CHA ROBERTO PASOLINI: QUA VIỆC LÊN TRỜI, CHÚA GIÊSU MỜI GỌI CHÚNG TA TRỞ THÀNH CHỨNG NHÂN CỦA NGƯỜI

Written by xbvn on Tháng Tư 12th, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài giảng Mùa Chay cuối cùng của năm 2025, Cha Roberto Pasolini đã chọn suy niệm về những đoạn trong Tin Mừng sau biến cố Phục Sinh. Tập trung vào Lễ Chúa Lên Trời, vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng tin rằng các Kitô hữu được mời gọi trở thành “những nhân chứng và những người thúc đẩy một nhân loại mới, đi qua cánh cửa hẹp của Tình yêu Chúa Kitô”.

Bốn bài suy niệm được đề xuất vào các ngày thứ Sáu Mùa Chay này nhằm mục đích “giúp chúng ta neo giữ vững vàng trên mỏ neo của cuộc đời mình: Chúa Kitô”, Cha Roberto Pasolini giải thích và đồng thời muốn kết thúc chu kỳ này, từ phép rửa của Chúa Giêsu, cuộc đời công khai của Người và cuối cùng là sự phục sinh của Người, bằng một bài suy niệm dành cho sự Thăng Thiên của Người.

Thứ Sáu, ngày 11 tháng Tư, vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng bắt đầu bằng cách gợi lại cuộc trao đổi giữa Chúa Kitô phục sinh và Maria Mađalêna, gần ngôi mộ của Chúa Kitô. Maria Mađalêna lo lắng đến việc không còn thi thể Chúa Kitô, để ướp xác và trân trọng thi thể này, như bà đã trân trọng cuộc sống của mình trước cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Nhưng đối với Cha Pasolini, “khuynh hướng ướp xác người vắng mặt này cũng có thể trở thành một bệnh lý khiến trái tim chúng ta bị bệnh nặng, ngăn cản sự mở cửa trở lại, rất đau đớn nhưng rất cần thiết, mà chúng ta được kêu gọi sau mỗi lần chia ly.”

Tìm kiếm Chúa Kitô trong nhân loại

Quả thế, Maria Mađalêna không nhận ra Chúa Kitô ngay lập tức vì bà đang chìm trong đau buồn. Nhưng sau nhiều lần “quay lại” của Maria Mađalêna, được đề cập trong bài giáo lý gần đây của Đức Phanxicô, bà đã nhận ra Chúa Kitô, “Đấng gọi tên bà và nhìn vào mặt bà“.

Lúc đó, bà muốn giữ Chúa Kitô lại, nhưng Người đã ngăn cản bà làm như vậy: “Đừng giữ Thầy lại,” Người nói với bà (Ga 20, 17-18). Cha Pasolini nhấn mạnh: “Đây là cám dỗ cuối cùng và lớn nhất mà chúng ta có thể trải qua trước Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô: đó là ngăn cản quyền năng của Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành những tạo vật mới“.

Thay vì ở lại với Chúa Kitô phục sinh, Maria Mađalêna chạy đến với “anh chị em của mình”, như chúng ta phải làm để “tránh nguy cơ biến Lễ Phục Sinh thành một hình thức thờ ngẫu tượng tôn giáo“. Khi đảm nhận vai trò làm người, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta “tìm kiếm Người ở khắp mọi nơi như một thực tại sống động, đặc biệt là trong mầu nhiệm nhân loại của chúng ta“.

Kết hợp Trời và đất

Trước hàng chục thành viên của Giáo triều quy tụ tại Hội trường Phaolô VI ở Vatican, cũng như Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đang thực hiện cuộc hành hương Năm Thánh của mình hôm nay, cha Pasolini tiếp tục trình bày về mầu nhiệm Chúa Lên Trời. Nhìn lên bầu trời là dấu hiệu của bản tính tâm linh, của sự nâng cao tâm hồn trong khoa ảnh tượng truyền thống. Tuy nhiên, giống như các tông đồ ngước mắt lên trời và bị thiên thần chất vấn (“Sao các ông còn đứng đó nhìn lên trời?”, Công vụ Tông đồ 1, 9-11), cha Pasolini khuyến khích “không còn tìm kiếm Thiên Chúa trên cao nữa, nhưng hãy nhận ra vinh quang tình yêu của Người trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày”.

Vì vậy, “Việc Chúa Lên Trời có tác dụng đảo ngược hoàn toàn trật tự của mọi sự: đất và trời đổi vai trò cho nhau, Chúa Thánh Thần ngự trong những thực tại hữu hình, trong khi xác thịt con người bước vào những thực tại vô hình một cách dứt khoát, “để Thiên Chúa có thể trở nên mọi sự trong mọi người.” Bởi vì sau khi lên Trời, Chúa Giêsu hứa sẽ trở lại, một sự trở lại sẽ diễn ra “qua lời chứng sống động của con cái Thiên Chúa“.

“Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”

Sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó cho các tông đồ của Người là mang Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo, chứ không chỉ cho con người, như thánh Phanxicô đã rao giảng cho loài chim hay thánh Antôn đã rao giảng cho loài cá. Theo cha Pasolini, một viễn cảnh “thư thái” cho phép trước tiên “nhận ra và tôn trọng cuộc sống của người khác, trước khi hy vọng hoặc mang lại sự biến đổi cho cuộc sống đó“. Cha nói thêm: “Nếu chúng ta nhìn người khác như con người, quên đi cương vị nguyên thủy của họ là thụ tạo, thì chúng ta có thể dễ dàng phán xét và tự phụ với họ“.

Do đó, đây là “một cơ hội mới” cho Giáo hội, đó là “nhìn vào lịch sử của mỗi con người với sự khiêm nhường và tôn trọng“.

Cuối cùng, vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng đề cập đến lời loan báo “cho đến tận cùng trái đất“. Câu nói này không nên hiểu theo nghĩa chặt về không gian – thời gian, mà ngược lại, nó là lời khuyến khích “hãy cẩn thận và tôn trọng đi sâu vào trọng tâm của mỗi thân phận, chấp nhận sự phức tạp của nó“.

Kết luận, trong khi nghiên cứu khoa học được tiếp tục vì một cuộc sống trần thế kéo ngày càng lâu dài hơn, “Chúa Giêsu cho chúng ta thấy thật quý giá khi biết cách giã từ và giữ khoảng cách, để ở lại trong sự hiệp thông sâu xa và chân thực hơn.”

Tý Linh

(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30