CHÚA NHẬT 15 TN C: LUẬT YÊU THƯƠNG
(Đnl 30, 10-14; Col 1, 15-20; Lc 10, 25-37)
Người ta kể rằng ngày kia Chúa Giêsu đóng vai bác hành khất đi ăn xin. Chiều đến, Ngài rảo qua các biệt thự xin trọ qua đêm. Kẻ thì bảo vào chuồng ngựa mà ngủ, kẻ nói xuống vựa lúa, kẻ khác bảo chui vào gầm cầu thang…Nhưng xem ra bác hành khất không muốn nhận những tấm lòng tốt đó. Bác ra xóm lao động xin ở trọ. Bác được lối xóm tiếp đãi tử tế và cho ăn, ngủ chung nhà. Sáng sớm hôm sau thức dậy, bác ta biến đâu mất nhưng gia chủ thấy một bức thơ để lại, trong có ghi câu “Các con là bạn thân của Đức Kitô”. Sau này mấy kẻ nhà giầu nghe biết rát lấy làm hổ thẹn.
Đức ái là yêu thương. Bác ái không ghen tương đố kỵ. Thiên Chúa đã phú bẩm trong lương tâm con người để biết phân biệt lành dữ, xấu tốt. Lương tâm cần được hướng dẫn và chỉ bảo hướng về đàng lành. Giống như một cây non cần được uốn nắn để mọc thẳng lên. Xưa Thiên Chúa đã chọn một dân riêng và ban lề luật cùng các huấn lệnh để hướng dẫn họ đi trong đường lối của Thiên Chúa. Sách Đệ Nhị Luật được ghi chép những điều Thiên Chúa truyền dạy, lời các tiên tri và những lề luật cần thiết để sống theo đường lối Chúa: Miễn là anh em nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Thiên Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ (Đnl 30, 10). Lề Luật vừa hướng dẫn và vừa gìn giữ rào cản để mọi người khỏi rơi vào lầm lỗi. Sống theo mệnh lệnh và thánh chỉ của Chúa là sống theo Chúa.
Tất cả các lề luật đều qui về giới luật yêu thương. Luật yêu thương là căn cốt của tất cả cuộc sống. Sống để yêu và yêu để sống. Luật đó đã được in ghi sâu tận tâm can của mọi loài thụ tạo. Luật ở tại tâm: Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành (Đnl 30, 14). Chúng ta không phải tìm kiếm đâu xa, tâm yêu thương ở sẵn trong lòng ta. Hạt giống yêu thương đã được Thiên Chúa gieo trong lòng mỗi người. Chúng ta có bổn phận tưới gội, chăm sóc và làm cho hạt giống sinh xôi nẩy nở. Trái tim yêu thương cần mở rộng để cho đi và đón nhận. Yêu như dòng nước luôn chảy, có ra có vào và có lên có xuống. Tình yêu như dòng nước nếu bị đóng khung khép kín, tình yêu sẽ cô đơn, lẻ loi và giá lạnh.
Thánh Gioan đã tuyên xưng: Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8). Vì muốn chia sẻ tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng mọi kỳ công trong vũ trụ. Mọi vật và mọi loài được hiện hữu trong tình yêu của Thiên Chúa. Dấu ấn tình yêu được lan tỏa khắp cùng vũ trụ. Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự theo thánh ý. Tình yêu có những cách thể hiện khác nhau giữa muôn loài. Cảm súc tình yêu được bày tỏ qua sự sống. Từ những loài có sự sống đơn sơ đến phức tạp đều được ngụp lặn trong biển tình của Thiên Chúa. Sống để yêu và được yêu. Kinh Thánh đã nói 686 lần về tình yêu ‘Love, loved, loving, loves, lover’, yêu Chúa và yêu người.
Truyện kể có một con chó, tên là Capitan, đã nằm ngồi bên mộ của chủ suốt quãng thời gian 6 năm. Ông Miguel Guzman đã nhận nuôi con chó như món quà cho đứa con trai trẻ vào năm 2005. Năm 2006 ông bất ngờ chết và đã được chôn cất tại nghĩa trang Villa Carlos Paz, trung tâm Argentina. Sau khi chôn táng ông xong, con chó Capitan đã ra khỏi nhà và tìm đến nghĩa trang nơi chôn cất ông. Con chó luẩn quẩn và quỳ bên mộ ông. Mỗi ngày, cứ đúng 6 giờ chiều, nó nằm xuống trên mộ suốt đêm trong vòng 6 năm trời. Chúng ta không thể hiếu thấu cái gì đã đang xảy ra trong tâm ở thế giới động vật. Tình cảm, tình yêu, cảm xúc hay một sự thần giao cách cảm nào đó.
