CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM B : ÂN SỦNG VÀ LÒNG TIN

Written by xbvn on Tháng Ba 14th, 2015. Posted in Năm B, Nguyễn Văn Nội

[2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

Thánh Au-gus-ti-nô đã có một câu nói trứ  danh đại khái như thế này: “Thiên Chúa dựng nên con thì chẳng cần con, nhưng Thiên Chúa lại cần con khi muốn cứu con.”  Câu nói ấy chứa đựng một chân lý ngàn đời của Ki-tô giáo: “Ân sủng và lòng tin”  là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống Đức Tin và Ơn Cứu Rồi. Đó cũng chính là ý nghĩa của ba bài Thánh Kinh mà Mẹ Hội Thánh cho chúng ta đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B này.   

Ân sủng và lòng tin là hai yếu tố thiết yếu tạo nên Ơn Cứu Độ. Không có Ân sủng, không có Ơn Cứu Độ. Nhưng không có lòng tin cũng không có Ơn Cứu Độ. Ân sủng là của Thiên Chúa, Người ban cho con người “một cách nhưng không”. Lòng tin là sự đáp trả hay phần đóng góp của con người, nhưng cũng do tác động của ân sủng. Thật là sự hợp tác kỳ diệu và tuyệt vời giữa Đấng Tạo Hóa và con người tạo vật trong việc đem hạnh phúc thật đến cho loài người là chúng ta!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc (2 Sb 36,14-16.19-23): Cơn thịnh nộ và lòng thương xót của Chúa.

(14) Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế.  (15) Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. (16) Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

(19) Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giê-ru-sa-lem, phóng hỏa đốt các lâu đài trong thành và phá hủy mọi đồ đạc quý giá. (20) Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-by-lon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị. (21) Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.

(22) Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba Tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí  Ky-rô, vua Ba Tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau:  (23) “Ky-rô, vua Ba Tư, phán thế này:  ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên …!”

2.2 Trong bài đọc 2 (Ep 2,4-10): được cứu độ nhờ ân sủng.

(4) Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, (5) nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! (6) Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

(7) Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. (8) Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; (9) cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. (10) Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 3,14-21): Ai tin vào Con Một thì được cứu độ.

(14) Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. (19) Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. (20) Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.  (21) Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

(1°) Trong bài đọc 1 (2 Sb 36,14-16.19-23), chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa là Đấng yêu thương và quảng đại như thế nào đối với dân Ít-ra-en: dù dân và những người lãnh đạo của dân có phản bội, bất trung, bất nghĩa thế nào đi nữa thì Chúa vẫn một mực yêu thương và thứ tha cho họ. Để lôi kéo dân trở về, Thiên Chúa sai các sứ giả đến dạy dỗ hướng dẫn dân. Thiên Chúa còn dùng cả nhà vua Ba Tư để thực hiện chương trình cứu độ của Người.

(2°)  Trong bài đọc 2 (Ep 2,4-10) Thánh Phao-lô Tông đồ xác định một điều hết sức quan trọng và cốt yếu trong giáo lý và thần học Ki-tô giáo: con người được cứu là nhờ lòng thương vô bờ bến của Thiên Chúa tức nhờ ơn sủng mà Thiên Chúa rộng lượng ban “không” cho con người, chứ không phải do công lao của con người. Nhưng nói thế không có nghĩa là con người không “có phần” trong đó. Phần của con người và là phần không thể thiếu là lòng tin, là sự đáp trả trước tấm lòng yêu thương và ân ban của Thiên Chúa.

(3°)Trong bài Tin Mừng (Ga 3,14-21) Thánh Gio-an kể lại những lời khẳng định của Chúa Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, một bậc thày trong dân Ít-ra-en thời Chúa Giê-su, về điểm cốt lõi của Ki-tô giáo: Vì yêu thương loài người, Thiên Chúa đã ban Con Một Người cho thế gian để những ai tin vào Người thì được cứu!

Cũng là ân ban và lòng tin. Ở nơi nào hai yếu tố này gặp nhau thì ở nơi ấy phát sinh ơn cứu độ.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người / mỗi cộng đoàn chúng ta hãy:

      đón nhận Ơn Sủng của Thiên Chúa

      & đáp lại Tình Thương của Người

          bằng việc TIN vào Con Một của Người là Chúa Giê-su Ki-tô!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là mở rộng tâm hồn và cuộc sống để Thiên Chúa đổ tràn Ơn Sủng của Người vào đó. Tâm hồn và cuộc sống của chúng ta càng rộng mở với Thiên Chúa thì chúng ta càng hứng được nhiều ơn sủng của Người.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa là đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa bằng một lòng tin sắt son vào Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô.

Vì thế mà mỗi người và mỗi cộng đoàn hãy tự hỏi:

* Tôi/Chúng ta có thật sự tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa không?

* Tôi/Chúng ta phải thay đổi gì trong cách suy nghĩ và hành động để tăng thêm lòng tin vào Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô?

* Tôi/Chúng ta có mở rộng tâm hồn và cuộc sống của mình để đón nhận Ơn Chúa không?

