Thiên Chúa đối với Cha Ngài được trải rộng không bờ bến làm cho Ngài khao khát ngợi khen Chúa Cha không cùng, chẳng những do chính mình, mà còn trong mọi người nữa: Ngài đã muốn làm đầy mọi người bằng trương độ của những lời ngợi khen và tình yêu của Ngài theo như khả năng họ có. Đây là sự khao khát lớn của Chúa Chúng Ta và sự ước ao lớn của trái tim Ngài. Về phần chúng ta, chúng ta làm thỏa mãn cơn khát đó khi chúng ta đặt các linh hồn trong những tâm tình tốt nhất để tham dự vào tình yêu và những lời ca tụng của Ngài. Và điều đó với điều kiện là chúng ta làm cho họ thánh thiện hơn và trọn lành hơn: họ càng chiếm hữu được sự thánh thiện thì họ càng thông điệp với Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng vị Thầy chí thánh này càng sống mãnh liệt trong họ thì càng thông ban nhiều hơn cho họ những tâm tình của con tim Ngài và ban cho họ được tham dự nhiều hơn vào nội tâm thần linh của Ngài. Chính trong Ngài mà các Thánh thấy được nguồn suối những lời ngợi khen và tình yêu của họ đối với Thiên Chúa, theo mức độ càng thông hiệp sâu thẳm trong đó. [tr.61-65].

Để Chúa Cha được trọn niềm vui mừng

          Thiên Chúa chẳng có ước ao nào lớn hơn là ngắm nhìn trong mọi con cái Ngài Chúa Con Đấng làm nên mọi vui thỏa của Ngài; Chúa Con muốn sống trong mọi người cho sáng danh Cha mình. Vị linh hướng là người phục vụ cho sự bành trướng những sự giầu có của Chúa Kitô trong các linh hồn được thánh hóa.

          Niềm vui lớn của Cha muôn thuở là được nhìn thấy Con của mình ở mọi nơi, bởi vì Ngài chỉ có tình yêu đối với Chúa Con và với các linh hồn trong mức dộ chúng được đầy tràn Chúa Con nhiều hơn. Đó là tại sao thành Phaolô quả quyết rằng Chúa Giêsu Kitô cần phải được thành hình trong chúng ta[28] và tại sao ngài cầu xin cho sự hoàn toàn tiêu hao trong Chúa của những kẻ liên hệ với ngài bằng thư tín: “Oramus consummationem vestram[29](Trong lời nguyện chúng tôi cầu xin sự tiêu hao của anh em). Đó là lý do tại sao các thánh trên trời không còn gì là riêng chính mình nữa, nghĩa là không còn gì thuộc thụ tạo cũ, nhưng hoàn toàn mất hút trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm sinh động các ngài toàn vẹn, bằng cách sống và diễn đạt nơi bản thân mình nội tâm của Ngài: Vì Thiên Chúa muốn hoàn toàn vui thỏa nơi các thánh, sẽ không thể làm được điều đó nếu trong các ngài hãy còn lại một vài sự gì đó ở ngoài Chúa Giêsu Kitô, Đấng duy nhất có thể là đối tượng của những sự hài lòng của Cha Ngài.

          Biết rằng Chúa Cha muốn thiết định Ngài trong các linh hồn, Chúa Chúng Ta chẳng có ước muốn nào hơn là làm đẹp lòng và vinh danh Người bằng cách đó: Ngài biết rằng Chúa Cha sẽ càng được vinh danh khi chính Ngài được thiết định cách vững chãi hơn nơi các thánh, vì Ngài là nguồn suối của vinh quang mà các thánh dâng lên cho Thiên Chúa, vinh quang càng lớn lao khi Ngài càng sống đầy tràn trong họ. Đó là tại sao, để vinh danh Cha như thế, Chúa Chúng Ta kêu gọi mọi kitô hữu mặc lấy chính bản thân Ngài[30], nghĩa là để Ngài sống và tự do hành động trong họ. Chính để nhằm điều đó Ngài ban mình cho họ trong Bi tích Thánh Thể và dưới nhiều hình thức khác nữa.

          Vậy chúng ta sẽ làm cho một linh hồn càng trọn lành hơn khi chúng ta thiết định Chúa Giêsu Kitô trong đó với sự đầy tràn và trong phạm vi rộng lớn hơn: Ngài sẽ tự diễn đạt mình ra theo mức độ chúng ta cấu tạo Ngài trong nó[31]. Nhờ cách làm đó, chúng ta, những vị linh hướng, có thể đáp trả và làm hài lòng một trật lòng ao ước của Cha muôn thuở muốn nhìn thấy Con mình trong mọi chi thể của Người, và sự ước ao của Chúa Con mong muốn tự diễn đạt trong đó vì tình yêu và vinh quang của Cha mình.

          Bằng cách sống như vậy trong các linh hồn kitô giáo, Chúa Chúng Ta dâng lên trong đó cho Thiên Chúa Cha Ngài một sự thờ phượng hoàn hảo hơn: vì chưng bất cứ Ngài ở và sống tại đâu thì đều là để thờ lạy liên lỉ sự cao cả của Thiên Chúa và mọi sự hoàn hảo thiên linh của Người, và làm cho các linh hồn trong đó Ngài ngự trị được tham dự vào việc phượng thờ đó. Vinh quang chính yếu mà Thiên Chúa muốn nhận được từ các thụ tạo của mình là sự sùng bái tôn thờ trong đó diễn đạt niềm thừa nhận vương quốc và tối thượng quyền của Ngài trên hết mọi sự: cũng thế khi Chúa Giêsu Kitô sống trong một linh hồn Ngài đặt nó trong tình trạng hoàn toàn tự hủy trước mặt Thiên Chúa và làm cho nó bước vào tinh thần thờ phượng riêng của Ngài đối với Chúa Cha. Và đến đó càng mạnh mẽ hơn khi Ngài hành động trong nó với nhiều sức mạnh hơn, theo chính mức độ mà linh hồn đó thánh thiện và trọn lành hơn.

          Một linh hồn càng thánh thiện thì càng có khả năng nhận được những sự thông giao lớn lao của Thiên Chúa. Thật vậy, khi Thiên Chúa thấy Con mình được diễn đạt nhiều hơn nơi linh hồn đó thì trước hết Ngài càng đổ vào đó nhiều tình yêu và đầy tràn lòng thương xót và ơn sủng của Ngài: Ngài không thể biết mỏi mệt làm sự lành cho Con mình mà Ngài nhìn thấy trong bản thân người hay trong thân mình của các chi thể Người. Sau đó, một linh hồn càng trọn lành thì càng trống rỗng về bản thân mình và về mọi sự: thế là nó thấy mình trong khả năng tốt nhất để tiếp nhận và cảm nghiệm những hành động lớn lao của Thiên Chúa nơi mình.

          Vì thế, khi chúng ta hành động cho sự trọn lành của các linh hồn, thì chúng ta hoàn thành một trật ba việc lành. Trước hết, chúng ta đem đến cho Thiên Chúa một niềm vui lớn: vì Ngài chỉ ước ao thông ban mình cho các thụ tạo của Ngài, qua Con Ngài và vì tình yêu đối với Người, Ngài hoàn toàn sung sướng khi chúng ta cho Ngài cơ hội để làm như vậy theo lòng mong ước của Ngài. Thứ hai, chúng ta đem đến cho Chúa Chúng Ta một niềm vui lớn vì chính Ngài không ao ước gì hơn, để làm sáng danh Thiên Chúa Cha Ngài, bằng nhìn thấy những chi thể của ngài được đầy tràn đời sống thần linh do Thiên Chúa thông ban. Thứ ba, chúng ta sắm cho các linh hồn ấy mối hạnh phúc lớn lao nhất mà chúng có thể hưởng dụng, tức là chiếm hữu được Thiên Chúa và vui hưởng Ngài, là sự lành tối cao của chúng: mọi ân huệ được thể hiện trong các linh hồn tùy theo mức độ của sự thánh thiện và sự trọn lành của chúng trước mặt Thiên Chúa.

          Thường xảy ra là Chúa Chúng Ta có trên một số linh hồn những ý định lớn đòi buộc họ phải có một sự thánh thiện ở độ cao mà thiếu nó thì Ngài sẽ không thể hiện trong họ và qua họ. Nếu Ngài không thấy họ trong trạng thái Ngài muốn, Ngài sẽ tìm người khác thay thế họ, để làm dụng cụ cho các ý định của Ngài, và để hưởng dụng những ân huệ của họ trên mặt đất và phần thưởng của họ trên trời. Vì thế, trong tình yêu của chúng ta đối với anh em mình, trong lòng ao ước mà chúng ta phải có để những ý định của Thiên Chúa được hoàn tất bởi những kẻ Ngài đã tuyển chọn và theo đường lối Ngài đã hoạch định, chúng ta có bổn phận phải dẫn dắt các linh hồn tới sự trọn lành, để đặt họ trong khả năng phục vụ những ý định mà Chúa Chúng Ta có trên họ hầu làm sáng danh Cha Ngài: như vậy họ sẽ nhận được, mà không bị thất vọng, những phần thưởng Thiên Chúa đã chọn sẵn cho họ về ơn lành Ngài muốn thể hiện nơi họ. [tr.65-69].

Cho lợi ích của Giáo Hội

          Các linh hồn thánh thiện đối với Giáo hội là một kho báu thiêng liêng và tông đồ vô giá, xét về hiệu năng của lời cầu nguyện như về ảnh hưởng chứng tá gương mẫu của họ.

          Trong mức độ chúng ta muốn cho những linh hồn mình dẫn dắt được nên trọn lành, chúng ta là nguyên nhân của nhiều lợi ích lớn lao.

          Trước hết, chúng ta cộng tác vào việc tăng cường sức mạnh cho Giáo hội: vì chưng các linh hồn ấy nhận được nhiều trợ giúp của Thiên Chúa hơn cho Giáo hội trong các nhu cầu. Bởi vì, nếu đúng là Thiên Chúa, trong sự thiện hảo và lòng thương xót của Ngài, sẵn sàng nghe lời cầu nguyện của mọi kitô hữu, thì cũng không sai, một linh hồn càng thánh thiện thì càng có thế giá bên cạnh Ngài để nhận được cho Giáo hội điều cầu xin: vì tình yêu đối với Giáo hội, Thiên Chúa ban cho Giáo hội rất nhiều ơn lành mà Ngài sẽ không ban nếu Ngài không nhìn thấy Giáo hội trong sự thánh thiện đó.

          Thứ đến, một linh hồn thánh thiện có công phúc rất lớn bên cạnh Thiên Chúa để nhận được, không những chỉ cho Giáo hội, mà còn cho một vài chi thể của Giáo hội những ơn đặc biệt mà họ sẽ không nhận được nếu không có linh hồn đó, theo như kinh nghiệm thường nhật minh chứng: Thiên Chúa ban chúng cho cá nhân đó chiếu theo sự thánh thiện trong đó Ngài thấy cá nhân đó sống.

          Thứ ba, những linh hồn thánh thiện thường có khả năng làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa muốn đổ xuống cho loài người vì tội lỗi của họ. Như ta thấy trong truyện thành Sôđôma[32] và đã có thể quan sát thấy trong nhiều trường hợp mà chính chúng ta đã là chứng nhân. Có lẽ không bao giờ lại cần đến các linh hồn thánh thiện để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa hơn là trong thời đại chúng ta đang sống, mà những phóng đãng lớn lao và những tội tầy đình bị vi phạm hằng ngày. Đúng như là Thiên Chúa muốn, theo lời trong sách Khải Huyền[33], làm lụt cả trái đất bằng làn nước phẫn nộ của Ngài: chẳng nên nghi ngờ Ngài sẽ thực hiện điều đó, nếu Ngài đã chẳng được cản ngăn bởi sự hiện diện của các linh hồn thánh thiện dâng mình như là của lễ trước tôn nhan Ngài để cầu xin lòng xót thương của Ngài. Có lẽ ngày nay chúng ta sẽ không phải chứng kiến bấy nhiêu tai họa nếu đã có đủ các vị thánh trên mặt đất này có khả năng, nhờ lời cầu nguyện của mình, uốn được lòng Chúa Chúng Ta.

          Thứ bốn, các linh hồn thánh thiện là những chứng nhân luôn mang Thiên Chúa đến cho người khác; họ là những kiểu mẫu mà chúng ta có thường xuyên trước mắt để bắt chước gương lành họ treo lên cho chúng ta: vì chưng cũng như kẻ dữ có khả năng dùng gương xấu của họ đưa ta đến sự dữ, thì cũng thế các thánh và những linh hồn trọn lành có khả năng lôi cuốn chúng ta làm việc lành và bắt chước các Ngài trong việc thực hành các nhân đức kitô giáo. [tr.69-71].

Vì lợi ích của chính vị linh hướng

    Cộng tác với Chúa Kitô để thánh hóa các thành viên trong Dân Ngài, chính vị linh hướng được kêu gọi phải tiến tới. Hơn nữa, ngài thông hiệp vào hạnh phúc của những kẻ ngài sẽ dẫn dắt. Nhưng thay vì tìm những lợi ích đó, mục đích duy nhất của ngài là để Thiên Chúa được hoàn vũ yêu mến và ngợi khen.

          Chúa Chúng Ta đã xuống trần gian để thánh hóa các vị linh hướng và để làm cho các ngài thành những tác phẩm có thế giá hầu làm sáng danh Thiên Chúa Cha của Ngài: “Veni ut vitam habeant et abundantius habeant[34]” (“Tôi đến để chúng được sống và được sống dồi dào hơn”). Thật ra, người ta thường cắt nghĩa cách khác đoạn văn này của Phúc Âm. Nhưng ta cũng có thể hiểu nó theo cách này. Cũng như Chúa Chúng Ta đã đến để dâng mình cho Cha Ngài như là của lễ sống động bởi vì các vật hy sinh của Cựu Ước không có khả năng dâng lên Người vinh quang thuộc về Người[35], cũng thế Ngài đã tới đem đến một Luật tình yêu và ơn sủng mà Ngài muốn có sự trọn lành cao hơn sự trọn lành mà Luật cũ đòi buộc. Chúa Chúng Ta phần nào giống như một ông chủ thủ công, sau khi đã dậy cho các người tập sự làm việc, đã muốn sau đó tự đặt mình vào công việc. Được trực tiếp xuất ra tự chính bàn tay mình, tác phẩm của Ngài sẽ càng thành đạt hơn vì ông chủ có nhiều tài khéo hơn các tập sự viên được ông giao phó những công việc ban đầu: vì thế ngài muốn đem lại cho Thiên Chúa Cha Ngài một mối vinh quang lớn hơn vinh quang trước đây đã được đem đến cho Người.

          Thực vậy, các tiên tri ngày xưa đã góp phần vào việc thánh hóa dân Do Thái, là như những tập sự viên của Con Thiên Chúa, làm việc dưới sự dẫn dắt và nhân danh Ngài. Thấy rằng những kết quả họ đạt được, cho dù rất có giá trị, vẫn không luôn đạt được sự trọn lành mong ước để làm sáng danh Thiên Chúa Cha Ngài, nên chính Ngài đã tra tay vào công trình để làm ra những kết quả tốt hơn và trọn hảo hơn trong con người của các vị linh hướng, mà với mục đích đó, Ngài đã liệu cho Giáo Hội; chính Giáo Hội mà Ngài là Thủ Lãnh và là Lang Quân và muốn đổ tràn Thần Khí riêng của Ngài cho.

          Chúa Chúng Ta đã ban Phúc Âm cho chúng ta, Ngài đã thiết lập các bí tích, đã muốn thông ban cho chúng ta đời sống thần linh của Ngài. Nhưng chưa hài lòng về điều đó: Ngài đã muốn đặc biệt lưu tâm để huấn luyện và thánh hóa mỗi kitô hữu, hầu làm nên một chủ thể yêu mến cho Thiên Chúa Cha Ngài nhờ sự thánh thiện họ sẽ đạt tới và nên giống như Con của Người mà Người sẽ nhìn thấy nơi họ. Đó là tại sao Ngài nói: Tôi đến chẳng những để ban cho con người đời sống dồi dào mà còn để ban cho họ một đời sống luôn luôn dồi dào hơn[36], trong lành hơn, diệu kỳ hơn, cao quý hơn; điều đó, nhờ luôn thông ban cho họ dồi dào hơn chính đời sống của Cha tôi mà tôi nhận được dồi dào trong tôi để ban lại cho họ.

          Vậy, tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm như thế, đều là qua trung gian các vị linh hướng, được tuyển chọn theo ý định đó để là những thừa tác viên của Ngài và những cộng sự viên trong công trình riêng của Ngài. Vậy thì chính họ phải hiệp thông vào sự nhiệt tâm của Chúa Giêsu Kitô để nhìn thấy mọi linh hồn trong sự trọn lành Ngài ao ước, để mang chúng vào trong đó với tình yêu và dẫn đưa chúng trong đó với niềm hân hoan, trong khi không bỏ mất một điều gì họ có thể làm để đạt tới đó.

          Đó là vinh dự lớn lao nhất mà ta có thể tự hào góp phần vào bằng cách cộng tác như thế với Chúa Giêsu Kitô để thánh hóa các linh hồn, được trưng dụng vào một công việc thánh thiện như thế đến độ phải làm sáng danh Thiên Chúa mạnh mẽ đến muôn đời. Nếu chúng ta phải trung thành với Thiên Chúa để đem lại cho Ngài, dù chỉ một giây lát, mọi vinh quang có thể, thì chúng ta càng phải hành động với lòng trung thành và lòng mến nào để đem lại cho Ngài niềm vinh quang không bao giờ chấm dứt và quý báu nhất trong mọi vinh quang mà chúng ta có thể làm được!

          Niềm hạnh phúc mà các linh hồn chúng ta đã đưa đến sự trọn lành được vui hưởng trên trời, mọi sự lành họ sẽ có ở đó, vinh quang lớn lao họ sẽ đem lại cho Thiên Chúa, tất cả những cái đó sẽ dội lại một cách nào đó trên chúng ta là những kẻ đã góp phần vào đó. Thật vậy, mọi vinh quang mà đời đời các thánh có thể đem lại cho Thiên Chúa đều dội lại trên Chúa Giêsu Kitô như là trên nguyên lý của vinh quang đó; và mọi vinh quang, mọi niềm vui và mọi hạnh phúc của các thánh đều quy về Chúa Chúng Ta, bởi vì chính Ngài đã làm cho họ xứng đáng nhận được chúng và không có Ngài thì không bao giờ họ sở hữu được chúng. Cũng thế, một cách nào đó niềm vinh quang được đem lại cho Thiên Chúa do những kẻ chúng ta đã làm việc để dẫn dắt và mối hạnh phúc họ vui hưởng trong vĩnh hằng sẽ dội lại trên chúng ta, những người phần nào đã là căn cớ: chính nhờ sự săn sóc và sự trung thành của chúng ta mà chúng ta đã dẫn dắt và làm vững mạnh linh hồn họ trong trạng thái đó, theo mức độ chúng ta đã cộng tác với Chúa Giêsu Kitô để đem lại cho họ những sự lành lớn lao mà họ được vui hưởng đời đời.

          Những kẻ được tuyển chọn tham dự một cách nào đó vào niềm hạnh phúc của nhau chiếu theo mầu nhiệm các Thánh cùng thông công, như tác giả thánh vịnh quả quyết: “Con được dự phần vào mọi của cải mà những kẻ kính sợ Ngài sở hữu[37]. Bởi vì họ là những phần tử trong cùng một Thân thể, mọi hạnh phúc mà các chi thể vui hưởng đều dội lại trên toàn Thân thể và tình yêu họ trao đổi cho nhau làm cho tất cả đều vui hưởng niềm hạnh phúc họ có, và một trật, tình yêu đó làm cho họ cùng thông hiệp vào hạnh phúc của kẻ khác mà họ chia sẽ các lợi ích. Cũng như tình yêu ấy sẽ làm cho họ buồn sầu về mối bất hạnh của người khác, nếu có khi nào sự đau khổ và buồn phiền còn có thể chạm tới họ được, cũng thế nó làm cho họ cùng thông phần vào hạnh phúc của người khác do chính niềm vui nhìn thấy người khác được vui hưởng.

          Nếu sự việc là như thế giữa các đấng hiển phước, thì sự thông hiệp đó sẽ còn chặt chẽ hơn nữa giữa những kẻ sẽ là dụng cụ của sự thánh thiện của người khác và những kẻ sẽ được nâng lên nhờ vào họ. Cũng như sẽ có giữa những người này và những người kia một sự hiệp nhất lạ thường, thì cũng sẽ có một sự chia sẽ đặc biệt hạnh phúc của họ: vì chưng Thiên Chúa muốn rằng những kẻ trước đây đã là dụng cụ cùng vui hưởng sự lành họ đã làm cho anh em mình và như thế họ cũng được thưởng công mãi mãi vì vinh quang mà họ đã đem đến cho chính Ngài qua những việc làm của họ.

          Chỉ một viễn tượng đó thôi đã phải thúc giục chúng ta làm việc hết sức mình để thánh hóa và kiện toàn các linh hồn. Chúng ta phải sốt sắng ao ước làm việc đó đối với mọi linh hồn trên thế gian, không những chỉ để tìm vinh quang lớn nhất cho Thiên Chúa, là nguyên do chính yếu của chúng ta trong mọi sự, nhưng còn để yêu mến và ca ngợi Thiên Chúa trong mọi người. Như Chúa Chúng Ta có điều ước muốn vô biên này là ngợi khen Thiên Chúa trong mọi thụ tạo, chúng ta cũng phải có cùng một ước muốn đó, thật vậy, vì chúng ta được kêu gọi để bước vào mọi tâm tình của Ngài. Và như Chúa Chúng Ta làm thỏa mãn ước muốn đó, về phần mình, bằng cách ngợi khen và làm sáng danh Thiên Chúa trong mọi vị thánh, hoặc do việc các vị này nhận lãnh sự tràn đầy những lời ngợi khen của Ngài, và chính Ngài là nguồn suối của mọi lời ngợi khen mà các thánh mãi mãi dâng lên Thiên Chúa, cũng thế lòng ước ao của chính chúng ta sẽ được thỏa mãn, về phần chúng ta, bằng cách ngợi khen Ngài với mọi vị thánh, hoặc do việc các vị này đã nhận được sự dư dật mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta với ý định dành cho họ, hoặc do việc chúng ta đã là căn cớ của mọi lời ngợi khen họ dâng lên muôn thuở cho Thiên Chúa: bởi vì mỗi vị thánh ngợi khen Thiên Chúa theo mức độ mình được nâng lên và việc này tương đương với sự thánh thiện họ đã sống khi còn ở trần gian.

          Bởi thế, ai mà chẳng muốn ngợi khen và làm sáng danh Thiên Chúa nơi mọi vị thánh của Ngài như vậy? Ai mà lại không ước ao có một trái tim rộng mở tới mọi thụ tạo để ngợi khen Ngài trong chúng tất cả? Và nếu chúng ta không đủ khả năng, vì ơn đó được dành cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng phải là lời ngợi khen hoàn vũ cho Thiên Chúa Cha Ngài, ít ra chúng ta hãy cố gắng ngợi khen Ngài trong các linh hồn Thiên Chúa giao phó cho chúng ta, bằng cách làm cho họ nên trọn lành hết sức chúng ta hầu có thể cùng với họ ngợi khen và yêu mến Thiên Chúa đời đời!

          Lòng sốt sắng chúng ta có để thánh hóa các linh hồn và sự khó nhọc chúng ta lãnh lấy để dẫn dắt họ tới sự trọn lành còn làm cho chúng ta được thêm một lợi ích khác nữa. Khi thấy chúng ta ước ao làm sáng danh Ngài bằng cách hành động để thánh hóa các con cái Ngài, Thiên Chúa sẽ đặc biệt lưu ý đến sự thánh hóa riêng của chúng ta: Ngài làm cho chính chúng ta bước đi và tiến tới trong sự trọn lành theo chính mức độ Ngài thấy chúng ta mong ước sự tấn tới đó cho người khác; và như thế Ngài thưởng công cho chúng ta bằng ơn lành chúng ta muốn tìm cho anh em chúng ta.

          Đó là một ơn lành rất lớn cho chúng ta là những vị linh hướng: thực vậy, theo cách thức đó, chúng ta ở trong tay Thiên Chúa Đấng ước ao thánh hóa chúng ta và Ngài có khả năng làm điều đó trong một thời gian rất ngắn. Và như thế chúng ta có thể tiến tới một độ thánh thiện mà chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới khi đi theo những con đường quen thuộc và thông thường.

          Đấy là những tâm tình trong đó chúng ta phải can đảm làm việc để kiện toàn sự thánh hóa những người mà lòng tốt của Thiên Chúa giao phó cho chúng ta, và về phần chúng ta chớ bỏ qua điều gì, cho dù trong đó chúng ta có thể gặp khó khăn nào đi nữa, hầu nâng họ lên tới độ thánh thiện cao nhất có thể cũng như chính chúng ta phải đạt tới đó, trong khi không được có tình yêu đối với chính mình chúng ta và sự trọn lành riêng tư của chúng ta hơn là sự trọn lành của người khác.

          Vậy chúng ta phải làm việc hết sức có thể để làm cho các linh hồn nên giống Thiên Chúa: đó là sự lành lớn lao nhất mà ta có thể liệu cho họ, vì chẳng có gì lợi lộc hơn cho thụ tạo là được tới gần nhất sự trọn lành của Đấng Tạo hóa của mình. Nhưng chúng ta cũng không được có ít sốt sắng hơn để tuân theo ý Thiên Chúa: vì Ngài là sự thiện tối cao của các linh hồn, nên trong khi đưa người khác đến đó, chúng ta phải tận lực tiêu hao chính bản thân mình trong đó. Cả khi tất cả chúng ta đều phải trở nên giống Thiên Chúa trên trời, như thánh Gioan quả quyết[38], thì cũng không kém sự thật là những kẻ sẽ được nâng lên cao nhất trong vinh quang sẽ giống Ngài hơn: lý do là vì họ sẽ có trong mình, một sự sung mãn đời sống thần linh lớn hơn và Thiên Chúa sẽ diễn đạt cách hoàn hảo hơn trong họ những sự trọn lành thần linh của Ngài.

