CHRISTUS VIVIT – CHUONG VII

Written by lcd on Tháng Tư 13th, 2019. Posted in Thế Giới

Lm Le Cong Duc, PSS., dich

CHƯƠNG BẢY  

 

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

 

 

  1. Việc mục vụ giới trẻ, như được làm trong truyền thống, đã bị chi phối rất nhiều bởi những thay đổi xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không tìm thấy trong các chương trình thông thường của chúng ta sự đáp ứng các mối quan tâm, các nhu cầu, các khó khăn và các vấn đề của họ. Sự lan rộng và phát triển của các nhóm và các phong trào chủ yếu gắn với người trẻ có thể được coi như công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng chỉ cho chúng ta những nẻo đường mới. Dù vậy, vẫn cần phải xem xét những cách thức mà các nhóm ấy tham dự vào toàn cảnh mục vụ của Giáo hội, cũng như cần có sự hiệp thông nhiều hơn giữa các nhóm, và sự phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ. Mặc dù việc tiếp cận giới trẻ không bao giờ dễ dàng, có hai khía cạnh đã được thấy ngày càng rõ: sự ý thức rằng toàn thể cộng đoàn phải liên can vào công cuộc Phúc âm hóa người trẻ, và yêu cầu khẩn thiết rằng người trẻ phải đảm nhận một vai trò quan trọng hơn trong khung cảnh mục vụ.

 

Việc săn sóc mục vụ có tính liên hợp

  1. Tôi muốn tuyên bố rõ rằng chính người trẻ là tác nhân của sứ vụ giới trẻ. Chắc chắn họ cần được trợ giúp và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng cần được tự do phát triển các phương thức mới, với tính sáng tạo và với sự táo bạo nào đó. Vì thế ở đây tôi sẽ không cố gắng nêu ra một loại cẩm nang cho sứ vụ giới trẻ hay một hướng dẫn mục vụ thực hành. Tôi quan tâm nhiều hơn về việc giúp người trẻ sử dụng nhận thức, năng khiếu và sự hiểu biết của họ để tiếp cận những vấn đề và những mối ưu tư của các bạn trẻ khác bằng chính ngôn ngữ của họ.
  2. Người trẻ thúc đẩy chúng ta nhìn thấy nhu cầu cần phải có những phong cách và những chiến lược mới. Chẳng hạn, trong khi người lớn thường lo lắng sao cho mọi sự được lên kế hoạch chính xác, với những cuộc họp định kỳ và những thời gian cố định, thì đa số người trẻ ngày nay không quan tâm mấy đến kiểu tiếp cận mục vụ này. Mục vụ giới trẻ cần trở nên uyển chuyển hơn: Mời người trẻ đến các sự kiện hay các dịp cung ứng cơ hội không chỉ cho việc học hỏi, nhưng còn để chuyện trò, ăn mừng, ca hát, lắng nghe những chuyện thực và kinh nghiệm việc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống cùng với nhau.
  3. Đồng thời, chúng ta cần xem xét kỹ hơn những thực hành được thấy là có giá trị – những phương pháp, ngôn ngữ và những mục tiêu tỏ ra hữu hiệu trong việc đem người trẻ đến với Đức Kitô và Giáo hội. Dù họ đến từ đâu hay được gán nhãn hiệu gì, “bảo thủ” hay “tự do”, “truyền thống” hay “tiến bộ”. Điều quan trọng là chúng ta vận dụng những gì đã phát huy hiệu quả và đã chuyển thông hữu hiệu niềm vui Tin Mừng.
  4. Mục vụ giới trẻ phải có tính liên hợp; nó phải liên can đến một “hành trình cùng nhau”, với sự trân trọng “các đặc sủng Thánh Thần ban cho, phù hợp với ơn gọi và vai trò của mỗi thành phần trong Giáo hội, xuyên qua một tiến trình đồng trách nhiệm… Được thúc đẩy bởi tinh thần này, chúng ta có thể tiến tới một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng trân trọng tính đa dạng phong phú của mình, hân hoan đón nhận những đóng góp của người tín hữu giáo dân, gồm những người trẻ và các phụ nữ, những người thánh hiến, cũng như các nhóm, các hiệp hội và các phong trào. Không ai bị loại trừ, cũng không ai tự loại trừ chính mình”. [111]
  5. Bằng cách này, qua việc học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể phản ảnh tốt hơn cái thực tại đa diện kỳ diệu mà Giáo hội của Đức Kitô được dự phóng trở thành. Giáo hội phải có thể thu hút người trẻ, vì sự hiệp nhất của Giáo hội không cứng ngắt, nhưng đúng hơn đó là một mạng lưới các ân ban mà Thánh Thần không ngừng tuôn đổ trên Giáo hội, để đổi mới Giáo hội và nâng Giáo hội lên khỏi sự nghèo nàn của mình.
  6. Tại Thượng hội đồng, nhiều đề nghị cụ thể được nêu lên liên quan đến việc đổi mới mục vụ giới trẻ, và việc giải phóng nó khỏi những cách thức không còn hiệu quả do bởi thiếu khả năng đối thoại với nền văn hóa của giới trẻ thời nay. Dĩ nhiên, tôi không thể liệt kê tất cả ở đây. Một số đề nghị có thể được tìm thấy trong Tài liệu Chung kết của Thượng hội đồng.

