CHRISTUS VIVIT – CHUONG II
CHƯƠNG HAI
ĐỨC GIÊSU MÃI MÃI TRẺ TRUNG
- Đức Giêsu là “người trẻ ở giữa những người trẻ để làm gương mẫu cho người trẻ và để thánh hiến họ cho Chúa”. [3] Vì thế Thượng hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và đầy sức truyền cảm hứng trong đời, chính Đức Giêsu đã trải nghiệm giai đoạn này và đã thánh hóa nó”. [4]
Tuổi trẻ của Đức Giêsu
- Chúa “trút linh hồn” (x. Mt 27,50) trên thập giá khi Người chỉ mới ngoài ba mươi (x. Lc 3,23). Thật quan trọng việc nhận ra rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người trao mạng sống khi Người ở độ tuổi mà ngày nay gọi là ‘giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành’. Người bắt đầu sứ mạng công khai ở giai đoạn tràn đầy sinh lực nhất, và xuất hiện như “một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16), ánh sáng này sẽ chiếu soi rực rỡ nhất khi cuối cùng Người hiến trao mạng sống. Sự kết thúc ấy không phải là một cái gì ngẫu nhiên xảy ra; đúng hơn, tất cả tuổi trẻ của Người, trong mọi khoảnh khắc, đã là một sự chuẩn bị quí giá cho hồi kết cục ấy. “Mọi sự trong đời sống của Đức Giêsu đều là một dấu chỉ mầu nhiệm của Người”; [5] thật vậy, “toàn thể đời sống Đức Giêsu là một mầu nhiệm cứu độ”. [6]
- Tin Mừng không kể gì cho chúng ta về thuở ấu thời của Đức Giêsu, nhưng có tường thuật vài biến cố vào giai đoạn thiếu niên và thanh niên của Người. Matthêu đặt thời thanh niên của Chúa vào giữa hai biến cố: việc gia đình Người trở về Nadarét sau chuyến đi tha phương, và sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan, tức lúc bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Những hình ảnh cuối cùng chúng ta có về trẻ Giêsu là những hình ảnh của một cậu bé tị nạn ở Ai-cập (x. Mt 2,14-15) và hồi hương tại Nadarét (x. Mt 2,19-23). Hình ảnh đầu tiên ta có về Đức Giêsu như một người đã vào tuổi trưởng thành, đó là hình ảnh Người đứng giữa đám đông trên bờ sông Gio-đan để được người anh họ là Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho, giống như mọi người khác trong dân chúng (x. Mt 3,13-17).
- Không giống Phép Rửa của chúng ta là Phép Rửa đưa ta vào đời sống ân sủng, Phép Rửa mà Đức Giêsu chịu là một sự thánh hiến trước khi Người đi vào sứ mạng lớn lao của cuộc đời Người. Tin Mừng nói rằng trong biến cố Phép Rửa ấy, Chúa Cha rất hoan hỉ và hài lòng: “Con là Con yêu dấu của Ta” (Lc 3,22). Ngay lập tức Đức Giêsu được thấy đầy tràn Thánh Thần, và Người được Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Ở đó Người sửa soạn để xúc tiến việc rao giảng và thực hiện các phép lạ, đem lại sự tự do và sự chữa lành (x. Lc 4,1-14). Mọi người trẻ cảm nhận mình được kêu gọi nhận lãnh một sứ mạng trong thế giới này cũng được mời gọi nghe Chúa Cha nói cùng những lời ấy trong tâm hồn mình: “Con là con yêu dấu của Ta”.
