CHÚA NHẬT 25 TN C: SỢ CHÚA CẮT VIỆN TRỢ

Written by xbvn on Tháng Chín 21st, 2013. Posted in Cao Huy Hoàng, Năm C, Tâm linh

 Dự lễ Cung Hiến Thánh Đường tại một Tân Giáo Xứ ở vùng núi xa xôi, tình cờ tôi gặp được một đôi vợ chồng trẻ, dáng vẻ gầy còm khắc khổ nhưng nụ cười rất hồn nhiên và phấn khởi. Tôi bắt đầu gợi chuyện

– “Anh ở giáo xứ này chứ?”

– “Dạ, em ở đây từ nhỏ đến giờ”

– “Ở đây anh làm nghề gì để sống?”

– “Dạ, em làm thợ hồ nuôi một vợ ba con”

– “Hôm nay, giáo xứ mình có nhà thờ mới vui quá nhỉ”

– “Dạ, vui lắm chứ anh. Ước ao bao năm rồi.”

– “Thời gian xây nhà thờ có lâu không vậy anh?”

– “Dạ hơn một năm đó anh à”

– “Bà con mình có đóng góp công, của nhiều không?”

– “Dạ chút chút thôi anh, bởi ai cũng nghèo khổ quá”

– “Thế hả? Anh làm thợ hồ thì chắc góp công thợ hồ chứ gì?”

– “Thưa không. Em cũng muốn góp công, nhưng ê-kíp thợ là của nhà thầu, đã đủ. Bà con giáo dân chỉ phụ việc thôi. Bởi vậy em đành phải đóng góp cách khác”

– “Cách khác là thế nào?”

– “Vợ chồng em quyết định trích một phần tư  ngày công, và đóng từng ngày cho giáo xứ. Làm vậy, là vì em không thể có đồng tiền lớn và đóng một lúc. Mà không đóng từng ngày thì sợ mình tiêu hết, nhà có lắm chuyện phải tiêu. Chúng em đã cố gắng đóng trọn một năm.”

– “Ồ, thế thì có thiệt thòi cho kinh tế gia đình anh lắm không?”

– “Dạ cũng có, nhưng không sao. Em tin là em sẽ được lại gấp trăm, và nhất là vì “Em sợ Chúa cắt viện trợ lắm”  anh à!”

 Tôi thật bất ngờ trước một niềm tin và trước một nghĩa cử bởi niềm tin. Nếu tôi không lầm, thì công thợ hồ ở đây vào khoảng 160.000 đồng một ngày. Một tuần có khả năng được năm ngày công và một tháng hai mươi ngày công. Nhẩm tính, khoảng hơn 9 triệu là số tiền anh chị hy sinh đóng góp cho công trình nhà thờ, mà đóng từng ngày như đóng hụi! Khoản tiền ấy có thể là rất nhỏ đối với một số người, nhưng thiết tưởng, lại là rất lớn đối với anh. Không chỉ lớn về số tiền, mà còn lớn về cách đóng góp: hy sinh từng ngày.

Khó kiếm được một tâm hồn quảng đại với Chúa như vậy. Quảng đại vì tin Chúa rất công minh sẽ đền bù gấp trăm, hay quảng đại vì cảm nghiệm được tất cả những gì mình có đều là do bởi ơn Chúa, thì suy tư ấy vẫn chứng tỏ là suy tư chính đáng và thánh thiện của một tín hữu hồn nhiên, thánh thiện, đơn sơ, phó thác.

Cách nào đó, có thể hiểu rằng người tín hữu ấy đã vượt lên trên sự ràng buộc của đồng tiền như người ta vẫn nói: “đồng tiền nối liền khúc ruột”, vượt lên trên sự bất nhất có thể giữa vợ chồng con cái, vượt lên trên sự khoe khoang tự phụ thường có của người giàu có hơn khi đóng góp. Tôi không dám phủ nhận sự đóng góp quý giá của những nhà hảo tâm, của những đại gia, của những người giàu có ở khắp mọi nơi cho công trình nhà Chúa, nhưng câu chuyện trên đây cũng đáng để cho đời một ý nghĩa khá là thú vị, một bài học đáng nhớ: người quản lý trung tín của Thiên Chúa, biết sử dụng đồng tiền của Thiên Chúa ban cho để làm vinh danh Chúa.

