CHÚA GIÊSU CÓ TỒN TẠI KHÔNG ? NHỮNG BẰNG CHỨNG CỦA CÁC NHÀ SỬ HỌC
« Có thể khôi phục những nét chính về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu và đưa ra những mốc niên đại », nhà sử học kiêm nhà văn Jean-Christian Petitfils nói với Aleteia. Gần đây, ông cộng tác vào tác phẩm tập thể do Jean Sévillia hướng dẫn, « Giáo hội kiện tụng » (« L’Eglise en procès »).
Chúng ta biết gì về Chúa Giêsu ? « Độc lập với các nguồn Kitô giáo, sự tồn tại của Ngài đã được chứng thực bởi nhiều tác giả ở ngoài Kitô giáo », Jean-Christian Petitfils khẳng định với Aleteia. « Tacite, cựu thủ hiến tỉnh châu Á, Pline le Jeune, thái thú của Bithynie vào đầu thế kỷ II, Suéton, đứng đầu văn phòng thư tín của hoàng đế Hadrien sau đó ít lâu… »
Aleteia : Chúng ta có bằng chứng nào, trên bình diện lịch sử, về sự tồn tại của Chúa Giêsu ?
Jean-Christian Petitfils : Sự tồn tại lịch sử vào thế kỷ I của kỷ nguyên chúng ta về một vị thầy người Do Thái tên là Ieschoua (Jésus / Giêsu) – từ rút gọn của Yehoshoua (Josué / Giôsuê), « Thiên Chúa cứu » – , người đã thu hút đám đông bởi đặc sủng và giáo huấn của mình, và việc Ngài bị đóng đinh ở Giêrusalem theo lệnh của Phongxiô Philatô, tổng trấn Giuđêa từ năm 26 đến 36, theo yêu cầu của các thượng tế Anna và con rể Joseph của ông còn được gọi là Caipha, là một sự kiện lịch sử mà bất kỳ nhà sử học nghiêm túc nào, dù tin hay không tin, người Do thái, người theo thuyết bất khả tri hay người vô thần đều không thể phủ nhận. Độc lập với các nguồn Kitô giáo, sự tồn tại của Ngài được chứng thực bởi nhiều tác giả bên ngoài Kitô giáo : Tacite, nguyên thủ hiến của tỉnh châu Á, Pline le Jeune, thái thú của Bithynie vào đầu thế kỷ II, Suéton, đứng đầu văn phòng thư tín của hoàng đế Hadrien sau đó ít lâu…
Một bản văn rất quan trọng là của một nhà văn Rôma gốc Do Thái vào thế kỷ I, Flavius Josèphe, người đã biết các cộng đồng Do Thái – Kitô giáo đầu tiên ở Giêrusalem : ông nói về một « nhà hiền triết » tên là Giêsu, người đã thu hút được một số lượng lớn các môn đồ. « Philatô kết án ông bị đóng đinh và án tử. Nhưng những người đã trở thành môn đệ của ông vẫn tiếp tục như thế. Họ nói rằng ông đã hiện ra với họ ba ngày sau khi bị đóng đinh và ông vẫn sống : như thế, có lẽ ông là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã kể lại những điều kỳ diệu. » Khảo luận « Sanhédrin » của Talmud de Babylone cũng đề cập đến tên của Ngài : « Vào đêm trước lễ Vượt Qua, người ta đã treo (trên thập giá) Yeshû ha-notsri (Giêsu người Nadarét) bởi vì ông đã thực hành ma thuật, đã lôi cuốn và làm cho Israel lạc đường. » Ngay cả triết gia Celse theo trường phái Platon (thế kỷ II), một nhà luận chiến kịch liệt vốn ghét Chúa Kitô, cũng không hề phản bác sự tồn tại của Ngài.