- Giữa hai trình thuật trên, chúng ta tìm thấy một trình thuật khác giới thiệu Đức Giêsu ở tuổi thiếu niên, khi Người cùng với cha mẹ mình trở về Nadarét sau biến cố lạc mất và tìm thấy trong Đền thờ (x. Lc 2,41-51). Ở đây chúng ta đọc thấy rằng “Người vâng lời cha mẹ” (x. Lc 2,51); Người không phủ nhận gia đình mình. Rồi Luca thêm rằng Giêsu “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,52). Tóm lại, đây là một thời gian chuẩn bị, trong đó Đức Giêsu lớn lên trong tương quan với Cha và với tha nhân. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Đức Giêsu không chỉ lớn lên về thể lý, mà còn “có một sự trưởng thành tâm linh nơi Đức Giêsu nữa”, vì “sự sung mãn của ân sủng nơi Đức Giêsu tương ứng với độ tuổi của Người: luôn có một sự sung mãn, nhưng đó là một sự sung mãn tăng trưởng khi Người lớn lên”. [7]
- Từ những gì Tin Mừng nói với chúng ta, ta có thể nói rằng trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu “rèn luyện”, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Cha. Tuổi thiếu niên và thanh niên của Đức Giêsu đặt Người trên nẻo đường sứ mạng cao cả ấy.
- Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, Đức Giêsu tương quan với Chúa Cha như người Con yêu dấu. Gắn bó với Cha, Người lớn lên trong thao thức về các công việc của Cha: “Bố mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Tuy nhiên, không được nghĩ rằng Giêsu là một thiếu niên cô lập hay một thanh niên chỉ quan tâm đến mình. Các mối tương quan của Người cũng giống như một người trẻ hoàn toàn tham gia vào đời sống của gia đình và đồng bào mình. Người học việc với cha, và rồi thay cha ở xưởng thợ mộc. Tin Mừng có chỗ đề cập rằng Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và một chỗ khác đơn giản gọi Người là “chàng thợ mộc” (Mc 6,3). Chi tiết ấy cho thấy rằng Người là một chàng trai như mọi chàng trai khác trong thôn xóm, và Người liên hệ bình thường với mọi người. Không ai xem Người như một nhân vật bất thường hay tách rời khỏi những người khác. Chính vì vậy, khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy, người ta không thể hình dung bởi đâu mà Người có được sự khôn ngoan ấy: “Đây không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22).
- Thật vậy, “Giêsu đã không lớn lên trong một mối tương quan khép kín ngột ngạt với Maria và Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, với những người thân và bạn hữu của cha mẹ mình”. [8] Chính vì thế mà ta có thể hiểu tại sao khi trở về từ chuyến hành hương Giêrusalem, cha mẹ Người cứ đinh ninh rằng đứa con mười hai tuổi của mình (x. Lc 2,42) đang lang thang đâu đó giữa đám đông, ngay cả dù hai vị đã không nhìn thấy con mình suốt cả ngày hôm ấy – “nghĩ rằng con mình đang đi với nhóm khách hành hương, các ngài đã đi một ngày đường” (Lc 2,44). Chắc hẳn, các ngài hình dung rằng Giêsu đang ở đâu đó, đang lẩn giữa những người khác, đang chơi đùa với những đứa trẻ khác, đang nghe những người lớn kể chuyện, đang chia sẻ những chuyện vui buồn của những người đồng hành. Quả thực, từ Hy lạp “synodía” mà Luca dùng để mô tả nhóm người ở đây rõ ràng gợi nghĩ đến một “cộng đoàn hành hương” lớn hơn, mà Thánh Gia là một thành phần trong đó. Chính nhờ sự tin tưởng của cha mẹ mà Giêsu có thể đi đứng tự do và học biết cùng bước đi với những người khác.
Chúng ta học từ tuổi trẻ của Đức Giêsu
- Những khía cạnh này trong đời sống của Đức Giêsu rõ ràng có thể truyền cảm hứng cho tất cả các bạn trẻ đang lớn lên và sửa soạn đảm nhận sứ mạng của mình trong đời. Điều này đòi hỏi việc lớn lên trong mối tương quan với Chúa Cha, trong ý thức mình là thành phần của một gia đình và một dân tộc, trong sự mở lòng ra để được lấp đầy bởi Thánh Thần và được hướng dẫn để thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho mình, tức ơn gọi riêng của mình. Không được bỏ qua điểm nào ở đây khi làm việc mục vụ giới trẻ, nhằm tránh việc lập ra những dự án gây tách biệt người trẻ khỏi gia đình và khỏi cộng đoàn rộng lớn hơn, hoặc biến họ thành một thiểu số ưu tuyển được bảo vệ khỏi mọi sự uế nhiễm. Đúng hơn, chúng ta cần những dự án có thể kiện cường các bạn trẻ, đồng hành với họ và thúc đẩy họ gặp gỡ những người khác, dấn thân vào những việc phục vụ quảng đại trong sứ mạng.
- Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu không dạy các con từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ chính trong tuổi trẻ của các con, một tuổi trẻ mà Người cùng kinh nghiệm với các con. Thật quan trọng việc các con chiêm ngắm chàng trai Giêsu như được giới thiệu trong các Sách Tin Mừng, vì Người thực sự là một giữa các con, và Người chia sẻ nhiều nét trong tâm hồn trẻ trung của các con. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều này trong nhận định sau đây: “Đức Giêsu tin tưởng vào Cha một cách vô điều kiện; Người giữ tình thân hữu với các môn đệ, và ngay cả trong những thời khắc khủng hoảng Người vẫn trung thành với họ. Người tỏ lòng thương cảm sâu xa đối với những người yếu đuối nhất, đặc biệt những người nghèo, người đau ốm, người tội lỗi và những kẻ bị loại trừ. Người có can đảm để đương đầu với các quyền bính chính trị và tôn giáo thời ấy; Người hiểu thế nào là bị hiểu lầm và bị tẩy chay; Người kinh nghiệm nỗi sợ trước đau khồ và Người biết sự chênh vênh trong cuộc khổ nạn. Người hướng nhìn tương lai, phó thác chính mình trong vòng tay che chở của Cha và trong sức mạnh của Thánh Thần. Nơi Đức Giêsu, mọi người trẻ có thể nhìn thấy chính mình”. [9]
- Đàng khác, Đức Giêsu đã Phục Sinh, và Người muốn đưa chúng ta vào tham dự trong sự sống mới của cuộc Phục Sinh ấy. Người là nét thanh xuân đích thực của một thế giới đang già đi, thanh xuân của một vũ trụ đang chờ “sinh nở” (Rm 8,22), để được phủ trùm bởi ánh sáng của Người và được sống sự sống của Người. Có Người bên mình, chúng ta có thể uống từ nguồn mạch đích thực có sức làm sống động mọi giấc mơ của chúng ta, mọi kế hoạch và mọi lý tưởng cao cả của chúng ta, đồng thời chúng ta được thúc đẩy rao giảng về điều làm cho đời sống thực sự có ý nghĩa. Hai chi tiết thú vị trong Tin Mừng Máccô cho thấy cách mà những người sống lại với Đức Kitô Phục Sinh được mời gọi sống tuổi trẻ đích thực. Trong cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta thấy một thanh niên muốn đi theo Đức Giêsu, nhưng vì sợ hãi nên đã vứt áo bỏ chạy trần truồng (x. 14,51-52); anh ta thiếu sức mạnh để đương đầu với mọi sự khi theo Chúa. Trong khi đó tại ngôi mồ trống, chúng ta thấy một thanh niên khác, “mặc áo trắng” (16,5), bảo các phụ nữ đừng sợ nhưng hãy loan báo niềm vui Phục Sinh (x. 16,6-7).
- Chúa đang kêu gọi chúng ta thắp lên những ánh sao trong đêm tối của các bạn trẻ khác. Người đề nghị các con hướng nhìn những ánh sao đích thực, tức tất cả những dấu hiệu đủ loại mà Người trao cho để dẫn đường chúng ta, và bắt chước người nông dân xem sao trên trời trước khi đi cày ruộng. Thiên Chúa thắp sáng các ánh sao để giúp chúng ta bước đi: “Sao chiếu sáng nơi trạm canh của chúng; Ngài gọi chúng và chúng vui mừng” (Br 3,34-35). Chính Đức Kitô là ánh sáng hy vọng rạng ngời của chúng ta và là người dẫn đường chúng ta trong đêm tối, vì Người là “sao mai chiếu rạng” (Kh 22,16).