          Đó là điều chúng ta phải khao khát hết sức mình. Không phải vì yêu mến sự trọn lành riêng tư của chúng ta hay vì ước ao thấy mình được nâng cao hơn trong sự thánh thiện. Nhưng chỉ trong sự kính vì Thiên Chúa và sự cả sáng của Ngài: chính Ngài sẽ càng được vinh quang hơn nơi các thánh khi chính các vị này được nâng cao hơn trong sự trọn lành và tham dự nhiều hơn vào đời sống thần linh. Chỉ trong sự ước muốn nên giống Thiên Chúa hơn, vì Ngài là nguyên mẫu đích thực của chúng ta, mà trên đó chúng ta phải khuôn đúc chính mình. Chỉ trong sự ước muốn yêu mến Ngài cách trọn hảo hơn và ngợi khen Ngài cách hoàn vũ hơn, chớ gì chính Thiên Chúa khứng ban ơn đó cho chúng ta nhờ lòng thương xót lớn lao không cùng của Ngài: Amen! [tr.71-79]

CHƯƠNG III 

YÊU THƯƠNG VÔ VỊ LỢI

Dẫn dắt anh em trên con đường trọn lành phúc âm, đối với vị linh hướng, là công việc của đức bác ái chân thật. Cụ thể, phải sống tình yêu đó thế nào? Một điểm trung tâm của linh đạo Olier gặp được ở đây sự áp dụng của nó: chỉ đơn giản là dụng cụ của một công trình mà chính Thiên Chúa là tác giả đích thực duy nhất, vị linh hướng phải giữ mình khỏi mọi gắn bó ích kỷ và mọi lợi ích cá nhân nhỏ mọn nhất. [tr.105 và 113-153]

Yêu thương trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa

    Tự do và trong sáng, thiếu điều đó, người ta không thể tham dự vào đức ái của Chúa Giêsu Kitô.

          Chúng ta phải có cái nhìn chỉ một mình Thiên Chúa trong tha nhân và trong các linh hồn mà chúng ta dẫn dắt tới Ngài.

          Chúng ta phải bước vào đức bác ái của Chúa Giêsu Kitô đối với mọi người, vậy chúng ta phải yêu mến mọi người vì Thiên Chúa, không chút ràng buộc và với một sự tự do lớn lao. Chúng ta phải thử nghiệm nói được như thánh Phaolô: không ai bị đau khổ mà tôi lại không cùng với họ, v.v…[39] Lời nói đó tỏ lộ chiều rộng đức ái của thánh Tông đồ làm đầy tràn con tim của ngài bằng sự luôn sẵn sàng mà tính tự nhiên không có phần nào trong đó. Phải yêu mến mọi người nhờ ơn sủng chứ không phải theo tính tự nhiên. Nếu ta yêu mến họ trong Thiên Chúa, ta sẽ yêu họ với một sự tự do hoàn toàn và không một sự ràng buộc nào được có phần chi trong đó.

          Vậy những vị linh hướng phải rất cẩn thận để giữ mình trong một sự cởi bỏ hoàn toàn đối với những người họ dẫn dắt.

          Trước hết, vì các tâm hồn thuộc về Thiên Chúa và về Chúa Giêsu Kitô Con Ngài với bao danh nghĩa, họ sẽ xúc phạm lớn đến Ngài khi họ bị chia sẻ và hiến mình một phần cho người khác bên ngoài Ngài.

          Thứ đến, vì các vị linh hướng phải làm gương cho các linh hồn về những gì họ phải thực hành: Làm sao các ngài có thể đưa các linh hồn tới sự cởi bỏ hoàn toàn nếu người ta thấy chính các ngài lại bị gắn bó? Chính nhờ vào gương sáng hơn là nhờ lời nói mà các ngài phải rao giảng và dạy dỗ.

          Thứ ba, thiếu cởi bỏ là phương thế nhạy bén nhất để đặt chướng ngại vật cho sự thông hảo giữa Thiên Chúa và các linh hồn. Vì chưng Thiên Chúa tuyển chọn các linh mục để nhờ ngài mà thông ban mình cho người khác, và coi các Ngài như những con kênh để tưới gội họ bằng nước ân sủng của Ngài. Thế mà nay Ngài thấy các Ngài như là bị đóng lại bởi sự ràng buộc trong linh hồn và như thế là ở ngoài tình trạng nhận được điều Ngài muốn thể hiện, qua trung gian các ngài, trong những kẻ ở dưới sự dẫn dắt của các ngài.

          Cuối cùng thứ bốn, một sự gắn bó chặt chẽ sẽ cất mất sự trong sáng của tinh thần và làm cho người ta buông mình theo những tình cảm của xác thịt, mà với chúng, ta phải hoàn toàn chết đi theo lời khuyên của thánh Tông đồ[40]: các kitô hữu không được hành động bởi những tâm tình như thế nếu họ muốn sống trong sự thánh thiện của ơn gọi họ, huống hồ là các linh mục, các ngài[41] phải sống thánh thiện hơn và nhờ sự thánh thiện của mình lôi xuống trên người khác lòng thương xót của Thiên Chúa.

          Thật là “đồ ghê tởm hoang tàn trong nơi thánh[42]” khi trong con tim của các linh mục – những kẻ phải được hoàn toàn thánh hóa và trong họ Chúa Giêsu Kitô muốn ngự trị cho sự vinh quang của Cha Ngài và sự thánh hóa các kitô hữu – người ta lại thấy một vài hình ảnh phàm tục, hay nói khác, một vài thụ tạo, để chiếm chỗ của Chúa Giêsu Kitô. Hoặc cho dù không xua đuổi Ngài đi hẳn, người ta thấy một người nào khác cùng ngự trị với Ngài trên ngai tòa của Ngài và chia sẻ với Ngài vương quốc và quyền bính của Ngài. Thật là một mối đau lòng cho Con Thiên Chúa, mà ta chỉ biết được trên cõi trời thôi. Bởi vì Chúa Chúng Ta càng có nhiều hướng và ước ao sống và ngự trị một mình trong con tim của những kẻ Ngài đã chọn để làm thừa tác viên của Ngài và là những hình ảnh sống động của Ngài trên mặt đất, thì sự đau đớn của Ngài càng sâu đậm hơn. Thật là “sự ghê tởm hoang tàn[43]”, vì tất cả những sự dữ xảy ra sau đó cả cho chính vị linh hướng cũng như cho những kẻ sống dưới sự dẫn dắt của vị đó.

          Chúng ta phải sống trong sự trong sạch của các thiên thần, các ngài phục vụ loài người mà không vướng một ràng buộc nào. Trong Kinh Thánh các linh mục được gọi là thiên thần: vì thế, khi xin các phụ nữ đội mào “vì các thiên thần[44]”, thánh Phaolô có ý chỉ các linh mục phụng sự Thiên Chúa trong đền thánh của Ngài. Chẳng phải chỉ vì chúng ta được Thiên Chúa sai đến như là các thiên thần để phục vụ anh em chúng ta, nhưng còn vì chúng ta phải có sự trong sạch và sự thánh thiện của các ngài và tham dự vào mọi tâm tình của các Ngài: bởi vì chúng ta có chung với các ngài cùng một phận sự để phục vụ những kẻ Thiên Chúa giao phó cho chúng ta, tức là dẫn dắt họ tất cả đến với Ngài [tr.105 và 113-115].

Không vì những lý do nhân loại

    Tình cảm của vị linh hướng không được bị điều khiển bởi những nhận định thuộc trật tự tự nhiên, như hứng thú về những phẩm cách nhân loại của những người được dẫn dắt, sự tìm kiếm lòng mến chuộng hay cảm tình của họ.

          Nếu chúng ta muốn giữ mình trong sự trong sạch đó, chúng ta đừng đế ý đến những phẩm cách bề ngoài của những người chúng ta dẫn dắt, chẳng hạn vẻ dễ thương, sáng trí, tài năng, cách hành động và những khả năng: vì chưng, tất cả những cái đó, thuộc trật tự tự nhiên, dễ đưa chúng ta đến một cảm tình và một sự âu yếm hoàn toàn tự nhiên dẫn đến sự gắn bó. Phải quên tất cả những sự ấy đi và đừng màng chi đến đó. Nếu không chúng ta có thể rơi vào cùng một tháo thứ như bà Eva đầu tiên khi bà nhìn ngắm trái cấm: bởi vì bà thấy nó “đẹp mắt”, bà đã hái nó vì sự đẹp mắt đó và sau đó bà đã ăn nó rồi còn đưa cho chồng bà ăn[45]. Cũng có thể xảy ra như vậy đối với chúng ta nếu chúng ta lưu ý đến những thiên tư ngoại diện của những người chúng ta dẫn dắt. Vì chưng, hay phải tiếp xúc với họ, nếu chúng ta gắn bó cái nhìn của chúng ta vào những gì họ có vẻ đẹp đẽ và dễ thương theo tự nhiên, thì đáng sợ rằng chúng ta sẽ coi trọng sự thú vị đó. Lòng quý mến chúng ta có từ đó sẽ đưa chúng ta đến chỗ thích thú và tìm một vài thỏa mãn trong đó. Sự thỏa mãn đó làm chúng ta yêu mến. Và sự gắn bó của chúng ta sẽ từ từ làm chúng ta mất lưu ý đến Thiên Chúa: những cuộc đàm thoại của chúng ta với những người đó sẽ không còn vì lý do tìm sự sáng danh cho Thiên Chúa nữa mà chỉ vì để ý đến sự thỏa mãn riêng tư của chúng ta, và chính sự thỏa mãn đó sau cùng có thể dẫn chúng ta đến sự gắn bó. Tệ hơn nữa: vì chúng ta sẽ gắn bó như thế với những người chúng ta dẫn dắt, chúng ta sẽ làm cách nào đó để họ cũng gắn bó với chúng ta. Và như thế là trái cấm, chúng ta làm cho họ cùng nếm thử với chúng ta, cuối cùng sẽ có thể là căn cớ cho sự hư mất đáng tiếc của cả đôi bên.

          Vậy chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta làm việc linh hướng, để Ngài vui lòng hư vô hóa chúng ta trong tinh thần về mọi thụ tạo, và một trật hư vô hóa chúng ta tạo trong chính tinh thần của chúng ta, để chỉ một mình Thiên Chúa thống trị trong mọi người[46], vị linh hướng cũng như những người được dẫn dắt.

          Vì chưng, đó thật là muốn đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa khi tìm cách chiếm đoạt tinh thần và trái tim của con người: chúng chỉ được tác thành cho Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa phải chiếm hữu chúng! Nếu chúng ta đáng được người ta quý mến, thì không phải do sự giàu có của chúng ta, nhưng do sự thánh thiện phải là của riêng chúng ta và do việc thực hành các nhân đức kitô giáo vững chãi và những gương lành mà chúng ta phải luôn luôn soi chiếu cho họ. Thực vậy, sự thánh thiện không thể không có một sự chiếu dọi nào đó làm cho nó rực rỡ lên: vì thế nó lôi cuốn sự ngưỡng mộ đối với những kẻ sở hữu nó. Điều này giải thích tại sao những vị thánh đã muốn ẩn mình trong những hang động tối tăm nhất lại càng được lưu ý tới và cả thiên hạ hăm hở chạy theo các ngài giữa lúc các ngài mong được không ai biết đến.

          Nếu chúng ta nghĩ phải cần có một sự ngưỡng mộ nào đó để dẫn dắt các linh hồn đến với Thiên Chúa, thì chúng ta phải sống theo những phương châm trong lành nhất của Phúc Âm và thực hành những nhân đức kitô giáo ở độ cao nhất theo khả năng mình. Khi đó, bất chấp chúng ta có thế nào, người ta cũng sẽ mến chuộng chúng ta: vì chưng cả khi thiên hạ không muốn thực hành nhân đức, người ta cũng không thể ngăn cản mình quý chuộng những kẻ mà người ta thấy nơi họ nhân đức được thiết lập vững chãi.

          Chúng ta có thể và cần phải thương mến và dấu yêu những kẻ chúng ta dẫn dắt, cũng như tất nhiên là họ phải có một sự quý mến nào đó đối với chúng ta. Nhưng tình yêu đó không được dựa trên sự hướng chiều tự nhiên: chúng ta phải yêu nhau trong Chúa và vì Chúa, không được chú ý chút nào đến tự nhiên và không được gắn bó theo đó: không phải sự gắn bó tự nhiên làm nên tình yêu đích thực, trái lại nó còn làm hư hỏng là khác. Tình yêu đích thực thì tự do và không gắn bó với kẻ mình yêu. Chúa  Chúng Ta yêu mến Đấng rất Thánh Đồng Trinh mà không vì thế bị trói buộc kiểu đó và Ngài đã bỏ Mẹ khi tới giờ Cha Ngài muốn. Người mẹ rất thánh đó, về phía mình, mặc dầu yêu mến con mình hết lòng, đã yêu mến sự vắng mặt của Ngài khi mẹ thấy rằng đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là cách chúng ta phải yêu nhau người này đối với người kia. [tr.115-119.].

Nhìn xem, yêu mến và phục vụ Chúa Giêsu Kitô trong mỗi người

    Sự ao ước của Chúa Cha là một mình Chúa Giêsu ngự trị và sống trong các kitô hữu. Để “thông hiệp vào ý định đó”, các vị linh hướng và những con thiêng liêng phải “yêu thương lẫn nhau” trong Chúa Giêsu Kitô.

          Những kẻ chúng ta dẫn dắt chỉ được lưu ý đến Chúa Giêsu Kitô trong chúng ta và luôn thờ lạy Ngài, Đấng như ẩn mình trong con người của các linh mục để điều khiển những chi thể của Ngài. Cũng thế chúng ta phải coi họ như những con cái của Chúa Chúng Ta mà Ngài đặt dưới sự dẫn dắt của chúng ta, phần nào như những người cha thuê gia sư cho con cái mình để dạy dỗ chúng. Với tư cách đó chúng ta phải yêu mến họ và phải phục vụ hết khả năng, cũng như những con thiêng liêng của chúng ta phải yêu mến chúng ta vì kính ái Chúa Giêsu Kitô và dâng lên Ngài qua bản thân chúng ta lòng tôn kính Ngài muốn nhận được trong đó. Tắt một lời, chính trong Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta mà chúng ta phải yêu mến nhau người này đối với người kia.

          Chúng ta không được yêu mến người ta vì lý do chính họ yêu mến chúng ta, và trong ý hướng đó chúng ta đáp lại họ bằng một việc phục vụ đặc biệt: đó thật là quá dựa trên tự nhiên hoàn toàn. Nhưng chúng ta phải yêu mến họ vì kính ái Thiên Chúa và vinh quang của Ngài, và chúng ta cố gắng đem lại cho họ một sự phục vụ càng quan trọng hơn vì chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đòi buộc điều đó nơi chúng ta nhiều hơn và chính họ sẽ có khả năng đem lại một sự phục vụ lớn hơn cho Thiên Chúa và cho Giáo hội.

          Trong sự cởi bỏ hoàn toàn mà người ta phải có giữa người này với người kia đó, người ta chỉ còn tìm để làm cho Chúa Giêsu Kitô ngự trị thôi: đó là lý do duy nhất mà chúng ta phải có trong mọi phục vụ làm cho tha nhân. Không hề ao ước thiết định bản thân mình trong đó, chúng ta đặt mọi cố gắng của chúng ta để làm cho người ta biết và phụng sự Chúa Chúng Ta.

          Chúng ta phải nên giống phần nào như ngôi sao đã hiện ra với các nhà Đạo sĩ để dẫn dắt họ tới Chúa Chúng Ta; một khi nó đã chỉ Ngài cho họ, nó liền lu mờ đi và biến mất[47]. Chúng ta cũng phải làm như vậy: chúng ta phải là như những ngôi sao để dẫn đưa các linh hồn tới Chúa Chúng Ta, nhưng chúng ta chỉ được dùng để chỉ đường cho họ thôi. Một khi chúng ta đã làm điều đó và đã làm cho họ biết Chúa Chúng Ta, thì chúng ta phải biến đi, phải xóa mình đi đừng còn muốn người ta lưu ý đến chúng ta và đưa mắt nhìn trên chúng ta nữa.

          Tự nhiên là người ta rất muốn được yêu mến: tự nó bản tính tự nhiên đẩy chúng ta về đó với tất cả xu hướng của nó. Người ta thích thú trong tình yêu mà mình là đối tượng mà người ta rất dễ buông mình theo những cách biểu thị mẫu cảm về tình ái được diễn đạt như vậy. Thái độ đó không phải chỉ gặp thấy nơi những kẻ sống ngoài đời, mà thường cũng gặp thấy nơi những vị linh hướng: họ rất thích thú khi được yêu mến bởi những con thiêng liêng nam nữ của họ và ao ước một sự gắn bó riêng tư của những người này với họ. Đó là phản lại và đi ngược với Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng muốn rằng các tôi tớ của Ngài phải ở trong một sự chết toàn vũ: Thần Khí ấy buộc họ phải chết đi không những đối với mọi sự quý mến người khác có thể đem đến cho họ, mà cả đến tình yêu họ có thể nhận được từ mọi thụ tạo.

          “Neminem viderunt nisi solum Jesum[48] (Họ không thấy ai trừ ra một mình Chúa Giêsu). Theo nghĩa nguyên tự, điều quả quyết này của Phúc Âm áp dụng cho các Tông đồ: sau buổi Hiển dung, họ chỉ còn thấy có một mình Chúa Giêsu Kitô thôi, Môsê và Elia đã biến mất. Nhưng nó cũng chỉ ra quy luật Thiên Chúa ban bố cho chúng ta ngày nay: trong mọi trường hợp chúng ta chỉ phải nhìn ngắm Chúa Giêsu Kitô thôi, mà không được nhìn ngắm gì khác bên ngoài Ngài trong mọi điều chúng ta làm.

          Vì tình yêu của Ngài đối với Con mình, Đấng là vinh quang lớn lao của mình, Chúa Cha muôn thuở ước ao nhìn thấy Người và một mình Người hiển trị và sống trong mọi kitô hữu. Để làm thỏa lòng Cha mình và ca ngợi Người trong các chi thể của mình, chính Chúa Con không có ước ao nào lớn hơn điều đó. Chính vào ý định chung của Chúa Cha và Chúa Con đó mà chúng ta phải thông hiệp, và để làm hài lòng hai ngôi vị thần linh đó, chúng ta phải làm hết sức mình để tiêu diệt nơi những kẻ được giao phó cho chúng ta mọi tình yêu các thụ tạo, hầu chỉ thiết định trong đó trọn vẹn vương quyền của Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta. Trong viễn tượng đó, chúng ta phải xóa mờ chính bản thân chúng ta và mọi sự khác khỏi tinh thần của họ để không còn cho phép họ, dầu chỉ một chút thôi, được gắn bó với chúng ta. Như thế chúng ta sẽ sống trong sự ước ao duy nhất được nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô trong mọi người và sẽ có lòng sốt sắng chân thật để bắt đầu làm điều Cha muôn thuở sẽ hoàn tất ngày Thẩm phán: tiêu diệt mọi quân thù của Con Ngài bằng cách khuất phục chúng dưới chân Người để khi đó đặt Người cai trị cách hoàn vũ trên mọi tạo vật[49].

          Vì chưng, chính trên trời mới hoàn toàn thể hiện ước muốn của Chúa Cha và Chúa Con, khi mà chỉ còn nhìn thấy Chúa Giêsu trong hết mọi vị thánh không còn trở ngại nào nữa: Ngài sẽ là mọi sự trong họ và sẽ là mọi sự của họ[50]. Chính cùng một mục đích đó mà sự ước ao này nhằm tới ngày từ dưới đất. Và chính chúng ta, những người Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác vào sự hoàn tất ý định của Ngài, có nghĩa vụ phải làm hết sức để nó được thành công. [tr.119-125].

Gắn bó sẽ là tiếm quyền

    Chiếm lấy cho mình điều phải thuộc về Chúa Giêsu Kitô, là đặt mình vào địa vị của Chúa, và gây bất hạnh cho những kẻ người ta tước đoạt những hồng ân của Ngài.

          Mọi Kitô hữu, vì được gọi để yêu mến Thiên Chúa và mong ước vinh quang của Ngài, đều phải bừng cháy lòng khát khao thấy một mình Chúa Giêsu Kitô ngự trị trong các linh hồn và cố gắng đừng gây trở ngại tại đó. Nhưng các vị linh hướng bị trói buộc tại đây cách đặc biệt: họ sẽ càng đáng tội hơn khi họ tìm dành cho mình một phần trong con tim của những kẻ họ dẫn dắt và như thế là chia sẽ nó với Chúa Giêsu Kitô.

          Những vị linh hướng ước ao gắn bó các tâm hồn kiểu đó, giống như kẻ được một đức vua chọn để đi chinh phục một vương quốc cho ngài bằng cách ban mọi phương thế cần thiết cho công tác, và kẻ đó, bởi một sự bất trung quái gở, thay vì chinh phục vương quốc kia cho chủ mình lại chiếm đoạt nó cho chính mình trong khi dùng mọi của cải nhà vua để biến bản thân mình thành sở hữu chủ và làm Chúa. Những vị linh hướng tìm gắn bó các linh hồn với mình còn làm tệ hơn nữa. Thật vậy, chính Chúa Chúng Ta đã chọn họ để đi chinh phục những vương quốc đã thuộc về Ngài rồi, bởi Ngài đã chiếm được chúng do việc đổ máu mình ra: tức là chiếm được con tim của mọi người. Vậy mà, thay vì dâng họ cho Ngài, các vị đó lại chiếm cứ họ cho mình và muốn tôn mình lên làm chúa tể và làm sở hữu chủ. Và họ còn đi tới chỗ dùng chính những của cải của Con Thiên Chúa để đạt tới những mục đích của họ: thật vậy, họ luôn dùng cho việc đó lời của Thiên Chúa và những tài năng khác mà Thiên Chúa đã ký thác cho họ với mục đích duy nhất là để lôi kéo mọi tâm hồn về với Ngài.

          Hành động như vậy thật là độc ác! Đó là muốn đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa. Đó là muốn coi mình là chủ nhân của những gì chỉ thuộc về một mình Ngài thôi. Đó là xúc phạm tầy đình và hạ nhục Chúa Giêsu Kitô. Đó là làm xáo trộn Ngài trong sự an nghỉ mà Ngài muốn có trong trái tim của những con cái Ngài: vì chưng, trái tim của con người là nơi nghỉ ngơi của Con Thiên chúa; chính vì đó mà Ngài đòi hỏi khẩn khoản biết bao, như ta thấy trong Kinh Thánh: “Fili, proebe mihi cor tuum, pone me ut signaculum super cor tuum, quia fortis est ut mors dilectio[51](Hỡi con, hãy dâng lòng con cho Cha, hãy đặt Cha như một dấu ấn trên trái tim con, vì tình yêu mạnh như sự chết).

          Trái tim của người kitô hữu là giường hôn phối của Con Thiên Chúa: thật là nhục mạ Lang Quân của các linh hồn khi muốn chiếm chỗ trong đó. Đấy là ngai tòa của Ngài mà chúng ta không được muốn ngồi vào đó, bởi vì Chúa Giêsu Kitô là vua duy nhất của các tâm hồn. Đó là vương quốc của Ngài mà không được tìm để cùng chia sẻ với Ngài. Đó là vinh quang của Ngài mà chúng ta không được động đến và Ngài không muốn nhường cho ai. Đó là nơi khải hoàn của Ngài mà Ngài muốn tỏ ra là vị chiến thắng duy nhất: không được đặt chướng ngại vật vào sự toàn thắng của Ngài. Đó là lò lửa phải được đốt nóng gấp bảy lần, septuplum[52] (“bảy lần hơn”), nhờ Thánh Thần và đầy tràn lửa thiên linh: không được làm cho nó nguội đi do tình yêu thế tục. Đó là hòm bia trong đó chứa đựng lề luật của Thiên Chúa: không thần tượng nào được ngự trị bên cạnh, trái lại phải bị lật nhào và vỡ tan thành mảnh, như trong tiết nói về Dagon[53]. Đó là đền thờ nơi Thiên Chúa muốn được thờ lạy trong tinh thần và chân lý: không thần Baal nào được dung túng tại đó[54]. Đó là nơi Chúa Giêsu muốn đổ tràn đời sống của Thiên Chúa Cha Ngài; không được đặt vào đó bất cứ trở ngại nào. Sau cùng đó là trái cấm mà Thiên Chúa dành cho mình, không được đụng đến[55]: nó có thể gây ra cái chết khi người ta đụng đến nó, như bất hạnh thay đổi khi đã xảy ra mà kinh nghiệm đã chứng tỏ.

