“CHẤT XUÂN BÍCH” CHO HÔM NAY

Written by lcd on Tháng Hai 27th, 2015. Posted in Hội Linh Mục Xuân Bích - St Sulpice, Lm Lê Công Đức, Sư phạm Xuân Bích - Pédagogie, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

 Bắt đầu hiện diện ở đất nước này từ đầu thập niên 1930, và gần như ngay lập tức phải đương đầu với những biến động dồn dập của thời cuộc, nhưng Xuân Bích đã sớm tạo được một uy tín đáng nể trong sứ mạng đào tạo linh mục cho Giáo hội địa phương. Uy tín ấy được hàm chứa trong những cụm từ như “truyền thống Xuân Bích” hay “chất Xuân Bích” vẫn thường được nhắc đến không chỉ bởi các thành viên Xuân Bích Việt Nam mà nhất là bởi các cựu sinh viên Xuân Bích thuộc các thế hệ đầu, và bởi những người khác nữa. Cũng cần phải nói rằng uy tín Xuân Bích ấy phần lớn được kiến tạo bởi các cha Xuân Bích người Pháp trong khoảng bốn thập niên giai đoạn khai phá, trong đó một vài cá nhân – như Cha Pierre Gastine và các đồng sự – gần như đã trở thành huyền thoại trong ký ức các học trò của các ngài.

Mùa hè năm 2012, tôi có cơ hội tham dự cuộc họp mặt thường niên của các linh mục cựu sinh viên Xuân Bích tổ chức ở tòa giám mục Đà Lạt. Tôi ở lại chung phòng với một cha già gần 80 tuổi, gốc Bắc nhưng thuộc giáo phận Cần Thơ. Tôi nhớ mãi lời ngài tâm sự: “Cậu biết không, mình đã già, lại yếu và có vấn đề về tiểu đường, nhưng năm nào mình cũng cố gắng lặn lội từ Cần Thơ lên đây tham dự họp mặt, chỉ bởi vì mình vô cùng biết ơn các cố Xuân Bích ngày xưa.” Rồi ngài thêm: “Nói thật, những bài học triết học và thần học trên lớp mà các cố Xuân Bích giảng dạy thuở ấy thì bây giờ mình quên tuốt hết rồi; nhưng có một bài học mình chưa bao giờ quên, và sẽ còn nhớ mãi, đó là nhân cách, tấm lòng và gương sáng của các cố.”  

Những cảm nghiệm tương tự như trên – và cơ man những câu chuyện thú vị về lòng quan tâm và thái độ tận tụy của các ân sư thuở nào – thường được nghe kể rất nhiều mỗi khi các cựu sinh viên Xuân Bích gặp nhau. “Truyền thống Xuân Bích” ở Việt Nam là cái nằm trong những ký ức sống động như thế.

Sau năm 1975, do tình hình thời cuộc, Xuân Bích ở Việt Nam được hoàn toàn Việt Nam hóa, với sự rời đi bắt buộc của các Cha Xuân Bích người Pháp. Uy tín Xuân Bích nói trên dĩ nhiên là di sản tinh thần mà các linh mục Xuân Bích người Việt Nam tiếp nhận để tiếp tục bồi đắp, hay ít ra để gìn giữ. Nhưng hai thập niên sau 1975 là giai đoạn hết sức khó khăn của sứ mạng Xuân Bích tại đất nước này. Đó là giai đoạn “sứ mạng bất khả thi” theo đúng nghĩa đen của từ ngữ! Đã có lúc ngay cả sự tiếp tục tồn tại của Xuân Bích ở Việt Nam cũng là điều không chắc chắn, nói chi đến chuyện tài bồi truyền thống này nọ!

Rồi Đại chủng viện Huế được phép tái mở cửa vào năm 1994 và Xuân Bích Việt Nam được mời trở lại đám nhận công tác đào tạo tại chủng viện này. Đây quả thực là một cuộc hồi sinh sứ mạng Xuân Bích, nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhóm các linh mục Xuân Bích tiên phong trở lại với sứ vụ đào tạo ở Huế trong giai đoạn mới này đã xuất sắc đóng vai trò của mình trong việc ổn định mọi mặt đời sống và sinh hoạt của Đại chủng viện. Ê kíp này đã góp phần chủ yếu trong việc lấy lại đà cho sự hiện diện và cho sứ mạng của Xuân Bích Việt Nam nói chung. Kể từ đầu thập niên 2000, lần lượt các lớp sinh viên tốt nghiệp từ Đại chủng viện Huế được truyền chức linh mục, cho các giáo phận Huế, Đà Nẵng và Kontum. Việc liên lạc với tỉnh Xuân Bích Pháp và với Xuân Bích thế giới được nối lại và được tăng cường ngày càng hơn, sau một thời gian dài Xuân Bích Việt Nam gần như hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm ơn gọi Xuân Bích kế thừa cũng bắt đầu được quan tâm sau ngót hai mươi năm gián đoạn.  