Nét trẻ của Giáo hội
- Tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn thời gian; nó là một dạng tâm thức. Đó là lý do tại sao một cơ chế cổ truyền như Giáo hội có thể kinh nghiệm sự đổi mới và trở về tình trạng tươi trẻ tại những thời khắc khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình. Thật vậy, vào những giai đoạn kịch tính nhất trong lịch sử của mình, Giáo hội cảm thấy được gọi hết lòng trở về với tình yêu thuở ban đầu. Nhắc đến sự thật này, Công đồng Vatican II ghi nhận rằng “được nên phong phú nhờ một lịch sử lâu dài và sống động, trong khi tiến tới hướng về sự hoàn thành của con người trong thời gian và hướng về những định mệnh cuối cùng của lịch sử và của đời sống, Giáo hội thực sự là tuổi xuân của thế giới”. Nơi Giáo hội, người ta luôn luôn có thể gặp gỡ Đức Kitô, Đấng là “người đồng hành và là bạn của giới trẻ”. [10]
Một Giáo hội luôn sẵn sàng canh tân
- Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi những kẻ muốn làm cho Giáo hội già nua, giam Giáo hội trong quá khứ, kéo Giáo hội giật lùi hay giữ Giáo hội đứng khựng lại. Nhưng chúng ta cũng phải xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi một cám dỗ khác: cám dỗ nghĩ rằng Giáo hội trẻ trung nhờ ở việc chấp nhận mọi thứ mà thế giới này mời chào, nghĩ rằng Giáo hội được đổi mới nhờ ở việc gạt bỏ sứ điệp của mình và hành động giống như mọi người khác. Không! Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội là chính mình, khi Giáo hội luôn luôn đón nhận năng lực từ Lời Chúa, Thánh Thể, từ sự hiện diện hằng ngày của Đức Kitô và từ sức mạnh của Thánh Thần Đức Kitô trong đời sống chúng ta. Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội cho thấy mình có khả năng không ngừng trở về nguồn.
- Đương nhiên, trong tư cách là thành viên của Giáo hội, chúng ta không được đứng tách rời khỏi những người khác. Mọi người phải nhìn thấy chúng ta là bạn hữu, láng giềng của họ, như các tông đồ “hoan hỉ với thiện chí của mọi người” (Cv 2,47; x. 4,21; 5,13). Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải dám khác biệt, dám hướng chỉ những lý tưởng khác với những lý tưởng của thế gian này, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, nhẫn nại, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, cầu nguyện, theo đuổi công lý và thiện ích chung, yêu thương người nghèo và tình thân hữu với mọi người.
- Giáo hội của Đức Kitô luôn luôn có nguy cơ nhượng bộ cho cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, vì không còn nghe tiếng Chúa gọi mình chấp nhận sự mạo hiểm của đức tin và trao hiến tất cả mà không ngại nguy hiểm; Giáo hội có thể bị cám dỗ để quay lại tìm kiếm một dạng an toàn giả tạo của thế gian. Người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung. Họ có thể ngăn Giáo hội khỏi tha hóa; họ có thể giữ Giáo hội tiến về phía trước, đề phòng cho Giáo hội khỏi kiêu căng và bè phái, giúp Giáo hội nên nghèo khó hơn và nêu chứng tá tốt hơn, biết đứng về phía người nghèo và những người bị bỏ rơi, biết chiến đấu cho công lý và khiêm tốn chấp nhận thách đố. Người trẻ có thể cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách canh tân khả năng của Giáo hội để “hoan hỉ với những sự bắt đầu mới, để hoàn toàn trao hiến chính mình, để được đổi mới và để luôn lên đường hướng đến những thành quả lớn hơn nữa”. [11]
- Những ai trong chúng ta không còn trẻ nữa thì cần phải tìm cách gần gũi với những tiếng nói và những mối quan tâm của người trẻ. “Việc sáp lại gần nhau sẽ tạo điều kiện cho Giáo hội trở thành một nơi chốn của đối thoại và trao chứng tá về tình huynh đệ quên mình”. [12] Chúng ta cần dành nhiều chỗ hơn nữa cho tiếng nói của người trẻ được lắng nghe: “Việc lắng nghe giúp người ta có thể trao đổi các ân ban trong một bối cảnh thấu cảm nhau… Đồng thời, nó tạo điều kiện để việc rao giảng Tin Mừng có thể chạm đến trái tim người ta một cách thực sự, mạnh mẽ và sinh hoa trái”. [13]
Một Giáo hội chú ý đến các dấu chỉ của thời đại
- “Dù đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo hội dường như là những từ ngữ trống rỗng, thì họ vẫn nhạy cảm trước hình ảnh Đức Giêsu khi Người được giới thiệu cho họ một cách lôi cuốn và hữu hiệu”. [14] Vì thế, Giáo hội không nên quá loay hoay với chính mình, mà thay vào đó, và trước hết, cần phải phản ảnh Đức Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa cần khiêm nhường nhìn nhận rằng một số điều phải được thay đổi cách cụ thể, và để thay đổi như vậy thì Giáo hội cần trân trọng cả tầm nhìn lẫn những phê bình của người trẻ.