 

Các hoạt động chính yếu

  1. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mục vụ giới trẻ liên hệ đến hai hoạt động chính. Một là vươn ra, là phương cách mà chúng ta thu hút người trẻ đến với một kinh nghiệm về Chúa. Hai là phát triển, tức phương cách mà chúng ta giúp những người vốn đã có kinh nghiệm đó, để họ trưởng thành hơn.
  2. Về việc vươn ra, tôi tin tưởng rằng người trẻ biết cách nào tốt nhất để qui tụ với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện, các cuộc thi đấu thể thao, và những cách để loan báo Tin Mừng xuyên qua truyền thông xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những hình thức khác. Họ chỉ cần được khuyến khích và được tự do để hăng hái Phúc âm hóa các bạn trẻ khác bất cứ nơi nào họ gặp. Khi sứ điệp được giới thiệu lần đầu tiên, có thể trong một cuộc tĩnh tâm giới trẻ, hay một cuộc trò chuyện trong quán bar, vào dịp nghỉ lễ ở trường học, hay bất cứ cách thức kỳ diệu nào của Thiên Chúa, thì sứ điệp ấy có thể đánh thức một kinh nghiệm đức tin sâu xa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, đó là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống của sứ điệp trên mảnh đất màu mỡ là trái tim của một bạn trẻ khác.
  3. Trong sự vươn ra này, trước hết chúng ta cần dùng ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, liên đới và hiện sinh, có sức chạm đến trái tim, tác động đến đời sống, đánh thức những khát khao và hy vọng. Người trẻ cần được tiếp cận qua ngả yêu thương, chứ không phải qua thuyết pháp. Người trẻ hiểu thứ ngôn ngữ của những ai phát tỏa sức sống, những ai ở đó với họ và cho họ – và những ai, vì tất cả những giới hạn và yếu đuối của mình, cố gắng sống đức tin của mình một cách đúng đắn hơn. Chúng ta cũng phải suy nghĩ thêm về những cách thế để đưa lời rao giảng tiên khởi (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.
  4. Về việc phát triển, tôi muốn nêu một điểm quan trọng. Tại một số nơi, người ta thấy người trẻ được trợ giúp để có kinh nghiệm rõ nét hơn về Thiên Chúa, để có sự gặp gỡ Đức Giêsu vốn có sức chạm đến trái tim họ. Nhưng rồi bước tiếp theo chỉ là một loạt các buổi “huấn luyện”, với các bài nói chuyện về các vấn đề tín lý và luân lý, về những sự xấu xa trong thế giới ngày nay, về Giáo hội, học thuyết xã hội của Giáo hội, về khiết tịnh, hôn nhân, kiểm soát sinh sản, vân vân… Kết quả là nhiều người trẻ trở nên chán chường, họ đánh mất ngọn lửa của việc gặp gỡ Đức Kitô và đánh mất niềm vui của việc đi theo Người; nhiều người rút lui, nhiều người khác trở thành thất vọng hay tiêu cực. Thay vì quá quan tâm đến việc truyền thụ một mớ giáo thuyết, trước hết chúng ta hãy thử đánh thức và gia cố những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Theo cách nói của Romano Guardii: “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn… thì mọi sự khác sẽ trở thành một phần của tình yêu ấy”. [112]
  5. Bất cứ dự án giáo dục hay con đường phát triển nào cho người trẻ dĩ nhiên cũng phải bao gồm việc huấn luyện về giáo lý và luân lý Kitô giáo. Cũng thật quan trọng để ghi nhận rằng nó có hai mục tiêu. Một là sự khai triển lời rao giảng tiên khởi (kerygma), tức kinh nghiệm nền tảng về việc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và trong phục vụ.
  6. Đây là điều tôi đã nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), thiển nghĩ đáng nhắc lại ở đây. Sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng trong mục vụ giới trẻ “lời rao giảng tiên khởi cần mở đường cho một sự huấn luyện được cho là ‘vững chắc’ hơn! Không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, có ý nghĩa và chất chứa khôn ngoan hơn lời rao giảng khởi đầu ấy. Tất cả nền huấn luyện Kitô giáo cốt ở việc đi sâu hơn vào kerygma” [113] và làm cho nó đi vào máu thịt mình ngày càng hơn trong cuộc sống của mình. Vì thế, việc mục vụ giới trẻ luôn phải bao gồm những cơ hội để làm mới lại và đào sâu kinh nghiệm cá nhân về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô hằng sống. Nó có thể làm điều này bằng những cách khác nhau: bằng chứng từ, bằng những bài hát, những khoảnh khắc tôn thờ, bằng việc suy niệm Lời Chúa, và ngay cả bằng việc sử dụng mạng xã hội một cách trí tuệ. Tuy nhiên, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị này về sự gặp gỡ Chúa bằng một loại “tuyên giáo” nào đó.
  7. Mặt khác, mọi chương trình mục vụ giới trẻ cần phải hội nhập cách rõ rệt những phương tiện và những nguồn lực khác nhau có thể giúp người trẻ lớn lên trong tình huynh đệ, sống như anh chị em với nhau, trợ giúp nhau, xây dựng cộng đoàn, sẵn sàng phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), là “sự chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10) và là cách tuyệt hảo để chúng ta diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa, thì nó phải chiếm chỗ thứ nhất trong mọi dự án huấn luyện giới trẻ và mọi tiến trình trưởng thành.

