CHRISTUS VIVIT – CHUONG VIII

Written by lcd on Tháng Tư 13th, 2019. Posted in Thế Giới

Lm Le Cong Duc, PSS., dich

CHƯƠNG TÁM

 

ƠN GỌI

 

 

  1. Từ “ơn gọi” có thể được hiểu theo nghĩa rộng là một tiếng gọi của Thiên Chúa, gồm tiếng gọi vào hiện hữu, tiếng gọi vào tình bạn với Ngài, tiếng gọi nên thánh, vân vân. Cách hiểu này thật hay, vì nó đặt toàn thể đời sống chúng ta trong liên hệ với Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta. Nó làm chúng ta nhận ra rằng không có gì là kết quả của ngẫu nhiên thuần túy, nhưng mọi sự trong đời ta đều có thể trở thành một cách đáp lại tiếng Chúa, Đấng có một kế hoạch tuyệt vời cho chúng ta.
  2. Trong Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ (Gaudete et Exsultate), tôi đã nói về ơn gọi của mọi người là lớn lên và trưởng thành vì vinh quang của Thiên Chúa; tôi đã muốn “nhắc lại tiếng mời gọi nên thánh một cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố và những cơ hội của nó”. [136] Công đồng Vatican II giúp chúng ta ý thức lại tiếng gọi này, vốn được trao cho mỗi người chúng ta: “Tất cả các tín hữu, dù hoàn cảnh hay bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi, mỗi người theo cách của mình, đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là Đấng hoàn hảo”. [137]

 

Tiếng Chúa gọi đi vào tình bạn

  1. Điều đầu tiên chúng ta cần phân định và khám phá là: Đức Giêsu muốn làm bạn với mọi người trẻ. Sự phân định này là cơ sở của mọi điều khác. Trong cuộc đối thoại của Chúa Phục Sinh với Simon Phêrô, câu hỏi quan trọng của Người là: “Simon, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16). Nói cách khác, anh có yêu mến Thầy như một người bạn không? Sứ mạng mà Phêrô nhận lãnh để chăm sóc đoàn chiên của Đức Giêsu sẽ luôn được nối kết với tình yêu nhưng không này, tình yêu thân hữu.
  2. Đàng khác, đã có cuộc gặp gỡ không thành công của Đức Giêsu với người thanh niên giàu có, cho thấy rõ rằng người bạn trẻ ấy không cảm nhận được cái nhìn trìu mến của Chúa (x. Mc 10,21). Anh buồn rầu bỏ đi, cho dù anh đã có những thiện chí ban đầu, vì anh không thể quay lưng lại với mớ của cải của anh (x. Mt 19,22). Anh bắt hụt cái cơ hội mà rất có thể là một tình bạn tuyệt vời. Anh thanh niên ấy, Đức Giêsu đã trìu mến nhìn anh và đã mở rộng vòng tay mời gọi anh, chúng ta sẽ không bao giờ biết anh rất có thể đã trở thành gì cho chúng ta, anh rất có thể đã cống hiến những gì cho nhân loại, nếu anh không bắt hụt cơ hội đó.
  3. “Sự sống mà Đức Giêsu trao cho chúng ta là một chuyện tình, một sự sống muốn hòa vào cuộc sống của chúng ta và đâm rễ trong mảnh đất cuộc đời chúng ta. Sự sống ấy không phải là một sự cứu độ được ‘up’ lên ‘đám mây’ và chờ được tải xuống, không phải là một ‘ứng dụng’ mới chờ được khám phá, hay một kỹ thuật tự cải thiện tâm thần. Sự sống ấy càng không phải là một ‘tutorial’ (công thức hướng dẫn thao tác) để tìm ra bản tin mới nhất. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là lời mời gọi đi vào một câu chuyện tình đan kết với những câu chuyện riêng của chúng ta; nó sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta, để ta có thể sinh hoa trái tại nơi của mình, theo cách của mình, và với mọi người xung quanh mình. Chúa đến để gieo và để được gieo”. [138]

 


 

