CHÚA NHẬT 23 TN C: KHÔN NGOAN
(Kn 9, 13-18; Plm 1, 9b-10. 12-17; Lc 14, 25-33)
Truyện kể: Một viên chức chính phủ tên là Kruger, sống và làm việc tại Nam Phi. Một hôm, ông được mời đến để giải quyết vụ kiện tụng đất đai giữa hai anh em ruột. Họ tranh luận nhau về sự phân chia sao cho công bằng phần đất mà cha ông để lại. Vùng đất phì nhiêu có mỏ quí, hồ, sông và cảnh đẹp. Ông biết rằng sẽ không có vấn đề phân chia cách nào, nhưng sẽ không thoát khỏi sự ghen tị của một trong hai người. Ông mất một thời gian dài thảo luận, cuối cùng ông đã có một giải quyết gọn nhẹ. Ông cho gọi cả hai anh em đến và ông để cho một người đứng ra phân chia đất đai làm hai phần. Khi phân chia xong, ông cho người kia có quyền chọn lựa nửa phần đất mà anh ta muốn. Một thái độ rất khôn ngoan và công bằng. Giống như câu truyện ở nhà quê xưa, khi mấy người hàng xóm đánh đụng con heo hay con chó, họ cũng phân chia đồng đều và mỗi người vui vẻ nhận phần của mình.
Trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, đứng đầu là ơn khôn ngoan. Người khôn ngoan đích thực là người nhận biết được sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa và vũ trụ muôn loài muôn vật. Người thông giỏi các môn ở trường lớp và thành công ở trường đời chưa chắc đã là người khôn. Họ có trí thức nhưng chưa hẳn là đã có trí tuệ. Người tự cho mình có trí tuệ chưa phải là người khôn, nếu họ không học biết thánh ý của Thiên Chúa. Một người học cao hiểu rộng nhưng chưa học biết sự hiện hữu của Thiên Chúa vẫn chưa phải là người khôn. Vì ý tưởng và sự suy nghĩ của con người phàm trần chỉ là mù mờ: Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn (Kn 9, 14). Không có ai thấu hiểu được mầu nhiệm cao siêu về Thiên Chúa, nếu không có ơn khôn ngoan do Thánh Thần hướng dẫn: Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống (Kn 9, 17).
Tâm trí của con người bị giới hạn mọi bề. Tất cả sự suy tưởng và học biết về nguyên nhân và cùng đích của vũ trụ con người qua muôn thế hệ cũng chỉ như là giọt nước trong đại dương. Vũ trụ bao la bát ngát, trời cao biển rộng mênh mông ngút ngàn, con người chỉ là một thụ tạo thấp hèn và vô cùng giới hạn cả trong không gian lẫn thời gian. Chúng ta chẳng thể nào hiểu được ý mình hay ý người, làm sao chúng ta đòi hỏi hiểu được ý định của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan dạy rằng: Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn?(Kn 9, 13). Thượng Đế đã tạo dựng con người và vũ trụ muôn loài để thông ban sự hiện hữu. Thiên Chúa đã chia sẻ sự sống và tình yêu thương với mọi loài, nhất là con người. Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết về sứ mệnh, cùng đích của vũ trụ và con người. Con người được tạo dựng để thông phần sự sống đời đời với Thiên Chúa. Sống đời đời là một ân huệ tuyệt vời trong sứ mệnh làm con người. Ai chưa nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo thành mọi sự chưa phải là người khôn.
Khi chúng ta nói một con vật khôn là con vật biết làm theo ý của chủ nó. Người ta có thể huấn luyện những con thú vật rập theo một số hành động nào đó thành một thói quen phản xạ. Một số các con thú như con khỉ, con chó, con chim, con voi, con hổ… có khả năng bắt chước và học khôn. Có những con thú làm trò trên sân khấu theo thói quen được lập đi lập lại nhiều lần. Những con thú đó làm theo khuôn mẫu đã được sắp đặt trước mà không có sáng kiến. Chúng ta biết rằng khi các con thú diễn trò, nếu có sự cố khác lạ xảy ra, các con thú sẽ bị lẫn lộn không biết đầu cuối ra sao. Giống như một con chó khôn là con chó biết làm theo lệnh của chủ. Một con khỉ đười ươi khôn nhất cũng còn kém xa trí khôn của một em nhỏ. Con người nhờ có trí nên khôn hơn con vật. Sự khôn ngoan của con người là biết tìm học hỏi và chuẩn bị hướng về cung đích theo thánh ý của Đấng Tạo Hóa.