 

Các môi trường thích hợp

  1. Chúng ta cần làm cho tất cả các cơ chế của chúng ta được trang bị tốt hơn, để trở nên hấp dẫn hơn đối với người trẻ, vì thực sự rất nhiều người có cảm giác bị bỏ côi cút. Ở đây tôi không qui chiếu đến những vấn đề gia đình, nhưng là muốn nói đến một kinh nghiệm nào đó của các chàng trai và các cô gái, của người trẻ và người trưởng thành, của các bậc cha mẹ và các con cái. Đối với tất cả những kinh nghiệm ‘mồ côi’ này – có lẽ bao gồm cả chúng ta – thì các cộng đoàn như giáo xứ hay trường học nên cung ứng các cơ hội để người ta cảm nghiệm tình yêu vị tha và sự triển nở, sự khẳng định chính mình và trưởng thành. Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy họ đã kế thừa những giấc mơ bất thành của cha mẹ và ông bà, những giấc mơ bị phản bội do bất công, do bạo lực xã hội, do ích kỷ và thiếu quan tâm đến người khác. Nói tắt, họ cảm thấy bị bật rễ. Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tan hoang, sẽ rất khó để họ giữ sống động được ngọn lửa của những giấc mơ và những kế hoạch lớn. Nếu họ lớn lên trong một sa mạc trống rỗng ý nghĩa, thì làm sao họ nuôi dưỡng được một khát vọng dâng hiến đời mình để gieo các hạt giống? Kinh nghiệm về sự đứt đoạn, sự trốc rễ và sự sụp đổ những điểm tựa nền tảng – được nhấn thêm bởi nền văn hóa truyền thông ngày nay – gây ra một cảm thức mồ côi sâu xa, mà chúng ta phải đáp ứng bằng cách tạo lập một môi trường huynh đệ có sức lôi cuốn, ở đó những người ta có thể sống có định hướng.
  2. Nói tóm, dựng một “mái nhà” là dựng một “gia đình”. “Đó là học cảm nhận mình được nối kết với người khác bằng những mối gắn kết không chỉ thực dụng và vị lợi, nhưng là được kết hợp sao cho mình cảm thức đời sống của mình có tính nhân văn hơn. Dựng một mái nhà là cho phép giấc mơ thành hiện thực, và làm cho đời sống thường ngày của ta bớt lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập các mối gắn kết bằng những việc đơn giản hằng ngày mà ai cũng có thể làm. Như tất cả chúng ta đều biết, một mái nhà giả thiết mọi người cùng làm việc với nhau. Không ai bị thờ ơ hay đứng ngoài, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng mái nhà ấy. Điều này cũng giả thiết phải cầu xin Chúa ban ơn sủng để ta học biết kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, và bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi phải tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy, cần bao nhiêu thì cung ứng bấy nhiêu. Việc tạo lập những mối gắn kết đòi phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày qua sự kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách mà phép lạ xảy ra: Chúng ta cảm thấy rằng ở đây mình được sinh lại, ở đây tất cả chúng ta được sinh lại, bởi vì chúng ta cảm nhận sự nưng niu của Thiên Chúa giúp ta có thể mơ về một thế giới đầy tình người hơn, và do đó cũng là một thế giới thuộc về Thiên Chúa nhiều hơn”. [114]
  3. Trong tinh thần này, các cơ chế của chúng ta cần phải cung cấp cho người trẻ những nơi chốn mà họ xem như của mình, họ có thể thoải mái đến và đi, cảm thấy nồng nhiệt và sẵn sàng gặp gỡ các bạn trẻ khác, khi gặp khó khăn chán nản hay khi vui mừng hân hoan. Một số nơi chốn như vậy đang có sẵn tại các nguyện đường nhỏ và các trung tâm của giới trẻ, thường cung cấp một khung cảnh thoải mái và thân thiện giúp tình huynh đệ triển nở, nơi mà các chàng trai và các cô gái có thể gặp nhau, họ có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc, trò chơi, thể thao, cũng như suy niệm và cầu nguyện. Tại những nơi như thế, người ta có thể được cung ứng nhiều thứ mà không phải chi trả quá nhiều. Cũng vậy, có thể có sự tiếp xúc cá nhân, là điều thiết yếu để chuyển trao sứ điệp – nó không thể được thay thế bởi bất cứ qui trình hay sách lược mục vụ nào.
  4. “Sự giao lưu thân hữu, thường diễn ra bên trong những nhóm ít nhiều có tính cơ cấu, cung ứng cơ hội để củng cố các kỹ năng xã hội và tương quan, trong một bối cảnh mà người ta không bị săm soi hay phán xét. Kinh nghiệm nhóm cũng là một cơ hội lớn cho việc chia sẻ đức tin và trợ giúp nhau để trao chứng tá. Người trẻ có thể hướng dẫn các bạn trẻ khác, và thi hành một việc tông đồ đích thực giữa các bạn hữu của mình”. [115]
  5. Điều ấy không có nghĩa rằng họ phải trở thành cô lập và đánh mất mọi tiếp xúc với các cộng đoàn của giáo xứ, các phong trào và các tổ chức khác trong Giáo hội. Nhưng họ sẽ được hội nhập tốt hơn vào các cộng đoàn mở ra cho họ, sống đức tin của mình, thao thức tỏa chiếu Đức Kitô, vui tươi, tự do, đầy tình huynh đệ và tinh thần dấn thân. Những cộng đoàn này có thể là những khung cảnh giúp họ cảm thấy rằng mình có thể vun xới những mối quan hệ đáng quí.