          Các vị linh hướng muốn gắn bó các linh hồn với mình không chỉ gây bất hạnh riêng cho họ thôi. Họ còn cướp đi cho Thiên Chúa niềm vui lớn Ngài nhận được từ Con của Ngài nếu vị này được thiết định hoàn toàn. Họ cản trở Ngài tự thông ban cho các linh hồn theo lòng Ngài ao ước: Thiên Chúa không muốn làm điều đó vì có sự trói buộc Ngài nhìn thấy nơi các linh hồn. Từ đó xảy đến điều người ta nhận thấy nơi các con linh hướng: họ rất ít tiến tới, biểu lộ sự ít nhân đức và ơn sủng, ít vững chãi trong Thiên Chúa; ngược lại họ chứng tỏ rất nhiều thất thường và nhẹ dạ, tỏ lộ nhiều yếu đuối, dục tình và bực bội, sống cách hoàn toàn tự nhiên, nhượng bộ rất nhiều những xu hướng riêng của mình: vì chưng không gì trong những cái đó được hủy hoại đi bởi sự sung mãn của đời sống thần linh chính lẽ phải ở trong họ mà lại không hề thấy có trong họ, lý do là vì sự gắn bó bất hạnh với những vị linh hướng của họ. Thay vì phải là “người của Thiên Chúa” mà thánh Phaolô[56] nói đến, những vị này lại rất thường là người của Ma quỉ: thay vì hủy diệt những kẻ thù của Chúa Giêsu để đặt Ngài thống trị trong các tâm hồn, trái lại họ chia cắt vương quốc của ngài và làm cho vương quốc của kẻ thù Ngài tiến triển vì những gắn bó thảm hại chẳng những họ làm ngơ, mà khốn thay, thường còn đi đến chỗ xúi giục nên nơi những con thiêng liêng của họ nữa.[tr.125-127]

Sự quên mình thiết đặt trong an lành

    Sự cởi bỏ nội tâm phải là đặc tính của những liên hệ giữa vị linh hướng và các con thiêng liêng: Gioan Tiền Hô chỉ tìm đưa các môn đệ mình đến với Chúa Giêsu thôi. Đối với chiều hướng tự nhiên của chúng ta là “yêu và được yêu”, thì tất nhiên đó là “một cuộc tử đạo đích thực”, nhưng nó mở sang niềm vui và bình an.

          Những vị linh hướng đầy tràn Thần Khí của Thiên Chúa quên đi chính bản thân mình và chẳng bận tâm lôi kéo đến mình sự ngưỡng mộ của những kẻ mình dẫn dắt, viện lý là thấy được ở đó phương thế để ảnh hưởng trên họ hầu dễ chinh phục họ cho Chúa Chúng Ta. Mọi kết quả mong muốn của hành động mình, họ chỉ chờ đợi duy ở lòng nhân từ của Thiên Chúa và hiệu năng của Lời Ngài. Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần mới đem lại kết quả cho hạt giống Ngài đã gieo vãi trong các linh hồn bằng lời nói Ngài đặt trong miệng các thừa tác viên của Ngài[57]. Chỉ cần xem điều gì đã xảy ra với các Tông đồ: đầy tràn Thánh Thần và được sinh động bởi lòng hăng say tìm sáng danh Thiên Chúa, các ngài rao giảng bằng cách nói với mọi người điều Thiên Chúa đặt trên môi miệng các Ngài; không chút bận tâm để biết người ta có yêu mến và ngưỡng mộ mình không, các ngài hoàn toàn quên mình để chỉ còn lưu tâm đến Đấng mình loan báo thôi. Tình yêu luôn hướng tới hữu thể được yêu, khi nó mạnh mẽ, không cho phép người ta trở về trên bản thân mình: nó làm đầy con tim và làm đầy hoàn toàn. Chúng ta phải luôn ở trong trạng thái nội tâm đó và bắt chước các Tông đồ trong tình trạng đó và trong tinh thần đó, đã làm phát sinh một kết quả lớn lao như vậy.

          Cho dù việc chúng ta được ngưỡng mộ trong tinh thần những kẻ chúng ta dẫn dắt có ích lợi đi nữa, thì chính chúng ta không phải bận tâm về điều đó và muốn tự mình tìm đạt cho được sự ngưỡng mộ ấy: chúng ta phải tự phó thác cho Thiên Chúa để mặc Ngài lo liệu ban nó cho ta, theo như Ngài thấy mức cần thiết của nó cho sáng danh Ngài và ích lợi cho các linh hồn. Vì chưng, muốn tự kiếm nó cho mình là trái với đức khiêm nhường và sự tín nhiệm sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Đó là một cách sống rõ rệt đi ngược với những phương châm và thực hành của Con Thiên Chúa: Theo Kinh Thánh, bản thân Ngài không hề phạm tội và không tìm vinh quang riêng của ngài nhưng là của Cha Ngài[58]. Cũng ngược với cách hành động của các thánh: cho dầu có nhằm về Thiên Chúa, các ngài đã không tự tìm để làm cho mình được ngưỡng mộ.

          Và rồi, cần phải sợ rằng lòng ao ước làm cho các linh hồn tiến tới, trong thực tế chỉ là một cớ vịn lấy do tính ích kỉ và lòng kiêu ngạo của ta, luôn ham muốn thiết lập mình trong tinh thần thế tục: chúng thường tìm những phương thế rất nguy hiểm mà bề ngoài xem ra thật là ngay lành để dùng mà lôi cuốn tình yêu và sự ngưỡng mộ của người ta. Cũng phải sợ rằng thay vì tìm kiếm trong tất cả những cái đó vinh quang của Thiên Chúa và lợi ích cho tha nhân, chúng ta lại đi tìm vinh quang riêng của mình và sự nổi danh cá nhân của chúng ta. Vì thế tại sao tốt hơn là nên ở yên hàn, đừng làm gì cả để lôi kéo sự ngưỡng mộ của các con thiêng liêng của chúng ta: thủ đoạn quá thô bỉ và quá nhân loại!

          Chúng ta phải trọng kính sự xa lìa của Chúa Chúng Ta với Đức Thánh Đồng Trinh và cầu xin được thông hảo vào những tâm tình thánh thiện mà các Ngài đã sống cuộc xa lìa đó. Chúng ta cũng phải vui mừng vì thấy được những cơ hội để dâng lên cho Thiên Chúa một vài hy sinh bằng cách tự kiêng cữ điều gì ta quý mến nhất, hầu minh chứng chúng ta có thật sự sống trọng sự từ bỏ chân thật mà Thiên Chúa đợi chờ nơi chúng ta không. Kiêng cữ không phải là xa lìa; cả khi ở rất xa, chúng ta vẫn có thể ở trong một sự hợp nhất trong Thiên Chúa cũng sâu xa như khi chúng ta có mặt, và còn được hưởng dụng trong Thiên Chúa những kết quả của sự thông hiệp các tâm hồn mà Chúa Giêsu Kitô thể hiện trong Người.

          Là kitô hữu, chúng ta phải luôn sẵn sàng với những loại cởi bỏ đó, như là những tôi tớ đợi chờ ý muốn của chủ mình để đi đến bất cứ nơi nào ông muốn sai chúng ta tới, giống cách thức các Tông đồ tản mác đi khắp thế giới. Chúng ta phải sống trong sự chờ đợi Thiên đàng: ở đó, nơi chúng ta sẽ được kết hợp với Thiên Chúa một lần thay cho tất cả, sẽ không bao giờ còn xa lìa nữa.

          Chỉ được cậy tựa nơi Thiên Chúa và nghỉ ngơi nơi Ngài chứ không phải nơi loài người; có thánh thiện và được nâng cao đến đâu đi nữa họ cũng vẫn không thôi là những thụ tạo. Vậy họ không được là đối tượng của những ao ước của chúng ta, cũng không được là nền tảng để chúng ta cậy tựa và đặt tin tưởng: chúng ta chỉ tìm được những điều này nơi Thiên Chúa Đấng duy nhất có thể thêm sức mạnh và nâng đỡ chúng ta trong những yếu đuối của chúng ta.

          Những thụ tạo là những cây sậy bất lực để nâng đỡ chúng ta, những nguồn suối đắng đót không thể an ủi một trái tim sầu buồn, những ngọn lửa rơm tàn lụi ngay sau khi được đốt lên: sự mỏng dòn của chúng buộc chúng ta phải chạy đến với Thiên Chúa.

          Thánh cả Gioan Tẩy Giả đã hướng các môn đệ mình về Chúa Chúng Ta, và khi người ta vấn nạn ông xin cho biết ông có phải là đấng Mêsia không, ông trả lời không phải mình, nhưng mà có đấng khác đang ở giữa mọi người, mà chính ông chẳng đáng cởi quai dép cho Người[59]. Chúng ta cũng phải hành động như ông. Chúng ta chỉ phải có những môn đệ để dẫn họ đến với Thiên Chúa Chúng Ta thôi. Và khi họ muốn gắn bó với ta, thì phải nói với họ như thánh Gioan đã nói với người Do Thái: không phải phần tôi chiếm hữu tâm hồn anh em. Ở giữa anh em có Đấng mà tôi chẳng đáng là tôi tớ hèn mọn[60]: chính Người sẽ chiếm đoạt hoàn toàn tâm hồn anh em, hãy dâng chúng cho Người đừng chia sẻ chút gì cho bất cứ một thụ tạo nào!

          Thật đích thực là một cuộc tử đạo cho một linh hồn phải luôn ở trong tinh thần đó: là không bao giờ chấp nhận buông mình đi theo một sự bộc lộ tâm tình dù nhỏ mọn với một tạo vật nào, cũng không được cho phép người ta có như thế đối với mình. Vì tự nhiên là chúng ta muốn yêu và muốn được yêu. Nhưng chúng ta phải ở lại trong sự trung tín với Thiên Chúa Đấng chúng ta đã được hiến thánh cho Ngài. Chúng ta phải dành cho Ngài tất cả con tim mình, trọn vẹn linh hồn mình với mọi hướng chiều của nó, bằng cách nói cho nó với tác giả Thánh vịnh “fortitudinem meam custodiam[61](Con gìn giữ sức lực của con cho Ngài). Chúng ta luôn phải phó thác linh hồn chúng ta trong Chúa, nói được là giữ nó trong quân bình không cho phép nó tự ý thoát ra chút nào để nghiêng ngả phía này hay phía khác.

          Một hạnh kiểm như vậy Thiên Chúa rất lấy làm thú vị và Ngài cho bằng chứng: sau khi đã để một thời gian làm cho chúng ta cảm thấy đau buồn, hầu cho chúng ta có dịp chiến đấu và thử thách lòng trung thành của chúng ta, Ngài tái lập chúng ta thật vững chãi trong Ngài để thưởng công, và ban cho linh hồn chúng ta được cậy tựa vững vàng trên Ngài đến nỗi nó thấy được tất cả niềm vui và sự nghỉ ngơi của nó trong sự cởi bỏ mọi thụ tạo và trong sự chiếm hữu độc nhất và vui hưởng Thiên Chúa của nó thôi; và điều đó, là tương đương với sự trung thành của nó và với tình yêu mà nó đã khước từ các thụ tạo thuộc trọn về Ngài. Sự bảo đảm đó vững chãi trong linh hồn đến nỗi nó sẽ rất đau khổ nếu từ nay lại phải đặt sự gắn bó hay sự nghỉ ngơi của mình vào một sự gì khác với Thiên Chúa: chính tại đây mọi hấp dẫn của Ngài nâng đỡ linh hồn và giữ gìn nó không còn một chút thỏa thích nào đối với các tạo vật, mà Thiên Chúa cho nó biết sự thấp hèn và ít sự nghỉ ngơi nó có thể nhận được trong đó.

          Chúng ta sẽ được vui hưởng Thiên Chúa nhiều hơn trên trời theo mức độ chúng ta tự tước đoạt mình nhiều hơn sự vui hưởng thụ tạo vì tình yêu đối với Ngài. Thiên Chúa chiếm hữu chúng ta vô cùng tốt đẹp hơn mọi tạo vật! Chúng ta gặp được trong Ngài điều mà không bao giờ chúng ta sẽ gặp được nơi các tạo vật. Vậy nếu phải yêu và được yêu, thì hãy yêu Thiên Chúa hết lòng chúng ta, hãy tự đặt mình trong tình trạng được Ngài trọn vẹn yêu mến! [tr.129-135].

Vấn đề kết hợp thiêng liêng

    Nhờ kinh nghiệm, Cha Olier biết rằng đôi khi Thiên Chúa thiết đặt giữa một vài linh hồn một sự chuyển thông thiêng liêng đáp trả lại những ý định riêng của Ngài trên họ. Ơn huệ hoàn toàn nhưng không, những sự kết hợp kiểu đó không được tìm kiếm bởi các vị linh hướng giữa những người mình dẫn dắt.

          Một sự chuyển thông thiêng liêng riêng tư đòi phải được sống với một sự trong sạch nội tâm tuyệt đối và trong sự hoàn toàn phó thác cho hành động của ân sủng, thường là không được cảm nghiệm bởi chính những kẻ được hưởng dụng ơn ấy.

          Sự cởi bỏ lớn lao đó của các vị linh hướng phải được áp dụng tới cả trường hợp của các linh hồn thánh thiện nhất và trọn lành nhất mà các ngài có thể gặp trên mặt đất.

          Về phần đông các tôi tớ của Thiên Chúa, thì đó thật là một sự thèm khát thiêng liêng muốn tìm biết mọi nhân vật được đánh giá như vậy: họ vồn vã bên cạnh những nhân vật đó và chỉ ngừng lại một khi đã làm quen được và qua những thời gian kéo dài và thường xuyên gần gũi với những nhân vật đó. Tất nhiên là phải yêu mến và trọng kính mọi nhân vật trên trần gian: chắc chắn là việc đi lại bề ngoài với họ là hữu ích cho chúng ta theo mức độ mà Thiên Chúa sống trong họ với một sự sung mãn lớn hơn, Ngài cũng tuôn đổ qua họ những ơn sủng khác nhau trên những người khác. Nhưng chúng ta cũng không được sống ít hơn trong một sự cởi bỏ hoàn toàn đối với họ: chúng ta chỉ được ước ao biết họ và trao đổi với họ theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, chờ đợi điều đó trong sự lệ thuộc liên lỉ vào Thần Khí thiên linh của Ngài, Đấng giữ vai trò liên kết và hiệp nhất các linh hồn.

          Vậy thì, thật là thoát khỏi sự lệ thuộc Thiên Chúa khi muốn tự mình khởi sự đi lại với những nhân vật ấy mà không đợi chờ thánh ý của Thiên Chúa để biết Ngài có muốn không và thời gian nào Ngài đã định cho việc đó: chúng ta không được đoán trước những ý định thiên linh và tự ý thực hiện điều chỉ phải là việc của Chúa Chúng Ta thôi, Ngài với tư cách là Thủ Lãnh của Giáo hội, có quyền kết hợp trong Ngài mọi kitô hữu, theo cách thức Ngài muốn bởi vì Ngài biết cách nào thích hợp nhất để đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và vẻ thẩm mỹ của Thân Mình Ngài muốn cấu thành.

          Trong giáo hội có hai loại hợp nhất giữa các tín hữu: một tổng quát và một riêng rẽ. Sự hợp nhất tổng quát là sự hợp nhất phải có giữa các kitô hữu như những chi thể của cùng một Thân Mình. Sự hợp nhất riêng rẽ là sự hợp nhất Thiên Chúa thiết lập giữa một vài linh hồn thánh thiện mà Ngài muốn dùng để làm sáng danh Ngài và thể hiện những ý định Ngài có trên họ.

          Tất cả chúng ta đều phải ước muốn loại hợp nhất thứ nhất này và đừng sợ hãi điều chi hơn là sự chia rẽ giữa các tín hữu: vì tất cả chúng ta đều là chi thể của cùng một Thân Mình, tất nhiên là rất hữu lý mọi người chúng ta phải nên một để làm nên vẻ thẩm mỹ của nó. Trái lại về những gì liên hệ tới loại hợp nhất thứ hai, chúng ta không được ước muốn gì, nhưng phải phó thác mình cho Chúa Chúng Ta, để Ngài sử dụng chúng ta theo ý Ngài muốn. Phần chúng ta chỉ đặt mình khuôn theo những ý định của Ngài mà không ao ước một ý riêng nào trong đó. Vì chưng Thiên Chúa chỉ thể hiện những sự hợp nhất kiểu đó theo những ý định riêng tư trên một vài linh hồn: Ngài muốn thánh hóa họ chung với nhau, hoặc qua lời cầu nguyện của họ, hoặc qua những ơn sủng khác thường và những thông giao đặc biệt mà Ngài muốn thực hiện nơi họ và muốn làm cho họ tất cả trở thành những người được dự phần, hoặc bằng cách ban trực tiếp những ơn đó cho họ, hoặc làm cho chúng qua từ người này sang người kia. Kinh nghiệm có đó để chứng tỏ: Nếu Thiên Chúa thể hiện những sự hợp nhất riêng biệt đó, là vì Ngài kêu gọi một vài linh hồn tới cùng một công việc Ngài muốn thực hiện trong Giáo Hội Ngài và vì Ngài muốn dùng họ như thế trong Ngài, để họ thực hiện công việc đó với sự hợp nhất, trọn lành và thánh thiện nhiều hơn.

          Vậy thì chúng ta đừng ao ước được dùng vào một việc gì khác với công việc Thiên Chúa giao phó cho chúng ta, và vì thế chúng ta không phải tìm trong đó cả ơn sủng cả tinh thần. Cũng như chúng ta phải chết đi cho sự thánh hóa riêng của mình, bằng cách chỉ ước ao nó trong mức độ qua những đường lối và theo những phương châm mà Thiên Chúa vui lòng thể hiện trong chúng ta. Đó là tại sao chúng ta phải chết cho mọi sự hợp nhất đặc biệt và riêng rẽ, và chỉ tìm chúng theo như mức độ Thiên Chúa muốn, với cách thức Ngài muốn và theo những ý định mà Ngài muốn có chúng.

          Chúng ta phải tôn trọng những sự hợp nhất kiểu đó nơi người khác mà chính chúng ta không được ao ước, cũng như chúng ta phải tôn trọng những ơn huệ được ban cho anh em chúng ta mà không được thèm muốn nó cho mình, nhưng phải bằng lòng với những ơn mà lòng nhân từ của Thiên Chúa khứng thông ban cho chúng ta.

          Chúng ta phải phó thác linh hồn và trái tim chúng ta cho Thiên Chúa để Ngài thực hiện trong chúng và qua chúng điều Ngài ưa thích. Chúng ta phải thấy là tốt tất cả những gì Ngài làm, phải ở trong một thái độ hoàn toàn thụ động, để mặc Thiên Chúa hành động trong chúng ta theo tất cả chiều rộng của những ý định Ngài: cũng ở bằng lòng cả khi Thiên Chúa đẩy chúng ta ra, hay đúng hơn ngừng hành động của Ngài nơi chúng ta cũng như khi Ngài đang hành động vậy. Bởi vì chúng ta chỉ phải lưu ý trong tất cả những điều đó đến Thiên Chúa và vinh quang của Ngài thôi: Chúng ta phải bằng lòng trong trường hợp này cũng như trong trường hợp khác. Và nếu chúng ta không như thế, đó là dấu chúng ta tìm trong đó sự gì khác với Thiên Chúa và chúng ta pha trộn trong đó lợi ích của chúng ta bằng cách tìm sự an ủi riêng của chúng ta.

          Chỉ mình Thiên Chúa phải là dây ràng buộc những sự hợp nhất thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta phải ở trong tay Ngài như một túi tiền trong tay sở hữu chủ của nó: ông muốn kéo giây mở đóng nó khi thấy cần mà nó không thấy gì phải kêu trách. Như thế phải ở trong tay Thiên Chúa để khi Ngài vui lòng mở tâm hồn của những kẻ Ngài đã kết hợp trong Ngài hầu hành động trong họ theo sở thích của Ngài. Phải có tinh thần tự hủy trước nhan Ngài, trong một sự hoàn toàn phó thác bản thân, đau khổ và chịu đựng những tác dụng Ngài muốn thực hiện nơi chúng ta và chúng ta nơi người khác. Nhưng khi Ngài đến như là để kéo dây lại, nói cách khác là thôi hành động bằng cách đóng tâm hồn chúng ta lại, thì phải hoàn toàn nghỉ yên, hơn nữa yêu mến và quý trọng chính sự ngưng trệ đó của hành động Ngài, bởi vì Thiên Chúa muốn vậy, và dự trữ trong linh hồn chúng ta những của cải Ngài đã đặt để trong đó qua những tác dụng của Ngài trước đây.

          Các linh hồn phải ở trong một sự trong sạch nội tâm đến độ khi ra khỏi những trạng thái hợp nhất đó chúng không còn nghĩ lại những gì đã xảy ra nơi chúng, trừ ra việc phải tường trình lại cho vị (linh hướng) dẫn dắt chúng. Làm khác đi, đó là một sự bất trung trong linh hồn mà Thiên Chúa muốn nhìn thấy trong một sự cởi bỏ hoàn toàn mọi cái khác và trong một sự chú ý trọn vẹn tới Ngài và tới những gì Ngài ban cho nó; thường là một sự chiếm cứ mà chính linh hồn tự cho mình trong khi hưởng dụng sự an ủi bởi điều đã xảy ra trong nó. Đó là có sự tìm kiếm bản thân và đó là bất xứng với Thiên Chúa: chỉ một mình Thiên Chúa mới phải làm đầy bằng bản thân Ngài linh hồn và các năng lực của nó, và các năng lực này chỉ được hành động và có tác dụng trong Ngài cho vinh quang của Ngài.

          Khi Thiên Chúa kết hợp các linh hồn và hành động trong họ, Ngài giữ họ hoàn toàn tách biệt nhau trong tác dụng tuyệt đối trong sạch Ngài thực hiện trong họ và Ngài không cho phép các linh hồn đó trở về với bản thân dù chỉ một lần. Trái lại khi nâng họ lên trong Ngài, Thiên Chúa làm cho họ quên hẳn nhau, để không gì gây trở ngại cho việc Ngài muốn thực hiện trong họ, nhưng để họ ở trong một khả năng lớn hơn mà nhận lãnh.[tr.135-141]

Hạnh kiểm phải giữ trong trường hợp có những hợp nhất thiêng liêng riêng rẽ

    Đừng bao giờ tìm gì ngoài Thiên Chúa. Hãy đàm thoại như Đức Maria và bà Elisabeth, hoàn toàn chú ý đến những sự cao cả của Thiên Chúa và được dẫn dắt bởi Thánh Thần.

          Vậy chúng ta phải có một sự trong sạch nội tâm lớn để đàm thoại với những nhân vật mà Thiên Chúa kết hợp như vậy với chúng ta, bằng cách chỉ nhìn trong họ Thiên Chúa thôi, mà không cần lưu ý đến những ơn sủng họ nhận được nơi Ngài. Chúng ta chỉ phải đến thăm viếng họ tùy theo ý của Chúa Chúng Ta và khi đức bác ái hoặc sự cần thiết đòi hỏi. Thật ra, người ta có thể bị cám dỗ năng lui tới, hoặc vì sự an ủi người ta có thể tìm thấy ở đó, hoặc vì một vài tò mò cá nhân muốn làm giầu bản thân bằng những ơn lành Thiên Chúa thực hiện nơi những nhân vật ấy.

          Nếu người ta đến đó vì ao ước sự an ủi hay một lợi lộc nhân loại nào khác, Thiên Chúa có thể sẽ gián đoạn những thông giao Ngài muốn tiếp tục làm sau đó, để trừng phạt vì người ta đã tìm một điều khác ngoài chính Ngài. Vì chưng, không bao giờ chúng ta được tìm điều gì khác ngoài Thiên Chúa, nếu không chúng ta đi trệch con đường trong sạch trong đó Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. Chúng ta phải luôn, nhưng nhất là trong những trường hợp tiếp xúc với các linh hồn ưu tú, hành động trong tinh thần của Thiên Chúa: chính Ngài nâng họ lên trên bản thân họ và muốn thiết đặt họ trong một tình trạng thiên linh, để họ luôn hành động trong Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Làm khác đi là chúng ta đẩy họ ra khỏi con đường thánh thiện mà trong đó họ phải bước đi trước mặt Thiên Chúa để làm vui lòng Ngài theo như Ngài ao ước.

          Được gọi để ở lại trọn vẹn trong Thiên Chúa, các linh hồn ấy phải trọng kính và tôn vinh trong những cuộc đàm thoại của họ sự trong sạch và sự thánh thiện của những tương quan hỗ tương nơi Ba Ngôi Vị Thần linh muôn thuở. Họ còn phải nhằm tôn kính những cuộc đàm thoại của Con Thiên Chúa với Đức Rất Thánh Đồng Trinh và thánh Giuse. Ở đây cũng như ở kia, chỉ có thánh thiện, trong sạch và bác ái; mọi sự đều diễn ra trong niềm sốt sắng của tình yêu thiên linh, để khao khát sự vinh quang cho Thiên Chúa và vui hưởng lòng yêu mến thiên linh. Những liên hệ giữa các linh hồn phải diễn ra như thế: chúng phải được thực hiện trong bác ái, không có gì ngoài Thiên Chúa được tỏ lộ tại đó, tình yêu phải nảy nở trong đó, lòng sốt mến tìm sáng danh Thiên Chúa phải hiện lộ tại đó để xướng lên những bài thánh ca của Chúa làm thành những lời ngợi khen đồng thanh dâng lên Thiên Chúa. Tóm lại, mọi sự đều phải hướng về Thiên Chúa trong một sự quên mình hoàn toàn.

          Trong cuộc đàm thoại đầu tiên của Đức Rất Thánh Đồng Trinh với bà chị họ Elisabeth khi ngài đến viếng thăm bà, chỉ có vấn đề Thiên Chúa thôi và đều đưa về Thiên Chúa. Ngay khi thánh Elisabeth nhìn thấy Đức Rất Thánh Đồng Trinh, bà liền được đầy Thánh Thần và chính dưới hành động của Thánh Thần đó bà nói: “Bởi đâu tôi được hạnh phúc này là mẹ Chúa tôi đến với tôi[62]?” Về phần Đức Rất Thánh Đồng Trinh, thay vì ngừng lại ở những lời ngợi khen mà bà chị họ nói với mình bằng cách gọi mình là mẹ Thiên Chúa như vậy, ngài như được bốc lên bởi tình yêu trong Thiên Chúa và xướng lên bài thánh ca tuyệt đẹp này: “Linh hồn tôi tung hô Chúa, thần trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng Cựu độ tôi[63].”