Hiện hữu cho người khác

  1. Giờ đây tôi muốn nói về ơn gọi theo nghĩa hẹp, như một tiếng gọi thi hành sứ mạng phục vụ tha nhân. Chúa gọi chúng ta tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và đóng góp cho thiện ích chung, bằng cách sử dụng những quà tặng mà mình đã nhận lãnh.
  2. Ơn gọi thừa sai này, vì thế, có liên hệ với sự phục vụ. Vì đời sống chúng ta trên dương thế này đạt được tầm vóc sung mãn của nó khi nó trở thành một sự dâng hiến. Ở đây tôi muốn nhắc lại rằng “sứ mạng của việc hiện hữu giữa người ta không phải chỉ là một phần đời sống mình, hay như một phù hiệu mà tôi có thể gỡ ra; nó không phải là một cái gì gắn thêm vào, hay chỉ là một khoảnh khắc trong đời. Thay vào đó, nó là một cái gì mà tôi không thể nhổ rễ khỏi hiện hữu của mình, vì như vậy là hủy diệt chính bản ngã của tôi. Tôi là một sứ mạng trên trái đất này; đó là lý do vì sao tôi có mặt ở đây trong thế giới”. [139] Như vậy, mọi hình thức hoạt động mục vụ, huấn luyện và linh đạo phải được nhìn trong ánh sáng của ơn gọi Kitô hữu chúng ta.
  3. Ơn gọi riêng của bạn không hệ tại duy chỉ ở công việc bạn làm, dù đó là một sự diễn tả của nó. Ơn gọi riêng của bạn là một cái gì hơn thế: đó là một đường lối giúp cho các nỗ lực và hành động của bạn được điều hướng về phía phục vụ người khác. Vì thế trong việc phân định ơn gọi, thật quan trọng việc xác định xem bạn có thấy nơi mình những khả năng cần thiết để làm công việc phục vụ chuyên biệt ấy cho xã hội hay không.
  4. Điều đó đem lại giá trị nhiều hơn cho mọi việc bạn làm. Công việc của bạn không còn chỉ là để kiếm tiền, để khỏi nhàn cư hay để làm vui lòng người khác. Nó trở thành ơn gọi của bạn bởi vì bạn được gọi đảm nhận nó; nó không chỉ là một quyết định có tính thực dụng. Cuối cùng, nó cho thấy lý do vì sao tôi được dựng nên, vì sao tôi ở đây trên đời, và đâu là kế hoạch của Chúa cho cuộc đời tôi. Chúa sẽ không chỉ cho tôi thấy mọi nơi chốn, thời gian và chi tiết, vì tôi sẽ phải đưa ra các quyết định thận trọng của mình về những điều này. Nhưng Chúa sẽ chỉ cho tôi một chiều hướng trong đời, vì Ngài là Đấng Sáng Tạo và tôi cần lắng nghe Ngài, để cũng như đất sét trong tay thợ gốm, tôi có thể để Ngài đúc nặn và hướng dẫn mình. Như vậy tôi sẽ trở thành điều mà tôi được nhắm đến, trung thành với sự thật của mình.
  5. Để đáp lại ơn gọi riêng, chúng ta cần củng cố và phát triển tất cả hiện hữu của mình. Điều này không liên hệ gì với việc phát minh hay sáng tạo con người mình từ số không. Nó liên hệ với việc tìm ra con người thực của mình trong ánh sáng của Thiên Chúa và cho phép đời sống mình triển nở và sinh hoa quả. “Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mọi người nam nữ được đặt định để hoàn thành chính mình, vì mọi cuộc sống con người đều được Thiên Chúa kêu gọi đảm nhận phần việc gì đó”. [140] Ơn gọi của bạn truyền cảm hứng cho bạn phát huy chính mình cách tốt nhất, vì vinh quang Thiên Chúa và vì thiện ích của tha nhân. Nó không chỉ là vấn đề làm những việc gì đó, nhưng là làm các việc ấy với ý nghĩa và với định hướng. Thánh Alberto Hurtado bảo các bạn trẻ hãy nghiêm túc nghĩ về chiều hướng mà cuộc đời họ nên theo: “Nếu người lái tàu bất cẩn, anh ta sẽ bị sa thải ngay vì không nghiêm túc chu toàn trách nhiệm thánh thiêng của mình. Đối với cuộc đời mình, chúng ta có ý thức đầy đủ về đường hướng mình đang đi không? Đời bạn đang đi theo hướng nào? Nếu cần phải suy nghĩ thêm về điều này, cha tha thiết xin mỗi người các con hãy xem xét nó cách kỹ nhất, vì ở đây chuyện đúng hay sai cũng là chuyện thành hay bại”. [141]
  6. Trong đời sống của mỗi người trẻ, sự “hiện hữu cho người khác” này thường liên quan tới hai vấn đề: lập một gia đình mới và làm việc. Các bảng thăm dò người trẻ thường xuyên xác nhận rằng đây là hai vấn đề chính yếu làm cho họ vừa lo lắng vừa thích thú. Hai vấn đề này phải được xem xét đặc biệt. Chúng ta hãy nhìn thoáng qua mỗi vấn đề.

