CHRISTUS VIVIT – TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG – ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Written by lcd on Tháng Tư 13th, 2019. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Tông huấn

Lm. Lê Công Đức, PSS., dịch

 

 

  1. Đức Kitô hằng sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống.. Vì thế, lời đầu tiên cha muốn nói với tất cả các bạn trẻ Kitô hữu là lời này: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con cũng sống thực sự!
  2. Người ở trong các con, Người ở với các con, và Người không bao giờ bỏ các con. Dù các con đi lạc xa đến đâu, Người là Đấng Phục Sinh vẫn luôn ở đó. Người kêu gọi các con, Người chờ mong các con trở về với Người và bắt đầu lại mọi sự. Khi các con cảm thấy mình đang già đi vì ưu phiền, vì phẫn uất hay sợ hãi, vì nghi ngờ hay thất bại, Người sẽ vẫn luôn ở đó để phục hồi nghị lực và hy vọng của các con.
  3. Với cả tấm lòng, cha trao gửi Tông huấn này cho tất cả các bạn trẻ Kitô hữu. Tông huấn này nhằm nhắc các con về một số xác tín đến từ đức tin của chúng ta, đồng thời khích lệ các con lớn lên trong sự thánh thiện và trong sự dấn thân cho ơn gọi riêng của mình. Nhưng vì đây cũng là một phần của tiến trình Thượng hội đồng Giám mục, tôi cũng trao sứ điệp này cho toàn thể Dân Thiên Chúa, các mục tử cũng như các tín hữu, bởi vì tất cả chúng ta đều được thách đố và được thúc bách để suy tư cả về giới trẻ lẫn cho giới trẻ. Vì thế, nhiều chỗ tôi sẽ nói trực tiếp với các bạn trẻ, nhiều chỗ khác, tôi sẽ gợi ra một số xem xét khái quát hơn cho sự phân định của Giáo hội.
  4. Tôi nhận cảm hứng nơi kho tàng suy tư và thảo luận phong phú đúc kết từ Thượng hội đồng Giám mục hồi năm ngoái. Tôi không thể bao gồm tất cả những đóng góp ấy ở đây, nhưng mọi người vẫn có thể đọc chúng trong Tài liệu Chung kết. Dù sao, khi viết Tông huấn này, tôi đã cố gắng đúc kết những đề nghị thiết tưởng là có tầm quan trọng nhất. Bằng cách ấy, những lời của tôi ở đây sẽ vọng lại vô số tiếng nói của các tín hữu trên khắp thế giới, những người đã bày tỏ quan điểm của mình với Thượng hội đồng. Những bạn trẻ không phải là Kitô hữu nhưng đã muốn chia sẻ các suy nghĩ của mình, họ cũng đã gợi ra những vấn đề làm cho tôi đặt ra những dấu hỏi mới.

 

 


 

CHƯƠNG MỘT

 

LỜI THIÊN CHÚA NÓI GÌ VỀ NGƯỜI TRẺ?

 

 

  1. Chúng ta hãy tiếp cận một số bản văn trong kho tàng Thánh Kinh phong phú, vì Thánh Kinh thường nói về người trẻ và về cách mà Chúa đến gần để gặp gỡ họ.

 