Đó là cách phải diễn ra những cuộc đàm thoại của những linh hồn thánh thiện và những gì phải thể hiện trong đó. Trước hết, họ phải kêu cầu Chúa Thánh Thần để xin Ngài đến trong  họ và làm đầy họ. Thứ đến, mọi sự họ nói với nhau phải đến tự Thiên Chúa và đưa họ về đó. Thứ ba là họ không được trao đổi với nhau về những chuyện tầm phào, nhưng về những sự cao cả và những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Sau cùng, như thánh Elisabeth, các linh hồn phải bước vào trong một sự tự hủy nội tâm: khi họ ý thức được các ơn huệ Thiên Chúa ban cho họ hoặc khi người khác cho họ biết những ơn đó, thay vì gắn bó vào đó và phản ảnh lại trên bản thân mình họ phải quay về với Thiên Chúa và ở trong Ngài để ngợi khen Ngài về những sự thương xót lớn lao đó, bằng cách nói lên như Đức Rất Thánh Trinh Nữ: “Linh hồn tôi hãy ngợi khen Thiên Chúa và thần trí tôi hãy nhảy mừng trong Đấng Cứu Độ nó[64].” Vì chưng nếu thần trí chúng ta muốn, dù chỉ một chút thôi, xiêu ngã về thụ tạo, lập tức chúng ta phải làm sự phân biệt này: thần trí chúng ta vì được dựng nên cho Thiên Chúa chỉ phải tìm được sự nghỉ ngơi nơi một mình Ngài thôi.

          Chúa Chúng Ta phải sống với sự tràn đầy lớn lao trong một linh hồn để làm cho nó luôn hành động trong tinh thần đó. Nhưng Ngài thích chọn một vài nhân vật để làm điều đó: thật vậy, Ngài ao ước kính trình lên cho Thiên Chúa Cha Ngài những linh hồn thánh thiện và Ngài muốn tỏ ra trong họ sức mạnh và hiệu năng của ơn sủng Ngài. Phần chúng ta những vị linh hướng, chúng ta chỉ cần phó mình cho Ngài để Ngài làm cho chúng ta hành động trong Thần Khí thánh thiện của Ngài, và sau đó ở trung thành với những động tác thánh của Ngài. Và chẳng bao lâu chúng ta sẽ thấy rằng với Thiên Chúa mọi sự sẽ dễ dàng và không có gì là không thể làm được đối với ơn sủng của Ngài.

          Như vậy một khi đã khởi sự trong lòng thiện hảo thần linh của Ngài để làm cho chúng ta hành động với sự trong sạch riêng của Ngài, chắc chắn Chúa Chúng Ta sẽ tiếp tục làm cho chúng ta tiến tới, chỉ cần chúng ta để cho Ngài hành động: “Qui coepit in vobis opus bonum, ipse perficiet[65]”(Đấng đã bắt đầu nơi anh em một việc tốt lành, chính Ngài sẽ hoàn tất nó).

          Khi các linh hồn đàm thoại cùng nhau với một sự trong sạch như vậy, trước hết Thiên Chúa liên kết họ với nhau mỗi ngày một sâu đậm hơn bằng cách thêm ơn sủng của Ngài để họ thông phần đầy đủ hơn. Tiếp đó Ngài đưa dẫn họ vào một sự chuyển thông lớn lao và thông phần hỗ tương vào những ơn sủng Ngài ban cho họ, bắt đầu làm cho họ nếm trước sự thông hảo giữa các thánh trên trời, đến độ họ sẽ làm giầu lẫn nhau bằng những ơn lành Thiên Chúa ban cho họ. Thứ ba là họ được ở trong sự tự do thiêng liêng lớn nhất và thánh thiện nhất: “Ubi Spiritus, ibi libertas[66](Ở đâu có Thần Khí, ở đó có tự do). Thứ bốn, khi ra khỏi cuộc đàm thoại, họ thấy mình đầy tràn Thiên Chúa hơn và nghiêng về yêu mến Ngài và phụng sự Ngài cách trung thành hơn bao giờ hết. Sau cùng, họ không bao giờ bỏ quên nhằm tới Thiên Chúa, đó là điểm chính yếu và là một lợi lộc lớn.[tr.143-147].

Niềm trổi vượt của sự kết hợp với chính Thiên Chúa

          Điều mà tất cả những ơn sủng đó làm phát sinh, trong khi vẫn kết hợp các linh hồn càng ngày càng bền chặt hơn, chính là giữ được họ trong một sự cởi bỏ lớn lao và tháo gỡ chính bản thân họ: vì chưng, người ta càng thánh thiện thì càng thấy mình cởi bỏ được thụ tạo và mật thiết kết hợp với Thiên Chúa. Chính trên điểm này mà sự trung thành của chúng ta phải hành động: luôn giữ mình trong một sự cởi bỏ lớn, vì rằng có thánh thiện đến đâu đi nữa các linh hồn không phải là Thiên Chúa và vì vậy không làm đầy được con tim chúng ta được tạo thành cho một mình Thiên Chúa. Vậy chỉ ở trong Ngài người ta mới luôn thấy sự đầy tràn lớn nhất, Ngài là nguồn suối mọi sự lành, chứ không phải trong điều Ngài ban cho các tạo vật thánh thiện nhất: đấy cũng chẳng đáng là một hạt nước sánh với biển cả và với đại dương không cùng là nơi Thiên Chúa!

          Vả lại, nếu chúng ta gắn bó với các linh hồn thánh thiện vì những ơn họ có, điều đó sẽ chặn chúng ta lại trong bước tiến của chúng ta và sẽ cản ngăn chúng ta đi tới Thiên Chúa. Không được để sự hợp nhất Thiên Chúa thiết lập giữa các linh hồn làm họ quay mặt đi khỏi Ngài, nhưng ngược lại nó phải là một phương thế để hướng về Ngài mạnh mẽ hơn: Đó là chính ý định của Thiên Chúa.

          Đối với mọi kitô hữu không có đặc ân đó, thật là một an ủi lớn được có thể đơn giản tham dự vào ơn sủng của các linh hồn thánh thiện mà không có với họ sự hợp nhất riêng rẽ. Đây là điều họ chỉ cần làm cho việc đó:

          Trước hết, thờ lạy trong Thiên Chúa và trong Đức Giêsu Kitô Con của Ngài, sự tràn đầy của Thần Khí và của ơn sủng được đổ tràn trong các linh hồn ấy.

          Thứ hai, cám ơn Thiên Chúa vì đã ban như một ơn huệ cho một người trong anh em họ và mừng rỡ vì niềm vui họ cảm nghiệm thấy Thiên Chúa được vinh danh bởi những thụ tạo của Ngài và những thụ tạo được đầy tràn Thiên Chúa: việc thực hành này sẽ tuyệt đối đẹp lòng Thiên Chúa và nếu nó cứ tiếp tục theo đuổi, nó sẽ có khả năng làm cho họ thành những kẻ thông phần vào những ân huệ được ban cho anh em họ; bởi vì họ vui mừng vì đó cho anh em, Thiên Chúa sẽ ban phần cho họ để thưởng công họ về lòng bác ái của họ.

          Thứ ba, cầu xin với Chúa Chúng Ta Đấng có trong mình mọi ơn sủng và qua Ngài chúng được thông ban tất cả cho toàn thể Giáo hội: cầu xin Ngài, tôi nói, để xin Ngài cho được thông phần vào các ơn sủng đó theo mức độ Ngài xét thấy điều đó có thể giúp làm sáng danh Ngài và giúp thánh hóa họ. Nhưng phải cầu xin Ngài cách vô tư và phó thác cho Thiên Chúa, nghĩa là chỉ muốn được nhận lời và nhận được sự tham dự đó theo như ý muốn của Thiên Chúa. Điều thực hành thứ ba này tuyệt đối hữu ích.

          Thứ bốn, năng thờ lạy Thiên Chúa Đấng phân phát qua Đức Giêsu Kitô mọi ơn sủng khác nhau trong Thần thể Giáo hội. Và xin Ngài, vì họ là chi thể của Nhiệm Thể đó mà đời sống phải là chính đời sống của Thân thể, vui lòng làm cho họ được dự phần vào những ơn huệ ngài ban cho các chi thể khác, theo lời tác giả Thánh vịnh nói: “Particeps ego sum omnium timentium te[67](Con cùng liên kết với mọi kẻ kính sợ ngài). Thật thế, mọi con cái của Giáo hội chỉ phải có một Thần Khí, tất cả phải tham dự vào Thần Khí ở trong người khác, trong mọi người khác.

          Thứ năm, phó thác mình trong bình an cho Chúa Chúng Ta để Ngài hành động như Ngài muốn trong họ, bằng cách tín cẩn vào tình thương của Ngài để lãnh nhận từ Ngài tất cả điều gì Ngài muốn.

          Thứ sáu, kết hợp mật thiết với Chúa Chúng Ta để trong Ngài được hợp nhất với các linh hồn mà họ ước ao được cùng kết hợp: vì chưng, Ngài chẳng những là Thủ lãnh của Giáo hội, mà còn là dây liên kết tất cả họ là con cái Ngài với nhau.

          Thứ bảy, kết hợp nội tâm và với lòng ao ước vào mọi tâm tình của các linh hồn ấy, vào mọi lời ngợi khen họ dâng lên Thiên Chúa và vào tất cả những gì họ toan tính cho sáng danh Ngài.

          Thứ tám, ở lại trong một sự chết lớn cho bản thân mình, không tìm để biết các linh hồn ấy, bởi vì đấy không phải là điều Thiên Chúa muốn. Trong một cái chết như vậy có thể Thiên Chúa hành động nhiều hơn là trong nhiều cuộc hợp nhất nghiệm thấy theo tình cảm. Và trong ngày Thẩm phán các linh hồn ấy sẽ xuất hiện như được kết hợp sâu đậm hơn trên trời, lý do là vì cùng một ơn sủng Thiên Chúa đã thông ban cho họ, cho dầu sự kết hợp đó đã không được biết tới dưới đất. [tr.147-151]

CHƯƠNG IV 

YÊU THƯƠNG VỚI CAN ĐẢM

VÀ KIÊN NHẪN 

“Thánh giá của những vị linh hướng” có thể mặc lấy nhiều hình thức, ngoài hình thức của sự vô vị lợi: thời giờ phải để ra, nết xấu của những con thiêng liêng, sự chậm chạp trong những tiến bộ của họ, và cả đến sự vô hiệu quả nữa. Đó là sự thông hiệp vào tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu một trật vừa là của cha vừa là của mẹ, làm cho kiên trì trong dịch vụ đầy thử thách này và chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong niềm cậy trông.[tr.153-175].

Sự sẵn sàng

          Chúng ta không được chán nản giữa những khó khăn gặp phải trong việc dẫn dắt các linh hồn, vì họ có giá trị lớn lao dường nào đối với Thiên Chúa và vì họ đã gây tốn kém biết bao cho Chúa Giêsu Kitô.

          Chỉ một tình yêu phải thắng vượt mọi nỗi cực nhọc đó: không những chúng ta phải chịu đựng chúng với sự nhẫn nhục, mà còn phải đón nhận chúng với niềm vui, theo gương Con Thiên Chúa Đấng đã chịu biết bao đau khổ kéo dài vì các linh hồn.

          Cũng thế chúng ta phải sẵn sàng để tiếp đón các con thiêng liêng. Thời giờ của chúng ta không thuộc về chúng ta mà thuộc về Thiên Chúa, và chúng ta phải dùng nó theo mệnh lệnh và như sự Quan phòng thiên linh của Ngài định đoạt: chính nó cho phép những người này đến gặp chúng ta vào giờ phút nào. Phần chúng ta phải thờ lạy sự Quan phòng thiên linh đó, vui mừng đón nhận điều nó định đoạt, và vậy là phải có sự kiên nhẫn cần thiết đối với những người nó gửi đến cho ta.

          Chúng ta phải coi mình như những đầy tớ của các linh hồn, và với tước hiệu đó, không phải chúng ta tự chọn lấy thời khóa biểu của mình: nhưng chúng ta phải đặt mình vâng phục Đấng mà các linh hồn ao ước. Nếu người con một vị vua đến thăm chúng ta vào bất cứ lúc nào, thì không gì ngăn trở chúng ta vui mừng đón tiếp ngài: cả nhọc mệt, cả công việc không thể chặn chúng ta lại, chúng ta sẽ rất sung sướng và được vinh dự về cuộc thăm viếng của ngài và về đặc ân ngài ban cho chúng ta là muốn xin chúng ta phục vụ cho công việc của ngài.

          Chúng ta phải nhìn nhận các linh hồn như là các con cái của Thiên Chúa mà chúng ta có bổn phận phục vụ với tình yêu: trong cái nhìn đức tin đó, chúng ta phải làm cho họ những dịch vụ họ yêu cầu chúng ta với niềm vui vẻ hơn là khi chúng ta có công việc với những người con của những vị vua lớn nhất ở thế gian này. Và điều đó, theo chính mức độ mà phẩm cách của con Thiên Chúa trội vượt hơn và phải trội vượt hơn trước con mắt chúng ta trên phẩm cách của con một vị vua dưới thế này.

          Những người Thiên Chúa gửi đến với chúng ta không luôn luôn làm chủ được thời giờ riêng của họ và thường họ không phải là chủ nhân. Mà cả khi họ là chủ nhân đi nữa, thì thường họ vẫn sẵn sàng hơn ở lúc này hơn là lúc khác, vì chính họ khi đó đến gặp chúng ta. Chúng ta phải coi họ như là những người đang đói mà Thiên Chúa muốn làm cho no nê bởi thừa tác vụ của chúng ta : vậy đừng từ chối cho họ của ăn họ đang cần thiết và đến cầu xin chúng ta. Đôi khi, chỉ đơn giản là một sự phiền muộn mà một lời nói về phần chúng ta có thể làm nguôi được: thiếu điều đó họ sẽ đau khổ và ở mãi trong sự lo lắng mà thường ma quỉ cố gắng lợi dụng để lôi kéo họ về với nó và đẩy họ quay đi khỏi Thiên Chúa. Vậy đức bác ái của chúng ta lại chẳng phải đỡ nâng họ và làm cho họ vững mạnh trong đường lối của Thiên Chúa sao?

          Những trường hợp đó phải rất quý hóa đối với chúng ta và chúng ta phải vui mừng nắm lấy chúng khi Thiên Chúa cho phép chúng xảy đến: vì chưng tính ích kỷ của chúng ta không có phần trong đó, chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới làm cho chúng ta cáng đáng nổi chúng. Và nếu người ta bị tiêu hao như bị nung nhỏ lửa trong những trường hợp như thế, thì người ta phải vui mừng với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã vui lòng chết vì phần rỗi của các linh hồn. Nếu chúng ta không có phúc lãnh nhận cái chết từ tay lý hình, thì chúng ta phải vui mừng vì những trường hợp góp phần vào sự tiêu hao thiêng liêng của chúng ta, vì chính là cho Thiên Chúa và vì nhằm sáng danh Ngài mà chúng ta đón nhận chúng và chỉ vì tình yêu mà chúng ta quý chuộng chúng!

          Chúng ta không được bỏ qua bất cứ sự gì để góp phần vào sự trọn lành của các linh hồn, trong sự ước ao nồng nhiệt chúng ta phải có để làm vinh danh Thiên Chúa, để làm thỏa mãn sự ao ước lớn lao của Đức Giêsu Kitô và để như thế chinh phục cho Ngài những vương quốc tại đó vương quyền của ngài được hoàn hảo và cương thổ của Ngài được toàn vẹn. Chúng ta phải bắt chước các họa sĩ: khi họ có dịp thêm một nét đẹp vào bức họa của mình, họ liền mau mắn thực hiện ngay với ý định là đem đến sự hoàn hảo cho bức họa của mình. Những linh hồn mà chúng ta dẫn dắt phần nào cũng giống như những bức họa trên đó chúng ta phải cố gắng in những sự trọn lành của Thiên Chúa và những nhân đức của Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta. Trong viễn tượng đó, chúng ta không được bỏ qua bất cứ trường hợp hữu lý nào để đạt tới đó, nhưng phải nắm lấy chúng tất cả với tình yêu, cho dù chúng ta phải trả giá.

          Nếu các tướng lãnh trong cơ binh, chấp nhận bấy nhiêu gian khổ và chịu đựng bao nỗi nhọc nhằn lớn lao đến thế để lấy được một quân trấn và đặt nó dưới quyền của vua mình, thì có gì chúng ta chẳng phải làm để chiếm được một linh hồn cho Chúa Giêsu và làm cho Ngài trở thành thấy và sở hữu chủ duy nhất của nó? Thật ra, nếu chúng ta nghĩ đến những sự cực nhọc và gian khổ của đôi bên, thì chúng ta sẽ thấy chúng không so sánh dược. Vì chưng các tướng lãnh chịu đựng trong một ngày nhiều hơn chúng ta chịu đựng trong thời gian kéo dài; chúng ta không muốn liều mình trước những nguy hiểm mà họ đương đầu, và như thế chúng ta tỏ ra rất ít sốt sắng với vinh quang và tiến bộ của Vương quốc Đức Giêsu Kitô hơn là họ để mở rộng vương quốc vua chúa của họ. Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta thấy điều đó để chúng ta phải xấu hổ trong ngày Thẩm phán.

          Môsê, về phần ông, đã dẫn dắt Dân Thiên Chúa trong bốn mươi năm tại hoang địa, không phải không có những cực nhọc và khó khăn lớn lao: vậy tại sao chúng ta lại không làm việc cách can đảm cho Dân quý mến đó, để phục vụ những linh hồn ưu tuyển đó do Đức Giêsu Kitô đã kén chọn cho mình và Ngài đã muốn để việc nên thánh và tiến tới của họ lệ thuộc vào những săn sóc mà chúng ta sẽ chấp nhận lấy?

          Nếu Thiên Chúa đặt bấy nhiêu tình yêu và một sự hào phóng lớn lao đến thế để thưởng công một của bố thí chúng ta làm cho một người nghèo khó chỉ với mục đích nuôi thân xác họ, thì phần thưởng nào mà Ngài sẽ chẳng ban cho chúng ta về những của bố thí thiêng liêng dành để thánh hóa các linh hồn Ngài yêu thương mạnh mẽ như thế? Vì chưng, cho tiền bạc của mình thì dễ hơn là cho thời giờ và khó nhọc của mình: điều này đụng chạm đến chúng ta nhiều hơn, và vì một ơn ban như thế khó khăn hơn đối với chúng ta, nó sẽ được Thiên Chúa chấp nhận với nhiều tình yêu hơn và thưởng công rộng rãi hơn nhiều.

          Ở đây cũng như ở kia phải nhìn xem Đức Giêsu Kitô. Nhìn Ngài trong người nghèo: tuy dầu Ngài là Thầy và là Chúa của toàn vũ, Ngài tự hủy trong người này đến độ Ngài muốn qua bàn tay giơ ra của anh, xin chúng ta một miếng bánh. Nhìn Ngài trong người con thiêng liêng của ta: tuy dầu là sự khôn ngoan nhập thể và là ánh sáng của Giáo Hội soi chiếu mọi người đến trong trần gian này[68], nhưng Ngài hạ mình sâu thẳm đến độ Ngài muốn được soi sáng bởi chúng ta trong con người của kẻ là chi thể của Thân mình Ngài. Đối với người này cũng như người khác, chúng ta phải làm thỏa mãn như thế những nguyện vọng của Ngài. [tr.153-159].

Sự kiên nhẫn

          Tạ ơn Thiên Chúa, người ta thấy có những vị linh hướng sẵn sàng theo đuổi và cam chịu những nhọc nhằn thân xác để lôi kéo các linh hồn về cho Thiên Chúa: đó là điều tốt, đó là điều thánh thiện, nhưng đấy chưa phải là tất cả! Bởi vì ở giữa những nhọc nhằn của các ngài, các ngài không còn biết chịu đựng những sự chống đối gặp phải từ phía các con thiêng liêng của mình: những khuyết điểm của họ làm các ngài chán ngán, những khí sắc và những nết xấu của họ làm các ngài mất kiên nhẫn và nhiều khi đưa các ngài đến chỗ muốn bỏ rơi họ. Ôi! Đấy là điều rất xấu và hoàn toàn ngược với đức bác ái của Chúa Giêsu Kitô: Ngài đã chịu đựng các Tông đồ của mình với các nết xấu họ có, đã gìn giữ họ với một sự kiên nhẫn đáng thán phục; và mọi ngày, Ngài yêu thương ta giữa các khuyết điểm riêng của ta bằng cách tìm để ban cho ta những ơn sủng của Ngài và làm cho ta hưởng dụng được lòng thương xót của Ngài! Trong việc đó cũng như trong hết mọi sự, chúng ta phải bắt chước Chúa Chúng Ta, bằng cách chịu đựng với tình yêu và kiên nhẫn những nết xấu của những người Thiên Chúa giao phó cho chúng ta . Chúng ta là Cha thiêng liêng của họ và chúng ta phải bắt chước những người cha ở dưới đất: con cái họ có bất toàn đến đâu đi nữa, họ không ngừng yêu thương chúng. Đức bác ái chúng ta phải có không để giấu giếm chúng ta về những khuyết điểm của các con thiêng liêng chúng ta hoặc hơn nữa, nếu nó cho chúng ta thấy những khuyết điểm ấy thì chỉ là nhằm sửa chữa họ thôi. Nó phải làm cho chúng ta lo lắng thanh luyện họ, thay vì làm chúng ta xiêu lòng ít sốt sắng hơn với sự thánh hóa của họ và tỏ ra ít tha thiết với họ: trái lại, họ càng bệnh hoạn thì chúng ta càng phải có lòng cảm thương và dùng đến sự săn sóc lớn để chữa lành họ bằng cách áp dụng cho họ những phương thuốc mà họ cần đến.

          Chúng ta là những cộng sự viên với Đức Giêsu Kitô cho phần rỗi của các linh hồn. Ngài đã chịu biết bao đau khổ vì họ, họ đã làm Ngài phải trả giá đắt đến thế[69], hằng ngày Ngài chờ đợi họ với một sự nhẫn nại quá lớn và từ từ lôi kéo họ với một tình yêu lớn như vậy cho đến khi Ngài đưa dẫn được họ tới tình trạng thánh thiện nơi Ngài kêu gọi họ! Lúc đó, Ngài vui mừng với họ vì thấy họ như lòng Ngài mong ước: nói được là ở đó Ngài càng thỏa lòng hơn và nhận được nhiều niềm vui hơn vì Ngài nhẫn nại lâu ngày hơn. Chúng ta phải đi vào mọi tâm tình đó của Chúa Chúng Ta, chúng ta phải chịu đựng theo gương Ngài tất cả những nỗi cực nhọc có thể gặp trong chức vụ của chúng ta. Các linh hồn đối với chúng ta cũng phải đắt giá như đối với Chúa Chúng Ta nếu chúng ta muốn có phẩm cách của những người cha thiêng liêng đối với họ. Phải kiên nhẫn chờ đợi họ, lôi kéo họ bằng tình yêu, và không ngừng lại cho tới khi chúng ta đã đặt được họ trong tình trạng mà Thiên Chúa kêu gọi họ: lúc đó công việc của chúng ta sẽ dễ dàng, nỗi cực nhọc của chúng ta sẽ êm dịu và dễ thương, vì chúng đã làm phát sinh một kết quả tốt đẹp như vậy; và niềm vui của chúng ta tại đời này và trong cõi vĩnh hằng sẽ càng lớn lao khi mà sự kiên nhẫn của chúng ta càng lâu dài và những cực nhọc của chúng ta càng khó khăn.

          Một hạnh kiểm như vậy thường rất thương đau, nhưng tình yêu phải làm nó dịu lại và dễ thương cho chúng ta. Có thể xảy ra là chúng ta muốn nhìn thấy các linh hồn nên trọn lành chỉ trong một ngày: thường đó là kết quả của khuyết điểm nơi chúng ta hơn là sự hăng say của chúng ta, cần có chừng mực hơn. Thiên Chúa bao cả một đời sống để đạt tới sự trọn lành, Ngài không thực hiện nó ngày một lần: đó là những ơn huệ được dành cho một thánh Phaolô hay một thánh Mađalêna mà không được ban cho những người khác. Tại đây, phải bước theo Thần Khí của Thiên Chúa chứ đừng muốn đi trước Ngài. Người ta phải chuẩn bị thửa đất lâu ngày trước khi đặt nó trong tình trạng mình muốn: nó phải giữ hạt giống trong nhiều tháng trước khi sinh hoa kết quả. Chúng ta cũng phải có cùng một sự kiên nhẫn trong việc dẫn dắt các linh hồn, phần nào giống như những chủ nông trại trong thời gian chờ đợi mùa gặt, chẳng có đến với họ ngay một lúc.

          Trong mỗi bậc sống có một thập giá Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta cần phải ẵm lấy với lòng quý chuộng nó hơn tất cả những thập giá khác. Nhưng thường chúng ta chẳng muốn mà lại chọn những thập giá khác: đó là thất tín với Thiên Chúa. Thập giá của các vị linh hướng đến từ Thiên Chúa, là không nhìn thấy các linh hồn trong sự trọn lành họ ước ao, và sự chậm trễ ho kéo theo trên đường nên thánh đối với các ngài thật là một cuộc tử đạo. Phải ẵm lấy thập giá đó và quý chuộng nó hơn tất cả các thập giá khác do ta tự chọn lấy.