- Thượng hội đồng nhận thấy rằng “khá nhiều người trẻ, vì rất nhiều lý do, không hề kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội, vì họ chẳng thấy Giáo hội có ý nghĩa gì cho cuộc sống của họ. Một số ngay cả công khai yêu cầu rằng hãy để mặc họ, vì họ thấy sự hiện diện của Giáo hội như một cái gì phiền toái, thậm chí gây dị ứng. Yêu cầu này không phải luôn luôn do bồng bột bức xúc. Nó có thể có những lý do hẳn hoi: như những vụ tai tiếng về tình dục và tiền bạc; như một hàng giáo sĩ chưa được chuẩn bị tốt để xử lý cách hữu hiệu trước các xúc cảm của giới trẻ; như việc thiếu chuẩn bị cho bài giảng, cho việc trình bày lời Chúa; như người trẻ trong cộng đoàn Kitô hữu chỉ được trao cho vai trò thụ động; như việc Giáo hội gặp khó khăn khi giải thích giáo thuyết và các quan điểm đạo đức của mình cho xã hội hiện đại”. [15]
- Mặc dù nhiều người trẻ vui mừng nhìn thấy một Giáo hội khiêm nhường nhưng tin tưởng vào các ân ban nhận được, và họ có thể đưa ra những phê bình thích đáng trong tình huynh đệ, nhưng nhiều người khác thì muốn một Giáo hội biết lắng nghe hơn, biết làm nhiều hơn là duy chỉ lên án thế giới. Họ không muốn nhìn thấy một Giáo hội thinh lặng và sợ lên tiếng, nhưng cũng không phải là một Giáo hội chỉ chăm chăm vật lộn với hai hay ba vấn đề. Để được người trẻ tin cậy, có những lúc Giáo hội cần lấy lại sự khiêm nhường của mình và biết lắng nghe, nhìn nhận rằng những điều người ta nói có thể cung cấp ánh sáng nào đó giúp mình hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Giáo hội luôn luôn phòng thủ, đánh mất sự khiêm nhường và không còn biết lắng nghe, không chừa chỗ cho những chất vấn, thì Giáo hội ấy đánh mất sự trẻ trung của mình và hóa thành một viện bảo tàng. Như vậy, làm sao Giáo hội có thể đáp ứng những giấc mơ của người trẻ? Cho dù Giáo hội sở hữu sự thật của Tin Mừng, thì điều đó không có nghĩa rằng Giáo hội nắm hiểu trọn vẹn Tin Mừng ấy; đúng hơn, Giáo hội được mời gọi lớn lên mãi trong việc nắm hiểu kho báu vô tận này. [16]
- Chẳng hạn, một Giáo hội quá lo sợ và quá trói buộc mình vào các cơ cấu có thể khư khư dị ứng với các nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ, và lúc nào cũng chỉ ra những nguy hiểm và những sai lầm tiềm ẩn trong các yêu cầu đó. Trái lại, một Giáo hội sống động có thể phản ứng bằng việc lưu tâm đến các yêu cầu của những phụ nữ muốn tìm kiếm sự công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn ngược về lịch sử và nhận ra phần trách nhiệm của mình trong chủ nghĩa nam giới chuyên quyền thống trị, trong những hình thức khác nhau của nô lệ hóa, lạm dụng và bạo lực giới tính. Với cái nhìn này, Giáo hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và mạnh mẽ hỗ trợ cho sự tương nhượng nhiều hơn nữa giữa nam và nữ, trong khi vẫn không nhắm mắt đồng thuận với mọi điều mà một số nhóm nữ quyền nêu ra. Trong tinh thần này, Thượng hội đồng muốn xác nhận lại rằng Giáo hội cam kết “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực liên quan đến giới tính”. [17] Đó là lời đáp trả của một Giáo hội vẫn tiếp tục trẻ trung, chấp nhận bị thách thức, và được thúc đẩy bởi các cảm xúc của người trẻ.