Trong Cựu Ước

  1. Vào một thời đại mà người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn họ một cách khác hẳn. Chẳng hạn, Giuse là đứa con nhỏ trong gia đình (x. St 37,2-3), nhưng Thiên Chúa bày tỏ cho cậu ấy những điều lớn lao trong các giấc mơ, và khi chỉ mới mười bảy tuổi, cậu ấy đã trổi vượt hơn các anh mình trong những chuyện quan trọng (x. St 37-47).
  2. Trong Ghi-đê-ôn, chúng ta thấy sự thẳng thắn của người trẻ, họ không quen với thực tế được bọc đường. Khi được bảo rằng có Chúa ở với mình, Ghi-đê-ôn đáp: “Nhưng nếu Chúa ở với chúng tôi, thì tại sao tất cả những điều này lại xảy ra với chúng tôi?” (Tl 6,13). Thiên Chúa không chấp lời trách cứ ấy, Ngài tiếp tục truyền: “Với sức lực ngươi có đó, hãy đi mà cứu Israel!” (Tl 6,14).
  3. Chúa cũng ngỏ lời với Samuel khi cậu còn là một đứa trẻ. Nhờ lời khuyên của một người lớn, cậu đã mở lòng ra nghe tiếng gọi của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,9-10). Kết quả là Samuel trở thành một ngôn sứ lớn, người đã can thiệp tại những thời điểm rất quan trọng trong lịch sử đất nước mình. Vua Sao-lê cũng là một chàng trai trẻ khi được Chúa kêu gọi đảm nhận sứ mạng (x. 1Sm 9,2).
  4. Vua Đa-vít được tuyển chọn khi còn là một thiếu niên. Khi ngôn sứ Samuel tìm kiếm vị vua tương lai cho Israel, người kia đã tiến cử các con trai của mình, lớn tuổi và dày dạn hơn. Nhưng vị ngôn sứ nói rằng người được chọn là chàng Đa-vít trẻ, cậu ấy đang đi chăn cừu (x. 1Sm 16,6-13), vì “người phàm xét theo vẻ bên ngoài, nhưng Đức Chúa trông thấy tâm hồn” (c.7). Tinh anh của tuổi trẻ nằm trong tâm hồn, hơn là nơi sức mạnh cơ bắp hay nơi ấn tượng trao cho người khác.
  5. Salômôn, khi kế vị phụ vương, đã cảm thấy hốt hoảng và thưa với Chúa: “Con còn non nớt, biết gì đâu mà làm” (1V 3,7). Nhưng sự táo bạo của tuổi trẻ đã thúc đẩy chàng xin Chúa sự khôn ngoan, và chàng đã hết mình cho sứ mạng. Một điều gì đó tương tự cũng đã xảy ra với ngôn sứ Giêrêmia, người được kêu gọi dù tuổi đời còn trẻ, để thức tỉnh dân mình. Trong nỗi sợ, Giêrêmia thốt lên: “Ồ không, lạy Chúa là Thiên Chúa, con thực sự không biết ăn nói, vì con chỉ là một đứa trẻ” (Gr 1,6). Nhưng Chúa bảo không được nói thế (x. Gr 1,7), và Ngài thêm: “Ngươi đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,8). Nhiệt tâm của ngôn sứ Giêrêmia đối với sứ mạng mình cho ta thấy điều gì có thể xảy ra khi sự can đảm của tuổi trẻ được nối kết với sức mạnh của Thiên Chúa.
  6. Một nữ tỳ Do thái của vị tướng ngoại bang là Naaman đã dùng đức tin để can thiệp, và nhờ đó vị tướng này được chữa lành bệnh (x. 2V 5,2-6). Nàng Rút là một mẫu gương quảng đại khi ở lại bên mẹ chồng vào hoàn cảnh khó khăn (x. R 1,1-18), nhưng nàng cũng cho thấy sự dũng cảm của mình khi bước tới trên đường đời (x. R 4,1-17).

 

