CHA PIÔ NGÔ PHÚC HẬU CHIA SẺ VỚI CÁC CHỦNG SINH ĐCV HUẾ VỀ ĐỀ TÀI TRUYỀN GIÁO

Written by xbvn on Tháng Năm 7th, 2014. Posted in Huế, Truyền giáo, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Trong tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua, cha Piô Ngô Phúc Hậu từ Hưng Hóa đã đến thăm Đại Chủng Viện Huế. Tại đây cha Piô có dịp gặp gỡ và chia sẻ với các chủng sinh về đề tài truyền giáo vào các buổi chiều thứ Sáu và thứ Bảy ngày 25 và 26/4/2014.

 Trong buổi chia sẻ chiều thứ Sáu, lấy lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huân Niềm Vui Của Tin Mừng, cha Piô đặc biệt nhấn mạnh đến sứ mạng “ra đi” của người Kitô hữu. Không phải ra đi trong tư cách cá nhân, mà tất cả các tổ chức và cả Giáo Hội cùng ra đi để Tin Mừng của Đức Giêsu được loan báo cho toàn thể nhân loại. Chân dung của một xứ đạo đích thực phải thực hiện đồng thời ba chức năng : 1- công tác mục vụ: tiếp tục loan báo Tin Mừng cho những người muốn nghe; 2- tái Phúc Âm hóa cho những người lãng quên và những người bỏ đạo; 3- đến với muôn dân: loan báo Tin Mừng cho người chưa biết. Tuy nhiên hầu hết các xứ đạo của chúng ta đều chỉ chú trọng đến chức năng thứ nhất, một chút lưu tâm đến chức năng thứ hai và gần như lãng quên chức năng thứ ba. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đã đến lúc phải đổi mới công tác mục vụ. Cha Piô đề nghị rằng cần phải chia đôi con số linh mục của một giáo phận, một nửa dành cho các họ đạo, một nửa dành cho lương dân. Chữ “ĐI” của người Kitô hữu phải được viết hoa. Phải “ĐI” để biết mình nên làm gì, làm thế nào và làm với ai.

 Vào chiều thứ Bảy, trong bài chia sẻ tiếp theo, cha Piô bày tỏ quan đểm rằng các họ đạo của chúng ta cần phải ra đi khỏi cái khung cố hữu của mình, đừng tự nhốt mình trong các cơ sở, các tổ chức hội đoàn nữa. Nhưng trong khi truyền giáo chúng ta có thể rao giảng điều gì? Cha Piô cho rằng để nói cho người khác biết về Thiên Chúa, ta đừng vội tranh luận với họ về những lập trường Giáo Hội. Trước hết, ta hãy trình bày cho họ về tình yêu. Yêu ai?

1-    Tình yêu đối với Thiên Chúa: đây không phải là một tình yêu sỡ hãi, kinh khiếp nhưng là tình yêu thương gần gũi của con cái đối với Thiên Chúa là Cha. Đó chính là tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy hơn là tình yêu theo cách diễn đạt của Cựu Ước.

2-    Yêu thương kẻ thù: đó là thái độ tha thứ, cầu nguyện cho những người thù ghét mình, một tình yêu vô điều kiện.

3-    Yêu thương những người không có cùng một niềm tin với mình: Người Kitô hữu có bổn phận yêu thương hết mọi người mà không có sự phân biệt.

4-    Yêu người tội lỗi: dù sống đức tin nhiệt thành đến mấy đi nữa, chúng ta vẫn là những kẻ tội lỗi. Vì thế, đừng bao giờ có thái độ chê ghét, tẩy chay người tội lỗi. Nhưng hãy thông cảm và nâng đỡ họ như thái độ của Chúa Giêsu trước người đàn bà ngoại tình.

 Sau bài chia sẻ của cha Piô, các tham dự viên đã chia thành nhiều nhóm để thảo luận về đề tài và đặt những câu hỏi thắc mắc cho cha Piô. Vì thời gian không có nhiều, cha Piô chỉ có thể trả lời một số rất ít các câu hỏi được nêu ra. Sau đây xin đơn cử một vài trong số đó.

1. Thưa cha, trong các buổi chia sẻ vừa qua, cha chỉ nói đến các thành công của cha trong việc truyền giáo mà không đề cập đến những thất bại. Vậy nếu gặp những thất bại không mong muốn cha giải quyết thế nào?

Cha Piô: Không có thất bại trong việc truyền giáo vì truyền giáo là công việc của Chúa Thánh Thần. Nếu có thất bại theo cái nhìn của con người thì đó là một bước Chúa chuẩn bị cho một thành công lớn, cũng như một ngôi nhà cũ cần được phá bỏ để nhường chỗ cho một căn nhà mới.

2. Cha có gặp khó khăn trong việc yêu thương và tha thứ cho kẻ thù không?

Cha Piô: Tôi không có kẻ thù. Với tôi, mọi người đều dễ thương. Tất cả mọi người đều là anh em của tôi. Nếu có những người ghét mình là tại họ hiểu lầm thôi. Họ đáng thương hơn đáng ghét. Tự thâm tâm, tôi không ghét ai cả.

3. Trước đây cha truyền giáo ở miền Nam và bây giờ cha làm việc ở miền Bắc, cha gặp khó khăn gì trong khi truyền giáo cho hai miền văn hóa khác nhau?

Cha Piô: Ở miền Nam người ta theo đạo dễ dàng hơn, vì mối ràng buộc truyền thống gia đình không khắt khe lắm. Ở miền Bắc quả là công việc truyền giáo có khó khăn hơn, nhưng khi thành công thì trúng lớn, được cả dòng họ, cả một vùng miền.

4. Cha có phương thức nào để mời gọi giáo dân cộng tác với mình trong việc truyền giáo?

Cha Piô: Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Bổn phận của giáo dân là truyền giáo. Người công giáo mà không truyền giáo thì không phải là người công giáo đích thực. Mình luôn khuyến khích giáo dân mời gọi lương dân đi dự lễ, và người dự tòng mời gọi bạn bè đi học đạo. Có những thánh lễ do mình cử hành, số người giáo dân tham dự là 400, còn số lương dân thì khoảng 600! Vì thế, dạy giáo dân truyền giáo là điều quan trọng nhất.

5. Đâu là phương thức truyền giáo của cha cho người trí thức và khá giả?

Cha Piô: Phương thức Nicôđêmô. Ông này không dám gặp Chúa Giêsu công khai, phải lén lút, nhưng khi Chúa chịu chết, các môn đệ chạy trốn, thì chính ông đã đến trình diện tổng trấn Philatô xin phép mai táng Chúa, và chính ông thực hiện điều đã xin.

6. Thưa cha, phải làm sao để có thể truyền giáo cho người đã theo một tôn giáo khác từ nhiều đời rồi?

Cha Piô: Phải truyền giáo bằng đối thoại, giao lưu. Đừng đối thoại bằng lý thuyết, lý luận. Nhưng giao lưu bằng cách cộng tác với nhau trong các công tác bác ái xã hội.

 Buổi trò chuyện kết thúc trong bầu không khí vui tươi và cả luyến tiếc. Cha Piô còn ở lại Đại Chủng Viện cho đến sáng thứ Hai 28/4/2014. Thời gian ở đây, cha luôn sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ với bất cứ ai muốn trò chuyện riêng với cha. Và sau cùng, cha hứa sẽ trở lại và ở lại lâu hơn nữa.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30