Maria, người phụ nữ trẻ ở Nadarét
- Đức Maria chiếu sáng ở con tim Giáo hội. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Giáo hội trẻ trung muốn đi theo Đức Kitô với nhiệt tâm và sự mềm mỏng. Khi còn rất trẻ, Maria đã đón nhận thông điệp của thiên sứ, ngài không sợ nêu ra các câu hỏi (x. Lc 1,34). Với trái tim và tâm hồn rộng mở, ngài đáp: “Này đây, tôi là nữ tỳ của Đức Chúa” (Lc 1,38).
- “Chúng ta mãi còn kinh ngạc trước sức mạnh của tiếng ‘xin vâng’ nơi cô gái trẻ Maria, sức mạnh trong lời thưa ‘hãy thực hiện điều đó’ mà Maria nói với vị thiên sứ. Đây không phải là sự chấp nhận thuần túy thụ động hay bị bắt buộc, hay một tiếng ‘vâng’ vu vơ, kiểu như nói: ‘Ờ, thì ta cứ thử xem sao’. Maria không nói như vậy, không ‘cứ thử xem sao’. Ngài rất kiên quyết; ngài ý thức cái giá phải trả, và ngài nói ‘xin vâng’ không chút do dự. Đây là tiếng ‘xin vâng’ của một người đã sẵn sàng dấn thân, một người sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cược tất cả những gì mình có, mà không có gì chắc chắn hơn ngoài việc biết rằng mình nhận một lời hứa. Vì vậy cha muốn hỏi mỗi người trong các con: Các con có thấy mình là người mang một lời hứa không? Lời hứa nào đang có trong lòng tôi mà tôi có thể nhận lấy? Sứ mạng của Đức Maria hẳn là không dễ dàng, nhưng các thách đố phía trước không phải là lý do để thoái thác. Mọi sự dĩ nhiên sẽ rất phức tạp, nhưng không giống như trường hợp sự nhút nhát làm tê liệt chúng ta do nghĩ rằng chẳng có gì được thấy rõ ràng hay chắc chắn. Maria không mua bảo hiểm! Ngài mạo hiểm, và vì thế ngài rất mạnh mẽ, ngài là một ‘người tác động’, ‘người tác động’ của Thiên Chúa. Tiếng ‘xin vâng’ của Maria và lòng khát khao phục vụ của ngài thì mạnh hơn bất cứ sự nghi ngờ hay khó khăn nào”. [18]
- Không lẩn tránh cũng không ảo tưởng, “Maria sát cánh bên đau khổ của Con mình; ngài nâng đỡ Con bằng ánh mắt nhìn và che chở Con bằng trái tim. Ngài chia sẻ đau khổ của Con, nhưng không bị đè bẹp bởi đau khổ ấy. Maria là người phụ nữ mạnh mẽ thưa tiếng ‘xin vâng’, là người nâng đỡ và đồng hành, bao bọc và che chở. Ngài là người canh giữ xuất sắc niềm hy vọng… Chúng ta học từ ngài để biết nói ‘vâng’ với sự kiên nhẫn bất khuất và năng lực sáng tạo của những ai luôn kiên cường sẵn sàng bắt đầu lại”. [19]
- Maria là một phụ nữ trẻ với tâm hồn tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngài – phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần – nhìn đời sống với đức tin và lưu giữ mọi sự trong trái tim trẻ trung của ngài (x. Lc 2,19.51). Ngài năng động, sẵn sàng mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình. Ngài không loay hoay với các kế hoạch riêng của mình, nhưng ra đi “vội vã” đến miền đồi núi ấy (Lc 1,39).
