CHÚA NHẬT IV TN C: HÀNH TRÌNH KHÔNG CÔ LẺ

Written by xbvn on Tháng Hai 1st, 2013. Posted in Cao Huy Hoàng, Năm C

CN 4 TN C 2013 (Giêrêmia 1, 4-5, 17-19, Lc 4, 21,30)

Thiên Chúa luôn tác động, song hành và quan phòng gìn giữ các Ngôn Sứ của Người để họ can đảm rao truyền Lời Chúa, dù gặp khó khăn, trắc trở, bách hại. Giê-rê-mi-a tự thuật Lời Thiên Chúa về ơn gọi làm Ngôn Sứ của mình như sau:

“Trước lúc tượng hình trong dạ mẹ, Ta biết ngươi và thánh hiến ngươi rồi. Ta đặt Ngươi làm ngôn sứ. Hãy đi khắp muôn nơi và nói cho thế giới Lời Ta truyền dạy. Đừng nhát đảm hay chùn chân, khiếp hãi, Bởi nơi ngươi Ta xây vững thành trì. Cột sắt đúc, vách thành đồng, thì sá chi, vì kẻ chống đối không mảy may thắng được. Vì Ta ở cùng Ngươi, đi cùng trong từng bước, để giải thoát ngươi khỏi mưu chước gian tà”.

Thân phận Ngôn Sứ của Đức Giêsu cũng vậy, nếu không nói là còn bi tráng hơn. Cả trình thuật lần về quê hương Nadarét để rao giảng Tin Mừng hôm nay, đã cho thấy gần như toàn bộ hành trình Ngôn Sứ của Ngài.

Nghe Chúa Giêsu giảng, phút đầu, kẻ thán phục, người ngỡ ngàng rằng kiếm ở đâu ra một con người tài ba xuất chúng thế. Thế nhưng, khi nhận ra con người ấy là Giêsu, con trai ông thợ mộc trong làng, thì họ tỏ ra xem thường Người, phẫn nộ, đuổi xua và thậm chí, còn muốn ám hại Người nữa.

Vâng chuyện xưa nay vẫn vậy. Con mắt trần gian vẫn nhìn người qua thân thế, nguồn gốc. “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Há lẽ ông thợ mộc Giuse nghèo hèn thinh lặng kia lại có thể có một đứa con tuyệt vời như vậy sao ? Tính ganh tỵ của con người vẫn không ưa ai hơn mình, có khi ngay cả người nhà: “Người nhà chẳng thích người nhà, lắm tài nhiều đức khôn ra với đời”. Đáng lý phải tự hào, phải hãnh diện về người nhà, người làng mình chứ. Người cùng quê hương, làng xóm với Chúa Giêsu không thể chấp nhận trong làng quê mình lại có người tài giỏi, xuất chúng hơn người. Họ quên rằng, nếu không có cái gốc rạ, thì chẳng có cây lúa, nếu không có cây lúa, thì chẳng có hạt lúa, hạt cơm.

Vâng, còn đó, cái gốc rạ, một đời làm chân cho cây lúa, một đời nặng nhọc, vất vả, rồi tàn úa, từ thuở lúa trổ đòng đòng, đến chắc hạt vàng bông. Thử hỏi ai đã từng quí hạt gạo trắng trong, thì quên sao những đêm mưa, bềnh bồng cây lúa ? Ai đã từng nức nở khen cánh đồng mướt xanh như lụa, lại có thể vô tình xem gốc rạ vô công ?

Cũng vậy, Con Chúa xuống làm người, và làm người con trong gia đình có cái gốc rạ là cô thợ may, anh thợ mộc. Về Nadarét, nghe ai đó mắng vốn thật đau, hẳn thiếu điều Người bật khóc thương cho họ đã không hiểu thấu mầu nhiệm kiếp người của Con Thiên Chúa là được sinh ra vì hạnh phúc cuộc đời, được sai đi ban Lời tình muôn thuở. Và vì thế, họ không đón nhận, họ từ chối, phẫn nộ, đuổi xua. Họ không biết “cái gốc rạ” của Đức Giêsu ở trên Trời.

Trước thái độ của người Do Thái ở làng Nadarét, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa Cha, chương trình cứu chuộc nhân loại. “Người  băng qua giữa họ mà đi”, vì Tin Mừng không chỉ dành riêng cho Người ở quê hương Ngài, ở Do Thái, mà là Tin Mùng cho muôn dân tộc, cho cả và thiên hạ.

Chúa Giêsu đã rẽ lối, đi về phía xa vời, cho muôn nước, cho mọi thời rạng ngời Lời Cứu Thế. Người vẫn biết số phận Ngôn Sứ là không ai có thể được vinh dự gì nơi cắt rốn chôn nhau. Hẳn là, Người cũng bỏ lại đằng sau bao kỷ niệm luyến thương nơi quê hương ngày thơ bé để bước vào đường thênh thang mà hành trình không cô lẻ, bởi Thánh Linh cùng Người hiên ngang bước Cứu Thế rạng ngời.

Vâng,

Tin Mừng không ưu tiên cho đồng hương, nhưng ưu tiên cho người hân hoan đón nhận. Tin Mừng không ưu tiên cho trí thức, nhưng ưu tiên cho kẻ thành tâm khiêm cung.

Chiếc áo của Tin Mừng không sang trọng lụa là gấm vóc, nhưng là tình yêu thương che ấm những cuộc đời tang tóc điêu linh. Lời thân thưa của Tin Mừng không chuốt ngót, cũng chẳng rẻ khinh, nhưng chân thật tự tấm lòng yêu không hề gian dối.

Bước đi của Tin Mừng không ngại dấn thân vào trong hẻm tối, nhưng can đảm thắp lên niềm tin nơi chán chường, lầm lỗi, diệt vong. Niềm vui của Tin Mừng không chỉ một lóe sáng cõi hư không, nhưng chiếu dọi vạn hào quang rực hồng muôn năm hằng hữu.

Thời gian của Tin Mừng không tính năm tính tuổi, nhưng là vĩnh cửu, là vô hạn vô biên

Ai có thể cầm chân Tin Mừng trong thánh thất, trong đền thiêng, mà không ngộ ra Tin Mừng đã bước đến muôn miền thế giới ? Ai có thể bắt bớ, bỏ tù ngàn ngàn Ngôn Sứ, mà che mắt nhìn cánh đồng vàng muôn tín hữu thành tâm ?

Con Thiên Chúa đến trần gian rất đỗi âm thầm, rồi hiên ngang bước đi gieo Tin Mừng nguồn sống mới. Người đã đi giữa mũi đạn làn tên chống đối, vẫn hùng anh chết để phục sinh cho nên trọn Tin Mừng.

Lạy Chúa, chúng con, những tín hữu thi hành sứ vụ Ngôn Sứ trong đời thường cũng không tránh khỏi bao làn tên mũi đạn. Xin cho chúng con lòng kiên vững làm chứng rằng Ơn Cứu Chuộc của Thiên Chúa đang dành cho tất cả những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng, đón nhận Đức Giêsu. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 30.1.2013

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30