 

Mục vụ giới trẻ trong các môi trường giáo dục

  1. Các trường học rõ ràng là môi trường thuận tiện để tiếp cận thiếu nhi và giới trẻ. Chính vì trường học là nơi chốn ưu việt cho sự phát triển con người, nên cộng đoàn Kitô hữu luôn quan tâm việc đào tạo các thầy cô và những người quản lý, cũng như thành lập các trường của mình thuộc nhiều cấp loại khác nhau. Trong lãnh vực giáo dục giới trẻ này, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy vô số đặc sủng và mẫu gương thánh thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta lưu ý đến kết quả về mặt ‘mục vụ vươn ra’ của nó, thì các trường cũng cần biết tự kiểm điểm, bởi nhiều khi các trường tập chú vào một kiểu dạy đạo chẳng có mấy khả năng nuôi dưỡng các kinh nghiệm đức tin vững vàng. Một số trường học Công giáo dường như được cấu trúc chỉ nhằm bảo tồn chính mình. Nỗi sợ thay đổi làm cho các trường ấy thiên về phòng thủ trước các nguy cơ (cả nguy cơ thực lẫn tưởng tượng) mà bất cứ sự thay đổi nào đó có thể mang đến. Trường học mà trở thành một “lô-cốt”, che chắn các học sinh của mình khỏi những sai trái “từ bên ngoài”, đó là một biếm họa cho xu hướng này. Tuy nhiên, hình ảnh lô-cốt ấy phản ảnh một cách lạnh lùng điều mà nhiều người trẻ kinh nghiệm khi họ tốt nghiệp từ một số cơ sở giáo dục: Có một khoảng cách ngàn trùng giữa những gì họ được dạy và thế giới họ đang sống. Cách mà họ được hướng dẫn về các giá trị tôn giáo và luân lý đã không giúp họ chống đỡ chúng trong một thế giới chế nhạo chúng, họ cũng không học những cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững được giữa nhịp sống gấp rút của xã hội hôm nay. Thật vậy, một trong những niềm vui lớn nhất của nhà giáo dục là nhìn thấy học sinh của mình trở nên một con người mạnh mẽ, thống nhất, một người tác động và có khả năng trao hiến.
  2. Các trường học Công giáo vẫn là những nơi chốn chính yếu của việc loan báo Tin Mừng cho người trẻ. Cần phải lưu tâm đến một số nguyên tắc hướng dẫn được giới thiệu trong Tông hiến Veritatis Gaudium về việc phục hồi và canh tân sứ mạng vươn ra của các trường học. Những nguyên tắc này bao gồm một kinh nghiệm sống động về lời rao giảng tiên khởi (kerygma), về sự đối thoại rộng rãi, về những phương thức có tính liên ngành và giao ngành (cross-disciplinary), về sự cổ súy một nền văn hóa gặp gỡ, về tính khẩn thiết phải kiến tạo các mạng lưới, và về sự chọn lựa phục vụ những người hèn mọn nhất, những người bị xã hội ruồng bỏ. [116] Cũng quan trọng tương tự, đó là khả năng hội nhập tri thức của đầu óc, của trái tim, và của đôi tay.
  3. Đàng khác, chúng ta không thể phân biệt việc đào tạo văn hóa và tâm linh. Giáo hội vẫn luôn cố gắng tìm cách cung cấp cho người trẻ nền giáo dục tốt nhất có thể. Và Giáo hội sẽ tiếp tục làm thế, vì giới trẻ có quyền được như vậy. “Ngày nay, quyền có được giáo dục tốt trước hết có nghĩa là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là sự hiểu biết có tính nhân văn và thăng tiến nhân bản. Rất thường chúng ta bị chi phối bởi những lối sống hời hợt và tầm thường lôi kéo chúng ta theo đuổi sự thành công rẻ tiền, ngại hy sinh và tiêm nhiễm cái ý tưởng rằng giáo dục không còn cần thiết trừ phi nó đem lại hiệu quả cụ thể ngay lập tức. Không, giáo dục dạy ta biết chất vấn, ngăn ngừa ta khỏi bị ru ngủ bởi cái tầm thường trống rỗng, và thúc đẩy ta tìm kiếm ý nghĩa trong đời. Chúng ta cần khẳng định cái quyền không bị lung lạc bởi nhiều thứ quyến rũ ngày nay kéo ta ra khỏi cuộc tìm kiếm này. Ulysses, để không bị ám bởi bài ca quyến rũ đã mê hoặc các thủy thủ của mình và làm họ đập đầu vào đá, đã tự trói mình vào cột buồm và bảo các bạn đồng hành bịt kín tai mình. Orpheus, đàng khác, đã đương đầu với bài ca quyến rũ kia bằng một cách khác: anh đã hát lên một giai điệu hay hơn và có sức mê hoặc cả giọng ca kia. Vì thế, thách đố cho chúng ta, đó là đáp lại những điệp khúc què quặt của trào lưu tiêu thụ về văn hóa bằng những quyết định thận trọng và chín chắn, với sự khảo sát, hiểu biết và chia sẻ”. [117]

 