Aleteia : Tuy nhiên, một số nhà văn đã không ngần ngại phủ nhận sự tồn tại của Chúa Giêsu…
Jean-Christian Petitfils : Từ thế kỷ XIX, quả thật, một vài nhà văn mà người ta gọi là « những người theo thuyết thần thoại », Bruno Bauer, Prosper Alfaric, Arthur Drews, Paul-Louis Couchoud và ngày nay là Michel Onfray đã phủ nhận sự tồn tại của Chúa Giêsu : Chúa Giêsu chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, một biểu tượng, ứng nghiệm cách hư cấu những lời tiên tri của Cựu Ước. Trên thực tế, lý thuyết cực kỳ thiểu số của họ đã thể hiện một sự hiểu lầm sâu xa về lối chú giải hiện đại, về những khám phá khảo cổ học mới nhất và, cách chung chung hơn, về phương pháp lịch sử. Làm sao tưởng tượng được rằng những ngư dân nghèo nàn ở biển hồ Tibêria, một đám người chạy trốn sợ hãi trước cái chết của thầy mình, đột nhiên buông lưới, bỏ lại vợ con và đi khắp thế giới chỉ vì một câu chuyện thần thoại, được chuẩn bị bởi một vài cá nhân ở trong phòng của một quán rượu ở Giuđêa ? Kitô giáo, tôn giáo của mầu nhiệm Nhập Thể, được xây dựng trên sự tồn tại của một con người thực sự và trên chứng tá của các môn đệ của Ngài.
Bảng chữ hình nêm
Aleteia : Các sách Tin Mừng đề cập đến câu chuyện về ngôi sao ở Bêlem, cuộc thảm sát các Anh hài, ngôi mộ trống…Những yếu tố này có thể kiểm chứng được không ?
Jean-Christian Petitfils : Ngôi sao của các đạo sĩ có thể không phải là một biểu tượng thuần túy. Sự tồn tại của nó có thể liên quan đến một hiện tượng thiên văn xảy ra vào năm 7 trước kỷ nguyên của chúng ta. Quả thế, những bảng chữ hình nêm, được khám phá trên di chỉ Sippar cổ đại ở Mesopotamia (miền Nam Irắc), chứng thực rằng, năm đó, sự kết hợp rất hiếm của các hành tinh Sao Mộc (biểu tượng của vương quyền) và Sao Thổ (biểu tượng của Israel) đã diễn ra ba lần trong chòm sao Song Ngư (biểu tượng của Amarru, đất nước của người Amorit, Syria và Giuđêa). Tính toán thiên văn hiện đại đã xác nhận sự kiện này, được thiết lập vào đầu thế kỷ XVII bởi nhà thiên văn học Kepler. Tuy nhiên, thánh sử Matthêu, liên quan đến ngôi sao của các đạo sĩ, đã nói về một ngôi sao xuất hiện, biến mất rồi lại xuất hiện…Điều đó có vẻ trùng khớp. Cũng cần lưu ý rằng vào thế kỷ XVI, giáo sĩ Do Thái Isaac Abravanel, người Bồ Đào Nha, như bất kỳ bậc thầy Do Thái nào, chờ đợi Đấng Mêsia, đã loan báo sự xuất hiện của Ngài khi sự kết hợp hành tinh như vậy sẽ diễn ra trên bầu trời. Nói tóm lại, trong giả thuyết này, Chúa Giêsu sẽ được sinh ra trước kỷ nguyên của chúng ta 7 năm.
Câu chuyện về việc thảm sát các Anh hài được Matthêu tường thuật tương tự không được dựa trên một chứng tá bên ngoài, nhưng không phải là không có nếu chúng ta biết rằng Hêrôđê Cả là một bạo chúa tàn ác, mơ ước được người Do Thái công nhận là Đấng Mêsia. Cái chết của hàng chục hoặc hàng tá đứa trẻ ở Bêlem và vùng lân cận rất có thể đã thoát khỏi các nhà quan sát thời gian, do chứng bệnh nhân cách cuồng ám của nhân vật vào cuối triều đại của ông : ông đã chẳng cho chặt đầu một trong những người vợ của mình là bà Mariamne, anh trai Jonathan, mẹ kế Alexandra, hai người con trai riêng của ông là Alexandre và Aristobule, và nhiều quan chức trong triều đình của ông ?
Về ngôi mộ trống, nó được các sách Tin Mừng chứng thực như là một kinh nghiệm mạnh mẽ, thực tế, được sống bởi các Tông đồ và các phụ nữ thánh thiện. Theo thánh Gioan, việc xếp đặt các khăn trải trong ngôi mộ, vẫn bằng phẳng, như thể xác của Thầy đã biến mất từ bên trong, đã dẫn vào chính mầu nhiệm Phục Sinh. Việc tôn kính ngôi mộ ở Mộ Thánh, được tái khám phá vào thời Hoàng hậu Helena (khoảng năm 326-328), cho thấy tầm quan trọng chủ yếu mà các Kitô hữu đã luôn gắn bó với nơi này.