 

Tình yêu và gia đình

  1. Người trẻ cảm thấy tiếng gọi của tình yêu rất mãnh liệt; họ ước mơ gặp đúng người để có thể xây dựng một gia đình và tạo lập một đời sống chung với nhau. Đây rõ ràng là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa tỏ cho họ biết xuyên qua các cảm nghĩ, các khát vọng và mơ ước của họ. Tôi đã đề cập chủ đề này cách đầy đủ hơn trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia). Tôi muốn khích lệ tất cả các bạn trẻ đặc biệt đọc kỹ Chương Bốn và Chương Năm của Tông huấn ấy.
  2. Tôi thích nghĩ rằng “hai Kitô hữu cưới nhau thì đã nhận ra tiếng gọi của Chúa trong chuyện tình yêu của họ, đó là ơn gọi từ hai người, nam và nữ, làm nên một xương một thịt và một đời sống. Bí tích Hôn phối bao bọc tình yêu này trong ân sủng của Thiên Chúa; nó cắm rễ tình yêu ấy trong chính Thiên Chúa. Với ân ban này, và với sự chắc chắn của tiếng gọi này, các bạn có thể an tâm bước tới, các bạn không có gì phải sợ; các bạn có thể đối diện mọi sự cùng với nhau!” [142]
  3. Ở đây, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta như những hữu thể có giới tính. Chính Ngài “đã tạo dựng tính dục, là quà tặng kỳ diệu cho thụ tạo của Ngài”. [143] Trong ơn gọi hôn nhân, chúng ta cần trân trọng và ý thức rằng “tính dục, phái tính là một quà tặng của Thiên Chúa. Nó không phải điều cấm kỵ. Nó là một món quà do Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Nó có hai mục đích: để yêu thương và để sinh sản. Nó là sự say mê, là tình yêu đam mê. Tình yêu đích thực thì say mê. Tình yêu giữa một người nam và một người nữ, khi say mê, luôn dẫn tới việc trao sự sống. Luôn luôn như vậy. Trao sự sống với thân xác và linh hồn”. [144]
  4. Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng “gia đình vẫn là điểm qui chiếu chính yếu cho người trẻ. Con cái trân trọng tình yêu và sự săn sóc của cha mẹ, chúng gán tầm quan trọng cho các mối ràng buộc gia đình, và chúng hy vọng khi đến lượt, chúng sẽ thành công trong việc thành lập một gia đình. Thật rõ ràng, sự gia tăng của các vụ ly thân, ly dị, tái hôn và những gia đình chỉ có cha hay mẹ… có thể gây đau khổ lớn lao và một khủng hoảng căn tính nơi người trẻ. Đôi khi họ phải đảm nhận những trách nhiệm không tương xứng với lứa tuổi của mình, và điều này buộc họ phải trở thành những người lớn trước tuổi. Rất thường, các bậc ông bà là một trợ giúp quan trọng về tâm cảm và giáo dục tôn giáo: với sự khôn ngoan của mình, họ là một kết nối sống động trong tương quan giữa các thế hệ”. [145]