Hiện nay, năm 2015, trong số mười hai thành viên của ban đào tạo Đại chủng viện Huế chỉ còn một thành viên của ê kíp thời 1994 còn sót lại. Nghĩa là trong mấy năm gần đây, cách nào đó, đã diễn ra một cuộc chuyển giao giữa hai nhóm thế hệ. Những khuôn mặt kỳ cựu lần lượt nghỉ hưu hay được Chúa gọi về, những khuôn mặt trẻ hơn lần lượt trám vào các lỗ hổng ấy. Rất may, xét về lượng thì cho đến nay việc “trám lỗ hổng” nói trên được thấy là vừa đủ, không thiếu không thừa.  

Còn xét về phẩm, thì nên nói thế nào đây? Rõ ràng đây là một câu chuyện khác, tùy thuộc tầm nhìn của mỗi người. Riêng mình, tôi xác tín hai điều. Một là, tôi tin rằng đã tới lúc để Xuân Bích Việt Nam tập trung quan tâm cải thiện phẩm chất của sự hiện diện và của sứ mạng của mình, tại Việt Nam nói chung và tại Đại chủng viện Huế nói riêng, nhất là khi mà các công việc tái thiết và xây dựng thêm cơ sở tại chủng viện sẽ được cơ bản hoàn tất trước cuối năm học này. Hai là, tôi xác tín rằng phẩm chất của sự hiện diện và của sứ mạng Xuân Bích ở Việt Nam vốn đã được đặt nền và được định hướng sẵn rồi, nơi cái uy tín chứa đựng trong các thành ngữ “truyền thống Xuân Bích” hay “chất Xuân Bích” từng có sức gợi lên biết bao niềm yêu mến và trân trọng của các cựu sinh viên thuộc các thế hệ đầu tiên. Các thành viên Xuân Bích Việt Nam hôm nay được kỳ vọng kích hoạt lại “truyền thống Xuân Bích” hay “chất Xuân Bích” ấy, thích nghi nó với các hoàn cảnh mới và các nhu cầu mới của xã hội và Giáo hội.  

Công cuộc kích hoạt lại và thích nghi “truyền thống Xuân Bích” hiện nay hẳn sẽ nhận sân khấu chính của nó không đâu khác hơn là Đại chủng viện Huế. Tôi nghĩ đến một số các lý do sau đây:

 

– vì có đến hơn một nửa số thành viên Xuân Bích Việt Nam hiện đang thi hành sứ vụ của mình trong ban đào tạo của Đại chủng viện Huế;

– vì không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới hiện nay, Đại chủng viện Huế dường như là chủng viện duy nhất có thể được gọi là “chủng viện Xuân Bích” với nghĩa đầy đủ nhất, bởi đây là nơi duy nhất mà 100% thành viên của ban đào tạo là Xuân Bích; 

– vì năm học tới (2015-2016), Đại chủng viện Huế sẽ đạt mức ổn định về con số tối đa các lớp hiện diện (7 lớp, với gần 200 chủng sinh), với cơ sở hạ tầng sẽ tương đối đủ đáp ứng cho con số tối đa ấy, giám đốc và các thành viên trong ban đào tạo sẽ không còn bị chi phối nhiều bởi mối lo về cơ sở hạ tầng để có thể toàn tâm toàn ý cho công tác đào tạo hơn;

– vì Xuân Bích không thể hài lòng duy chỉ với con số các linh mục mà mình đào tạo được cho các giáo phận, thí dụ con số xấp xỉ 200 linh mục thống kê được trong 20 năm qua (các chủng viện khác ở Việt Nam hiển nhiên cũng có các con số như vậy, hay ngay cả cao hơn vậy!); điều quan trọng là các nhà đào tạo Xuân Bích sẽ sống căn tính Xuân Bích và làm sứ mạng đào tạo của mình như thế nào để đem lại cho Giáo hội địa phương những mục tử đích thực như lòng Chúa mong ước.  

 

Tóm lại, nếu giai đoạn 40 năm qua của Xuân Bích Việt Nam được thấy có hai chặng rõ rệt (chặng 1975-1994 ba chìm bảy nổi, rồi chặng 1994-2015 hồi sinh và củng cố), thì tôi tin rằng thời điểm hiện nay đang mở ra một chặng khác, trong đó các thành viên Xuân Bích Việt Nam – đặc biệt tại ĐCV Huế – sẽ tận lực phát huy di sản “chất Xuân Bích” của mình. Nghĩa là, bằng một cách thế vừa trung thành vừa sáng tạo, chúng ta không chỉ tưởng nhớ về một uy tín của thời hoàng kim nào đó, mà là làm cho có thực cách sống động uy tín ấy hiện nay – dĩ nhiên không phải như một cứu cánh, mà đúng hơn như một phương tiện để phục vụ cho cứu cánh đích thực của sứ mạng Xuân Bích vốn đã được Cha Olier xác định từ thuở ban đầu: “Thánh hóa các linh mục để thánh hóa dân Thiên Chúa!   

 Giuse Lê Công Đức, PSS.

(27.02.2015)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31