Nhưng thường xảy ra là, để dứt bỏ những thập giá đó, chúng ta bỏ rơi những kẻ gây cớ cho chúng ta, tựa theo những lời thối thác nói thật ra chỉ để che giấu sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta và sự chúng ta ít nhiệt thành đối với Thiên Chúa, hoặc là tính ích kỷ của chúng ta chẳng muốn chịu đau khổ gì hết. Chúng ta phải có thêm sức lực và vững bền trong mọi nỗi cực nhục phải chịu đựng trong việc dẫn dắt các linh hồn. Cần phải có trong đó một sự kiên nhẫn lớn biết chịu đựng mọi thử thách. Và không một đau khổ nào phải chịu được đưa chúng ta tới chỗ bỏ rơi các con thiêng liêng chúng ta một khi Thiên Chúa đã muốn rằng chúng ta phải có họ dưới sự dẫn dắt của chúng ta. [tr.159-163]

Đức bác ái của Chúa Ki tô

          “Quis nos separabit a charitate Christi ? an tribulatio ?” etc.[70] (Ai sẽ tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là ưu phiền ?…). Không gì có thể tách rời chúng ta khỏi đức bác ái mà Chúa Giêsu Kitô có đối với các linh hồn. Thật vậy, vì chúng ta tham dự vào chức linh mục của Ngài, chúng ta những vị linh hướng, chúng ta phải tham dự vào sự nhiệt tâm và tình yêu của Ngài đối với họ. Và không gì ở thế gian này, cả đến cái chết, được làm giảm sút hay hư hoại nơi chúng ta tình yêu và lòng bác ái đó đối với các linh hồn…

          Đức bác ái lớn lao đó của Thiên Chúa, đó là tình yêu vô bờ bến Ngài  đã tỏ ra cho loài người, tình yêu đó đã đưa Ngài đến chỗ ban chính Con mình vì phần rỗi của họ[71]. Tình yêu đó, Thiên Chúa đã thông ban cho Con của Ngài với sự tràn đầy đến nỗi Người đã muốn chết vì đổ hết máu mình ra để cứu chuộc họ. Và tình yêu lớn lao đó ở nơi Đức Giêsu Kitô phải được Ngài đổ tràn trong chúng ta; Ngài muốn thông ban nó cho chúng ta như Cha Ngài đã thông ban cho Ngài; mọi thực tại trên trời dưới đất không thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu ấy, chúng không thể ngăn cản chúng ta luôn thông phần vào tình bác ái lớn lao đó của Đức Giêsu Kitô. Bởi tình bác ái đó, chúng ta phải được hoàn toàn tràn đầy.

          “Divitias nihil esse duxi in comparationem illius neque aurum[72] (…)”(So sánh với nó [sự khôn ngoan], tôi coi là không, cả của cải, cả vàng bạc…). Chúng ta có thể áp dụng ý nghĩa của những lời này vào các linh hồn, mà giá trị cao quý đến nỗi chúng ta phải khinh miệt mọi sự để chiếm được chúng: không một sự đau khổ nào mà chúng ta lại không phải yêu mến để chinh phục chúng cho Đức Giêsu Kitô. Cần phải, như thánh Tông đồ nói[73], thắng vượt mọi đau khổ có thể xảy tới, bằng cách nhìn xem Đức Giêsu  Kitô đã yêu thương chúng ta đến độ nào, nhìn xem tình yêu và đức bác ái của Ngài mà chúng ta phải được thật tràn đầy. Đấy thật là, như lời thánh Tông đồ[74], một cuộc tử đạo liên tục: tức là sống như những lễ vật hằng ngày bị đánh đập muôn vàn thương tích phải quý mến và chịu đựng theo gương Đức Giêsu Kitô và tham dự vào lòng bác ái của Ngài vì các linh hồn.

          Đối với các linh hồn phải dẫn dắt, chúng ta phải có một trật hai tính chất sau đây: mạnh mẽ và âu yếm, kiên nhẫn và can đảm, cảm thương và khiển trách. Không được để bên này phá hủy bên kia, nhưng cả hai đều phải hiện hữu nơi ta hầu ta có thể dùng đến trong Thần Khí của Thiên Chúa tùy theo hoàn cảnh, chiếu theo sự cần thiết cho ích lợi của kẻ có công chuyện với chúng ta.

          Chúng ta phải tham dự vào Thần Khí của Chúa Chúng Ta, Ngài có hai phẩm cách, xung khắc theo bản tính, nhưng cả hai đều phải có trong chúng ta. Thật vậy, đối với chúng ta, Ngài có một trật phẩm cách của người cha và của người mẹ: phẩm cách của người cha vì Ngài đã sinh ra chúng ta trên thánh giá, và phẩm cách của người mẹ vì Ngài nuôi dưỡng chúng ta mọi ngày bằng những vú thánh thiện của Ngài, những vú êm dịu đến độ sách Diễm ca phải gọi là “tuyệt hảo hơn rượu[75]”.

          Chúng ta phải chia phần hai phẩm cách đó của Chúa Chúng Ta đối với các linh hồn. Cùng với Chúa chúng ta phải có với họ tình yêu của một người cha và tình yêu của một người mẹ. Tình yêu của người cha là một tình yêu mạnh mẽ và can đảm, tình yêu của người mẹ thì đầy âu yếm và cảm thông. Tình yêu của người cha lôi kéo chúng ta mạnh mẽ đến bổn phận của mình bất chấp những khó khăn của chúng ta, nó quở trách, đe dọa chúng ta, nó thường đóng đinh chúng ta chỉ vì nhằm tới lợi ích cho chúng ta. Tình yêu của người mẹ an ủi chúng ta trong những đau khổ và nhục nhằn của chúng ta và tìm được sự trợ giúp cho chúng ta để bớt gánh nặng trong những khó khăn của chúng ta.

          Theo Kinh Thánh, Chúa Chúng Ta đã minh chứng về hai tình yêu ấy cho các tông đồ của Ngài. Tình yêu người cha khi Ngài nói với họ: “Thầy sai anh em đi giữa những sự bắt bớ, những thánh giá và những đau khổ, như Cha thầy đã sai thầy…Ai muốn cứu mạng sống mình,thì phải mất nó. Ai muốn đến với ta, kẻ đó hãy tự hủy mình đi, nhận lấy và vác thánh giá của nó, và hãy theo ta trong đời sống đau khổ, tự hủy hoại và hãy thực thi mọi nhân đức…” v.v..[76]. Và tình yêu của người mẹ khi Ngài bảo họ: “Tất cả hãy đến với Ta, các ngươi là những kẻ sống trong đau khổ và gồng gánh nặng nề, vì Ta sẽ nâng đỡ các ngươi[77].”

Chúa Chúng Ta vẫn còn xử sự mọi ngày theo cách đó đối với các linh hồn. Ngài tỏ tình thương của người cha với họ khi Ngài đóng đinh họ cách nội tâm, cho họ thông phần vào thánh giá của Ngài, khiển trách và đe dọa họ trong nội tâm, v.v. Và tình yêu của người mẹ khi Ngài an ủi họ sau khi đã làm họ đau phiền; khi ở giữa những đau khổ, Ngài bồng ẵm họ cách âu yếm trong cánh tay Ngài, ban cho họ những sự an ủi nhỏ mọn để giúp họ chịu đựng cách thánh thiện và với tình yêu sự phiền muộn Ngài gây nên cho họ vì tình yêu; khi ở giữa tất cả những cơn thịnh nộ Ngài chứng kiến phải có chống lại họ, Ngài lại đứng ra làm trạng sư cho họ, cầu xin cho họ với Thiên Chúa Cha Ngài, xin lòng thương xót và tràn đầy ơn thánh cho họ, và đặt mình như một người mẹ tốt, ở giữa Thiên Chúa và họ để ngăn cản và tránh đi những đánh phạt mà sự công bằng thiên linh có thể giáng xuống trên họ.

          Đó là cách thức các vị linh hướng phải sống theo. Các ngài phải có một tình yêu của người cha để dùng sức mạnh đưa các linh hồn bước theo bổn phận của họ, bằng cách đóng đinh họ khi cần thiết, khiển trách họ về những lỗi lầm của họ, cho họ uống những liều thuốc thích hợp với nhu cầu của họ mà không bận tâm đến sự đắng đót của chúng. Và các ngài cũng phải có một tình yêu của người mẹ, khéo léo làm cho các linh hồn cảm thấy nhẹ bớt sau khi đã làm họ đau khổ, bằng cách cho họ những lời an ủi nhỏ mọn, như là nói được ôm họ cách âu yếm trên cánh tay để dâng họ lên Thiên Chúa và xin Ngài thương xót họ. Đó là sự khéo léo mà các ngài phải có kinh nghiệm: chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban nó cho chúng ta để gìn giữ chúng ta khỏi vấp ngã vì thái quá theo bên này hay bên kia trong hai tình yêu đó, nhưng do sức mạnh của Ngài chúng ta sẽ giữ cả hai ở đúng mức độ thích hợp với mỗi người trong các con thiêng liêng của chúng ta.

Cách xử sự khéo léo đó, chúng ta phải tìm kiếm và thấy được nó trong Chúa Chúng Ta: Ngài có nó một cách thật dồi dào và sẽ thông ban nó cho chúng ta, miễn là chúng ta cầu xin Ngài với tình yêu, tinh thần tự hủy và tín nhiệm, và làm cho mình nên xứng đáng nhận nó từ lòng nhân hậu thiên linh của Ngài. [tr.163-169].

 Vâng lời trong hy vọng

          Khi Thiên Chúa giao phó các linh hồn cho chúng ta thì cả những nết xấu của họ, cả sự ít tấn tới của họ trong đàng nhân đức không được đưa chúng ta đến chỗ từ bỏ họ trước khi chúng ta biết được ý muốn thiên linh về vấn đề này. Chúa Chúng Ta đã không bỏ Giuđa, trong khi vẫn biết hắn là một tên phản bội và một kẻ hư mất. Đó là tấm gương Ngài muốn ban cho chúng ta để chỉ cho chúng ta sự trung tín và sự kiên nhẫn chúng ta phải minh chứng trong việc dẫn dắt các linh hồn. Thiên Chúa muốn thử nghiệm trên điểm này về sự trung thành và tình yêu của chúng ta. Rất dễ làm việc bên cạnh các linh hồn tiến tới trong đàng nhân đức và khó khăn săn sóc các người khác không hề đem lại kết quả: khi đó công việc của chúng ta theo chúng ta nghĩ và phán đoán thì là một công việc bạc bẽo và khô chồi.

          Cũng phần nào giống như một thửa ruộng mà Chúa Chúng Ta giao cho chúng ta canh tác. Phải hành động với tình yêu và trung tín, chỉ nghĩ đến mệnh lệnh của Thiên Chúa mà không bận tâm gì để biết rồi kết quả sẽ ra sao: biết được ý muốn của chủ để thi hành là đủ rồi! Thiên Chúa muốn chúng ta cùng chia sẻ thánh giá và sự đau khổ riêng của Ngài, Ngài là Đấng đã làm biết bao điều cho các linh hồn mà Ngài biết họ chẳng lợi dụng được. Vì chúng ta có phần trong chức vụ của Ngài, nên rất phải lẽ là chúng ta cũng chia sẻ những đau khổ của Ngài: phần thưởng của chúng ta sẽ càng lớn, lý do là vì sự trong sạch của tình yêu chúng ta càng lớn hơn. Và rồi, ai biết được? có thể sau cùng các linh hồn ấy sẽ trở lại và Thiên Chúa sẽ thưởng công cho sự kiên nhẫn và sự trung tín của chúng ta bằng cách ban dồi dào các ơn mà Ngài sẽ ban cho họ vì cuộc trở lại của họ: thế là chúng ta sẽ mãi mãi dâng các linh hồn lên cho Thiên Chúa.

          Đừng để một ngày kia Thiên Chúa quở trách chúng ta đã bỏ rơi các linh hồn Ngài đã giao phó cho chúng ta: đừng để vì sự thiếu kiên nhẫn và bất trung của chúng ta, mà những linh hồn này phải hư mất. Vì thế chúng ta phải “giữ gìn linh hồn của chính chúng ta trong sự kiên nhẫn[78]”. Chúng ta không thánh thiện hơn Chúa Chúng Ta: Ngài đã có trong giữa các môn đệ Ngài một người đã hư mất, tuy nhiên Ngài đã giữ hắn tới khi chết. Theo gương Ngài, chúng ta cũng phải giữ sự kiên nhẫn đó mà một lòng sốt sắng giả tạo thường bỏ rơi.

          Hãy nhớ lại tích thầy tu rừng xưa đã nhận lệnh của viện phụ đi tưới một cây khô, và thầy đã làm với hết lòng trung thành như là thầy đã hy vọng một sự phong nhiêu lớn vậy: Thiên Chúa đã rất hài lòng về sự vâng lời ấy nên Ngài ban thưởng là làm cho cây đó nở bông và sau đó đem lại những trái thật đẹp! Đó là tại sao chúng ta phải hành động trong đức vâng lời: gìn giữ nó thật cẩn thận, cho dầu có ngược với lý trí đi nữa.

          Nếu chúng ta phải trung thành đến thế với sự dẫn dắt của những vị linh hướng riêng của chúng ta vì các ngài thay mặt Chúa Chúng Ta bên cạnh chúng ta, thì chúng ta cũng không được ít trung thành hơn đối với Ngài khi Ngài đích thân truyền dạy chúng ta một điều gì đó. Vậy chúng ta phải làm cách tối mặt điều Ngài truyền cho chúng ta, mà không được suy xét chi hết: chỉ cần Ngài ban một lệnh truyền là chúng ta phải thực hiện, vì Ngài là Chủ và là Chúa[79] mà chúng ta phải vâng lời trong mọi sự.

          Và cũng thế khi Ngài giao các linh hồn cho chúng ta để dẫn dắt: cả khi họ đã chết đối với chúng ta, cả khi chúng ta chẳng tìm được một kết quả nào, vì trung thành với ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải rèn luyện họ với tất cả sự chăm chỉ chúng ta có thể có, chúng ta phải coi họ như một kho ký thác mà Thiên Chúa giao cho chúng ta: chúng ta không được trả nó lại cho Ngài trước khi Ngài đòi hỏi chúng ta và muốn cất nó đi khỏi chúng ta. Phải có nhiều kiên nhẫn và từ tốn với những linh hồn ấy cũng như chúng ta có liên hệ với một vị thánh lớn vậy. Tất nhiên không phải sự thánh thiện của họ buộc chúng ta phải săn sóc nhiều hay ít đến các linh hồn, những chỉ vì tình yêu Thiên Chúa và sự trung thành với những phận sự Ngài giao phó cho chúng ta thôi.

          Một trong những điều tôi ngưỡng mộ nhất trong đời sống của Con Thiên Chúa, đó là sự dịu dàng của thái độ Ngài đối với Giuđa: khi tên khốn kiếp này đến ẵm hôn Ngài tại vườn Gethsêmani, Ngài đã không từ chối cái hôn của hắn[80] nhưng đã nhận lấy với một tình yêu và một sự âu yếm trọn hảo để làm tan vỡ trái tim của một tên man rợ. Chúa Chúng Ta đã làm điều đó vì tình thương đối với tên khốn kiếp đó mà Ngài ước mong chinh phục được bằng lòng bác ái của Ngài. Ngài còn làm điều đó với sự hiền dịu lớn lao của Ngài và với đức bác ái tràn đầy đã cho phép Ngài không từ chối một ai. Nhưng nhất là Ngài làm thế để treo gương cho chúng ta về điều chúng ta phải làm đối với các linh hồn mà sự Quan phòng thiên linh giao phó cho chúng ta, như những vị linh hướng.

          Thật vậy, Con Thiên Chúa đã không muốn đẩy lui Giuđa, cũng không muốn bỏ rơi hắn, cả khi Ngài biết tương lai của kẻ chẳng bao lâu nữa sẽ bị trầm luân. Vì Cha Ngài đã ban hắn cho Ngài[81], Ngài muốn vì tình yêu của Ngài lôi kéo hắn bằng mọi cách hầu cố gắng chinh phục được hắn: bao lâu Giuđa còn sống ở trần gian, còn có khả năng đem lại hoa trái sám hối, Ngài muốn rèn luyện hắn để hắn đem lại hoa trái. Và Ngài không bỏ hắn cho tới lúc hắn chết mà không sám hối: trái lại, Ngài ban cho hắn ơn nhận biết và đền bồi về tội hắn đã phạm, cả khi thay vì dùng ơn đó như Thiên Chúa muốn, trái lại con người độc dữ này chỉ dùng để đưa mình đến chỗ tuyệt vọng[82]. Và chỉ sau cái chết của Giuđa Chúa Chúng Ta mới để cho công lý của Ngài hoạt động và lên án mà lòng nhiệt thành với vinh quang thiên linh của chính Ngài bắt hắn phải mang vì đã hành động chống lại mình.

          Đó là cách chúng ta phải xử sự khi chúng ta có lý do sợ rằng một linh hồn mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta dẫn dắt có thể sẽ không lợi dụng được những điều chúng ta dậy dỗ. Không được bỏ rơi họ, trái lại phải săn sóc họ kỹ lưỡng hết sức, đừng hất hủi họ, nhưng phải xử đối với họ rất từ tốn và đầy lòng bác ái, không bỏ qua bất cứ điều gì ta có thể để chinh phục được họ, rõ ràng không phải vì tình yêu đối với họ, nhưng trước hết vì trung thành với tình yêu của Đấng đã giao phó họ cho chúng ta và với Ngài chúng ta phải hoàn toàn vâng phục trong tất cả những gì Ngài truyền dậy chúng ta.

          Hơn nữa, có thể xảy ra là những người mà chúng ta ngã lòng sẽ được ban cho chúng ta đôi khi vì sự trung thành lớn lao và sự kiên vững lâu dài của chúng ta: và khi đó chúng ta sẽ chinh phục được họ cho Thiên Chúa. Và nếu bất hạnh, họ không hối cải trở về, thì ít nhất chúng ta cũng giữ được cho Thiên Chúa điều chúng ta mắc nợ với Ngài, đó là sự trung thành. Chúng ta không bỏ qua gì về phía chúng ta, để cố gắng chinh phục được họ, và chỉ khi nào họ hư mất vĩnh viễn thì chúng ta sẽ có thể chia sẻ lòng nhiệt thành của Con Thiên Chúa chống lại họ và lên án họ với Ngài.

          “Expectans expectavi Dominum et intendit mihi, et exaudivit preces meas[83](Trong niềm cậy trông tôi chờ đợi Chúa và Ngài đã hướng mình về tôi và đã chấp nhận lời tôi cầu xin). Phải có một sự kiên nhẫn lớn trong việc dẫn dắt các linh hồn, và trong sự kiên nhẫn đó phải cầu nguyện nhiều xin Thiên Chúa nhìn đến sự trung kiên của chúng ta: sau cùng Ngài sẽ thương đến chúng ta và sẽ chấp nhận những lời cầu nguyện của chúng ta cho các linh hồn ấy.

Đó là cách chúng ta phải sống: phải rất kiên nhẫn, phải cầu nguyện thật nhiều, và chờ đợi lúc Thiên Chúa muốn tỏ lòng thương xót chúng ta, trong khi vẫn làm việc hết sức có thể. Cả khi chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta mất thời giờ bằng cách đó, tuy nhiên không phải vậy, vì thời giờ đó được dùng theo những ý định của Thiên Chúa. Những ngày sống của chúng ta sẽ rất đầy tràn bởi vì chúng ta sử dụng chúng trong sự thực hiện tình yêu trong sáng: chỉ một mình tình yêu mới có hiệu năng trong những gì chúng ta làm, bản tính tự nhiên chẳng có phần nào trong đó, nhưng trái lại tự bản chất nó chối từ tham dự. Và rồi, cũng như những hạt giống chúng ta gieo vào trong các linh hồn, chúng ta phải để cho một mình Thiên Chúa làm cho chúng đem lại kết quả khi tới thời gian của Ngài và theo những ý định riêng của Ngài… [tr.169-175]

CHƯƠNG V 

ĐỒNG HÀNH BẰNG LỜI CẦU NGUYỆN

Vì hành trình của một linh hồn tới sự thánh thiện chính yếu là công việc của Chúa Thánh Thần, cha Olier gán một sự quan trọng rất lớn cho lời cầu nguyện của các vị linh hướng cho các con thiêng liêng nam nữ được giao phó cho các ngài (tr.81-103). Các chương V và VI cũng ám chỉ đến bầu khí cầu nguyện phải bao quanh việc linh hướng.

Lời cầu nguyện của vị linh hướng

    Để đời sống thần linh được lớn lên nơi các con thiêng liêng của mình, và để họ được che chở khỏi những cuộc tấn công của Quỉ dữ, vị linh hướng phải giúp đỡ họ bằng một lời cầu nguyện chuyên cần, đấy sẽ là “một phương thế hiệu nghiệm nhất” của hành động của ngài.

          Chúng ta phải xử sự đối với các linh hồn chúng ta dẫn dắt phần nào giống như những người làm vườn với những cây họ đã đặt xuống đất.

          Họ không chỉ bằng lòng vì đã trồng chúng, nhưng sau đó họ vun xới và tưới dội chúng để làm cho chúng mọc lên. Và họ vui mừng vì khi thấy trời mưa xuống trên mặt đất để làm cho cây cối họ đã trồng được lớn thêm.

          Cũng thế chúng ta đừng chỉ bằng lòng vì đã thiết đặt đời sống của Thiên Chúa trong một linh hồn, nhưng phải chăm sóc nó và làm cho nó không ngừng lớn lên, bởi vì đời sống đó được ban cho chúng ta để làm cho lớn lên không ngừng trong tình yêu thánh và để chúng ta được nhìn thấy phát triển mỗi ngày một hơn đời sống thánh thiện đó mà Thiên Chúa đã thiết đặt trong chúng ta.

          Vậy, lời cầu nguyện là một trong những phương thế hiệu nghiệm nhất cho việc đó: qua đó chúng ta xin được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn của Ngài trên các linh hồn, Ngài làm mưa từ cõi trời xuống; một khi đã thấm nhuần dồi dào, chúng sẽ tăng cường sức mạnh và làm cho các linh hồn nói được lớn lên như nhìn thấy trong ơn nghĩa vậy.

          Chính việc Chúa Thánh Thần là làm cho các linh hồn nảy nở trong tình yêu thiên linh, làm cho họ lớn lên trong đời sống thiên linh. Nhưng chính việc của các vị linh hướng là nhận được Ngài và làm cho Ngài ngự xuống trên họ bằng lời cầu nguyện liên lỉ của mình.

          Chúng ta phải dạy dỗ những kẻ chúng ta dẫn dắt và loan báo cho họ những lời của Phúc Âm. Nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện nhiều để Thiên Chúa nhân từ vui lòng tưới dội họ bằng những ảnh hưởng thiên linh và làm chúng đâm rễ sâu trong tâm hồn của những kẻ chúng ta đã vun trồng: thiếu điều đó họ sẽ chẳng tiến tới được bao nhiêu.

          Như thế lời cầu nguyện được ban cho chúng ta không những chỉ để xin được cho các con thiêng liêng của chúng ta điều cần thiết cho họ, nhưng còn như một thành lũy chống lại Ma quỉ, để tiêu diệt nó trong tâm hồn của họ, và để chống lại mọi ý định nó có thể có để làm hại họ và làm cho họ hư mất.

          Chúng ta không được ít lưu tâm để gìn giữ linh hồn của các con thiêng liêng của chúng ta khỏi sự dữ và làm cho họ được đầy tràn mọi nhân đức, hơn là Ma quỉ hằng cố gắng làm cho họ hư mất và vấp ngã, hắn là kẻ, như lời thánh Phêrô[84], “hằng rảo quanh để tìm cách cắn xé họ” nếu họ không được bênh đỡ. Chúng ta có quyền lực, nhờ sức mạnh của Đức Giêsu Kitô, để đạp giập đầu nó, để làm cho những dự tính của nó thành vô hiệu, và nhờ chúng ta, các linh hồn sẽ thắng vượt mọi cám dỗ của hắn.

          Với Đức Giêsu Kitô chúng ta phải đuổi xa hắn khỏi các linh hồn ấy và buộc hắn phải thừa nhận quyền lực của Thiên Chúa trên những thụ tạo của Ngài. Nhưng, rất yếu đuối tự mình, tuy nhiên các linh hồn này “rất mạnh mẽ trong Đấng thêm sức cho họ”, để phá tan mọi cố gắng của Lucifer và đoạt khỏi tay hắn cây mũi nhọn hắn muốn dùng để đâm các tôi tớ của Đức Giêsu Kitô. Nếu đôi khi các linh hồn chúng ta dẫn dắt bị sa ngã, đó có thể là lỗi của chúng ta, vì chúng ta đã chểnh mảng, vì chúng ta đã chẳng cầu xin ơn trời để nhận được cho họ sự cứu giúp mà một người cha luôn phải liệu cho con cái mình. Nếu Thiên Chúa cho phép các ma quỉ tấn công họ, thì Ngài ban chúng ta cho họ để cùng chiến đấu với họ và bênh đỡ họ, như các thiên thần hộ thủ của họ hằng làm.

          Tôi nghĩ rằng những lời cầu nguyện của các vị linh hướng có hiệu lực nhất bên cạnh Thiên Chúa, như những lời cầu nguyện của những người cha cho con cái mình. Chúng ta phải cầu xin cho những môn đệ của chúng ta, cũng như Đức Giêsu Kitô đã làm cho các môn đệ Ngài[85] và như Môsê chuyển cầu cho dân Israel[86]. [tr.81-83]

Bốn gương trong Kinh Thánh

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ Ngài, đặc biệt cho Phêrô.

Chúng ta có trong Kinh Thánh, bốn tấm gương thật đẹp phải thúc giục chúng ta cầu nguyện liên lỉ cho các linh hồn chúng ta dẫn dắt.

          Gương thứ nhất của Chúa Chúng Ta, là Ngài thường qua suốt đêm trong cầu nguyện, để cầu cho các môn đệ Ngài, như tôi đã nói[87]. Như Ngài đã bảo cho thánh Phêrô[88], như thế Ngài đã xin cho ông hai ơn: ơn thứ nhất là ngăn cản được những ý định của Satan kẻ đã xin với Thiên Chúa để được cám dỗ ông; và ơn thứ hai là xin cho đức tin của Phêrô luôn được chắc chắn và kiên vững.