- Khi đứa con bé bỏng của mình cần sự bảo vệ, Maria trẩy đi cùng với Giuse đến một xứ sở xa xôi (x. Mt 2,13-14). Ngài cũng có mặt với các môn đệ khi chờ đợi được tuôn đổ Thánh Thần (x. Cv 1,14). Trong sự hiện diện của ngài, một Giáo hội trẻ trung được khai sinh, khi các tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x. Cv 2,4-11).
- Ngày nay, Đức Maria là Mẹ chăm sóc chúng ta, con cái ngài, trên hành trình cuộc đời vốn thường gặp mệt mỏi và quẫn bách, lo sao để ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Vì đó là ước vọng của chúng ta: ước mong ánh sáng hy vọng không bao giờ lụi tàn. Đức Maria, Mẹ chúng ta, coi sóc đoàn dân lữ hành này: một dân non trẻ mà ngài yêu thương, một dân kiếm tìm ngài trong cõi tâm an tĩnh của mình ở giữa muôn náo động, giữa những tiếng nói huyên thiên và những chia trí trong cuộc hành trình. Nhưng dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ có sự thinh lặng lấp đầy hy vọng. Vì thế Đức Maria không ngừng soi sáng tuổi trẻ của chúng ta.
Các thánh trẻ
- Giữa lòng Giáo hội có rất nhiều vị thánh trẻ, những người dâng hiến đời mình cho Đức Kitô, đến mức nhiều người trong đó nhận cái chết tuẫn đạo. Các ngài là những phản ảnh quí giá của Đức Kitô trẻ trung; chứng tá sáng ngời của các ngài khích lệ và đánh thức chúng ta khỏi cơn mê. Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng “nhiều vị thánh trẻ đã cho phép các nét trẻ trung chiếu sáng trong tất cả vẻ đẹp của chúng, và trong cuộc sống của mình, các ngài đã thực sự là những ngôn sứ đem lại sự thay đổi. Mẫu gương của các ngài cho thấy rõ những gì mà người trẻ có thể làm, một khi họ mở lòng ra sẵn sàng gặp gỡ Đức Kitô”. [20]
- “Xuyên qua sự thánh thiện của người trẻ, Giáo hội có thể làm tươi trẻ lại lòng sốt mến thiêng liêng và khí thế tông đồ của mình. Dầu thơm thánh thiện lấy từ đời sống tốt lành của vô số người trẻ có thể chữa lành các vết thương của Giáo hội và của thế giới, đưa chúng ta trở về với sự viên mãn của tình yêu mà ta luôn luôn được mời gọi: Các thánh trẻ thôi thúc chúng ta lấy lại tình yêu thuở ban đầu (x. Kh 2,4)”. [21] Một số vị thánh đã không bao giờ đạt tới độ tuổi trưởng thành, nhưng các ngài cho chúng ta thấy rằng có một cách khác nữa để sống tuổi trẻ của chúng ta. Ta hãy nhìn lại ít nhất một số vị thánh qua dòng lịch sử, mỗi người một cách, đã sống đời thánh thiện:
- Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Sebastianô là một chỉ huy trẻ của Đội Cận Vệ Hoàng Đế. Người ta kể rằng ngài thường xuyên nói về Đức Kitô và cố gắng giúp các đồng đội mình trở lại đạo, đến mức ngài bị truyền lệnh phải bỏ đức tin của mình. Từ chối tuân lệnh ấy, ngài bị bắn nhiều mũi tên, nhưng ngài sống sót và vẫn tiếp tục bình tĩnh rao giảng về Đức Kitô. Cuối cùng, Sebastianô bị đánh đòn cho đến chết.
- Thánh Phanxicô Assisi, khi còn rất trẻ với đầy những giấc mơ lớn, đã nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi trở nên nghèo khó như Người và cải tổ Giáo hội bằng chứng tá đời sống. Ngài đã hân hoan từ bỏ mọi sự, và nay trở thành vị thánh của tình huynh đệ đại đồng, trở thành anh em của mọi người. Ngài ca ngợi Chúa vì công trình tạo dựng của Chúa. Phanxicô qua đời năm 1226.
