CHÚA NHẬT 29 TN C: KIÊN TÂM
(Xh 17, 8-13; 2Tm 3, 14 – 4, 2; Lc 18, 1-8).
Truyện kể: Wilma Rudolph bị bạo bệnh ngay từ lúc mới sinh. Cô là một đứa trẻ sinh non thiếu tháng, bị viêm phổi, cảm hồng chẩn và bị bại liệt. Bệnh bại liệt làm cho một chân bị teo cơ và bàn chân mang tật. Tới lúc 11 tuổi, Wilma chân đi khập khễnh bị niềng bởi miếng kim loại. Tại nhà, cô bé xin chị coi chừng, trong khi cô thực tập bước đi không mang vật niềng. Cô bé tập tành mỗi ngày, nhưng sợ rằng cha mẹ của cô khám phá ra việc cô đang làm và có thể ép buộc cô phải ngưng. Cuối cùng, cảm thấy có lỗi. Cô trình bày mọi sự việc đang diễn tiến, bác sĩ qúa ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông cho phép cô tiếp tục thực tập nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Dù thế nào đi nữa, câu truyện rút ngắn lại. Wilma tập bước đi cho tới khi cô bé đã rời bỏ đôi nạng vĩnh viễn. Cô bé tiến bộ trong việc tập chạy. Khi cô lên 16 tuổi, cô đã thắng giải huy chương đồng trong cuộc chạy đua tiếp sức ở Melbourne Olympics. Bốn năm sau, tại Rome Olympics, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thắng ba huy chương vàng môn điền kinh. Cô trở về với băng ghi dấu được đón chào tại Hoa Kỳ và gặp riêng tổng thống Kennedy và nhận Giải Thưởng Sullivan (Sullivan Award) như vận động viên nghiệp dư hàng đầu của quốc gia.
Trong cuộc lữ hành về Đất Hứa, dân Do-thái gặp nhiều bước gian truân cả đối nội lẫn đối ngoại. Đối đầu gian khó cả tinh thần lẫn thể chất. Thiên Chúa thanh luyện lòng dân qua rất nhiều biến cố khó khăn. Họ lo lắng về nơi ăn chốn ở và sự an toàn cuộc sống. Dân sống chết với cuộc sống bấp bênh lang thang trong hoang địa. Đi qua các vùng dân cư ngoại bang, họ phải tranh đấu để sống còn. Có nhiều nhóm dân thù nghịch đã dấy lên gây chiến với họ. Người Amalec đã đưa quân chinh phạt Israel: Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim (Xh 17, 8). Ông Môisen đã phải cầu khẩn với Thiên Chúa suốt ngày. Ông giang tay kiên tâm cầu nguyện, luôn đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa để cầu xin cho dân thắng trận: Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế (Xh 17, 11). Ông Môisen và dân chúng một lòng kiên trì cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Quyền phép của Chúa thức hiện nhãn tiền qua từng giây phút.
Môisen đã kết hợp lòng trí một cách rất chân thành với Thiên Chúa Giavê. Ông khẩn cầu cùng Thiên Chúa trong mọi bước đường sướng khổ. Chúa đã dùng ông như khí cụ dẫn đưa Dân riêng ra khỏi Ai-cập để vào miền Đất Hứa. Chương trình cứu độ tiếp tục trải dài suốt dọc lịch sử của Dân Do-thái cả mấy ngàn năm. Đôi khi chúng ta tự hỏi, tại sao Thiên Chúa chuẩn bị chờ đợi một thời gian qúa dài để đón nhận Đấng Cứu Thế xuống trần? Chúng ta không thể nào hiểu thấu ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng hữu đi vào thời gian và không gian hữu hạn. Thiên Chúa luôn kiên trì chờ đợi sự tiến triển của con người. Tính theo thời gian năm tháng của đời sống con người trần thế thì qúa lâu dài. Đã có biết bao nhiêu dòng dõi nối nghiệp cưu mang sứ vụ đón nhận ơn cứu độ.