  5. Quả thật là những khó khăn được kinh nghiệm trong gia đình của mình có thể làm nhiều người trẻ ái ngại liệu có đáng để lập gia đình hay không, có đáng để trung thành, để quảng đại hay không. Cha có thể nói với các con rằng chắc chắn là rất đáng. Thật đáng để mọi cố gắng của các con được dành cho gia đình; ở đó các con sẽ tìm thấy những động lực tốt nhất để trưởng thành và tìm thấy những niềm vui lớn nhất để kinh nghiệm và chia sẻ. Đừng để mình bị tước mất một tình yêu rất tuyệt vời. Đừng để mình bị lung lạc bởi những kẻ rủ rê sống theo chủ nghĩa cá nhân phóng túng mà cuối cùng dẫn tới sự cô lập và cô đơn khủng khiếp nhất.
  6. Ngày nay, một nền văn hóa của những thứ phù du thống trị, nhưng đó là một ảo tưởng. Ý nghĩ rằng không gì có thể dứt khoát là một ý nghĩ có tính lừa dối. “Ngày nay có những người nói rằng hôn nhân là chuyện lỗi thời… Trong một nền văn hóa của chủ nghĩa tương đối và của sự phù phiếm, nhiều người rao giảng tầm quan trọng của việc “hưởng thụ” khoảnh khắc hiện tại. Họ nói rằng thật không đáng để đưa ra một cam kết trọn đời, một quyết định dứt khoát… Thay vào đó, cha kêu gọi các con trở thành những nhà cách mạng. Cha kêu gọi các con lội ngược dòng; vâng, cha muốn các con nổi loạn chống lại nền văn hóa này, nền văn hóa nhìn thấy mọi sự đều tạm bợ, và cuối cùng nó tin rằng các con không có khả năng trách nhiệm, không có khả năng để yêu thương đích thực”. [146] Cha rất tin tưởng các con, và vì thế, cha thúc đẩy các con chọn hôn nhân.
  7. Hôn nhân đòi phải chuẩn bị, và điều này giả thiết sự lớn lên trong ý thức về chính mình, phát triển những đức tính tốt hơn, nhất là yêu thương, nhẫn nại, cởi mở để đối thoại và giúp đỡ người khác. Nó cũng đòi phải trưởng thành trong tính dục của các con, để bớt nguy cơ coi hôn nhân là phương tiện sử dụng người khác, và gia tăng cái khả năng ký thác chính mình hoàn toàn cho một nhân vị khác, một cách độc hữu và quảng đại.
  8. Như các giám mục Colombia khuyến dụ: “Đức Kitô biết rằng những người vợ chồng không hoàn hảo và họ cần vượt qua sự yếu đuối và sự thiếu chung thủy của mình, để tình yêu của họ có thể lớn lên và bền vững. Vì thế, Người ban cho các người vợ chồng ân sủng của Người, đó vừa là ánh sáng vừa là sức mạnh giúp họ có thể đạt được ngày càng hơn lý tưởng đời sống hôn nhân của mình theo như kế hoạch của Thiên Chúa”. [147]
  9. Đối với những ai không được kêu gọi sống đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến, người ta phải luôn luôn nhớ rằng ơn gọi thứ nhất và quan trọng nhất là ơn gọi chúng ta đã nhận lãnh trong Phép Rửa. Những người độc thân, cho dù không do mình chọn lựa, có thể trao một chứng tá đặc biệt về ơn gọi Phép Rửa xuyên qua nẻo đường trưởng thành riêng của họ.