Nhà Khoa Học đã nghiên cứu 14 cặp khỉ Rhesus Macaque tại Trung hoa. Đã học biết rằng con khỉ mẹ và các khỉ con cũng bày tỏ sự trìu mến yêu thương. Những con khỉ mẹ và khỉ con nhìn nhau với ánh mắt thân thương. Khỉ mẹ cúi xuống mơn trớn và hôn các khỉ con trên mặt, trên môi và khỉ con cũng hôn trả lại. Các con khỉ cùng chia sẻ thực phẩm và săn sóc nâng đỡ nhau giống như xã hội con người. Khỉ mẹ thường ôm con vào lòng và bảo vệ con một cách rất âu yếm. Các con khỉ cũng sống thành bày, thành đàn và yêu thương hỗ trợ nhau. Khi một con bị thương hay ốm yêu bệnh tật, các con khỉ khác cũng lo lắng chăm sóc. Qua khuôn mặt và cách biểu tỏ cảm tình, chúng ta nhận biết loài vật cũng có một mức độ yêu thương mà Tạo Hóa đã phú bẩm.
Chúng ta cũng có thể quan sát gà mẹ dẫn đàn gà con đi tìm mồi. Mẹ dẫn con ra vườn và lấy sức mình dùng đôi chân giãi đất tìm mồi, rồi cục cục gọi các gà con đến ăn mồi. Khi nghe biết có quạ đen, diều hâu hay bất cứ sự nguy hiểm nào, gà mẹ dáo giác giang cánh ra để ấp ủ con dưới cánh. Tuy cuộc sống gà vịt rất đơn sơ nhưng cũng nói lên tình liên đới bảo vệ và chia sẻ yêu thương. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh gà mẹ ấp ủ con để nói lên tình yêu của Thiên chúa với loài người: Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái người lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các người không chịu (Mt 23, 37).
Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài ra tình thương mến. Câu truyện trong bài Phúc âm hôm nay nói về một người lữ hành bị tai nạn cướp bóc và bị đánh đập dọc đường. Có thầy tư tế và trợ tế đi ngang qua và thấy nạn nhân nhưng không mở lòng giúp đỡ. Một người xứ Samaria đi qua, động lòng thương và giúp đỡ nạn nhân bằng mọi cách. Người Samaria, tuy là ngoại đạo, nhưng đã biết tỏ lòng thương xót. Ông đã thực hành giới răn yêu thương bằng chính hành động của mình. Chúa Giêsu đã khuyến khích các thầy thông luật, các môn đệ và cả chúng ta nữa: Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.’(Lc 10, 37). Nói về giới luật yêu thương thì dễ, ai cũng có thể suy niệm, phát biểu và truyền rao nhưng để đưa vào áp dụng trong cuộc sống hằng ngày thì không đơn giản. Chúng ta cần thấm nhuần tinh thần bác ái và quảng đại dấn thân. Đạo của Chúa là đạo yêu thương. Không chỉ yêu bằng lời nhưng bằng hành động.
Chúa Giêsu đã nêu gương bằng tình yêu thập giá. Chúa đã cho và cho tất cả. Chúa Kitô là hiện thân của Thiên Chúa Cha: Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo (Col 1, 15). Tình yêu Chúa cao vời, làm sao chúng ta có thể đáp đền cho cân xứng. Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một Yêu Dấu, chịu khổ hình và chết để chuộc tội chúng ta. Chúa Con đã hiến thân trên thập giá và đã đổ tới giọt máu cuối cùng để cứu độ. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa yêu mến khơi dậy lòng yêu thương trong tâm hồn chúng ta. Mọi sự bắt đầu với tình yêu và sẽ kết thúc trong tình yêu: Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người (Col 1, 19).
Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con. Tình yêu Chúa lan tỏa khắp cùng thế giới. Vũ trụ muôn loài đều mang dấu ấn tình yêu của Chúa. Xin cho nguồn tình yêu tuôn chảy trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn biết yêu và được yêu. Yêu Chúa và yêu tha nhân như chính mình.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- QUAN TÂM
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 32 TN C
- SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 31 TN C: CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI
- CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C: “TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA!”
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 31 TN C
- CHÚA NHẬT 30 TN C: HẠ MÌNH
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C: THIÊN CHÚA LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NGHÈO
- SUY NIỆM LỜI NGÀI ĐỌC TRONG TUẦN 30 TN C
- CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM C: HÃY KIÊN TRÌ CẦU XIN VÌ THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG MINH XÉT
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 29 TN C
- CHÚA NHẬT 29 TN C: KIÊN TÂM
- CHÚA NHẬT 28 TN C: ƠN NGƯỜI, ƠN ĐỜI
- CHÚA NHẬT 28 TN C: TẠ ƠN CHÚA