Truyện kể: Có một ông vua rất khôn ngoan. Ông thường cười nhạo những người khùng hay nói những điều nhảm nhí. Một ngày, vua trao cho người khùng một cây gậy và nói rằng hãy giữ lấy nó cho tới khi người tìm được một người khùng điên hơn ngươi. Năm tháng trôi qua, đời sống của vua đã gần đất xa trời. Ngày giờ đã điểm, gia đình, các quần thần, các đầy tớ và cả tên khùng cùng đứng quanh giường của ông. Vua mới nói: Trẫm cho gọi tất cả mọi người đến để nói lời chia biệt. Trẫm chuẩn bị rời xa và sẽ bước vào cuộc lữ hành dài. Trẫm sẽ không trở lại đây nữa. Anh khùng bước tới: Thưa hoàng thượng, xin hỏi một câu trước khi ông ra đi. Trong qúa khứ, bất cứ khi nào ông đi diễn hành trong nước hay thăm viếng một quốc gia nào khác, ông luôn luôn có những người tiền phong, cận vệ và lính tráng chuẩn bị mọi sự rất cẩn thận. Tôi xin hỏi: Ông đã chuẩn bị gì cho chuyến lữ hành dài này? Vua trả lời: Ta chưa chuẩn bị gì hết. Rồi anh khùng nói: Vậy ông hãy cầm lấy cây gậy này. Cuối cùng tôi đã tìm kiếm được người khùng điên hơn tôi. Vua chỉ khôn cái khôn của thế gian.
Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Chúa phải có thái độ dứt khoát: Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta (Lc 14, 26). Làm môn đệ của Chúa Giêsu xem ra thật khó. Vì khó, nên Chúa không có nhiều người theo làm môn đệ. Biết như thế nhưng Chúa Giêsu không rút lời. Chúa mời gọi mọi người hãy theo Chúa. Chính Chúa đã rao giảng và đã hoàn tất mọi lời truyền dạy. Chúa đi trước và đoàn chiên theo sau. Các môn đệ dõi theo lối bước của Chúa sẽ tìm được sự sống muôn đời. Xưa các thánh tông đồ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa, các Ngài đã hy sinh cả mạng sống và đã lãnh nhận triều thiên vinh quang. Làm môn đệ của Chúa đòi hỏi sự hy sinh, xả thân và hiến mình. Chúa sẽ ban lại cho gấp trăm gấp ngàn ngay cả đời này lẫn đời sau. Lòng nhân hậu và quảng đại của Chúa cao vượt trên tất cả. Phần thưởng là sự sống viên mãn đời đời trong Nước Chúa.
Theo Chúa và vác thánh giá mình mà theo. Đi theo Chúa là bước theo con đường Chúa đã đi. Sống theo cách thế Chúa đã sống. Thực hành những điều Chúa đã truyền dạy. Chúa phán: Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta (Lc 14, 27). Phàm muốn được sự gì cũng phải trả cái giá của nó. Muốn đạt kết qủa thành công trong cuộc sống, chúng ta cũng phải miệt mài tập luyện, phấn đấu và chăm chỉ làm việc. Chúng ta không thể ngồi đó chờ sung rụng để hưởng phước. Muốn nên hoàn thiện, chúng ta cần tập tành nhân đức, buông bỏ những thói hư tật xấu, chuyên tâm sống đạo và thực hành đạo. Thánh Phaolô đã dâng hiến cuộc đời mang tin mừng đến cho tha nhân. Ngài lãnh chịu mọi khổ hình, bị đánh đòn, bị cầm tù, bị xua đuổi và sau cùng được lãnh triều thiên tử đạo. Phaolô viết thơ cho Philêmon: Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô (Plm 1, 9b).
Cuối bài phúc âm, Chúa Giêsu dùng hai thí dụ để nói về sự chuẩn bị khôn ngoan của người đời. Câu truyện một người chuẩn bị xây tháp canh và ông vua sẵn sàng mang quân ra trận. Người khôn là người biết tính toán, dự phòng và chuẩn bị cách cẩn thận theo khả năng. Chúa Giêsu nêu vấn đề: Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không?(Lc 14, 28). Mỗi người chúng ta cũng phải tự lượng sức mình trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Có những biến cố bất ngờ xảy đến không ai lường trước được. Chúng ta đều là con người phàm hèn yếu đuối có thể sa ngã, bỏ cuộc hay phạm tội bất cứ lúc nào. Giầu có uy quyền như vua Đavít cũng không thoát khỏi quyến rũ lưới tình. Vua Ahab giầu sang quyền quí, cũng vẫn tham lam một mảnh đất của người hàng xóm. Mỗi một ngày đều có thách đố mới mời gọi chúng ta phải cảnh tỉnh và vượt qua.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn khôn ngoan để học biết về Chân, Thiện và Mỹ. Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo tuyệt đối. Chúa Kitô là lời khôn ngoan của Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe, suy niệm và thực hành lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 32 TN C
- SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 31 TN C: CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI
- CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C: “TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA!”
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 31 TN C
- CHÚA NHẬT 30 TN C: HẠ MÌNH
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C: THIÊN CHÚA LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NGHÈO
- SUY NIỆM LỜI NGÀI ĐỌC TRONG TUẦN 30 TN C
- CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM C: HÃY KIÊN TRÌ CẦU XIN VÌ THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG MINH XÉT
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 29 TN C