 

Công việc

  1. Các giám mục Mỹ đã chỉ ra rằng “giai đoạn ở ngưỡng trưởng thành của một người thường báo hiệu về lối đi vào thế giới công việc. ‘Bạn làm nghề gì?’ là một chủ đề thường xuyên trong trò chuyện, vì công việc là phần chủ yếu trong đời sống của họ. Đối với người ở ngưỡng trưởng thành, kinh nghiệm này rất hay thay đổi vì họ đi từ công việc này đến công việc khác, và thậm chí từ lãnh vực này đến lãnh vực khác. Công việc có thể ràng buộc họ về thời biểu và có thể ấn định khả năng họ có thể làm gì hay mua gì. Nó cũng có thể ấn định chất lượng và số lượng thời gian giải trí. Công việc xác định và ảnh hưởng đến căn tính của một người trẻ, cũng như ý thức về chính mình, và là nơi chính yếu để các tình bạn và các mối tương quan khác phát triển, bởi vì nói chung người ta không làm việc một mình. Các bạn trẻ nam nữ nói về công việc như là sự chu toàn một chức vụ và như một cái gì đem lại ý nghĩa. Công việc cho phép người ở ngưỡng trưởng thành đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của mình nhưng quan trọng hơn nữa, nó cho phép tìm kiếm ý nghĩa và thực hiện các giấc mơ và các dự phóng. Mặc dù công việc có thể không giúp đạt được những giấc mơ của họ, thật quan trọng việc người ở ngưỡng trưởng thành nuôi dưỡng một dự phóng, học biết làm việc trong một cách thức có tính nhân vị đích thực và với tinh thần vui sống, và tiếp tục phân định tiếng gọi của Thiên Chúa”. [148]
  2. Tôi kêu gọi những người trẻ đừng kỳ vọng sống mà không làm việc, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác. Điều đó không tốt, vì “làm việc là một nhu cầu, là một phần của ý nghĩa đời sống trên mặt đất, là một nẻo đường đạt tới trưởng thành, đạt sự phát triển nhân bản và sự hoàn thành con người mình. Theo nghĩa này, việc giúp đỡ người nghèo về tiền bạc phải luôn luôn là một giải pháp lâm thời, khi đứng trước những nhu cầu cấp bách”. [149] Vì thế, “cùng với sự chiêm ngắm đầy cảm kích trước thế giới thụ tạo mà chúng ta tìm thấy nơi Thánh Phanxicô Assisi, truyền thống linh đạo Kitô giáo cũng đã phát triển một nhận hiểu phong phú và quân bình về ý nghĩa của lao động, chẳng hạn, như nơi cuộc đời Chân phước Charles de Foucauld và các môn đệ của ngài”. [150]
  3. Thượng hội đồng đã ghi nhận rằng trong lãnh vực lao động, người trẻ có thể “kinh nghiệm những hình thức loại trừ và gạt ra rìa, trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng thất nghiệp của người trẻ, đạt tới những mức quá cao tại một số quốc gia. Thất nghiệp làm người ta nghèo, nó cũng tác động tiêu cực trên khả năng ước mơ và hy vọng của người trẻ, và nó tước khỏi họ cơ hội đóng góp cho sự phát triển xã hội. Tại nhiều nước, tình hình này do bởi một số bộ phận giới trẻ thiếu những kỹ năng chuyên môn thích đáng, có lẽ vì những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Rất thường, sự mất ổn định về việc làm nơi người trẻ có nối kết với những lợi nhuận kinh tế bóc lột lao động”. [151]
  4. Đây là một vấn đề phức tạp và tế nhị mà các chính trị gia phải ưu tiên quan tâm, nhất là hiện nay, khi tốc độ phát triển công nghệ và mối bận tâm giảm chi phí lao động có thể nhanh chóng dẫn đến việc dùng máy móc thay thế nhân công. Đây cũng là một vấn đề xã hội nhức nhối, vì công việc làm đối với một người trẻ đâu chỉ là một phương cách kiếm tiền. Lao động là một thể hiện phẩm giá con người, một nẻo đường để phát triển và hội nhập xã hội. Nó là một động lực thường xuyên thúc đẩy lớn lên trong tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo, một sự bảo vệ chống lại xu hướng chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Đồng thời, nó là một cơ hội để tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phát triển các khả năng của mình.
  5. Người trẻ không luôn luôn có cơ hội để quyết định mình sẽ làm công việc nào, hay sẽ sử dụng các tài năng của mình như thế nào. Bởi vì, bên cạnh những cảm hứng của họ, những khả năng và những sự lựa chọn của họ, còn có thực tế khắc nghiệt của thị trường lao động. Quả thực là các con không thể sống mà không làm việc, và đôi khi các con phải chấp nhận bất cứ công việc nào có sẵn, nhưng cha xin các con đừng bao giờ buông bỏ các giấc mơ của mình, đừng bao giờ chôn vùi hẳn một tiếng gọi, và đừng bao giờ chấp nhận thua cuộc. Hãy tiếp tục tìm kiếm những cách thức cho dù chưa trọn vẹn để sống điều mà các con đã phân định và nhận ra đó là tiếng gọi thực sự dành cho mình.
  6. Khi chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta điều gì đó, rằng việc này hay việc kia chính là ơn gọi của mình – dù đó là công việc điều dưỡng hay ở xưởng mộc, hay truyền thông, cơ khí, dạy học, mỹ thuật, hay bất cứ loại công việc nào khác – thì chúng ta sẽ có thể huy động các khả năng tốt nhất của mình để sẵn sàng hy sinh, quảng đại và cống hiến. Biết rằng chúng ta không làm việc chỉ để làm việc, nhưng đúng hơn chúng ta trao cho nó ý nghĩa, như một lời đáp trả tiếng gọi vang vọng trong sâu thẳm hữu thể của mình, tiếng gọi mời chúng ta cống hiến một cái gì đó cho người khác: đó là điều làm cho những công việc ấy mang lại một cảm thức mãn nguyện sâu xa. Như chúng ta đọc trong Sách Giảng Viên của Cựu Ước: “Tôi thấy rằng không có gì tốt hơn là hưởng những thú vui do công việc chính mình làm ra” (3,22).