Aleteia : Nói rộng hơn, làm thế nào để đọc các sách Tin Mừng này ? Chúng là những bài phóng sự hay đúng hơn chúng được coi là những bản văn tiểu thuyết ?
Jean-Christian Petitfils : Không, các sách Tin Mừng chính lục không phải là những bài phóng sự. Đó càng không phải là những tác phẩm tiểu thuyết, như các sách tin mừng được gọi là ngụy thư (theo nghĩa đen là bí mật, ẩn giấu), những bản văn muộn về sau, thấm nhiễm thuyết ngộ đạo hay các truyền thống còn nhiều bàn cãi, tìm cách lấp đầy khoảng trống của các sách Tin Mừng chính lục. Một số liên quan đến các sự kiện huyền thoại hiển nhiên, nhưng phép lạ vô cớ và dư thừa. Ngay cả việc so sánh với các tiểu sử của thời Cổ đại, gợi lên hình ảnh của một vị thầy vốn không còn nữa và các môn đệ của ông tôn kính, cũng không thích đáng. Các sách Tin Mừng chính lục là những chứng tá được viết ra để khơi dậy hay xác nhận đức tin của các tín hữu, những bài giáo lý nhằm cho thấy rằng Chúa Giêsu bị hành hình như một kẻ đáng khinh vào thời điểm lễ Vượt Qua của người Do Thái đã thực sự sống lại vào ngày thứ ba và luôn sống động, hiện diện giữa các môn đệ của Ngài. Nhờ Ngài, cái chết đã được chinh phục cách dứt khoát, và các môn đệ của Ngài được mời gọi tham dự với Ngài trong vương quốc của Thiên Chúa.
Aleteia : Ông viết rằng Chúa Giêsu đã lớn lên ở Nadarét giữa các « anh em » và « chị em » của Ngài… Vậy, Chúa Giêsu đã có anh chị em ?
Jean-Christian Petitfils : Ngày nay, đó là một lối khẳng định nơi các nhà chú giải Tin Lành và ngay cả nơi một số đồng nghiệp Công giáo của họ. Đức Maria, sau khi sinh « người con trai đầu lòng », được sinh bởi Chúa Thánh Thần, đã có với Giuse chồng mình một cuộc sống vợ chồng bình thường, từ đó sẽ có những đứa con khác, những đứa con trái – Giacôbê, Giôsếp, Simon (hay Simêon) và Giuđa – và các cô con gái, không rõ số lượng. Như thế, những gì còn lại là vứt bỏ khái niệm « đồng trinh thực sự và trọn đời », vốn vẫn còn được khẳng định bởi sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo năm 1992…
Một phê bình chặt chẽ của cha Pierre Grelot, một học giả Thánh Kinh nổi tiếng, được công bố vào năm 2003 trong Revue Thomiste, đã coi thường cái được cho là « khám phá » này. Trong tiếng Hy-bá và tiếng Aram, ‘ah (hoặc hâ) có các nghĩa là anh em ruột thịt, anh em cùng cha/mẹ khác mẹ/cha, cháu trai hoặc anh em họ, thành viên của thị tộc. Ở Nadarét, cũng như ở các làng Châu Phi ngày nay, tất cả trẻ em đều tự gọi mình là anh chị em. Trên thực tế, những người được gọi trong các sách Tin Mừng là « anh em của Chúa Giêsu », ít nhất là đối với hai người trong số họ là Giacôbê Nhỏ và Giôsếp (hay Joset), là những ai em họ, con của một Maria nào đó (vợ) của Clopas, người mà, theo Hégésippe, đã kết hôn với anh trai của thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Đối với những người khác, Simêon và Giuđa, đó là những anh em họ xa hơn và trẻ hơn nhiều (Simêon sẽ chết vào đầu thế kỷ thứ II). Dù sao đi nữa, không lúc nào trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được trình bày như một phụ nữ có nhiều con. Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý rằng, trên thập giá, Chúa Giêsu đã giao phó Đức Maria cho thánh sử Gioan, người môn đệ được yêu mến, người đã đưa Mẹ về nhà mình, nơi ngôi nhà của mình ở Giêrusalem, một điều không thể tưởng tượng được trong bối cảnh văn hóa của Do Thái giáo thời bấy giờ nếu Mẹ đã có những người con khác. Ngài nói : « Thưa bà, đây là con bà », và với người môn đệ : « Đây là Mẹ con » (Ga 19, 26-27).