Câu nói của anh ấy: “Em sợ Chúa cắt viện trợ lắm” như một bài học giáo lý về “Ơn Chúa” được giải thích cách khôi hài nhưng dễ hiểu và đầy niềm tin.

Người sử dụng ơn Chúa ban như trí hiểu, lý tưởng, tài năng, sức lực, vật lực và cả thời gian, tiền bạc là để sẻ chia cho cuộc đời, để làm lợi cho Thiên Chúa. Người ấy mới là người quản lý trung tín. Hơn nữa đức tin cho phép chúng ta hiểu rằng khi đã cho đi, làm cho cạn đi, cho vơi đi thì mới có lý do để được Thiên Chúa rót lại cho đầy. Giả sử, người ấy không có đức tin và cũng không làm cho vơi đi những gì mình có, cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội, thì nỗi lo sợ “Chúa cắt viện trợ” quả thật là có thể xảy ra

 Lời Chúa hôm nay trong trang Tin Mừng minh chứng rõ điều đó trong trường hợp của người quản lý bất trung. Ông phung phí của cải, tài sản của Thiên Chúa đã giao cho ông quản lý. Phung phí vì ông tưởng của cải ấy, tài sản ấy là của ông. Phung phí là không biết quản lý, sử dụng không đúng mục đích tốt cho Chúa cho đời, lại sử dụng vào việc xấu xa tội lỗi.  Ông không làm lợi gì cho Thiên Chúa và cho cả chính ông. Vì thế, quyết định cuối cùng của Thiên Chúa là cách chức, là cắt viện trợ. Ông sẽ còn tay trắng mà ra đi. Chúa cắt viện trợ! Mất ơn Chúa!

Thiết tưởng, anh chị thợ hồ kia có thể là ít học chuyện đời, chuyện đạo, lại ở một giáo xứ nhà quê xa xôi, nhưng anh chị đã sống xứng đáng là “người quản lý trung tín của Thiên Chúa”. Anh tin tưởng vào ông chủ sẽ tiếp tục viện trợ cho anh, ban phát cho anh khi anh sử dụng chính sức lực, chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của anh mà mua lấy niềm vui bình an, mua lấy hạnh phúc gia đình.

Hiểu rất đơn sơ, nôm nà rằng “sợ Chúa cắt viện trợ” có thể còn mang tính tiêu cực, nhưng thực chất, việc làm của anh và cả chị nữa đã là rất tích cực với chức vụ quản lý của anh, chị.

 Qua câu chuyện anh chị thợ hồ và dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, hy vọng chúng ta có cơ hội để suy tư về cách sử dụng những gì Chúa ban cho chúng ta: sự sống, tự do, thời gian, sức khỏe, nhà cửa, tiền bạc…. có sinh lợi gì cho Thiên Chúa, cho sự sống đời sau của chúng ta không.

Chúng ta đã phung phí sức khỏe vào những chuyện vô bổ: rượu chè, hút chích, ăn uống, chơi bời quá độ, tự đày đọa bằng những nỗi buồn chán, thất vọng… mà Chúa vẫn chưa cắt viện trợ.

Chúng ta đã lạm dụng tự do để dùng tài năng, sắc đẹp, tiền bạc, phương tiện… để sử dụng vào những việc lỗi lề luật của Chúa.

……….

Chúng ta là những quản lý bất trung.

 Lạy Chúa, xin cho chúng con quản lý tốt những gì Chúa trao ban cho, để sinh ích lợi cho phần rỗi của chúng con và mọi người. A men

 PM. Cao Huy Hoàng, 20-9-2013

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31