Trong Tân Ước

  1. Một trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15,11-32) kể rằng người con “trẻ tuổi hơn” muốn bỏ nhà cha mình để trẩy đi phương xa (x. c.12-13). Nhưng cách nghĩ của anh về sự độc lập đã đi đến chỗ thái quá và hủy hoại (x. c.13), anh bắt đầu kinh nghiệm nỗi đắng cay của cô đơn và túng quẫn (x. c.14-16). Dù vậy, anh đã tìm được nghị lực để bắt đầu lại (x. c.17-19), anh quyết định đứng lên trở về nhà (x. c.20). Trái tim người trẻ thường sẵn sàng thay đổi, quay lại, đứng lên và rút bài học từ cuộc sống. Ai mà lại không ủng hộ anh chàng này trong quyết tâm mới của anh cơ chứ? Nhưng người anh trai thì mang một trái tim đã cằn cỗi; anh ta để cho mình bị thống trị bởi sự tham lam, ích kỷ và ghen tị (Lc 15,28-30). Đức Giêsu khen ngợi chàng trai trẻ tội lỗi quay về đường ngay nẻo chính, hơn là người anh tự cho mình là trung thành song lại thiếu tình yêu và lòng thương xót.
  2. Chúa Giêsu, Đấng luôn mãi trẻ trung, muốn trao cho chúng ta quả tim trẻ trung mãi mãi. Lời Chúa yêu cầu chúng ta “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1Cr 5,7). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy con người “tươi trẻ” (Cl 3,9.10). [1] Khi giải thích ý nghĩa của việc mặc lấy sự tươi trẻ “được đổi mới” ấy (c.10), ngài đề cập đến “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu người này có điều oán trách người kia” (Cl 3,12-13). Tóm lại, tuổi trẻ đích thực có nghĩa rằng có một trái tim biết yêu thương, trong khi bất cứ gì chia rẽ chúng ta thì đều làm cho linh hồn trở nên cằn cỗi. Vì thế Thánh Phaolô kết luận: “Trên hết mọi sự, anh em phải có đức ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).
  3. Chúng ta cũng ghi nhớ rằng Đức Giêsu không ủng hộ những người lớn xem thường hay khống chế người trẻ. Trái lại, Người nhấn mạnh rằng “kẻ lớn nhất trong anh em phải trở thành người nhỏ nhất” (Lc 22,26). Đối với Đức Giêsu, tuổi tác không tạo nên các đặc quyền, và sự kiện rằng người ta trẻ tuổi không có nghĩa rằng họ có ít phẩm giá hơn.
  4. Lời Chúa nói rằng người trẻ nên được đối xử “như anh em” (1Tm 5,1), và cảnh giác các bậc phụ huynh đừng “làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21). Người trẻ không được an bài để mà ngã lòng; họ được mời gọi mơ những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời xa rộng, hướng lên cao hơn, gánh vác thế giới này, đón nhận những thách đố và cống hiến nhiều nhất có thể để xây dựng một cái gì đó tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao tôi thường xuyên khẩn khoản các bạn trẻ đừng để mình bị tước mất niềm hy vọng; cha muốn nhắc lại với mỗi người trong các con: “Đừng để ai xem thường tuổi trẻ của con!” (1Tm 4,12).
  5. Nhưng người trẻ cũng được khuyến dụ “chấp nhận quyền bính của các bậc cao niên” (1Pr 5,5). Thánh Kinh không ngừng nhấn mạnh rằng các bậc niên trưởng phải được chân thành kính trọng, vì họ có cả một kho tàng kinh nghiệm; họ từng trải những thành công và thất bại, những niềm vui và nỗi khổ trong đời, những ước mơ và những thất vọng. Trong sâu thẳm tâm hồn an tĩnh của mình, họ có cả một kho tàng kinh nghiệm có thể dạy chúng ta biết tránh lầm lỗi hay đừng bị dụ hoặc bởi những lời hứa hẹn phỉnh gạt. Một hiền nhân cổ thời kêu gọi chúng ta tôn trọng một số giới hạn và làm chủ các xung năng của mình: “Hãy thúc đẩy các người trẻ biết làm chủ chính mình” (Tt 2,6). Thật vô ích việc sùng bái tuổi trẻ hay điên rồ loại trừ người khác chỉ vì họ lớn tuổi hơn hay vì họ thuộc một thế hệ khác. Đức Giêsu bảo chúng ta rằng người khôn ngoan có thể rút ra từ kho tàng của họ cả những thứ mới và cũ (x. Mt 13,52). Một người trẻ khôn ngoan thì mở ra hướng tới tương lai, nhưng cũng biết học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác nữa.