Các lãnh vực cần phát triển

  1. Nhiều người trẻ đã biết trân trọng sự thinh lặng và sự gần gũi với Chúa. Ngày càng có nhiều nhóm tập trung với nhau để tôn thờ Thánh Thể hoặc cầu nguyện dựa trên lời Chúa. Chúng ta không được xem thường khả năng của người trẻ đối với việc cầu nguyện chiêm niệm. Chỉ cần tìm ra những cách và những phương tiện thích hợp để giúp họ đi vào kinh nghiệm quí báu này. Liên quan đến việc tôn thờ và cầu nguyện, “trong nhiều khung cảnh, các bạn trẻ Công giáo đang mong muốn việc cầu nguyện và cử hành bí tích có thể nối kết với đời sống hằng ngày của mình xuyên qua một phụng vụ sống động, chân thực và đầy niềm vui”. [118] Thật quan trọng việc tận dụng những thời khắc đặc biệt của năm Phụng vụ, nhất là Tuần Thánh, lễ Hiện Xuống và lễ Giáng Sinh. Nhưng những dịp lễ khác cũng có thể là dịp nghỉ thú vị trong nhịp sống đều đặn thường ngày, giúp họ kinh nghiệm niềm vui của đức tin.
  2. Những việc phục vụ của Kitô hữu là một cơ hội độc đáo để lớn lên và mở ra đón nhận quà tặng đức tin và đức ái Chúa ban. Nhiều người trẻ được thu hút bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo. Thường việc phục vụ này là bước đầu tiên giúp khám phá hoặc tái khám phá đời sống trong Đức Kitô và trong Giáo hội. Nhiều người trẻ trở nên mệt mỏi với các chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng của chúng ta, và đôi khi họ yêu cầu cơ hội để tham gia tích cực vào các hoạt động giúp ích người khác.
  3. Chúng ta cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của nghệ thuật, như kịch nghệ, hội họa, và những thể loại khác. “Âm nhạc có tầm quan trọng cách riêng, bởi đây vốn là môi trường mà thực tế người trẻ thường xuyên ngụp lặn trong đó, đây cũng là một văn hóa và một ngôn ngữ có khả năng khơi trào cảm xúc và kiến tạo căn tính. Ngôn ngữ của âm nhạc cũng là một nguồn lực mục vụ, với mối liên hệ cách riêng đến phụng vụ và sự canh tân phụng vụ”. [119] Sinh hoạt ca hát có thể là một lực đẩy quan trọng đối với người trẻ khi họ tìm hướng đi trong đời. Như Thánh Augustinô nói: “Hãy ca hát, nhưng tiến bước. Đừng uể oải, hãy ca vang, đường đi sẽ thú vị hơn. Hãy ca hát, và tiến bước… Nếu bạn tiến tới, bạn tiếp tục hành trình, nhưng hãy bảo đảm rằng sự tiến bộ nằm ở nhân đức, ở tin đúng và sống tốt. Vậy hãy ca hát, nhưng luôn tiến bước…”. [120]
  4. “Cũng quan trọng không kém, đó là cảm hứng của người trẻ đối với thể thao; Giáo hội không nên đánh giá thấp tiềm năng của thể thao trong việc giáo dục và đào tạo, thay vào đó, hãy giữ một sự hiện diện vững chắc trong lãnh vực này. Thế giới thể thao cần được giúp để vượt qua một số khía cạnh có vấn đề của nó, như việc thần tượng hóa các nhà vô địch, sự chao đảo trước các mối lợi thương mại, và thứ ý thức hệ tìm thành công bằng mọi giá”. [121] Ở trung tâm của kinh nghiệm về thể thao là “niềm vui”: niềm vui tập luyện, niềm vui qui tụ với nhau, niềm vui sống và đón nhận những quà tặng mà Đấng Sáng Tạo ban cho chúng ta mỗi ngày”. [122] Một vài Giáo phụ dùng ví dụ về việc huấn luyện các lực sĩ để khích lệ người trẻ phát triển sức mạnh của mình và vượt qua sự chây ì và chán chường. Thánh Basiliô Cả, viết cho người trẻ, đã lấy sự nỗ lực mà các lực sĩ phải có để minh họa giá trị của hy sinh xét như phương thế để lớn lên trong nhân đức: “Các chàng trai ấy phải chịu khổ vô kể, họ dùng nhiều cách để tăng cường sức mạnh của mình, họ đẫm mồ hôi khi tập luyện… Nói tóm, họ tuân thủ kỷ luật bản thân nghiêm ngặt đến nỗi đời sống của họ trước cuộc thi đấu hoàn toàn là một sự chuẩn bị cho nó… Chúng ta đã được hứa phần thuởng dồi dào và tuyệt diệu đến mức không lưỡi nào tả được, vậy làm sao chúng ta có thể nghĩ về việc thắng các giải thuởng ấy nếu chúng ta chẳng làm gì ngoài việc tiêu phí đời mình trong nhàn rỗi và chỉ làm việc cách hời hợt nửa vời?” [123]
  5. Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn nhiều thanh thiếu niên nhận ra nhu cầu phải quan tâm chăm sóc môi trường. Đây là trường hợp của phong trào hướng đạo và các nhóm khác muốn khích lệ sự gần gũi thiên nhiên, khuyến khích những chuyến cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và những chiến dịch cải thiện môi trường. Trong tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, những kinh nghiệm này có thể là một khởi điểm thực sự cho trường học sống tình huynh đệ phổ quát và cho cầu nguyện chiêm niệm.
  6. Những cơ hội này, và nhiều cơ hội khác nữa cho việc Phúc âm hóa giới trẻ, không được làm chúng ta quên rằng bất chấp sự thay đổi của thời thế và của các cảm thức nơi giới trẻ, có những quà tặng của Thiên Chúa không bao giờ cũ đi, vì chúng chứa đựng một năng lực vượt trên thời gian và không gian. Đó là lời Chúa, luôn sống động và hữu hiệu, đó là sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể, và bí tích Hòa giải, đem lại cho chúng ta tự do và sức mạnh. Chúng ta cũng có thể đề cập những kho tàng thiêng liêng bất tận được Giáo hội gìn giữ trong chứng tá của các thánh và trong giáo huấn của các bậc thầy linh đạo có thế giá. Mặc dù chúng ta phải tôn trọng các giai đoạn khác nhau của tiến trình trưởng thành, và có những lúc cần phải kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp, chúng ta không thể không mời gọi các bạn trẻ đến uống từ những nguồn mạch này của sự sống mới. Chúng ta không có quyền tước khỏi họ những điều tuyệt hảo này.