          Chúng ta phải bắt chước Chúa Chúng Ta bằng cách thực hiện hai lời cầu nguyện đó để chỉ cho những người dưới quyền dẫn dắt của chúng ta. Trước hết, xin Thiên Chúa thương phá hủy và ngăn chặn mọi ý định xấu xa Ma quỉ có thể có chống lại họ, hoặc bằng cách không cho sự cám dỗ xảy đến, hoặc ban cho họ một sức mạnh đủ chiến thắng và nhờ ơn sủng của Đức Giêsu Kitô họ thắng vượt được mọi toan tính của Ma quỉ và toàn thắng sự độc ác của nó. Thứ đến, xin Thiên Chúa thiết định họ trong một tinh thần đức tin vững chãi để tất cả đời họ và mọi hành động của họ được thiết lập trên nguyên tắc này: chớ gì họ được đầy tràn và thật mạnh mẽ bởi những phương châm và những nhân đức do đức tin dạy để họ luôn có như quy luật của hạnh kiểm đời sống và không bao giờ xa lìa, dầu chỉ một chút, trong tất cả những gì Thiên Chúa sẽ ban cho họ ơn hành động cho sáng danh Ngài.

          Vì chưng không đủ khi chỉ hành động với tinh thần đức tin đó trong những việc quan trọng của đời sống chúng ta và trong những gì chúng ta dự tính như là cả thể cho Thiên Chúa, còn phải theo Ngài trong mọi sự chúng ta làm, cho tới mọi chi tiết nhỏ mọn nhất: bởi vì chúng ta luôn luôn là người kitô hữu, và trong mọi trường hợp chúng ta phải luôn hành động trong tinh thần của người kitô hữu, tức là với tinh thần đức tin, vì chưng sống theo đức tin, đó thực là sống đời sống kitô giáo vậy.[tr.83-85]

     Thánh Phaolô: những lời tạ ơn và những kinh cầu xin mà những thư của ngài chứa đựng là bấy nhiêu mẫu mực cho sự ân cần của vị linh hướng. Nói về kết quả của những công việc tốt lành, cha Olier lại dùng tới sự so sánh với công việc của những người làm vườn, với một kiểu diễn đạt thú vị về những khác biệt và giống nhau giữa người kitô hữu và cây ăn trái!

          Chúng ta phải cầu xin cho những kẻ chúng ta dẫn dắt, theo gương thánh tông đồ Phaolô, cũng y như ngài cầu xin cho những kẻ ngài viết thư cho họ mà ngài hết sức chăm lo.

          Thánh Phaolô đã trung thành tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho họ, như ta thấy trong các thư của ngài[89]. Chúng ta cũng phải làm như vậy, vì mọi ơn lành đều đáng được biết ơn. Và chúng ta phải nhìn đến những ơn mà Thiên Chúa ban cho các con thiêng liêng của chúng ta như là chúng được ban cho chính chúng ta, và như vậy chúng ta phải coi mình có bổn phận phải tạ ơn Thiên Chúa. Hơn nữa, đó là một phương thế tốt để được thêm các ơn khác khi cám ơn Thiên Chúa về những ơn Ngài đã ban cho chúng ta rồi.

          Thánh Phaolô đã cầu nguyện cho những kẻ mà ngài đã là tôi tớ[90] được đầy sự hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa bằng một ánh sáng trong lành và chân thật; để trong sự hiểu biết đó, họ bước đi xứng đáng trước mặt Thiên Chúa, làm hài lòng Ngài trong mọi sự, mang lại kết quả trong những việc lành, tiến tới trong kiến thức, nghĩa là trong sự hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa; để sau đó họ được thêm mạnh mẽ và thiết định bởi ơn sủng và quyền lực của Đức Giêsu Kitô trong một sức mạnh và một sự nhẫn nại lớn hơn, theo sự lớn lao của đức bác ái của Ngài, và trong mọi thứ nhân đức và lòng quảng đại, cùng với niềm vui[91]. Đó là tất cả những gì các vị mục tử phải cầu xin cho các con chiên của mình, đó là gồm tóm tất cả săn sóc chúng ta phải có đối với họ. Đó là theo những ý chỉ nào, như thánh Phaolô, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng để những con thiêng liêng của chúng ta nhận được từ Thiên Chúa mọi kết quả của ơn sủng Ngài.

          Trước hết, chúng ta phải xin Thiên Chúa soi sáng cho họ trong suốt cuộc sống của họ, để làm cho họ biết trong mọi trường hợp ý muốn rất thánh của Ngài: thật vậy, nền tảng nào phải có cho tòa nhà thiêng liêng của chúng ta và ơn sủng chính yếu và cần thiết nhất chúng ta phải xin, cả cho chính chúng ta và cho người khác.

          Thứ đến, chúng ta phải cầu xin để trong sự hiểu biết ý muốn đó của Thiên Chúa, những con thiêng liêng của chúng ta bước đi xứng đáng trước mặt Ngài, nghĩa là làm trọn ý muốn đó trong tất cả chiều rộng của nó, như được nói trong một bức thư khác[92]: chớ gì họ được trọn hảo và chu tất trong ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa, nói cách khác chớ gì họ đừng bỏ qua bất cứ điều gì họ biết và hành động rất phải lẽ khi phục vụ một Thiên Chúa cao cả và thánh thiện dường ấy: vì sự thánh thiện vô cùng riêng của mình, Ngài đòi các con cái của Ngài phụng sự Ngài trong sự thánh thiện lớn nhất họ có thể có, đó là phương thế duy nhất để làm đẹp lòng Ngài và để chúng ta làm Ngài vui thỏa trong mọi việc chúng ta làm: “ut digne ambuletis Deo per omnia placentes[93](để chúng ta bước đi một cách xứng đáng với Thiên Chúa bằng cách làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự).

          Thứ ba, chúng ta phải cầu xin để các con thiêng liêng của chúng ta luôn đem lại kết quả trong những công việc tốt lành: họ sẽ làm được nếu họ bước đi ngay thẳng dưới cái nhìn của Thiên Chúa và nếu họ luôn luôn chu toàn thánh ý Ngài. Ta luôn phải thưa với Chúa lời cầu nguyện đó, bởi vì tất cả đời sống hiện tại được ban cho chúng ta để chúng ta luôn đem lại những hoa trái thánh thiện mới: “Fructificantes in omni opere bono[94](mang lại hoa trái trong mọi công việc tốt đẹp).

          Vì chưng, mọi kitô hữu đều như những cây phải sinh trái. Và chính cây mà trong Phúc Âm Chúa Chúng Ta muốn người ta chặt đi[95] là hình ảnh người kitô hữu đáng phải cất đi khỏi thế gian khi họ không sinh những trái thánh thiện Thiên Chúa đợi chờ nơi họ.

          Giáo hội là như một thửa vườn lớn trong đó Chúa Chúng Ta đã trồng mọi kitô hữu, họ phải đem lại những trái của sự thánh thiện theo như Thiên Chúa đòi buộc họ. Và Ngài truyền cho họ cùng một mệnh lệnh Ngài đã truyền cho trái đất và cây cối lúc khởi đầu của thế giới: “Hãy mang lại hoa trái”, và còn nữa “mỗi cây theo loại của nó[96]”. Như thế Giáo hội phải sinh hoa trái và mỗi kitô hữu phải mang những trái ơn sủng theo loại của mình, nghĩa là theo như Thiên Chúa muốn họ có.

          Nói thật ra, có nhiều khác biệt giữa người kitô hữu và các cây cối, cũng như có một điều gì đó làm chúng giống nhau về phần hoa trái chúng phải mang đến.

          Những khác biệt là như sau: trước hết, những cây cối chỉ sinh trái một mùa trong năm, trong khi đó các kitô hữu phải không ngừng sinh hoa trái thánh thiện và mọi thời khắc của đời sống đối với họ đều là mùa thường xuyên phải mang hoa trái. Thứ đến, các cây cối thì bao giờ cũng chỉ sinh ra một loại trái thôi – như vậy những cây này cho những trái táo, những cây kia cho những trái lê – trong khi đó các kitô hữu phải mang đến những loại trái khác nhau, khi thì trái tình yêu, khi thì trái tự hủy, lúc thì trái phó thác, lúc thì trái nhiệt thành, trái bác ái,v.v. Thứ ba, những trái các cây đem lại là để phục vụ con người để họ no thỏa, trong khi các trái của người kitô hữu là để làm sáng danh và phục vụ Thiên Chúa, để làm thỏa mãn Ngài trong niềm ao ước nhìn thấy những cây đó thật sai trái, và vì thế họ sẽ phải xứng đáng với Thiên Chúa. Thứ bốn, những trái của cây, vì để phục vụ con người, không giữ lâu được, trong khi những trái của người kitô hữu đáng tôn quý hơn vì để làm vui lòng Thiên Chúa, sẽ tồn tại muôn thuở: bởi vì, Thiên Chúa muốn được hài lòng trong đó đến muôn đời. Thứ năm, các cây đem lại trái của chúng cho người khác mà chính mình thì không được hưởng dùng chi hết, trong khi người kitô hữu mang những trái của mình đến cho Thiên Chúa và cho chính mình, bởi vì trong vĩnh cửu chính họ phải được no thỏa và được tràn đầy vinh quang theo mức độ họ đã mang lại những trái tốt đẹp làm cho họ đáng nhận vinh quang đó: “quoe seminaverit homo, hoec et metet[97](con người đã gieo vãi giống gì thì sẽ gặt giống đó). Thứ sáu, những cây thì ăn rễ xuống đất, trong khi những kitô hữu phải ăn rễ trong Thiên Chúa bởi vì họ phải mang lại những trái cho cõi trời và cho Thiên Chúa, vậy họ phải hoàn toàn siêu nhiên và thiên linh.

          Đây là những sự giống nhau. Trước hết, mỗi cây phải có hạt giống trong mình nó, như lời Kinh Thánh[98]: cũng thế đối với người kitô hữu, họ phải có trong mình hạt giống của họ, tức là Chúa Thánh Thần, Đấng là nguyên lý của những trái tốt mà các kitô hữu mang lại. Thứ đến, để sinh trái, một cây phải được tưới dội bởi mưa trời: cũng thế các kitô hữu phải nhận được sương sa từ trời, nghĩa là ơn sủng, thiếu nó, họ không thể mang lại được trái nào tốt. Thứ ba, một cây càng được chủ ưa thích và chăm sóc thì nó càng cho những trái tốt hơn và dồi dào hơn: các kitô hữu càng được Thiên Chúa yêu thương vì những trái của họ tốt hơn và họ đem lại một con số lớn hơn. Thứ bốn, một cây sẽ vô ích trên đời khi nó không có trái, nó chỉ còn việc vất vào lửa: cũng thế người kitô hữu sẽ vô ích trên mặt đất khi họ không mang lại trái, và vì sự vô ích đó, thường là Thiên Chúa cất họ đi khỏi thế gian để gửi họ xuống hỏa ngục để ở đó sẽ đời đời là mồi cho ngọn lửa hằng luôn thiêu đốt mà chẳng bao giờ tàn.

          Những kẻ mà chúng ta cầu nguyện cho trong đức tin phải nhờ những việc lành họ làm, lớn lên trong sự khôn ngoan, nói khác trong sự hiểu biết về Thiên Chúa, và sự hiểu biết này trong khi lớn lên phải thực hiện trong họ một tình yêu lớn hơn. Vì chưng tính cách riêng của những việc lành là làm cho chúng ta tiến lên và tấn tới trong những đường lối của Thiên Chúa: một khi chúng ta đã bước vào đó, chúng ta càng được mạnh mẽ thêm và được thiết định trong Thiên Chúa để chúng ta tiến đi nhiều hơn; như vậy, theo chiều rộng của đức bác ái của Thiên Chúa trong chúng ta, nói khác theo như nó được thiết định hoàn hảo hơn, chúng ta sẽ có những nhân đức ở một độ cao quý hơn. Đó là lời cầu nguyện chúng ta phải làm, theo gương thánh Phaolô, cho những kẻ ở dưới sự dẫn dắt của chúng ta. [tr.85-91.]

    Môsê đã nâng đỡ bằng lời cầu nguyện của ông hành trình của dân tộc ông về Đất hứa. Vị linh hướng sẽ cảnh cáo cho những kẻ mình dẫn dắt về tất cả những nguy hiểm và trở ngại rải rắc trên đường trọn lành: ngài sẽ nâng đỡ họ như vị thiên thần đã nuôi ông Êlia ngã lòng vì đường quá dài.

          Gương của Môsê phải thúc giục ta cầu xin Thiên Chúa để những kẻ Ngài giao phó cho ta có thể đạt tới Đất Hứa đích thực, tức là cõi trời, cũng giống như vị tổ phụ đã cầu xin Ngài đưa dân Israel vào đất mà Ngài đã tỏ cho ông thấy[99].

          Trong sự mong ước của chúng ta được nhìn thấy con cái mình đạt tới cõi trời, chúng ta có nhiều điều cầu xin phải làm trong lời cầu nguyện của ta cho họ. Và trước hết, là điều này: xin cho họ đừng đi trệch đường của họ, vì rất hay xảy ra là chúng ta bỏ đường tốt để theo một đường khác đưa chúng ta lìa xa đức tin của chúng ta, kinh nghiệm có đó để chứng tỏ. Đó là một trong những điểm chúng ta phải lưu ý nhất, vì Ma quỉ không thiếu lý do để, nếu cần, làm cho chúng ta đi trệch đường tốt. Vì lý do đó, cần thiết những kẻ chúng ta dẫn dắt phải nên như những trẻ nhỏ vô tư lự để mình được Thiên Chúa dẫn dắt trong một sự phó thác hoàn toàn cho những người Ngài ban cho họ làm hướng đạo, trong sự tín cẩn và hoàn toàn cởi mở tâm hồn, với sự phục tùng và gỡ bỏ ý riêng của họ: chính ý riêng là căn cớ và là nguồn suối làm chúng ta hư mất, bởi vì, nếu chúng ta theo nó, nó sẽ làm chúng ta trệch đường chúng ta phải theo để đi tới Thiên Chúa.

          Nếu những con thiêng liêng có những tính chất đó, các vị linh hướng phải tỏ bày những tính chất khác đối với họ. Trước hết, nếu những con thiêng liêng tự coi mình như những trẻ nhỏ đối với các ngài, thì các ngài phải có đối với họ một tình yêu và một sự săn sóc của những người cha, tận tâm săn sóc họ như với những trẻ nhỏ mà người ta không thể để cho tự do theo hạnh kiểm riêng, nhưng phải săn sóc chúng kỹ lưỡng theo nhu cầu của chúng trên con đường tới Thiên Chúa.

          Các vị linh hướng phải như những bà quản gia của trẻ nhỏ: họ không bao giờ rời con mắt khỏi chúng sợ rằng chúng sẽ té nhào và bị thương vì muốn bước đi một mình; vì thế các bà cầm tay dẫn chúng sợ chúng trượt chân. Chúng ta cũng phải làm như thế và không cách khác đối với các con thiêng liêng của chúng ta: không phải bằng sự có mặt thể xác bên cạnh họ, thường là vô ích, nhưng bằng sự có mặt thiêng liêng của chúng ta gần bên họ, nghĩa là cầu xin Thiên Chúa theo nguyện vọng của họ, một khi đã biết tất cả những gì các con thiêng liêng chúng ta làm trong phạm vi lương tâm của họ, hạnh kiểm của họ và sự tiến bộ của họ trong ơn sủng.

          Để ngăn cản họ đừng lạc khỏi con đường tốt, cần phải dạy họ biết những khúc quặt mà có thể bị cám dỗ đi theo trong đời sống thiêng liêng, những ảo tưởng và những cám dỗ mà Ma quỉ có thể gợi ra cho họ, đôi khi còn viện cớ cả đến nhân đức nữa, những gian nan họ có thể rơi vào, những nguy hiểm họ có thể gặp, để một khi biết được tất cả những cái đó, họ có khả năng hơn để tránh được. Để đạt được điều đó, cần thiết các con thiêng liêng thỉnh thoảng phải phúc trình cho chúng ta về lương tâm của họ, theo nhu cầu chúng ta nghĩ họ phải có, để cho phép chúng ta không những nhìn thấy những tiến bộ họ đã thực hiện được, mà còn để biết nếu họ đã không đi trệch đường họ phải theo, hầu đem họ trở lại đó trong trường hợp họ đã xa lìa mất, và khuyến khích họ tiếp tục đi theo nếu họ đã kiên vững trong đó.

          Đối với một vị linh hướng thì không đủ khi chỉ lưu ý như vậy đến việc những kẻ mình dẫn dắt không đi trệch con đường tốt. Ngài còn phải rất cẩn thận để họ đừng dừng lại trên con đường chân thật. Vì chưng, đó là một trong những sự dữ tệ hại nhất có thể xảy ra. Vì đời sống chỉ được ban cho chúng ta để không ngừng đi về với Thiên Chúa, chúng ta mất rất nhiều khi ngừng lại dọc đường: đúng vậy, chúng ta không tới gần Thiên Chúa nữa như chúng ta có thể và chúng ta chẳng có vui hưởng Ngài như chúng ta có khả năng. Trong khi  hạnh phúc của chúng ta hệ tại sự vui hưởng hồng phúc đó thì chúng ta lại tự bỏ mất nó, càng tệ hại hơn khi chúng ta ngừng lại lâu trên con đường trọn lành.

          Đường nhân đức là gian khổ. Và cả trong khi truyền cho chúng ta bước đi trong đó do lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa vẫn thường cho phép, để thử thách tình yêu và lòng trung thành của chúng ta, có những khó khăn trong đó và những đoạn đường đối với chúng ta thật nặng nhọc để vượt qua. Bình thường chúng ta bước đi trên một con đường bằng phẳng và dễ dàng, nhưng trước những khó khăn chúng ta chạy trốn, phần nào giống như những con trẻ khi chạy chơi trong miền quê, gặp một hốc đá nằm trên đường của chúng có vẻ đáng sợ nhưng thực ra chúng có thể dễ dàng trèo qua. Thế là chúng ngã lòng và thay vì thế quyết định trèo lên ngọn để băng qua và tìm phương thế thực hiện, chúng không ngừng lại để ngắm nghía: và chúng càng ngắm ngía mà không nghĩ đến những phương thế để vượt qua thì điều đó càng khó khăn đối với chúng! Và như thế là chúng ngừng lại không đi xa hơn nữa, hoặc cả đến chúng trở lại điểm chúng đã xuất phát.

          Đó là cách làm của phần đông trên con đường họ theo để đến với Thiên Chúa. Như tôi thấy, họ bước những bước lớn, bao lâu họ gặp được vui mừng và an ủi nội tâm, chẳng gì có vẻ khó khăn đối với họ; họ chạy, như lời tác giả Thánh vịnh nói[100], trong những đường lối của Thiên Chúa bao lâu trái tim họ được nở nang do ơn sủng cảm nghiệm được và những niềm an ủi dồi dào: lúc đó họ như trên một con đường bằng phẳng và không có trở ngại nào. Nhưng khi xảy đến cho họ là gặp phải những hốc đá, những con đường xem ra xấu đối với họ, nghĩa là những khó khăn; khi họ thấy mình trong những hoàn cảnh bất lợi, khi mà ơn dễ cảm nghiệm bị bớt đi, các sự khô khan và thiếu vắng xảy đến, các sự bách hại và bỏ vạ diễn ra; khi họ khám phá ra rằng họ phải mang lấy một đời sống khổ hình và tự hủy, khi họ tới trong một tình trạng họ phải luôn gồng mình để chết đi cho mọi khuynh hướng, mọi ước muốn, mọi đam mê và mọi khí sắc của mình; khi mà không còn được dành gì cho xác thịt nữa, nhưng phải sống hoàn toàn theo tinh thần và thực hành các nhân đức trong mọi dịp, không còn phải với sự dễ dãi, nhưng trong sự phản loạn của cả bản tính tự nhiên, trong sự chống đối toàn diện của bản thân và chỉ với sức mạnh của Thần Khí không pha trộn một chút dịu hiền và an ủi mẫn cảm nào… lúc đó họ ngừng lại để ngắm nghía những hóc đá ấy. Và thấy rằng chúng quá khó để vượt qua khi càng nhìn gần chúng. Vì thế, thay vì dùng những phương tiện để vượt qua, họ ngã lòng và ngừng lại trên đường của họ. Họ ở lại trong tình trạng ban đầu không đi xa hơn và không bước sang được một tình trạng trong sạch và thánh thiện hơn. Thường là chính Ma quỉ lợi dụng sự hèn nhát của họ, làm cho họ lùi lại và đặt bước chân họ trở lại đằng sau trên những vết ban đầu của đời sống quá khứ của họ, mọi sự đều trở thành bất lợi đến độ sau đó chúng làm cho việc trở lại với Thiên Chúa thành khó khăn hơn.

          Chính đây là lúc các vị linh hướng phải đặc biệt lưu ý thúc đẩy các linh hồn phải vượt qua. Chính lúc này các ngài phải tăng cường gấp đôi sự thúc giục để nài xin họ và bày tỏ cho họ sự thiệt hại lớn họ đã tự gây nên cho mình. Chính trong sự gặp gỡ kiểu này mà tình yêu của họ phải sáng chói lên: vì chưng tình yêu này không chiếu sáng hết mọi tia lửa rực rỡ của nó khi nó không gặp trở ngại để vượt qua. Chính trên thánh giá mà tình yêu của Con Thiên Chúa đã tự biểu lộ là lớn nhất đối với chúng ta, trong những đau khổ kinh khủng Ngài đã phải chịu vì phần rỗi chúng ta. Cũng thế chính trong những trường hợp khó khăn đó mà tình yêu của chúng ta phải tỏ lộ ra cho sáng danh Ngài: người ta làm nhục cho Thiên Chúa khi từ chối đến với Ngài bằng con đường khó khăn đó, bởi vì Ngài gọi chúng ta đến với Ngài và chờ đợi để đổ đầy những ơn đặc biệt nhất của Ngài cho chúng ta, hầu thưởng công chúng ta về nỗi đau khổ chúng ta đã chấp nhận để đi gặp Ngài.

          Các vị linh hướng phải vào trong lòng Thiên Chúa ao ước lôi kéo các linh hồn đến với Ngài, và trong tinh thần đó, các ngài không được bỏ qua bất cứ điều gì để làm cho họ vượt trên mọi sự có thể gây đau khổ cho họ.

          Chúng ta phải làm cho họ điều thiên thần của Thiên Chúa đã làm với Êlia, khi đánh thức ông dậy và mời ông ăn, “bởi vì, ngài nói, ông còn một con đường rất dài phải đi[101]”. Chúng ta phải như các thiên thần đối với các con thiêng liêng của chúng ta, bởi vì chúng được Thiên Chúa sai đến vì phần rỗi của họ. Họ thường hay ngủ, như chúng ta nhận thấy, nói khác, họ ở lỳ trong nghỉ ngơi, một sự nghỉ ngơi họ quá ưa thích vì không muốn chịu mệt nhọc để đi đến với Thiên Chúa. Thiên thần Thiên Chúa cảnh cáo Êlia hai lần[102]; là cách để chỉ cho chúng ta thấy rằng chỉ khích lệ các con thiêng liêng một lần không đủ, nhưng chúng ta phải tiếp tục làm không mất kiên nhẫn cho tới khi họ đầu hàng điều Thiên Chúa đòi buộc họ. Thiên thần Thiên Chúa đưa của ăn đến cho Êlia[103] để cho ông có sức mạnh: đó là điều chúng ta phải làm với lời thánh của Thiên Chúa dành để nuôi và bổ sức linh hồn các con thiêng liêng chúng ta. Thiên thần Thiên Chúa giục Êlia ăn để tỏ cho chúng ta rằng chúng ta phải làm hết sức mình để làm cho họ no thỏa bởi bánh lời Chúa đó: và để được thế, chúng ta phải làm cho họ khám phá ra sự cần thiết họ phải có bánh đó cho con đường dài họ còn phải trải qua, như là thiên thần Thiên Chúa nói với Êlia: “grandis tibi restat via[104](ông còn một con đường dài phải đi). Sau khi đã ăn bánh, Êlia lấy lại được sức khỏe và đi trong bốn mươi ngày đêm[105]: điều này để chỉ cho chúng ta rằng các linh hồn đầy sức mạnh và hiệu năng của lời thánh Thiên Chúa được bổ sức mạnh mẽ đến độ họ có thể tiến tới trong tất cả cuộc đời, tượng trưng bằng con số bốn mươi ngày. Nhờ sức mạnh đó, Êlia vượt trên những khó khăn và đạt tới núi[106]: cũng thế các linh hồn con thiêng liêng chúng ta được khích lệ như vậy sẽ có khả năng vượt trên những khó khăn tệ hại nhất, và làm như thế để đạt tới núi trọn lành: một khi tới đó, chúng ta bắt đầu được Thiên Chúa yêu quý và vui hưởng Ngài trọn hảo hơn, như đã xảy ra cho Êlia một khi đạt tới núi, đã được hạnh phúc nghe thấy tiếng Thiên Chúa nói với ông[107].

          Cần thiết các vị linh hướng phải thật tràn đầy Thiên Chúa để lời của các ngài có thể phát sinh những kết quả cũng mạnh mẽ như thế trong linh hồn của các con thiêng liêng của các ngài. Và bởi vì họ không được kết hợp với Thiên Chúa như phải có, nên thường các linh hồn không nhận được những lợi ích và sức mạnh cần phải có.

          Đây là một bất hạnh lớn – mà các vị linh hướng thường là căn cớ – khi có những người đã bắt đầu với một lòng sốt sắng lớn lại rơi vào sự nguội lạnh và đến độ bằng lòng với một nhân đức kém cỏi, không tiến đi nữa và như thế một trật mất những ơn lớn Thiên Chúa ban cho họ ở đời này và sự cả sáng Ngài chuẩn bị cho họ ở đời sau. Một ngày kia người ta sẽ thấy sự thiệt hại lớn người ta đã làm như thế cho mình, nhưng không còn thì giờ nữa: lúc đó linh hồn sẽ vô cùng xấu hổ vì đã đổ công sức vào những việc tầm phào và đã chỉ sợ khó nhọc vì Thiên Chúa và để nhằm tới sự trọn lành! [tr.91-99].