Aleteia : Đâu là những điều chắc chắn lịch sử mà chúng ta có thể có liên quan đến Đức Maria và thánh Giuse, cha mẹ của Chúa Giêsu ?
Jean-Christian Petitfils : Thánh Giuse và Đức Maria thuộc về một chi tộc Do Thái nhỏ bé, người Nazôréens hay người Nazaréniens, những người trở về sau cuộc lưu đày vào thế kỷ thứ II trước kỷ nguyên của chúng ta, cho mình có nguồn gốc từ vua Đavít. Những người này mong đợi sự ra đời ở giữa họ một đấng mêsia đế vương, như Isaia đã tiên báo (« Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi… ») và đã thành lập trên một mỏm đá ở Hạ Galilê một ngôi làng tên là Nazara (Nadarét), từ netzer « chồi gốc » (nói cách khác « con cháu » của Giêsê, cha của Đavít), cũng như một ngôi làng khác, ở phía đông bắc của Golan, là Kokhaba, nghĩa là « ngôi sao », ngôi sao – đấng thiên sai – được loan báo trong sách Dân Số : « Một ngôi sao từ Giacóp sẽ mọc lên và một phủ việt từ Israel sẽ xuất hiện ». Như cha Étienne Nodet, thuộc trường phái Thánh Kinh Giêrusalem, nhận xét : hai ngôi làng này đều mang « một tên thông dụng được rút ra từ niềm hy vọng của cư dân (của chúng) ». Về Giuse, người cha chính thức của Chúa Giêsu, chúng ta biết rất ít, ngoại trừ việc ngài là một tektôn, một nghệ nhân làm đồ gỗ, điều này khiến ngài không chỉ là một thợ mộc vô sản, như người ta thường nói. Chúa Giêsu đã học nghề với ngài, và cả hai có lẽ đã làm việc ở công trường lớn trong vùng, công trình tái thiết thành phố Sépphoris bị người Rôma phá hủy vào năm thứ 6 của kỷ nguyên chúng ta.
Tất nhiên, nhà sử học không thể phát biểu ý kiến về điều mà chúng ta gọi là sự hạ sinh đồng trinh của Chúa Giêsu (việc thụ thai Ngài nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần), lời khẳng định đức tin mà chúng ta tìm thấy trong Tân Ước, Tín biểu của các Tông đồ, Kinh Tin Kính của công đồng Nicée-Constantinople, thậm chí được thừa nhận bởi cả những nhà cải cách Luther và Calvin. Thực tế là dữ kiện này, gây khó chịu hơn là tăng giá trị, đã làm bối rối các môn đệ đầu tiên vì có thể cho rằng thầy của mình được sinh ra cách bất hợp pháp. Trong suốt cuộc đời của mình, các địch thù của Chúa Giêsu đã không ngại cáo buộc Ngài là « sinh ra do tà dâm ».
Nếu họ giữ vững điều đó, với nguy cơ cản trở việc loan báo Tin Mừng, thì đó là vì họ coi điều đó là đặc biệt chắc chắn và quan trọng. Rõ ràng trong Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Maria là nguồn gốc của những mặc khải này. Ngài lưu ý hai lần : « Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ những sự kiện ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng ». Trong một thời gian dài, người ta đã nghĩ rằng trong truyền thống Do Thái, sự trinh tiết của một người phụ nữ bị nhìn nhận theo cách tiêu cực (« Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều …», Stk 1, 28) cho đến khi được khám phá, ở Giêrusalem vào năm 1967 bởi nhà khảo cổ học người Israel, Yigael Yadin, một văn bản pháp lý từ các thủ bản ở Biển Chết (« Cuộn giấy trong Đền Thờ » (Rouleau du Temple), có niên đại từ giữa thế kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên của chúng ta), trong đó có vấn đề về các trinh nữ thánh hiến và lời khấn khiết tịnh trọn đời ngay cả trong hôn nhân : « Nếu một phụ nữ đã kết hôn thực hiện lời thề hứa như thế mà chồng của cô không biết về điều đó, thì anh ta có thể tuyên bố lời thề đó vô hiệu. Tuy nhiên, nếu anh ta đồng ý với một biện pháp như thế, thì cả hai đều có nghĩa vụ phải giữ điều đó ». Đó có phải là hoàn cảnh mà thánh Giuse, chồng của Đức Maria, phải đương đầu, người mà thánh sử Mátthêu nói với chúng ta, đã quyết định từ bỏ bà cách kín đáo ?