 

Mục vụ giới trẻ “đại chúng”

  1. Bên cạnh sứ vụ mục vụ thông thường, được lập trình chặt chẽ, mà các giáo xứ và các phong trào thực hiện, cũng quan trọng việc dành chỗ cho một sứ vụ giới trẻ có tính “đại chúng”, với một phong cách, chương trình, nhịp độ và phương pháp mới. Nó mở rộng hơn và uyển chuyển hơn, nó mở ra đến với những nơi mà người trẻ thực tế đang tác động, và nó thúc đẩy những phẩm chất lãnh đạo tự nhiên cũng như những đặc sủng được Chúa Thánh Thần gieo vãi. Nó cố gắng tránh áp đặt các chướng ngại, các qui tắc, các sự kiểm soát và những cơ cấu bắt buộc trên các tín hữu trẻ vốn là những người lãnh đạo tự nhiên trong khu xóm của họ và trong các khung cảnh khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn vào Chúa Thánh Thần, Đấng hành động như Ngài muốn.
  2. Chúng ta đang nói về những người lãnh đạo có tính “đại chúng” thực sự, không phải những thành phần ưu tú hay những người đóng kín trong các nhóm nhỏ được chọn lọc. Để có thể kiến tạo một sứ vụ “đại chúng” cho giới trẻ, “họ cần học biết lắng nghe cảm thức của dân chúng, trở thành người phát ngôn cho dân chúng và làm việc phục vụ cho sự thăng tiến dân chúng”. [124] Khi chúng ta nói về “dân chúng”, chúng ta không đang nói về những cơ cấu xã hội hay Giáo hội, nhưng về tất cả những con người đang bước đi, không phải như những cá nhân riêng rẽ mà như một cộng đoàn gắn bó chặt chẽ, bao gồm mọi người và cho mọi người, một cộng đoàn không chấp nhận bỏ người nghèo và những người yếu đuối lại phía sau. “Dân chúng muốn mọi người chia sẻ trong thiện ích chung và vì thế chấp nhận bước theo nhịp của các thành viên bé nhỏ nhất của mình, để mọi người có thể cùng đi đến nơi”. [125] Những người lãnh đạo “đại chúng”, vì thế, là những người có thể làm cho mọi người – bao gồm người nghèo, những người yếu đuối, những người bị thương tích – cùng tham dự vào nhịp bước đi tới của người trẻ. Họ không lẩn tránh hay sợ những người trẻ đã từng kinh nghiệm thương tổn hay đã mang vác gánh nặng của thập giá.
  3. Cũng vậy, nhất là đối với những người trẻ không đến từ các gia đình hay các cơ chế Kitô hữu và đang chậm chạp trong trưởng thành, chúng ta phải khích lệ tất cả những gì tốt đẹp có thể. [126] Đức Kitô cảnh giác chúng ta đừng chỉ nhìn thấy hạt giống tốt (x. Mt 13,24-30). Có những lúc, trong cố gắng phát triển một sứ vụ giới trẻ tinh thuần và hoàn hảo, được đánh dấu bởi những ý tưởng hoàn hảo, được bảo vệ khỏi thế gian và được giữ khỏi mọi nhược điểm, chúng ta có thể biến Tin Mừng thành một lời tuyên bố mù mờ, vô nghĩa và chán ngắt. Một sứ vụ giới trẻ như vậy rốt cục sẽ hoàn toàn bị rứt khỏi thế giới người trẻ, và chỉ phù hợp với một thành phần người trẻ Kitô giáo ưu tú tự xem mình như khác biệt, trong khi sống trong một sự cô lập trống rỗng và không có năng lực sinh sản. Khi tẩy chay các hạt giống, chúng ta cũng làm trốc rễ hay làm ngạt các mầm chồi đang cố gắng vươn lên bất chấp những giới hạn của chúng.
  4. Thay vì “áp lên người trẻ một mớ luật lệ, làm cho Kitô giáo bị thất đoạt và nặng tính nệ luật, chúng ta được mời gọi vận dụng sự gan dạ của họ và hướng dẫn họ đảm nhận các trách nhiệm của mình, trong ý thức rằng lầm lỗi, thất bại và khủng hoảng là những kinh nghiệm có thể giúp họ phát triển lòng nhân”. [127]
  5. Thượng hội đồng mời gọi phát triển một sứ vụ giới trẻ có tính bao gồm, có chỗ cho mọi tầng lớp người trẻ, cho thấy rằng chúng ta là một Giáo hội mở rộng cửa. Người ta cũng không phải chấp nhận tất cả các giáo huấn của Giáo hội thì mới được tham dự vào một số hoạt động giới trẻ của chúng ta. Chỉ cần mở ra cho tất cả những ai khát khao và sẵn sàng gặp gỡ chân lý mặc khải của Thiên Chúa. Một số hoạt động mục vụ của chúng ta giả định rằng một hành trình đức tin vốn đã bắt đầu, nhưng chúng ta cần một sứ vụ giới trẻ “đại chúng” có thể mở cửa và dành chỗ cho mọi người, với những nghi nan và chán nản của họ, những vấn đề, những cố gắng tìm kiếm căn tính, những lỗi lầm trong quá khứ, những kinh nghiệm tội lỗi và tất cả các nỗi khó của họ.
  6. Cũng cần dành chỗ cho “tất cả những ai có cái nhìn khác về cuộc sống, những người thuộc các tôn giáo khác hay những ai tự tách mình ra khỏi mọi tôn giáo. Tất cả mọi người trẻ, không trừ ai, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa, và vì thế họ ở trong trái tim của Giáo hội. Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng tuyên bố này trên môi miệng chúng ta không luôn luôn được thể hiện trong các hoạt động mục vụ: Chúng ta thường vẫn đóng kín trong các khung cảnh của mình, nơi mà tiếng nói của họ không vào được, hoặc giả chúng ta miệt mài với những sinh hoạt dễ dàng hơn và thích thú hơn, kìm nén cái thao thức mục vụ lành mạnh thúc đẩy mình đi ra khỏi tình trạng được cho là an toàn của mình. Tin Mừng kêu gọi chúng ta mạnh dạn – và chúng ta muốn – làm chứng cho tình yêu của Chúa và dang rộng đôi tay đón mọi người trẻ trên thế giới, mà không hề tự phụ, cũng không cố lôi kéo cải giáo người ta”. [128]
  7. Sứ vụ giới trẻ, khi nó không có tính lựa lọc mà sẵn sàng trở thành “đại chúng”, thì nó là một tiến trình tiệm tiến, đầy tôn trọng, nhẫn nại, hy vọng, nhiệt thành và đầy trắc ẩn. Thượng hội đồng gợi ví dụ về các môn đệ Emmau (x. Lc 24,13-35) như một mẫu thức về điều diễn ra trong sứ vụ giới trẻ.
  8. “Đức Giêsu bước đi với hai môn đệ vốn không hiểu ý nghĩa của tất cả những gì đã xảy ra cho Người, và họ đang bỏ Giêrusalem và cộng đoàn lại đằng sau. Muốn đồng hành với họ, Người đến với họ trong hành trình. Người hỏi họ những câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe cách họ tường thuật các biến cố, bằng cách này Người giúp họ nhận ra những gì mà họ đang kinh nghiệm. Rồi, với tình thương và với uy lực, Người giảng lời cho họ, hướng dẫn họ diễn dịch các biến cố mà họ đã kinh nghiệm trong ánh sáng của Thánh Kinh. Người chấp nhận lời họ mời Người ở lại với họ khi ngày đã sắp tàn; Người đi vào trong đêm tối của họ. Khi họ lắng nghe Người nói, lòng họ bừng cháy lên và tâm trí họ mở ra; và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Chính họ quyết định lên đường ngay lập tức, nhưng theo hướng ngược lại, trở về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh”. [129]
  9. Những cách biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, nhất là các cuộc hành hương, hấp dẫn những người trẻ vốn không cảm thấy thoải mái trong các cơ chế Giáo hội, và đó là một dấu hiệu cụ thể cho thấy lòng tín thác của họ vào Thiên Chúa. Những cách tìm kiếm Thiên Chúa như vậy được thấy cách riêng nơi các bạn trẻ nghèo, nhưng cả nơi những người thuộc các tầng lớp khác trong xã hội nữa. Không được xem thường những cách ấy, trái lại cần khuyến khích và quảng bá. Lòng đạo đức bình dân “là một cách hợp lệ để sống đức tin” [130] và là “một sự diễn tả hoạt động sứ mạng thừa sai tự phát của dân Thiên Chúa”. [131]