* Trong tâm hồn và cuộc sống của tôi/chúng ta hiện có gì đang ngăn cản không cho Ơn Chúa đổ vào?

* Tôi/Chúng ta phải làm gì để khai thông cho Ơn Chúa đổ vào tâm hồn và cuộc sống của mình?

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời..» Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho mọi người mọi dân nước ơn sớm nhận ra tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa, ý thức sâu sắc về việc mình được cứu độ là nhờ ân sủng “nhưng không” do Thiên  Chúa ban.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, càng ngày càng yêu mến sự thật và sống trong ánh sáng của chân lý.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Ánh sáng đã đến thế gian» Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới này, để họ tìm đến với ánh sáng của Thiên Chúa trong khi thi hành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước của họ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.    

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

 

Bản gợi ý xét mình xưng tội của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Mùa Chay

WHĐ (28.02.2015) – Trong Mùa Chay, người Công giáo luôn được khuyến khích đến với bí tích Giải tội. Để giúp các tín hữu xét mình chuẩn bị xưng tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số gợi ý.

Sau khi giải thích ngắn gọn về lý do tại sao cần phải xưng tội –“bởi vì chúng ta đều là những người tội lỗi”– Đức Thánh Cha đặt 30 câu hỏi cho việc xét mình để có thể xưng tội “cách tốt nhất”.

Bản hướng dẫn xét mình này là một phần của tập sách 28 trang bằng tiếng Ý do nhà xuất bản Vatican phát hành. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 50.000 tập sách cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 22 tháng Hai vừa qua, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay.

Tập sách có nhan đề “Hãy bảo vệ tâm hồn”, nhằm giúp các tín hữu có thêm sức mạnh bước vào cuộc chiến đấu chống lại sự dữ và chọn sự lành.

Tập sách gồm những điều căn bản trong đạo: Kinh Tin Kính, các ơn Chúa Thánh Thần, Mười Điều Răn và Tám Mối Phúc Thật. Sách cũng giải thích về bảy bí tích và lectio divina –một cách cầu nguyện bằng Kinh Thánh– để nghe được rõ hơn  “Chúa muốn nói gì với chúng ta” và  “để chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi”.

Nhan đề của cuốn sách lấy ý từ một bài giảng trong Thánh lễ ban sáng của Đức Thánh Cha, trong đó ngài nói rằngngười Kitô hữu phải gìn giữ và bảo vệ tâm hồn mình, “cũng giống như bảo vệ ngôi nhà – bằng một ổ khóa”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Những tư tưởng xấu, những ý định xấu,  những ganh tị và thèm muốn có hay vào nhà chúng ta không? Ai mở cửa cho chúng? Làm cách nào chúng vào được?”

Bài giảng trong Thánh lễ hôm 10-10-2014, cũng được trích in trong tập sách này, nói rằng cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn là xét mình mỗi ngày, để xem mình đã làm điều gì xấu, đã thiếu sót điều gì tốt đối với Chúa, với tha nhân và vớichính mình.

Một số câu hỏi gợi ý trong bản hướng dẫn xét mình như sau:

– Tôi có trở về với Chúa khi tôi gặp khốn khó không?

– Tôi có tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?

– Tôi có cầu nguyện sáng tối không?

– Tôi có hổ thẹn khi tỏ mình là người Kitô hữu không?

– Tôi có đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa không?

– Tôi có ganh tị, nóng nảy, thiên kiến không?

– Tôi có trung thực và công bằng với mọi người hay tôi cổ võ cho “nền văn hóa vứt bỏ” ?

– Trong các mối tương quan hôn nhân và gia đình, tôi có sống đạo đức như Phúc Âm đã dạy không?

– Tôi có kính trọng cha mẹ không?

– Tôi có chối bỏ cuộc sống mới được tượng thai không? Tôi có tiêu huỷ hồng ân sự sống không? Tôi có cộng tác vào việc ấy không?

– Tôi có tôn trọng môi trường không?

– Tôi có vừa theo Chúa vừa theo thế gian không?

– Tôi có quá độ trong việc ăn uống, hút thuốc và giải trí không?

– Tôi có lo lắng quá mức về đời sống vật chất và của cải không?

– Tôi sử dụng thời giờ như thế nào? Tôi có lười biếng không?

– Tôi có đòi người khác phải phục vụ mình không?

– Tôi có mong muốn báo thù, nuôi dưỡng thù hận không?

– Tôi có hiền lành, khiêm tốn và xây dựng hòa bình không?

Đức Thánh Cha nói, người Công giáo cần phải xưng tội, bởi vì ai cũng cần được tha thứ tội lỗi, tha thứ những cách“chúng ta suy nghĩ và hành động trái với Phúc Âm”.

“Ai bảo mình vô tội thì người ấy là kẻ nói dối hoặc bị mù”.

Xưng tội chính là lúc hoán cải chân thành, là lúc bày tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng sẵn sàng tha thứ cho con cái mình và giúp chúng quay về con đường theo bước Chúa Giêsu.

 

(CNS)

Minh Đức

 

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31