CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM B: LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA GỌI

Written by xbvn on Tháng Một 16th, 2015. Posted in Năm B, Nguyễn Văn Nội

 [1 Sm 3,3b-10.19; 1 Cr 1, 6-15.17-20; Ga 1, 35-42]

 I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

Sau Mùa Giáng Sinh, Phụng vụ của Hội Thánh triển khai những hệ quả hay hoa trái của mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm Ngôi Lời đã sinh ra làm người và ở giữa loài người để đem hạnh phúc cho mọi người. Một trong những hệ quả hay hoa trái ấy là nhiều người được Thiên Chúa mời cộng tác với Người trong công trình cứu chuộc. Thế nhưng muốn nhận được lời mời thì phải biết lắng nghe tiếng Chúa gọi.

Các bài Sách Thánh của Chúa Nhật II Thường Niên hôm nay tập trung vào ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho Sa-mu-en, Gio-an, An-rê và Phê-rô và tất cả các Ki-tô hữu. Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa gọi và chọn làm ngôn sứ của Thiên Chúa và làm môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa không chỉ gọi chúng ta một lần, mà Người gọi chúng ta nhiều lần, trong mỗi ngày, mỗi giờ. Vì thế việc lắng nghe tiếng Chúa gọi là vô cùng quan trọng. Có nghe được tiếng Chúa gọi, chúng ta mới có thể đáp lại tiếng gọi ấy một cách tương xứng.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (1 Sm 3,3b-10.19): Thiên Chúa gọi ông Sa-mu-en.

(3) Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. (4) Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!”  (5) Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. (6) Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” (7) Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. (8) Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé.  (9) Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. (10) Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en ! Sa-mu-en !” Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (19) Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.

 2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 6,13c-15a.17-20): Ý nghĩa của thân xác con người.

 (13) Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. (14) Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. (15) Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?  (17) Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. (18) Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. (19) Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

 2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 1,35-42): Các môn đệ đầu tiên.

(35) Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”  (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.  (38) Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” (39) Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

(40) Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói:  “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

 III. KHÁM PHÁ DUNG MẠO VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

3.1 Dung mạo của Thiên Chúa trong ba bài Sách Thánh:

1o) Thiên Chúa mà Sách Sa-mu-en quyển thứ nhất (1 Sm 3,3b-10.19) tường thuật  là một Đấng Thiên Chúa đã thân hành đến gặp cậu bé Sa-mu-en ban đêm trong khi cậu ngủ và gọi cậu bé nhiều lần, cho đến khi cậu hiểu ra rằng đó là tiếng gọi của Thiên Chúa và có lời đáp trả thỏa đáng: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe!” Dĩ nhiên là ngôn sứ Ê-li có vai trò rất quan trọng trong việc giúp Sa-mu-en nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa và biết đáp trả tiếng gọi ấy một cách đẹp lòng Thiên Chúa.

2o) Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô (1 Cr 6,13c-15a.17-20) muốn cho tín hữu Cô-rin-tô và hết thẩy các tín hữu nhận biết là một Đấng Thiên Chúa đã làm cho Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết và cũng sẽ làm cho tất cả mọi người sống lại. Vì thế Thiên Chúa có quyền làm chủ cả hồn cả xác chúng ta, vì Người “đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” và đã làm cho chúng ta trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Do đó cả hổn cả xác chúng ta không còn thuộc về chúng ta nữa mà đã thuộc trọn về Thiên Chúa đã là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta chỉ có thể dùng thân xác mình mà phụng sự Thiên Chúa chứ không được dùng thân xác mà gian dâm vì gian dâm là tội nặng vừa xúc phạm đến chính mình vừa xúc phạm đến Thiên Chúa.

3o) Thiên Chúa mà Thánh Gio-an (Ga 1,35-42) muốn giới thiệu với thế giới là Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng được Gio-an Tiền Hô giới thiệu với hai môn đệ thân tín (nhất) của ông là An-rê và Gio-an. Gio-an Tiền Hô giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” hàm ý muốn nói: Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng có sứ mạng hiến dâng mình làm của lễ toàn thiêu thay cho nhân loại để cứu chuộc nhân loại. Người bắt đầu thực hiện sứ mạng ấy bằng việc chiêu mộ các môn đệ. An-rê và Gio-an là hai môn đệ đầu tiên. Kế đến là Si-mon được anh mình là An-rê đem đến giới thiệu với Đức Giê-su và đã được Chúa Giê-su chấp nhận và đổi tên cho ông thành Phê-rô (nghĩa là Đá).

 3.2 Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh:

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta làm ngôn sứ và làm môn đệ và trông đợi ở mỗi người chúng ta lời đáp trả tương xứng.

Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra Người, nghe thấy tiếng gọi của Người (trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta) mà đáp trả bằng cách bước theo Người, thi hành sứ mạng Người giao phó như Sa-mu-en, Gio-an, An-rê và Phê-rô.

 IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Chúa như con cái sống với cha mẹ, như đệ tử sống với Thầy, như kẻ được gọi và được chọn với Đấng gọi và chọn: Sống các mối tương quan trên trong tâm tình yêu mến, kính trọng và gắn bó mật thiết.

4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là nhận ra tiếng Chúa gọi và đáp lại tiếng gọi ấy như Sa-mu-en: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”

Để nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần

(a) tỉnh thức,

(b) thinh lặng nội tâm, vì Thiên Chúa chỉ nói trong thinh lặng như Chân Phước Tê-rê-xa thành Cal-cut-ta đã nhắn nhủ.

(c) khả năng phân biệt và chọn lựa lời mời gọi của Thiên Chúa và từ khước lời mời gọi của tạo vật hay của bản thân mình tức lời mời gọi của dục vọng, của cải, quyền lực và vinh hoa trần thế.

– Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay còn là tin vào lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả và của các ngôn sứ xưa và nay mà tìm đến và ở lại với Chúa Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” như An-rê và Gio-an: “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.”

Để gặp gỡ và ở lại với Chúa Giê-su, chúng ta cần

(a) một tấm lòng đơn sơ, khát khao,

(b) sự nhẫn nại và

(c) chấp nhận cuộc phiêu lưu mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

 [Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian để họ biết lắng nghe Lời Chúa mà sống lương thiện và đạo đức xứng danh con người là tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Sa-mu-en thưa: “Dạ, con đây!» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người biết đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa như cậu bé Sa-mu-en.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Các anh tìm gì thế? – Thưa Thầy, Thầy ở đâu?Đến mà xem – Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, có được mối tương quan và sự hiểu biết riêng tư, thân mật và sâu đậm với Thiên Chúa!

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bạn trẻ công giáo cũng như không công giáo, để họ biết quý trọng, giữ gìn và bảo vệ thân xác mình cho xứng danh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31