 


 

Luôn luôn là những nhà thừa sai

  1. Ở đây tôi muốn chỉ ra rằng không quá khó khăn việc biến các bạn trẻ thành những nhà thừa sai. Ngay cả những bạn trẻ yếu đuối, ‘có vấn đề’ và phiền não nhất cũng có thể là những nhà thừa sai theo cách của mình, vì điều tốt lành luôn luôn có thể được chia sẻ, cho dù nó tồn tại bên cạnh nhiều sự giới hạn. Một bạn trẻ đi hành hương để cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ, và mời một người bạn cùng đi, thì đã tỏ ra là một thừa sai tốt rồi – chỉ bằng cử chỉ ấy thôi! Gắn liền với một sứ vụ giới trẻ “đại chúng” là một hoạt động sứ mạng thừa sai “đại chúng” vốn luôn khẩn thiết, hoạt động này thấm nhập vào những cách làm và cách nghĩ thông thường của chúng ta. Chúng ta hãy đồng hành và khích lệ, nhưng đừng cố can thiệp quá vào hoạt động như thế.
  2. Nếu chúng ta có thể nghe những gì mà Chúa Thánh Thần đang nói với mình, thì chúng ta phải nhận ra rằng sứ vụ giới trẻ luôn luôn có tính sứ mạng thừa sai. Người trẻ trở nên phong phú rất nhiều khi họ vượt qua sự khép kín và dám tới lui với các gia đình, bằng cách này họ tiếp xúc với cuộc sống của người khác. Họ học cách nhìn quá phạm vi gia đình và nhóm thân hữu của mình, và họ có được tầm nhìn xa rộng hơn về đời sống. Đồng thời, đức tin và cảm thức thuộc về Giáo hội của họ cũng trở nên vững vàng hơn. Các sứ mạng giới trẻ, thường diễn ra trong các kỳ nghỉ sau một giai đoạn chuẩn bị, có thể dẫn tới một kinh nghiệm mới mẻ về đức tin và ngay cả những suy nghĩ nghiêm túc về ơn gọi.
  3. Người trẻ có thể tìm thấy những cánh đồng sứ mạng mới trong các khung cảnh đa dạng nhất. Chẳng hạn, vì họ quá quen thuộc với các mạng xã hội, họ nên được khuyến khích để đưa Thiên Chúa, tình huynh đệ và nhiệt tâm dấn thân vào tràn ngập các mạng ấy.