- Thánh Jeanne d’Arc sinh năm 1412. Ngài là một thiếu nữ nông dân, nhưng bất chấp tuổi đời non nớt, ngài đã chiến đấu bảo vệ nước Pháp khỏi ngoại xâm. Bị hiểu lầm về cách ứng xử, cách hành động và cách sống đức tin của mình, Jeanne bị thiêu một cách dã man.
- Chân phước Anrê Phú Yên là một thanh niên Việt Nam vào thế kỷ 17. Ngài là một giảng viên giáo lý và là trợ tá của các vị thừa sai. Ngài bị tống giam vì đức tin, và vì cương quyết không từ bỏ đức tin, ngài đã bị giết. Anrê chết trong lúc đang kêu Danh Thánh Giêsu.
- Trong cùng thế kỷ ấy, Thánh Kateri Tekakwitha, một cô gái trẻ thổ dân Bắc Mỹ, bị bách hại vì đức tin của mình và trốn thoát, đã đi bộ hơn ba trăm cây số trong vùng hoang địa. Kateri đã hiến mạng mình cho Thiên Chúa, và khi chết ngài thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”
- Thánh Đaminh Saviô phó dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria. Khi Thánh Gioan Bosco dạy ngài rằng sự thánh thiện đòi hỏi phải luôn vui tươi, ngài đã mở lòng mình cho một niềm vui đầy sức lan tỏa. Ngài muốn gần gũi các bạn trẻ yếu ớt và côi cút nhất của mình. Đaminh qua đời năm 1857, ở tuổi mười bốn, với lời này: “Ôi, con đang cảm nhận một điều kỳ diệu biết bao!”
- Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Khi mười lăm tuổi, ngài đã vượt qua rất nhiều khó khăn, ngài thành công trong việc gia nhập tu viện Cát Minh. Têrêsa sống con đường nhỏ, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Chúa, và quyết tâm dùng lời cầu nguyện của mình để thổi ngọn lửa tình yêu bùng cháy lên giữa lòng Hội Thánh.
- Chân phước Ceferino Namuncurá là một chàng trai Argentina, con trai của thủ lãnh một bộ tộc thổ dân vùng xa. Ngài trở thành một chủng sinh Salêdiên, tràn ngập khát vọng trở về bộ tộc của mình, mang Đức Giêsu Kitô đến cho họ. Ceferino mất năm 1905.
- Chân phước Isidore Bakanja là một giáo dân Congo đã làm chứng cho đức tin của mình. Ngài bị hành hạ kéo dài vì đã giới thiệu Kitô giáo cho các bạn trẻ khác. Tha thứ cho kẻ hành hình mình, Isidore mất năm 1909.
- Chân phước Pier Giorgio Frassati, mất năm 1925, “là một thanh niên đầy ắp niềm vui có sức cuốn hút mọi sự, một niềm vui cũng có sức vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời ngài”. [22] Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mà ngài lãnh nhận khi rước lễ, bằng cách viếng thăm và giúp đỡ người nghèo.
- Chân phước Marcel Callo là một thanh niên Pháp qua đời năm 1945. Marcel bị giam trong một trại tập trung ở Áo, ở đó ngài đã củng cố các bạn tù của mình trong đức tin, giữa cảnh lao động khổ sai khắc nghiệt.
- Chân phước trẻ Chiara Badano, mất năm 1990, “đã kinh nghiệm bằng cách nào nỗi đớn đau có thể được biến đổi bởi tình yêu… Bí quyết để bình an và vui tươi chính là việc ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa và đón nhận căn bệnh của mình như một diễn tả nhiệm mầu thánh ý Chúa, vì ơn ích cho mình và cho người khác”. [23]
- Nguyện xin các vị ấy, và rất nhiều vị khác có lẽ âm thầm sống triệt để Tin Mừng, chuyển cầu cho Giáo hội để Giáo hội có đầy những người trẻ vui tươi, can đảm và nhiệt tâm dấn thân, những người có thể cống hiến cho thế giới những chứng từ mới về sự thánh thiện.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?