  6. Trong Tin Mừng Máccô, chúng ta gặp thấy một anh chàng sau khi lắng nghe Đức Giêsu nói về các điều răn, đã lên tiếng: “Tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ từ tuổi nhỏ” (10,20). Tác giả Thánh Vịnh cũng từng nói điều tương tự: “Lạy Chúa, Chúa là hy vọng của con; con tin tưởng vào Chúa từ thời niên thiếu… Từ tuổi thanh xuân, Chúa đã dạy bảo con, và con sẽ loan báo những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 71,5.17). Chúng ta đừng bao giờ ân hận vì đã sống tốt lành ở tuổi thanh xuân, đã mở lòng ra với Chúa, và đã sống khác với thói đời. Những điều đó không làm tuổi xuân ta mất gì, thay vào đó chúng kiện cường và làm tươi trẻ tuổi xuân chúng ta: “Tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103,5). Vì thế, Thánh Augustinô đã than thở: “Con yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là vẻ đẹp thường hằng và mãi mãi tinh khôi! Con đã yêu Chúa quá muộn màng!” [2]. Rất tiếc, chàng trai giàu có ấy, vốn trung tín với Chúa trong tuổi thanh xuân, đã để cho những năm tháng trôi qua cướp mất các giấc mơ của mình; anh ta thích bám víu vào của cải (x. Mc 10,22).
  7. Mặt khác, trong Tin Mừng Mátthêu chúng ta gặp một chàng trai trẻ (x. Mt 19,20.22) đến gặp Đức Giêsu và hỏi xem mình còn có thể làm gì nữa (c.20); ở đây, anh cho thấy tinh thần cởi mở của chất trẻ, muốn kiếm tìm những chân trời mới và những thách đố lớn lao. Nhưng thực sự tinh thần của anh không được trẻ trung như thế, vì anh đã bị cột chặt vào của cải và những tiện nghi. Anh nói rằng anh muốn điều gì đó, nhưng khi Đức Giêsu đề nghị anh quảng đại chia sẻ tài sản của mình, thì anh nhận ra anh không thể buông bỏ mọi thứ mà mình đang có. Cuối cùng, “nghe những lời ấy, người thanh niên buồn rầu bỏ đi” (c.22). Anh đã đánh mất sự trẻ trung của mình.
  8. Tin Mừng cũng nói về một nhóm cô gái khôn ngoan, trong tình trạng tỉnh thức chờ đợi, trong khi những cô khác thì tâm trí phân tán và mê ngủ (x. Mt 25,1-13). Quả thật, chúng ta có thể đi qua tuổi trẻ của mình với đầy những chia trí, chỉ sống hời hợt, nửa tỉnh nửa mê, không có khả năng đào sâu những mối tương quan có ý nghĩa, cũng không kinh nghiệm được những điều sâu xa hơn trong cuộc sống. Như thế, chúng ta có thể hình thành một tương lai tầm thường và thiếu nền móng. Hoặc giả chúng ta có thể trải qua tuổi thanh xuân với đầy cảm hứng đối với những điều đẹp đẽ và cao thượng, qua đó chúng ta kiến tạo một tương lai tràn đầy sức sống và sự phong phú tâm hồn.
  9. Nếu các con đã đánh mất sinh lực bên trong, đánh mất những giấc mơ, lòng hăng hái, tinh thần lạc quan và sự quảng đại, thì Đức Giêsu đang đứng trước mặt các con, như Người đã từng đứng trước anh con trai đã chết của người góa phụ, và với tất cả sức mạnh từ sự Phục Sinh của Người, Người thúc bách các con: “Này người bạn trẻ, Ta truyền cho con, hãy chỗi dậy!” (Lc 7,14).
  10. Chắc chắn là còn nhiều đoạn văn khác của Lời Chúa có thể soi sáng cho giai đoạn này của đời sống các con. Chúng ta sẽ nhắc đến một số bản văn như thế trong các chương sau.

 

 

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31