 

Sự đồng hành của những người trưởng thành

  1. Người trẻ cần được tôn trọng tự do, nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình phải là nơi thứ nhất của sự đồng hành này. Sứ vụ giới trẻ có thể giới thiệu lý tưởng của sự sống trong Đức Kitô như tiến trình xây dựng một ngôi nhà trên đá (x. Mt 7,24-25). Đối với đa số người trẻ, ngôi nhà ấy, cuộc sống của họ, sẽ được xây dựng trên hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Vì thế sứ vụ giới trẻ và việc săn sóc mục vụ gia đình cần phải được hội nhập và phối kết, nhằm bảo đảm một sự đồng hành liên tục và thích hợp cho tiến trình ơn gọi.
  2. Cộng đoàn có một vai trò quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; tất cả cộng đoàn phải cảm thấy trách nhiệm về việc đón nhận, động viên, khích lệ và thách đố người trẻ. Mọi người nên nhìn người trẻ với sự hiểu biết, trân trọng và thương yêu, và tránh việc thường xuyên phán xét họ, hay đòi hỏi họ phải hoàn chỉnh trước tuổi.
  3. Tại Thượng hội đồng, có nhiều ghi nhận về sự thiếu hụt nhân sự có năng lực và có tinh thần dấn thân cho việc đồng hành. Niềm tin vào giá trị thần học và mục vụ của sự lắng nghe sẽ dẫn tới việc suy nghĩ lại và đổi mới những cách thức thực thi sứ vụ linh mục, và duyệt xét lại các mối ưu tiên của sứ vụ ấy. Thượng hội đồng cũng nhận ra nhu cầu đào tạo những người thánh hiến và các giáo dân nam nữ, để đồng hành với người trẻ. Đặc sủng lắng nghe mà Chúa Thánh Thần ban cho trong các cộng đoàn cũng có thể được nhìn nhận như một dạng thức phục vụ của Giáo hội”. [132]
  4. Cũng có một nhu cầu đặc biệt về việc đồng hành với các bạn trẻ nam nữ tỏ ra có tiềm năng lãnh đạo, để họ nhận được sự đào tạo và những khả năng cần thiết. Những bạn trẻ gặp gỡ trước Thượng hội đồng đã kêu gọi rằng cần có “những chương trình huấn luyện và sự phát triển không ngừng các lãnh đạo trẻ. Một số bạn nữ cảm thấy rằng đang thiếu các mẫu vai trò lãnh đạo nữ trong Giáo hội, và họ cũng ước ao cống hiến tài năng trí thức và chuyên môn của mình cho Giáo hội. Chúng ta cũng tin rằng các chủng sinh và tu sĩ cần có khả năng lớn hơn nữa để đồng hành với các người lãnh đạo trẻ”. [133]
  5. Cũng các bạn trẻ ấy đã mô tả cho chúng ta các phẩm chất mà họ hy vọng gặp thấy nơi một người đồng hành với họ, và họ diễn tả điều này thật rõ ràng. “Các phẩm chất của một người như vậy bao gồm: Phải là một Kitô hữu trung thành, dấn thân cho Giáo hội và cho thế giới; phải là một người không ngừng theo đuổi sự thánh thiện; một người bạn tâm giao mà không phán xét. Tương tự, đó cũng phải là một người tích cực lắng nghe các nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cụ thể; một người yêu thương sâu sắc và có ý thức về chính mình; một người nhìn nhận các giới hạn của mình và hiểu biết các niềm vui nỗi buồn của hành trình tâm linh. Một phẩm chất đặc biệt quan trọng nơi những người đồng hành, đó là ý thức thân phận con người của mình – tức sự thật rằng họ là những con người có phạm sai lầm: không phải những con người hoàn hảo nhưng là những tội nhân được thứ tha. Đôi khi những người đồng hành được đặt trên bệ, và khi họ vấp ngã, có thể có một tác động tàn phá trên khả năng người trẻ tiếp tục dấn thân trong Giáo hội. Những người đồng hành không nên dẫn dắt người trẻ như những kẻ đi theo một cách thụ động, nhưng nên sánh bước với họ, cho phép họ trở thành những thành viên tích cực trong cuộc hành trình. Họ cần biết tôn trọng sự tự do trong tiến trình phân định của người trẻ, và trang bị cho người trẻ những công cụ để làm tốt công việc phân định ấy. Một người đồng hành cần hết lòng tin vào khả năng của một người trẻ trong việc tham dự vào đời sống Giáo hội. Vì thế, người đồng hành phải nuôi dưỡng những hạt giống đức tin nơi người trẻ, mà không kỳ vọng nhìn thấy ngay lập tức các kết quả hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vai trò này không – và không thể – chỉ giới hạn nơi các linh mục và những người thánh hiến, mà các giáo dân cũng cần được bồi đắp để đảm nhận vai trò này. Tất cả những người đồng hành như thế nên được huấn luyện kỹ, và được cung cấp sự huấn luyện thường xuyên”. [134]
  6. Các cơ sở giáo dục của Giáo hội rõ ràng là một khung cảnh tập thể cho việc đồng hành; chúng có thể cung cấp sự hướng dẫn cho nhiều người trẻ, nhất là khi chúng “đón nhận mọi người trẻ, không phân biệt tôn giáo, nguồn gốc văn hóa, hoàn cảnh cá nhân, gia đình và xã hội. Bằng cách này, Giáo hội đóng góp một cách căn bản vào công cuộc giáo dục toàn diện cho người trẻ ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới”. [135] Các cơ sở giáo dục ấy sẽ cắt mất vai trò này nếu như đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho việc tuyển sinh và việc tiếp tục theo học tại nơi của mình, vì như vậy chúng tước mất của nhiều người trẻ sự đồng hành vốn có thể giúp làm phong phú đời sống của họ.

 


 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31