Aleteia : Ông cũng nhấn mạnh rằng có một xác tín lịch sử : Chúa Giêsu không được sinh ra vào ngày 25 tháng 12 năm thứ nhất. Vậy tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày này ?
Jean-Christian Petitfils : Chắc chắn rằng Chúa Giêsu không được sinh ra vào ngày 25 tháng 12 năm thứ nhất. Chỉ đến thế kỷ thứ IV Giáo hội mới thiết lập lễ trọng Chúa Giáng Sinh, để Kitô giáo hòa ngày lễ Đông chí. Theo các sách Tin Mừng của Matthêu và Luca, Ngài sinh ra dưới thời trị vì của Hêrôđê Cả, vua xứ Giuđêa. Thế mà, vị vua này đã qua đời trong cung điện mùa đông của mình ở Giêrikhô vào ngày 1 tháng 4 năm thứ tư trước kỷ nguyên của chúng ta. Chính do sự tính toán sai lầm của Dionysius Exiguus (Denys Nhỏ), một đan sĩ ở thế kỷ thứ VI, mà ngày tháng của năm thứ nhất đã được ấn định.
Aleteia : Vẫn trên bình diện lịch sử, làm thế nào nhân cách của Chúa Giêsu (uy quyền của Ngài, lòng nhiệt thành mà Ngài đã khơi dậy…) đã tạo nên sự đoạn tuyệt ?
Jean-Christian Petitfils : Uy quyền vô đối mà ngài nói và mọi người phải công nhận – Ngài, người thợ khiêm tốn từ Nadarét – thật đáng kinh ngạc : « Môsê bảo anh em làm điều này…, còn Thầy, Thầy bảo anh em làm điều kia… » Không, đó không phải là một người Do Thái bình thường ! Ngài nói với các Tông đồ : « Ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa ! » (Mt 12, 6). Trong khi lời cầu nguyện của người Do Thái chứa đầy sự tôn kính đối với Thiên Chúa (ngay cả khi nó nhìn nhận tình phụ tử thần linh đối với dân tộc của Ngài), thì Ngài không ngần ngại gọi Cha mình là « Abba », một từ trìu mến trong tiếng Aram có nghĩa là « Bố yêu » ! Trước mặt các môn đệ, Ngài nói « Cha của Thầy », mà không bao giờ « Cha của chúng con », ngoại trừ việc dạy cho họ lời cầu nguyện mà họ sẽ phải đọc. Và điều lạ lùng nhất là Ngài tha thứ tội lỗi, điều mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm ! Sứ điệp của Chúa Giêsu – Vương quốc Thiên Chúa, tình yêu vô tận của Chúa Cha, lòng thương xót – gắn liền mật thiết với sứ giả, vì chính Ngài là « Vương Quốc » mà Ngài loan báo : « Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống » (Ga 11, 25). Thoát khỏi lề luật Do Thái, Ngài tự khẳng định mình là người trung gian giữa Thiên Chúa và con người : « Ta là Ánh sáng thế gian » (Ga 8, 12), hoặc « Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy » (Ga 14, 6). Để chứng minh căn tính của mình, Ngài đã thực hiện những dấu lạ, những phép lạ, như phép lạ mà đại tiên tri Isaia, bảy thế kỷ trước, đã loan báo về sự xảy ra của nó : « Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại …» (Mt 11, 5). Từ đó, đám đông tuôn đến với Ngài. Nhà sử học không thể phát biểu về những kỳ công này. Ông sẽ chỉ ghi nhận rằng những sự kiện này đã khơi dậy lòng nhiệt thành vào thời của chúng và được các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên coi như là những dấu hiệu xác thực sứ điệp và tính cách thiên sai của Chúa Giêsu. Con người của Ngài là một huyền nhiệm, mà nhà sử học vấp phải.
——————————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Agnès Pinard Legry, Aleteia)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA