CHÚA NHẬT 30 TN C: HẠ MÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười 23rd, 2013. Posted in Lm. Trần Việt Hùng, Năm C

(Hc 35, 12-14. 16-18); 2 Tm 4, 6-8. 16-18; Lc 18, 9-14).

Ông Kitagaki, thống đốc bang Kyoto, đến viếng đền Tofuku để thăm Keichu, vị sư trưởng của đền này. Đệ tử Keichi vào báo: Kitagaki, thống đốc muốn diện kiến thầy. Sư trưởng trả lời: Ta không biết thống đốc nào cả. Đệ tử chạy ra nói với Kitagaki: Thầy tôi yêu cầu ngài lui gót, vì không quen biết thống đốc nào cả. Kitagaki hiểu ra: Nếu vậy, hãy báo với thầy của anh là có Kitagaka muốn diện kiến. Đệ tử nói: Để tôi báo lại với thầy lần nữa. Lần này sư trưởng ra đón tận nơi. Ồ, Kitagaki đấy à. Xin mời vào trong nhà.

Thiên Chúa đứng về phía những kẻ có lòng khiêm nhu, người cùng khổ và kẻ thấp cổ bé miệng. Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng dậy những ai khiêm hạ. Chúa lắng nghe lời cầu của những kẻ có tâm hồn khiêm cung và chân thành. Sách Huấn Ca đã khuyên dạy: Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu (Hc 35, 13). Trước mặt Thiên Chúa, con người mang thân phận mọn hèn, yếu đuối và bất toàn. Tất cả những gì tốt lành của con người sở hữu được đều do Thiên Chúa thương ban. Thiên Chúa trao cho con người có quyền làm chủ muôn loài và muôn vật trên mặt đất. Nhưng con người vẫn mang thân phận bọt bèo và bàn chân luôn bám chặt xuống mặt đất. Giờ đây, chúng ta dùng đôi phút để suy cho sâu, nghĩ cho kỹ và học hỏi cho thấu đáo về sứ mệnh của con người.

Chúng ta phải chấp nhận rằng sự hiểu biết của chúng ta về thế giới chung quanh còn quá thiển cận, hời hợt và nông cạn. Tâm trí và sự học biết của chúng ta bị giới hạn trong tất cả mọi lãnh vực cuộc sống. Chúng ta chỉ thông giỏi quanh quẩn trong vấn đề công ăn việc làm hằng ngày. Chúng ta dễ bị cám dỗ nhảy qua các lãnh vực chuyên môn khác để chỉ trích phê bình và kết án. Chúa Giêsu kể câu truyện của hai người lên đền thờ cầu nguyện, người biệt phái và người thu thuế. Nghe kìa người biệt phái vỗ ngực: Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia (Lc 18, 11). Thái độ của ông biệt phái là tự khoe và tự kiêu. Ông chưa nhận biết sự yếu đuối lỗi lầm của mình, mà đã đi xét đoán người khác. Chúng ta thường hay rơi vào thái độ giống như thế khi chê bai, xét đoán hay suy bụng ta ra bụng người.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta đánh giá người khác theo sự xuất hiện bên ngoài qua chức tước, danh tánh, địa vị, bằng cấp, học vị hoặc qua cách ăn mặc, dáng vẻ… tất cả mọi chức vị chỉ là cái danh tạm của đời này. Chức vụ và địa vị có khuynh hướng làm gia tăng cái tôi của người ta. Cái diện mạo hào nhoáng bên ngoài không phải là cái nhân tâm thật trong hồn. Thiên Chúa nhìn thấu tỏ tâm can từng người. Hiện diện trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là con người trần trụi. Chúa chẳng xét đoán chúng ta qua chức vụ nhưng qua việc phục vụ. Chúng ta cần nhận diện rõ con người tội lỗi, thiếu xót và yếu đuối của mình. Người thu thuế đấm ngực cầu xin: Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’ (Lc 18, 13). Đôi khi chúng ta cũng giống như người thu thuế tội lỗi có đầy khiếm khuyết nhưng lại hay đi bới móc, bắt bẻ và xét đoán người khác.

Chúng ta cần có tâm hồn khiêm tốn và phó thác. Thiên Chúa thấu tỏ tâm hồn mỗi người. Cầu nguyện không phải là khoe khoang kể lể truyện người, mà là dâng Chúa tâm tình ngợi khen, tạ ơn, đền ơn và xin ơn tha thứ lỗi lầm. Chúa tha thứ cho những tâm hồn biết khiêm nhượng sám hối ăn năn. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Lc 18, 14).  Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thái độ khiêm hạ sẽ thắng vượt tất cả mọi khó khăn trên đường. Người vỗ ngực xưng mình sẽ bị hạ xuống. Người biết đấm ngực ăn năn sẽ được ơn tha thứ. Người biết hạ mình là người cao trọng và đáng kính nể. Chúa thương yêu những tâm hồn đơn sơ, bé nhỏ và khiêm nhường.

Mỗi con người được vào đời với một số vố liếng riêng về khả năng, thời gian và của cải. Mỗi cá nhân góp một phần rất nhỏ trong việc tìm tòi và khám phá ra những kho tàng đã được ẩn dấu trong vũ trụ và đời sống con người. Không có ai sở hữu sự khôn ngoan hiểu biết toàn diện. Mỗi người được học hỏi nghiên cứu một phần rất nhỏ trong tất cả kho tàng hiểu biết của nhân loại. Trải qua bao đời, nhân loại kết thành một đại gia đình chung sống và truyền đạt khả năng nối tiếp. Xã hội con người đã thu góp được một gia tài tri thức vĩ đại về mọi môn ngành và lưu truyền sự hiểu biết cho các thế hệ. Đây là một gia tài chung cho cả nhân loại mọi nơi và mọi thời.

Suy tư để chúng ta khiêm nhường nhận diện ra sự hiểu biết nhỏ nhoi của chính mình. Hiện nay trên thế giới có trên 7 tỷ người. Mỗi người là một thế giới riêng tư được phú bẩm nhiều khả năng. Trong khi mỗi người chúng ta chỉ học biết được một chút xíu trong muôn sự ở đời. Khả năng của mỗi chúng ta chỉ giới hạn trong một vài vấn đề chuyên môn. Chúng ta phải chấp nhận rằng tất cả đều có giới hạn: Về khả năng, ngôn ngữ và sự hiểu biết. Thí dụ: Trong các thư viện có cả triệu triệu cuốn sách nghiên cứu, hỏi rằng chúng ta đã đọc được mấy cuốn? Có cả ngàn môn học chuyên môn, chúng ta học biết được mấy môn? Có hàng ngàn các ngành nghề, ta biết được mấy nghề? Chúng ta cần học hỏi mỗi ngày vì kho tàng sự hiểu biết thì vô tận. Tốt nhất mỗi người hãy chu toàn sứ vụ riêng của mình. Không nên dây dưa xét đoán và kết án những truyện mà chúng ta chưa biết hoặc chẳng biết đầu đuôi.

Mở mắt thức dậy, một ngày mới có cả triệu tờ báo phát hành, ngàn đài truyền hình, phát thanh và có muôn vàn tin tức trên mạng khắp trên thế giới. Chúng ta đọc, nghe, xem và hiểu được bao nhiêu thông tin? Thật là qúa ít ỏi! Khi chúng ta đọc, nghe một bài báo hay một bài bình luận, chúng ta chẳng quen biết tác giả là ai hay họ thuộc phe phái nào và có định hướng gì. Tác giả viết bài báo đó đã biết được bao nhiêu phần trăm sự thật. Biết rằng mỗi nhà báo cũng chỉ nhìn được một vài khía cạnh khác nhau của vấn đề. Khi đọc báo, chúng ta cũng cần phải cẩn thận chọn lựa, suy xét và nhận định cho rõ, kẻo lại bị dẫn vào sự sai lạc. Vì tác giả nào cũng muốn đánh bóng bài viết của mình theo chủ trương của chủ tòa soạn. Nếu may mắn, chúng ta có thể lướt mạng hay đọc qua một hai tờ báo và biết vài thông tin, như thế tưởng rằng mình đã biết đủ những gì xảy ra trên thế giới. Thật ra sự hiểu biết của chúng ta là chỉ như một hạt cát trong sa mạc. Vậy mà đôi khi chúng ta huênh hoang tự kiêu, tự đắc và khoe khoang hiểu biết rộng rãi hơn người.

Thánh Phaolô bỏ lại sau lưng tất cả những danh dự hào nhoáng của kẻ có quyền nạt nộ và bách hại các Kitô hữu. Khi được ơn đổi đời, Ngài đã khôn ngoan chọn một con đường, con đường chính thật làm chứng nhân cho Chúa Kitô phục sinh. Ngài đã phấn đấu không ngừng cho đến giây phút cuối của cuộc đời: Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin (2Tm 4, 7). Phaolô chờ đón một phần thưởng đời đời là triều thiên không hề hư nát, một đia vị không thay đổi và sự sống mãi muôn đời bên Đấng ban sự sống:  Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha: Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện (2Tm 4, 8).

Lạy Chúa, chúng con yếu đuối, đầy tính hư, tật xấu và tội lỗi. Chúng con chỉ biết đấm ngực ăn năn, xin Chúa thương tha thứ. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31