          Ông Gióp cầu xin cho các con mình.

          Chúng ta phải bắt chước ông Gióp, vị vĩ nhân đó, trong việc ông làm cho con cái mình: thay cho chúng ông dâng lên Thiên Chúa những của lễ để xin Ngài tha thứ những lỗi lầm chúng có thể đã phạm[108]. Đó là một trong những ý chỉ mà chúng ta phải có trong những lời cầu nguyện của chúng ta: xin Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm trong đó các linh hồn chúng ta dẫn dắt đã có thể sa ngã. Cũng như: cầu xin Thiên Chúa thương giữ gìn họ tránh khỏi.

          Một trong những hiệu quả của tình yêu người cha là ngăn cản con mình khỏi ngã và nâng nó dậy khi nó đã ngã. Chúng ta phải trung thành với việc thực hành đó khi nghĩ đến rằng Thiên Chúa mong muốn thấy mọi con cái mình trong một sự trong sạch rất lớn, để có thể thông ban mình cho họ với tất cả chiều rộng Ngài mong muốn. Một khuyết điểm nhỏ đủ làm lu mờ vẻ sáng láng của một linh hồn và bổn phận của một vị linh hướng là phải bảo tồn linh hồn đó trong vẻ đẹp của nó để nó được hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa.

          Chúng ta phải đi vào trong tinh thần đền tội cho các con thiêng liêng của chúng ta, theo gương Chúa Chúng Ta: ngài đã muốn trở thành của lễ hy sinh cho toàn thế giới và nhận lấy trên mình những tội lỗi của mọi con cái mình, cảm thấy trong bản thân mình những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa mà chính họ đáng phải chịu.

          Trong các linh hồn có rất nhiều cơn cám dỗ giống như cuộc quỉ ám của người kia trong Phúc Âm, chỉ có thể được giải thoát “bằng chay tịnh và cầu nguyện”[109], nghĩa là bằng những sự hãm mình và đền tội: đó là điều chính các vị linh hướng phải lãnh lấy trên mình, với tình âu yếm của người cha mà các ngài phải có, khi các ngài thấy rằng mọi phương thế khác đều không đạt được kết quả.

          Những kẻ mà chúng ta dẫn dắt là những môn đệ của chúng ta, vậy chúng ta phải săn sóc họ một cách đặc biệt: chúng ta có bổn phận phải dẫn họ lên trời vì họ là con cái của chúng ta. [tr.99-101.] 

Vô vị lợi cả trong chính lời cầu nguyện ấy

    Chính cho Thiên Chúa mà vị linh hướng dẫn dắt những kẻ ngài có trách nhiệm: cũng chính vì lòng mến và vinh quang của Thiên Chúa mà ngài cầu nguyện cho họ. Một sự cởi bỏ thực sự về điểm này cho phép “phân định” nếu tình yêu ngài có đối với họ thật sự đến từ Thiên Chúa hay không.

          Cầu nguyện cho linh hồn các con thiêng liêng của chúng ta, phải làm trong Thiên Chúa, nghĩa là không những chúng ta phải kết hợp với Chúa Chúng Ta để cầu nguyện nhân danh Ngài[110], mà những lời cầu nguyện do chúng ta làm đó cho các linh hồn còn phải xin được từ Chúa Thánh Thần, Đấng sống tràn đầy trong chúng ta, đưa dẫn chúng ta cầu nguyện vừa vì lòng mến Thiên Chúa, vừa vì lòng yêu tha nhân: tình yêu thứ nhất nhằm làm sáng danh Thiên Chúa, tình yêu thứ hai nhằm thánh hóa tha nhân.

          Nếu nhiều khi những lời cầu nguyện của chúng ta không được chấp nhận, là vì chúng ta không cầu nguyện với sự thánh thiện và sự trong sạch mà Thiên Chúa mong muốn[111]. Sự trong sạch đó phải được tự tỏ lộ bằng sự cởi bỏ nội tâm lớn mà chúng ta có đối với những kẻ mà chúng ta cầu nguyện cho: chúng ta không được gắn bó với họ và quá để tâm lo lắng đến họ, nhưng phải lưu ý tinh thần chúng ta trong Thiên Chúa, như các thánh trên trời trong mọi lời cầu nguyện cho chúng ta, không hề tách mình khỏi Thiên Chúa lấy một giây phút, không mất một độ sự gắn bó của mình với Ngài và không hề bận tâm một giây phút nào đến những kẻ các ngài cầu nguyện cho.

          Đó là cách chúng ta phải hành động: cầu nguyện trong Thiên Chúa cho linh hồn những con thiêng liêng của chúng ta, nghĩa là luôn ở trong tình trạng tràn đầy Thiên Chúa và chỉ bận tâm tới Ngài, mà không hề để những kẻ chúng ta cầu nguyện cho lôi cuốn chúng ta một giây phút nào về họ để làm đầy lòng trí chúng ta và để chúng ta lưu tâm tới họ.

          Đây là một phương thế tốt để phân biệt nếu tình yêu chúng ta có đối với các kẻ chúng ta dẫn dắt đến từ Thiên Chúa hay là do tự nhiên.

          Nếu nó đến từ Thiên Chúa, nó sẽ đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và sẽ giải thoát chúng ta khỏi thụ tạo đến độ chúng ta chỉ nghĩ đến nó, trừ trường hợp cần thiết thôi; và khi chúng ta nghĩ đến nó, thì không phải để chúng ta bận tâm về nó, nhưng chính yếu là trong “cầu nguyện” nơi mà Thần Khí của Thiên Chúa phải lôi kéo chúng ta về Ngài; và nếu Ngài hướng chúng ta cầu nguyện cho thụ tạo, thì chúng ta sẽ làm việc đó với một sự cởi bỏ nội tâm đến nỗi nói được là chúng ta quên hẳn nó đi: chẳng có mấy ấn tượng trên chúng ta, nó chẳng hề làm chúng ta xao nhãng khỏi Thiên Chúa, và chỉ trong Thiên Chúa mà thôi và do hành động của Ngài mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa theo ý nó.

          Ngược lại, khi tình yêu là hoàn toàn tự nhiên, chúng ta thường chỉ bận tâm đến thụ tạo, chúng ta chăm chỉ vào đó, và cả đến trong lúc cầu nguyện, nó tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn cầu nguyện cho nó, thì đôi khi nó trở thành đối tượng lo âu của chúng ta. Và khi tình yêu mà chúng ta có đối với thụ tạo, nếu nó đến từ Thiên Chúa, thì nó phải đưa chúng ta về với Ngài bằng cách tách rời chúng ta trong nội tâm ra khỏi nó, nếu ngược lại nó đến từ tự nhiên thì nó sẽ tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa để gắn bó ta với thụ tạo và tha thiết với nó.

          Chúng ta đừng bỡ ngỡ, nếu trong tình trạng đó, chúng ta không nhận được những ơn chúng ta xin cùng Thiên Chúa cho linh hồn những con thiêng liêng của chúng ta: vì chưng Thiên Chúa mong muốn nhìn thấy chúng ta trong một sự trong sạch lớn lao và được cởi bỏ nội tâm, cả đến những ơn chúng ta cầu xin, cũng như những kẻ chúng ta cầu xin những ơn đó cho họ; cần điều đó, hầu có thể dễ được nhận lời hơn. Thiên Chúa muốn chúng ta chỉ tìm những ơn của Ngài nhằm làm sáng danh Ngài và bởi vì ta phải mong muốn, yêu mến và ước vọng những ơn đó chỉ để vâng phục những lệnh truyền của Ngài và tuân theo những ý định của Ngài. Đó là phương thế để nhận được mọi sự từ lòng thiện hảo thiên linh.[tr.101-103.]

CHƯƠNG VI 

KẾT HỢP VỚI CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Linh đạo Ba Ngôi của Cha Olier thường được phản ánh trong những huấn thị của ngài về việc linh hướng (xem những chương trên đây). Ta thấy ở đây ngài quan niệm sứ vụ đó như được đặt nền tảng trên đời sống và ý định của Ba Ngôi; từ đó ngài rút ra những hậu quả đòi buộc đời sống cá nhân của vị linh hướng.

Cha Bretonvilliers đã đặt những khai triển này lên đầu những ký ức của ngài về việc thực hành và giáo huấn của Cha Olier trong lãnh vực này(tr.1-31).

Trong ánh sáng của Thiên Chúa

    Những ánh sáng của riêng chúng ta chỉ có thể làm hư hỏng công việc thiêng liêng mà chúng ta chỉ là công cụ và máng chuyển thôi. Chúng ta mở lòng nhận lấy ánh sáng thiên linh để chuyển trao nó mà không được pha trộn ánh sáng của chúng ta vào đó. Trong tình yêu hay trong phục vụ người khác, chỉ được nhìn về Đức Giêsu Kitô, cũng như các thiên thần bản mệnh của chúng ta không bao giờ để mất tầm nhìn về Thiên Chúa.

          Chúng ta phải ở trong tay Thiên Chúa để dẫn dắt trong Ngài những linh hồn Ngài giao phó cho chúng ta, như là những dụng cụ Ngài muốn dùng để làm cho họ biết những ý muốn của Ngài, giúp họ tiến mau trên con đường trọn lành, làm cho họ vững mạnh trong những lúc yếu đuối, sinh động họ trong lúc ngã lòng, đổi hướng để họ tránh những vực thẳm và những cạm bẫy mà Kẻ Thù luôn gài sẵn cho họ.

          Để đạt được điều đó, chúng ta phải dẫn dắt họ trong ánh sáng của Thiên Chúa chứ không phải trong ánh sáng của chúng ta. Chúng ta phải hư vô hóa tinh thần riêng của chúng ta để được đầy tràn tinh thần của Thiên Chúa. Phải ở trong tay Chúa Chúng Ta để đi vào sự dẫn dắt của Ngài trên các linh hồn và đừng muốn dẫn dắt họ theo cách thức riêng của chúng ta: nó sẽ càng tai hại cho họ vì khi đó là “kẻ mù lại được dẫn dắt bởi kẻ mù”, họ sẽ không thể khỏi lăn xuống vực thẳm[112], và chính chúng ta sẽ là căn cớ cho việc đó.

          Vậy phải chết đi cho sự dẫn dắt và ánh sáng riêng của mình để chỉ hỗ trợ các linh hồn trong sự dẫn dắt và ánh sáng của Thiên Chúa, vốn mạnh mẽ và bừng sáng, sẽ luôn dẫn dắt họ trong sự trong sáng và chắc chắn. Nếu chúng ta pha trộn vào đó một sự gì là phần riêng mình, thì chúng ta làm hư hỏng tất cả!

          Phần nào chúng ta phải nên như những chiếc máng chỉ dùng để cho nước chảy qua, nước phát xuất từ nguồn suối để đổ vào những bể chứa: nếu máng sạch sẽ, nước sẽ chảy qua với cùng một sự trong sạch như khi nó vừa phát xuất từ nguồn suối của nó; trái lại nó bị nhiễm nhơ bẩn và trở thành vẩn đục nếu nó gặp sự nhơ nhớp ở máng. Tất cả những gì các máng có thể làm tốt nhất là chuyển nước tới trong tình trạng nó tiếp nhận mà không pha trộn bất cứ gì vào đó.

          Như vậy vị linh hướng phải luôn sẵn sàng đón nhận ánh sáng thiên linh để chuyển thông nó cho kẻ mà nó được ban cho, không được thêm chút gì của riêng mình vào đó, vì sẽ lấy mất tình trạng trong sáng và vẻ đẹp của nó. Không bao giờ thụ tạo được pha trộn ánh sáng riêng của nó vào ánh sáng của Thiên Chúa. Vì lòng trọng kính, nó phải lặng thinh khi Ngài phán: chỉ một mình Ngài đáng được vâng nghe khi Ngài muốn mở miệng. Và nếu chúng ta có sự thận trọng và sự khôn ngoan, thì tốt hơn hết là phải hy sinh chúng và đặt chúng dưới ánh sáng thần linh đó để được nó thâu nạp và hư vô hóa chúng trong chính nó: điều này không thể được thực hiện mà không có sự hoàn toàn chết đi cho chính bản thân của vị linh hướng.

          Cũng như các con thiêng liêng chỉ phải nhìn xem một mình Đức Giêsu Kitô trong những đấng dẫn dắt họ và trong các ngài Đức Giêsu Kitô sống để giúp các ngài hướng dẫn, cũng thế các vị linh hướng phải chỉ nhìn xem trong những kẻ mình dẫn dắt một mình Chúa Chúng Ta mà họ là những chi thể và con cái của Ngài. Đối với các ngài, đó là phương thế hành động trong một sự nghèo khó thiêng liêng lớn lao và để nhận được từ Thiên Chúa một phép lành đặc biệt.

          Quý vị đừng nhìn xem tha nhân trong chính họ, nhưng nhìn Chúa Chúng Ta trong họ: làm khác đi là quý vị đang trong nguy hiểm gắn bó với họ, và đó sẽ là một sự dữ lớn. Vì chưng lúc đó tình yêu tha nhân không còn được đặt nền móng trên Thiên Chúa nữa, mà chỉ còn đặt trên tình cảm hoặc trên những phẩm cách tự nhiên mà quý vị nhận thấy nơi họ thôi. Chính từ đó mà phát sinh những sự gắn bó giữa các vị giải tội và linh hướng với những người họ hướng dẫn. Đó là điều đã đưa đến biết bao cuộc thăm viếng vô ích và những cuộc chuyện vãn thừa thải vô bổ: chẳng những làm mất rất nhiều thời giờ, mà còn gây trở ngại cho phép lành của Thiên Chúa, bởi vì các vị linh hướng nhìn đến sự gì khác với Ngài trong việc phục vụ các ngài dành cho các con thiêng liêng. Chính từ đó còn phát sinh ra những sự e sợ và lo ngại nhìn thấy kẻ chúng ta dẫn dắt bỏ chúng ta: làm cho chúng ta lặng thinh không dám nói điều cần thiết phải nói cho họ mà chỉ nói để nịnh bợ họ cả trong những sự bất toàn của họ.

          Tất cả những cái đó làm cho các linh hồn đáng thương đó chẳng những không tiến tới Thiên Chúa, mà thường còn xa cách và lìa bỏ Ngài nữa. Từ đó một ngày kia họ sẽ đứng dậy trước tòa án của Thiên Chúa để đòi công lý chống lại sự hèn nhát của các vị linh hướng đó vì sự vị nể nhân loại hoặc vì tình nghĩa riêng tư, đã không làm cho họ no đủ về của ăn Phúc Âm và đã không chỉ đường cho họ để đạt tới sự thánh thiện.

          Lúc đó sự phán xét nghiêm ngặt nào sẽ được thực hiện chống lại các vị linh hướng thật đáng thương đó vì đã phản bội như thế quyền lợi của Thiên Chúa! Án phạt của họ sẽ càng kinh khủng xét vì tình yêu của Thiên Chúa càng lớn hơn đối với các linh hồn mà họ bỏ bê kiểu đó. Sự phán xét đối với những kẻ mà Thiên Chúa đã giao phó các linh hồn để dẫn dắt sẽ đặc biệt nghiêm nhặt nếu họ đã không chu toàn bổn phận của họ.

          Chúng ta phải bắt chước các thiên thần bản mệnh của chúng ta: các ngài luôn ở bên cạnh chúng ta nhưng không bao giờ bỏ mất cái nhìn về Thiên Chúa, mà các ngài hằng luôn chiêm ngắm diện đối diện. Tất cả sự săn sóc của các ngài đối với chúng ta, các ngài chỉ lãnh nhận theo ý của Thiên Chúa Đấng muốn các ngài làm như thế. Các ngài không có gì phải sợ cho mình khi dẫn dắt chúng ta, các ngài ở trong một tình trạng không thể sa sẩy được: các ngài không thể mất hạnh phúc các ngài đang có. Nhưng về phần chúng ta, nếu chúng ta nhìn ngắm thụ tạo và nếu chúng ta gắn bó với nó, thì chúng ta có thể bị rơi xuống cách thảm hại trong vực thẳm và đau khổ vì nhìn thấy đức bác ái của chúng ta hoặc bị đánh mất, hoặc bị giảm thiểu.[tr.1-7].

          Với óc thực tế và tế nhị, cha Olier lưu ý đến những hậu quả tai hại, đối với các con thiêng liêng cũng như các vị linh hướng, về sự vắng mặt nơi họ một cái nhìn như thế của đức tin: tư vị, mất thời giờ, và nhất là sự hững hờ thiêng liêng. Tính ích kỷ sẽ làm trở ngại cho công việc của Thiên Chúa.

          Thiếu sự hoàn toàn lưu ý đến Thiên Chúa trong những kẻ chúng ta dẫn dắt kéo theo nhiều thiệt hại lớn làm trở ngại chính sự tiến tới thiêng liêng của chúng ta và rất thường trở ngại cho sự tiến tới của những người chúng ta phải dẫn dắt.

Tai hại đầu tiên: người ta thường tư vị, không phải vì Thiên Chúa, nhưng chỉ vì chính những con người thôi. Vì thế, chẳng hạn, người ta sẽ xử đối khác biệt với người nghèo và người giầu, với người chúng ta quý mến và người chúng ta không ưa thích, với người làm thỏa lòng chúng ta và người chỉ là gánh nặng cho chúng ta, và tiếp theo như thế. Và trong tất cả những cái đó, không có gì đến từ Thiên Chúa, nhưng tất cả đều hoàn toàn đến từ tự nhiên và từ tính ích kỷ của chúng ta thôi: chính chúng ta là nguồn suối của hành động chúng ta và như thế là chúng ta chỉ làm việc do nguyên tắc và trong sự chú ý đến thụ tạo mà thôi.

          Chẳng những công việc của chúng ta sẽ vô ích đối với chúng ta và vô hiệu quả đối với người khác, mà thực ra cũng rất nguy hiểm sau đó nữa: Thiên Chúa sẽ không chấp nhận nó, bởi vì nó không được làm vì tình yêu Ngài, nó sẽ không làm hài lòng Ngài và Thiên Chúa sẽ không chúc lành cho nó, và như thế sẽ là một sự dẫn dắt vô giá trị và thiếu sức mạnh, đối với chính chúng ta và đối với những kẻ chúng ta có bổn phận phải dẫn dắt.

          Tất nhiên người ta có thể phân biệt giữa những kẻ mình dẫn dắt, nhưng với điều kiện là điều đó được làm trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa mà ta làm. Vì thực sự có thể xảy ra là Thiên Chúa muốn thấy chúng ta để ý săn sóc một vài linh hồn nhiều hơn là những linh hồn khác, do những ý định riêng của lòng nhân lành Ngài trên họ. Nhưng lúc đó, đang khi làm điều ấy, ta phải hoàn toàn nhìn ngắm Thiên Chúa thôi, và hơn nữa thường ra nếu đó là những con người ít địa vị hơn những người khác, vì như thánh Tông Đồ nói[113], Thiên Chúa muốn họ phục vụ nhiều hơn cho sáng danh Ngài và chu toàn những ý định của Ngài trong Giáo Hội Ngài.

          Tai hại thứ hai xảy ra khi người ta không hoàn toàn nhìn ngắm Thiên Chúa  trong những người mình dẫn dắt: người ta mất rất nhiều thời giờ thực ra phải rất quý báu đối với chúng ta. Không những chúng ta thường mắc phải sự thiếu khôn ngoan vì dành quá nhiều thì giờ cho những người này và quá ít cho những người khác, chẳng có lý do gì ngoài sự thỏa mãn riêng tư của chúng ta, mà hơn nữa, chúng ta dùng thời giờ đó cách vô ích vào những câu chuyện chẳng có liên quan gì tới việc linh hướng, nhưng chỉ làm hài lòng và thỏa mãn tính ích kỷ của chúng ta thôi. Và như thế, chúng ta không kính trọng lệnh truyền Thiên Chúa ban bố khi đòi chúng ta phải dùng thì giờ của chúng ta cho sáng danh Ngài và cho phần rỗi của tha nhân.

          Và tai hại rất lớn thứ ba là: tiếp theo những chuyện trò đó, mà chỉ một mình Thánh Thần của Thiên Chúa phải ngự trị và tinh thần thế tục cũng như tính ích kỷ của chúng ta phải được hoàn toàn bài trừ, đây là điều sẽ xảy ra. Bởi vì chúng ta không trung thành để chỉ nhìn một mình Thiên Chúa, bởi vì chúng ta rất ít nói đến những gì Thiên Chúa ước ao, nhưng hoặc chỉ nói đến những việc thế tục hoặc những vấn đề làm thỏa mãn tính ích kỷ của chúng ta: thay vì ra khỏi cuộc đàm thoại, như phải xảy ra là lòng đầy tràn Thiên Chúa, hoàn toàn được sinh động bởi tình yêu Ngài, hoàn toàn hăng say để phục vụ Ngài với lòng ước muốn tìm sáng danh Ngài và sự tiến tới thiêng liêng của chúng ta chỉ bằng những phương thế thiên linh, chúng ta lại như bị mê hoặc và lòng thường tràn đầy tư tưởng, ngưỡng mộ và tình yêu thụ tạo. Chúng ta cảm thấy mình xa lìa Thiên Chúa  nhiều hơn, ít sốt sắng tìm sáng danh Ngài và sự trọn lành của chúng ta hơn. Chúng ta cảm thấy  mình hướng về thụ tạo nhiều hơn không phải do Thánh Thần của Thiên Chúa mà do tính ích kỷ của chúng ta và lòng yêu mến thụ tạo. Và chúng ta có kinh nghiệm nội tâm về sự lôi kéo của nó, thường là rất nguy hiểm và có thể dẫn chúng ta tới những sự dữ rất lớn.

          Thế là, điều chính ra phải đem đến sự lành cho chúng ta chỉ toàn đem đến sự dữ, điều chính ra phải làm cho chúng ta xa thụ tạo thì trái lại lại kéo chúng ta tới gần nó, điều chính ra phải đưa chúng ta tới gần Thiên Chúa thì lại làm chúng ta xa Ngài, và điều chính ra phải cộng tác vào sự trọn lành riêng của chúng ta thì lại từ từ đẩy chúng ta xa đi.

          Điều tai hại thứ bốn: tiếp theo tình trạng đó, người ta có rất ít hứng thú đối với việc cầu nguyện, tĩnh tâm, tập luyện thiêng liêng. Người ta thường bận tâm về những kẻ mà người ta nhắm tới và về những điều mà người ta chuyện vãn với họ. Tinh thần chẳng còn tự do để lo về Thiên Chúa nữa, và vì thế có ít khả năng nhận được các ân huệ của Ngài, chẳng những cho chính mình mà còn cho cả kẻ khác nữa. Thế là nói được chúng ta làm tắc nghẽn cái máng qua đó nước từ nguồn suối phải chảy tới để tràn đến trên những người khác: vì thế những người này ở trong một tình trạng rất khô khan, bởi thiếu những sự giúp đỡ mà lẽ ra họ phải nhận được từ Thiên Chúa qua sứ vụ của chúng ta. [tr.7-11] 

Cùng với Đức Kitô mục tử

    Cũng như Đức Kitô vẫn là linh mục duy nhất hành động trong mọi linh mục, cũng vậy, “chỉ mình Ngài là vị linh hướng đích thực”, muốn dẫn dắt mọi tín hữu. vị linh hướng chỉ là “người thay thế” Ngài, là “dụng cụ” của Ngài, phải luôn kết hợp với Ngài và luôn sẵn sàng để nói thay Ngài.

          Mọi linh mục đều phải chạy đến với Chúa Giêsu Kitô dể tìm được trong Ngài ơn sủng cho mình và sự thánh thiện mà bậc sống mình đòi hỏi, bởi vì Ngài là linh mục Thượng phẩm của Giáo hội, có nơi mình sự sung mãn và trừơng độ của ân sủng và tinh thần linh mục để tràn đổ trên mọi người Ngài gọi vào bậc sống thiên linh đó. Mọi tín hữu đều bó buộc phải đến với Chúa Giêsu Kitô giáo. Cũng một cách đó, mọi vị linh hướng phải coi Chúa Giêsu Kitô như là Đấng phải làm chảy tới và mạc khải trong họ Thần Khí đích thực, ơn sủng và ánh sáng cần thiết để dẫn dắt các linh hồn, vì Ngài luôn có dư dật và tràn đầy để mỗi người trong họ có thể nhận lãnh những ơn đó từ Ngài cách dư dật.

          Không những các linh mục nhận lãnh các ơn sủng của mình từ Chúa Chúng Ta Đấng gồm tóm trong mình sự dư dật, mà có thể nói được là chỉ có một Linh mục duy nhất trong Giáo Hội, tức là cùng một Chúa Giêsu Kitô đó: chính Ngài ở trong mọi linh mục. Cũng chính Ngài dâng mình mọi ngày cho Thiên Chúa Cha Ngài khi những vị này dâng lễ hy sinh tạ ơn: đó là điều những lời truyền phép chứng thực khi vị linh mục phát biểu như là chính Chúa Giêsu Kitô nói qua miệng Ngài. Và vì Chúa Giêsu Kitô sống trong các kitô hữu, theo như thánh tông đồ Phaolô nói về chính mình[114], ta cũng có thể nói theo Kinh Thánh rằng chỉ có một Đức Kitô duy nhất trong mọi kitô hữu, bởi vì Chúa Giêsu ở trong họ để sinh động họ và làm cho họ được tràn đầy: “omnia in omnibus Christus[115](Đức Kitô ở trong mọi sự và trong mọi người).