 

Ơn gọi thánh hiến đặc biệt

  1. Nếu thực sự xác tín rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục khơi dậy những ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta có thể “một lần nữa tung lưới” nhân danh Chúa, một cách hoàn toàn tin tưởng. Chúng ta có thể dám – vì quả thật là cần – khích lệ mỗi người trẻ tự nhủ phải chăng đây là nẻo đường dành cho họ.
  2. Lúc này hay lúc khác, tôi nêu điều này với các bạn trẻ, và họ trả lời hơi có vẻ nghịch ngợm: “Ồ không, cái đó không phải cho con!” Nhưng rồi ít năm sau, vài người trong họ có mặt trong chủng viện. Chúa không thể quên lời Ngài hứa ban cho Giáo hội các mục tử, vì nếu không có các mục tử thì Giáo hội không thể sống và thi hành sứ mạng của mình. Nếu quả thực một số linh mục không trao chứng tá tốt, thì điều đó không hề có nghĩa rằng Chúa ngừng kêu gọi. Trái lại, Ngài đặt cược gấp đôi, vì Ngài không bao giờ ngừng săn sóc Giáo hội yêu dấu của Ngài.
  3. Trong việc phân định ơn gọi, các con đừng loại trừ khả năng dâng hiến cho Thiên Chúa trong chức linh mục, trong đời sống tu sĩ hay trong các hình thức thánh hiến khác. Tại sao không? Các con có thể nắm chắc rằng nếu các con thực sự nhận ra và đi theo một tiếng gọi của Thiên Chúa, thì các con sẽ tìm thấy sự hoàn thành cho mình.
  4. Đức Giêsu đang bước đi giữa chúng ta, như Người đã bước đi ở Galilê. Người bước đi xuyên qua các đường phố chúng ta, và Người lặng lẽ dừng lại, nhìn vào mắt chúng ta. Tiếng gọi của Người đầy hấp lực và thật thú vị. Nhưng ngày nay sự căng thẳng và nhịp sống vội vã của một thế giới thường xuyên dội trên chúng ta những sự kích động có thể không còn chỗ cho sự thinh lặng nội tâm, trong đó chúng ta có thể cảm nhận ánh nhìn của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó, nhiều món hàng được đóng gói rất hấp dẫn đón chờ các con. Chúng có thể trông thật quyến rũ và đem lại sự phấn khích, nhưng rồi về sau chúng chỉ để lại nơi các con cảm giác trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn. Đừng để điều này xảy ra với các con, vì dòng xoáy của thế giới có thể kéo các con theo một tuyến đường không có ý nghĩa thực sự, không có hướng, không có những mục tiêu rõ ràng, và do đó phá vỡ nhiều cố gắng của các con. Tốt hơn, nên tìm kiếm sự an tĩnh có thể giúp các con suy tư, cầu nguyện, nhìn ngắm thế giới xung quanh mình một cách rõ hơn, và rồi với Đức Giêsu, các con nhận ra ơn gọi của mình trong thế giới này.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31