Thiên Chúa bước vào tiến trình lịch sử của một dân tộc và đồng hành từng bước cùng với sự u mê, ương ngạnh và dại khờ của con người. Thiên Chúa dõi bước qua mọi trạng huống thăng trầm của lịch sử. Chúng ta biết tâm hồn, tính tình và cõi lòng của con người đổi thay chẳng tốt lành gì. Kinh Thánh đã nêu danh một số vị tiêu biểu được Chúa chọn làm người lãnh đạo như vua Saulê, Đavít, Solômon và các vua kế vị, nhưng được mấy vị tốt lành và trung tín. Thiên Chúa ưu đãi và ban muôn ân phước lộc cho các vị lãnh đạo, nhưng hầu như vị vua nào cũng nhiều lần bị sa ngã phạm tội và rơi vào tham sân si của trần đời. Dân Riêng cũng đã nhiều lần quay lưng phản bội lại với Thiên Chúa để chạy theo tôn thờ các thần dân ngoại. Thiên Chúa luôn tín trung với lời đã hứa. Chúa kiên tâm chờ đợi. Chúa đánh phạt họ, rồi Chúa lại tha.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn dạy các tông đồ về sự kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng khi nào chán nản: Chúa Giêsu dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng (Lc 18, 1). Dụ ngôn nói về sự kiên tâm của người đàn bà góa trước quan tòa. Vì bà quấy rầy qúa, nên ông đã xét xử cho bà. Chúa dùng hình ảnh việc hầu tòa để nói về sự cầu nguyện luôn. Chúng ta cần kiên trì trong cầu nguyện. Có nhiều khi điều chúng ta xin hôm nay không được, ngày mai lại đổi sang lời cầu khác. Chúng ta muốn được Chúa đáp lời cho thỏa mãn các nhu cầu ngay lập tức. Đôi khi chính chúng ta cũng không biết mình cần gì hay xin gì cho phải lẽ. Mỗi lần cầu xin chúng ta kể ra một chuỗi dài những ơn cần thiết, nhưng chúng ta lại chẳng thiết tha chờ đợi. Nghĩ rằng cầu xin rồi, Chúa muốn ban hay không cũng chẳng sao. Có thể chúng ta cầu mà chưa được vì cầu xin không đúng cách. Chúng ta dễ chán nản trong lời cầu xin là thế!
Với tâm tình khoan dung nhân hậu, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện. Không lẽ nào Thiên Chúa không nhận lời chúng ta cầu xin, nếu chúng ta thiết tha kêu cứu đêm ngày: Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? (Lc 18, 7). Đây là chìa khóa của việc cầu nguyện. Hãy tập trung tinh thần cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa. Vì không phải xin nhiều hay nói nhiều là được nhiều. Chúng ta phải biết cầu xin và biết lắng nghe. Lời cầu cần sinh ích lợi cho phần rỗi của linh hồn của chúng ta. Nhìn lại cuộc đời, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta mong ước cầu xin.
Cầu nguyện cần sự kiên trì. Kiên trì chờ đợi như người mẹ mang thai chờ đợi sinh con. Người mẹ không thể cắt bớt thời gian năm tháng phát triển của thai nhi trong cung lòng. Thời gian là nguồn ân phước để cưu mang và sinh thành. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, thời gian và môi trường chung quanh vẫn cứ trôi. Mọi loài thụ tạo theo tiến trình tự nhiên cứ phát triển. Con người cần có sự kiên nhẫn đợi chờ trong tất cả mọi diễn tiến tự nhiên. Chúng ta không thể cắt bớt thời gian để tìm đạt kết qủa ngay. Người ta nói: Dục tốc bất đạt. Trong vấn đề cầu nguyện cũng thế, cầu xin là trải lòng ra một cách khiêm tốn để nhận biết thân phận yếu hèn, tội lỗi, thiếu thốn và bất xứng, xin Chúa đoái thương và ban ơn phúc.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy biết sống lời Chúa để sinh hoa trái trong cuộc sống đạo. Tất cả chân lý mạc khải về Thiên Chúa và vũ trụ con người đã được ghi chép trong Kinh Thánh: Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính (2Tm 3, 16). Lời linh hứng sống động được truyền đạt qua bao đời. Giáo Hội có một kho tàng khôn ngoan vô giá là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được in ghi trong lịch sử cứu độ để giúp con người đạt tới cứu cánh của mình. Chúng ta không phải tìm nơi nguồn nào khác. Thánh Kinh giúp chúng ta tìm ra tận nguồn chân thiện mỹ.
Đừng ngại dùng Lời Chúa để rao giảng, thuyết phục và hướng dẫn. Phaolô đã nhấn mạnh: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn (2Tm 4, 2). Chúng ta không xấu hổ vì rao giảng lời Chúa. Không sợ hãi khi làm chứng nhân cho Chúa. Không hổ thẹn khi trưng dẫn lời Chúa. Chúng ta hãy can đảm đọc, lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
Lạy Chúa, Chúa rất nhân từ và khoan dung đại lượng. Chúa chẳng bỏ rơi những ai chạy đến với Chúa xin ơn trợ giúp. Xin cho chúng con biết tín trung và bền vững dõi theo bước đường Chúa đã đi.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 32 TN C
- SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 31 TN C: CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI
- CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C: “TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA!”
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 31 TN C
- CHÚA NHẬT 30 TN C: HẠ MÌNH
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C: THIÊN CHÚA LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NGHÈO
- SUY NIỆM LỜI NGÀI ĐỌC TRONG TUẦN 30 TN C
- CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM C: HÃY KIÊN TRÌ CẦU XIN VÌ THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG MINH XÉT
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 29 TN C