          Cũng một cách thức đó, trong Giáo hội chỉ có một vị linh hướng đích thực, là Chúa Giêsu Kitô đầy tràn Chúa Thánh Thần, Đấng qua Ngài và trong Ngài, muốn dẫn dắt mọi tín hữu. Thực thế, Chúa Giêsu Kitô, phải ở trong mọi vị linh hướng để dẫn dắt các linh hồn: cho dù là thánh Phêrô, thánh Phaolô hay một vị khác dẫn dắt họ, luôn luôn cũng là Chúa Giêsu Kitô trong các ngài phải dẫn dắt họ, trong mọi vị chính Ngài phải điều khiển họ.

          Vị linh hướng, trong cái nhìn đó của đức tin, phải coi mình như là phụ tá của Chúa Chúng Ta, Đấng, vì không muốn dẫn dắt các tín hữu cách hữu hình nữa như Ngài đã làm xưa với các Tông đồ của mình, mong ước điều khiển họ cách vô hình từ nay qua thừa tác vụ của các linh mục. Vậy Ngài phải tự lột bỏ những ánh sáng riêng của mình hầu có thể nhận được những ánh sáng của Thiên Chúa, những ánh sáng mà Người vui lòng thông ban cho Ngài, theo gương thánh cả Giuse mà ta luôn thấy dẫn dắt Chúa Giêsu Kitô Thầy Chúng Ta bằng ánh sáng nhận được từ trời[116].

          Không phải chúng ta phải hy vọng hay ước ao được mạc khải như vị đại thánh này, vì như thế không phải là phẩm hạnh bình thường của đức tin, theo như thánh tông đồ Phêrô[117]. Nhưng chúng ta phải đợi chờ để nhận được những ánh sáng cần thiết để dậy dỗ những kẻ sống dưới trách nhiệm của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ từ chối những ánh sáng đó khi người ta sẵn sàng để nhận lãnh chúng cách thích hợp. Nếu không, chúng ta sẽ là như những tiên tri giả quả quyết điều họ đã không thấy và loan báo điều Thiên Chúa đã không hề mạc khải cho họ[118]. Và thay vì đưa người khác đến chỗ thực hành thánh ý của Thiên Chúa, thì lại áp đặt chính ý muốn của chúng ta, và như lời vị tiên tri nói[119], chúng ta theo những cái nhìn và những tưởng tượng riêng của chúng ta, vì đã không biết nghe tiếng Thiên Chúa muốn nói với tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải chạy đến với Con Thiên Chúa để được bớt những gánh nặng đang đè bẹp chúng ta, mà gánh nặng nhất là dẫn dắt họ cách may mắn tới bến an toàn. Đó là tấm gương và lời chỉ dạy Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong bản thân của Môsê: ngài đã có trách nhiệm dẫn dắt dân Thiên Chúa, trước hết ngài đã lên núi ở đó ngài đã nhận được lề luật để ban bố cho dân Israel[120].

          Hai tấm gương khác nữa có thể tỏ cho chúng ta thấy chúng ta bó buộc phải giữ mình kết hợp nội tâm với Chúa Chúng Ta để nhận được từ Ngài những sự hiểu biết cần thiết để dẫn dắt người khác:

          Tấm gương thứ nhất: của vị đại tướng tư lệnh quân đội mà mọi sĩ quan phải ngỏ lời để lãnh những mệnh lệnh họ phải truyền xuống cho các chiến binh của mình. Chúa Giêsu là như vị tướng lãnh của Giáo hội và các linh mục là những vị đại úy: họ phải ngỏ với Ngài để biết những ý muốn của Ngài.

          Tấm gương thứ hai: của các thiên thần trong phẩm trật thiên quốc, mà không một vị nào tự mình có ánh sáng, nhưng tất cả đều nhận được từ những vị khác điều các ngài thông truyền cho các vị bên dưới mình. Cũng thế các vị linh hướng không được tìm nơi chính mình điều các ngài phải nói cho các kẻ theo sự dẫn dắt của các ngài, nhưng các ngài phải tìm điều đó trong Chúa Giêsu, Đấng, vì là Ánh sáng muôn thuở, phải soi chiếu cho mọi người đến trong thế gian[121]. Và, cũng như Thiên Chúa chỉ soi sáng các phẩm trật thiên thần bậc dưới qua trung gian các bậc cao hơn, cũng vậy Chúa Giêsu chỉ soi sáng các dân tộc qua thừa tác vụ của các linh mục, chẳng khác gì những cái vỏ dưới đó Ngài ẩn mình để điều khiển họ.

          Bởi vì Chúa Chúng Ta là vị linh hướng toàn vũ của Giáo hội, nên chúng ta chỉ là những dụng cụ của Ngài, phải được điều động bởi Ngài để nói với các linh hồn. Bởi vì Chúa Chúng Ta là nguồn suối, nên chúng ta phải là như những cái máng chờ nhận được nước để đổ tràn trên người khác. Bởi vì Chúa Chúng Ta là ánh sáng toàn vũ, nên chúng ta phải đợi nó tỏa xuống trên chúng ta để biết được điều Ngài ước muốn. Bởi vì Chúa Chúng Ta là Thầy và là Chúa, nên không được vượt lên trước Ngài, không được nói điều gì trước khi Ngài ra lệnh bằng cách làm cho chúng ta biết điều Ngài đòi buộc: làm khác đi, chúng ta sẽ là những tôi tớ bất trung đoán trước những mệnh lệnh của chủ mình, và chúng ta sẽ liều mình bị lầm lẫn bằng cách làm trệch khỏi con đường tốt những kẻ chúng ta có bổn phận phải dẫn dắt cách vững chắc.

          “Et coeperunt loqui prout Spiritus Sanctus dabat eloqui illis[122](Và họ bắt đầu nói theo như Thánh Thần cho phép họ diễn đạt). Các Tông Đồ, những nền tảng thánh ấy của Giáo hội, sống trong một sự tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Thánh Thần: Chính Thánh Thần mở miệng cho các ngài, và như thế các ngài chỉ nói dưới sự linh ứng của Chúa. Chính từ đấy mà phát sinh hơn lành lớn lao đó và kết quả lạ lùng đến thế do lời các ngài mang lại. Đó là tấm gương mà chúng ta phải noi theo hết sức có thể của chúng ta.

          Khi có những dịch vụ phải làm cho người khác trên trần gian, ta phải đặt mình sẵn sàng tùy thuộc Thiên Chúa về thời khắc chính Ngài dự định thi hành những sự việc như Ngài muốn, theo cách thức Ngài soi sáng và dẫn dắt chúng ta: vì chưng chỉ mình Ngài biết cách thức phải dùng để làm trọn những ý định của mình Ngài là chủ của tác phẩm phải hoàn thành và của đường lối phải theo. Chính Ngài là kẻ thực hiện tác phẩm của mình. Phần chúng ta, với tư cách là dụng cụ, chúng ta không có bổn phận điều khiển, nhưng phải để mình được điều khiển và dẫn dắt bởi Ngài. “Si quis loquitur, tanquam sermones Dei”; si quis administrat, tanquam ex vitute quam administrat Deus, ut in omnibus honorificetur Deus per Jesum Christum[123].” (Nếu ai nói, thì hãy nói theo những lời của Thiên Chúa; nếu ai phục vụ, thì hãy phục vụ theo sức mạnh Thiên Chúa ban, để trong mọi sự Thiên Chúa được ngợi khen nhờ Đức Giêsu Kitô). Cần phải để Thiên Chúa làm mọi sự trong những hiệu quả của ơn thánh nhờ Thần Khí của Ngài, giống như trong thiên nhiên chính Ngài đã làm nên mọi sự: “Omnia per ipsum facta sunt[124]. Như vậy chính Ngài cần phải là linh hồn và sức sống của mọi sự. [tr.13-17].

          Vì thế chức vụ làm linh hướng đòi buộc sự trung thành trong lời cầu nguyện; chính tại đó vị linh hướng nhận được ánh sáng, đời sống và Thần Khí để có thể thông ban. “Mọi sai lỗi” của một sự linh hướng xấu đều đến từ sự ít kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và sự thiếu cầu nguyện.

          Khi Môsê trèo lên núi để tại đó nhận lãnh lề luật của Thiên Chúa, ông được một đám mây bao bọc như là tách biệt ông khỏi phần còn lại của thế giới[125]. Đó là để tỏ cho chúng ta rằng đôi khi chúng ta phải xa lánh sự đi lại của con người để gắn bó mình với Thiên Chúa và cầu xin Ngài cho biết những ý muốn của Ngài hầu loan báo cho những thụ tạo của Ngài. Cũng vì điều đó mà Thiên Chúa thường rất hay muốn tỏ lộ cho chúng ta trong Kinh Thánh những ngọn núi có lửa bốc cháy và đầy ánh sáng bởi trời[126]. Vì thế mà chính Chúa Giêsu Kitô đã biến hình trên núi[127]: để làm cho chúng ta hiểu rằng trên núi, nghĩa là trong sự cầu nguyện, chúng ta sẽ được soi sáng, biến hình và đầy ánh sáng, một trật cho chính mình và cho kẻ khác.

          Chúng ta phải buông mình vào việc cầu nguyện để nhận được ở đó sự sung mãn ánh sáng thần linh để chuyển thông cho người khác. Chính bổn phận của các vị linh hướng như là của những người cha là phải nuôi nấng các con mình và làm cho chúng đầy tràn sự sống tuyệt hảo luôn có ấy ở nơi Thiên Chúa: và điều đó không thể có được nếu chính các ngài không đầy tràn sự sống đó, phần nào như là những bể chứa đầy nước để tưới dội tất cả những thửa đất chung quanh, hoặc còn như những con sông tràn đầy thường đem sự phong nhiêu đến cho miền đất được tưới dội bằng nước của chúng.

          Chúng ta còn phải như những suối sự sống trong Chúa Giêsu Kitô: những kẻ dưới quyền dẫn dắt của chúng ta sẽ được tràn đầy sự dư dật của chúng và mỗi người sẽ nhận được điều cần thiết cho mình. Theo cách thức đó, họ phải rút sự sống mình từ chúng ta, và như vậy chúng ta được gọi là cha của họ. Làm khác đi là những con cái sẽ không được nuôi dưỡng, chúng sẽ héo tàn và khô cứng bởi vì nói được là sẽ không có sữa trong lòng mẹ chúng; chúng sẽ có thể chết vì người ta sẽ không cho chúng của ăn cần thiết để dinh dưỡng sự sống của chúng: vì không có của nuôi để cho, những người cha sẽ không thể phân phát nó cho con cái mình được.

          Vậy chính trong lời cầu nguyện mà Thiên Chúa đổ đầy chúng ta bằng Thần Khí của Ngài và ban cho chúng ta điều chúng ta phải chuyển thông cho người khác. Và chính bởi vì thiếu trung thành trong lời cầu nguyện mà các vị linh hướng đem lại ít kết quả như vậy, lời nói của các ngài thật tầm thường thật lạnh lẽo và quá thiếu sức mạnh để đánh động những người nghe các ngài. Đó là tại sao chúng ta phải làm cho chính mình chúng ta nên trống rỗng để làm trống rỗng các tâm hồn khỏi chúng ta, hầu được đầy tràn Thiên Chúa để làm cho chúng cũng được tràn đầy.

          Hơn nữa chúng ta phải buông mình vào lời cầu nguyện để nhận được trong đó sức mạnh hầu nâng đỡ các linh hồn được giao phó cho chúng ta. Phần nào chúng ta như cây gậy trên đó họ phải có thể hoàn toàn tựa vào. Nếu chỉ có sự yếu đuối trong chúng ta, thì chúng ta sẽ là căn cớ cho sự sa ngã của họ, sa ngã mà chúng ta có thể gây nên hoặc vì thiếu ánh sáng để dẫn dắt họ, hoặc vì không đủ sức mạnh để nâng đỡ họ. Vì chúng ta tự bản thân chỉ là yếu đuối, nên chúng ta chỉ có thể nên mạnh mẽ trong Chúa Giêsu Kitô nhờ phương thế của lời cầu nguyện thánh.

          Sau cùng, lời cầu nguyện phải giúp chúng ta cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những lời lẽ và những điều dậy dỗ chúng ta nói với các con thiêng liêng, làm sao để chúng thâm nhập vào tâm hồn họ và đem lại trong đó kết quả gấp trăm.

          Tất cả những sai lỗi gặp thấy trong việc hướng dẫn các linh hồn đều chỉ đến do sự ít kết hợp của các vị linh hướng với Chúa Giêsu Kitô và tùy thuộc vào việc các ngài không gắn bó đủ với lời cầu nguyện là cái máng qua đó Chúa Chúng Ta muốn thông ban ánh sáng của Ngài cho các linh mục. Chẳng có gì đáng bỡ ngỡ, nếu tin rằng tự mình có đủ ánh sáng và khôn ngoan để dẫn dắt người khác, những vị linh hướng đó để họ bước đi theo sự tưởng tượng và tính ngông cuồng của mình, và nếu, do chính mình đã không được soi sáng vì thiếu trung thành trong lời cầu nguyện, thì họ nhấn chìm người khác trong tối tăm và sai lầm! [tr.19-23.]

Tràn đầy Thánh Thần

    Phải được sinh động thật sâu xa bởi Thần Khí của Thiên Chúa và của Đức Kitô để lời nói của chúng ta được hoàn toàn thấm nhuần. Như lời nói của các Tông Đồ sau Lễ Hiện Xuống, lời nói của các vị linh hướng sẽ có hiệu năng và làm sáng danh Thiên Chúa tùy theo mức độ Thánh Thần làm cho các ngài nói.

          Nếu trong chính sự cầu nguyện mà chúng ta phải nhận được điều cần thiết cho việc dẫn dắt người khác, thì sau đó còn cần phải tự phó thác nhiều cho Chúa Chúng Ta để nói trong Ngài điều chúng ta đã nhận được nơi Ngài: nói được là chúng ta phải phát biểu với miệng lưỡi của Chúa Giêsu Kitô, để điều Ngài đã thông ban cho chúng ta có thể đem lại kết quả Ngài chờ mong trong các linh hồn.

          Cần thiết phải có trong mình một sự thật đầy tràn Thiên Chúa để sau đó nói về Ngài. Và để lời nói của chúng ta đem lại trong các linh hồn những kết quả ân sủng đáng kể, chúng ta phải đầy Thánh Thần như các Tông Đồ xưa, mà lời của các ngài đã thể hiện những phép lạ nơi những kẻ nghe các ngài. Như Kinh Thánh nói: “Relpeti sunt omnes Spiritu Sancto et coeperunt loqui prout Spiritus Sanctus dabat eloqui illis[128].(Tất cả họ đều đầy Thánh Thần và bắt đầu nói theo như Thánh Thần ban cho họ diễn đạt).

          Trước tiên, các Tông Đồ đều đầy tràn Thánh Thần, như là đã nói về thánh Stephanô: “plenus Spiritu Sancto et fide[129](đầy Thánh Thần và đức tin). Sự đầy tràn Thiên Chúa đó có hiệu quả là ban cho chúng ta một tinh thần lớn lao về đức tin và lòng tín cẩn nơi Ngài.

          Tiếp đến, là với sự đầy tràn Thiên Chúa đó trong mình mà các ngài bắt đầu nói. Tấm gương này tỏ cho chúng ta rằng chúng ta phải được tràn đầy Thiên Chúa trước khi nói cho người khác. Và như vậy chúng ta đừng chăm chú vào việc dẫn dắt các linh hồn trước khi phải ưu tiên được đầy tràn Chúa Chúng Ta đã.

          Sau cùng, khi các ngài nói, các Tông Đồ đã không nói điều mà tinh thần riêng của các ngài cung cấp cho mình. Nhưng nói điều Thánh Thần soi sáng cho các ngài. Điều này chỉ rõ chúng ta phải có sự hoàn toàn phó thác cho Thánh Thần và triệt để tùy thuộc sự điều động thần linh và ánh sáng của Ngài mà chúng ta phải ở trong đó để nói và loan báo những thực tại thiên linh cho người khác.

          “Ai có nói, thì hãy nói những lời Thiên Chúa để Thiên Chúa được tôn vinh nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta[130]”.

          Hành động như thế, theo như thánh tông đồ Phêrô ước ao, đó là phương thế tốt nhất để được Thiên Chúa nâng đỡ trong mọi điều chúng ta nói.

          Thật vậy, chúng ta chỉ phải hy vọng lời nói của chúng ta được hữu hiệu theo mức độ nó sẽ được sinh động bởi Thánh Thần: đó là lý do tại sao người ta thấy biết bao kẻ nói những lời thật đẹp đẽ nhưng lại quá ít hữu hiệu.

          Bởi vì đó chỉ đơn giản là những sáng kiến và những sinh xuất của trí khôn chúng ta thôi, chúng ta chỉ phát biểu chúng theo tinh thần riêng của chúng ta chứ không phải theo tinh thần của Thiên Chúa; chúng ta chỉ nói chúng ra theo chính mình, và đôi khi trong sự ao ước tìm vinh danh riêng mình, thay vì nói theo Thiên Chúa và vì vinh danh thuộc về Ngài, như là Thánh Thần luôn thúc giục chúng ta về đó khi chính Ngài làm cho chúng ta nói. Đó là điều buộc chúng ta cần phải chạy đến với Thiên Chúa vì ích lợi của anh em chúng ta.[tr.25-29].

KẾT LUẬN: Chiều kích Ba Ngôi của tác vụ linh hướng

Được cha Bretonvilliers đặt làm kết luận, trang sách này (tr.199) biểu thị đúng đặc tính toàn bộ giáo huấn của Cha Olier về dịch vụ của vị linh hướng và bề sâu ngài đặt để dịch vụ này.

          Các vị linh hướng phải:

–         Thật mạnh mẽ trong sức mạnh của Chúa Cha để giúp đỡ các linh hồn.

–         Thật khôn ngoan trong sự kết hợp với Ngôi Lời để dẫn dắt họ.

–         Thật đầy tình yêu nhờ được Chúa Thánh Thần ở trong mình để chịu đựng những nết xấu của các con thiêng liêng và yêu mến họ ngay giữa những khuyết điểm của họ.

Bởi vì các ngài là hình ảnh của Thiên Chúa và nắm giữ địa vị của Ngài, nên các ngài phải có những sự trọn lành của Chúa Cha và phải trọn lành như Ngài[131], để các linh hồn, không có khả năng nhìn thấy chính Ngài, có thể ít là có được trước mắt một bản sao hoàn hảo: như vậy nhờ biết được những vẻ đẹp và sự thánh thiện của Ngài, họ có thể tôn thờ chúng cho phải phép và cố gắng hết sức để khuôn mình sống theo.

     Hơn nữa, các ngài phải thực hành các nhân đức của Ngôi Lời nhập thể để nhờ đó khơi nên sự hiểu biết và tình yêu hầu áp dụng cho các linh hồn những công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô qua phương tiện các bí tích.

     Sau cùng các ngài phải được đầy tràn ơn xức dầu, ánh sáng và các ơn của Chúa Thánh Thần để thông ban cho các linh hồn và làm cho họ được tràn đầy: bằng cách làm cho các con thiêng liêng của các ngài nhìn thấy điều họ phải làm, một trật cũng gây cho họ lòng ước ao, sức mạnh và lòng can đảm để chu toàn điều đó cách trung tín.[tr.199.] 

          MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU.. 3

NHỮNG CHỈ DẪN CHO CÁC VỊ LINH HƯỚNG.. 6

CHƯƠNG I: Phải được chuẩn bị chu đáo.. 6

CHƯƠNG II: Dẫn dắt trên đường thánh thiện.. 15

CHƯƠNG III: Yêu thương vô vị lợi 37

CHƯƠNG IV: Yêu thương với can đảm và kiên nhẫn.. 53

CHƯƠNG V: Đồng hành bằng lời cầu nguyện.. 63

CHƯƠNG VI: Kết hợp với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.. 74

MỤC LỤC.. 84


[1] Cha J.-J. Olier sinh năm 1608, qua đời năm 1657

[2] Tạp lục I, Thủ bản 14, tr.69, Công hàm Hội Xuân Bích, Paris.

[3] Thủ bản 2, tr. 228-229 (“Nhật Ký” tháng 6 năm 1642).

[4] “Tinh thần của Cha Olier”, bản sao được chính Tronson duyệt lại, Công hàm Hội Xuân Bích (thủ bản 105, 106 và 107).

[5] x. 1 Mcb 5, 62.

[6] x. Lc 24, 39; Cv 1, 4.

[7] Kn 1, 7.

[8] x. Tv 103, 20.

[9] x. Cv 2, 4.6.

[10] x. Cv 2, 11.

[11] x. Mc 10, 14; Lc 18, 16.

[12] x. Cv 2, 6 tt.

[13] x. Rm 8, 6.

[14] Tv 117, 19.

[15] St 22, ám chỉ đến hiến tế Isaac.

[16] x. Gl 5, 24.

[17] Dc 4, 9.

[18] Ed 34, 2.8; Gd 12.

[19] Rm 1, 18.

[20] Mt 22, 1-14; Lc 14, 15: dụ ngôn bữa tiệc.

[21] Mt 5, 48.

[22] x. Lv 11, 44-45; 19, 2; 20, 7 v.v..; 1 Pr 1, 16.

[23] x. Cv 2, 44. 46; 4, 24; 5, 12.

[24] x. Mt 5, 48.

[25] 1 Ga 4, 8.

[26] 1 Ga 4, 16.

[27] Dc 5, 2.

[28] Gl 4, 19.

[29] 2 Cr 13, 9.

[30] Gl 3, 27.

[31] Gl 4, 9.

[32] St 18.

[33] Kh 11, 18. ; 15, 1.

[34] Ga 10, 10.

[35] x. Dt 10, 4tt. trưng dẫn Tv 40, 7-9.

[36] x. Ga 10, 10.

[37] Tv 118, 63.

[38] 1 Ga 3, 2.

[39] x. 1 Cr 9, 22; 2 Cr 11, 29.

[40] x. Rm 8, 13; Gl 5, 24; Cl 3, 5; v.v…

[42] x. Đn 9, 27.

[43] nt.

[44] x. 1 Cr 11, 10.

[45] x. St 3, 6.

[46] x. 1 Cr 15, 28.

[47] x. Mt 2, 9.

[48] Mt 17, 8; x. Mc 9, 7; Lc 9, 36.

[49] x. 1 Cr 15, 25. trích dẫn Tv 110, 1.

[50] x. Cl 3, 11.

[51] x. Dc 8, 6.

[52] x. Đn 3, 19.

[53] x. 1 V 5, 2-5.

[54] Gr 7, 9; 11, 17; 19, 5 v.v…

[55] x. St 2, 17.

[56] x. 2 Tm 3, 17.

[57] 1 Pr 1, 13-25.

[58] 1 Pr 1, 23-25.

[59] Ga 1, 20. 26-27.

[60] nt.

[61] Tv 58, 10.

[62] Lc 1, 43.

[63] Lc 1, 46-47

[64] nt.

[65] Pl 1, 6.

[66] 2 Cr 3, 17.

[67] Tv 118, 63.

[68] x. Ga 1, 9.

[69] x. 1 Pr 1, 18-19.

[70] Rm 8, 35.

[71] Ga 3, 16.

[72] Kn 7, 8.

[73] x. Rm 8, 36-37.

[74] x. 1 Cr 15, 31 và nhất là 2 Cr 4, 11.

[75] x. Dc 1, 1.

[76] x. Mt 10, 16; Lc 10, 3; Mt 10, 38-39; Mc 8, 34-25; Lc 9, 23-26; x. Lc 14, 27.

[77] x. Mt 11, 28.

[78] x. Lc 21, 19.

[79] x. Ga 13, 13.

[80] x. Mc 14, 44-45; Mt 26, 48-49.

[81] x. Ga 17, 6 và 12.

[82] x. Mt 27, 3-5.

[83] Tv 39, 2.

[84] x. 1 Pr 5, 8.

[85] x. Ga 17, 9.

[86] x. Xh 17, 8tt; Ds 14, 10tt; Đnl 9, 18tt.

[87] x. Lc 22, 31-32.

[88] x. Lc 22, 31-32.

[89] x. Rm 1, 8tt; 1 Cr 1, 4tt; Pl 1, 3tt; Cl 1, 3tt; 1 Tx 1, 2tt; 2 Tx 2, 13tt; 2 Tx 1, 3tt; 2 Tm 1, 3tt; Pl 4tt.

[90] x. 2 Cr 4, 5b.

[91] x. Cl 1, 9-11.

[92] Cl 1, 9.

[93] nt.

[94] Cl 1, 10.

[95] x. Mt 7, 19.

[96] x. St 1, 11-12.

[97] Gl 6, 8.

[98] x. St 1, 11.

[99] x. Ds 14, 13tt.

[100] x. Tv 118, 32.

[101] x. 2 V 19, 7.

[102] x. 2 V 19, 5 và 7.

[103] x. 2 V 19, 5-7.

[104] x. 2 V 19, 7.

[105] x. 2 V 19, 8a.

[106] x. 2 V 19, 8b.

[107] x. 2 V 19, 9tt.

[108] x. G 1, 5.

[109] x. Mt 17, 21.

[110] x. Ga 16, 23-24.

[111] x. Gc 1, 5-7 và 4, 3.

[112] x. Mt 15, 14; Lc 6, 39.

[113] x. 1 Cr 12, 22tt.

[114] x. Gl 2, 20.

[115] Cl 3, 11.

[116] x. Mt 1, 18tt; 2, 13tt và 19tt.

[117] x. 1 Pr 1, 6-9 và 2 Pr 1, 19.

[118] x. Ed 13, 1-6 và 22, 28.

[119] x. Ed 13, 2.

[120] x. Xh 19tt.

[121] x. Ga 1, 9.

[122] Cv 2, 4.

[123] 1 Pr 4, 11.

[124] Ga 1, 3.

[125] x. Xh 19, 9.

[126] x. Xh 19, 9; Đnl 5, 4 và 22; 10, 4tt.

[127] x. Mc 9, 2tt; Mt 17, 1tt; Lc 9, 28tt.

[128] Cv 2, 4.

[129] Cv 6, 5.

[130] 1 Pr 4, 11.

[131] Mt 5, 48.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31